VĂN MINH VIỆT NAM THẾ KỶ X-XV
GS Trần Quốc Vượng
Thế kỷ X cắm một cái mốc quan trọng trong lịch sử loài người nói chung và đặc biệt là trong lịch sử Việt Nam.
Trước thế kỷ X, là một thời kỳ lâu dài - hàng ngàn năm - Việt Nam bị cuốn hút vào quỹ đạo của chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc, bị thống trị bởi các triều đại Hán - Đường. Thời Bắc thuộc cũng là thời chống Bắc thuộc gay go, dai dẳng, bất khuất, ngoan cường mở đầu với cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng (40-43), hai vị nữ anh hùng lẫm liệt - và kết thúc với thế kỷ X. Sau 33 năm giành quyền tự chủ (905-938), chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, dân tộc Việt Nam đã hiên ngang đi vào trận chung kết lịch sử toàn thắng với bọn xâm lược phương Bắc. Chiến thắng Bạch Đằng giang mùa Đông 938 được ghi vào sử sách Việt Nam như một võ công hiển hách, đời đời bất diệt, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ hơn nghìn năm của phong kiến Trung Quốc, mở ra một kỷ nguyên mới, độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ về văn hóa và văn minh Việt Nam.
Nếu các vua Hùng thời cổ đại được nhân dân coi là Ông Tổ dựng nước Việt Nam thì người Chiến Thắng Bạch Đằng được coi là Ông Tổ Phục hưng dân tộc Việt Nam.
Sau một vài triều đại tạm thời ở Hoa Lư với những biến loạn và lộn xộn buổi đầu và cả những tham vọng tái chiếm Việt Nam thất bại của Trung Quốc, kinh đô Việt Nam dời về Thăng Long (Hà Nội) đầu thế kỉ XI. Với triều Lý (1009-1226) và triều Trần (1226-1400), Việt Nam (khi ấy gọi là Đại Việt) thực sự đi vào một thời đại Phục hưng. Nội dung cơ bản của công cuộc Phục hưng này là gì?
*
* *
Hàng ngàn năm trước Công nguyên, trước sự xâm nhập của Trung Quốc, người Việt ở lưu vực sông Hồng có một lối sống riêng, với một nền văn minh độc đáo, gắn bó với gia đình các dân tộc và văn hóa Đông Nam Á.
Bành trướng Trung Quốc, từ một vài thế kỷ trước Công nguyên, đã từ lưu vực Trường Giang tràn đến lưu vực sông Hồng. Bắt đầu một thời kỳ, dài hơn ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Hoa hóa (Sinisation) và giải Hoa hóa (Désinisation), một thế lưỡng phân lịch sử, một mâu thuẫn cực kỳ cơ bản của xã hội và văn hóa Việt Nam. Đất Việt có nguy cơ bị dứt khỏi nền đồng văn Đông Nam Á để trở thành vùng phía trước của văn minh Trung Hoa ở khu vực này. Nhưng mà không! Cái kỳ diệu của nền móng Việt thời Đông Sơn, cái vĩ đại của hơn nghìn năm chống Bắc thuộc toàn diện là, cuối cùng, đất này vẫn là đất Việt, dân này vẫn là dân Việt, văn hóa này vẫn là văn hóa Việt.
Việt là một hằng số lịch sử của Việt nam cả từ tên gọi đến thế ứng xử cộng đồng.
Qua Bắc thuộc, tòa nhà Việt có thay đổi nhưng nói như Givan, chỉ thay đổi cái "mặt tiền"[1]; văn hóa Việt tiếp nhận một đóng góp Trung Hoa quan trọng, nhưng nói như Hoard - Bigot nhiều phần tri thức và luân lý hơn là tố chất (Plus intellectual et moral que somatique). P. R. Féray bảo: "Những quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu đồng thời cả những giới hạn của ảnh hưởng Trung Quốc và cả tính độc đáo của nền văn hóa, văn minh Việt Nam"[2]. 10 thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, xứ Việt có bị giải thể văn hóa phần nào: nếp sống, tín ngưỡng, phong tục, nghệ thuật Đông Sơn nhất định bị va chạm, sứt mẻ, mất mát khá nhiều. Cũng xẩy ra hiện tượng đan xen văn hóa: vay mượn từ ngữ Hoa, dùng chữ Hán và các thể thơ văn Hán - Đường, học Nho, Y, Lý, Số Trung Quốc, kĩ thuật Trung Quốc… Cũng sống mãi trào lưu chống hỗn dung văn hóa: Bảo vệ vốn cũ văn hóa dân tộc, dưới hình thức văn chương truyền miệng, giữ lại tính dân tộc trong nếp sống văn hóa của mình: nhuộm răng, vẽ mình, "miếng trầu đầu câu chuyện", bánh chưng, bánh dày v.v… Ba quá trình ấy xoắn xuýt lấy nhau, hỗ tương giao tác và tất yếu sản sinh ra 2 khuynh hướng: Trung Quốc hóa và Việt Nam hóa. Đó là phép biện chứng của công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam từ thế kỷ X.
Sống giữa một khung cảnh thiên nhiên đa dạng, ở vị trí địa lý tiếp xúc (bán đảo), nằm giữa hai khối văn minh lớn Trung Quốc và Ấn Độ, văn minh Việt Nam nói riêng - và Đông Nam Á nói chung - có một đặc điểm hằng xuyên này là sự không chối từ phần đóng góp, rất có thể là quan trọng về nhiều mặt, của các yếu tố nội sinh. Tính uyển chuyển, khả năng hòa đồng, dung hòa, sự cởi mở có pha chút hoài nghi, khả năng Trung Hoa hóa - và Việt hóa những ảnh hưởng ngoại lai (nhận làm "của ta") là một đặc trưng nổi bật của dân tộc tính Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.
*
* *
Hãy coi như chế độ mới xây dựng trên đất Việt từ thế kỷ X là chế độ "phong kiến dân tộc" (cũng có người coi đó chỉ là một dạng vẻ của "phương thức sản xuất châu Á" để lấy lại một khái niệm có thời bị lãng quên của K. Marx), và giữ nước Việt, thì chủ yếu là chống bành trướng Trung Quốc.
Khúc, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần làm ra lịch sử kỷ nguyên Đại Việt trên cơ sở những di sản của thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: Truyền thống dân tộc từ thời Hùng - Đông Sơn - cái Gốc của văn hóa Việt: hậu quả sâu đậm nặng nề của hơn nghìn năm Bắc thuộc; một tinh thần muốn Đổi mới xứ sở, bắt đầu từ nhà cải cách lớn Khúc Hạo (907-917). Truyền thống, Đô hộ, Đổi mới, đó là 3 khái niệm hợp thành lịch sử của một dân tộc - rất cũ mà rất mới - từ thế kỷ X, trên đường đi tìm mình, tìm một căn cước, một đồng nhất thể cho bản thân mình. Có thể mô hình hóa như sau.
Văn minh Đông Sơn - với tư cách là một tổng thể cấu trúc và một yếu tố liên kết là nhà nước - thì đã bị giải thể cấu trúc từ đầu thời Bắc thuộc, đã "tắt" từ đầu công nguyên: nhưng những yếu tố của nó. những "mảnh vụn" của nó và cái "thần thái" của nó thì đã hóa thân vào nền Văn hóa dân gian (văn hóa xóm làng - Culture villageoise) và ảnh hưởng của nó vẫn "ngấm" vào nền văn hóa "chính thống" (trống - chậu đồng, trang trí kiểu Đông Sơn trên các khay, bình gốm tráng men… đào được trong các mộ cổ ở Bắc Việt Nam).
Văn minh Trung Quốc được du nhập vào đất Việt, vừa có tính chất cưỡng bức - qua bọn đô hộ, hành chính, quân sự vừa có tính chất ôn hòa - qua di dân Trung Quốc sang ở đất Việt, nét trội vượt mà Việt Nam tiếp thu là một bộ khung chính trị - hành chính - quân sự kiểu đế quyền và văn tự Trung Hoa.
Cùng lúc đó, văn minh Ấn Độ, qua ngả đường biển và ngả đường Tây Tạng - Vân Nam, vẫn ảnh hưởng đến lưu vực sông Hồng. Điểm trội vượt, là nếp sống tâm linh Phật giáo.
*
* *
Ra khỏi thời Bắc thuộc và bước vào kỷ nguyên Đại Việt, tổ tiên ta đứng trước những thực tế lịch sử:
1. Người Việt là một Dân tộc - cư dân (Nation - Peuple) khá thuần nhất, một chính thể thống nhất và nhân chủng, ngôn ngữ, xã hội, văn hóa, lịch sử… do kết quả hòa trộn (và cả sự "ốp ép" lâu dài nhiều cộng đồng tộc người ở miền trung châu Bắc bộ). Đó là một dân tộc - nông dân, với một nền văn minh thôn dã, một nền văn hóa xóm làng, mang tính truyền miệng hơn là chữ nghĩa. LÀNG VIỆT (chủ yếu ở đồng bằng), nói như Paul Mus, là "một hiện tượng nhân văn tổng thể, nông nghiệp, xã hội, tôn giáo và văn hóa"[3] (Fait humain total, agricole, social, religieuse et culturel), đã làm nên sự THỐNG NHẤT VIỆT NAM, từ bên dưới, dựa trên công việc công tác đất đai thuần nhất và có cùng một định chế công xã (hương ước). Cái tế bào cơ bản ấy của xã hội và văn hóa Việt ra đời từ trước thời Bắc thuộc và chưa bao giờ bị mất đi trong suốt thời Bắc thuộc và cả sau thời Bắc thuộc, dù bị đổi tên thành thôn, biến tướng vào xã, liên lập thành vùng, tổng v.v… Làng xóm - với cơ sở nghề nông trồng lúa nước. Kết hợp nông nghiệp - thủ công nghiệp, với một mạng "chợ quê" là một mô hình xã hội - văn hóa Việt (modèle socio - culturel), một yếu tố nội sinh có tính thống nhất, đồng nhất nhưng đồng thời cũng mang tính phân tán tản mạn và bị khoanh thành từng vùng có xu thế giải tập trung.
2. Nước Việt mới dựng lại cũng là một Dân tộc - quốc gia (Nation - Etat).
Có LÀNG [với xóm (theo địa vực). với họ hàng (theo máu mủ). với phe giáp (theo lớp tuổi) - một chỉnh thể nhiều kích thước, không gian xã hội sống động của mỗi người dân] - nhưng còn có NƯỚC - mà có thể công thức hóa thành NƯỚC = ∑ LÀNG. Nhà nước thế kỷ X-XV, từ vương quyền thời Ngô đến đế quyền từ thời Đinh (968), là một quá trình thích ứng những định chế chính trị - hành chính kiểu Trung Quốc với thực tiễn Việt Nam. Một biển làng nông nghiệp phân bố thành từng vùng đa dạng từ thượng du đến hạ du đã từng thích ứng trong khung chính trị hành chính Trung Quốc thời Hán - Đường, nay tổ chức nhà nước theo mô hình Trung Quốc - cái có sẵn - là để có một Quyền lực Trung ương với một độ cố kết và một sức mạnh đủ chống lại áp lực Trung Quốc từ phía Bắc (người Việt Nam có câu thành ngữ: "Dùng gậy ông đập lưng ông"), đồng thời để chống lại xu hướng cát cứ, địa phương chủ nghĩa trong nội bộ dân tộc, liên kết nổi cái tổng thể làng xóm vào trong một nước.
Ở Việt Nam, Độc lập (dân tộc) gắn chặt với Thống nhất (quốc gia đa tộc). Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là hiệu quả đấu tranh chống chủ nghĩa "bình thiên hạ" Trung Quốc và chống chủ nghĩa địa phương.
Các triều đại phong kiến dân tộc (Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần), do tính hợp pháp triều đại của nó đã góp phần rèn luyện tình cảm dân tộc. Làng Việt sớm có tính dân tộc chứ không phải là "những bầu trời riêng" như khi K. Marx nói về những công xã Ấn Độ. Mỗi làng riêng lẻ lại liên lập với một số làng khác, do quan hệ tôn giáo (cùng thờ một vị thần), do tình nghĩa tương trợ hay là do nhu cầu cùng chăm sóc một con đê trong vùng. Đê là một sáng tạo văn hóa của người Việt - nông dân, nhằm mở mang ruộng đất ở vùng hạ châu thổ trước sức ép về dân số từ thời đại Đông Sơn[4] và trong thời Đại Việt[5]. (Dường như mỗi thời đại văn minh lớn thường đi kèm theo nó là hiện tượng "bùng nổ dân số". Thời Đông Sơn, châu thổ sồng Hồng đã có đê. Lý - Trần là hai triều đại đắp đê, tổ chức xây dựng, quản lý các đê điều… nghĩa là có cả một nền chính trị đê điều. Người ta nói không ngoa rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc đắp đê.
Quan hệ hữu cơ Làng Nước - là một nét đặc sắc của văn minh Đại Việt, cũng là một nét đặc thù của nhà nước Lý - Trần, Lê mà nhìn bề ngoài, người ta cứ ngỡ là một nhà nước Hoa hóa. Văn hóa xóm làng, thế ứng xử "kẻ quê", nền "dân chủ làng mạc" phóng rọi lên nước, lên "Kẻ Chợ" tên dân gian của kinh đô Thăng Long (thành phố Rồng bay - tức Hà Nội ngày nay), lên triều đình: những triều vua đầu tiên của Việt Nam đều xuất thân bình dân (dân cày, dân chài…). Nước, triều đình, Kẻ Chợ - Thăng Long với tay xuống chi phối xóm làng qua hệ thống huyện quan, xã quan tìm thấy ở làng kho lương, kho lính và kho phu phen của Nước.
Như đã nói, Làng là một mô hình Việt, một yếu tố nội sinh nhưng lại mang tính chất tản mạn, phân tán, thông qua Vùng - với các thủ lĩnh địa phương, "sứ quân" "cường hào" "thổ hào"… từ sau thế kỷ XV sẽ được nhà nước cố gắng "định chế hóa" thành "chánh tổng" "cai tổng" - có xu thế giải tập trung nhà nước Đại Việt, theo mô hình Trung Quốc một yếu tố ngoại sinh, nhưng tượng trưng cho sự tập trung, thống nhất. Nếu cứng đơ thu mô hình Trung Quốc, xiết chặt sự tập trung quyền lực nhà nước thì dễ mất gốc dân tộc và mất dân. Mất sự ủng hộ của làng xóm, mất dân, là mất nước (nghèo khổ và mất nước là hai hiểm họa thường xuyên đè nặng lên số phận Việt Nam!).
Những triều đại lớn của kỷ nguyên Đại Việt (Lý - Trần) phải tìm cách nhân nhượng với các thủ lĩnh địa phương và nhất là với quyền tự trị làng xóm nhưng vẫn hạn chế dần quyền hành thủ lĩnh địa phương và vẫn với tay nắm được làng xóm.
Và như thế, thì phải chừng nào đó giải Hoa hóa và Việt hóa cơ cấu nhà nước và cơ cấu văn minh, phản ánh được những nguyện vọng và văn hóa dân gian. Kinh đô vẫn như một cái làng lớn: sinh hoạt văn hóa cung đình vẫn gần gũi sinh hoạt văn hóa dân gian - tình trạng nhị nguyên văn hóa không xảy ra mãnh liệt: triều đình, quý tộc chưa quá cách bức với dân chúng - quý tộc ít tập trung ở Thăng Long mà thường phân tán ở các địa phương, các hoàng tử cũng vậy, các công chúa thường được gả cho thủ lĩnh địa phương, nhất là miền núi - Chất đế vương, chất đô thị do đó chất thương mãi không sâu đậm trong văn hóa, văn minh Việt Nam như ở Trung Quốc. Khuynh hướng Hoa hóa phải khuất phục khuynh hướng dân tộc: Đó là đặc trưng của thời đại Lý - Trần.
Ở Việt Nam, từ thế kỷ X, cái mâu thuẫn giữa xu hướng Hoa hóa và xu hướng Việt hóa (hay Bắc hóa và Nam hóa) là một sự thể hiện, một hình thái của mâu thuẫn giữa tính giai cấp (phong kiến) và tính cộng đồng (dân tộc, nhân dân) trong nội bộ cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tầng lớp thống trị phong kiến, với những liều lượng khác nhau, mang tư tưởng rập khuôn phương Bắc, họ tìm thấy ở phong kiến Trung Quốc một mô hình của sự phát triển tổ chức xã hội, xây dựng chính quyền, họ tìm thấy ở Trung Quốc những "khuôn vàng thước ngọc" để xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Giáo sư Đặng Thai Mai tâm đắc: "Khi nước Việt Nam được tự chủ thì Hán học (Sinologie) lại thịnh vượng hơn thời nội thuộc nhiều… Trước hết, vì nhà nước phong kiến đã tìm được trong Nho giáo một ý thức hệ vững chắc để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị… thông qua một thứ tiếng mà người dân đen không hiểu gì hết, thì một chỉ dụ từ trong nội ban ra, một tờ sức từ các nha môn giải xuống, một giáo chỉ của thánh hiền đời cổ bên Tầu, một câu châm ngôn luận lý, dường như lại có vẻ tôn nghiêm, thần thánh hơn"[6].
Thế nhưng đã chống Bắc thuộc và để chống lại với bành trướng Trung Quốc, giai cấp phong kiến Việt Nam đại biểu cho dân tộc khi ấy - đã và phải cố gắng thoát ly ảnh hưởng của phong kiến Trung Quốc, sâu gốc bền rễ trong nhân dân và dân tộc để tự tạo cho mình một bản lĩnh riêng. Muốn thế phải gần dân thân dân, khoan dân, hạn chế chuyên quyền độc đoán, kết hợp mềm dẻo giữa tập trung nhà nước và dân chủ xóm làng, cái nhà nước và cái xã hội mới, cái chính thống và cái dân gian, cái ngoại sinh và cái nội sinh, cái bảo lưu truyền thống và cái bung ra đổi mới…
Khúc Hạo là nhà cải cách đầu tiên của nước Việt ở đầu thế kỷ X, người chiến sĩ - tiền phong của công cuộc giải Hán hóa và dân tộc hóa cơ cấu nhà nước và văn minh Việt Nam. Biên niên sử chép: "Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, dân chúng đều được yên vui".
Kỷ nguyên Đại Việt, cho đến giữa thế kỷ XV, theo cương lĩnh bốn chữ "KHOAN - GIẢN - AN - LẠC", phát triển dưới hai định hướng: Dân tộc và Thân dân.
Các vua Lý và Trần - trước Dụ Tông (1369) - không phải hay chưa phải là những vua độc tài, chuyên chế, quá xa dân. Chính vì chính trị thuần như thân dân[7] mà nhà Lý đã dành thắng lợi lớn chống 2 lần xâm lăng của Tống triều Trung Quốc (1075-1077), hun đúc ý chí "Nam Quốc sơn hà Nam đế cư" (thơ Lý thường kiệt 1076). Chính vì theo đường lối nới sức dân, khoan dung với người dưới[8] mà triều Trần ba lần đại thắng xâm lược Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288), "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức" - Lời nguyên soái Trần Hưng Đạo (1300), tạo dựng khí thế "sát Thát", "hào khí Đông A". Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. Và đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc. "Tìm về dân tộc" và "Thân dân" là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa.
*
* *
Nếu ý thức hệ là cái cốt lõi của một nền văn hóa, thì như đã nói ở trên, hệ tư tưởng yêu nước thương dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt kỷ nguyên Đại Việt, quán xuyến văn hóa Thăng Long.
Cố nhiên, nền văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên Đại Việt, như bất cứ nền văn hóa nào khác đương thời, đều mặc một hình thức tôn giáo nhất định. Nói cho đúng, ngày xưa tôn giáo không chỉ là hình thức của văn hóa mà còn là nội dung, là chất men say, là một bộ phận cấu thành hữu cơ của văn hóa.
Đạo Phật là tôn giáo lớn phát triển mạnh nhất ở đất Việt thời Bắc thuộc. Bên cạnh, là Đạo giáo. Nho giáo thì kém phát triển hơn nhiều. Thế kỷ X, khi nước Việt Nam giành lại được độc lập dân tộc thì Mật giáo và Thiền là hai hệ Phật giáo hưng thịnh nhất của thời đại.
Từ thời Đinh, Phật giáo được chính thức thừa nhận làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho nhà vua và dân chúng, cho chính sự nói chúng. Rất nhiều thiền sư tham dự chính sự tuy không tham gia chính quyền. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, những ông vua… đều xuất thân võ tướng, cần đến sức học, sự hiểu biết của các vị thiền sư là thành phần chủ yếu của giới trí thức lúc bây giờ. Nho sĩ tuy đã có nhưng chưa nhiều, mới chỉ là thư lại. Sư bàn cả việc quân sự, khuyên vua đánh Tống, bình Chiêm, nghĩa là rất "nhập thế". Các vua đời Lý so với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn nhiều về phương diện học thức. Họ đều có học Phật, học cả Nho, lại nuôi cả Đạo sĩ trong cung cũng như nhiều thiền sư am tường cả Tam giáo.
Trước thời Hậu Lê (từ thế kỷ XV về sau) triều đình Đại Việt biết dung hợp cả ba ý thức hệ Phật, Đạo, Nho. Từ sau việc lập Văn miếu và mở khoa thi Nho (1070-1077), trong triều ngoài nội đã xuất hiện một tầng lớp Nho sĩ. Dần dà Nho sĩ làm mọi việc triều đình còn thiền sư làm cố vấn về phương diện chỉ đạo tinh thân, không trực tiếp làm những việc tiếp sứ. Cuối thế kỷ XII đã xuất hiện các nho thần như Đàm Dĩ Mông bài xích Phật giáo nhưng dù sao ảnh hưởng của các thiền sư trên triều đình còn mạnh.
Các vua đầu thời Trần - từ Thái Tông đến Anh Tông, đều có căn bản vững chắc về Phật học. Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển mạnh, có tính dân tộc, của hệ tư tưởng yêu nước, Phật giáo đời Trần cũng mang tính cách "nhập thế" mạnh. Chiền và Thiền Đại Việt có tính năng động (dynamique) cao. Phật, Nho và Đạo đều phụng sự cho đời sống, đời sống tâm linh giải thoát cũng như đời sống xã hội thực tiễn. Cũng do yêu cầu cố kết nhân tâm và hòa hợp dân tộc mình, cũng như thời Lý, Tam giáo vẫn thịnh hành cùng với những tín ngưỡng dân gian khác. Vua tu thiền nhưng các con vua có thể tu Thiền, theo Đạo hoặc mở trường dạy Nho. Tinh thần khoan dung và tự do vẫn chi phối thời Trần như và hơn - thời Lý. Chính những phật tử thuần thành nhất như Thái Tông, Thánh Tông do ở ngôi vua, do yêu cầu phát triển của chế độ trung ương tập quyền và bộ máy quan liêu đã mở rộng Nho giáo. Nhưng Lý, Trần không chỉ "thi Nho mà thi cả Tam giáo". Có thể nói nền giáo dục thi cử Lý, Trần mang tính chất tổng hợp tam giáo và không có tính cách từ chương. Về mặt này, Trần Nguyên Đoán ông ngoại Nguyễn Trãi, rất tự hào mà so sánh với Trung Quốc:
Hán Đường, hai Tống, lại Nguyên Mông
Lệ đặt khoa thi chọn tuấn anh
Sao giống triều ta cầu thực học
Để muôn đời dứt tiếng phẩm bình.
Cạnh văn là võ. Cái tinh thần cơ bản của thời Lý, Trần vẫn là tinh thần thượng võ. Tuổi trẻ thời Trần, từ quý tộc đến bình dân phần nhiều chuộng võ dũng. Lê Quý Đôn nhà bác học
Việt Nam thế kỷ XVIII hết lời ca ngợi nhà Trần đãi ngộ nhân tài một cách khoan dung, cởi mở, cận trọng, lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai ai cũng biết tự lập anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Đất, há phải đời sau kịp được đâu!" (Kiến văn tiểu lục)[9].
Văn hóa thời Lý Trần là nền văn hóa dân tộc, độc lập. Chữ Nôm ra đời, một nền văn học Nôm hình thành và bước đầu phát triển. Những bộ sử đầu tiên của dân tộc ra đời. Thần thoại và truyện cổ dân gian được sưu tầm và biên soạn thành sách và cho in ấn.
Tình trạng nhị nguyên văn hóa chưa thật rõ rệt, sinh hoạt văn hóa cung đình vẫn đậm đà tính chất dân gian, đậm đà chất Đông Nam Á ngàn xưa: đấu vật, hất phết, đua thuyền, hát chèo, múa đội mo nang cầm dùi đục, rối cạn và rối nước v.v… Kịch hát cổ truyền cũng như các đội múa, dàn đồng ca, dân ca biểu diễn trong tiếng sáo, tiếng tiêu, tiếng nhị, tiếng hò, đàn tranh, đàn tì bà, đàn tam thập lục, đàn bầu, tiếng trống da, trống đồng, trống cơm… một hòa âm dân tộc và vẫn không chối từ những ảnh hưởng Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á và vùng biển phía Nam… lời ca là tiếng Việt, bản nhạc ghi bằng chữ Nôm. Vua tôi dạng tay nhau mà hát, sau những buổi tiệc ở nội điện. Phong tục cung đình vẫn được khen là giản dị chất phác. Nho giáo chưa có địa vị cao. Triều đình còn như vậy huống chi là sau các lũy tre. Văn hóa xóm làng Đại Việt vẫn chưa bị những "dường mối" của đạo Nho làm hoen ố. Sử sách thời này còn ghi lại những tập tục thấm đượm tình người kiểu như:
"Đêm trừ tịch (30 tháng Chạp, lịch Trăng), con gái con trai nhà nghèo trong năm không đủ tiền sắm đồ sính lễ, cứ việc lấy nhau". Mùa Xuân trai gái tự do họp bạn, hát múa giao duyên, tung còn, hất phết, "ưng ý nhau thì lấy nhau, mẹ cha không ngăn cấm"[10].
Đại Việt, qua trung gian hai nước láng giềng chung biên giới là Chămpa ở phía Nam và Chân Lạp (Chen la) ở phía tây, vẫn duy trì những quan hệ về nhiều mặt với thế giới Đông Nam Á được coi là Ấn hóa. Không chỉ thế, Đại Việt chú ý khẩn hoang miền đất ven biển và có cả một hệ thông đê biển, chú ý việc củng cố quốc phòng ở miền biển cũng như chú ý việc mở mang kinh tế và văn hóa miền biển. Cái "nhìn về biển" của nhà Trần vẫn là một cái nhìn sắc sảo và cởi mở. Các cửa biển miền trung Nghệ An, Việt Nam (Diễn Châu), Thanh Hóa (Lạch Trường) và nhất là cảng Vân Đồn (hệ thống đảo trong vịnh Bái Tử Long và Hạ Long, đông bắc Việt Nam) là nơi tập trung nhiều thương thuyền Trung Quốc Qua va (Java), Tam Phật Tề (Palemban, đông Mã Lai), Lộ hạc, Xiêm la (Thái Lan) đến trao đổi hàng hóa và các quan hệ ngoại giao khác. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nền nhà và tiền đồng cùng nhiều hiện vật khác của các kiều dân và thương nhân Trung Quốc và Đông Nam Á ở Vân Đồn.
Văn minh Thăng Long - Đại Việt phát triển trong khung cảnh đồng văn Đông Nam Á cùng với những nền văn minh khác như: Văn minh Ăngkor, từ kinh thành Yacodharapura, bừng sáng ở trung tâm bán đảo Đông Dương, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và sẽ bước vào thế kỷ XIII với "nụ cười Bayon" huyền diệu: Văn minh Miến Điện, qua các phế tích Arimaddana (Pagan) đã minh xác một thời thịnh vượng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII v.v…
Thế kỷ XIII cắm một mốc quan trọng trong lịch sử toàn vùng Đông Nam Á và riêng lịch sử từng quốc gia hợp thành khu vực này. Ở Việt Nam nhà Trần thay thế nhà Lý chỉ là một sự thay triều đổi đại trên bề mặt "thời sự chính trị" của một nền văn minh Việt Nam đang tiếp tục xuất diễn cái tinh lực tâm thần còn rất dồi dào phong độ của một thời "trẻ lại" sau Giải phóng, dầu đã trải nghìn tuổi đời nhiều nặng nhọc. Xuất thân dân chài ven biển, nhà Trần mang lên kinh đô Thăng Long chất dân dã, chất biển, cái tinh thần phóng khoáng, khỏe khoắn và cởi mở hơn. Thế giới Đông Nam Á ngoài Việt Nam, như nhiều nhà sử học đã vạch ra, bước vào thế kỷ XIII-XIV với một sự khủng hoảng thực sự, một khủng hoảng từ cơ cấu văn minh bên trong. Ảnh hưởng Ấn Độ bắt đầu suy thoái. Nhiều phức hợp văn hóa cổ tan rã hay tàn lụi (đế chế Chân Lạp, vương quốc Chăm pa, Vương quốc Môn…). Hình thành những phức hợp mới: các vương quốc Miến ở Aua, ở Pegu, đặc biệt là các vương quốc Thái trẻ trung Sukhodaya, Aguthia, Lạn Nà, Lạn Xạng. Nước Việt Nam thế kỷ XIV thấy ở biên giới phía tây một người láng giềng mới, thay thế Lục Chân Lạp trước đây. Ở Vân Nam, quốc gia và nền văn minh Nam Chiếu đi vào chặng cuối của một cuộc đời độc lập: Từ Nam Chiếu sang Đại Lý, ngai vàng từ tầng lớp thống trị người Di chuyển sang tay người Bạch cũng đồng thời đánh dấu sự suy tàn của văn minh Nam Chiếu, sự xâm nhập của văn minh Trung Quốc.
Và một "đại họa" từ bên ngoài ập đến thế giới Đông Nam Á, ấy là sự xâm lược và bành trướng của đế chế Mông Cổ. Lịch sử mượn tay Mông Cổ quật một đòn chí mạng cuối cùng diệt nước Đại Lý vào năm 1256. Áp lực của đế chế du mục lớn nhất trong lịch sử thế giới cổ kim Á, Âu đã gây ra sự xáo động, "dồn toa", đẩy nhiều thành phần dân tộc - mà điển hình là tộc Thái - xuống miền Đông Nam Á.
Một nhà Tống buôn bán và hải dương thay thế một nhà Đường vũ dũng và lục địa ở Trung Quốc từ thế kỷ X, với trung tâm chuyển dịch sang đông (Khai Phong, Hà Nam) rồi đông nam (Hàng Châu) - không chống đỡ nổi sức ép của các quốc gia du mục và chăn nuôi - định cư Liêu Hạ, Kim rồi Mông Cổ. Sau 40 năm vừa chống vừa lùi, năm 1279, Nam Tống diệt vong. Cái văn minh du mục một lần nữa, chồng lên văn minh Trung Hoa. Nguyên là Mông Cổ trộn với Hoa, sự bành trướng càng thêm khủng khiếp.
Ba lần tiến đánh Đại Việt với mấy chục nghìn quân, Mông Nguyên đã bị thảm bại. Sức mạnh Việt Nam - sức mạnh dân tộc và nhân dân - đã đánh thắng Mông Nguyên, chặn đứng sự bành trướng của Mông Nguyên xuống Đông Nam Á qua cái bàn đạp, cái cầu tầu bán đảo Đông Dương.
Từ Đại Lý, Mông Cổ đánh xuống Đại Việt và bị đại bại năm 1258. Đó là chiến thắng đầu tiên của Đông Nam Á chống Mông Cổ. Sau khi chiếm Trung Quốc, dựa vào sức người sức của của Trung Quốc. Khoubilai Khan càng ráo riết sửa soạn cho công cuộc bành trướng xâm lược Đông Nam Á. Năm 1273, Miến Điện giết sứ giả Nguyên. Năm 1277, hai lần quân Mông Cổ tiến vào đất Miến, chiếm Bhamo, xuôi theo dòng Inauaddi chiếm Pagan (1287). Vương triều Anavrata chấm dứt. Nhân đó, người Môn ở châu thổ Ménam khởi hấn. Người Shan (Thái) chiếm lĩnh Bắc Miến. Từ 1278, Khoubilai Khan liên tục cử các sứ bộ đi "chiêu dụ" nhiều nước Đông Nam Á như Chămpa, Cămpuchia, Java… Năm 1282, Khoubilai Khan muốn kiểm soát đường hàng hải xuống Nam Dương để tạo nên một thịnh vượng mới về thương mại. Nguyên tìm cách chinh phục Chămpa, cái nút quan trọng về giao thương giữa Quảng Châu và các eo biển Mã Lai. Nhưng Chămpa - với sự giúp đỡ của Đại Việt - đã kháng chiến chống Nguyên thắng lợi. Cũng năm đó, hai sứ giả do Togetu phái sang Cămpuchia bị bắt giữ. Liên tiếp 2 năm 1284-1285, 1287-1288, hai cuộc chinh phục của Nguyên Mông do thái tử Togan cầm đầu bị bẻ gãy gục ở Đại Việt.
Ở Java, vương triều Singhasari với nhà vua Kritanagara (1268-1292) đã thống nhất đất nước, không chịu thần phục Khoubilai Khan. Quân Nguyên - không có cầu tầu Đông Dương phải kéo một đoàn thuyền nặng nề tiến đánh Java. Vijaya, con vua Kritanagara đã dẹp loạn trong, đánh giặc ngoài thắng lợi. Và năm 1293, đoàn chiến thuyền Nguyên thất bại trở về cũng là năm ở Java tạo dựng vương triều Mojoplit cường thịnh.
Trong chiến công chung của toàn miền Đông Nam Á đánh thắng giặc bành trướng Mông Nguyên, Việt Nam tự hào là lá cờ đầu tạo dựng những chiến công lớn nhất, vang dội nhất, đánh cho địch những đòn đau nhớ đời mà Khoubilai Khan phải kêu than là "như ngứa trong tim, không phải gãi mà đến được"[11].
Đó là biểu hiện, một sự phóng rọi của văn minh Việt Nam thế kỷ XIII!.
Hà Nội, tháng 6 năm 1980
Chú thích:
[1] Givan "Croyances ef Religions annamites, Hà Nội, 1992.
[2] Pierre Richard Féray, Le Viet Nam au XXe siècle (Việt Nam ở thế kỷ XX), POF, Paris, 1979, p.19.
[3] Paul Mus, Sociologie d’une guerre, Paris, Le Senec, 1952, p.15.
[4] Khảo cố học Việt Nam phát hiện được những ngôi mộ cổ đầu Công nguyên chôn ở trên những con đê cổ ven các chi lưu sống Hồng. "Đông quan Hán ký" chép: "Huyện Phong Khê (ngoại vi Hà Nội) có đê phòng lụt".
[5] Biên niên sử Việt Nam chép năm 1108 nhà Lý đắp đê ở cảng Cơ Xá (đông Hà Nội). Năm 1248 nhà Trần xây dựng hệ thống đê điều từ đầu nguồn đến bãi biển, gọi là Đê Quai Vạc. Nhà Trần cũng xây dựng ngạch quan coi đê và chế độ chăm sóc đê điều.
[6] Đặng Thai Mai, "Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học", trong Thơ văn Lý Trần, T.1, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.34-35.
[7] Biên niên sử Việt Nam chép nhiều việc các vua Lý đi thăm dân, xem xét mùa màng miễn giảm tô thuế, lấy của cho chuộc đàn bà con gái vì nghèo phải đi thân đi ở thế nợ, giảm nhẹ các hình phạt. Lý Thánh Tông (1065) tuyên bố yêu dân như con, nhiều vị thiền sư khuyên vua Lý gần dân, theo đường lối an dân. Vì vậy 216 năm dưới triều Lý dường như không có khởi nghĩa nông dân.
[8] Nguyên soái Trần Hưng Đạo khuyên vua "Nới sức dân là thượng sách giữ nước". Quốc sư Trúc Lâm khuyên vua Trần "lấy ý thích của dân làm ý thích của mình, lấy lòng dân làm lòng mình". Người dưới có lỗi, các vua Trần thường nhận là do lỗi của mình trước, xét xử đầy khoan hậu, ít nghiêm khắc. Xe vua gặp các gia nô nhà vương hầu, thường dừng lại hỏi han, không cho vệ sĩ nạt nộ họ. Đám ma vua quần chúng hàng vạn người tràn cả vào Hoàng cung xem lễ, nhà Trần không dùng chế độ cảnh sát để giải tán quần chúng mà cho quân sĩ phân thành từng nhóm ca hát để thu hút do đó làm dãn bớt đám đông v.v…
[9] Triều Trần, người giỏi xuất hiện nhiều cả văn, lẫn võ. Võ tướng có tài từ các nhà quý tộc như nguyên soái Trần Hưng Đạo, thượng tướng Trần Quang Khải, vương tước Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư đến các người bình dân như Điện súy Phạm Ngũ Lão, gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng… Văn có nhiều "thần đồng", Nguyễn Hiền 12 tuổi đậu Trạng nguyên, Nguyễn Trung Ngạn 12 tuổi là Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp, nhà sử học Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ Bảng nhãn…
[10] Sinh hoạt văn hóa thời Lý Trần diễn ra quanh trung tâm chùa tháp (Phật) và đền miếu (Đạo). Lịch sinh hoạt văn hóa (theo âm lịch) thời ấy được sách An Nam chí nguyên (thế kỷ XV) ghi lại như sau:
+ Tết Nguyên đán: 3 ngày. Cúng tổ tiên ở gia đình. Trai gái mang hương đi lễ Phật. Đánh đu, đá cầu, ca múa, tung còn, kéo co. Người thắng uống rượu, người thua uống nước lã.
+ Mồng 5-7 tháng Giêng: Khai hạ (Mừng): Lễ chùa, Lễ đền.
+ Mồng 9 tháng Giêng ngày đản Ngọc hoàng (tasiste). Cúng lễ ở các đền miếu.
+ Rằm tháng Giêng (ngày trăng tròn đầu tiên của 1 năm): Lễ chùa, với hội Đèn Quảng Chiếu.
+ Tháng Hai: Hội hè các làng, vui chơi ca múa, đánh cầu, đấu vật.
+ 3 tháng Ba: Tết Hàn Thực tiệc bánh trôi, cúng tổ tiên.
+ 4 tháng Tư : Hội thề ở đền thần núi Trống Đồng.
+ 8 tháng Tư: Phật Đản. Lễ Tắm tượng Phật được cử hành long trọng. Hội các chùa lớn.
+ 9 tháng Tư: Hội Phù Đổng - quanh đền thờ 1 anh hùng thần thoại Việt Nam
+ 5 tháng Năm: Tết Đoan Ngọ, hái lá làm thuốc.
+ Rằm tháng Bảy: Hội Vu Lan Bồn (Ulam bava). Lễ Xá tội vong nhân. Tù được cho đi chơi phố cả ngày.
+ Rằm tháng Tám: Trung thu, Hội Trăng, Đua thuyền, múa rối nước.
+ 9 tháng 9: Trùng Cửu (tasiste).
+ 10 tháng 10: Tết Cơm Mới (Rice agraire).
+ 23 tháng Chạp: Tết ông Táo - Dựng nêu trừ quỷ.
Đủ cả tín ngưỡng dân gian, Phật, Đạo, Nho!.
[11] Tân Nguyên sử, q.162.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Lịch sử ,số 3 (198), 1981, tr.4-10.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 11-02-1013.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 01/11/2024 16:11
Thứ sáu - 01/11/2024 10:11
Thứ tư - 30/10/2024 15:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10