TẤM BIA “HOA LÂM TAM BẢO THỊ” (1656) - MỘT TƯ LIỆU ĐÁNG TIN CẬY VỀ LÝ CÔNG UẨN VÀ VÙNG MAI LÂM
Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyễn Văn Thanh
Đang tập hợp tư liệu cho bài viết Chìa khóa để hiểu rõ hơn gốc tích Lý Công Uẩn thì chúng tôi gặp bản dập tấm bia này. Thấy đây là một tài liệu quí hiếm nên giới thiệu cùng các nhà nghiên cứu để có thêm chứng cứ và cùng quan tâm.
Bản dập tấm bia đã được tiến hành vào đầu thế kỉ trước và hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong tình trạng còn khá nguyên vẹn. Thời gian dập thuộc đợt một, chừng 1918 đến 1925. Kí hiệu lưu trữ là 2985/2986. Bia hoàn toàn không có dấu hiệu tẩy xóa hoặc khắc lại.
Thác bản 2 mặt, khổ 54 x 90 cm, gồm 43 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn có 1222 chữ (một số chữ viết kiểu tiểu chú, chữ rất nhỏ, mờ, khó đọc), có hoa văn, có chữ húy TRỪ. Niên đại: Thịnh Đức thứ 4 (năm 1656).
Hoa văn trán bia mặt trước khắc lưỡng long triều nhật. Mặt trời tỏa 10 tia sáng hình ngọn lửa thẳng, rực rỡ. Diềm trên đầu bia cũng hoa văn lửa xếp vòng cung. Hai diềm bên khắc hình ảnh chim (đứng, bay, liệng, đậu), hoa sen cách điệu, hoa dây và hoa cúc. Diềm dưới là các cánh sen cách điệu kết thành băng ngang. Tên bia khắc chữ khải phong cách Lê mềm mại, đóng khung trên trán bia.
Mặt sau, trán bia khắc đôi phượng chầu mặt trời dáng uyển chuyển, sinh động. Mặt trời tỏa 10 ngọn lửa sáng cong lên. Diềm hai bên và diềm trán khắc liên tục chim các tư thế, hoa sen, hoa dây, hoa cúc, phượng hoàng. Diềm chân là cánh hoa sen kết thành băng ngang. Hoa văn sắc nét, chạm trổ công phu, tỉ mỉ.
Người soạn: Họ Đồng, tên hiệu Chuyết Phu; quê quán: xã Thiết Úng huyện Đông Ngàn; chức vị: Tán trị thừa chính sứ các xứ Sơn Tây chí sĩ; tước Lai Xuyên bá.
Người viết chữ: Nguyễn Sĩ Duyên; học vị: Trúng thư toán khoa Mậu Dần, hoa văn học sinh; chức vị: tước Văn Lâm nam.
Người viết chữ: Đỗ Văn Vị; chức vị: Đô lại Bộ công; tước Văn Hương nam.
Nội dung:
Mặt trước, phiên âm:
HOA LÂM TAM BẢO THỊ
Trùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịnh minh.
Tự hữu thử thiên địa dĩ hữu thử thị khu tư. Hoa Lâm cổ tích thị nhất khu nãi tiền Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ chi danh hương dã. Khảo tỉ lăng miếu tại thị chi đông. Trinh Tiết phạm cung tại thị chi tây. Phương dân tôn phụng linh ứng mặc phù, nhi thị cư tự miếu chi trung. Thị trung quan lộ vãng lai nhân nhân tụ hội, chân đệ nhất hảo xứ dã. Tự cổ chi nhân nhật trung vi thị mỗi nguyệt lục phiên, chí sóc vọng nhật nhân giai cúng dàng hiển tích, tố hiệu vi Tam Bảo chi thị. Nhân tuần nhật cửu, kinh lịch niên đa cửu nhi tệ trùng nhi tu chung nhi phục thủy giả. Tất hữu chủng thiện đê nhân đại quyền lực, đại kỳ lão, vi năng hội kiến, phương kim tứ phương ninh mịch, vạn thiện lạc vi. Hâm tiện Chưởng giám Tổng thái giám Đô đốc đồng tri Duệ quận công Lê Giản Kiến, bản Cai Từ Sơn phủ, Đông Ngàn huyện, Hoa Lâm xã, quan viên Đỗ Văn Bảng, Đỗ Đình Luận, Nguyễn Chân Gián, Nguyễn Văn Quảng, Trịnh Trí Trị, Nguyễn Văn Căn, Tướng thần Nguyễn Quang Nhâm, Xã trưởng Hoàng Xuân Vi, Thôn trưởng Nguyễn Tuấn Vinh, Hoàng Văn Đạt, Đỗ Văn Hạc, Đỗ Công Tri, Nguyễn Thu Vi, Nguyễn Văn Cơ, Hoằng Văn Quảng, Vương Văn Do, Đỗ Văn Kỷ, Nguyễn Văn Đốc đẳng, cập tín sãi Nguyễn Văn Việt tự Phúc Nhân, Nguyễn Văn Tốt tự Phúc Hà, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo đẳng, thân lai vị bản xã hữu quảng khai cổ tích Tam bảo thị, khất nhưng thi như tiền đẳng nhân nhưng cúng thí vi Tam bảo như cựu. Vưu sở xứng giả bản xứ Tán trị Thừa chánh sứ ti Tham chính Thụy (?) nam Lê Đức Vọng, cập bản phủ Tri phủ Thọ lộc nam Nguyễn Hằng Liêm, bản Huyện Tri huyện Trịnh Ngọc Liễn, Huyện thừa Tuấn Ngạn tử Nguyễn Ngọc Ngô đẳng, nha môn quan lại tịnh hành thiện chính chuẩn phê, nhưng thí vi tam bảo thị như tiền tu qui. Thả Hữu thừa ti Cai lại Nguyễn Khắc Sĩ thừa hệ đệ niên biểu tâm lễ tịnh chuẩn trừ phó dữ bản thị sãi vãi chí sóc vọng nhật cúng dàng Tam bảo thiêu hương trại nguyện. Thượng chúc bản quốc,thánh đế minh vương vạn thọ vô cương; Hạ chúc thiên hạ thái bình ức niên hữu vĩnh. Dĩ chí nội ngoại thần liêu, cập xã dân sãi vãi thiện nam tín nữ cộng vi Phật quả thiện duyên hàm hựu xuân đài thọ vực. Vạn linh bảo hộ tam bảo chứng minh, nãi ư Bính Thân niên tứ nguyệt thập cửu nhật, lương thời ngoan thạch vi bi.
Thuyên công lặc thành, lập vu trung thị, thùy vu vĩnh thế, nhân minh vu thạch, hậu thế tri chi, dĩ thọ kỳ truyền, vân.
Minh viết:
Huyện danh Đông Ngàn. Xã hiệu Hoa Lâm. Cựu hữu thành thị. Đảo sơn chi khống. Đức giang chi khâm. Đoài tự tất kính. Chấn miếu di khâm. Năng cổ nhi phục. Duy thiện kỳ tâm. Vi thiện thu phúc. Bất hiển diệc lâm. Thử công thử đức. Vạn cổ bi âm.
Thịnh đức tứ niên tứ nguyệt cốc nhật.
Tứ Mậu Thìn khoa Tiến sĩ xuất thân đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Sơn Tây đẳng xứ Tán trị thừa Chánh sứ ti thừa chánh sứ, Lai Xuyên bá Trí sĩ Đồng Chuyết Phu soạn.
Bản xã Mậu Dần khoa thí trúng Thư toán ưu trúng Thư giám hoa văn học sinh Văn Lâm nam Nguyễn Sĩ Duyên tả.
Quan viên tử ư Nhâm Thìn khoa thí trúng Thư toán ưu trúng, Công bộ đô Lại Hương nam Đỗ Văn Vị tả.
Dịch nghĩa:
Trùng san bia chợ Tam Bảo ở Hoa Lâm.
Từ khi có trời đất đã có khu chợ này. Khu chợ thuộc hàng di tích lịch sử (cổ tích) mang tên Hoa Lâm này nằm trên quê hương nổi tiếng của ông bà nội Thánh Thiện của triều nhà Lý trước đây. Lăng miếu của Bố và Mẹ ngài tại phía đông chợ. Chùa Trinh Tiết ở phía tây của chợ. Chợ nằm giữa chùa và miếu nên dân quê tôn phụng được linh ứng ngầm giúp. Giữa chợ có đường cái quan qua lại, người người tụ hội. Đúng là chỗ tốt đẹp hàng đầu vậy. Cũng bởi từ xưa, kể cả những ngày họp chợ mỗi tháng sáu phiên cho chí mùng một ngày rằm, người ta đều cúng dàng chốn dấu xưa đành rạnh (hiển tích) đó, cho nên chợ mới được gọi tên lành là chợ Tam Bảo. Lần lữa lâu ngày, trải năm trải tháng càng lâu nên đã hư hại, cần trùng tu đặng cho được như ban đầu vậy. Ắt là phải nhờ vào từ người lương thiện cho đến quan quyền lớn, tuổi thọ cao đều có thể họp lại. Lúc này tứ phương phẳng lặng, muôn điều thiện cùng vui. Liền kính nhờ ngài Chưởng giám Tổng Thái giám Đô đốc Đồng tri Duệ Quận công, vốn quản phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; các ông quan viên Đỗ Văn Bảng, Đỗ Đình Luận, Nguyễn Chân Gián, Nguyễn Văn Quảng, Trịnh Trí Trị, Nguyễn Văn Căn, Tướng thần Nguyễn Quang Nhân, Xã trưởng Hoàng Xuân Vi, Thôn trưởng Nguyễn Tuấn Vinh, các ông Hoàng Văn Đạt, Đỗ Văn Hạc, Đỗ Công Tri, Nguyễn Thu Vi, Nguyễn Văn Cơ, Hoằng Văn Quảng, Vương Văn Do, Đỗ Văn Kỷ, Nguyễn Văn Đốc, cùng các ông tín sãi Nguyễn Văn Việt tự Phúc Nhân, Nguyễn Văn Tốt tự Phúc Hà, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo, xã Hoa Lâm, đứng ra (thân lai) vì bản xã mở rộng chợ Tam Bảo lịch sử và xin cúng tế tam bảo theo lệ cũ như người xưa đã làm. Lúc ấy lại được các ngài Tán thị Thừa Chánh sứ ti Tham chính Thụy [?] nam Lê Đức Vọng, cùng Tri phủ bản phủ Thọ Lộc nam Nguyễn Hằng Liêm, Tri huyện bản huyện Trịnh Ngọc Liễn, Huyện thừa Tuấn Ngạn tử Nguyễn Ngọc Ngô, cùng nha môn quan lại lần lượt theo đó chuẩn phê mà cho sửa chợ Tam Bảo như xưa, cũng như Hữu thừa ti Cai lại Nguyễn Khắc Sĩ tỏ lòng kính lễ cũng như miễn trừ cho những sãi vãi ở chợ hàng năm ngày sóc vọng đốt hương cúng dàng tam bảo để báo nguyện.
Trên chúc nước nhà thánh đế minh vương vạn thọ vô cương.
Dưới chúc thiên hạ thái bình vạn năm lâu dài, cho chí thần liêu trong ngoài cùng xã dân sãi vãi thiện nam tín nữ tất cả quả Phật thiện duyên đến chốn xuân đài thọ vực. Vạn linh bảo hộ tam bảo chứng minh, ngày 19 tháng 4 năm Bính Thân, thời lành dựng đá làm bia, khắc ghi đã thành, dựng lên giữa chợ, để lại lâu dài, tên ghi trên đá, đời sau được biết, truyền mãi bia này.
Minh rằng: Huyện tên Đông Ngàn, xã gọi Hoa Lâm, Tam Bảo chợ cũ, Đảo Sơn án bắc, Đức Giang ôm nam, Tây chùa rất kính, Đông miếu rất thiêng, Làm theo nếp cũ, Chỉ một lòng lành, Làm thiện được phúc, Chứng giám rõ rành, Công ấy đức ấy, vạn đời bia minh.
Ngày tốt tháng 4 năm Thịnh Đức thứ tư.
Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tán trị thừa Chánh sứ Ty Tán trị thừa chánh sứ các xứ Sơn Tây, tước Lai Xuyên bá trí sĩ Đồng Chuyết Phu soạn.
Đỗ ưu hạng hai khoa Thư toán và Thư giám hoa văn học sinh khoa thi năm Mậu Dần, tước Văn Lâm nam Nguyễn Sĩ Duyên viết chữ.
Đỗ ưu hạng khoa Thư toán khoa thi năm Nhâm Thìn, Công bộ đô, quan viên tước Lại Hương nam Đỗ Văn Vị viết chữ.
Mặt sau:
HƯNG CÔNG TẠO BI
Hưng công
Tạ Thị Phương, Nguyễn Văn Trạng, Dương Văn Lập tự Phúc Sài ?, Thị Vân hiệu Từ Nhân, Nguyễn Thị Phượng hiệu Diệu Hòa.
Mai Hiên xã Nguyễn Văn Hùng, đạo hiệu Huyền Vi, tự Minh Tiến phát Bồ đề tâm tác kiều mãi bi.
Nam tử Nguyễn Văn Cao tự Minh Nhân, thê Nguyễn Thị Thìn. Nguyễn Văn Quí, nữ tử Nguyễn Thị Ước, Nguyễn Thị Đắc tế Nguyễn Văn Mộ, mẫu Nguyễn Thị Như hiệu Từ Vinh, Nguyễn Thị Lắm hiệu Từ Xuân, Nguyễn Văn Ảnh đẳng.
Hoa Lâm xã, Thái Đường thị Văn hội, Nguyễn Văn Tú tự Phúc Đạo tịnh thê Lê Thị Liên hiệu Từ Đức, nam tử Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Lợn, tế Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Huyên đệ Nguyễn Thị Dao.
Tín thí Nguyễn Văn Liễm, Lê Thị Gương, Nguyễn Thị Bài, Nguyễn Văn Đổ, Đỗ Thị Hựu.
Thiên Thi huyện, Dã Cầu thôn, Văn hội nam Đỗ Viết Phú, sãi vãi Nguyễn thị Hồng hiệu Từ Quảng, Nguyễn Thị Kháo hiệu Từ Chân, Nguyễn Thị Hậu hiệu Từ Quang, Nguyễn Văn Niên tự Phúc Nhẫn, Nguyễn Thị Tố hiệu Từ Thông, Lâm Thị Ngoan hiệu Từ Huệ, Mai Thị Nhiêu hiệu Từ Cẩn, Lê Văn Kim tự Phúc Hiếu, Lê Thị Gia hiệu Từ Kính, Nguyễn Thị Nguyên hiệu Huệ Tịnh, Thái Đường Đông thôn Nguyễn Thị Nhị, Nguyễn Thị Miên, Nguyễn Văn Nguyên thê Nguyễn Thị Bàng, Nguyễn Thị Nhuyễn, Nguyễn Sĩ Nghị, Nguyễn Thị Cán, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Thị Thảo.
Bản tự tăng Lê Viết Đô, Đào Tiến Thọ tự Đức Tông hiệu Huyền Nghiêm, Nguyễn Thị Tôn. Ngô Khê xã Tạ Thị Ngọc Lý. Thái Đường Thị Thôn, Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Tiến Đống, Đào Thị Chàng, Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Hữu Tốt hiệu Đức Nhân, Trí Huệ Tiên Nhân Lại Đà thôn, Huyện sĩ Nguyễn Triệu Nghiêm tự Phúc Thông Đạo hiệu Pháp Cầu, Nguyễn Văn Thích tự Phúc Đô, vãi Nguyễn Thị Liên hiệu Diệu Phú, Thái Đường Đông thôn Nguyễn Thị Lá hiệu Từ Thọ, Lưu Công Vinh tự Phúc Toàn thê Đỗ Thị Hán hiệu Từ Đường, Hoàng Thị Ninh hiệu Từ Thành, Tạ Thị Biều, Nguyễn Thị Úy, Mai Hiêu xã Đỗ Văn Đô thê Tạ Thị Thăng, Nguyễn Văn Tước thê Tạ Thị Má, Nguyễn Văn Niêm thê Nguyễn Thị Tuyển, Nguyễn Văn Láu ? thê Nguyễn Thị Tốn. Du Cầu xã, Du Nội thôn, Ca [][] tự Nguyễn Thị Đạm chân đạo đức tiên Nguyễn Thị Ngọc Xuyến. Ông Xá xã Phạm Thị Dựng hiệu Từ Mẫn, Đào Thị Xuân hiệu Từ Dung, [] Xá thôn Đỗ Công Vị tự Phúc Thuận thê Nguyễn Thị Lộc hiệu Từ Tiến. Mai Hiên xã, Nguyễn Duy Phùng tự Phúc Nghiêm thê Nguyễn Thị Ý hiệu Tiên Từ. Thái Đường Thị thôn Đỗ Tô, Lê Thị Nghĩa, Kiêm Tri phủ sĩ Nguyễn Viết Phú tự Phúc Lộc hiệu Huyền Thanh, Thiết Ủng xã Du Ngoại Cổ Lâm thôn, Nguyễn Thị Nãi hiệu Từ Xu, bản xã Sinh đồ Văn Nham nam Đỗ Văn Hạc tả.
Tuế thứ Bính Thân niên tứ nguyệt cốc nhật. Thuận An phủ Gia Định huyện, Đoan Bái xã, Ngọc Thạch cục, cục tượng Văn Mỹ nam Nguyễn Thứ san.
Mặt sau này của tấm bia không cần thiết phải dịch.
Tấm bia khẳng định với chúng ta:
1. Hoa Lâm là vùng quê nổi tiếng (danh hương) của ông nội, bà nội Lý Công Uẩn.
2. Thụy hiệu của ông nội bà nội Lý Công Uẩn là Thánh Thiện.
3. Lăng miếu của Cha và Mẹ Lý Công Uẩn là ở đây, nằm ở mé đông của chợ Hoa Lâm và cũng là phía đông của chùa Trinh Tiết, bắc là Tam Đảo - Sóc Sơn, nam là sông Đuống.
Một số nhận xét chung:
Có thể nói, trong số những tư liệu thành văn liên quan đến quê hương Lý Công Uẩn, đến quê mẹ Lý Công Uẩn, đây là tư liệu có niên đại định bản SỚM NHẤT. Thực chứng niên đại định bản có tầm quan trọng hàng đầu để nhận định về giá trị cũng như nội dung thông tin. Những tấm bia thời Lý đã từng được khảo sát thì một số đã khắc lại, một số còn chữ cũ, để lại cho chúng ta nhiều thông tin quí nhưng trực tiếp về Lý Công Uẩn và bố mẹ ông thì không có. Tấm bia Cổ Pháp điện tạo bi có niên đại sớm hơn cũng không có thông tin về nội dung trên. Niên đại định bản Đại Việt sử ký toàn thư bản sớm nhất hiện tồnlà bản Chính Hòa 1697 (sau văn bia này 41 năm), Thiền uyển tập anh đến tay chúng ta là bản in Vĩnh Thịnh 1715, An Nam chí lược mà ta vẫndùng là bản đời Thanh, Đại Việt sử kí tiền biên là bản in 1800, các thần tích thần phả dù mang niên đại sớm như Hồng Đức 3 (1472) nhưng hầu hết là chép lại hoặc ngụy tạo, các bản diễn ca lịch sử đều là văn bản được định bản vào đời Nguyễn, tư liệu sắc phong, câu đối đình chùa, hoành phi đại tự, đều là tư liệu hoặc không xác định được niên đại hoặc có niên đại muộn, chủ yếu là đời Nguyễn, có cái còn được sáng tác vào những năm 1980 đến sau năm 2000. Các di tích thì đã nhiều lần trùng tu hoặc phục dựng. Truyền thuyết dân gian chủ yếu được ghi lại vào đầu thế kỉ XX với tính chất rất phân tán về nội dung. Đó là tấm lòng của nhân dân, khó mà tin cậy về mặt lịch sử nếu không có cách phân tích thực sự khoa học. Tài liệu Trung Hoa ta tiếp cận chưa được nhiều nhưng chủ yếu cũng rút từ Tứ khố toàn thư chép lại vào thời nhà Thanh. Dùng văn học dân gian thay cho sử liệu rất dễ dẫn đến những nhận định thiên kiến. Tư liệu khảo cổ học là đáng tin cậy nhưng chưa hề khai quật đúng mộ ông này bà nọ đời tiền Lê, đời Lý. “Mộ cổ Dương Lôi” có thể đào ngay lập tức tại chỗ thêm vài cái nữa với gạch Hán và Lục triều rõ rệt.
Theo dõi những ý kiến nghiên cứu, tranh luận về vấn đề quê hương Lý Công Uẩn từ trước tới nay, chúng tôi chưa từng thấy ai sử dụng tư liệu tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị độc đáo này cho công việc dù nó đã nằm trong kho Viễn Đông Bác cổ và sau đó là kho Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngót một thế kỉ.
Tấm bia được thực hiện bởi những người có học vị và tước vị, đều đã và đang thuộc bộ máy quan phương của triều đình phong kiến lúc bấy giờ, họ chứng kiến thực tế và có tri thức sử học. Hơn nữa, chắc chắn họ có sự đồng thuận của nhiều trí thức khác khi tham gia trùng tu chợ Hoa Lâm lúc đó. Người soạn là Đồng Nhân Phái (1581 - ?), người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Thiết Úng xã Vân Hà, Hà Nội, sau ông đổi tên là Đồng Chính Phái. Năm 48 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Công bộ Hữu Thị lang. Được về trí sĩ. Khi mất, được thăng Thượng thư. (Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, tr. 533; Bia số 32 Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10). Dù hơn 19 tuổi nhưng ông đỗ cùng khoa và cùng hạng với nhà sử học nổi tiếng Phạm Công Trứ (1600 - 1643), người sẽ tổ chức hoàn chỉnh bộ Đại Việt sử ký toàn thư bản in sớm nhất hiện còn (1697). Là đồng liêu, làm việc trong kinh kì nhỏ hẹp với một loạt nhà sử học nổi tiếng thời bấy giờ như Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương, Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Bùi Đình Viên, Đào Công Chính, Ngô Khuê, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Công Bật.... cho đến tận Lê Hy trong đời Lê Thần Tông, lại là Hữu Thị lang Bộ Công, gắn với việc trùng tu di tích, chắc chắn tri thức sử học của Đồng Chính Phái là tin cậy được. Hơn nữa, trong văn bia có chữ “trùng san” gợi ý cho chúng ta sẽ rằng có một tấm bia khác xưa hơn nữa với nội dung tương tự.
Về nội dung, điều cần nói trước tiên là, việc xác định quê hương (chỗ ở của ông bà, bố mẹ) Lý Công Uẩn như nội dung tấm bia, hoàn toàn KHÔNG MÂU THUẪN với bất cứ tài liệu Hán Nôm khả tín thời phong kiến nào mà chúng tôi đã có dịp tiếp cận. Các bản Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt sử kí tiền biên... đều thống nhất ghi Lý Công Uẩn là người CHÂU Cổ Pháp, (nếu khác đi, thì đó chỉ là ý kiến của lời bàn hoặc của những người dịch sách khi chú thích các địa danh), mà chúng ta biết rằng, châu Cổ Pháp đời Lý sẽ là phủ Thiên Đức, sau này sẽ là phủ Từ Sơn thì trong suốt quả trình lịch sử, Hoa Lâm nằm gọn gàng trong đó. Tấm bia cụ thể hóa cho ta biết, trong châu đó, làng (hương?) Hoa Lâm là quê chính của Lý Công Uẩn. Đây là thông tin rất quý giá, đáng cho chúng ta nghiên cứu tiếp tục.
Nói thêm là, năm 2000, chúng tôi đã dập và giới thiệu tấm bia Lý gia linh thạch hiện còn ở chùa Tiêu. Với những chữ còn đọc được trong nội dung, chúng tôi đã chắc chắn khẳng định rằng: Những người soạn bia cũng như quan viên lão đẳng các xã thôn Đình Bảng, Dương Lôi, Tam Sơn, Tam Tảo, Tiêu Sơn Thượng, Tiêu Long (những lực lượng tham gia trùng tu chùa Tiêu lúc đó) đã đồng thuận là: Xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn là quê Phạm Mẫu, mẹ Lý Công Uẩn. Còn việc họ, tổ tiên 10 đời của chúng ta, có đúng hay không thì chúng tôi sẽ luận giải. Về niên đại tấm bia ấy, do chữ quá mờ, chúng tôi đã kết hợp tra cứu lịch sử địa danh với đoán khuôn chữ, dấu vết còn lại và khẳng định là Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Rất may, bia này cũng đã từng được dập một mặt vào thời Pháp thuộc, trên đó, hai chữ Cảnh Thịnh còn rất rõ ràng (kí hiệu bia Vô đề 03897 – có lẽ vì tấm bia một mặt úp vào tường mà những người dập chỉ làm được một mặt và dĩ nhiên là không biết tên bia). Chúng tôi đã đúng.
Cũng về nội dung, chúng tôi mạnh dạn cho rằng, đây là lần đầu tiên, tên THỤY của tổ khảo tỉ của Lý Công Uẩn được ghi lại, đó là THÁNH THIỆN. Đại Việt sử kí toàn thư chỉ ghi sự kiện Lý Công Uẩn vào năm “Mậu ngọ, Thuận Thiên năm thứ 8, mùa Xuân, tháng 2, truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy”. Tuy nhiên, không rõ tên đó là gì?. Cụm từ: Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ được chúng tôi đưa ra nhiều khả năng cú đậu:
1. Lý triều thánh thiện / tổ khảo tỉ (thánh thiện là tính từ đi với Lý triều)
2. Lý triều / thánh thiện tổ khảo tỉ (thánh thiện là tính từ đi với tổ khảo tỉ)
3. Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ (Thánh Thiện là danh từ riêng với hai cách hiểu: 3.a, Thánh Thiện tổ khảo/Thánh Thiện tổ tỉ; 3.b, Thánh tổ khảo/Thiện tổ tỉ).
Sau khi cân nhắc thì thấy cách hiểu 3.a. là ổn thỏa nhất. Việc ĐVSKTT không ghi việc Lý Công Uẩn truy phong cho ông nội mà chỉ ghi truy phong và đặt tên thụy (không rõ tên) cho bà nội chắc là do sự khiếm khuyết thư tịch trước đó gây ra. Chữ Thánh hay Thánh tổ thì không phải bàn vì đó là trên 3 đời của Hoàng đế. Còn chữ Thiện sẽ là thụy danh phong tặng. Chúng tôi vững tin như vậy và tấm bia quả là một tài liệu quí giá, bổ sung cho chính sử.
Như vậy, Lý Gia lăng trên đất Hoa Lâm, dù đã không còn, một lần nữa được khẳng định không chỉ dựa vào thơ của Nguyễn Phi Khanh, câu đối của Nguyễn Tư Giản và kí ức của các bậc lão thành yêu quê hương mà còn bằng văn bia cách đây hơn ba thế kỉ rưỡi.
Bài giới thiệu ngắn này chúng tôi dừng lại đây. Hẹn gặp các bạn ở các bài viết đang triển khai như đã giới thiệu ở trên.
Hà Nội, ngày 24-6-2011.
Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 31-07-2011.
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11
Thứ ba - 19/11/2024 08:11