Hà Nội trong tiến trình lịch sử tư tưởng nước nhà 30 năm đầu thế kỷ XX (PGS. TS Phạm Xanh)

Thứ năm - 10/08/2023 23:19
Những năm cuối của thế kỷ XIX, Hà Nội đã có đèn chiếu sáng. Năm 1900, ga Hàng Cỏ, đầu mối hệ thống đường sắt Đông Dương đã hoàn thành. Năm 1902, chiếc cầu sắt khổng lồ Paul Doumer, với độ dài 1.700m bắc qua sông Hồng (người dân quen gọi cầu Long Biên), đã khánh thành để thông tàu tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng. Cũng trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, Hà Nội với một nửa thành phố “Tây” từ phía Nam và phía Đông hồ Hoàn Kiếm, đã hình thành. Năm 1911, nhà hát Opera (Bây giờ là nhà hát Lớn Hà Nội), một công trình văn hóa bậc nhất vùng Viễn Đông được khai trương. Từ đó, ở nhà hát, đêm đêm đèn bật sáng, trình diễn những loại hình nghệ thuật từ phương Tây du nhập. Hà Nội với một diện mạo mới, khác xa với đô thị cổ phương Đông, trở thành địa bàn hấp dẫn thu hút các luồng di cư trong và ngoài nước đến sinh sống, làm ăn. Quá trình hình thành không gian đô thị mới cũng là quá trình hình thành môi trường xã hội mới và kéo theo nó là sự hình thành một nếp nghĩ mới, lối sống mới – lối sống thị dân.

HÀ NỘI TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG NƯỚC NHÀ 30 NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX
 
Cùng với quá trình đẩy mạnh khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, đặc biệt là Hà Nội, có sự biến đổi căn bản trên mọi phương diện. Từ năm 1897, Hà Nội được đánh thức và sống với nhịp điệu hối hả, khẩn trương trong giai đoạn đầu đô thị hóa.

Những năm cuối của thế kỷ XIX, Hà Nội đã có đèn chiếu sáng. Năm 1900, ga Hàng Cỏ, đầu mối hệ thống đường sắt Đông Dương đã hoàn thành. Năm 1902, chiếc cầu sắt khổng lồ Paul Doumer, với độ dài 1.700m bắc qua sông Hồng (người dân quen gọi cầu Long Biên), đã khánh thành để thông tàu tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng. Cũng trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, Hà Nội với một nửa thành phố “Tây” từ phía Nam và phía Đông hồ Hoàn Kiếm, đã hình thành. Năm 1911, nhà hát Opera (Bây giờ là nhà hát Lớn Hà Nội), một công trình văn hóa bậc nhất vùng Viễn Đông được khai trương. Từ đó, ở nhà hát, đêm đêm đèn bật sáng, trình diễn những loại hình nghệ thuật từ phương Tây du nhập. Hà Nội với một diện mạo mới, khác xa với đô thị cổ phương Đông, trở thành địa bàn hấp dẫn thu hút các luồng di cư trong và ngoài nước đến sinh sống, làm ăn. Quá trình hình thành không gian đô thị mới cũng là quá trình hình thành môi trường xã hội mới và kéo theo nó là sự hình thành một nếp nghĩ mới, lối sống mới – lối sống thị dân.

Có thể nói, đến đầu thế kỷ XX, trong các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, đã diễn ra quá trình “Âu hóa” mạnh mẽ. Đó chính là tiền đề khách quan để tiếp nhận những tư tưởng mới từ ngoài tràn tới. Cố nhiên, những tiền đề đó được tạo ra trong chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng tuyệt nhiên không phải là “ơn huệ thực dân”, bởi lẽ, mọi thứ đó, dù trái với ý muốn chủ quan của kẻ thống trị, đều là những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của chế độ thực dân. Với môi trường xã hội được “Âu hóa” đó, lịch sử tư tưởng Việt Nam có những bước tiến gấp theo kịp những trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất, cách mạng nhất trên thế giới.

Trong ba thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, lịch sử tư tưởng nước ta đã diễn ra quá trình “lựa chọn – thử nghiệm” tư tưởng dân chủ tư sản với mọi màu sắc và tư tưởng cộng sản với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hà Nội với tính cách một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước thời thuộc Pháp đã chứng kiến đầy đủ và trọn vẹn tiến trình đó. Lực lượng đóng vai trò động lực trong quá trình đó là tầng lớp tiểu tư sản trí thức mà Sài Gòn, Hà Nội là nơi tập trung một số lượng lớn trí thức đủ thành phần, từ học sinh, sinh viên đến trí thức cũ, mới. Những năm đầu thế kỷ XX, tại Hà Nội, những nhà nho yêu nước, thức thời như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền cùng với các trí thức tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đã mở trường học hợp pháp, miễn phí gọi là Đông Kinh nghĩa thục (ĐKNT). Đăng cổ tùng báo đưa tin: “Ở phố Hàng Đào số thứ mười, mấy ông cử, ông tú cùng mấy ông đồ có mở ra một trường tân học để dạy theo học thức tân nghị nhà nước. Trường ấy đông người học lắm. Chúng tôi có xin phép ông sư trưởng trường ấy, ông cử Can, thì ngài có lòng tốt mời chúng tôi vào thăm trường. Trường học rộng lắm mà học trò cả ngày cả đem ước tính đến 400 người, phân ra làm nhiều lớp: lớp thì để các ông cử, ông tú học chữ Pháp, lớp thì để những ông đã làu chữ Pháp học chữ Nho; lớp người lớn, lớp trẻ con, trường con giai, trường con gái, thứ bậc phân minh lắm…”[1].

Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, ĐKNT hướng tới những mục tiêu: đả kích thái độ hủ nho; cải tạo giáo dục; học thuật; cổ động học chữ quốc ngữ; cải tạo xã hội. Với những mục tiêu đó, ĐKNT trở thành tụ điểm truyền bá tư tưởng cách mạng và thể hiện đường hướng cải tạo xã hội trên bình diện kinh tế và văn hóa. Ngoài việc tổ chức giảng dạy theo lối mới, ĐKNT đã phối hợp với Hội Trí tri tổ chức những cuộc diễn thuyết về kinh tế và giáo dục của những quan chức Việt Nam mang về từ những cuộc khảo sát bên Pháp. Lần đầu tiên, tại Hà Nội, đã xuất hiện hình thức biểu đạt tư tưởng mới lạ đó. Chính vì vậy, những cuộc diễn thuyết, bình văn thu hút nhiều người nghe và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử:

            “Buổi diễn thuyết người đông như hội

             Kỳ bình văn khách đến như mưa
”.

ĐKNT còn là trung tâm xuất bản sách, báo, làm phương tiện tuyên truyền tư tưởng mới. Đại Nam đồng văn nhật báo được nhà trường mua lại và cho xuất bản với tên mới Đại Nam (Đăng cổ tùng báo) nhằm cổ động cho việc buôn bán, sản xuất. Nhà trường đã xuất bản một loạt các sách báo có tiếng vang thời đó, tiêu biểu nhất là cuốn Văn minh tân học sách, trong đó có chứa đựng những tư tưởng đổi mới, được coi là cương lĩnh đổi mới đầu thế kỷ, là sự gặp gỡ tư tưởng của hai lớp người: nho sĩ thức thời và trí thức tân học. Với sự xuất hiện của Văn minh tân học sách, “vòng kim cô” tư tưởng bấy lâu nay trói buộc họ, đã được cởi bỏ. Các giá trị truyền thống được đưa ra xem xét và đánh giá lại. Họ kiên quyết chối bỏ những giá trị đã lỗi thời, chỉ giữ lại những giá trị truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt tiếp nhận những giá trị mới từ các nền văn minh khác. Chẳng hạn như buôn bán – nghề bị nho sĩ khinh thị một thời, đã lên ngôi. Những người có vốn, trong đó không ít người làm quan, đã dũng cảm cáo quan về lập công ty, hội buôn. Nghiêm Xuân Quảng, nguyên Án sát tỉnh Lạng Sơn, cáo quan về lập Quảng Hợp ích, một tập đoàn sản xuất và buôn bán tại Hà Nội, đã bày tỏ sự kiên quyết đối với tư duy – hành động của mình trước thời đại mới: “Biết bao nhiêu là đèn, là dầu, là vải, là vóc, là ô, nào giấy, nào bít tất, là đồ văn minh các nước vẫn chở vào nước mình; thế mà nước mình không có một cái gì để đổi lại. Mà lại để cho hiệu khách buôn đi bán lại, để thâu hết tiền bạc của ta, mang từng xe từng hòm đi… Chết nỗi cả nước không có một cửa hàng nào lớn, một xưởng thợ nào đông, người trong nước thì không có nghề nghiệp gì mà trông cậy được! Mấy mươi triệu người nhung nhúc mà chỉ khư khư trông nom vào một ít ruộng cũ choèn choèn, mà một người chưa làm, thì mười người đã chực ăn, nhẽ nào đến năm mất mùa mà chả chết đói?”[2]. Bên cạnh đó, một phong trào thực nghiệp thay vì hư nghiệp đã ra đời. Hàng loạt các tập đoàn sản xuất – buôn bán xuất hiện tại Hà Nội: Quảng Hợp ích, Quảng Hưng Long, Đồng Lợi Tế…

Cũng phải nói thêm rằng, ĐKNT còn là nơi phối hợp có hiệu quả với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu trên đất Nhật. Hai người con trai của Lương Văn Can (Lương Lập Nham và Lương Nghị Khanh) là những học sinh Việt Nam đầu tiên sang Nhật và được bố trí học tại trường Chấn võ ở Tô-ky-ô. Những trước tác mà Phan Bội Châu sáng tác tại Nhật trong phong trào Đông Du gửi về nước đã được ĐKNT sử dụng làm tài liệu giảng dạy tại trường và được chuyển sang các thể thơ phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Với nội dung mang tính chất cách mạng, cùng những hình thức mới, phù hợp với những đòi hỏi của xã hội, ĐKNT đã nhanh chóng vượt qua giới hạn nhỏ hẹp của Hà Nội, lan tỏa trên cả nước để trở thành một phong trào sôi nổi, hòa chung vào trào lưu Duy tân rầm rộ trên cả nước ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX.

Nhận thấy công cuộc vận động văn hóa, xã hội đã vượt quá sự kiểm soát của mình và nhất là để chống lại chủ trương văn hóa và tuyên truyền cách mạng, thực dân Pháp quyết định dập tắt phong trào. Tháng 12-1907, ĐKNT bị đóng cửa, phong trào Duy tân bị dập tắt. Để đoạt lại thứ vũ khí từ tay những người đối lập làm công cụ phục vụ chính sách thực dân, Pháp cho mở một số trường đại học, xuất bản một số tờ báo. Mục đích của chúng trước hết là để đáp ứng những đòi hỏi không thể thiếu của nhân dân, dù họ là những người nô lệ, sau đó hướng nhân dân đi theo một hướng khác có lợi cho nền thống trị của chúng. Vậy là, trận địa tư tưởng đầu tiên được nho sĩ thức thời và trí thức tân học nhen nhóm ngay từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước đã bị xóa bỏ. Dẫu vậy, Hà Nội vẫn tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu và tô đậm truyền thống “Kẻ sĩ Bắc Hà”.

Sau chiến tranh thế giới thứ I, thực dân Pháp đẩy mạnh chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai. Hà Nội cùng với Hải phòng trở thành những địa bàn thu hút nhiều vốn đầu tư của tư bản nước ngoài và các nhà doanh nghiệp trong nước. Hà Nội bước vào thời kỳ thứ hai của quá trình đô thị hóa. Đến năm 1933, tổng số khu phố được mở rộng thêm 17.000 m2. Cư dân đông hơn. Năm 1921, Hà Nội mới có 75.000 người, đến năm 1928, đã tăng lên 126.137 người, trong đó người Việt là 118.327 người, người Pháp: 3.120 người, Hoa kiều: 4.428 người, người Nhật: 19 người [3].

Hà Nội cũng là địa phương chứng kiến sự ra đời và phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam. Trước chiến tranh thế giới thứ I, tư sản Việt Nam với số lượng nhỏ bé, đến sau chiến tranh đã trở thành một thế lực đáng kể và sớm bước lên vũ đài chính trị bằng việc phát động phong trào “tẩy chay khách trú” nhằm giành lại thị phần từ tay tư sản Hoa kiều. Hưởng ứng phong trào đó, tư sản Hà Nội đã biểu dương lực lượng của mình bằng các khẩu hiệu: “Người Việt Nam buôn bán với người Việt Nam”, “Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”,… Tiếp đó, các nhà công thương Hà Nội đã lập ra Hội Công thương nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình trước sự chèn ép của tư sản Pháp và sự lấn lướt tư sản Hoa kiều. Các nhà doanh nghiệp nổi tiếng lúc đó như Nguyễn Hữu Thu xuất bản tờ Thực nghiệp dân báo (1920); Bạch Thái Bưởi ra tờ Khai hóa nhật báo (1921); Việt Nam công thương hiệp hội xuất bản Hữu thanh tạp chí (1923), nhằm bày vẽ cho dân ta làm ăn và bảo vệ quyền lợi cho giới công thương Việt Nam. Như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ I, tư sản Việt Nam đã trở thành một giai cấp xã hội. Đây chính là cơ sở xã hội cho sự truyền bá và tiếp nhận tư tưởng dân chủ tư sản đủ màu sắc, tư tưởng dân chủ của cách mạng Pháp đến chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn.

Trong bầu không khí đó, một trung tâm truyền bá tư tương cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản ra đời sớm nhất tại Hà Nội là Nam Đồng thư xã của hai anh em Phạm Tuấn Tài và Phạm Tuấn Lâm, đặt tại nhà số 6, đường 96, hồ Trúc Bạch. Những năm sau đó, mới có Cường học thư xã của Trần Huy Liệu tại Sài Gòn, Quan Hải tùng thư của Đào Duy Anh ở Huế. Trong bài “Kính cáo” với tư cách giám đốc nhà xuất bản, Phạm Tuấn Tài đã thưa cùng độc giả: “Mục đích của Nam Đồng thư xã chúng tôi là xuất bản các sách có giúp ích về đường quốc dân giáo dục. Cho đạt tới mục đích ấy thì các sách đem xuất bản phải lựa thật kỹ và bán thật rẻ để khỏi phụ lòng người xem”[4].

Từ cuối năm 1926 đến đầu 1928, Nam Đồng thư xã đã xuất bản khoảng 20 đầu sách, trong đó có những cuốn sách bán chạy nhất thời bấy giờ (cuốn Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên của Dật Công và Nhượng Tống, xuất bản tháng 11-1926, năm sau được tái bản). Ấn phẩm của nhà sách Nam Đồng đã góp phần tích cực vào việc hình thành nét sinh hoạt văn hóa tư tưởng mới trong cư dân Hà Nội. Điều đặc biệt hơn là chính Nam Đồng thư xã đã chuẩn bị về lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Việt Nam quốc dân đảng (25-12-1927), một chính đảng cách mạng tiêu biểu của khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam. Từ đó mới có cơ sở của tổ chức chính trị này ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ và sau đó là Nam Kỳ.

Cũng trong thời gian này, người Hà Nội còn nhận được khá đều đặn và bí mật chuyền tay nhau đọc những tờ báo từ Pháp gửi về, trong đó có tờ Le Paria, với những bài viết đầy tính chiến đấu của Nguyễn Ái Quốc. Sau đó ít lâu, Người đến Quảng Châu, chọn mảnh đất này làm địa bàn, trạm đầu cầu tiếp tục xúc tiến những điều kiện cần thiết để thành lập một ĐCS ở Việt Nam. Tháng 6-1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (VNCMTN) ra đời. Hà Nội được Nguyễn Ái Quốc chọn là một trong ba trung tâm quan trọng của cả nước xây dựng và tổ chức cách mạng. Sau khi kết thúc lớp huấn luyện đầu tiên, cuối năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã chọn hai chú cháu Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ đưa về Hà Nội hoạt động. Từ đó, Hà Nội trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng mới trên hai phương diện: 1) Là nơi tập trung các đoàn xuất dương ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ trước khi theo những ngả khác nhau sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị. Riêng ở Hà Nội đã tổ chức cho gần 30 người đi Quảng Châu học tập. 2) Từ chi bộ Thanh niên đầu tiên ở Hà Nội đã được nhân thành chi bộ và phát triển khắp các tỉnh đồng bằng ở Bắc Kỳ.

Tại Hà Nội, chi bộ VNCMTN tích cực hoạt động theo kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc là “mỗi hội viên trong chi bộ sẽ trở thành một tổ trưởng trong chi bộ mới”. Sử dụng mối quan hệ bạn bè, họ hàng, thầy trò, các chi bộ VNCMTN đã đưa những hội viên về quê quán tuyên truyền và phát triển tổ chức. Từ Hà Nội những “chàng trai bãi khóa” tỏa về các địa phương vùng châu thổ sông Hồng, nhen nhóm và gây dựng tổ chức cách mạng. Ngô Gia Tự về Bắc Ninh, Nguyễn Hới về Hải Dương, Nam Định; Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Đới về Thái Bình; Nguyễn Đức Cảnh về Hải Phòng; Hoàng Đình Phong về Cao Bằng… xây dựng các chi bộ ở những nơi đó. Nhằm thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng, Ban chấp hành lâm thời Kỳ bộ Bắc Kỳ được thành lập (tháng 3-1927), tiếp đó các ban chấp hành lâm thời thành bộ, tỉnh bộ cũng được thành lập (Thành bộ lâm thời Hà Nội được lập vào tháng 6-1927).

Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của VNCMTN ở Hà Nội cho thấy tổ chức cách mạng ở đây không chỉ xuất hiện sớm nhất, mà còn phát triển nhanh và đúng hướng. Đó là việc tổ chức này sớm hướng vào công nhân để phát triển lực lượng nhằm làm tăng tính chất giai cấp công nhân trong tổ chức. Từ đầu năm 1928, Thành bộ Thanh niên Hà Nội đã cử hội viên vào hoạt động trong các nhà máy, xí nghiệp. Các đồng chí Mai Lập Đôn, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh là những đồng chí tiên phong lăn lộn trong phong trào công nhân Hà Nội. Tổng kết hoạt động trong phong trào công nhân ở Hà Nội và một vài địa phương khác, căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức, Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9-1928) đã đề ra chủ trương “vô sản hóa”. Chính hướng hoạt động đúng đắn của Thành bộ Hà Nội đã cung cấp hình mẫu “vô sản hóa” cho Kỳ bộ Bắc Kỳ và trở thành phong trào sôi nổi trên cả nước. Báo Thanh niên ra ngày 10-1-1929 đã viết bài hướng dẫn phong trào đó: “Các đồng chí phải thâm nhập vào quần chúng, tuyên truyền điều hay lẽ phải trong làng quê, xưởng máy, trường học, trại lính. Các đồng chí phải trút bỏ những bộ cánh sang trọng và mặc quần áo của người vô sản, trở thành công nhân, nông dân, và người của nhân dân… Chỉ bằng lối sống như vậy, các đồng chí chúng ta mới có thể tạo được niềm tin và sức mạnh của các chi bộ trên đất nước. Một khi các đồng chí và những người vô sản tạo thành một khối thống nhất, cả thể xác lẫn tâm hồn, thì khi đó Đảng sẽ không bị tiêu diệt và thắng lợi của cách mạng sẽ tới”. Từ phong trào đó, nhiều công hội được bí mật tổ chức trong các nhà máy, xí nghiệp theo tinh thần “Người không có tổ chức thì cũng như một chiếc đũa lẻ loi, ai bẻ cũng được. Người có đoàn thể cũng như nhiều chiếc đũa cột lại thành một bó, không ai bẻ được”[5].

Cuối năm 1928, Thành bộ Thanh Niên Hà Nội do đồng chí Trần Văn Sửu phụ trách. Sự hình thành và phát triển tổ chức công hội đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân Hà Nội. Từ cuối năm 1928 đến đầu 1929, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các chi bộ Thanh niên và Tổng công hội, Hà Nội đã nổ ra 7 cuộc đấu tranh của công nhân làm việc trong các xí nghiệp, công sở Pháp. Thực tiễn đấu tranh sôi động của công nhân Hà Nội đã cho thấy rõ nhu cầu khách quan là phải thành lập một tổ chức chính trị cao hơn thay cho Thanh niên. Tháng 3 – 1929, những hội viên tiên tiến trong Thanh niên đã thành lập Chi bộ Cộng sản tại số nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Vừa mới thành lập, Chi bộ Cộng sản đã trực tiếp lãnh đạo và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh của công nhân Xưởng sửa chữa ôtô Avia ngày 28-5-1929. Thắng lợi đó đã tạo thành phản ứng dây chuyền trong nhiều xí nghiệp khác ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng. Trước những thắng lợi giòn giã đó, Tổng Công hội Bắc Kỳ phát đi những tờ truyền đơn biểu dương thắng lợi vừa giành được và kêu gọi công nhân tiếp tục tranh đấu: “Anh chị em! Anh chị em biết rằng công nhân Hà Nội (gara Avia), Nam Định (nhà đèn) và Hải Phòng (xưởng dệt) đều bãi công thắng lợi. Anh chị em thấy rằng hễ chúng ta đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta thu được nhiều thắng lợi. Vì vậy, chỉ có họp nhau lại vô sản mới cải thiện đời sống của mình”[6].

Những trận chiến đấu thắng lợi của đội ngũ công nhân Hà Nội và Bắc Kỳ càng khẳng định một xu thế tất yếu là thành lập ngay một ĐCS để tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đêm 17-6-1929, tại ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời và phát đi bản Tuyên ngôn: “Đông Dương Cộng sản Đảng là đảng cách mệnh đại biểu cho tất cả các anh chị em vô sản giai cấp (tức là thợ thuyền) ở Đông Dương… Đảng Cộng sản là đảng bênh vực lợi ích cho toàn thể giới vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả người làm lụng bị bóc lột và đè nén”[7].

Nếu như sự ra đời của Chi bộ Cộng sản, tháng 3-1929, khởi đầu cho quá trình “đỏ hóa” tổ chức Thanh niên, đến tháng 6 cùng năm, quá trình đó đã hoàn tất trên quy mô một vùng, sau đó lan tỏa trên quy mô cả nước, dẫn tới sự ra đời An Nam Cộng sản Đảng từ bộ phận còn lại của Thanh niên, hơn thế nữa còn kéo theo “Tả hóa” Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nha Mật thám Đông Dương cho ta biết thêm kết quả những hoạt động hăng hái của Đông Dương cộng sản Đảng thời kỳ đó: “Sự tuyên truyền rất hăng hái của Đảng mới này chẳng những đem lại kết quả là ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ ảnh hưởng của Thanh niên bị tiêu tan, mà Thanh niên ở Nam Kỳ cũng mất nhiều địa bàn. Sự tuyên truyền đó đã làm cho các đảng phái chính trị khác như Hội kín của Nguyễn An Ninh ở Nam Kỳ và Tân Việt ở Trung Kỳ, thực sự chuyển sang chủ nghĩa cộng sản”[8].

Như vậy, sự phân liệt và cuối cùng sự giải thể của Thanh niên và Tân Việt được khởi đầu bằng hoạt động sôi nổi của những hội viên Thanh niên tiên tiến Hà Nội. Ngày 3-2-1930, từ Hội nghị hợp nhất, ĐCS Việt Nam ra đời để lãnh đạo cuộc giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi trọn vẹn trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong tiến trình tư tưởng 30 năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội đóng vai trò đi đâu trong việc tiếp nhận và truyền bá khắp đất nước tư tưởng dân chủ tư sản đủ màu sắc và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Cũng trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, người Hà Nội đã từng chứng kiến sự bất lực của hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm vụ cứu nước và sự thắng lợi của hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa trong việc đánh bại chủ nghĩa thực dân và phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, thiếp vàng tên Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới.
Chú thích
[1] Đăng cổ tùng báo, Số 797, tr.76.
[2] Đăng cổ tùng báo, Số 797, tr.56.
[3] Dẫn theo: Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, tr.113.
[4] Vũ Khiêu, Phạm Tuấn Tài – Cuộc đời và tác phẩm. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.30.
[5] Báo Thanh niên, số 61, ra ngày 10-10-1926.
[6] Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng.
[7] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, T.1, tr.177.
[8] Xem Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam (1921 – 1930), Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990, tr.219.

PGS.TS Phạm Xanh
Nguồn:
Bài in trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 179 (10/2005), tr.12-16.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 03-08-2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây