Ảnh từ trái sang, các Giáo sư Sử học: Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Hà Văn Tấn và Đinh Xuân Lâm.
Ảnh: Bùi Tuấn
TRUNG THỰC VÀ DŨNG CẢM - LỜI THỀ CHUNG CHO CÁC NHÀ SỬ HỌC
1. Mỗi giáo trình đại học theo đúng nghĩa phải là một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Chất lượng cao là gì? ở những phần sau sẽ nói, nhưng ở đây cần nói ngay rằng toàn bộ và trong từng phần cuốn sách nó phải là một công trình suy tư - nghiên cứu đã nhiều năm đau thiết của một/ những giảng viên đại học có nhân cách khoa học (Personnalité) được xã hội trí thức trong ngoài nước thừa nhận, tuy vẫn có thể được tranh cãi. Tất nhiên là nó phải có tính sư phạm với văn phong khá trường quy.
2. Thời đại mà tất cả các trường đại học trong nước chỉ dùng một giáo trình duy nhất đã qua rồi! Kinh nghiệm giáo trình "Lịch sử Việt Nam" là vậy, và giáo trình "Cơ sở văn hoá Việt Nam" cũng là vậy.
Cái ta sẽ viết là giáo trình cho ĐHKHXH&NV- trước hết là cho Khoa Sử của ĐHQGHN.
Thế thì và nhất là ở thời buổi "đổi mới" hiện nay, ta chẳng ngần ngại gì mà không thừa nhận tính trường phái của giáo trình do Khoa Sử biên soạn, thậm chí tính cạnh tranh trong khoa học, dù ai đó có thể phê phán chúng ta là có tính đố kỵ hay thậm chí là tính biệt phái - hay bè phái.
Miễn là từ tâm - óc, chúng ta trung thực và hoàn toàn tự nguyện tuân thủ phương pháp luận sử học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa macxit sáng tạo và tư tưởng Hồ Chí Minh sáng tạo và hội nhập với trào lưu sử học tiến bộ của Loài người từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, theo cách ta Học - Hỏi - Hiểu - Hành.
Chẳng hạn như, nếu cấp trên giao cho tôi chủ biên giáo trình "Lịch sử Văn hoá Việt Nam" dùng cho Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, tôi phải có quyền lựa chọn các cộng tác viên trong ngoài trường cùng "gu sử học" với tôi. Nếu không, tôi xin đứng ngoài, không thắc mắc gì và chỉ làm những cái gì và với ai mà tôi thích. Trong trường hợp đó xin chớ phê phán tôi là cá nhân, tiêu cực. Trước mắt tôi là con đường về hưu, hưởng thú thanh nhàn cho đến khi từ giã cõi đời giả tạm này.
3. Chúng ta sẽ viết giáo trình chất lượng cao, để đời. Đời sống của nó là một vài chục năm, cứ cho rằng tới khoảng 2020 sẽ "lạc hậu", quá thời. Và sẽ có một thế hệ khác viết lại. "Il a fait son temps" là một thành ngữ Pháp có tính phổ quát cho mỗi nhà khoa học, cho mỗi công trình khoa học.
3.1. Khối tư liệu dùng để biên soạn nên nó phải phong phú - đa dạng, có tính cập nhật cao.
Như thế, đòi hỏi mỗi người viết sách giáo trình phải cập nhật cao, với trong nước và với quốc tế. Thí dụ về trước Công nguyên, tôi phải đưa vào giáo trình bài "Việt ca" và một bài thơ có nhắc đến Âu Việt - Lạc Việt cùng sự giải mã của học giả Nhật, học giả Trung Hoa và học giả Việt Nam (tuy họ giải mã khác nhau) cũng như tôi phải đưa vào các tài liệu khảo cổ hữu thể sưu tầm được cho đến 2002 (Lung Leng, Eo Bồng, Trà Kiệu, Lý Nhân, Cần Giờ, Domea...).
3.2. Không chỉ hiện đại về tư liệu mà tôi phải xử lý mối quan hệ biện chứng giữa Phá bỏ - Bảo tồn - Sáng tạo.
Đừng mong hòng một cách ảo tưởng rằng Sử học là một khoa học tuyệt đối khách quan, phát hiện ngay được những quy luật khách quan của sự Vận động lịch sử.
Có Histoire-Réalité và tôi không phải là một kẻ làm sử (Faire Histoire) hư vô chủ nghĩa (annihiliste) hay thực chứng (positiviste). Nhưng cái đó nói như Giáo sư Sử học lớn J.Furet - người tổng kết 200 năm lịch sử cách mạng Pháp (1789-1989) - luôn luôn còn ở phía chân trời của mỗi nhà sử học chân chính. Với đầy lòng kính trọng của một kẻ hậu tử với bậc tiền bối, tôi buộc mình không dối lòng khi nói rằng cụ Trường Chinh chưa phải là người tổng kết lịch sử Cách mạng tháng 8/1945 hay nhất, đúng nhất. Cụ Tảo Trang viết tặng tôi đôi câu đối của đức Phan Bội Châu:
“Hậu tử thường đa tân tuế nguyệt
Tiền trình bất thị ác phong vân."
Tôi vô cùng cảm ơn nhưng vẫn để đấy để ngẫm suy.
Trước mắt chúng ta vẫn chỉ có - và chỉ có thể có - cái Historie Conxience. Lịch sử gắn liền với nhà sử học, với nhân cách và nhận thức của họ.
Viện sĩ Mounier, trong công trình De la connaissane Historique bảo: nhà sử học viết sử cũng chỉ như nhà hoạ sĩ vẽ chân dung (Portraitriste)! Hoạ sĩ vẽ chân dung tôi - một hiện thực khách quan đối với ông ta - nhưng cũng đồng thời họ vẽ chân dung họ, theo cách họ hiểu về tôi.
Tôi vừa được đọc một tài liệu mới nhất: Học thuyết Tương đối luận của A.Einstain cũng chỉ là tương đối mà thôi!.
Vì vậy mà hơn một chục năm trước, tôi đã viết bài "Giải ảo hiện thực Đống Đa” và năm nay tôi đã và sẽ viết bài "Giải ảo hiện thực Đồng Đậu” cùng bài "Giải ảo hiện thực núi Đá Bia" (Phú Yên). Tôi không muốn là kẻ quấy nhiễu sân cỏ lịch sử như Neuville quấy nhiễu sân cỏ World cup Korea - Japan.
Số phận tôi là vậy và tôi buộc phải "đảm đương thân phận”- nói kiểu Từ Chi!
Chẳng hạn, tôi mong các nhà sử học - bạn tôi hãy suy nghĩ và viết lại - chí ít dưới khía cạnh "Lịch sử văn hoá Việt Nam” - về Triệu Đà (Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh có viết như ta trong các giáo trình thập kỷ 60, 70 không?), về Sĩ Nhiếp, về Cao Biền. Vì sao "Việt điện u linh" (1329) - và tâm thức dân gian cùng nhiều nhà sử học khác, gọi ngài là "Sĩ vương" và lập đền thờ cúng. Vì sao trong tờ "thủ chiếu" của đức vua khai sáng nhà Lý, lại gọi "Cao Biền" là "Cao vương"? v.v... Dựa trên suy tưởng của tôi đã có nhà sử học viết rằng: Cái gọi là thời Bắc thuộc về hiển thể chính trị chỉ là quyền tự trị địa phương. Giáo trình mới của Khoa Sử nên xem lại những chuyện đó, dù khuôn nó vào lĩnh vực Histoire mentale (lịch sử tâm thức), một phần của lịch sử văn hoá Việt Nam.
Là một đơn vị được phong tặng danh hiệu cao quý - Đơn vị Anh hùng thời đổi mới, dưới sự chèo chống của ông PGS.TS. Chủ nhiệm Khoa “đức xứng kỳ chức”, với các giáo sư tài ba danh vọng vượt bậc Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang..., tôi chỉ mong toàn Khoa Sử, qua bộ giáo trình mới này, "đổi mới mạnh mẽ và kiên quyết" tư duy Sử học để thế hệ trẻ - như đứa cháu ngoại Phan Quang Anh, tức Bờm của tôi, mới bắt đầu học lớp 9 mà kiên quyết học để được tuyển thẳng vào Khoa Sử - được “phận nhờ” (cháu không chỉ đọc sách giáo khoa phổ thông (“ngắn quá”) mà đã dám đọc “Tiến trình lịch sử Việt Nam") và người già như tôi, ông Hãn, ông Lâm cũng sẽ được ngậm cười ở... thế giới bên kia!
4. Giáo trình mới không nên viết, chẳng hạn "Văn hoá Đông Sơn là văn hoá Lạc Việt”, “Trống đồng Đông Sơn là trống đồng Lạc Việt” như giáo trình Đại học Văn khoa thời thầy tôi, cố GS. Đào Duy Anh rồi gắn cái văn hoá đó với thời Văn Lang - Âu Lạc.
Tôi có điên không? Có lẽ tôi cũng có máu điên trong người, nhưng... tôi tự cho là... vẫn còn "tỉnh".
Học giả ngoại quốc biết bao lần đã nói vào cái "bản mặt" tôi rằng: Cái "giọng" của giới sử các ông Việt Nam rất chi là... "chauvin", "nationalist", tuy... ông là đỡ hơn cả đấy!
Ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã nêu luận điểm từ khi thành lập ngành Khảo cổ: Khi anh/ chị nghiên cứu những nền văn hoá tiền - sơ sử thì... hãy tạm thời quên đi những biên giới chính trị của các quốc gia hiện nay. Văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn chẳng hạn là của toàn Đông Nam á, cả lục địa và hải đảo.
Đến khi được cấp trên chỉ thị thành lập ngành Văn hoá học, tôi lại nêu luận điểm: Không gian văn hoá và không gian chính trị là khác nhau. Và rất thường khi Biên giới chính trị cắt "ngang xương" một không gian văn hoá, ở châu Phi là vậy. ở Đông Nam Á, ở Việt Nam cũng là vậy.
Khi còn sinh thời GS. Phạm Huy Thông, lúc ông làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, tôi đã nài được ông cho thuyết trình ở Viện rằng: Cái không gian trống đồng loại I Heger là nằm trong một "tam giác đồng” (tôi nhái khái niệm “Tam giác Vàng") mà 3 đỉnh là Vân Nam - Việt Nam - Lưỡng Quảng ngày nay và nhấn mạnh rằng: ở thời đó nó vẫn là một không gian "Phi Hoa - Phi ấn", gọi là "Không gian Việt cổ" cũng được, nhưng Việt cổ là một khái niệm khá mơ hồ, chỉ nhìn "cái răng, cái tóc là góc con người" thì cũng đủ biết: “Người Đông Sơn” vừa búi tóc (tư liệu Việt Khê, Hải Phòng), vừa xoã tóc (tư liệu Đào Thịnh, Yên Bái), vừa tết tóc (tư liệu nhiều dao găm cán hình người Đông Sơn), có răng nhuộm đen, có răng để trắng: Bao nhiêu "mộ thuyền" đã chứng tỏ điều đó.
"Sống xen kẽ giữa các tộc người" ở Việt Nam, dù Nam á, Nam Đảo hay các ngữ hệ Tạng Miến... gì gì đi nữa đã là một quy luật lịch sử lâu đời để nhà khảo cổ học Thụy Điển, GS. Olov Janse rút ra một kết luận bất hủ: "Vietnam, Carrefour des Peuples et des Civilisations".
Việt Nam hôm nay có sự thống nhất văn hóa và ngôn ngữ, nhưng cũng có sự đa dạng, nếu không muốn nói “huỵch toẹt” ra là có cái “đa văn hóa” (multicultural) và “đa ngôn ngữ” (multilinguistic).
Thì có sao đâu ở trong một cái khuôn thể chế chính trị thống nhất, dân chủ?
Vậy những người anh hùng ở Khoa Sử nên viết "Lịch sử Việt Nam" chứ không phải là "Lịch sử người Việt" cho dù tộc Kinh - Việt hiện nay là chủ thể quốc gia. Mà cái gọi là người Việt như ta hiểu cũng xuất hiện khá muộn mằn trong lịch sử... và cũng đa dạng lắm, từ Bắc - Trung tới miền Nam đất nước.
Từ lâu, người Pháp đã phân biệt Histoire de France và Histoire des Francais. Ta nên tham khảo họ. Người Nhật (và cả người Hoa) cũng đã nhìn thấy nhiều “văn hoá Trung Hoa” rồi đấy (cùng lắm thì họ gọi là "Một văn hoá Trung Hoa có nhiều local cultures".
5. Cho nên cách viết "Lịch sử Việt Nam" nói chung, "Lịch sử văn hoá Việt Nam" nói riêng rất nên là cách viết một thời không gian liên tục kiểu A.Einstein, hay, nói theo một hướng tiếp cận hiện đại, là kết hợp nghiên cứu Lịch đại (Diachronic Studies) và nghiên cứu Vùng - Tiểu vùng (Area Studies).
Đừng “lờ” một hiện tượng lịch sử quan trọng và kéo dài "Nam tiến" (The March to the South) hay còn gọi là Migration horizontale của người Kinh - Việt trong khi ở các nhóm H’mong - Yao, thì đó lại là migration vertical (Di cư theo chiều dọc).
Đừng dùng các khái niệm đã mòn, thậm chí cái thủ thuật "đánh tráo khái niệm” bằng ngôn từ điêu xảo.
Hãy gọi sự vật bằng chính cái tên của nó.
Nếu có một lời thề chung cho các nhà sử học thì, theo tôi, nên là: "Trung thực và dũng cảm".
Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý!
Hà Nội, 23/6/2002
GS. Trần Quốc Vượng
Nguồn: Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 173 (07/2005).
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 04-05-2010.
Ý kiến bạn đọc
Chủ nhật - 19/01/2025 14:01
Chủ nhật - 19/01/2025 12:01
Thứ bảy - 18/01/2025 15:01
Thứ bảy - 18/01/2025 09:01
Thứ sáu - 17/01/2025 13:01