BỘ SÁCH VIỆT NAM TRONG QUÁ KHỨ: TƯ LIỆU NƯỚC NGOÀI
Ngay từ khi Khoa Lịch sử được thành lập, các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh… đã rất coi trọng vai trò của công tác sử liệu trong nghiên cứu.
Tháng Ba năm 1965, trong bản “Đề cương xây dựng Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử”, Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn khi đó mới 28 tuổi viết: “Việc xây dựng tư liệu Khoa Lịch sử không phải chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ mà còn cần thiết cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên các năm trên khi cần tìm tài liệu làm khoá luận hay luận văn”. Giáo sư nhấn mạnh: “Một Phòng tư liệu tốt biểu hiện trình độ khoa học của chúng ta”. Giáo sư cũng đã chỉ ra hai nhiệm vụ cơ bản của những người làm công tác thông tin, tư liệu là không chỉ bảo quản tốt nguồn tài liệu hiện có mà còn phải không ngừng làm tăng thêm nhiều tài liệu, làm cho Phòng tư liệu trở nên có giá trị. Khoa Lịch sử phải coi công tác tư liệu là một công việc chuyên môn và xây dựng tư liệu nghiên cứu là trách nhiệm chung của toàn thể cán bộ trong Khoa.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Khoa Lịch sử phải đi sơ tán ở nhiều địa phương nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào các nguồn tư liệu quý của Khoa vẫn được lưu giữ cẩn trọng, chu đáo và phục vụ tích cực cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của thầy và trò. Đến nay, Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử đã có trên 10.000 đầu tài liệu bao gồm các sách chuyên khảo, luận văn, luận án của nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh; các tạp chí chuyên ngành, tư liệu lịch sử địa phương, dòng họ, các công trình khoa học, báo cáo điều tra điền dã… phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong các nguồn tư liệu đó, cùng với những sưu tập đáng kể về Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học... các pho sách cổ về lịch sử, văn hoá Việt Nam, lịch sử Trung Hoa và các tập nhật ký, du ký của người phương Tây viết về Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực là những nguồn sử liệu hết sức giá trị. Một bộ phận trong các công trình đó đã được các cán bộ dịch thuật của Khoa cùng các bậc thông hiểu Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ… biên dịch sang tiếng Việt từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong điều kiện có nhiều khó khăn lúc bấy giờ những bản dịch các nguồn tư liệu quý, các công trình nghiên cứu, tập du ký nổi tiếng đó vẫn chỉ dừng lại dưới dạng viết tay, đánh máy và càng ngày càng mai một, trở nên rất khó sử dụng.
Trước những yêu cầu đào tạo, nghiên cứu mới và để không ngừng phát triển, hiện đại hoá Phòng Tư liệu Khoa nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên trong Khoa và các ngành đào tạo liên quan đến khoa học lịch sử, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trương xuất bản một số công trình chọn lọc của các tác giả nước ngoài viết về lịch sử, văn hoá Việt Nam. Việc xuất bản này cũng nhằm ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các nhà nghiên cứu, dịch thuật đã có công gây dựng nguồn tư liệu của Khoa, đồng thời giới thiệu những công trình giá trị đó với các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc.
Đến nay, với sự quan tâm ủng hộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nhà xuất bản Thế giới, Khoa Lịch sử đã xuất bản 6/10 tập thuộc bộ sách “Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài”:
1. Jean Baptiste Tavernier: Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nhà xuất bản Thế giới, H.2005
2. William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nhà xuất bản Thế giới, H.2006
3. Chu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ ký, Nhà xuất bản Thế giới, H.2006
4. Charles B.Maybon: Những người châu Âu ở nước An Nam, Nhà xuất bản Thế giới, H.2006
5. John Barrow: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), Nhà xuất bản Thế giới, H.2008
6. G. Coedès: Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nhà xuất bản Thế giới, H.2008
Dự kiến trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục xuất bản:
1. John Kremers Whitmore: Sự phát triển của chính quyền Lê ở Việt Nam thế kỷ XV
2. Charles B. Maybon: Thương điếm Anh ở Đông Kinh thế kỷ XVII (1672 - 1697)
3. G.Maspéro: Vương quốc Chiêm Thành
4. Paul Pelliot: Nước Phù Nam
NNP
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 01-05-2010
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 22/11/2024 18:11
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11