Phố phường Thăng Long - Hà Nội trong những thế kỷ XVII-XVIII-XIX (Nguyễn Thừa Hỷ)

Thứ năm - 10/08/2023 02:39
Trên bản đồ phân bố tự nhiên các khu vực của Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX, các “phường” của Thăng Long (sau đó là các phường, thôn của Hà Nội) thực ra đã trải rộng trên một diện tích rất lớn, bao quanh lấy cái nhân lõi chính trị là khu vực thành. Ta thấy có các phường thuộc phía Bắc, quanh Hồ Tây chuyên sản xuất một số mặt hàng thủ công nghiệp thiết yếu cho đời sống, đòi hỏi một quy trình lao động phức tạp và một hiện trường lao động rộng như các phường Yên Thái và Hồ Khẩu làm giấy, phường Trích Sài và Bái Ân dệt lĩnh, phường Võng Thị nhuộm đen, phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ, khu Ngũ Xã đúc đồng… Một cụm các phường trại khác ở phía Tây và phía Tây Nam phát triển về chuyên canh đặc sản như khu Thập Tam trại có nhiều cơ sở trồng hoa (Ngọc Hà, Hữu Tiệp) và trồng cây thuốc (Đại Yên), phường Thịnh Quang (gần Ô chợ Dừa) trồng vải, nhãn… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không xét đến tất cả các loại phường, thôn, trại kể trên của Thăng Long – Hà Nội, mà chỉ giới hạn vào khu phố phường nội thị phía Đông, ở giữa khu thành và sông Hồng, là khu buôn bán – thủ công nghiệp mặt hàng và chuyên nghề, có vai trò của một nhân lõi kinh tế không thể thiếu được của khu vực thị dân gian của Thăng Long – Hà Nội.
PHỐ PHƯỜNG THĂNG LONG – HÀ NỘI TRONG NHỮNG THẾ KỶ XVII-XVIII-XIX
                                                         
Nguyễn Thừa Hỷ

Trong một bài báo trước [1], chúng ta đã xét đến mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX, cùng vai trò của nó trong kết cấu kinh tế của thành thị này. Tuy nhiên, mạng lưới chợ đó không thể nào hoạt động hữu hiệu được, nếu không có một yếu tố khác liên quan mật thiết với nó, có những hoạt động kinh tế tập trung và thường trực hơn, đó là các phố phường chuyên nghề và chuyên mặt hàng của Thăng Long – Hà Nội. Có thể nói đây chính là bộ mặt đích thực của một Thăng Long – Hà Nội truyền thống, một Thăng Long – Hà Nội “36 phố phường” đã từng nổi tiếng trong kí ức dân gian qua nhiều thế kỷ.

Trên bản đồ phân bố tự nhiên các khu vực của Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX, các “phường” của Thăng Long (sau đó là các phường, thôn của Hà Nội) thực ra đã trải rộng trên một diện tích rất lớn, bao quanh lấy cái nhân lõi chính trị là khu vực thành. Ta thấy có các phường thuộc phía Bắc, quanh Hồ Tây chuyên sản xuất một số mặt hàng thủ công nghiệp thiết yếu cho đời sống, đòi hỏi một quy trình lao động phức tạp và một hiện trường lao động rộng như các phường Yên Thái và Hồ Khẩu làm giấy, phường Trích Sài và Bái Ân dệt lĩnh, phường Võng Thị nhuộm đen, phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ, khu Ngũ Xã đúc đồng… Một cụm các phường trại khác ở phía Tây và phía Tây Nam phát triển về chuyên canh đặc sản như khu Thập Tam trại có nhiều cơ sở trồng hoa (Ngọc Hà, Hữu Tiệp) và trồng cây thuốc (Đại Yên), phường Thịnh Quang (gần Ô chợ Dừa) trồng vải, nhãn… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không xét đến tất cả các loại phường, thôn, trại kể trên của Thăng Long – Hà Nội, mà chỉ giới hạn vào khu phố phường nội thị phía Đông, ở giữa khu thành và sông Hồng, là khu buôn bán – thủ công nghiệp mặt hàng và chuyên nghề, có vai trò của một nhân lõi kinh tế không thể thiếu được của khu vực thị dân gian của Thăng Long – Hà Nội.

Sự bố trí và diện mạo vật chất các phố phường Thăng Long – Hà Nội

Trong thế kỷ XVII – XVIII, khu phố phường nội thị của Thăng Long – Kẻ Chợ là một hình tam giác có đỉnh là góc thành phía Đông Nam (chỗ phố cửa Nam ngày nay) và đây là bờ sông Hồng, dài độ 3km, hai cạnh bên mỗi cạnh dài 2km500, một cạnh là chính bức tường phía Đông của tòa thành và cạnh kia đi sát qua phía Bắc Hồ Gươm ra bến sông Hồng (tương đương với các phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ – Lò Sũ ngày nay), khu đó bao gồm phần lớn các phường chủ yếu của Thăng Long – Kẻ Chợ như Đồng Xuân, Đông Hà (Hàng Chiếu), Hà Khẩu (Hàng Buồm), Đông Các (Hàng Bạc), Diên Hưng (Hàng Ngang), Thái Cực (Hàng Đào), Cổ Vũ (Hàng Gai), Kim Cổ (Hàng Bông)… Đến thế kỷ XIX, khu phố phường đó đã được mở rộng thêm về phía Nam, chung quanh hồ Hoàn Kiếm, với một số phố thủ công – buôn bán đông đúc như các phố Hàng Trống, Hàng Thêu, Hàng Khay…

Người ta thường phân biệt “phường” và “phố” trong Thăng Long – Hà Nội cổ. Trước hết trong lịch sử, phường có nghĩa là một đơn vị hành chính. Tên phường xuất hiện rất sớm trong lịch sử Việt Nam, có thể từ thời Bắc thuộc. Năm 1230, vua Trần “bắt chước đời trước”, đã chia Thăng Long thành 61 phường [2]. Tên gọi này cũng được dùng trong các sách sử Trung Quốc. Theo Ngô Thì Sĩ, Hoàng Sách đời Minh năm Hồng Vũ thứ 14 (1381) có ghi: “trong các xã, 110 gia đình lập thành một lý. Trong các thành thị, lý gọi là phường, và ở miền ngoại ô, gọi là xướng [3]”. Có tác giả đã dựa vào quy hoạch kiểu bàn cờ của các thành thị Trung Quốc và phân tích theo lối chiết tự (phường viết bởi hai chữ thổ + phương) để cho rằng phường là một khu đất vuông[4] hoặc hình chữ nhật. Thời Lê, Thăng Long là đất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức thuộc phủ Phụng Thiên, mỗi huyện có 18 phường, tổng cộng 36 phường [5]. Mỗi phường lại chia thành 2 phường tả hữu (ở 2 bên đường phố), do đó Marini đến Kẻ Chợ vào thế kỷ XVII, đã tính lầm khi cho rằng: “người ta đếm được ở đây (Kẻ Chợ) 72 phường… Mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình của nước Ý [6]”.

Ở Việt Nam, “phường” ngoài ý nghĩa là một đơn vị hành chính (ở thành thị và ở cả nông thôn), còn có nghĩa là một đoàn thể, một nhóm người có tổ chức cùng làm một nghề nghiệp (thí dụ phường bạn, phường chèo, phường thợ,…). Đối với Thăng Long – Hà Nội, hai khái niệm phường hành chính và phường kinh tế đã sớm gặp nhau do tính chất chuyên nghề và chuyên mặt hàng của các khu vực cư trú mà phần lớn là dân cư của cả một làng thủ công ở các nơi khác đã di cư đến và lập nghiệp sinh nhai. Tóm lại, phường ở Thăng Long – Hà Nội chính là một thể cộng đồng phức hợp cả về mặt chính trị (tổ chức hành chính), kinh tế (nghề nghiệp) và văn hóa tâm lý (mà lõi cốt là tinh thần làng quê gốc), đồng dạng với tổ chức làng xã. Trong thế kỷ XVIII, một giáo sĩ phương Tây đến Thăng Long đã có nhận xét là “không những mỗi làng mạc là một công xã, mà những thành thị lớn đã được phân chia thành các phường mỗi phường, cũng là một công xã [7]”.

Trong chính sử, từ “phố” xuất hiện khá muộn so với từ “phường”. Không tìm thấy tên các “phố” trong sách sử thời Lý – Trần và ngay cả ở đời Lê. Trong An Nam chí nguyên, khi nói về An Nam thời thuộc Minh, Cao Hùng Trưng có dùng từ “phố xá”, nhưng với ý nghĩa là các trạm dịch. Từ phố mang ý nghĩa kinh tế hình như chỉ chính thức xuất hiện từ thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn. Về nguồn gốc, “phố” vừa có nghĩa là một bến, bờ, một đường dọc sông (như Nam phố, bến Nam tức phố Hàng Bè), vừa có nghĩa là phố xá, cửa hiệu. Không có luận cứ khoa học nào trong giả thuyết của Trần Kinh Hòa khi ông ta cho rằng từ “phố” là do từ “phó” mà ra và hàm ý một hoạt động chế tác thủ công nghiệp (phó nề, phó mộc)[8]. Ngược lại, chúng tôi cho rằng “phố” gắn liền với ý nghĩa về hoạt động thương mại, buôn bán. Chúng ta thường nghe đến cụm từ “phố xá”. Trong tiếng Việt cổ, có nghĩa là nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu [9]. Tóm lại, nếu phường được coi như một diện tích thì phố chính là một trục của phường gồm có một con đường hai bên có nhà cửa – nhà ở và thường và cửa hiệu – có bề mặt trông ra mặt đường. Các cửa hiệu đó thường vừa là cửa hàng sản xuất một số mặt hàng thủ công đòi hỏi kỹ thuật tinh (đồ vàng, bạc, đồ thêu, giày hài…) vừa là cửa hàng bày bán các hàng hóa đó.

Về các phố của Hà Nội thế kỷ XIX, Đại Nam nhất thống chí chép: “Hà Nội là kinh đô xưa nguyên trước có 36 phường phố, nay ở quanh phía Đông Nam tỉnh thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng nhân vật cũng phồn thịnh [10]”. Trương Vĩnh Ký trong cuốn Chuyến đi thăm Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của mình cũng chép tương tự và kể ra 21 phố như sau: Hàng Buồm, Quảng Đông (Hàng Ngang), Hàng Mã, Hàng Mắm, Báo Thiên (Hàng Trống? Bảo Khánh?), Phố Nam (Hàng Bè), Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Giày Hia (Tô Lịch, Hàng Hành), phố Mây Choại (Mã Mây), Đồng Lạc (Hàng Đào phía Nam), Thái Cực (Hàng Đào phía Nam), Đông Hà (Hàng Chiếu), Phước Kiến (Lãn Ông), Hàng Muối, Đông Xuân, Thanh Hà, Hàng Gai, Hà Bao (Hàng Đẫy?), Hàng Trà (Đinh Tiên Hoàng) và Quảng Minh đình phố (Cửa Nam) [11].

Khu phố phường buôn bán thủ công phía Đông là một khu có số dân và mật độ dân số đông nhất của Thăng Long – Hà Nội. Chúng ta được biết trong thế kỷ XVII, các giáo sĩ và lái buôn phương Tây đến Kẻ Chợ đã ước tính là số dân ở đây có thể đã lên đến 1 triệu người [12] hoặc có khoảng “20.000 nóc nhà”[13] vượt cả những thành phố lớn ở Châu Âu “về sự hoạt động và về cư dân”[14]. Chúng ta có quyền ngờ những con số và sự đánh giá đó có thể là bị phóng đại, nhưng rõ ràng rằng Thăng Long – Kẻ Chợ lúc đó là một thành phố dân cư rất đông đúc, mà chủ yếu tập trung ở khu phố phường buôn bán phía Đông.

Trong thế kỷ XVIII, Thượng kinh phong vật chí đã ghi: “Còn như nhân dân, những người đua tranh mối lợi, làm nhà quanh cả nơi kinh kỳ, không còn chỗ nào bỏ không, thậm chí có người làm nhà sàn ngay trên mặt nước mà ở (có thể là ven bờ sông Tô Lịch), khách bốn phương những người thích nơi Thượng Kinh đua nhau đến ở quanh cả kinh đô không lúc nào ngớt, đều có nhanh chân rảo bước mà đến, như đến thành nước Yên ngày xưa…”[15].

Marini thì nhận định: “…các phường này dày đặc những thợ thủ công và thương nhân…”[16].

Qua thế kỷ XIX, Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước, một bộ phận lớn quan liêu, quân sĩ đã theo triều đình Nguyễn rút vào Huế, số dân toàn thành phố có thể giảm sút đi nhiều, nhưng riêng khu phố phường buôn bán thì dân cư vẫn rất đông đúc, nhà cửa chật chội. Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ XIX, một số quan chức và phóng viên người Pháp đến Hà Nội đã miêu tả về khu phố phường buôn bán của Hà Nội là “dân chúng sống rất đông đúc… sinh hoạt buôn bán vô cùng nhộn nhịp”[17], hoặc là “một quần cư chen chúc dày đặc những người là người”[18].

Như chúng tôi đã xét bên trên, khu phố phường buôn bán thủ công của Thăng Long – Hà Nội được chia thành các phường (đến thế kỷ XIX, còn có cả các thôn và giáp) có bề mặt là các trục phố. Các phố này vuông góc giao nhau hình bàn cờ. “Một số phố chạy dọc gần như song song với sông Hồng theo hướng Bắc Nam, một số phố khác cắt ngang”[19].

Trong đó có 2 đường phố chính từ cửa Đông thành Hà Nội chạy thẳng ra đến bờ sông [20], đi bộ chừng mất khoảng từ 10 đến 12 phút [21].

Trong thế kỷ XVII – XVIII, nhìn chung “Các đường phố chính của Kinh thành đều khá rộng rãi tuy có một vài phố hẹp [22]”, “Có 3 đường phố dài đến 3 dặm [23]”. Thậm chí, có du khách đã không khỏi phóng đại lên khi cho rằng: “có những đường phố ở Kẻ Chợ rất rộng, đến mức 10 hoặc 12 con ngựa có thể đi hàng ngang một cách dễ dàng”[24].

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, có người vẫn nhận xét “Các đường phố (Bắc thành) chạy thẳng và rộng rãi, một nửa đường là đất để nguyên dành cho lối đi của súc vật và chuyên chở hàng hóa, nửa kia được lát gạch dùng làm đường cho khách bộ hành…”[25].

Tuy nhiên, vệ sinh đường phố ở khu dân cư tập trung của Thăng Long – Hà Nội lúc này không được chăm sóc chu đáo lắm, “phần lớn là gắn vá bằng những viên đá nhỏ nhưng rất qua loa. Đến mùa mưa những phố đó rất bẩn và lầy lội và về mùa khô người ta thấy ở kinh thành và chung quanh những ao tù, và một số mương rãnh đầy bùn đen xông lên mùi hôi thối [26].

Có lẽ từ thế kỷ XVII – XVIII, đã xuất hiện những chiếc cổng phố ở Thăng Long – Kẻ Chợ ngăn cách giữa các phường hoăc đại loại một hình thức như thế. Điều luật 69 nhà Lê quy định:

“Về ban đêm (ở Kinh thành), những thanh niên nam nữ thuộc các phường khác nhau khi đi qua cổng các thôn xóm để đến xem biểu diễn (chèo tuồng) mà không đốt đuốc thì sẽ bị xử phạt theo luật canh phòng ban đêm”[27].

Dampier miêu tả kỹ hơn về các điếm canh ở đường phố Thăng Long – Kẻ Chợ trong thế kỷ XVII:

“Ở mỗi phố đều có một toán lính canh khỏe mạnh đứng gác để giữ yên lặng và ngăn cấm mọi sự mất trật tự, những người lính canh được vũ trang bằng gậy gộc, đứng trong các điếm canh ở mỗi phố, khám xét mọi người qua lại có cả một sợi dây thừng chăng qua đường, phố cao đến ngực mọi người và không ai được qua lại nơi đó, cho đến lúc họ đã được xét hỏi. Nếu họ cứ liều lĩnh bước qua, thì lập tức sẽ bị người lính canh dùng gậy phang rất mạnh vào người”[28].

Trong nửa sau thế kỷ XIX, khi Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước, nhìn chung có lẽ đường phố Hà Nội ít được chăm sóc chu đáo. Đây là quang cảnh đường phố Hà Nội vào khoảng những năm 1882 – 1883:

“Đường xá của thành phố ở trong một tình trạng tồi tệ. Những phố thường là rất hẹp, được lát gạch theo kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ được lát ở mặt lòng đường trên một bề rộng khoảng chừng 1m, và những viên gạch vuông đó phần lớn đã bị vỡ nát hoặc xô lệch. Dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối, hoặc không có lối thoát. Ngoài ra, mái hiên của những ngôi nhà tranh dùng để che mưa, nắng cho những gian bày bán hàng của những người buôn bán thì lại làm cho lối đi thực tế đã bị thu hẹp lại, đến nỗi những khách bộ hành phải khó nhọc lắm mới đi lại được…”[29].

Trong các phố có phú thương Hoa kiều ở đường phố thường được giữ gìn khá hơn: “Trong các phường giàu có, như ở phố Mã Mây… do các Hoa kiều ở đường phố được giữ gìn cẩn thận, hai bên là những ngôi nhà gạch đẹp đẽ… Lòng đường gồ lên theo kiểu mai rùa được lát bằng những viên đá hộc, mỗi bên có đào một rãnh hẹp và sâu dùng để thoát nước mưa và nước cống…”[30].

Và đây là một nhận xét khác:

“Phố Hàng Ngang (phố này trong thế kỷ XIX gọi là phố Việt Đông, phần lớn là Hoa kiều gốc Quảng Đông ở), đã được lát bằng những phiến đá cẩm thạch lớn, là một phố lịch sự và giàu có của phường này…”[31].

Ở đầu những phố chính, người ta xây dựng những cổng phố bằng gạch có thể đóng được, có những chòi canh dùng làm trạm gác [32], thậm chí có phố cách nhau mỗi quãng khoảng 10m lại có một cổng đóng [33].

Ở những phố giàu có, mà phần lớn là những phố Hoa kiều, có những cổng phố đồ sộ, lợp bằng 2, 3 lớp ngói cuốn… Tên phố được viết bằng chữ Hán ghi trên đầu hồi [34]. Cổng phố đẹp và chắc chắn nhất là cổng phố Hoa kiều Việt Đông (Hàng Ngang)[35]. Nó được xây chắc chắn ngang qua phố, “Có lỗ châu mai như một bức tường thành. Cổng đó vô cùng chắc chắn, và người ta đã cho bố trí ở bên trên, phía trong cổng một lầu canh nhỏ để cho người đứng gác… Trong khi thành phố có loạn lạc…cổng đó đóng suốt ngày đêm”[36].

Cổng phố Hàng Gai thì đơn giản hơn: “Nó chỉ được xây bằng một bức tường đơn giản, có trổ ra một cửa hình chữ nhật. Những phường khác không có cổng bằng gạch. Một vách gỗ hoặc tre thay vào đó, và chòi canh là một túp lều đơn giản lợp rơm rạ hoặc lá gồi để cho người gác trú mưa gió”[37].

Cổng phố Hàng Chiếu (phố Mới) đã được chụp lại trong một bức ảnh cuối thế kỷ XIX là một trong những cổng phố thuộc loại này. “Những cổng phố thường là được mở ban ngày, nhưng người ta lập tức đóng lại nếu xảy ra trong phố một cuộc ẩu đả, rối loạn hoặc có hiệu lệnh báo giặc cướp. Ban đêm cổng bao giờ cũng đóng. Ở bên trên chòi canh, người gác đêm có một chiếc cồng hoặc chuông để cầm canh”[38].

Ở hai bên và quay mặt ra đường phố là các dãy nhà liền sát nhau theo cách bố trí ở thành thị, nhưng đó lại là những ngôi nhà riêng rẽ, phần lớn lợp gianh, có vườn tược, sân, ao theo kiểu kiến trúc nông thôn. Giáo sĩ Baldinotti đến Thăng Long sớm nhất vào đầu thế kỷ XVII đã nhận xét:

“Trừ Hoàng cung ra, ở đây người ta lợp ngói và xây bằng những phiến đá lớn được đẽo gọt cẩn thận, còn lại các ngôi nhà trong kinh thành đều được làm bằng những “cây sậy” to như những cây gỗ, gọi là “tre”. Những nhà đó lợp bằng rơm rạ và không có cửa sổ”[39].

A.de Rhodes quan sát: “Trong Kinh thành, tất cả mọi nhà đều làm bằng gỗ”[40]. Baron cũng nhận xét: “Rất ít những kiến trúc bằng gạch, trừ những thương điếm ngoại quốc. Số còn lại làm bằng tre và những phên liếp đan sơ sài …”[41].

Dampier đến Kẻ Chợ vào năm 1688 đã viết: “Kẻ Chợ có khoảng chừng 20.000 nóc nhà. Những ngôi nhà đó thường là thấp, tường trát bùn, mái lợp rạ. Tuy vậy, cũng có một số nhà được xây bằng gạch, lợp ngói. Phần lớn những ngôi nhà này đều có một cái sân, hoặc một khu đằng sau phụ vào đấy”[42]. Marini cho là “các nhà chỉ có một tầng gác (xép)”[43]. Richard ước tính ở Kẻ Chợ có độ khoảng 1/3 số nhà là nhà gạch [44]. Còn Carreri thì nhận định: “Nhà Vua không cho phép các thần dân của mình xây nhà cao, vì sợ rằng họ có thể dùng tầng gác để mưu hại vua”[45].

Và đây là hình ảnh khu phố buôn bán của Hà Nội vào những năm 70 của thế kỷ XIX.

“Dân chúng rất đông đúc, ở trong những ngôi nhà phần lớn là lợp gianh… Trên bến sông (Hồng) hoặc bờ kênh (Tô Lịch) ở kế cận tòa thành… những ngôi nhà hầu như xếp thành hàng, chồng chất gần như tiếp giáp nhau… Nhà ở phần thì xây trên đất, phần thì là nhà sàn, dựng lấn xuống lòng sông…”[46].

Ở những phố buôn bán chính, có nhiều nhà được xây bằng gạch, tùy sở thích của từng người chủ, không theo một kiểu cách nào. Dãy nhà cũng không thẳng hàng, nhiều nhà xây chìa ra ngoài phố [47]. Trong không gian “những ngôi nhà kế tiếp nhau, nhưng tất cả đều cao thấp khác nhau. Những mái dốc của những ngôi nhà cao nhất vượt lên mái của những ngôi nhà thấp hơn và tưởng chừng như muốn đè bẹp những mái nhà thấp đó”[48]. Nguyễn Trường Tộ đã nhận xét: “Thành phố ta nhà cửa xây cất lộn xộn, không thứ tự gì hết. Đường mòn, đường hẻm lung tung, lùm bụi um tùm, tám hướng bốn bề ai muốn đi đâu cũng được. Ngoài ra chung quanh thành, trong ngoài tường lớn tường nhỏ, đầy mương hào gò đống ngổn ngang”[49]…

Tuy nhiên, kiểu nhà phổ biến của khu buôn bán Thăng Long – Hà Nội cũ là kiểu nhà “chồng diêm”, đến nay một số vẫn còn sót lại ở những phố cổ như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Bè, Mã Mây. Nó vừa là nhà ở, vừa là cửa hiệu, rất hẹp lòng nhưng lại rất sâu. Đây chỉ là một đoạn miêu tả: “nếu chỉ quan sát mặt tiền nhỏ hẹp trông ra đường phố, thì người ta không ngờ được rằng nó lại ẩn giấu những gian phòng rộng rãi, được ngăn cách bởi nhiều khoảng sân. Nhìn chung, mái nhà rất dốc, tiến nhô ra khá xa ngoài phố. Mái dựa vào 2 bức tường bên, vượt cao lên khỏi mái, mỗi bên ít nhất đến 2m và kết thúc bằng những bậc thang. Không ai có thể giải thích cho tôi lý do của sự bố trí lạ kỳ này. Tôi thì cho rằng nó có mục đích để bảo vệ cho mái ngói trong những trận bão, rất nặng xảy ra ở Bắc kỳ trong những lúc gió chuyển mùa”[50].

Vì đa số các nhà đều bằng tre, gỗ, lợp gianh và hơn nữa “ở chốn kinh thành đông đúc nhà ở bên nhau nên thường có hỏa hoạn”[51].

Sử cũ còn ghi lại nhiều đám cháy lớn đã tàn phá Thăng Long trong những thế kỷ XVII và XVIII như đám cháy năm 1586, 1619 và 1631. Năm 1786, Lê Chiêu Thống ngầm sai đốt phủ chúa Trịnh, đám cháy đã lan ra khắp Kinh thành. Theo thư của Blandin người đã từng sống ở Thăng Long trong thời gian này viết ngày 3 – 9 – 1786 và hiện nay vẫn còn lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Pháp thì “đám cháy đã thiêu hủy hết 2/3 thành phố[52]”.

Qua thế kỷ XIX, nhiều đám cháy tiếp tục xảy ra. Năm 1826, Hà Nội (lúc đó là Bắc thành) bị cháy to, hàng nghìn nóc nhà thuộc hàng chục, thôn phường bị thiêu hủy, nhiều người bị thương và bị chết [53]. Năm 1837 “Ngoài thành tỉnh Hà Nội thất hỏa, cháy lan hơn 1400 nóc nhà, có người bị thương chết. Vua (Minh Mệnh) dụ Bộ Công rằng: “Ngoài thành Hà Nội dân cư đông đúc, đường sá cũng hẹp, cửa nhà liền nhau nên thường gặp hỏa hoạn”[54].

Nhà nước phong kiến và nhân dân đã đề ra nhiều biện pháp phòng hỏa, cứu hỏa cho các phố phường ở Thăng Long – Hà Nội: Cấm lửa, nghiêm trị kẻ gây cháy nhà, xây vòm gạch kín chứa đồ quý giá, để sẵn vại nước, câu liêm, gầu chữa cháy trên nóc nhà, cho voi giật đổ nhà đang cháy, lập đội phòng cứu hỏa thường trực canh gác; tổ chức hệ thống báo động bằng chuông trống (mà hoàn chỉnh nhất là hệ thống báo động ở đền Bạch Mã (Hàng Buồm) và đền Hỏa Thần (Hàng Điếu).
Như chúng ta đã nói bên trên, trong khu phố phường phía Đông Thăng Long – Hà Nội, mỗi mặt ngôi nhà vừa là nhà ở, vừa là xưởng thủ công và cửa hiệu bày bán.

Đây là một kiểu nhà ở – cửa hàng – xưởng thợ vào cuối thế kỷ XIX:

“Cửa hàng được đặt trong một ngôi nhà tranh, gần giống như một cái nhà kho (hangar) lớn, mặt trông ra phố. Ngôi nhà tranh đó được chia thành hai gian theo chiều dài, ngăn bằng một vách liếp. Cửa hàng và xưởng thợ ở gian trông ra ngoài đường, gian bên trong vách được bố trí làm phòng ở gia đình”[55]. Một tác giả miêu tả chi tiết hơn về cửa hiệu:

“Những cửa hàng ở Hà Nội không có gian trưng bày hàng rực rỡ như những cửa hàng ở Châu Âu. Không có kho chất đống hàng hóa. Toàn bộ những cái gì đem bán hoặc hầu như thế, đều để ở gian bày hàng, buổi sáng, người lái buôn nhấc tấm liếp ở phía trước cửa hàng lên như cảnh các thương nhân của chúng ta (châu Âu) thời Trung cổ. Và chúng ta tha hồ quan sát tất cả những hàng hóa được chứa bày bên trong cửa hiệu đó”[56].

Và một hình ảnh khác:

“Những mái rạ chúc xuống rất thấp Bề mặt của căn nhà trông ra phố thường thường chỉ là một tấm khung cửa bằng liếp tháo dỡ được, buộc ở phía trên và ban ngày người ta chống tấm liếp đó lên; dựng nghiêng trên hai chiếc gậy. Chính dưới các túp lều dựng tạm đó, để vừa tránh mưa, vừa tránh nắng, người lái buôn bày bán hàng hóa của mình”[57].

Đó có thể là hình ảnh phổ biến của những phố nhỏ hẹp ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Ở một số phố khác to đẹp hơn, như các phố Hàng Đào, Hàng Bạc, nhất là các phố của đại phú thương Hoa kiều như phố Quảng Đông (Hàng Ngang), Hàng Buồm, Phúc Kiến (Lãn Ông), ta thấy có nhiều nhà ngói, nhiều cửa hiệu to rộng trông ra những đường phố sạch sẽ và lát đá.
 
Cư dân và đời sống kinh tế – xã hội trong các phố phường  Thăng Long – Hà Nội

Xét về mặt tổng thể, Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX đã có một kết cư dân đa thành phần, bao gồm đủ 4 giới: sĩ – nông – công – thương, được coi như một vi mẫu của kết cấu xã hội trong phạm vi cả nước. Trong khu phố phường phía Đông, các gia đình quan liêu – nho sĩ đã ở xen lẫn với các tầng lớp bình dân khác. Yếu tố nông dân thì thể hiện trong ảnh hưởng của nó mang từ các làng quê gốc vào trong lối sống và sinh hoạt thành thị: Một số các tầng lớp hạ đẳng đô thị cũng tập trung ở khu phố phường này. Tuy nhiên ở đây, yếu tố cốt lõi, thành phần chủ thể mang tính loại đặc biệt vẫn là các tầng lớp thợ thủ công – thương nhân.

Trong thế kỷ XVII, Marini đến Kẻ Chợ, đã có nhận xét là các phố phường ở đây đã “đầy ắp những thợ thủ công và thương nhân”[58]. Dampier thì ghi nhận: “chúng ta có thể gặp thấy ở đây những người thuộc rất nhiều nghề, tỷ như thợ đóng móng ngựa, thợ làm nhà, thợ cưa xẻ, thợ mộc, thợ tiện, thợ dệt, thợ may, thợ làm đồ gốm, thợ sơn, người đổi bạc, thợ làm giấy, thợ tráng men, thợ đúc chuông, và những loại thợ thủ công khác”[59]. Đến thế kỷ XIX, Đại Nam nhất thống chí chép: “Thành thị Hà Nội là nơi tụ họp công thương, có lẫn cả người nước Thanh… tụ họp các mặt hàng”[60]. Và một tác giả người Pháp đã viết vào những năm 70 của thế kỷ XIX:

“Mặc dù nó (Hà Nội) không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc này về nghệ thuật, kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc…”[61].

Tầng lớp cư dân tiêu biểu của khu phố phường nội thị Thăng Long – Hà Nội là các thị dân – chủ hiệu. Họ có thể là những tiểu chủ, tức là thợ thủ công kiêm thương nhân, vừa sản xuất theo kiểu gia công đặt hàng cho khách, vừa bày bán một số hàng hóa làm sẵn tại cửa hiệu nhưng không nhiều. Đó là các loại thợ thêu, thợ làm trống, thợ làm lọng ở phố Hàng Trống; thợ Kim Hoàn ở phố Hàng Bạc; thợ Khảm ở phố Hàng Khay, thợ sơn hòm ở phố Hàng Hòm, thợ giày ở thôn Hài Tượng (Hàng Giày)… Một bộ phận là những thương nhân chủ hiệu, chuyên bán các mặt hàng thủ công đã được chế tác hoàn chỉnh hoặc nửa hoàn chỉnh ở các vùng lân cận, như các chủ hiệu bán tơ lụa ở Hàng Đào, chủ hiệu bán đồ gốm – sứ ở phố Bát Đàn và Bát Sứ, chủ hiệu bán đồ đồng ở phố Hàng Đồng, chủ hiệu bán giấy ở phố Hàng Giấy… Sự phân biệt giữa các loại người này nhiều khi không rạch ròi, họ thường kiêm nhiệm khâu sản xuất và buôn bán; một số trước kia là thợ thủ công chuyên nghiệp sau đó đã trở thành những thương nhân chuyên nghiệp. Trong một số phố phường, có những thương nhân chủ hiệu chuyên buôn bán các mặt hàng nông sản mang từ các địa phương xa đến, như các chủ hiệu buôn tre nứa, gạo ở ven sông Hồng và sông Tô, các hiệu buôn muối, nước mắm, cá khô ở phố Hàng Muối và Hàng Mắm…

Nguồn gốc của những thợ thủ công này không thuần nhất. Một số ít là dân gốc bản địa tại các phố phường, sinh sống qua nhiều thế hệ. Đại bộ phận là dân di cư từ các địa phương khác, đã đến sinh cơ lập nghiệp tại Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII, một số có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.

Trong thời gian này, do việc nhà nước Lê Trịnh tiến hành việc tu bổ hoàng thành và nhất là xây dựng quần thể phủ Chúa Trịnh, mở rộng bộ máy quan liêu triều đình và phủ liêu với những nhu cầu phục vụ triều nghi và sinh hoạt ngày càng tăng, một số đông đảo các thợ thủ công của các làng chuyên nghề thuộc các trấn đã kéo về Thăng Long lao động phục vụ và sau đó ở lại sinh sống, hành nghề. Phương thức di dân phổ biến là đồng loạt: cả một tập thể thôn xóm hoặc làng đã theo những người họ hàng hoặc các vị tổ nghề; cùng nhau lên kinh đô, rồi cũng lại cùng nhau quây quần cư trú tại một địa điểm, một phố phường nhất định. Sự kiện này đã góp phần tạo nên đặc điểm chuyên nghề và chuyên mặt hàng của các phố phường Thăng Long – Hà Nội xưa, một phố đều sản xuất và cũng chỉ sản xuất hoặc bày bán một loại mặt hàng nhất định.

Theo đó, dân Hàng Đào chủ yếu có quê gốc ở làng Đan Loan, phủ Bình Giang (Hải Dương cũ), vốn có nghề nhuộm và buôn bán, đã di cư ra Thăng Long vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, với 4 họ nổi tiếng là Lê, Phạm, Vũ, Đào [62]. Dân Hàng Bạc là tập hợp dân cư của các thợ kim hoàn có quê gốc tại Định Công (Thanh Trì, Hà Nội) và Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình) và chủ yếu là các thợ đúc bạc của làng Trâu Khê (Bình Giang, Hải Dương cũ) đã theo ông tổ của làng nghề mình là Lưu Xuân Tín tương truyền làm quan đến Thượng thư bộ Lại dưới triều vua Lê Thánh Tông, được phép vua cho lập lên ở phố này một tràng đúc bạc và tiền [63]. Phố Hàng Giày, Tạ Hiện (trước thuộc thôn Hài Tượng) đã tập trung những thợ giày hài hầu hết có quê gốc tại các làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (Tứ Kỳ, Hải Dương cũ) tục gọi là 3 làng Chắm, đã di cư lên Thăng Long khoảng thế kỷ XVII, theo ông tổ nghề làng Trúc Lâm là Nguyễn Thời Trung, làm quan dưới triều nhà Mạc, trong một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, đã dùng mưu mẹo học được bí mật nghề thuộc da và đóng giày ở Hàng Châu, đem về truyền dạy cho dân làng [64]. Đoạn đầu phố Hàng Gai (trước kia là thôn Tả Khánh) tập trung các thợ tiện có quê gốc tại làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Đông cũ), có tổ nghề là Đoàn Tài. Phố Hàng Hòm là phố của các thợ sơn và bán hòm có quê gốc tại các làng Bình Vọng, Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Đông cũ)[65], có tổ nghề là Trần Lư. Phố Hàng Trống bao gồm các loại thợ thủ công của 3 nghề khác nhau: nghề làm trống có quê gốc ở làng Liêu Thượng (Yên Mỹ, Hải Hưng), nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Đông cũ) và nghề vẽ tranh của dân thôn Tự Tháp bản địa. Trong thế kỷ XIX, dân thợ khảm của làng Chuyên Nghiệp (Chuyên Mỹ) thuộc Phú Xuyên, Hà Đông cũ đã di cư tập trung ra hành nghề tạo phố Thợ Khảm (bao gồm các phố Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền ngày nay)…

Ngay từ thế kỷ XV, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã nói đến sự phong phú về hàng hóa và tính chất chuyên nghề của các phường ở kinh thành: “phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm võng, gấm trừu và dù lọng… phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt… phường Đường Nhân (Hàng Ngang) bán áo diệp y…”[66].

Theo ký sự của Út Ơn – một trí thức người Thái ở Mai Sơn, Sơn La đến Kinh đô Thăng Long vào khoảng năm 1720, thì ta có thể thấy các loại hàng bán tập trung ở các phố phường Kẻ Chợ như: “vải vóc, gấm nhiễu (bán ở Hàng Bát Bảo – tức Hàng Đào), bát đĩa, chum vại, gương, mũ, áo, túi, khăn; nồi chảo, chì lưới, hàng thiếc như bình rượu, cơi trầu, gươm, giáo, đồ vàng, bạc, chiêng to, chũm chọe…[67]”.

Thượng kinh phong vật chí cũng ghi: “Trong các phường chế tạo đủ các loại gươm giáo, đồ binh khí, mâm đài, kiệu, ghế, lụa trừu, lọng, tàn… không thứ gì không có [68]”. Còn Phạm Đình Hổ thì nhận xét: “Phường Diên Hưng (Hàng Ngang) và Phường Đồng Lạc (Hàng Đào) là nơi phố hàng áo, bán các thứ tơ, lụa, vóc, nhiễu rất nhiều [69]”.

Các giáo sĩ và lái buôn phương Tây đến Kẻ Chợ trong những thế kỷ XVII – XVIII cũng đã sớm chú ý và nhấn mạnh đến tính chất chuyên nghề và chuyên mặt hàng của các phố phường này.

Marini ghi nhận: “Để tránh sự lầm lẫn có thể xảy ra và để khỏi mất thời giờ đi tìm thứ hàng người ta cần mua, ở lối cổng vào mỗi phường có một tấm bảng, đề hoặc một tấm biển ghi rõ loại hàng và chất lượng hàng được bán ở đó. Với phương thức đó, thì dù người lạ, ta cũng khó có thể lầm lẫn được, cả về giá cả lẫn phẩm chất của hàng hóa”[70].

Còn Baron thì nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các phường và làng quê gốc:

“Tất cả các vật phẩm khác nhau bán trong thành phố này đều được dành riêng cho từng phường và mỗi phường đó lại phụ thuộc vào một, hai hay nhiều làng và dân chúng của làng xã đó được có quyền mở các hiệu ở đây[71]”.

Cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX Bissachère đến Bắc thành (tức Hà Nội) cũng đã quan sát tương tự: “Ở Bắc kinh, thủ phủ của Bắc thành, một khu vực của thành phố đã được dành riêng để bày bán các sản vật đem từ ngoài vào. Mỗi một làng lân cận đem hàng hóa vào đều được dành riêng cho một phố…”[72].

Cho đến những năm 80 của thế kỷ XIX, quang cảnh phố xá của Hà Nội vẫn không thay đổi. Một sĩ quan Pháp đến Hà Nội vào năm 1884, viết thư đề ngày 4 – 3 – 1884, gửi về gia đình, có đoạn miêu tả:

“Tôi đã trông thấy nhiều phố, điều đặc biệt là những phố này đã do những nhà công nghệ (hiểu là các thợ thủ công và thương nhân) cùng hoạt động trong một nghề cư trú. Điều đó thoạt nhiên hình như có vẻ vô lý về phương diện thương mại. Cứ như vậy, trên một quãng độ chừng 100m đến 200m, không có gì ngoài các cửa hàng đồ khảm. Xa hơn không có gì khác hơn ngoài các cửa hàng mây đan. Xa hơn nữa, không có gì khác ngoài các hàng bán gạo và xa hơn nữa, không có gì khác ngoài các hàng bán tre, nứa…”[73].

Và sự miêu tả tương tự của một phóng viên ở Hà Nội cách đó vài năm sau:

“Mỗi một căn nhà là một cửa hiệu. Những gian bày hàng đưa chiều sâu của cửa hiệu xuống tận lề đường. Mỗi loại hàng hóa đều có một phố riêng. Ở phố Bát Sứ, tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn, tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh (tức phố Hàng Trống ngày nay) màu sắc vui tươi, sặc sỡ[74]”.

Cuối cùng chúng ta phải kể đến đặc điểm chuyên mặt hàng của các phố bán hàng nông hải sản. Chúng ta đã biết đến gần chợ Gạo ven sông Tô, có một phố chuyên bán gạo. Các thuyền đinh chở mắm muối từ trong Thanh – Nghệ ra, đã đổ hàng ở hai phố Hàng Muối và Hàng Mắm lúc đó còn ở gần bờ sông Hồng:

“Những cửa hiệu buôn bán ở phố Hàng Muối được xếp đặt thuận tiện trong những ngôi nhà đẹp đẽ. Muối được chất đống đến tận nóc các gian hàng; thành từng đống khổng lồ; dầu ăn thì được chứa trong những vại sành lớn Bắc Ninh; hoặc trong những chĩnh nhỏ bằng đất sét nung, hình dáng giống như loại bình cổ có quai…”[75]. Và:

“Ở tại phố Hàng Mắm, có lái buôn các hàng khô và nước mắm. Trong gian bày hàng, treo từng chuỗi dài hàng trăm nghìn con vịt đã được lọc rút xương, hun khói và sấy; từng hàng cá biển khô, như kiểu cá mòi muối và hun khói được treo lên các xà nhà. Những vại nước mắm khổng lồ thì tỏa ra khắp phố phường một mùi nồng nặc…”[76].

Trải qua quá trình tích lũy những kinh nghiệm sản xuất và cải tiến kỹ thuật, với truyền thống của những con người “khéo tay” hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”, các phố phường của Thăng Long – Hà Nội ngày càng sản xuất ra nhiều mặt hàng tinh xảo, nhiều khi ở một trình độ đáng khâm phục, hiếm thấy.

Thượng kinh phong vật chí đã ca tụng về nghề nhuộm vải lụa ở phố Hàng Đào: “Phường Hàng Đào – Đại Lợi làm nghề nhuộm màu: màu trắng – trắng như tuyết, không có điểm nhọ đen; màu đỏ – đỏ như tiết, để lâu không phai bạc. Màu đen thì giống như màu mực, màu huyền thì trong sắc đen có pha sắc tía, màu thiên thanh thì trong sắc xanh có pha sắc lam. Trong một màu mà khác hẳn nhau; có màu hồng đậm, có màu hồng nhạt…”[77].

Kỹ thuật đúc đồng, tô tượng, sơn thếp của Thăng Long – Hà Nội cũng đã có nhiều tiến bộ. Ngay từ thế kỷ XVII, lái buôn Dampier đã ghi nhận:

 “Những tác phẩm bằng sơn được làm ở đây (Kẻ Chợ) không hề thua kém một nơi nào khác, nếu ta không kể đến đồ sơn của Nhật Bản, mà mọi người đều thừa nhận là tốt nhất thế giới”[78].

Khảm xà cừ phố Hàng Khay là một nghề thủ công du nhập khá muộn vào Hà Nội, nhưng lại nhanh chóng có được một trình độ kỹ xảo tuyệt diệu, đáng kinh ngạc. Một tác giả Pháp cuối thế kỷ XIX, có viết:

“Khi ta nhìn khiếu thẩm mỹ và sự chuyên làm của người thợ khảm trong khi làm các vật phẩm của mình, người ta có cảm tưởng rằng đó là những nhà nghệ sĩ văn minh đã nắm vững được mọi khái niệm kỹ nghệ ở một trình độ cao nhất”[79]. Năm 1868, Tự Đức đã sai trưng dụng 2 thợ khảm giỏi của Hà Nội vào Sài Gòn dâng cho Thống đốc De la Grandière để dạy nghề cho các thợ thủ công ở trong đó [80]. Và sau đấy, năm 1877, Tự Đức lại sai đem một số hàng mỹ thuật tinh xảo trong đó có đồ khảm phố Hàng Khay Hà Nội, đi dự hội chợ đấu xảo ở Paris [81].

Có thể nói rằng, các mặt hàng thủ công trong các phố phường Thăng Long – Hà Nội đều đã được mọi người tín nhiệm, nổi tiếng trên thị trường toàn quốc.

Nhìn chung các thợ thủ công và các tiểu chủ trong các phố phường phía Đông của Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX là những thợ thủ công tự do, những người sản xuất nhỏ, trong khuôn khổ một nền tiểu thủ công gia đình, có kết hợp thêm một số lao động làm thuê, phần lớn là có những mối quan hệ họ hàng, làng xóm.

Những người thợ trên phố Hàng Gai và Hàng Hành, thợ sơn Hàng Hòm, thợ giầy thôn Hài Tượng (phố Hàng Giày) nói chung là những thợ thủ công nghèo, làm ăn vất vả. Họ làm thuê công nhật và gia công các đồ đạc và giày hài cho các gia đình quyền quý, có bày bán một số không đáng kể hàng làm sẵn trong các cửa hiệu. Họ ở chen chúc trong các ngôi nhà chật chội. Một tác giả Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đã miêu tả khu phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm của những người thợ thuộc da là: “một khu dân cư đông đúc, lộn xộn, xông lên mùi khó chịu nồng nặc của da thuộc”[82].

Khu nhà ở của các thợ khảm ở phố Hàng Khay cuối thế kỷ XIX cũng không khá hơn. Bonnal miêu tả phố đó năm 1874:
“Phố đó (Hàng Khay) chật hẹp và lầy lội, 2 bên có những dãy nhà tranh do một đám dân chúng nghèo khổ ở, đó là nhà của những tiểu chủ người bản xứ và những phu phen”[83]. Và đây là quang cảnh phố Hàng Khay năm 1887:

“Bờ Hồ bên phía phố Hàng Khay do các đám thợ khảm ở, nhà gạch thấp và hẹp, lợp ngói và cắt đoạn các gian ngăn cách bởi những sân trong, nhưng mái hiên kéo dài ra ngoài lòng đường, còn những gian nhà sau thì ngập ngay trên mặt nước hồ”[84].

Tuy nhiên, vì nghề thợ khảm đòi hỏi ở người thợ một trình độ kỹ thuật tinh vi, điêu luyện, do đó tiền công có thể là tương đối cao. Năm 1881, công của thợ khảm Hàng Khay làm một ngày là một quan tiền rưỡi cả cơm nuôi [85] (trong khi đó vào năm 1885, ở Hà Nội, giá một cân thịt bò là một quan, giá 100 kg gạo là 10 quan”[86].

Mức sống của những thợ thủ công có cửa hiệu riêng ở Thăng Long – Hà Nội có phần nào khá hơn. Họ là những người có dụng cụ, nguyên vật liệu, cửa hiệu và tay nghề vững. Hocquard đánh giá công việc của một người thợ khảm giỏi là “một thứ lao động của những nhà nghệ sĩ thực thụ”[87]. Còn đây là hình ảnh một ông chủ hiệu thêu ở phố Hàng Trống:

“Mỗi một xưởng thêu có một số thợ làm việc. Ông chủ nhận hàng giao, cắt vải, bố trí hình vẽ và phối màu sắc vải lụa cần thực hiện… Rồi người chủ xưởng phân phối công việc tùy theo năng khiếu và sự khéo tay của từng người thợ, chỉ cho mỗi người một góc để làm việc, dặn bảo màu sắc và cách thức tiến hành cho mỗi phần của bức vẽ”[88].

Các thợ thủ công và thương nhân có cửa hiệu ở Hàng Bạc, Hàng Đào nhìn chung có một đời sống khá giả. Những người dân Hàng Bạc quê gốc Trâu Khê đã có nghề truyền thống là đúc bạc và đổi bạc. Trong thế kỷ XVII – XVIII, có thể họ đã đúc bạc gia công cho Nhà nước. Họ lập lên các tràng đúc bạc (nay ở nhà số 58) để làm nơi sản xuất và 2 ngôi đình là Trương Đình (số nhà 50) và Kim Ngân đình (số nhà 42) để làm nơi giao nộp thành phẩm. Còn nghề đổi bạc là một nghề quan trọng ở Thăng Long từ những thể kỷ trước. Dampier nhận xét: “Nghề đó đã được thực hiện do giới phụ nữ, họ là những người rất khéo léo và lão luyện trong công việc này. Họ tiến hành những mưu kế trong đêm tối, và đã biết làm thế nào để tăng túi tiền của họ lên, như hệt các đầu cơ tay chứng khoán sắc sảo nhất ở Luân Đôn”[89].

Đến thế kỷ XIX, phố Hàng Bạc vẫn là một phố giàu có: “Phố những người đổi tiền (tức phố Hàng Bạc) là một trong những phố đẹp nhất Hà Nội. Như tên gọi của nó, phố này do những người làm bạc ở. Những người này ngồi xếp bằng tròn sau những quầy hàng của mình, trước một đống tiền đồng và một chiếc tráp nhỏ sơn son, dùng làm hòm đựng tiền của họ”[90].

Cùng với phố Hàng Bạc, phố Hàng Đào là một trong những phố giàu và có lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Lúc đầu, phố này do những người thợ nhuộm ở, nhưng sau đó, dân Hàng Đào chủ yếu là những chủ hiệu buôn tơ lụa giàu có. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đặt tên cho phố Hàng Đào là “phố tơ lụa” (Rue de la Soie). Họ bán tơ cho các thợ dệt ở những làng phụ cận Hà Nội như La Khê, La Cả, Vạn Phúc, Tây Hồ, Trích Sài, rồi lại mua the lụa, vân, xuyến, lĩnh, trừu của chính làng dệt đó, đem gia công cho các thợ nhuộm ở Bưởi, chợ Dầu (vùng Đình Bảng, Hàng Lam (cửa Nam), Đông Mỹ và Bích Lưu (phố Thợ Nhuộm) để nhuộm thành các màu rồi bày bán thành phẩm cho khách buôn hoặc người tiêu thụ. Nhìn chung đó là những chủ hiệu lớn của thành phố, nhiều vốn và nhiều hàng hóa, giống như các chủ hiệu ở khu Arte della Seta (khu kỹ nghệ tơ lụa) của thành phố Florence nước ý thế kỷ XV – XVI. Cứ đến các ngày phiên chợ hàng tơ (ngày 1 và 6 âm lịch), “phố Hàng Đào bỗng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hẳn lên như chốn hang động của Ali ba ba”[91].

Chúng ta đã biết quang cảnh nhộn nhịp đông đúc của các phố phường Hà Nội trong những ngày phiên chợ như thế nào, khi đông đảo các thợ thủ công, thương nhân từ các vùng nông thôn phụ cận đã tràn vào thành phố, trao đổi buôn bán hàng hóa thủ công nghiệp và nông sản tại các chợ và các cửa hiệu, biến toàn bộ Thăng Long – Hà Nội thành một thứ chợ phiên khổng lồ, một kiểu siêu thị “đặc biệt” thời Trung đại [92].

Cuối cùng ta phải kể đến một số phố phường giàu có của những đại phú thương Hoa kiều như các phố Việt Đông (Hàng Ngang), Phúc Kiến (Lãn Ông), Hàng Buồm, Mã Mây. Đến thế kỷ XIX, tầng lớp phú thương Hoa kiều này lợi dụng chính sách nhượng bộ của nhà Nguyễn đối với Mãn Thanh, đã tràn ngập vào trong một số phố phường Hà Nội. Họ làm nhiều nghề khác nhau: bán hàng tạp hóa (các mặt hàng nhập từ Trung Quốc), gấm vóc, thuốc bắc, đường và bánh ngọt, mở tiệm cao lâu. Mặt khác họ hầu như nắm toàn bộ các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu [93], buôn bán trái phép các mặt hàng như gạo, thuốc phiện, muối, thiếc, tơ lụa, lãnh trưng các quặng mỏ, xưởng đúc tiền, bến đò quan ải, cho vay nặng lãi, với tài nghệ khéo léo và thủ đoạn thâm hiểm mà có tác giả đã gán cho biệt hiệu là những tên “Do Thái Viễn Đông”[94]. Chính những phú thương Hoa kiều này, đã là những kẻ cấu kết chặt chẽ với thực dân Pháp như Duipuis Garnier, Rivier trong 2 lần Pháp đánh Hà Nội. Sự độc quyền cạnh tranh của tầng lớp phú thương Hoa kiều trong các phố phường Hà Nội đã là một yếu tố kiêu hãnh những mầm mống của một nền buôn bán lớn của người Việt ở đây, ngăn chặn không cho nó phát triển về phương diện chính trị – xã hội, dân chúng các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã đồng thời vừa là thần dân của một chính quyền quân chủ phong kiến (trung ương và địa phương) vừa là những thành viên của những cộng đồng thôn phường (sở tại và làng quê gốc).

Với tư cách là thần dân của một chính quyền Nhà nước phong kiến, họ đã phải gánh chịu những nghĩa vụ phong kiến: thuế má, binh dịch, lao dịch. Năm 1724, Trịnh Cương đã ra lệnh giảm tô thuế cho kinh thành Thăng Long, với lý do: “là nơi dân chúng ở gần kề ngay dưới kiệu, bên xe của vua chúa. Theo đó mỗi suất đinh phải nộp thuế thân dung mỗi năm 8 tiền (các nơi khác 1 quan 2 tiền, đóng làm 2 lần). Người đinh năm nào, nguyện tích ở các trấn, đã chịu thuế dung và thu thuế điệu ở bản quán rồi thì đều được miễn (đóng ở kinh kỳ). Ngoài ra, các hạng đất và các hạng dân đinh ở phường phố mỗi người một năm đóng 10 đồng tiền thập văn”[95]. (Cương mục ghi: các hạng thổ ở phố mỗi thước phải nộp tiền 10 đồng).

Về lao dịch, Phạm Đình Hổ cho biết: “Theo lệ cũ chốn kinh thành… từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đinh sửa sang đắp lại nền cắm cờ tướng, dọn cỏ xung quanh sân đình, cung ứng các việc kiến trúc”[96]. Trong một số thôn phường được nhà nước giao đặc trách cho việc thờ cúng tại các đền chùa miếu mạo trong các kỳ tế lễ hàng năm, dân chúng đã được công nhận là dân “tạo lệ”, và được miễn cho mọi khoản đóng góp khác cho nhà nước, như trường hợp dân chúng 3 giáp: Mật Thái; Bắc Thượng, Bắc Hạ của phường Hà Khẩu [97].

Trong thế kỷ XIX, cũng có những thời gian dân chúng các phố phường Hà Nội phải gánh chịu nghĩa vụ thuế thân và binh dịch lao dịch, đặc biệt là trong cuộc cải cách 1830 của Minh Mệnh. Nhưng sau đó đã xảy ra tình trạng lưu tán, nên đến năm 1836 dân chúng các phố phường đã được miễn binh đao bằng cách cho nộp thuế biệt nạp (thuế sản vật đánh vào các hộ thủ công trong tượng cục), nộp thay bằng tiền. Theo đó, hạng tráng mỗi năm mỗi người nộp 8 quan, dân đinh (già cả và tàn tật) thì nộp một nửa[98]. Sau đến 1841 lại giảm xuống mức 6 quan và 3 quan [99]. Cuối thế kỷ XIX, một tài liệu của một tác giả Pháp có ghi: “Các dân đinh của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc Hà Nội mỗi người hạng tráng nộp 3 quan một năm để được miễn nghĩa vụ đi lính [100]. Đối với các cửa hiệu buôn bán trong các phố phường Thăng Long – Hà Nội, chúng ta không được biết cụ thể về các khoản thuế kinh doanh. Có thể việc đánh loại thuế này đã được tiến hành không theo một quy chế chính thức nào. Cho đến năm 1836, tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Thiêm đã dâng sớ đề nghị: “xin miễn thuế cho các cửa hàng chợ búa, phố xá ở 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, được vua y cho”[101].

Ngoài việc chịu nghĩa vụ đối với Nhà nước phong kiến, dân chúng các thôn phường Thăng Long – Hà Nội còn phải thực hiện một số nghĩa vụ và đóng góp đối với các thôn phường sở tại và làng quê gốc. Thời Lê Trịnh 2 huyện Thọ Xương và Quảng Đức được chia làm 8 khu dưới đó lại chia làm các đoàn, lư, tị. Dân chúng phải tham gia các công việc phòng gian, phòng hỏa trong phường, thông qua các khu trưởng và đoàn trưởng [102]. Thời Nguyễn, nhà nước lại chia các phố phường Hà Nội thành từng giáp, từng bảo… chia phái biền binh tuần phòng [103]. Mỗi phường đều có phường trưởng và phường bảo coi việc hành chính trị an, chỉ huy các đội tuần tra dân vệ [104]. Hàng tháng dân chúng các phường thôn phải đóng tiền để chu cấp cho họ họi là món tiền “phụ dưỡng”[105].

Nhiều người thị dân trong các phố phường Thăng Long – Hà Nội cũng có những mối liên hệ vật chất và tinh thần rất gắn bó với làng quê cũ của mình. Trong một thời gian dài, mặc dù đã di cư ra thành thị, họ vẫn tự coi mình như những thành viên thực thụ của làng quê gốc, chịu nghĩa vụ sưu thuế ở đó. Qua một vài đời ở phố, nhưng họ vẫn còn là những “thành viên danh dự” của làng quê. Trong những dịp giỗ Tết, họ vẫn thường về quê thăm hỏi bà con, họ hàng làng xóm, tham gia hội họp với dân làng, đóng góp những khoản tiền cho dân làng chi dùng vào những công trình lợi ích công cộng.

Ngay trong đời sống ở thành thị, người thị dân Hà Nội trong một thôn phường vẫn gắn bó với nhau bởi một tình cộng đồng làng quê sâu đậm. Họ luôn luôn hướng về làng quê gốc, trong một tình cảm gắn bó chung, dân phố Hàng Bạc dù cho đã sinh sống làm ăn lâu đời ở phố, nhưng vẫn rất tự hào khi nhắc đến quê gốc của mình là làng Trâu Khê (Bình Giang – Hải Dương cũ) trong câu truyền tụng: “Năm giáp Trâu Khê, hai đình Hàng Bạc”. Trong một thôn phường, họ thường cùng nhau chung tiền đóng góp xây dựng nhiều đình chùa, đền miếu thờ Thành hoàng làng quê gốc hoặc ông tổ nghề (tiên sư) duy trì việc thờ cúng, như đối với các ông tổ các nghề thêu lọng, đúc đông, sơn đồ gỗ, thuộc da… Đặc biệt trong một số thôn phường họ đã cùng nhau đóng góp xây dựng nên những đình, đền “thờ vọng”, ngụ ý hướng về quê hương bản quán. Chúng ta có thể thấy các đền thờ vọng của các thợ tiện Nhị Khê (Hà Sơn Bình) ở 11 Hàng Hành, thợ bạc Trâu Khê (Hải Hưng) ở 30 Hàng Giấy, thợ làm quạt Đào Xá (Hải Hưng) ở 4 Hàng Quạt, đền thờ vọng của dân làng Phù Ủng (Hải Hưng) thờ Phạm Ngũ Lão là dân làng quê mình ở 25 Lý Quốc Sư, các đền thờ vọng của các làng Lương Ngọc (Hải Hưng) ở 68A Hàng Bông, của làng Phất Lộc (Thái Bình) ở 30 ngõ Phất Lộc…

Tóm lại, những người thợ thủ công – thương nhân trong các phố phường Thăng Long – Hà Nội, nếu về mặt kinh tế đã là những con người tương đối độc lập, tự do, ít bị rằng buộc bởi những luật lệ, quy chế khe khắt kiểu phường hội thì trái lại về mặt chính trị – xã hội, họ đã tồn tại trong nhiều mối liên hệ rằng buộc về vật chất và tinh thần trong những cộng đồng chồng chéo lên nhau. Thần dân của một nhà nước phong kiến, thành viên của thôn phường sở tại, thành viên của một làng quê gốc.

Dưới sự níu kéo của những cộng đồng làng xã và sự khống chế của một bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế, họ chưa bao giờ trở thành những con người độc lập, những người thị dân thực thụ, hiểu theo nghĩa chính xác về mặt kinh tế – xã hội của từ này. Họ lại càng chưa bao giờ có điều kiện, cơ may để vươn tới địa vị của những công dân, những chủ nhân về pháp lý và trên thực tế của những thành thị tự trị, tự do như những thị dân trong phong trào thành thị Phục hưng của Tây Âu thời Trung đại.

Bước đường phát triển lịch sử của các phố phường Thăng Long – Hà Nội

Trong kết cấu kinh tế – xã hội của Thăng Long – Hà Nội các phố phường buôn bán thủ công tập trung phía Đông đã giữ vai trò của bộ mặt tiêu biểu của thành thị này. Nó đã tập hợp một số các chợ lớn quan trọng nhất trong mạng lưới chợ Thăng Long – Hà Nội, ở liền sát với hệ thống bến cảng – sông (sông Hồng, Tô Lịch) có những mối liên hệ mật thiết với các phường thôn chuyên ven đô và những làng xã chuyên thủ công trong các vùng phụ cận, duy trì những đối thoại kinh tế – xã hội thường trực với khối nông dân trong các vùng nông thôn xa gần.

Trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX khu phố phường này đã trải qua nhiều biến chuyển sâu sắc, dưới sự tác động của nền kinh tế hàng hóa phát triển. Bộ mặt phố phường trở nên náo nhiệt với số dân đông đúc, nhà hàng, cửa hiệu san sát, tấp nập đông vui. Các làng nghề truyền thống phát triển mạnh, hoạt động trao đổi buôn bán gia tăng, chất lượng một số mặt hàng tinh xảo. Một số nhà buôn trở nên giàu có, với sinh hoạt đài các…

Tuy nhiên, sự biến chuyển của khu phố phường buôn bán thủ công này cũng chỉ dừng lại ở đó Dưới sự khống chế của một bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền, do ảnh hưởng níu kéo của cộng đồng các làng xã áp đảo chung quanh, các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã bị nhiều rằng buộc, không thể tạo nên được một sự thay đổi cơ bản về chất, để chuyển qua một mô hình kinh tế – xã hội mới.

Về diện mạo vật chất, phố phường Thăng Long – Hà Nội tuy có trở nên sầm uất, đông vui nhưng hầu như không tiến thêm được bước nào trên con đường đô thị hóa… Thành phố không có một quy hoạch rõ ràng, vệ sinh và tiện nghi công cộng ở đường phố hầu như không được cải thiện. Vấn đề cấp thoát nước và ánh sáng đường phố đã không được đặt ra. Cũng không có một công trình kiến trúc nào đại diện cho lợi ích công cộng của thị dân được xây dựng, ngoại trừ một số đền thờ miếu mạo mang tính chất tôn giáo hoặc tinh thần cộng đồng làng quê. Một thắng cảnh tiêu biểu của đô thị ngay sát liền với khu phố phường là Hồ Hoàn Kiếm, cũng không được chăm sóc chu đáo. Trong thế kỷ XIX, hồ này đã trở thành một nơi mất vệ sinh “thu nhận tất cả rác rưởi của thành phố”[106], “Trên bờ hồ, buổi sáng hàng ngày, một số đông dân chúng đã ra đấy rửa mặt”[107] (các phụ nữ ra đấy rửa rau và bát đĩa… họ lội xuống nước đến tận đầu gối, hay ngồi xổm trên các tấm ván cầu ao, cách hồ vài bước, giống như ngồi trên những cái bè… để rửa rau vo gạo”[108]. Có thể nói ảnh hưởng của yếu tố nông thôn – nông dân vẫn ngự trị rất sâu sắc tới cái nhân lõi thành thị này của Thăng Long – Hà Nội.

Về kinh tế, sự tinh xảo hóa một số nghề thủ công và sự gia tăng việc trao đổi buôn bán đã không làm thay đổi được quy mô và quan hệ cơ bản của một nền sản xuất – lưu thông nhỏ. Đại bộ phận các thợ thủ công, thương nhân ở đây vẫn chỉ là những tiêu chủ và tiểu thương. Một số phú thương các phố Hàng Đào, Hàng Bạc… tuy có nhiều tiền của, đã không dám tự do bỏ vốn ra kinh doanh. Vì vậy đã không thể nào khống chế được những người sản xuất nhỏ (thợ thủ công, nông dân) để có thể phát triển theo chiều hướng tích lũy tư bản chủ nghĩa. Ngược lại, họ đã tìm cách cất giấu tiền của đó, dùng nó vào việc phục vụ cho một sinh hoạt gia đình mang tính chất xa xỉ đài các nhưng thận trọng, kín đáo, bắt chước giới quan liêu… Tầng lớp đại phú thương với nền buôn bán lớn, đường dài hầu như không có sự độc quyền và cạnh tranh của các đại phú thương Hoa kiều. Tóm lại, trong các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã không xuất hiện được mũi nhọn kinh tế – xã hội để có thể chọc thủng cái vỏ cứng của một nền sản xuất nhỏ, tiến tới một nền sản xuất lưu thông lớn mang tính chất tư bản chủ nghĩa.

Trên bình diện xã hội, bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền đã khống chế toàn diện đời sống của thành thị và phố phường, duy trì trật tự đẳng cấp và địa vị thống trị của tầng lớp quan liêu. Những người thị dân Thăng Long – Hà Nội, tức như những thợ thủ công và thương nhân. Nếu đã có những bước tiến nào đó về các hoạt động kinh tế, thì vẫn không thể nào làm thay đổi được thân phận của khối bình dân bị trị của mình, chưa bao giờ có được cơ hội nào để tiến lên địa vị bình đẳng với khối quan liêu, càng không thể nào có địa vị của những người chủ nhân thành phố.

Dưới tác động của nền kinh tế hàng hóa phát triển trong thế kỷ XVIII và phần nào vẫn tiếp tục trong thế kỷ XIX, tuy các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã có một hiện tượng giao lưu đẳng cấp và một khuynh hướng tiến vượt đẳng cấp xảy ra. Có những dấu hiệu của cả hai khuynh hướng quan liêu thị dân hóa và thị dân quan liêu hóa. Một số quan liêu đã dùng các biện pháp, ngoại đạo (thường là thông qua vai trò của các phụ nữ thân tín) để buôn bán kinh doanh làm giàu, và một số thị dân đã dùng tiền của mình, tìm mọi cách gia nhập vào hàng ngũ quan liêu. Hình thức tiêu biểu nhất là các cuộc giao chuyển giữa các vị tân khoa nhà nghèo với con gái các nhà buôn giàu có: đó cũng chính là những cuộc hôn nhân chính trị – kinh tế giữa hai tầng lớp có quyền và có tiền đại diện cho bộ mặt chế độ phong kiến tập quyền, khuynh hướng đó không thể tiến xa hơn, và kết cấu của Thăng Long – Hà Nội dù có bị chao đảo, xô lệch, nhưng không thể bị sụp đổ và biến chất. Không có điều kiện và tiền đề nào để Thăng Long – Hà Nội có thể trở thành một thành trị tự do của thị dân. Ngược lại, trước sau nó vẫn chỉ là 1 loại thành thị – quan liêu, hay nói như Mác: “là những dinh lũy của vua chúa, là một cục bướu mọc trên chế độ kinh tế theo đúng nghĩa của nó”[109].

Ở một mặt khác, nội bộ khối thị dân trong các phố phường Thăng Long - Hà Nội cũng đã phân hóa rất chậm. Dù giàu hay nghèo, tiểu chủ hay thợ thuyền, họ vẫn cũng ở trong khối bình dân là những thành viên của một cộng đồng thôn phường, lại có chung một làng quê gốc. Không có một chiều hướng phân hóa giữa tầng lớp đại thương – chủ xưởng với quần chúng thợ bạn theo kiểu “dân béo” và “dân gầy” như trong các thành thị Tây Âu giai đoạn hậu kỳ trung đại.

Trong lịch sử, từ lâu Thăng Long – Hà Nội đã là một thành thị lớn nhất, tiêu biểu và cũng hầu như là duy nhất của xã hội Việt Nam cổ truyền. Khu phố phường thủ công buôn bán của Thăng Long – Hà Nội lại là một nhân lõi đại diện cho thành thị. Vì vậy, các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã có một vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn cục về kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nói một cách khác, những bước tiến của khu phố phường này cũng chính là những bước tiến của xã hội Việt Nam nói chung. Ngược lại, sự trì trệ của các phố phường Thăng Long – Hà Nội cũng phản ánh chính sự trì trệ của xã hội trên phạm vi toàn đất nước.

Trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX, các phố phường Thăng Long – Hà Nội đã bừng lên trong một đà hưng khởi nhiều mặt tạo nên cho Thăng Long – Hà Nội một dáng vẻ của một thành thị hoạt động tấp nập, đang hối hả chạy. Nhưng vì thiếu một sức bật quyết định để có thể chuyển sang một quỹ đạo kinh tế – xã hội mới, nên trên một thực tế, đó cũng chỉ là hình ảnh của một Thăng Long – Hà Nội đang chạy tại chỗ, trên mảnh đất truyền thống và cũng là cũ kỹ của mình.                   
 

Chú thích:
[1] Xem thêm Mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1/1983.
[2] Sử thần đời Lê, Đại việt sử kí toàn thư, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, Tập II, tr.10.
[3] Deloustal, Ressources, financières et économiques de l’ Etat dans l’ancien Annam, Revue Indochinoise 1926, tr.12-13.
[4] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội, 1975, tr.153.
[5] Nguyễn Trãi, Dư địa chí, Bản dịch, Hà Nội, 1960, tr.25.
[6] Marini, Relation nuovelle et curieuse des royaumes de Tonquin et de Lao, Paris, 1666, p.111.
[7] Bissachere, Etat actuel du Tonkin, de la Conchinchine et royaumes de Combodge, Laos st Lactho” (2 tomes), Paris, 1812, Tập I, tr.261.
[8] Trần Kinh Hòa, Kẻ Chợ, Đại học, Huế, số 6 (12/1962).
[9] Génibrel, Dictionnare annamite – francais, Sài Gòn, 1898, tr.954.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Hà Nội, 1971, Tập III, tr.189.
[11] Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876), Sài Gòn, 1881, tr.16.
[12] A.de Rhodes, Histoire du royaume du Tonkin (1627 – 1646), Revue Indochinoise, 1908 (2), tr.109.
[13] Dampier, Voyages and discoveries (1688), London, 1931, tr.31.
[14] Richard, Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin, (2 vol.), Paris, 1778, Tập I, tr.28-29.
[15] Thượng kinh phong vật chí, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7-8/1971.
[16] Marini, Sđd, tr.111.
[17] Boissiere, Hà Nội, capitale du Tonkin, Revue Indochinoise illusrée, 1894, tr.202.
[18] Masson, Hà Nội pendant la période héroique, Paris, 1929, tr.131.
[19] Masson, Sđd, tr.213. Theo báo cáo của Chapotot đề ngày 16-11-1875 gửi Thống đốc Nam kỳ Duperre.
[20] J. Dupuis, Evenements du Tonkin 1872 -1873, Juornal de voyage, Paris, 1879, tr.105.
[21] J. Dupuis, Sđd, tr.36.
[22] Dampier, Sđd, tr.38.
[23] Carreri – Mémories (1695) trong Les Euro péens qui ont vu le vieux Huế, BAVH, 1930, tr.315.
[24] A.de Rhodes, Sđd, tr.108.
[25] Bissachere, Sđd, tr.248.
[26] Dampier, Sđd, tr.38.
[27] Deloustal, La justice dans l’ancien Annam, Hà Nội, 1911.
[28]. Dampier, Sđd, tr.57.
[29] Bonnal, Au Tonkin (1873 – 1886), Hà Nội, 1925, tr.36.
[30] Hocquard, Une campagne au Tonkin (1884), Paris, 1892, tr.30.
[31] Buorrin, Le vieux Tonkin, Hà Nội, 1941, tr.36.
[32] Bonnal, Sđd, tr.93.
[33] Boissiere, L’Indochine a vec les francais, Paris, 1914, tr.203.
[34] Buorde, De Paris au Tonkin (1884), Paris, 1885, tr.169.
[35] Madame Hirondelle nuos parle du vieux Hanoi, Indochine 7, 1942.
[36] Hocquard, Sđd, tr.38 -39.
[37] Madame Hirondelle, Sđd.
[38] Labatthe, Hanoi, capitale du Tonkin, Revue Indochinoise, 1883, tr.93.
[39] Baldinotli, Relation du royaume de Tonquin (1626), BEFEO, 1903, tr.77.
[40] A.de Rhodes, Sđd, tr.179.
[41] S.Baron, Descriptinon du royaume de Tonquin (1698), Revue Indochinoise 1914-1915, tr.12.
[42] Dampier, Sđd, tr.36 -37.
[43] Marini, Sđd, tr.110.
[44] Richard, Sđd, Tập I, tr.37.
[45] Carreri, Sđd, tr.312.
[46] Boissiere, Indochine… tr.202.
[47] Mme Hirodelle…
[48] Labarthe, Sđd, tr.93.
[49] Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng Tháng Tám, Tập I, Hà Nội, 1973, tr.38.
[50] Hocquard, Sđd, tr.30.
[51] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Bản dịch, Hà Nội, 1972, tr.23.
[52] Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économique du Việt Nam axu XVIIè et XVIIIè siecles”, Paris, 1970, tr.129.
[53] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch, Hà Nội, 1968, tập IX, tr.41.
[54] Đại Nam thực lục, Sđd, tập XIX, tr.123.
[55] Hocquard, Sđd, tr.17.
[56] Le Tonkin, (không tác giả), Paris, 1886, tr.103.
[57] Labarthe, Sđd, tr.96.
[58] Marini, Sđd, tr.111.
[59] Dampier, Sđd, tr.46.
[60] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam nhất thống chí, Bản dịch, Hà Nội, Tập III, tr.165-189.
[61] Luro, Le Pays d’AnNam, Paris, 1897, tr.27.
[62] Tuyển tập văn bia Hà Nội, Bản dịch, Hà Nội, 1978, Tập II, tr.62.
[63] Diguet, Les annametes, Paris, 1906, tr.32.
[64] Dumuotier, Les cultes annamites, Hanoi, 1907.
[65] Tuyển tập văn bia Hà Nội, Tập I, tr.23.
[66] Dư địa chí, tr.26.
[67] Nguyễn Minh Tuấn, Thăng Long đầu thế kỷ XVIII trong con mắt của một trí thức dân tộc Thái ở Tây Bắc, Tạp chí Dân tộc học, số 4/1970.
[68] Thượng kinh phong vật chí, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7-8/1971.
[69] Vũ trung tùy bút, tr.83.
[70] Marini, Sđd, tr.111.
[71] Baron, Sđd, tr.12.
[72] Bissachere, Sđd, Tập I, tr.198.
[73] Jullien, Lettres (Annam – Tonkin 1884 – 1886), Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1930.
[74] Yann, Croquis tonkinois, Hanoi, 1889, tr.55.
[75] Hocquard, Sđd, tr.114.
[76] Hocquard, Sđd, tr.117.
[77] Thượng kinh phong vật chí, Sđd.
[78] Dampier, Sđd, tr.47.
[79] Imbert, Le Tonkin industriel et commercial, Paris, 1885, tr.86.
[80] Hà Mai Phương, Hoạt động của bộ Công đời vua Tự Đức qua các châu bản triều Nguyễn, Sài Gòn, 1974.
[81] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập XXXIV, tr.66.
[82] Dumoutier, Les Pagodes de Hanoi, Hà Nội, 1887, tr.156.
[83] Bonnal, Sđd, tr.91.
[84] Dumoutier, Les Pagodes de HaNoi.
[85] Kergaradec, Notes sur l’incrustation du Tonkin Excursions et reconnaissances, Sài Gòn, 1882, tr.284.
[86] Imbert, Sđd.
[87] Hocquard, Sđd, tr.17.
[88] Hocquard, Sđd, tr.33-34.
[89] Dampier, Sđd, tr.47.
[90] Hocquard, Sđd, tr.118.
[91] Buorde, Sđd, tr.209.
[92] Xem Mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1/1983.
[93] Brunat, Exploration commerciale du Tonkin, Lyon, 1885, tr.19.
[94] Hocquard, Sđd, tr.40.
[95] Ngô Quang Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Hà Nội, 1975, Tập II, tr.76.
[96] Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, Sđd, tr.23.
[97] Tuyển tập văn bia Hà Nội, Sđd, Tập I, tr.45.
[98] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập XVIII, tr.351.
[99] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập XXIII, tr.48.
[100] Sylvestre, L’empire d’AnNam et le peuple annamite, Paris, 1889, tr.326.
[101] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập XVIII, tr.351.
[102] Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, Sđd, tr.23.
[103] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập V, tr.293.
[104] J. Dpuis, Sđd, tr.118.
[105] Đại Nam thực lục, Sđd, Tập XVIII, tr.351.
[106] Dumoutier, Les Pagodes…
[107] Hocquard, Sđd, tr.180.
[108] Buorde, Sđd, tr.130.
[109] C.Mác, Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa, Bản dịch, Hà Nội, 1976, tr.26-27.
 
Nguồn: Với Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Thế giới, H., 2011, tr. 317-344.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 10-02-2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây