HÀ NỘI TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH MẠNG
Phan Huy Lê
Hà Nội nổi bật lên trong lịch sử thủ đô các nước trên thế giới về bề dày lịch sử với vai trò kinh đô khá sớm và gần như liên tục trong lịch sử qua nhiều thời đại.
Không kể những trang tiền sử của mảnh đất Hà Nội, từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên, Hà Nội đã vươn lên giữ vị trí kinh đô của cả nước với kinh thành Cổ Loa của nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Gần 22 thế kỷ đã trôi qua, dấu tích Cổ Loa vẫn còn đó như một cột mốc lớn mở đầu lịch sử Hà Nội với tư cách trung tâm chính trị của đất nước.
Trong hơn nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, vùng Hà Nội đã dần dần trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trọng yếu và nhiều lần là đô thành của chính quyền độc lập do nhân dân ta đấu tranh giành lại được. Thành Vạn Xuân của nhà nước Lý Nam Đế trên đất Hà Nội. Thời Tùy, Đường thành Tống Bình, Đại La trên đất Hà Nội là sào huyệt của quân xâm lược, nhưng cũng là mục tiêu tiến công của các phong trào yêu nước và nhiều cuộc khởi nghĩa thắng lợi đã biến phủ thành của chính quyền đô hộ thành kinh thành của nhà nước độc lập. Chính quyền độc lập ngắn ngày của Bố Cái Đại Vương, chính quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương đều đặt tại thành Đại La trên đất Hà Nội.
Đại thắng Bạch Đằng năm 938 đã giũ sạch nhục mất nước hơn nghìn năm, giành lại giang sơn, chủ quyền và mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài, một kỷ nguyên phục hưng toàn diện của dân tộc và văn hóa dân tộc. Triều Ngô do người anh hùng phục hưng Ngô Quyền sáng lập đã định đô tại Cổ Loa, cố đô của Âu Lạc thời dựng nước. Cùng với sự hồi sinh của dân tộc, Hà Nội lại được vinh dự phục hồi vị trí trung tâm của đất nước.
Sau đó, dưới triều Đinh và Tiền Lê, do yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, khi lực lượng độc lập và thống nhất còn non trẻ, kinh đô một thời dời về Hoa Lư hẻo lánh và hiểm trở. Nhưng rồi năm 1010, trước yêu cầu phát triển và trưởng thành của nước Đại Việt, Lý Công Uẩn lại quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên Thăng Long. Đây là cột mốc lớn thứ hai trong lịch sử Hà Nội phân định thời Tiền Thăng Long cổ xưa trước đó, và thời Thăng Long phục hưng kể từ đó.
Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh – Kẻ Chợ, tên có đổi thay, nhưng từ năm 1010 đến năm 1788, trong 778 năm, Hà Nội là kinh đô của nước Đại Việt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước.
Trong suốt thời kỳ độc lập lâu dài (trừ 20 năm chống Minh thuộc ngắn ngủi đầu thế kỷ XV), từ năm 939 với triều Ngô cho đến năm 1858 với cuộc kháng chiến chống Pháp, trên trục thời gian 919 năm, chỉ có 111 năm Hà Nội không giữ vai trò kinh đô. Đó là 41 năm thời Đinh, Tiền Lê với kinh thành Hoa Lư và 70 năm thời Tây Sơn, Nguyễn với việc chuyển đô vào Phú Xuân – Huế.
Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội không phải là kinh đô của nước Việt Nam, nhưng là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.
Sau gần một thế kỷ chống Pháp, với thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội lại được khẳng định vị trí thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi với kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, trở thành thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám và ngày giải phóng thủ đô mồng 10 tháng Mười năm 1954 là những cột mốc mới trong lịch sử Hà Nội mở ra kỷ nguyên Hà Nội cách mạng và hiện đại.
Một tiền Thăng Long cổ xưa.
Một Thăng Long phục hưng.
Một Hà Nội cách mạng và hiện đại.
Có thể coi đấy là 3 chặng đường lớn của lịch sử Hà Nội với vai trò thủ đô của đất nước. Trong gần 2200 năm, Hà Nội gần như liên tục giữ vị trí trung tâm của Tổ quốc, trừ những thời gian mất nước của Bắc thuộc, Minh thuộc, Pháp thuộc và những giai đoạn ngắn của Hoa Lư, Phú Xuân – Huế.
Bề dày lịch sử hiếm có đó của Hà Nội cùng với công cuộc xây dựng và bảo vệ thủ đô gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo nên dòng lịch sử Hà Nội anh hùng và văn hiến, tạo nên bản lĩnh, phong cách và truyền thống Hà Nội, để lại một di sản lớn cho hiện tại và tương lai.
Một vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn đang đặt ra là trước yêu cầu cách mạng, yêu cầu xây dựng thủ đô văn minh và hiện đại là chúng ta nhận thức và đánh giá như thế nào di sản đó của quá khứ? Theo tôi, đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Hà Nội học và các nhà Hà Nội học, đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng rãi. Sau đây, tôi chỉ nêu lên vài ý kiến quanh mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và cách mạng khi kế thừa di sản của lịch sử Hà Nội để lại.
Trong một số bài viết gần đây, tôi đã chứng minh rằng, cuộc cách mạng của chúng ta ngày nay, mà cách mạng dân tộc – dân chủ là bước chuẩn bị, là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử nước ta. Trước đây, trong tiến trình lịch sử, xã hội Việt Nam đã trải qua một số chuyển biến có tính chất cách mạng, những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng chưa hề trải qua một cuộc cách mạng xã hội thực sự theo ý nghĩa đầy đủ của khái niệm đó.
Vì vậy, trong sự nghiệp cách mạng ngày nay, nhân dân ta phải cải tạo một thế giới cũ hết sức phức tạp, không phải chỉ tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, mà phải cải tạo cả những tàn dư dai dẳng của nhiều hình thái kinh tế – xã hội chồng chất trong lịch sử. Đồng thời với công cuộc cải tạo thế giới cũ, là nhiệm vụ xây dựng một thế giới hoàn toàn mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một sứ mệnh lịch sử rất vinh quang, nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi, cùng một lúc, phải giải quyết nhiều nhiệm vụ phức tạp do lịch sử dồn chứa lại. Đặc biệt, trong buổi đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, khi mà thế giới mới đang xây dựng nhưng chưa định hình, thì cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ ngày càng diễn ra phức tạp, đan xen nhau và vấn đề thừa kế di sản của quá khứ như thế nào càng đặt ra một cách nóng hổi trong cuộc sống. Nếu không giải quyết đúng mối quan hệ giữa truyền thống và cách mạng thì rất dễ dẫn đến những nhận thức và xử lý sai lầm.
Hoặc nhân danh cách mạng mà quay lưng lại quá khứ, phủ định mọi di sản truyền thống tốt đẹp và quý giá của dân tộc, rơi vào chủ nghĩa hư vô.
Hoặc nhân danh truyền thống mà bảo tồn cả những cái đã trở nên lạc hậu, lỗi thời của quá khư, cản trở sự phát triển của cách mạng.
Cuộc sống của Hà Nội chúng ta, trong bối cảnh chung của đất nước, cũng đã và đang trải qua những đảo lộn lớn lao trong lịch sử với những đan xen và đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong xã hội. Dĩ nhiên cái mới ngày càng chiếm ưu thế và dần dần tiến lên giữ vị trí chi phối. Nhưng “sức ỳ của lịch sử”, nói theo cách nói của F. Enghen, không thể xem nhẹ. Trong di sản của của quá khứ Hà Nội để lại, có những mặt trước đây có thể là dĩ nhiên, thậm chí là tích cực, nhưng nay đã trở nên lỗi thời, tiêu cực. Có thể nêu lên những mặt chính sau đây:
– Thứ nhất, Hà Nội xưa vốn là một thành thị trung đại theo mô hình phương Đông. Đó là một thể kết hợp chặt chẽ giữa hai bộ phận tạo thành: Thành – Chính trị là trung tâm của chính quyền phong kiến trung ương và Thị – Dân cư với những xóm làng phố phường làm ăn buôn bán của nhân dân. Cơ sở kinh tế của nó bao gồm cả nông, công, thương với những xóm làng nông nghiệp xen kẽ những phường thủ công và những phố chợ thương nghiệp, với sự tồn tại đồng thời của các yếu tố phong kiến, thị dân và nông thôn. Loại thành thị này, do kết cấu chính trị – kinh tế – xã hội nội tại của nó, rất khó thoát khỏi sự khống chế của chính quyền phong kiến để trở thành những thành thị tự do như phương Tây cuối thời trung đại. Đến một bước phát triển cao của kinh tế hàng hóa, mô hình cấu trúc của loại hình này trở nên bảo thủ, trì trệ và không thể tự mở đường tiến lên thành thị cận đại (trừ trường hợp Nhật Bản).
Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội đi vào quá trình cận đại hóa dưới tác động trực tiếp của chủ nghĩa thực dân. Từ quy hoạch, kiến trúc đến sự ra đời của một số cơ sở công nghiệp và thương mại, những biến đổi trong cơ cấu xã hội, Hà Nội có những chuyển biến theo hướng cận đại hóa. Nhưng về cơ bản, Hà Nội vẫn mang nặng tính chất và cấu trúc của một thành thị tiền công nghiệp, mức độ công nghiệp hóa còn thấp.
– Thứ hai, Hà Nội truyền thống là một thành thị dựa trên nền tảng sản xuất nhỏ, chủ yếu là của nông dân, thợ thủ công và buôn bán nhỏ. Cơ sở công nghiệp mà chủ nghĩa thực dân xây dựng ở Hà Nội không bao nhiêu và không làm thay đổi được tính phổ biến của nền sản xuất nhỏ.
Trên con đường xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, công việc xây dựng đã gian lao, khó khăn, cuộc đấu tranh chống những tàn dư dai dẳng của nền sản xuất nhỏ, càng phức tạp và kéo dài. Trên nhiều phương diện của tư duy, lối sống và ứng xử, Hà Nội vẫn mang dáng vẻ của cái “làng Hà Nội”.
– Thứ ba, chúng ta không được quên rằng Hà Nội xưa là trái tim của cả nước, nhưng cũng là trung tâm của các vương triều phong kiến và có lúc là thủ phủ của chính quyền thực dân, ở đó đã từng ngự trị hàng trăm năm hệ tư tưởng phong kiến cùng với chế độ quân chủ chuyên chế, quan liêu, chế độ đẳng cấp. Tất cả những thiết chế tư tưởng – chính trị – xã hội đó đã bị cách mạng đập tan từ lâu, nhưng cuộc đấu tranh xóa bỏ những tàn dư tư tưởng và xã hội của nó không thể coi thường.
Khi nêu cao các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã vạch ra yêu cầu phải đấu tranh chống những “thói quen và truyền thống lạc hậu”, coi đó là “kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn cản cách mạng tiến bộ” [1]. Di sản quá khứ của Hà Nội bao gồm một số mặt hạn chế mà tàn dư của nó còn biểu hiện dai dẳng dưới hình thức những tập quán, thói quen trong nếp nghĩ, lối sống và quan hệ ứng xử. Đó là một trong những cội nguồn lịch sử của nhiều hiện tượng trì trệ, tiêu cực trong cuộc sống Hà Nội hôm nay mà chúng ta cần tích cực đấu tranh phê phán, xóa bỏ, không phải chỉ trên những biểu hiện bên ngoài, mà cả trong cơ sở phát sinh và bảo tồn của nó.
Nhưng cần khẳng định và nhấn mạnh rằng bên cạnh một số mặt hạn chế, lịch sử quang vinh của Hà Nội để lại cho chúng ta một di sản vô giá trên nhiều lĩnh vực.
Hà Nội là đất nghìn năm văn vật, là một trung lâu đời về chính trị, kinh tế, văn hóa, tiêu biểu cho tâm hồn và trí tuệ của dân tộc.
Trong buổi đầu dựng nước, vùng đất Hà Nội đã nằm trong khu vực trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Các di tích văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng đã tìm thấy trong lòng đất Hà Nội. Trống đồng Đông Sơn cũng đã phát hiện ở Ngọc Hà và Cổ Loa. Cư dân Hà Nội thuở dựng nước đã góp phần tạo tác nên kỷ nguyên văn minh sông Hồng rạng rỡ và Cổ Loa của Hà Nội đã sớm trở thành kinh đô của nước Âu Lạc.
Trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt thời Lý, Trần, Lê, Hà Nội với kinh thành Thăng Long, là một trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước. Thăng Long vừa quy tụ tinh hoa văn hóa của cả nước vừa tỏa chiếu ảnh hưởng văn hóa ra khắp nước. Nền văn hóa của thời kỳ đó vì thế được mang tên Văn hóa Thăng Long. Nền văn minh Đại Việt vừa thừa kế di sản văn minh sông Hồng, vừa hấp thụ nhiều yếu tố tích cực của các nền văn minh láng giềng, vừa vươn lên mạnh mẽ trong lao động sáng tạo như biểu tượng Rồng bay của kinh thành Thăng Long. Có thể coi đó là sản phẩm của một công cuộc phục hưng văn hóa lớn lao sau hơn nghìn năm mất nước, khi mà độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia được củng cố vững vàng và chế độ xã hội đang phát triển.
Vào cuối thời Lê, đầu Nguyễn, chế độ phong kiến suy thoái, phần Thành – Chính trị của Thăng Long – Hà Nội bộc lộ nhiều mặt sa đọa. Nhưng trong phần Thị – Dân cư, đời sống kinh tế – văn hóa của đất kinh kỳ vẫn tiếp tục phát triển và về phương diện kinh tế thành thị, thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII được coi là giai đoạn phồn vinh nhất của Thăng Long thời trung đại.
Trong lịch sử Việt Nam, Hà Nội là trung tâm trí tuệ của đất nước. Đây là nơi sinh ra và lớn lên, nơi đã góp phần hun đúc lên biết bao anh hùng dân tộc tên tuổi sáng chói trong lịch sử, biết bao danh nhân văn hóa với những trước tác đã làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc.
Trong số những danh nhân ấy có những người quê gốc ở Hà Nội, mà xét trên địa bàn Hà Nội hiện nay, có thể kể: Lý Thường Kiệt ở phường Thái Hòa (Ba Đình), thái hậu Ỷ Lan ở làng Sủi (Gia Lâm), Chu Văn An ở làng Quang (Thanh Trì), Phan Phu Tiên ở làng Vẽ (Từ Liêm), Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm ở làng Tó (Thanh Trì), Đặng Trần Côn ở làng Mọc (Từ Liêm – Nay thuộc quận Thanh Xuân), Nguyễn Huy Lượng, Cao Bá Quát ở Phú Thị (Gia Lâm), Bà huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm (Từ Liêm – Nay thuộc quận Tây Hồ), Nguyễn Văn Siêu ở Kim Lũ (Thanh Trì), Lý Văn Phức ở Hồ Khẩu (Tây Hồ)… Nhưng khi tính đến danh nhân cũng như cư dân của một đô thành, không chỉ tính đến những người quê gốc lâu đời ở đó – trên thực tế số người này không nhiều, mà phải tính tất cả những người đã từng sống và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất tụ hội cư dân và anh tài bốn phương. Với quan niệm như vậy thì có thể nói, phần lớn danh nhân đất nước đều ít nhiều đã từng sống và gắn bó cuộc đời, sự nghiệp của mình với đất kinh kỳ văn vật. Trí tuệ của Hà Nội là sự chung đúc và kết tinh trí tuệ của cả dân tộc, rồi từ trung tâm văn hóa này phát huy ảnh hưởng ra cả nước.
Hà Nội xưa có 2 trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước. Đó là lò văn Quốc Tử Giám với những kỳ thi Hội tuyển lựa tiến sĩ và lò võ Giảng Võ là nơi rèn luyện võ nghệ, đào tạo võ quan với võ vị tạo sĩ được đánh giá ngang như học vị tiến sĩ.
Riêng lò văn, không tính thời Lý, Trần, số liệu chưa đủ, chỉ tính từ thời Lê, từ năm 1442 đến 1779, tại Thăng Long đã mở ra 129 khoa thi Hội lấy đỗ 1.894 tiến sĩ [2]. Dĩ nhiên trong số những ông nghè đó, số đông đi vào con đường quan liêu hành chính, thậm chí có kẻ trở thành mọt nước, hại dân, nhưng cũng không ít người với tâm hồn dân tộc và tài năng sáng tạo của mình, đã trở thành những nhà văn hóa xuất sắc.
Hà Nội còn là đất “khéo tay hay làm” tiêu biểu cho truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân nhân ta.
Nghề nông của Hà Nội thường sản xuất những loại đặc sản nổi tiếng như nghề trồng hoa của Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, nghề trồng dâu nuôi tằm ven Hồ Tây, nghề trồng cây thuốc Đại Yên, nghề trồng cây ăn quả với “ổi Quảng Bá, nhãn lồng Thanh Liệt”, nghề trồng lúa tẻ, lúa nếp với những sản phẩm “cốm vòng”, “gạo tám Mễ Trì”, “bánh cuốn Thanh Trì”, “bánh dày Quán Gánh”…
Nghề thủ công của Hà Nội phần lớn do những thợ lành nghề từ các làng thủ công nổi tiếng trong nước tiến hành nghề rồi ở lại gây dựng thành những phường thủ công của kinh kỳ. Có thể truy tìm làng gốc của nhiều nghề thủ công Hà Nội xưa như nghề gốm Bát Tràng gốc ở Bồ Bát (Ninh Bình), nghề đúc đồng Ngũ Xá gốc từ 5 xã của Siêu Loại (Bắc Ninh), nghề vàng gốc Hải Dương, nghề nhuộm đào gốc từ Đan Loan (Hải Dương), nghề nhuộm thâm gốc Vân Hoàng (Hà Tây- nay thuộc Hà Nội), nghề tiện gốc từ Nhị Khê (Hà Tây – nay thuộc Hà Nội), nghề khắc ván in gốc từ Liều Chàng (Hải Dương)… Các miền của đất nước đã góp những tinh hoa của mình để tạo nên văn hóa Hà Nội và truyền thống lao động sáng tạo của Hà Nội.
Trong đời sống văn hóa, Hà Nội xưa cũng là nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống bao gồm hội đền, hội chùa, hội làng vào mùa xuân và mùa thu. Trong các lễ hội truyền thống đó, trình diễn nhiều hình thức văn hóa mang đậm tính dân gian và tính dân tộc như: đánh vật, đấu võ, đá cầu, đánh phết, chọi gà, thả chim, đấu voi, đấu thỏ, đua thuyền, hát tuồng, hát chèo, múa rối nước…
Nhưng trong cuộc sống của Hà Nội cũng như cuộc sống của cả dân tộc ta, dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước. Hà Nội với vai trò kinh đô, không những là đầu não của nhiều cuộc chiến tranh giữ nước mà còn nhiều phen đứng dậy trực tiếp đánh giặc và đã đánh giặc rất giỏi.
Trong những trang sử đánh giặc thời Hùng Vương còn đượm màu sắc huyền thoại, Hà Nội với Kẻ Dóng là nơi sinh ra Phù Đổng Thiên Vương và với núi Sóc là nơi tiễn biệt người anh hùng vào cõi bất tử.
Trong hơn hai nghìn năm chống họa xâm lược của các đế chế Đại Hán phương Bắc, Hà Nội cùng chung vận mạng với cả nước. Hà Nội đã chứng kiến thất bại của An Dương Vương dẫn đến hơn nghìn năm Bắc thuộc và thất bại của triều Hồ dẫn đến 20 năm Minh thuộc. Nhưng ngay sau đó, Hà Nội đã cùng với cả nước anh hùng vùng lên trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc nhằm giải phóng kinh thành, giải phóng cả nước.
Trong đấu tranh chống Bắc thuộc, Hà Nội với vị trí thủ phủ của chính quyền đô hộ, là mục tiêu tiến công và là nơi chứng kiến thắng lợi của nhiều cuộc khởi nghĩa mà tiêu biểu là khỏi nghĩa Phùng Hưng, khởi nghĩa Lý Bý, cuộc nổi dậy giành chính quyền của Khúc Thừa Dụ.
Trong đấu tranh chống Minh thuộc, Hà Nội là nơi diễn ra chiến dịch giải phóng Đông Quan kết thúc bằng Hội thề Đông Quan và cuộc rút lui trong thảm bại của 10 vạn quân Minh.
Trong các cuộc chiến tranh giữ nước, cũng đã có trường hợp “Thăng Long phi chiến địa”. Đó là cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, bằng phòng tuyến Như Nguyệt, quân và dân ta chặn đứng quân xâm lược và đập tan chúng ở bờ bắc sông Cầu, bảo vệ an toàn kinh thành. Nhưng nhiều trường hợp khác ngọn lửa chiến tranh đã lan tới Hà Nội và Hà Nội đã kiên cường cùng với cả nước chiến đấu giữ thành, giữ nước. Đó là ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên hồi thế kỷ XIII và kháng chiến chống Thanh năm 1788-1789. Trong những cuộc kháng chiến này, trên đất Hà Nội đã diễn ra hai trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến tranh. Đấy là trận Đông Bộ Đầu năm 1258 và trận Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789.
Tiếp đó trong hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa đế quốc (1858-1975) từ đế quốc Pháp, phát xít Nhật đến đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn sôi sục ngọn lửa yêu nước và đã cùng cả nước lập nên nhiều chiến công oai hùng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội đã vùng lên trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, đến sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã chứng kiến cuộc rút lui của thực dân Pháp với ngày giải phóng thủ đô mồng 10 tháng Mười năm 1954 và đã lập nên trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Về mặt chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, Hà Nội thực sự là thủ đô anh hùng của một dân tộc anh hùng. Lịch sử đánh giặc của Hà Nội là khúc ca hùng tráng trong bản trường ca anh hùng của dân tộc.
Hà Nội với lịch sử lâu đời, lịch sử anh hùng và văn hiến, là niềm tự hào của Hà Nội và của cả nước.
Hà Nội chung đúc tinh hoa của dân tộc, nhưng không phải bằng sự chắp ghép thô sơ, bằng phép cộng đơn giản, mà bằng sự kết tinh và nâng cao để tạo nên bản lĩnh và sắc thái riêng của đất kinh kỳ và con người kinh kỳ trong bản lĩnh và sắc thái chung của cả dân tộc.
Nói đến truyền thống anh hùng Hà Nội là nói đến hào khí Thăng Long.
Nói đến tinh thần hiếu học và trí tuệ Hà Nội là nói đến đất nghìn năm văn vật, hội tụ anh tài.
Nói đến cách làm ăn Hà Nội là nói đến đất lề. Kẻ Chợ, khéo tay hay làm.
Nói đến lối sống Hà Nội là nói đến vẻ thanh lịch của người thượng Kinh.
Trong sự phát triển biện chứng đó, truyền thống luôn có sự đào thải gạn lọc, đổi mới nâng cao và sáng tạo. Trong kỷ nguyên Hà Nội cách mạng ngày nay, mọi truyền thống của Hà Nội đang trải qua những chuyển biến lớn lao. Chúng ta rất vui mừng và tự hào thấy Hà Nội đã kế thừa và nâng lên một chất lượng mới tất cả truyền thống yêu nước, anh hùng của Hà Nội xưa. Những phẩm giá cao đẹp đó càng làm cho Hà Nội thêm kiên cường, anh hùng và vươn lên tầm cao của thời đại.
Trong xây dựng, Hà Nội cũng đã đạt nhiều thành tựu lớn lao và có nhiều cái hay, cái đẹp, cái mới, làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của thành phố về mọi mặt. Nhưng bên cạnh đó, Hà Nội hôm nay trong cuộc sống lao động và hòa bình, còn nhiều cái chưa hay, chưa đẹp. Về phương diện này, hình như đang có sự gián đoạn (một sự gián đoạn giả tạo, phi lý?) giữa truyền thống và cách mạng. Trong di sản truyền thống của Hà Nội, những cái xấu, cái lỗi thời chưa bị phê phán, xóa bỏ và đặc biệt, những cái tích cực, ưu việt chưa được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Trong khi đó, những cái mới cần thiết của một thủ đô văn minh và hiện đại, đang nảy nở và phát triển, nhưng chưa thật định hình và tạo thành một phong cách mới của Hà Nội.
Chính trong buổi giao thời, việc nghiên cứu các di sản lịch sử của Hà Nội trong quan niệm phát triển biện chứng giữa truyền thống và cách mạng, truyền thống và hiện đại càng đặt ra một cách bức thiết trong nhiệm vụ xây dựng con người và nền văn minh thủ đô để Hà Nội mãi mãi xứng đáng là thủ đô anh hùng và văn hiến, thủ đô của phẩm giá Việt Nam.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, T.I, tr.90.
[2] Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán – Nôm, Hà Nội, 1970, T.I, tr.277.
Nguồn: Bài in trong: Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1999, tập 2, tr.788-801.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 06-12-2011.