Miền núi Việt Nam: Giới hạn của các nghiên cứu lịch sử (Philippe Le Failler)

Thứ năm - 10/08/2023 23:51
Thật khó đưa vào trong lịch sử Việt Nam vốn chú trọng trước hết các vùng đồng bằng và chuyên về dân tộc Kinh chiếm đa số, lịch sử riêng của các tỉnh miền núi, xa trung tâm và dân cư thưa thớt, chỉ được xem xét như một phần phụ của lịch sử chính trị quốc gia.
MIỀN NÚI VIỆT NAM:
GIỚI HẠN CỦA CÁC NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
 
Philippe Le Failler
Viện Viễn Đông bác cổ Pháp

Tất cả mọi người đều nhất trí với nhận định được đưa ra từ lâu: các nghiên cứu lịch sử về khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam chiếm tỷ lệ hạn chế trong sử liệu. Thật khó đưa vào trong lịch sử Việt Nam vốn chú trọng trước hết các vùng đồng bằng và chuyên về dân tộc Kinh chiếm đa số, lịch sử riêng của các tỉnh miền núi, xa trung tâm và dân cư thưa thớt, chỉ được xem xét như một phần phụ của lịch sử chính trị quốc gia. Chiến thắng Cao Bằng hay Điện Biên Phủ có một vị trí trang trọng trong sách giáo khoa lịch sử nhưng những chiến thắng này nằm trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh rộng lớn nhằm đánh chiếm các vùng đồng bằng, và như vậy một lần nữa, phần nói về những người dân địa phương vẫn luôn hạn chế. Tôi rất e ngại khi phải thừa nhận rằng tôi không hề nhớ bất kỳ bài báo nào nói về số phận của người dân tộc Thái ở lòng chảo Điện Biên Phủ, về cái gọi là tái định cư của họ và vai trò của người Thái trong chiến thắng vang dội này.

Rất ít sách hay bài báo được xuất bản, hạn chế nhất định của các nghiên cứu được thực hiện nhờ tư liệu nguồn và không đổi mới những vấn đề phân tích, đó là những yếu tố cho thấy miền núi bị tách biệt với những bước phát triển và phương thức của sử liệu như nó luôn là như vậy so với những trào lưu chính trị. Và thông thường ta sẽ tìm kiếm nguyên nhân của việc thiếu vắng này trong những câu hỏi về phương pháp và nguồn tài liệu.

Dù là chủ đề ngoài lề với đặc điểm không điển hình, tuy nhiên tổ chức chính trị và xã hội của các dân tộc thiểu số tại miền biên giới vẫn là một chủ đề “mới”, và kho tài liệu lưu trữ từ nay dành cho các nhà nghiên cứu mở đường cho việc đổi mới các đề tài nghiên cứu. Các nguồn tài liệu với đặc điểm và giai đoạn khác nhau cho phép phân đoạn tiến trình hội nhập quốc gia của các vùng rộng lớn có tầm quan trọng chiến lược nhờ vị thế là vùng biên giới, thưa thớt dân cư nhưng có những nét đặc thù là gồm nhiều dân tộc đa dạng. Chính theo từng chi tiết mà ta sẽ có thể mô tả đâu là mối quan hệ với chính quyền trung ương của các vùng này, định lượng các quá trình trao đổi và lập bản đồ các mạng lưới buôn bán, xác định đặc điểm và quy mô các mối quan hệ xuyên biên giới trong tổng thể địa lý có biến động do cách đây một thế kỷ, tức rất gần đây thôi, các biên giới đã được phân định.

Trên thực tế những biến động được ghi nhận trong chưa đầy một thế kỷ khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về bản sắc riêng cũng như vị trí của những vùng này. Ví dụ mà chúng ta có thể đưa ra liên quan đến không gian của dòng sông Đà. Con sông này đã trải qua những thay đổi rất lớn về vị thế của cái gọi là định mệnh của những vùng miền núi phía Bắc. Gồm “vương quốc” của người Thái phải đi cống nộp, vùng này dần bị khuất phục trước ảnh hưởng của người Việt. Vương quốc này bắt đầu bị quản lý và sau đó được sát nhập vào một vùng quân sự rộng lớn trong thời kỳ thuộc địa và được nâng cấp lên liên bang độc lập trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương. Sau trận Điện Biên Phủ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức vùng này thành một vùng tự trị trong 30 năm trước đó và năm 1975 áp dụng quy chế chung cho vùng này với việc chia cắt thành các tỉnh, từ đó hoàn tất quá trình bình thường hóa. Trong khi một phong trào tương tự xuất hiện kéo dài 3 thế kỷ tại Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc, việc sát nhập nhanh chóng như vậy ở Việt Nam gợi lên một số câu hỏi về bản chất của sự thay đổi này và việc phân đoạn nó.

Do đó, phần dưới đây mô tả lại những cách xử lý đặc thù áp dụng cho một cộng đồng gồm nhiều dân tộc với những sự tiếp nối, phát triển và biến cố của nó, trong quá trình tan rã một thế giới trung gian giờ đã trở nên lỗi thời, các bước tiến quyền lực cũng như khi chúng hội nhập toàn diện vào lịch sử Việt Nam.

Những rào cản về phương pháp

Cuối cùng, bởi vì chúng ta nói về cách tiếp cận, có hai rào cản mà tôi cho rằng cần tránh. Rào cản đầu tiên rất quen thuộc với các nhà nhân học, đó là rảo cản của một cách nhìn nhận mang tính vị văn hóa, đồng nhất hóa, coi văn hóa là một tổng thể, một khối bao gồm cả phong tục, tập quán mà không tìm hiểu về quá trình xây dựng mang tính lịch sử, và bảo vệ một cách chính đáng và đúng đắn những thực tiễn rất có thể bắt nguồn từ mối tương quan lực lượng đang thay đổi và trải qua những biến động. Theo cách đó, thực tiễn thiểu số, dân tộc, chính trị hay xã hội sẽ nhanh chóng trở thành ngoài lề không quan trọng khi làm xáo trộn việc phân tích hướng vào số đông, và cùng lắm thì vẫn chỉ là phụ lục cho chủ đề nghiên cứu. Ta có thể nhanh chóng nhận ra những hạn chế của cách tiếp cận này. Đối với khu vực lưu vực sông Đà, chúng ta nói về vùng người Thái, bởi vì dân tộc định cư này đã tới định cư từ lâu đời, có một nền văn hóa chữ viết bền chặt và tổ chức lãnh thổ thành mường theo đặc điểm xã hội và chính trị. Định cư tại lòng chảo thung lũng, nơi các con đường chạy qua, người Thái dường như choán giữ quang cảnh và ấn tượng này càng được củng cố khi đến tận nơi thăm. Tuy nhiên, đây là một cách nhìn nhận dễ đánh lừa khi xét thành phần dân tộc của vùng đất cũng như sự phân tầng dân tộc học vì nó cho thấy rõ ràng rằng người Thái có thể là dân tộc thiểu số và đôi khi không sinh sống tại nhiều điểm của lãnh thổ. Một quần đảo gồm nhiều dân tộc như Khmú, H’mông,… định cư tại những thung lũng đi lại khó khăn hay trên những sườn núi dựng đứng, cho phép bác bỏ việc chỉ tồn tại duy nhất lãnh thổ của người Thái, điều này khiến phải đặt ra câu hỏi về phương thức cùng chung sống giữa các dân tộc. Ghi nhận này làm nảy sinh ý tưởng, dù đã cũ, về sự phân chia ít nhiều không đồng đều các vùng lãnh thổ và các đặc quyền khi xuất hiện thêm những người dân di cư tại đây. Do đó, trong chừng mực cho phép của các nguồn tư liệu, vai trò của nhà sử học chính là mô tả lại và định lượng.

Rào cản thứ hai là cách nhìn tập trung vào khái niệm không gian quốc gia. Các lãnh thổ xa xôi, tổ chức thành châu và có riêng vị thủ lĩnh kế vị trước đây thuộc triều đình Việt Nam và phải cống nộp. Trong thực tế, họ là những vương quốc độc lập, có riêng phương thức cai trị và không một công chức chính phủ nào tới từ Thăng Long và không một vị trí quân sự nào cho thấy bất kỳ sự phụ thuộc nhỏ nhất nào vào bộ máy trung ương. Cách đây 100 hay 150 năm, còn phổ biến khái niệm đế chế với những ranh giới không rõ ràng và phân biệt người Kinh với người Mán. Khi nhà nước – quốc gia xuất hiện làm thay đổi căn bản nhận thức của chúng ta về không gian. Những vùng này ngày nay trở thành các tỉnh của Việt Nam, bộ máy của Nhà nước hiện diện tại đó cũng như trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Chúng ta phải nhìn ra trong quá trình phát triển này một dạng thức của thuyết quyết định mang tính lịch sử cho rằng, do được bao quanh bởi những đường biên giới được quốc tế công nhận, những vùng này gần như là đương nhiên muốn chia sẻ số phận với những người dân Thủ đô. Đó là những biến cố của lịch sử hay những diễn biến lâu dài đã quyết định như vậy, và không ai biết liệu hiện tượng này chỉ là nhất thời hay đã đi đến kết cục. Không phải nhà sử học đánh giá về căn cứ hay đánh giá sự phù hợp của nó. Tránh mọi “thuyết mục đích” và “các quy luật lịch sử” khác, nhà sử học sẽ chỉ phải, và thực ra thế đã là rất nhiều, tập hợp những yếu tố suy ngẫm và đánh giá các sự kiện và các trào lưu đang vận động trong hiện tượng hội nhập vào không gian địa lý và chính trị quốc gia này mà hiện tượng này cho tới nay vẫn còn tương đối mới.

Cuối cùng, để thách thức lại mọi cách nhìn nhận hướng vào trung tâm, liên quan đến những miền đất rộng lớn lâu nay thiếu vắng đại diện của chính quyền trung ương, cần áp dụng cách tiếp cận mang tính so sánh. Chỉ có quan điểm của các sử biên niên thời triều đình phong kiến Việt Nam hay các nguồn tài liệu từ thời thuộc địa không đủ để tái tạo lại thế giới đa cực, nơi sinh sống của những người dân miền núi vốn gần gũi với những người cùng dân tộc ở bên kia biên giới hơn là những người Việt ở thủ đô xa xôi, cách đó 10 ngày đi thuyền độc mộc. Người Tày, người H’mông và Khmú cũng sinh sống ở Trung Quốc và Lào, việc họ nhận thức về một biên giới mới được áp đặt và hiện thực hóa cũng chỉ là hiện tượng mới đây thôi. Cho nên cần phải nghiên cứu các quyền và đặc quyền mà họ có được tại những quốc gia có liên quan tại những giai đoạn khác nhau. Chỉ bằng cách tăng thêm các góc tiếp cận về mối quan hệ duy trì với các cường quốc Việt Nam, Trung Quốc và Lào vốn luôn cạnh tranh nhau, cũng như về các mạng lưới liên kết, đó là kết quả của những phong trào di cư cũng như sự chấp thuận hay kháng cự với hiện tượng hội nhập quốc gia.

Liên quan đến việc phân tách hay phân tách lại các đơn vị hành chính, những bất lợi mà ta sẽ gặp phải đôi khi giống như những bất lợi tại khu vực đồng bằng, nhưng những đơn vị hành chính này lại phức tạp hơn do một bên là của Việt Nam và một bên là của địa phương và theo phong tục, chồng chéo lên nhau.

Các nguồn tài liệu 

Chúng ta hãy thừa nhận rằng chúng ta biết rất ít về lịch sử của những vùng này còn nếu không thì chỉ những nét chính, hoặc như được phản ánh trong các cuốn biên niên sử của triều đình. Chúng ta chỉ có thể gom góp một vài dữ liệu này để xác định khuôn khổ trước đây. Ít hơn nhiều so với những nguồn tài liệu lưu trữ về đồng bằng Việt Nam, những nguồn tài liệu lưu trữ về miền núi có thể sử dụng gồm nhiều loại, và việc khai thác những nguồn này đòi hỏi khả năng ngôn ngữ. Đối với phần tư liệu cổ xưa nhất, các bài viết trong các biên niên sử, các cuốn sách địa lý thời triều đình phong kiến và những cuốn sách kinh điển là không thể thiếu được, nhất là khi chúng ta thường có được bản dịch sang tiếng Việt những tài liệu này. Những cuốn sách địa lý đặc biệt có ích bởi vì ngoài bản đồ, các cuốn sách này cung cấp cho chúng ta thông tin mô tả đôi khi chi tiết các vùng lãnh thổ (những địa điểm nổi tiếng, đối tượng dân cư, đường tiếp cận, các nguồn lực kinh tế). Đối với một số châu, thường đây là những tài liệu duy nhất có thể sử dụng.

Tiếp đó là các thực lục và nhất là các bản chuyên khảo về vùng đất được viết bằng chữ thường do các quan đương nhiệm biên soạn và chỉ một phần trong số đó đã được dịch. Một bộ sưu tập đa dạng các bản chuyên khảo này hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), nhưng cần phải đọc các ký tự hoặc nhờ sự trợ giúp của nhà nghiên cứu biết đến những bản chuyên khảo này. Tương tự đối với những tấm bia và các bản văn khắc khác, thế nhưng những nguồn này lại rất hiếm hoi ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, chúng ta hãy luôn nhớ rằng thường đó là cách tiếp cận nguyên nghĩa về một chủ đề phức tạp bởi vì đó là các nhà nho, người Kinh ở vùng đồng bằng mô tả một thế giới xa lạ với họ. Dù không nghi ngờ về độ chân thực của các nhà nho, những bài viết của họ đôi khi thiên về cách nhìn nhận hướng về trung tâm mà một lời nói địa phương không thể sánh với.

Sử thi địa phương

Còn về các tài liệu địa phương, các bản gốc rất hiếm hoi và chủ yếu do các cơ quan văn hóa thuộc vùng tự trị Tây Bắc thu thập. Các công trình sưu tập và dịch thuật của Cầm Trọng về Tây Bắc và người mường Thái tạo nên một nền tảng không thể bỏ qua, tất cả mọi người đều tham chiếu chúng, và ta phải công nhận vai trò tiên phong của nhà nghiên cứu này. Thế nhưng nếu ta xem xét những công trình được tiến hành từ 20 năm nay, chúng ta phải thừa nhận rằng những nghiên cứu ít phát triển, và điều này một phần do đặc điểm của các tài liệu địa phương. Sự hiếm hoi của những bản tài liệu và sử thi này cũng như thông tin chứa đựng trong đó đặt ra cho chúng ta một vấn đề thực sự.

Rất ít ỏi và thường được sao chép lại, những bản sử biên niên địa phương thường gây thất vọng. Chúng đều chứa những câu chuyện huyền thuyết về người sáng lập gần như là giống nhau giữa các mường và tập trung trước hết vào phả hệ của những phe phái thống trị. Phần còn lại những bản sử biên niên này chỉ nhắc đến các sự kiện nổi bật liên quan đến hoạt động thống trị của một phe phái và đến đời sống của vùng đất; như vậy, chúng cung cấp cho chúng ta rất ít thông tin về sự vận hành của chính quyền uỷ quyền này trong khi đó việc biết được chính quyền này thực thi quyền lực như thế nào lại rất hữu ích.

Liên quan đến đặc điểm của chính quyền địa phương, cần phải nghĩ đến việc xem xét kỹ hơn những thực thể mà ta nói đến, đặc biệt là người mường. Phương thức hoạt động của dân tộc mường chỉ được biết đến ở bề nổi thông qua các mô tả tóm tắt của những nhà quan sát độc lập hay thông qua các bản tư liệu gốc về luật tục. Từ những nguồn này, không phủ nhận lợi ích của chúng trong việc giúp xác định bối cảnh, chúng ta nhận thấy rằng cần phải tiến hành phân tích chúng. Trên thực tế, liệu có ích hay không khi biết rằng kẻ ăn cắp chuối xanh sẽ bị kết án phải trả 3 lạng bạc, một con lợn và một vò rượu và ngoài ra để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân còn phải trả khoản tiền 5 đồng bạc và đền bù lượng chuối xanh tương ứng với mức độ thiệt hại gây ra. Thực ra chừng nào chúng ta có thể đánh giá hiệu quả của “cảnh sát”, mức độ triển khai các văn bản, phẩm cách của quan toà, những dàn xếp thích hợp có thể xảy ra, những thông tin này vẫn chỉ mang tính chất chỉ dẫn, và từ đó sẽ cho phép biết được tại sao luật tục [1], việc ăn cắp một nải chuối xanh lại bị phạt nặng hơn việc ăn trộm một bao thuốc lá và nhẹ hơn tội ăn cắp củi đun. Tuy nhiên, việc tồn tại những tài liệu này chứng tỏ có một cách thức tổ chức chính thức và thường đây là điểm duy nhất được lựa chọn.

Các tài liệu lưu trữ thời thuộc địa, một cái nhìn từ bên ngoài

Tiếp đó, liên quan đến giai đoạn thuộc địa, chúng ta có mối quan hệ đi lại và các tài liệu lưu trữ phong phú do các chính quyền dân sự và quân sự của Pháp để lại. Rất dồi dào và được bảo quản rất tốt, tại Hà Nội và Aix-en-Provence, những phông tư liệu này có mức độ phong phú đôi khi chưa được đánh giá đúng và thường có thể tra cứu rộng rãi.

Giai đoạn khai thác thuộc địa có rất nhiều tài liệu lưu trữ nhưng lại bằng tiếng Pháp. Những tài liệu có nguồn gốc hành chính này gần như được phân bố đều giữa Việt Nam và Pháp, và trong cả hai trường hợp đều được phân loại và bảo quản rất tốt. Tại Pháp, đó là các phông tư liệu của Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hải ngoại (ANOM) đặt tại Aix-en-Provence và thuộc Cơ quan Lưu trữ quốc gia. ANOM tập hợp các phông tư liệu chuyển từ Đông Dương về, tức những phông tư liệu của các vị đô đốc, tiếp đó là của Toàn quyền Đông Dương (GGI) và phần nào đó là của một số Tòa Khâm sứ. Ngoài ra, phông lưu trữ của Ban Hải ngoại thuộc Bộ Thuộc địa lưu giữ những tài liệu lưu trữ của các cơ quan lớn như Vụ các Vấn đề chính trị, Thanh tra… và nhiều phông lưu trữ đặc biệt và các giấy bạc (như PA, các phông lưu Bride, Madrolle và Pavie). Những hồ sơ này đặc biệt hữu ích. Nhưng vì đây là những tài liệu lưu trữ của nhà nước thuộc về các cấp quyền lực cao nhất nên những tài liệu này đôi khi thiếu chính xác về các vấn đề địa phương.

Do đó, tốt hơn nên xem xét thư từ hành chính trao đổi ở cấp tỉnh, và nhất là phông lưu trữ của Toà Khâm sứ Bắc Kỳ (RST) được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I của Việt Nam đặt tại Hà Nội. Những tài liệu này là những tài liệu lưu trữ hành chính, cho phép tiếp cận các cấp dưới quyền trong bộ máy hành chính. Liên quan đến miền núi, chúng ta có thể tìm thấy các bộ hồ sơ cá nhân của các tri châu, những bộ hồ sơ liên quan đến việc thúc đẩy cơ chế quan liêu ở cấp dưới cũng như những báo cáo hàng năm về tình hình chính trị, kinh tế của các tỉnh.

Tiếp theo, và mặc dù ta không thể phân loại chúng một cách chính xác, là những bản chuyên khảo của các vùng do các quan hành chính, chủ yếu thuộc giới quân sự soạn thảo. Một vài người trong số đó (Bonifacy, Lunet de la Jonquière) đã để lại cho chúng ta những tài liệu khoa học thực thụ, còn những người khác, sử dụng các vị quan lại Việt Nam, viết bản chuyên khảo về huyện hay địa hạt của mình. Về vùng đất sông Đà, chúng tôi có Bản chuyên khảo của quân khu ive, của đại uý Deporte, 1928, 230 trang (RST 57751), Bản chuyên khảo về sự uỷ quyền ở Phong Tho, của đại tá Henri Raymond, 1933, 40 trang, cũng như bản chuyên khảo về sự uỷ quyền ở Điện Biên Phủ, viết khoảng năm 1933, 110 trang. Có thể tra cứu những tài liệu này tại Thư viện Quốc gia Việt Nam hoặc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cuối thế kỷ XIX, ta có thể tham chiếu những văn kiện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 1894-1898, Bộ sưu tập: các văn kiện ngoại giao (sách vàng), Nhà in Quốc gia (Paris), 1898, 1 tập (VIII-56 trang).

Các tài liệu lưu trữ thời thuộc địa, một cái nhìn từ bên ngoài nhưng là một cánh cửa hướng về lịch sử xa xưa

Xét lịch sử sông Đà, và đây là giả định của tôi, bởi vì những nguồn tài liệu trước đây cũng có thể ít nhiều cho chúng ta biết làm thế nào những vương quốc miền núi trước đây tự quản như thế nào, các tài liệu của Pháp có thể bổ sung thêm thông tin bởi vì kẻ xâm lược phương Tây do không có các phương tiện cũng như mong muốn quản lý trực tiếp những vùng lãnh thổ rộng lớn này nên đã tái thiết lập trật tự cũ. Một số công chức đương nhiệm đã viết rất nhiều báo cáo, nghiên cứu và thư tín, do đó, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hoàn toàn có thể cho thấy một hệ thống như nó từng tồn tại từ hàng thế kỷ qua.

Điều thiếu nhất quán trong tham vọng của người Pháp muốn cai trị khu vực miền núi của Việt Nam đó là tham vọng này đi ngược lại so với những điều mà chính quyền Việt Nam đã làm trước đó, với sự coi thường những việc đột xuất không quan trọng và với các phương tiện tối thiểu. Dù người ta có nhận xét thế nào về “việc chiếm lĩnh” vùng đất, “sự chinh phục” bản thân nó là một sự khẳng định gây nhầm lẫn bởi chiếm lĩnh không có nghĩa là canh giữ. Từ ngữ đã được thốt ra, được trích dẫn từ cuốn sách này sang cuốn sách khác, khiến nghĩ rằng có tồn tại những sự kiện nhưng những sự kiện này bị phủ nhận nếu chỉ nhìn bao quát các lực lượng hiện diện. So sánh các lực lượng quân sự giữa các bên, so sánh đạo quân viễn chinh với đội ngũ dân quân tự vệ địa phương, và sự bất cân xứng về phương tiện và kỹ thuật mà mỗi bên thừa nhận chưa bao giờ chỉ là sự xiên lệch làm ảnh hưởng đến sự kiện chính: để canh giữ, những người lính đáng lẽ cần phải được huy động tập trung và nhất là những người dân, vốn vắng mặt một cách đáng ngạc nhiên trong các câu chuyện kể của thời đó, hoàn toàn không được coi là đối tượng bị động của trò chơi quyền lực. Việc một đội quân đi từ thị trấn này qua thị trấn khác trong suốt vài tuần, để phô diễn sức mạnh và lôi kéo thủ lĩnh địa phương, chưa bao giờ có nghĩa là sự tập hợp dân chúng và càng không phải là mầm mống của việc hình thành một bộ máy cai trị nào đó.

Rút cuộc, đối với những người dân, trong đó cả các thủ lĩnh, sự kháng cự là không đúng lúc, hay nói đúng ra là rất ít khi xảy ra cứ như ý định kháng cự chưa bao giờ xuất hiện; sự thoả hiệp bề ngoài được ưa thích hơn nhiều, và việc sử dụng vũ lực nhằm xua đuổi những kẻ quấy rầy trở nên vô ích, sự khắc nghiệt của thời tiết đã làm thay điều đó với hiệu quả được khẳng định. Sự ngạc nhiên đầu tiên đó là nhận ra rằng nếu ta đặt các đội quân vào thời của cuộc chinh phạt, khái niệm tương quan lực lượng khó được nhận biết và đôi khi bị đảo lộn bởi vì có quá ít để có thể áp đặt bất kỳ điều gì và quá xa lạ với phong tục tập quán của một vùng lãnh thổ rộng lớn, chính quyền thuộc địa chỉ có thể viện vào sự trợ giúp của các thủ lĩnh địa phương cứ như thể nó phải phục tùng ý muốn của những vị thủ lĩnh này. Có một trường hợp đặc biệt ấn tượng, đó là chính quyền chỉ có thể thu phục một trong số các thủ lĩnh, đó là Đèo Văn Trì, khi giao nộp cho chính quyền một kẻ bỏ trốn trú ngụ tại nhà ông ta, còn nếu không chính quyền phải kiên nhẫn.

Ở chỗ khác, liên quan đến các miền đồng bằng, không ai thảo luận về sự diễn ra đồng thời của hoạt động xâm chiếm và những ảnh hưởng từ bên ngoài, khiến nghi ngờ logic các khối dân tộc để chơi trò chia cắt xã hội và lãnh thổ mà những chia cắt này trong một xã hội tạo điều kiện thuận lợi tương đối cho việc xâm nhập của chính quyền thực dân. Tại khu vực miền núi, hiện thực còn sống sượng hơn. Nếu từ 1895 đến 1945, chỉ một nhóm nhỏ người Pháp “nắm giữ vùng” theo như cách nói của thời đó, thì chính hoạt động của họ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc duy trì trò chơi quyền lực hay tệ hơn một số người còn tìm thấy lợi ích của mình. Do đó, vấn đề mà nhà sử học quan tâm không phải là vấn đề áp đặt một trật tự mà là việc duy trì trật tự xã hội, duy trì việc không xét lại những khác biệt về kinh tế trước đó, (chúng ta tránh nhắc đến từ cân bằng bởi vì không có gì cho thấy đó là một hệ thống bất biến), và đương nhiên duy trì việc kết hợp các lợi ích đặc thù mà những lợi ích này thay đổi từ địa phận này sang địa phận khác. Trên thực tế, bày tỏ ý kiến trong bối cảnh một vùng lãnh thổ thưa dân, nhiều thế kỷ nay không thực sự có tiến bộ về kinh tế cũng như tiến bộ trong phương thức canh tác và trao đổi thương mại, quyền lực cá nhân của người đứng đầu phe phái nào đó không được bỏ qua bởi vì chính nó tạo nên cơ sở cho hệ thống. Nhờ đặc điểm mang tính kế thừa, nhưng được áp dụng cho một xã hội nơi lối sống của các tầng lớp trên rất ít khác biệt so với tầng lớp nông dân, nó cố định trật tự và làm nản lòng việc đưa ra một giải pháp thay thế, của một nhóm sẽ có lợi ích khi đảo lộn trật tự vốn đã được chấp nhận, đồng thời tìm kiếm, về phía người Việt, Trung Quốc hay Pháp, những yếu tố cho phép làm điều đó.

Sự đối lập nếu có nằm ở chỗ khác và thể hiện từ nhóm dân tộc này sang nhóm dân tộc khác. Giữa người Tai sinh sống ở lòng chảo các thung lũng và người Khmú sống tại các làng lân cận nhưng còn có cả giữa các nhóm vừa được nhắc đến, vốn duy trì mối quan hệ phức tạp từ nhiều thế kỷ nay nhưng biết nhau rất rõ và làm quen với những người mới đến là người Dao và H’mông định cư trên những đỉnh núi cao. Đặc tính hay ngờ vực và số lượng ngày càng lớn của những người này do các làn sóng di cư có nguy cơ phải xem xét lại những lợi ích giữa họ với nhau. Ở đây, ta có thể thấy một trong những lý do về sự chấp nhận tương đối của người Pháp với sự hiện diện dù ít ỏi. Sự chấp nhận này chính là phương sách và người ta thành công trong việc thuyết phục họ rằng những người mới tới nằm ngoài địa hạt và do đó có khả năng là đồng minh của Trung Quốc và họ không nằm trong bàn cờ được thiết lập từ thời xa xưa, sự hiện diện giúp tham gia duy trì một cơ cấu tổ chức trước biến động về dân số.

Vì không được bổ sung bằng các nguồn tài liệu văn bản địa phương, các tư liệu do người Pháp để lại chỉ cho phép có được cách tiếp cận từ xa vùng đất thuộc đối tượng nghiên cứu. Sự thiếu vắng một nền tảng tư liệu đầy đủ khiến ta phải bỏ ngỏ một số điểm. Bộ máy thống kê quá đơn sơ do các nhà quân sự chứ không phải các quan hành chính dân sự lập nên không cho phép có được một con số dù nhỏ nhất về biến động dân số của vùng đất được nghiên cứu hay về con số tử vong do cuộc chiến Đông Dương gây ra. Đối với những vùng đất uỷ quyền quản lý, chúng ta không thể đánh giá thực tế các giao dịch kinh tế, đặc biệt là hoạt động kinh doanh buôn bán. Để làm điều đó, chúng ta cần phải có được các tài liệu về thuế hoặc hải quan, thế nhưng những tài liệu này lại rất hiếm hoi và nằm rời rạc. Một số chỉ dẫn mà chúng tôi có chỉ có thể cho biết hướng đi của các giao dịch đối với muối, chè hay thuốc phiện nhưng không hề cho biết về khối lượng cũng như giá trị của những mặt hàng này. Có rất nhiều lý do cho những thiếu sót này. Những tư liệu hành chính địa phương, kể cả tư liệu của Quân khu IV đã biến mất vào khi nào không biết; chỉ còn các báo cáo gửi về Hà Nội, Tòa Khâm sứ hay Phủ Toàn quyền, và một số hồ sơ được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ của quân đội. Không có các tài liệu lưu trữ hải quan nhưng liệu những tài liệu lưu trữ này cho chúng ta biết điều gì? Bởi vì trên thực tế, không chỉ là mảnh đất của hoạt động buôn lậu, khu vực biên giới với những con đường nằm ngoài khả năng kiểm soát chính là khu vực bị bỏ rơi về mặt hành chính. Chính quyền thuộc địa không hề có ý định hàng ngày kiểm soát cái nằm ngoài khả năng của mình mà chỉ giới hạn tham vọng ở việc duy trì một sự trịch thượng mang tính tượng trưng.

Nhìn chung, người Pháp đã bỏ qua thực tiễn căn bản tạo nên cấu trúc của xã hội dân tộc Tai và coi trọng tính tập thể trong tái phân bổ đất đai và tầm quan trọng của các ruộng lúa do các cộng đồng nắm giữ và được xã hội cấp luân phiên. Khi các quan quản lý của chính quyền thuộc địa quan tâm đến vấn đề này trong những năm 1910, đó là để kết luận rằng hệ thống hiện hành ở người Tai có đặc điểm nổi bật là sự tồn tại dai dẳng của tư tưởng phong kiến vô hiệu và ôn hoà nhờ chế độ sở hữu chung ruộng đất. Cả hai yếu tố này kết hợp lại góp phần hình thành nên sự chây ì rất lớn không thích hợp cho sự phát triển phương thức sản xuất do không có động lực là lợi ích cá nhân. Không thiếu lập luận được đưa ra đối với những ai biết được, dù chỉ chút ít, thiên hướng của người Tai ở miền núi và người Lào, anh em họ của người Tai, là sản xuất các sản phẩm thiết yếu, sau đó là sản phẩm cần thiết và từ đó có thể tạo ra thặng dư thương mại.

Các tư liệu lưu trữ của RDV

Trong những năm sau giai đoạn giải phóng thuộc địa, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng các biện pháp ràng buộc về an ninh cho vùng này cũng như coi vùng có vai trò là nơi tập hợp. Không từ bỏ học thuyết của mình, Việt Nam đã triệt tiêu quyền lực của các thủ lĩnh truyền thống, tập trung nỗ lực vào mặt trận xã hội thông qua phát triển y tế, giáo dục nhằm có được sự trung lập và tiếp đó là sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số, đưa rất nhiều người Kinh lên miền núi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Từ khu tự trị Thái Mèo tới việc thành lập các tỉnh, chính quyền lưu vực sông Đà dần theo chế độ chung, tức phụ thuộc vào chính sách được thúc đẩy từ Thủ đô. Những đặc thù về chính trị của khu tự trị giảm dần và chỉ còn lại những phong tục tập quán. Trong vòng chưa đến 100 năm, các vương quốc giáp biên giới đã được sát nhập vào tổng thể quốc gia, những dân tộc từng là vua nay trở thành các dân tộc thiểu số trong một tổng thể rộng lớn hơn và số phận của họ phụ thuộc vào các nhu cầu phát triển chung.

Các tài liệu lưu trữ trong những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chắc chắn có thể cho phép thực hiện các nghiên cứu sâu về sự phát triển của các cơ cấu quyền lực sau năm 1954 và từ đó cho phép mô tả phương thức hội nhập vào khối quốc gia thống nhất. Các phông lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III của Việt Nam được xếp theo danh mục và có mục lục tra cứu nhưng chỉ mở một phần, cho nên những nghiên cứu mới cũng hiếm hoi.

Các phông lưu trữ đương đại tiết lộ lịch sử gần đây của Việt Nam cùng với tính phức tạp, những bước mò mẫm và những sai lầm của nó. Sau khi tra cứu các tài liệu liên quan đến Khu tự trị Tây Bắc nằm xung quanh Điện Biên Phủ được lập ít lâu sau cuộc chiến, rõ ràng ta có thể thấy rằng chính quyền cộng sản, vốn rất tự tin tại miền đồng bằng, chỉ đạo đa số người Việt, đã rất khôn ngoan tiến vào các khu vực miền núi nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số vẫn chưa hoàn toàn bị thu phục. Khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiến hành đấu tranh chống lại các lực lượng du kích vẫn đang quấy phá cho tới tận năm 1957, ta có thể thấy qua từng năm một định hình và củng cố một ưu thế được hình thành từ việc thích ứng với các phong tục tập quán địa phương và từ việc áp đặt một trật tự mới thông qua việc chia cắt hành chính. Khi cuộc cách mạng ruộng đất gây nhiều nhức nhối đang diễn ra tại vùng đồng bằng và tiếp theo là phong trào tập thể hoá với nhiều thiệt hại, sự đối xử ưu đãi mà các khu vực ngoại vi được hưởng trở nên lạc lõng và đòi hỏi phải xem xét lại ý tưởng thường được chấp nhận về sự không ăn khớp của một mô hình.

Cuối cùng, để có được sự bổ sung cần thiết cho danh mục các tài liệu tham khảo, ta có thể dựa vào lịch sử địa phương, lịch sử của các chi bộ Đảng, của các cơ quan gìn giữ trật tự, các bản chuyên khảo của các huyện hoặc tỉnh,… Với chất lượng rất khác nhau, những tài liệu này không do các nhà sử học viết và thường mô tả các hồi ức chuẩn mực về mặt tư tưởng, việc nghiên cứu các tài liệu này là không thể thiếu. Cần nhấn mạnh thêm rằng các tài liệu lưu trữ, các văn bản cũ, các tài liệu giai đoạn thuộc địa,… được lưu giữ tại các thư viện tỉnh.

Các hướng nghiên cứu

Các chủ đề nghiên cứu mới hay nghiên cứu lại rất đa dạng. Một số chủ đề có liên quan đến toàn bộ các giai đoạn lịch sử như giá trị chiến lược của các vùng biên giới, giữa vùng biên giới cách xa đến thế kỷ XIX và biên giới có canh gác, và rộng hơn là các khái niệm ở gần hay ở xa.

Về các cấu trúc truyền thống, người ta sẽ đặt câu hỏi về vấn đề các cơ cấu quyền lực và quy mô thực tế. Đây là dịp đề cập đến quyền lực về mặt lý thuyết của cơ cấu phong kiến, quyền tự trị của các vương quốc đa sắc tộc, sự chi phối của quyền lực theo tập quán cũng như các cuộc đấu tranh giữa các phe phái và các mạng lưới cơ cấu của mối quan hệ hôn nhân.

Cái dẫn đến câu hỏi trung tâm của tính đa dân tộc: phân tầng dân tộc, các loại di cư (dòng người H’mông, các toà nhà đen và vàng, tái định cư dân tộc Kinh) với hệ quả là không thể xây dựng được các khu hành chính đồng bộ.

Chủ đề nghiên cứu lịch sử đương đại không hề thiếu. Đó có thể là về những phát minh sáng chế vĩ đại của nửa sau của thế kỷ XX hay phong trào xóa nạn mù chữ, chống sốt rét, phân chia đất đai và phong trào tập thể hóa, nâng cao giá trị của không gian bên trong nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường xá, kênh Điện Biên Phủ, hồ chứa nước hay các đập) hay định cư người dân tộc Kinh di cư từ đồng bằng. Ta thấy rằng không hề thiếu chủ đề. Và nhìn chung, trong hai thế kỷ vừa qua, sẽ có lợi nếu tập trung nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế: thuế, sản phẩm, đường giao thông, khai thác tiềm năng nông nghiệp và thuỷ điện.

Danh mục các chủ đề nghiên cứu không hạn chế, và hoạt động nghiên cứu lịch sử sẽ có lợi nếu có được cách tiếp cận càng mở càng tốt. Nghiên cứu lịch sử được nuôi dưỡng từ các công trình nghiên cứu khác của các chuyên ngành “anh em” (như nhân khẩu học, nhân học y tế, nông học, địa lý nhân văn,…) và chú trọng tiếp cận thư mục “xám”. Thư mục này không chỉ là tài liệu lưu trữ hay các nghiên cứu hàn lâm mà gồm các báo cáo, những hồi ức và các câu chuyện nhỏ. Tức là những bản chuyên khảo địa phương được xây dựng bởi các bậc uyên bác trong làng về một thế giới mà họ hiểu rõ, đây là những yếu tố tạo nên sự phong phú đa dạng để đưa vào trong phân tích chung.

Ngoài các nhà nghiên cứu Việt Nam không ngừng quan tâm đến khu vực miền núi như thể hiện qua các công trình của các viện nghiên cứu của Hà Nội, các nhà nghiên cứu nước ngoài gần đây cũng quan tâm tới khu vực này. Như các nhà nghiên cứu Nhật và Thái Lan nghiên cứu về các cộng đồng người Thái, các nhà nghiên cứu Mỹ về lịch sử Điện Biên Phủ (sau năm 1954) hay về Lào Cai, các nhà nghiên cứu Pháp về địa lý kinh tế của Lai Châu hay Than Uyên. Các nhà nghiên cứu này trước hết là các nhà dân tộc học, các nhà ngôn ngữ học hay các nhà địa lý học phát triển. Các nhà sử học thì hiếm hoi hơn, nhưng phong trào nghiên cứu cũng đã được bắt đầu khởi xướng. Điều này đã cho phép chúng tôi vào tháng 4 năm 2010 tổ chức tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (AAS) (tại Philadelphia) một phiên chuyên đề về sông Đà và sau đó là phát hành số đặc biệt của Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam của Đại học California (JVS)[2].

Điều này cho thấy các nghiên cứu về miền núi phải được quan tâm và phải được quan tâm hơn tại miền đồng bằng Việt Nam. Nó đòi hỏi cách tiếp cận rộng hơn và ít chuyên sâu hơn để có thể nghiên cứu bao quát các tài liệu hiện có. Đặc biệt, nhà sử học phải đặt mình vào vai trò của nhà nhân học, tới tận nơi, xếp đặt các địa điểm trên bản đồ, các bức ảnh và trí nhớ của mình. Bởi vì tài liệu văn bản, các tài liệu lưu trữ ở miền núi ít phổ biến hơn ở các nơi khác ở Việt Nam, nhà nghiên cứu phải bổ sung bằng các cuộc phỏng vấn người cao tuổi và bằng việc nghiên cứu thực tế các địa điểm lưu giữ ký ức.
Chú thích:
[1] Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng (eds.), Luật tục Thái ở Việt Nam [Loi coutumière des Thai du Vietnam],Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003. Về các mức phạt áp dụng cho những kẻ phạm tội ăn cắp, tham khảo trang 669-685.
[2] Journal of Vietnamese Studies, Special issue, Vol. 6, No. 2, University of California, Summer 2011.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn 21-06-2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây