THỰC TẬP TỐT NGHIỆP K66 NGÀNH VĂN HÓA HỌC

Thứ năm - 02/01/2025 09:18
Thầy trò chúng tôi khởi hành đến Hội An - thương cảng sầm uất một thời của dải đất miền Trung, với tất cả niềm háo hức, mong chờ như câu ca thân thuộc: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm - Rượu hồng đào chưa nhấm đã say..."
       Bắt đầu từ Ga Hà Nội, sau hơn 20 tiếng trên tàu hoả và di chuyển bằng ô tô từ Đà Nẵng vào Hội An, chúng tôi đã tới mảnh đất này. Hội An với những con phố cổ kính, những dãy nhà rêu phong và dòng sông Hoài thơ mộng, đây là một bức tranh tuyệt đẹp mà chúng tôi khó có thể quên. Suốt những ngày thực tập, thời tiết dường như không ủng hộ chúng tôi lắm khi mưa liên tục không dứt. Tuy nhiên dưới cơn mưa, từng nhóm chúng tôi vẫn chia nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày đi khảo sát dù có chút mệt, nhưng vui vô cùng. Được khám phá và trải nghiệm văn hoá mới, được gặp gỡ những con người rất thân thiện, gần gũi tại vùng đất này, được áp dụng những gì mình đã được học vào thực tế cuộc sống, được thử làm một người khám phá, tìm hiểu về một chủ đề văn hoá ở một vùng đất mới; được ăn cùng nhau, ở cùng nhau, đi cùng nhau, học hỏi lẫn nhau để hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn.... Đó là những "sàng khôn" quý báu cho tất cả chúng tôi.

      Đến Hội An, đoàn thực tập chúng tôi được chia ra ở chính tại homestay Quỳnh Châu và một số homestay cận kề; đủ để chúng tôi có thể sinh hoạt “tương đối” tập trung theo lịch trình của đoàn, và đặc biệt là duy trì bữa ăn tập trung cùng nhau vào mỗi tối. Đoàn chúng tôi được chia thành 3 nhóm lớn và đi khảo sát tại 3 làng khác nhau; đó là các làng Kim Bồng, Trà Quế, Thanh Hà. Mỗi nhóm được chia 14 -15 thành viên, do thời tiết mưa nhiều nên chúng tôi không thể đi thăm quan được những làng nghề khác, chỉ có thể tập trung vào công việc của nhóm tại địa bàn đã được phân công. Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện các buổi khảo sát và phỏng vấn người dân địa phương, thu thập được nhiều tư liệu về lịch sử hình thành làng nghề, đời sống kinh tế xã hội, những phong tục, tập quán, nghề truyền thống và các lễ hội đặc sắc của  làng. Từ đó giúp chúng tôi hiểu thêm về sự gắn bó giữa con người và văn hóa, cũng như  nhận ra giá trị bền vững của các làng nghề truyền thống nơi đây. Chúng tôi cũng có cơ hội tham gia trực tiếp vào một số hoạt động như làm gốm, làm đèn lồng, khắc trên gỗ, đan sợi, nấu các món ăn đặc sản của địa phương, làm đất và tưới rau tại những ruộng rau xanh mướt.... Việc tự tay trải nghiệm các công đoạn này giúp chúng cảm nhận được sự tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon, đặc sản như “Cao Lầu”, “Mì Quảng”, thưởng thức món bánh mì Phượng, cơm gà phố Hội... nổi tiếng mà trước khi đi chúng tôi đã rất muốn thử. Kết thúc những ngày khảo sát trong mưa, chúng tôi đã có buổi báo cáo kết quả với lãnh đạo địa phương của các làng về những kết quả đã khảo sát được và được đánh giá cao. Các lãnh đạo ở địa phương không chỉ ghi nhận kết quả khảo sát của chúng tôi mà còn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của chúng tôi như những du khách đến trải nghiệm tại làng nghề để có thể cải thiện hơn nữa các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng đông đúc, đa thành phần, đa quốc tịch đến nơi này.


 
1
Nhóm thực tập báo cáo tại UBND xã Cẩm Kim, TP. Hội An
 
2
Nhóm thực tập báo cáo tại UBND Phường Thành Hà, TP. Hội An

      Quay trở lại thời gian khi mới đặt chân đến Hội An, chúng tôi đều rất bỡ ngỡ vì sự khác biệt về giọng nói, văn hóa; nhưng những điều đó lại khắc sâu trong tâm trí của mỗi thành viên khi kết thúc chuyến đi, khi về lại thấy nhớ giọng nói đó.

     Thật lòng mà nói, cho đến tận khi đặt những bước chân đầu tiên tới địa bàn khảo sát, tôi vẫn còn rất lúng túng, lo lắng, phần vì sợ sự khác biệt trong tiếng nói, phần vì không biết phải bắt đầu phỏng vấn ai. Chúng tôi vào làng và đi xung quanh một lần. Và trong lúc chưa biết phải làm thế nào, chúng tôi quyết định làm quen và đi theo một cô là người dân địa phương, cô dẫn chúng tôi đến cơ sở làm gốm của cô Hồng và cô Hoa, và chúng tôi đã thu được những kết quả đầu tiên. (Đỗ Thái Bình, K66 Văn hóa học)
     Điều bất ngờ đầu tiên đối với bản thân em chính là về giọng nói, do văn hóa cũng như theo vùng miền nên ban đầu phản ứng đầu tiên của em nghe và hiểu không rõ các cô chú vừa nói gì, nhưng đến những ngày sau em đã nhanh chóng hòa hợp nghe dễ hơn và có vài bạn còn học nói theo. (Nông Thị Ánh Tuyết, K66 Văn hóa học).

   
  Dù suốt chuyến đi thời tiết không ủng hộ, có sự khác biệt về giọng nói nhưng điều tuyệt vời nhất đọng lại trong tâm trí của chúng tôi trong suốt chặng đường thực tập đó chính là con người, mảnh đất Hội An.

      Trong suốt quá trình khảo sát tại làng gốm, tôi đã gặp và nói chuyện với nhiều người khác nhau, cả người lớn và trẻ nhỏ, cả những cụ già đã lớn tuổi. Điểm chung mà tôi nhận thấy họ đều là những con người vô cùng thân thiện, niềm nở và vô cùng chất phác. Ở gần họ tôi nhận thấy đôi lúc họ trầm lặng nhưng sẽ có lúc họ năng động, nhịp sống nơi đây trở nên nhanh và hối hả hơn so với ngày đầu tôi đặt chân đến. Con người nơi đây sao dễ mến, thân thương đến vậy. (Bùi Thị Ánh, K66 Văn hóa học)
      Câu chuyện em rất nhớ đó là khi chúng em mới đến đang loanh quanh trong làng Gốm thì đã có chú nhìn thấy chúng em loay hoay nên đến hỏi han nhiệt tình và giới thiệu những người có kinh nghiệm cho chúng em thậm chí là chỉ nhà để chúng em đến phỏng vấn. Ban đầu em có hơi lo lắng vì sợ vì không biết có thể tìm ai để phỏng vấn nhưng sau khi được giúp đỡ em nhận ra rằng: “con người nơi đây thật nhiệt tình, đáng quý quá. (Nông Thị Ánh Tuyết, K66 Văn hóa học)

 
3
Nhóm thực tập được người dân mời ăn bữa cơm tại Làng Trà Quế

        Những ngày cuối chuyến thực tập, chúng tôi được đến thăm Di sản văn hoá thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và Bảo tàng điêu khắc Chăm ở thành phố Đà Nẵng. Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu về lịch sử và những giá trị văn hoá quý báu còn lưu giữ tại di tích. Ngày đến tham quan tại Thánh địa Mỹ Sơn, trời mưa lạnh và gió cũng khá lớn, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng ấn tượng với những đền tháp, dấu tích điêu khắc cũng như những màn trình diễn nghệ thuật do những nghệ sĩ người Chăm biểu diễn. Ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, chúng tôi được ngắm nhìn và học cách nhận biết những bức tượng thần Shiva, thần Visnu, thần Brahma cũng như rất nhiều câu chuyện thần thoại lý thú; tìm hiểu nhiều điều về lịch sử văn hóa của người Chăm. Bảo tàng rất gần Cầu Rồng nên chúng tôi cũng đã có dịp được ngắm nhìn công trình được coi là biểu tượng của thành phố này.
       Mình nhớ mãi hôm đi thăm quan Thánh địa Mỹ Sơn, mình đã phải trầm trồ thế nào về những dấu tích còn lại của một vương quốc từng có giai đoạn rất huy hoàng. Cùng với đó mình cũng không khỏi tiếc nuối vì di tích đã bị phá hủy rất nhiều do chiến tranh. (Nguyễn Lệ Kiều Diễm, K66 Văn hóa học)

 
4
Đoàn thực tập tại khu đền tháp Mỹ Sơn
 
5
Đoàn thực tập tại khu đền tháp Mỹ Sơn

       Chuyến đi thực tập không quá dài nhưng cũng chẳng quá ngắn, chúng tôi không chỉ được học tập, trải nghiệm mà còn cá nhân mỗi thành viên cũng rút được bài học, những cảm xúc đáng nhớ.
       Sau chuyến đi, em cảm thấy mình học được nhiều điều. Em hiểu rằng không phải mọi kế hoạch đều có thể diễn ra suôn sẻ, nhưng sự linh hoạt và khả năng thích nghi sẽ giúp em vượt qua những trở ngại. Cùng với đó, đôi khi những khoảnh khắc bất ngờ – như ngắm nhìn Hội An trong mưa – lại mang đến cho em những cảm xúc đặc biệt mà em không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Chuyến thực tập ở Hội An đã giúp em trưởng thành hơn, cả về mặt kỹ năng và tâm hồn. (Nguyễn Mai Phương, K66 Văn hóa học)
      Đôi khi, một hành trình không chỉ đơn thuần là những bước chân trên con đường  mới, mà còn là hành trình của tâm hồn, nơi mỗi người tự khám phá giới hạn của bản  thân và tìm thấy những bài học ý nghĩa. (Trần Ngọc Ánh, K66 Văn hóa học)
6
Tập thể K66 Văn hóa học và thầy, cô hướng dẫn chụp ảnh kỷ niệm tại Chùa Cầu

        Cuối cùng, chúng em xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới Khoa và Nhà trường đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khóa K66 Văn hóa học hoàn thành chuyến đi thực tập tốt nghiệp. Chúng em cũng xin gửi lời tri ân tới các Thầy Cô của Bộ môn Văn hoá học, cũng như cô Hoàng Thị Hà Phương (NCS ngành Quản lý văn hoá) đã đồng hành và hỗ trợ cùng K66 Văn hóa học suốt chuyến đi thực tập tại Hội An vừa qua, để chúng em có thể trưởng thành hơn, gắn bó với nhau hơn, gắn bó với Khoa và Nhà trường hơn; để sau này chúng em có thể tự hào là sinh viên ngành Văn hoá học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thân yêu.
 
Hà Nội, tháng 12 năm 2024.
Tập thể K66VHH
Lớp phó: Bùi Thị Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây