Giới thiệu cuốn sách: Một số chuyên đề Lịch sử thế giới (Tập III)

Thứ năm - 03/08/2023 15:54
Tiếp nối những kết quả đạt được của các công trình: Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập I (2001, 2003, 2008) và Tập II (2006, 2008), Bộ môn Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) chủ trương biên soạn và xuất bản cuốn Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập III…
LỜI GIỚI THIỆU
 
Sách: Một số chuyên đề lịch sử thế giới, tập III Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2015 (647 trang)
 
Tiếp nối những kết quả đạt được của các công trình: Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập I (2001, 2003, 2008) và Tập II (2006, 2008), Bộ môn Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) chủ trương biên soạn và xuất bản cuốn Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập III. Đối tượng chính của cuốn giáo trình chuyên đề là các sinh viên năm cuối, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành Lịch sử và một số ngành, chuyên ngành đào tạo có mối quan hệ mật thiết với Khoa học Lịch sử như: Đông phương học, Quốc tế học, Khoa học chính trị… 
 
một số chuyên đề

Khác với các công trình xuất bản trước đây có nội dung trình bày theo phổ rộng, bao quát nhiều vấn đề của Lịch sử thế giới, cuốn giáo trình này được biên soạn tập trung vào không gian lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội Đông Nam Á. Với cấu trúc ba phần, vừa tuân theo tiến trình lịch sử vừa kết hợp với việc làm sáng tỏ một số chủ đề trọng tâm, tiêu biểu của các quốc gia khu vực, quan điểm biên soạn cuốn sách và cách tiếp cận đó đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước như GS. Lương Ninh, PGS.NGND. Nguyễn Văn Hồng,… và các học giả quốc tế: PGS.TS. Thomas Lindblad, PGS.TS. Choi Byung Wook, GS.TS. Li Tana, TS. Charles Wheeler,… tán đồng, tham gia tích cực.  

Qua các chuyên luận, các tác giả đã nhìn nhận, tiếp cận Đông Nam Á như một thực thể gắn bó hữu cơ với những vận động, phát triển và cả những biến đổi, thăng trầm của lịch sử châu Á. Nhìn lại chặng đư­ờng hơn nửa thế kỷ qua và sâu hơn nữa đến truyền thống lịch sử, văn hóa Đông Nam Á ta thấy, từ những thế kỷ trước sau Công nguyên, giữa các quốc gia khu vực đã có nhiều mối liên hệ nội vùng, ngoại vi rộng lớn, mật thiết. Do giữ vị trí trung chuyển giữa hai nền văn minh đồng thời là hai nền kinh tế lớn của châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa mà Đông Nam Á đã sớm trở thành điểm đến, đồng thời là một trong những trung tâm quan trọng trong việc truyền tải các giá trị văn hoá của phư­ơng Đông và thế giới. Năng lực tiếp thu, hội nhập cùng sức sáng tạo văn hoá của Đông Nam Á đã tạo nên bản sắc riêng biệt của các quốc gia khu vực. Đông Nam Á là nơi hợp tụ của nhiều tôn giáo và cả những tín ngưỡng, tập quán cổ sơ, trước đây và cả đến hôm nay, vẫn không ngừng diễn ra quá trình vừa có sự biến đổi vừa có sự xen cài những dạng thức, thang bậc phát triển trong cùng một thể chế với một tinh thần khoan dung, hoà hợp.

Chịu tác động sâu sắc bởi những điều kiện tự nhiên của một khu vực nhiệt đới – gió mùa, môi trường biển, cận biển và Hệ sinh thái phổ tạp (General Ecosystem), từ nhiều ngàn năm trước đây, cư dân Đông Nam Á đã thể hiện năng lực thích ứng cao với môi trường sống tự nhiên để sinh tồn, phát triển. Chủ nhân các nền văn hóa đã sáng tạo, sẻ chia nhiều tri thức khoa học, thành tựu văn hóa, kỹ năng sản xuất và phong tục, tập quán… Nhờ đó, đến những thế kỷ đầu sau Công nguyên, từ những vận động, phát triển nội tại và tác động ngoại sinh, nhiều Nhà nước sớm (Early states) ở Đông Nam Á đã ra đời. Ngay từ thuở bình minh của lịch sử Đông Nam Á, ở khu vực cũng đã hình thành nhiều mô hình nhà nước, thể chế khác nhau với các MandalaThể chế nông nghiệp, Thể chế thương nghiệp rồi Đế chế lục địa, Đế chế đại dương,… Nhìn chung, các nhà nước sớm, vương quốc cổ đều hình thành chủ yếu dọc theo lưu vực các dòng sông, vùng ven biển và cả trên các quần đảo. Với Đông Nam Á, sự xuất hiện của loại hình Nhà nước chức năng là một trong những đặc thù của lịch sử chính trị khu vực. Nhà nước đó có quá trình hình thành và đặc tính phát triển nhiều khác biệt so với mô hình nhà nước khu vực Đông Bắc Á cũng như châu Á. Việc làm sáng tỏ những đặc tính chung, riêng trong quá trình hình thành và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chính của cuốn sách.

Trong những điều kiện lịch sử và xã hội riêng biệt, sự hình thành, phát triển của các quốc gia cũng như mỗi quốc gia khu vực vừa là kết quả của một quá trình chuyển biến lâu dài của những điều kiện kinh tế – xã hội nội tại vừa chịu tác động và chủ động đón nhận những di sản, ảnh hưởng đa chiều từ các dòng văn hoá, trung tâm văn minh lớn bên ngoài. Những nhân tố mang tính khu vực và quốc tế đó không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, xã hội Đông Nam Á mà còn đem lại nhiều sinh lực phát triển mới cho các xã hội khu vực. Sự sinh thành và tiến trình thống nhất nhà nước, dân tộc ở Đông Nam Á đã diễn ra trong bối cảnh đó. Vì thế, việc tiếp tục làm rõ những động lực nội tại, các mối quan hệ nội vùng, cùng tác động của những yếu tố ngoại vi, vai trò, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của những vòng, không gian văn hóa khu vực, của những tác nhân vùng, tiểu vùng đến tiến trình lịch sử – văn hoá Đông Nam Á là một định hướng cơ bản của cuốn giáo trình chuyên đề.

Trong một cách nhìn về khu vực, nếu coi Đông Nam Á là một thế giới thì sự sinh thành của các quốc gia, các nền văn hóa trong thế giới đó luôn gắn liền với môi trường kinh tế biển, các tuyến giao lưu thương mại, buôn bán và hoạt động bang giao trên biển. Không gian biển và các hoạt động kinh tế, bang giao diễn ra trên Biển Đông – Đông Nam Á đã được các tác giả nhìn nhận, phân tích theo nhiều chiều cạnh khác nhau.

Theo một cái nhìn lịch đại và cả cách tiếp cận đồng đại với những lát cắt về thời gian, đã thấy hiển hiện lên những sắc màu đa dạng của đời sống kinh tế và xã hội Đông Nam Á. Là một thế giới nước, biển luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử Đông Nam Á. Chủ trương, chính sách của các chính thể về biển, tầm nhìn và tư duy hướng biển, các nguồn thương phẩm như tơ lụa, gốm sứ, nhân sâm từ phương Bắc xuống; thủy tinh, ngọc, đá quý, vải bông từ Tây Á sang; vũ khí, sản phẩm công nghiệp từ phương Tây tới; hương liệu, sừng tê, ngà voi từ các thị trường bản địa dồn về… tất cả đều được khảo cứu công phu trong các chuyên luận. Sống trên biển, dựa vào tài nguyên và uy lực của biển, những đức tin về biển và hệ thống Thần biển cũng xuất hiện. Cư dân Đông Nam Á đã tự dựng xây cho mình một truyền thống văn hóa biển, tri thức đi biển, kỹ thuật đóng thuyền và năng lực chinh phục biển khơi. Một truyền thống văn hóa biển cùng những hoạt động giao thương, buôn bán trên biển đã tạo nên một thế giới Đông Nam Á năng động và sôi động. Trong các tuyến giao thương của Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines luôn là đầu mối ở phía bắc còn các eo biển Kra, Malacca, Sunda là cửa ngõ của thị trường khu vực ở phương Nam. Qua nghiên cứu về lịch sử thương mại, bang giao biển cũng thấy rõ hơn vai trò của các cảng thị, thương cảng, đường thủy biên, vị thế của các thể chế biển và cả sự hợp tác, tranh giành lợi ích trên biển của những tập đoàn thương nhân, Công ty Đông Ấn phương Tây.

Cùng với những hoạt động kinh tế và văn hóa, lịch sử Đông Nam Á cũng đã diễn ra các dòng thiên di, các tuyến giao lưu kinh tế và văn hoá, quan hệ kinh tế và bang giao quốc tế. Qua đó, các tôn giáo, tín ngưỡng, tri thức về nhà nước, những ý niệm về giai cấp, đẳng cấp, luật pháp,…. cũng đã được truyền tải đến Đông Nam Á. Trong quá trình đó, các quốc gia khu vực đã thể hiện năng lực tiếp nhận và khả năng ứng đối cao với những tác động bên ngoài. Trên thực tế, văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, Arập và từ thế kỷ XVI-XVII về sau là văn hóa phương Tây, đã tạo thành nhiều đợt sóng lan tỏa đến các xã hội khu vực. Trong quá trình dung hợp, chà xát tư tưởng, văn hóa đó, cư dân Đông Nam Á ngày càng ý thức đầy đủ, sâu sắc hơn về nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ và truyền thống văn hoá của riêng mình. Từ một cái nhìn so sánh và dựa trên quan điểm nghiên cứu khu vực… các tác giả không chỉ tập trung nghiên cứu những đặc điểm chung nhất của quá trình hình thành và phát triển của Đông Nam Á mà còn đi sâu tìm hiểu, phân tích những trường hợp cụ thể, điển hình về vương quốc Siam (Thái Lan), Indonesia, Malaysia,… để rồi từ đó đạt đến những nhận thức toàn diện, thấu đáo hơn về biểu đồ thịnh, suy của các quốc gia khu vực.

Nhìn nhận Việt Nam luôn gắn bó với thế giới Đông Nam Á và Đông Nam Á là thành viên của châu Á, nhiều chuyên đề nghiên cứu hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ hơn đặc tính phát triển của lịch sử, văn hoá Việt Nam, những con đường và cách thức tiếp giao kinh tế, văn hoá của Việt Nam so với các quốc gia khu vực. Vượt lên những khó khăn, thử thách, dân tộc ta đã đấu tranh bền bỉ, anh dũng chống lại các thế lực khu vực và cả những âm mưu thôn tính, nô dịch của các cường quốc phương Tây để giành lại nền độc lập, tự do và sự thống nhất dân tộc. Nhìn nhận vấn đề một cách tổng quan, cuốn giáo trình là một cố gắng thể hiện quan điểm và cách tiếp cận mới khi nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Đông Nam Á. Đó là một cách nhìn từ Việt Nam, từ các dòng chảy của lịch sử và văn hoá Việt Nam, luôn coi Việt Nam là một thành viên của cộng đồng thế giới và mỗi chuyển biến trong lịch sử Việt Nam đều gắn với những diễn tiến chung, riêng và tác động đa chiều của môi trường chính trị, xã hội khu vực và thế giới.

Sau các cuộc phát kiến địa lý, thăm dò đầu tiên cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, từ thế kỷ XVII trở đi, các quốc gia khu vực bắt đầu chịu sự thâm nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp,… Trước tác động của phương Tây, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Đông Nam Á đã có nhiều chuyển khác. Các hoạt động kinh tế, tuyến giao thương, cấu trúc xã hội, giá trị văn hóa truyền thống và cả sự tồn vong của các chính thể Đông Nam Á đã đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Nhìn lại lịch sử khu vực ta thấy, đàng sau các mưu toan mở rộng ảnh hưởng, thôn tính là sức mạnh của nền sản xuất công nghiệp và vũ khí phương Tây. Cùng với chiến thuật “Ngoại giao pháo hạm” các hệ tư tưởng, văn hóa, lối sống và tôn giáo mới từ phương Tây cũng tràn đến châu Á, thâm nhập vào các quốc gia khu vực và từng bước làm thay đổi diện mạo xã hội châu Á. Chính sách khai thác, bóc lột tàn bạo của các tập đoàn tư bản phương Tây đã là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy tàn của nhiều nền văn hóa từng một thời phát triển huy hoàng. Điều đáng chú ý là, các chính sách đó không chỉ gây nên những phản ứng mạnh mẽ của các dân tộc châu Á mà còn để lại biết bao hệ luận cho sự nghiệp phục hưng dân tộc và xác lập con đường phát triển của các quốc gia Đông Nam Á nhiều thế kỷ sau.

Trong quá trình nghiên cứu, cùng với những cố gắng chung, nhằm đạt đến một cái nhìn tổng thể về lịch sử khu vực, trong các chuyên luận, các tác giả cũng cố gắng hướng đến cách tiếp cận vi mô, đi sâu vào các nội dung chuyên môn cụ thể, khai thác nhiều nguồn tư liệu để góp phần làm sáng tỏ những nội dung khoa học đã và đang đặt ra trong nghiên cứu Đông Nam Á hiện nay. Việc lựa chọn một số quốc gia tiêu biểu, vấn đề trọng tâm như sự hình thành các thể chế nhà nước, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, quan hệ thương mại hay những thách thức đặt ra với Đông Nam Á thời kỳ thực dân cũng như cuộc tranh chấp, xung đột ở Biển Đông hiện nay v.v… đều được xem xét, khảo cứu trên bình diện khu vực.

Nhìn lại lịch sử Đông Nam Á truyền thống, nhìn lại chặng đường gần một thế kỷ qua nhất là từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, trước những biến chuyển sâu sắc của tình hình chính trị thế giới, các nước Đông Nam Á đã và đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ, hợp tác, hội nhập để phát triển và vì những mục tiêu tăng trưởng hài hòa, bền vững. Trong bối cảnh chính trị mới, Đông Nam Á – ASEAN bước vào thế kỷ XXI với nhiều thách thức và triển vọng hợp tác rộng lớn. Một tinh thần láng giềng thân thiện được hình thành từ quá khứ xa xưa đã và đang là động lực, sợi dây liên kết chủ đạo cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, phối hợp hành động giữa các nước, tổ chức chính trị, kinh tế khu vực.  

Hy vọng rằng, cuốn giáo trình Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, Tập III sẽ được sử dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học đồng thời có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động đối ngoại. Việc xuất bản cuốn sách cũng có ý nghĩa bởi hai thập niên qua (1995-2015), kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho việc xây đắp những trụ cột vững chắc của một Cộng đồng Đông Nam Á, phấn đấu vì triển vọng phát triển và sự hợp tác toàn diện, tin cậy, hiệu quả.

Nhân dịp cuốn giáo trình được xuất bản, chúng tôi trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV, Phòng Đào tạo Sau đại học Nhà trường, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội,… đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc công bố cuốn giáo trình chuyên đề. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các học giả quốc tế; hai chuyên gia phản biện: PGS.TS. Võ Kim Cương, PGS.TS. Hoàng Khắc Nam; các giảng viên Bộ môn Lịch sử thế giới, thành viên Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á, đặc biệt là TS. Phạm Văn Thủy, Phó Chủ nhiệm Bộ môn, đã tích cực tham góp những ý tưởng chuyên môn và hỗ trợ nhiệt thành cho việc tổ chức bản thảo.

Thay mặt các tác giả, chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, anh chị em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và bạn đọc gần xa để nội dung và những chủ đề trình bày trong cuốn giáo trình ngày một hoàn chỉnh hơn.  
 
                                                                                                                                Hà Nội, ngày 12-2-2015
                                                                                                                              Chủ biên 
                                                                                                                                GS.NGND. Vũ Dương Ninh
                                                                                                                               PGS.TS. Nguyễn Văn Kim

Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 21-09-2015.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây