“Công trình phản ánh tầm nhìn và quan điểm nghiên cứu quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ đối ngoại Việt Nam nói riêng của một người có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu”.
Có thể nói, cuốn “
Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010” của GS.NGND Vũ Dương Ninh vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành là một bức tranh toàn cảnh về 70 năm quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với nguồn tài liệu phong phú được chọn lọc kỹ lưỡng, tác giả đã trình bày một cách hệ thống về tiến trình lịch sử quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1940 đến năm 2010, tức là từ những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đến hết thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. So với các công trình nghiên cứu về quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã xuất bản trước đây, điểm nổi bật và khác biệt của cuốn sách mà GS Vũ Dương Ninh đã dành tâm huyết và công sức, là cách tiếp cận sử học, trong đó các sự kiện được trình bày logic và khoa học, dựa trên nguồn sử liệu đa dạng, phong phú và chọn lọc. Các bài học lịch sử được rút ra rất cô đọng, súc tích và có sức thuyết phục. Đây là công trình nghiên cứu cơ bản, hệ thống, công phu, có giá trị về quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Xuyên suốt toàn bộ công trình 462 trang là tầm nhìn và quan điểm nghiên cứu quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ đối ngoại Việt Nam nói riêng của một người có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu, trong đó cách mạng Việt Nam được xem xét trong bối cảnh quốc tế, có mối quan hệ mật thiết và chịu tác động từ bên ngoài, nhưng chủ thể quyết định vẫn là nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cho đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử kháng chiến, nhưng số công trình về lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam thì thực sự chưa nhiều. Vì thế cuốn “
Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010” đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của đông đảo độc giả trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập rộng hơn và sâu hơn vào chính trường khu vực và thế giới.
Cuốn sách được cấu trúc thành 9 chương. Không giống với các nghiên cứu trước đó, tác giả đã dành hẳn chương mở đầu để đánh giá khái quát các công trình đã công bố ở trong nước và quốc tế về đề tài quan hệ đối ngoại Việt Nam. Bản tổng quan tình hình nghiên cứu được trình bày theo từng thời kỳ lịch sử giúp cho người đọc, nhất là nghiên cứu sinh và học viên cao học, nắm bắt được những thành tựu và hạn chế của các công trình đi trước, từ đó có thể kế thừa, phát huy và đi sâu nghiên cứu những vẫn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Tác giả lưu ý là mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố, nhưng vẫn còn “
những hạn chế nhất định trong việc khai thác những nguồn tài liệu gốc” và khi tham khảo các công trình khác, nhất là sách của các tác giả nước ngoài, rất cần có “
sự tư duy độc lập“(1) của người đọc.
Các chương tiếp theo được trình bày theo một logic thống nhất là bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn đến các sự kiện, diễn biến chính trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nổi lên chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, từ đó rút ra nhận xét, đánh giá và bài học lịch sử.
Trong chương I “
Quan hệ đối ngoại của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 1940-1945“, tác giả đã thành công khi phân tích đối sách của Đảng Cộng sản Đông Dương trong bối cảnh vô cùng phức tạp của Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” và sự bắt tay của các nước lớn. Một trong những quyết định kịp thời và sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó là phải tranh thủ tất cả các lực lượng có thể tranh thủ, tránh tình huống phải đối phó cũng một lúc với nhiều kẻ thù và phải dựa vào sức mình là chính.
Chương II được dành cho việc phân tích những diễn biến của “
Quan hệ đối ngoại trong năm đầu của nền cộng hòa dân chủ (tháng 9/1945-12/1946)”. Mặc dù khoảng thời gian này chỉ là một năm ba tháng, nhưng những gì mà quan hệ đối ngoại Việt Nam đã làm được lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh và tương lai của nền cộng hòa non trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư David Marr, Đại học Quốc gia Australia, cũng vừa xuất bản một công trình đồ sộ dày 721 trang về giai đoạn lịch sử quan trọng này của Việt Nam(2). Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài và để tránh tình huống phải đối mặt cùng một lúc với nhiều kẻ thù, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 có thể được coi là một trong những hoạt động đối ngoại mẫu mực, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng về sự kết hợp “
giữa lập trường kiên định với biện pháp mềm dẻo, giữa nhân nhượng sách lược với quyết tâm chiến lược, giữa tranh thủ khả năng hòa bình với chuẩn bị tiến hành chiến tranh.”(3)
“
Quan hệ đối ngoại trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)” là nội dung chính của chương III. Trong chương này, tác giả đã khéo léo trả lời câu hỏi Chiến tranh lạnh, trật tự hai cực và tình hình khu vực có tác động như thế nào đến diễn biến, cục diện chiến tranh ở Việt Nam, mà đỉnh cao trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại là Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954. Vì cuộc đối đầu ý thức hệ giữa các nước lớn mà Chiến tranh lạnh nói chung, Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) đã nổ ra. Cũng chính các nước lớn đã dàn xếp để tổ chức Hội nghị Bàn Môn Điếm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và Hội nghị Geneva chấm dứt Chiến tranh Đông Dương. Việc ký kết Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 để lại nhiều bài học quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, đúng như GS Vũ Dương Ninh nhận định, “
kết quả của Hội nghị Geneva tuy chưa đạt được mục đích cuối cùng là Thống nhất, nhưng dẫu sao cũng là một điểm dừng cần thiết để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh tiếp theo.” (4)
Hai chương IV và V được dành cho quan hệ đối ngoại trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ với hai giai đoạn là 1954-1968 và 1968-1975. Nếu như ở giai đoạn một, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được khái quát qua các hoạt động như đấu tranh đòi Mỹ – ngụy thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân miền Nam, đề cao vai trò của Mặt trận dân tộc giải phóng, thì trong giai đoạn hai, trọng tâm của quan hệ đối ngoại Việt Nam là đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris 1969-1973. Mặc dù một số học giả nước ngoài gần đây vẫn cho rằng, việc ký Hiệp định Paris là sự trả giá quá đắt của Việt Nam(5) hay đó chỉ là cách để Mỹ rút lui trong danh dự(6), nhưng theo GS. Vũ Dương Ninh, rõ ràng “
ngoại giao Việt Nam đã giải được bài toán cực kỳ khó khăn trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, tự quyết định đường lối và chính sách đối ngoại của riêng mình, đồng thời vẫn giữ vững sự đoàn kết và tranh thủ sự viện trợ có hiệu quả của các nước đồng minh xã hội chủ nghĩa.”(7)
Chương VI tập trung phân tích những diễn biến vô cùng phức tạp, căng thẳng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1975-1995, khi đất nước phải tiếp tục cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và đối mặt với tình trạng bị cô lập, bao vây, cấm vận do các nước phương Tây gây ra. Tác giả đã thẳng thắn chỉ ra mục đích thực sự của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam núp dưới chiêu bài “phản kích tự vệ”. Đồng thời, với tinh thần khoa học đổi mới, GS Vũ Dương Ninh đặt ra câu hỏi: “
Phải chăng, trên đỉnh cao của chiến thắng, đã có sự đánh giá không đúng, có phần ảo tưởng về thực lực của chính mình, do đó không thấy hết được thế và lực của đối thủ trên bình diện quốc tế và nhất là không nhìn rõ âm mưu của các “đồng minh” trước đây?”(8) Giáo sư người Mỹ William Duiker cũng cho rằng, chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã làm cho Việt Nam mắc bệnh “tự kiêu” (
arrogance)(9), từ đó dẫn đến những sai lầm trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Việt Nam đã kịp thời nhận thức được xu thế phát triển của thế giới và nhu cầu cấp thiết phải đổi mới nên đất nước không rơi vào tình trạng khủng hoảng đổ vỡ như Liên Xô và các nước Đông Âu.
Trên cơ sở đó, Chương VII của cuốn sách tiếp tục phân tích sự phát triển của quan hệ đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hòa bình, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế (1995-2010). Khác với khi trước, tư tưởng chỉ đạo công tác đối ngoại của Việt Nam giai đoạn này là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là lợi ích cao nhất của toàn dân tộc. Quá trình đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm, được phân tích thấu đáo về nguồn gốc, ý đồ và thủ đoạn của các lực lượng bên ngoài và sự phối hợp giữa ngoại giao với quốc phòng trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để thực hiện mục tiêu này, đối ngoại Việt Nam phải kết hợp phương châm độc lập, tự chủ với đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh, đẩy mạnh hợp tác khu vực với mở rộng quan hệ với các nước trên toàn thế giới, kết hợp ngoại giao của Đảng với ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và thực tiễn(10).
Chương kết của cuốn sách khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của hoạt động đối ngoại trong thành tựu chung của đất nước, mà nguyên nhân cơ bản là sự vận dụng thành công tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ đối ngoại. Trên cở sở nghiên cứu sự vận động của quan hệ đối ngoại trong 70 năm qua, GS. Vũ Dương Ninh đã đúc kết và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong những bài học đó là phải kết hợp giữ vững mục tiêu chiến lược với sự mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, giữa cuộc đấu tranh bằng lý trí với sự thuyết phục bằng tình cảm.
Tóm lại, “
Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010” của GS.Vũ Dương Ninh là một công trình không thể thiếu đối với những ai quan tâm nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Việt Nam, bởi vì ở đó người ta không chỉ tìm thấy lịch sử của một dân tộc, mà vượt lên trên là sự tương tác, giao lưu giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới; là những kinh nghiệm từ sự vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn đấu tranh đối ngoại vì Độc lập, Thống nhất, Chủ quyền và Toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chú thích:
(1) Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2014, tr. 40-41.
(2) David Marr, “Vietnam- State, War, and Revolution (1945-1946)”, University of California Press, Berkeley 2013.
(3) Vũ Dương Ninh, TLĐD, tr. 101.
(4) Vũ Dương Ninh, TLĐD,tr.148.
(5) Pierre Asselin, Tham luận tại Hội thảo “Hiệp định Paris- 40 năm nhìn lại” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tháng 1/2013.
(6) Lien-Hang Nguyen, “Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam", University of North Carolina Press, Chapel Hill 2012.
(7) Vũ Dương Ninh, TLĐD, tr.260.
(8) Vũ Dương Ninh, TLĐD, tr.292
(9) William J. Duiker, “The Arrogance of Victory: Unlearning the Lessons of the War in Vietnam”, in: Kenton J. Clymer (ed.), The Vietnam War: Its History, Literature and Music, Texas Western Press 1998, pp. 39-52.
(10) Vũ Dương Ninh, TLĐD, tr.303.
Tài liệu tham khảo
David Marr (2013),Vietnam – State, War, and Revolution (1945-1946),University of California Press, Berkeley.
Lien-Hang Nguyen (2012),Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam, University of North Carolina Press, Chapel Hill.
Pierre Asselin (2013), Tham luận tại Hội thảo "Hiệp định Paris- 40 năm nhìn lại", Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vũ Dương Ninh (2014), Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
William J. Duiker (1998),“The Arrogance of Victory: Unlearning the Lessons of the War in Vietnam”, trong: Kenton J. Clymer (ed.), The Vietnam War: Its History, Literature and Music, Texas Western Press, pp. 39-52.
GS.TS Phạm Quang Minh
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 23-10-2016.