LỜI GIỚI THIỆU
Có một lớp sinh viên sinh ra trong ngày vui thống nhất non sông, lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng gian khó của thời bao cấp và những năm đầu Đổi mới, nhưng lại là lớp sinh viên thành công hơn cả ở khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là lớp sinh viên Lịch sử khóa 37 (1992 – 1996), mà Đỗ Thị Hương Thảo là gương mặt tiêu biểu của khóa học đặc biệt này. Tôi có may mắn được hướng dẫn Đỗ Thị Hương Thảo từ những bài học đầu tiên ở bậc đại học, cho đến khóa luận Cử nhân, luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ, tất cả đều có liên quan đến Nho học và giáo dục Nho học ở Việt Nam thời quân chủ, nên thật xúc động và vinh hạnh khi được đọc và viết giới thiệu cuốn sách Thi Hương thời Nguyễn (qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định) do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.
Cuốn sách là kết quả của quá trình nâng cấp và hoàn thiện bản luận án Tiến sĩ đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng giải cao cho những luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất năm 2014. Như tên gọi của nó, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát hai trường thi Hương lớn của miền Bắc là trường thi Hương Thăng Long - Hà Nội và trường Nam Định, cuốn sách đã trình bày, phân tích và luận giải nhiều khía cạnh, vấn đề khác nhau của thi Hương dưới thời Nguyễn.
Việc lựa chọn phương pháp cũng như địa bàn nghiên cứu của cuốn sách là hoàn toàn hợp lý. Sách được cấu trúc thành 4 chương theo lô gích chặt chẽ, trong đó chương 1 cung cấp một cái nhìn tổng quan về thi Hương thời Nguyễn làm cơ sở đi sâu vào các nội dung quan trọng nhất là các trường thi Hương ở Thăng Long - Hà Nội (chương 2), ở Nam Định (chương 3). Lịch sử hình thành, biến đổi và hoạt động của mỗi trường thi được trình bày chi tiết, cụ thể nhằm tái hiện bức tranh thi Hương khu vực châu thổ sông Hồng... Bạn đọc sẽ thấy trong 2 chương này những phân tích cụ thể về nội dung thi Hương, cách thức chấm thi, cách thức tuyển lựa quan trường, tỷ lệ đỗ Cử nhân theo độ tuổi, quê quán và việc bổ nhiệm những người đỗ đạt… Chương 4 với tiêu đề: Một số đặc điểm thi Hương thời Nguyễn, tác giả đưa ra nhiều nhận xét khách quan, đáng tin cậy và có nhiều điểm lý thú về thi Hương của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam và mối quan hệ của khoa cử với các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội.
Ngoài việc đi sâu tìm hiểu quy trình, cách thức của các kỳ thi Hương, tác giả cuốn sách đã nhìn ra những chính sách giáo dục của các vua triều Nguyễn, nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc của bộ máy Nhà nước trải dài từ Bắc tới Nam. Điểm đáng lưu ý là trên cơ sở phân tích các số liệu về sĩ tử dự thi, về số người đỗ Hương cống/Cử nhân của 2 trường thi Hương Hà Nội và Nam Định (vào cuối thời Nguyễn, 2 trường này nhập lại thành trường Hà Nam), cuốn sách cho bạn đọc một nhận thức mới về truyền thống khoa cử của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có thể nói bằng những điều chỉnh trong chính sách, nhà Nguyễn đã thay đổi tương quan văn hóa, tương quan về tỷ lệ đỗ đạt giữa các vùng theo ý muốn của triều đình. Áp dụng chính sách đặt “giải ngạch” và nhiều chính sách khác có liên quan, nhà Nguyễn đã thành công trong việc kiềm chế số lượng người đỗ của vùng Bắc Bộ ngay từ kỳ thi Hương và tăng số người đỗ của vùng Trung và Nam Bộ. Các chính sách giáo dục của nhà Nguyễn đã giúp cho sĩ tử của Nam Bộ không phải cạnh tranh trực tiếp với sĩ tử của miền Bắc. Cùng với nó, nhà Nguyễn cũng từng bước chuyển dần ảnh hưởng của Nho giáo vào vùng đất Nam Bộ. Cuốn sách cũng cho biết từ chỗ thu hẹp số lượng người đỗ thi Hương, nhà Nguyễn đã thu hẹp cơ hội trở thành Tiến sĩ và tham gia vào tầng lớp quan lại của các Cử nhân xuất thân từ miền Bắc trong bộ máy chính quyền. Thêm nữa, cuốn sách còn chỉ ra sự khác biệt về việc bổ nhiệm những người đỗ thi Hương vào bộ máy chính quyền. Nhà Nguyễn có xu hướng ưu tiên bổ nhiệm người thuộc miền Trung và Nam Bộ hơn là các Cử nhân của đồng bằng Bắc Bộ. Cuốn sách đã trả lời được câu hỏi nghiên cứu mà chính tác giả đã đặt ra rằng liệu có hay không có chính sách giáo dục mà rộng hơn là chính sách văn hóa vùng của triều Nguyễn?.
Với khung thời gian nghiên cứu trải dài từ khoa thi Hương đầu tiên tổ chức dưới thời vua Gia Long (năm 1807) cho đến khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức ở miền Bắc Việt Nam (năm 1915), cuốn sách cũng giúp bạn đọc thấy được những thay đổi của thi Hương triều Nguyễn trước và sau khi có sự can thiệp của chính quyền Pháp. Những luận giải trong sách cho thấy mong muốn và nỗ lực níu kéo khoa cử truyền thống của triều Nguyễn cuối cùng cũng không thắng được xu thế và thực tế vận động của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây. Mặc dù vậy, ở khía cạnh nào đó, cuốn sách cũng cho biết, cho đến những năm cuối cùng của khoa cử truyền thống, số lượng người dự thi Hương ở trường Hà Nam không hề giảm sút mà còn tăng với số lượng đáng kể (dao động từ 8.000 đến 13.000 người), cho thấy tâm thức học để thi đỗ, ra làm quan đã trở thành truyền thống và vẫn duy trì mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam dù nền giáo dục Nho học đang đi đến hồi kết thúc.
Trong bối cảnh đã có nhiều công trình xuất bản về thi Hội và thi Đình, thì cuốn sách Thi Hương thời Nguyễn (qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định) của TS. Đỗ Thị Hương Thảo góp vào việc nhận diện thi cử Nho học một cách cơ bản, toàn diện và hệ thống hơn - thi Hương. Tôi hy vọng cuốn sách không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu, mà với lối trình bày rành rẽ, khoa học và khúc chiết, cuốn sách sẽ được tất cả các bạn đọc xa gần đón nhận và chân quý.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Thi Hương thời Nguyễn (qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định) của TS. Đỗ Thị Hương Thảo với bạn đọc.
Thi hương thời Nguyễn : Qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định / Đỗ Thị Hương Thảo. - H. : Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2016. -. - 417tr. ; 24cm
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Thi Hương thời Nguyễn: Một cái nhìn tổng quan về trường thi. Nội dung thi Hương. Quan trường. Sĩ tử. Chương 2: Trường thi Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử hình thành và biến đổi. Nội dung thi Hương truyền thống. Quan trường. Cử nhân. Chương 3: Trường thi Hương Nam Định và sự hợp nhất hai trường Hà Nội và Nam Định: Lịch sử hình thành và phát triển. Những biến đổi trong nội dung thi Hương truyền thống. Quan trường. Cử nhân Chương 4: Một số đặc điểm thi Hương thời Nguyễn: Các trường thi Hương – Tiếp cận so sánh. Mối quan hệ giữa khoa cử và chính trị, văn hóa, xã hội nhìn từ các trường thi Hương. Phụ lục: Bảng, bản đồ, sơ đồ, tư liệu, ảnh. |
Hà Nội, những ngày cuối năm 2016
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 10-05-2017.
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11
Thứ ba - 19/11/2024 08:11