* Ghi chú:
– Phần không dấu là số chiếu đã ban hành
– Phần trong dấu [ ] là lệnh. Những chỗ sử chỉ chép: “Cấm…”, chúng tôi xếp chung vào loại này
– Phần trong dấu ( ) là [định] lệ.
Thống kê từ Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, không kể những quyết định của Hoàng đế nhằm giải quyết những công việc, tình huống liên quan đến một vấn đề hoặc một cá nhân cụ thể, thì các vị vua triều Lý ít nhất đã ban hành 70 văn bản pháp quy. Trong đó, tập trung nhiều nhất là dưới các đời Thái Tông (14 chiếu, 1 lệnh, 2 lệ), Nhân Tông (8 chiếu, 4 lệnh, 4 lệ), Anh Tông (10 chiếu, 3 lệnh, 1 lệ)… Nếu coi những văn bản dạng này là sự bổ sung hoặc cụ thể hóa cho luật, thì có thể thấy hệ thống pháp luật triều Lý đã bao trùm mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội đất nước. Từ những quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ quan lại, triều nghi (ngày nay gọi chung là luật hành chính); tới chế độ tuyển lính, đặt quân (luật quân sự); các vấn đề về hình sự, tố tụng; thuế khóa, kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp); dân sự, hôn nhân và gia đình…
Nghiên cứu gián tiếp qua các vụ án cụ thể, đặc biệt là hệ thống hình phạt, một số nhà nghiên cứu khẳng định, luật pháp triều Lý chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ luật Đường (Đường luật), phần nào đó là luật Tống bên Trung Quốc; đồng thời để lại nhiều dấu ấn trong luật thời Trần, nhất là luật thời Lê (Quốc triều hình luật) ở Việt Nam các giai đoạn về sau[44].
Bộ luật chính tuy không còn, nhưng thông qua những điều luật, lệnh được ghi chép tản mạn trong chính sử, chúng ta có thể hình dung phần nào về nội dung và tính chất pháp luật triều Lý. Nhìn chung, đó là một nền luật pháp: 1- Khoan hòa, nhân văn nhưng nghiêm trị mọi hành vi chống lại hay xâm phạm tới lợi ích của quốc gia, triều đình và hoàng đế (tội thập ác); 2- Thừa nhận và củng cố trật tự đẳng cấp; 3- Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; 4- Thừa nhận và bảo vệ chế độ tư hữu ruộng đất; 5- Bảo đảm sản xuất nông nghiệp và các nguồn lợi của nhà nước (dân đinh, thuế khóa…).
Xét về phạm vi điều tiết, pháp luật triều Lý áp dụng cho mọi đối tượng (trừ hoàng đế), mọi khu vực, vùng miền trên toàn quốc. Bên cạnh những chiếu, lệnh, lệ là các quy định chung áp dụng thống nhất trong cả nước; còn có những quy định được áp dụng riêng cho các vùng nông thôn, khu vực đô thị (chủ yếu là kinh đô Thăng Long), và khu vực miền núi, các miền biên viễn. Riêng nhóm đối tượng thứ ba, có 3/70 chiếu, lệ được ban hành. Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 4 (1013), vua Lý Thái Tổ định các lệ thuế trong nước, theo đó có 3/6 điều được áp dụng tại khu vực miền núi, các châu xa: 1- Sản vật ở núi nguồn các phiên trấn, 2- Sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão, và 3- Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn[45]. Hai tờ chiếu khác được ban hành năm 1042 và 1146 quy định chức trách thu thuế và tuyển binh của các viên Quản giáp, Chủ đô – Những người đứng đầu các giáp ở khu vực xa kinh đô[46].
Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật, hệ thống xét xử dưới triều Lý cũng đạt nhiều bước tiến mới. Thời kỳ đầu, các vụ án quan trọng phần lớn vẫn do nhà vua thân hành xét xử hoặc giao cho Hoàng thái tử[47]. Về sau, các cơ quan tư pháp, trước hết là ở cấp trung ương đã lần lượt ra đời, như bộ Hình[48], Phán hình viện[49], Đình úy ty[50], Ngự sử đài[51]… Cùng với đó, những vụ án oan sai, nhất là tình trạng tùy tiện trong xét xử đã được giảm thiểu so với trước. Pháp luật đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh.
3. Chính sách biên viễn – củng cố thống nhất quốc gia
Dưới thời Lý, sự tập trung quyền lực và củng cố thống nhất quốc gia không chỉ được khẳng định bằng một thể chế chính trị nhất quán, một bộ máy chính quyền được thiết lập trên phạm vi cả nước và đến tận cơ sở, một hệ thống pháp luật làm chế định chung trong toàn bộ lãnh thổ; mà còn ở những nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm từng bước kiểm soát, chi phối và quản lý chặt chẽ các địa phương, nhất là vùng biên viễn.
Vùng biên viễn Đại Việt từ sau khi giành lại độc lập (thế kỷ X) cho đến đầu thời Lý đặt ra nhiều vấn đề hết sức khó khăn cho chính quyền trung ương trong việc kiểm soát và quản lý. Hậu quả của thời kỳ Bắc thuộc và sự sụp đổ của đế chế Đường ở vùng Giao Châu cũ dẫn tới việc không thể hình thành một đường biên xác định, cùng với đó là sự tồn tại của nhiều thế lực địa phương ở vùng biên giới. Các triều Ngô – Đinh – Tiền Lê kế tiếp nhau giành và giữ độc lập từ tay chính quyền phong kiến phương Bắc, song trên thực tế chỉ trực tiếp quản lý được 8 châu chính còn lại từ thời thuộc Đường gồm Giao, Lục, Phong, Trường, Ái, Diễn, Hoan và Phúc Lộc. Chính sách cắt cử các Hoàng tử đi “ngự Man”, “ngự Bắc”, “định phiên” của Lê Hoàn một mặt thể hiện cố gắng của triều đại này trong việc kiểm soát, khống chế các vùng đệm phía sau biên giới, nhưng mặt khác cũng cho thấy tình hình khó khăn, phức tạp xảy ra khá thường xuyên ở những “điểm nóng” đó. Đến thời Lý, mặc dù nhà nước đã thiết lập hệ thống quản lý hành chính trên phạm vi toàn quốc, nhưng trên thực tế các châu ki mi vẫn tiếp tục được duy trì với thế lực đáng lo ngại, do các tù trưởng địa phương nắm giữ.
Các cộng đồng cư dân sinh sống ở khu vực này, rộng hơn là dọc hai bên biên giới có nguồn gốc tộc người khá phong phú. Họ không phải người Hán, nhưng cũng không phải người Việt (Kinh)[52]. Cùng với những khác biệt khác về đặc điểm dân cư, truyền thống lịch sử – văn hóa… gây những trở ngại không nhỏ cho sự quản lý của chính quyền Trung ương. Trong khi đó, từ sau sự sụp đổ của nhà Đường, những tù trưởng – thủ lĩnh của các cộng đồng cư dân ở vùng biên có điều kiện vươn lên trở thành các thế lực chính trị quân sự độc lập và hùng mạnh[53].
Sự tồn tại và lớn mạnh của các thế lực cát cứ địa phương, nhất là ở vùng biên giới là điều khó chấp nhận đối với chính quyền nhà Lý. Trước hết bởi, các thế lực vùng biên, trong quá trình duy trì quyền lực và khuyếch trương ảnh hưởng, đã không ít lần gây ra những cuộc chiến tranh, xung đột lẫn nhau. Điều này xảy ra từ thời thuộc Đường và tái diễn không ít lần dưới thời Lý. Hơn thế nữa, lực lượng này cũng không ngần ngại chống lại nhà nước trung ương mỗi khi có cơ hội. Thống kê từ Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, dưới hai triều Thái Tổ (1009-1028) và Thái Tông (1028-1054), đã diễn ra ít nhất 20 cuộc nổi dậy của các tù trưởng miền núi chống lại triều đình nhà Lý. Còn nếu tính trong khoảng thời gian hơn 100 năm, từ 1011 đến 1119, riêng vùng phía Bắc và Đông Bắc, có tới 75 cuộc nổi dậy lớn, nhỏ khác nhau[54]. Trong số đó, cuộc nổi dậy của họ Nùng ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) là lâu dài và có ảnh hưởng hơn cả.
Kế thừa sự nghiệp của triều Tiền Lê, nhưng Lý Công Uẩn đã rất khôn khéo khi nhận ra rằng việc phân phong cho các hoàng tử đi trấn trị các địa phương hay việc nhà vua thân chinh đánh dẹp các cuộc bạo loạn ở miền biên viễn không phải là đối sách hữu hiệu để củng cố quyền lực, diệt trừ sự chống đối. Sau vài ba lần trực tiếp cầm quân dẹp giặc ở Ái châu (năm 1011), Diễn châu (năm 1012) và Vị Long châu (năm 1013) cùng nhiều lần cử thân vương[55] đi bình định các cuộc phản loạn, có lẽ Lý Thái Tổ càng thấm thía hơn rằng dùng vũ lực để trấn áp không thể giải quyết tận gốc vấn đề tộc người và biên giới. Cũng chính vì vậy, ngay từ thời Lý Thái Tổ, nhà Lý bắt đầu thực hiện một chính sách mới “làm yên biên giới”, sau này gọi chung là chính sách “nhu viễn” (mềm dẻo với phương xa).
Nội dung của chính sách làm yên biên giới thời Lý gồm một hệ thống các biện pháp cụ thể. Trước hết, nhà Lý tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ các tù trưởng miền núi tham gia chính quyền. Họ được trao chức tước, ban cấp nhiều bổng lộc và cho hưởng nhiều thụ đãi đặc biệt. Quan trọng nhất trong chính sách Bắc cương thời Lý là việc kết thân với các tù trưởng địa phương thông qua hôn nhân. Sự kiện đầu tiên được nhắc đến trong chính sử vào năm 1029, vua Lý Thánh Tông gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu (nay thuộc Lạng Sơn) là Thân Thiệu Thái[56]. Trong khi đó, tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi Chiêm Hóa, Tuyên Quang)[57] lại cho biết, ngay từ thời Lý Thái Tổ (1009-1028), châu mục Vị Long họ Hà đã làm con rể vua. Dẫn theo Tống sử, tác giả Hoàng Xuân Hãn cũng khẳng định: Giáp Thừa Quý, châu mục châu Lạng sau khi lấy con gái Lý Công Uẩn đã được đổi sang họ Thân[58], con cháu về sau nhiều đời làm châu mục và phò mã[59]. Thống kê từ chính sử, trong suốt thời Lý, có tất cả 12 lần nhà vua gả công chúa cho các tù trưởng ở miền núi phía Bắc, tuy rằng các sử thần đều coi đó là lệ thường, nên nhiều khi bỏ qua không chép[60]. Ngược lại, cũng không ít lần vua Lý lấy con gái các tù trưởng miền núi làm vợ, ví như trường hợp vua Thái Tông lấy con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng (nay thuộc Phú Thọ, Vĩnh Phúc)… Có thể coi chủ trương dùng quan hệ hôn nhân để kết thân với các tù trưởng miền núi là một chính sách đặc biệt, duy nhất được thực hiện dưới thời Lý, và thực tế đã cho thấy những hiệu quả to lớn.
Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, nhà Lý cũng kiên quyết sử dụng những biện pháp quân sự cứng rắn để trấn áp. Thống kê cho thấy, trong suốt thời kỳ cầm quyền, ngay cả khi chính quyền đã suy yếu, nhà Lý ít nhất đã 43 lần điều quân đánh dẹp các cuộc nổi loạn của “dân man”. Thời kỳ đầu, nhà vua trực tiếp cầm quân, sau giao cho các thân vương, đại thần, tướng lĩnh đảm nhiệm[61].
Bên cạnh các biện pháp hành chính, quân sự và hôn nhân như đã nói ở trên, các vua Lý còn thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần du, kinh dinh, tổ chức khai thác tài nguyên, thông thương ở các miền biên viễn. Đây cũng là những biện pháp cần thiết để nhà Lý tỏ rõ quyền uy trước các tù trưởng địa phương, cũng như để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia.
4. Một vài kết luận
Giành độc lập khỏi ách đô hộ ngoại bang, nhưng dường như các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê đã lúng túng và gặp khó khăn trong việc tìm ra một thiết chế chính trị phù hợp trong thời đại mới. Có nhiều dấu chỉ cho thấy, trong cố gắng xây dựng thiết chế trung ương tập quyền và khẳng định độc lập dân tộc, các chính quyền đầu tiên của người Việt đã “chối bỏ” một cách có ý thức mô hình Trung Hoa – sản phẩm của thời kỳ Bắc thuộc, để trở lại với các giá trị bản địa, truyền thống. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, việc thiết kế và xây dựng một mô hình hoàn toàn mới dường như không thể. Chấp nhận mô hình Trung Hoa xem ra là lựa chọn khó có thể khác. Thiết chế chính trị thời Đinh (968-980) và Tiền Lê (981-1009) được đặc trưng và dựa trên một lực lượng quân sự mạnh cùng một nền luật pháp với những hình phạt tàn khốc, đôi khi tùy tiện. Các nhà nghiên cứu sau này gọi đó là thiết chế Tập quyền quân sự hay Chính quyền quân sự cực đoan[62]. Dù còn sơ khai, không ít hạn chế, song những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng thể chế chính trị và bộ máy nhà nước thời Đinh – Tiền Lê có ý nghĩa vô cùng hệ trọng. Nó không chỉ xác lập phương cách chính quyền Việt Nam mô phỏng mẫu hình Trung Hoa, mà còn khẳng định xu thế có tính tất yếu đối với lịch sử dân tộc, rằng một chính quyền trung ương mạnh, tập trung là cơ sở và biện pháp hữu hiệu nhất nhằm duy trì và phát triển một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Kế thừa sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập chủ quyền, nhưng so với hai nhà Đinh – Lê, triều Lý đã có cách nhìn cởi mở và tích cực hơn đối với những di sản từ quá khứ để lại. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp từ mô hình Trung Hoa, phát huy cao độ truyền thống và cá tính dân tộc, đồng thời dựa trên những điều kiện thực tế của đất nước, triều Lý đã thiết kế và xây dựng thành công một mô hình chính trị được coi là lý tưởng ở thời điểm bấy giờ. Đó là một thiết chế trung ương tập quyền tương đối hoàn chỉnh, song không quá khuôn mẫu, cứng nhắc, mà rất linh hoạt, ứng biến và đậm chất Việt Nam.
Thiết chế chính trị triều Lý là sản phẩm riêng, mang dấu ấn của triều đại. Khơi dậy và phát huy truyền thống, xây dựng mối quan hệ hòa đồng, gắn kết làng – nước và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của dân chúng, cần phải được nhìn nhận là bản chất và cội nguồn sức mạnh của nhà Lý, chứ không thể coi đó là dấu chỉ để hoài nghi hay phủ nhận về tính chất tập quyền. Đúng là nhà Lý đã có một hệ tôn giáo riêng, lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho đường lối cai trị, nhưng nếu tuyệt đối hóa, coi đó là “bản chất” của quyền lực Nhà nước thì thật chưa thỏa đáng.
Thành tựu của nhà Lý trong công cuộc thiết lập bộ máy chính quyền, quân đội, luật pháp, thể chế…, đã để lại di sản to lớn cho các triều đại về sau noi theo. Mặt khác, việc lựa chọn và xây dựng thành công một mô hình chính trị phù hợp, tiến bộ dưới thời Lý được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đảm bảo quốc gia được thống nhất, độc lập dân tộc được giữ vững và là tiền đề tạo nên thành tựu mọi mặt của Đại Việt đương thời.
[1] Trong một nghiên cứu được công bố năm 1973, nhà nghiên cứu người Nhật Bản Minoru Katakura đã đưa ra nhận định: Đặc điểm luật hình của triều Lý tương đối “khoan nhượng” (hay khoan hồng) liên quan đến “cơ cấu quyền lực của triều đại” và “quyền lực chính trị của nhà Lý dựa trên sự chấp thuận truyền thống và tính độc lập của làng xã (Xem Betonamu Richo Keiho ko (Nghiên cứu luật hình thời Lý ở Việt Nam), Shigaku-Zasshi LXXXII, II, 11/1973, tr.43). Bốn năm sau, ông bổ sung quan điểm của mình bằng nhận xét: “Họ Lý tìm cách thiết lập quyền lực đối với các dòng họ đối địch bằng cách biến các phong tục truyền thống của Việt Nam thành các nghi thức của quốc giáo”, tức ông cho rằng triều Lý là một triều đại tôn giáo, thần quyền, không phải là một nhà nước dựa trên luật pháp (Betonamu no rekishi to higshi Ajia (Lịch sử Việt Nam với Đông Á), Tokyo, 1977, tr.64). Sakurai Yumio phát triển quan điểm này bằng lập luận cho rằng nhà Lý là “một triều đại địa phương”, tức là nó chỉ kiểm soát trực tiếp được một trong nhiều vùng kinh tế – chính trị ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Sakurai kết luận: “Triều Lý không phải là một chính quyền tập trung, nó chỉ đứng đầu một nhà nước liên bang gồm nhiều thế lực bản địa địa phương”. Đồng thời ông cũng phủ nhận việc nhà Lý thành lập hệ thống hành chính địa phương tập trung (gồm 24 lộ), bởi điều này không được chép trong Việt sử lược, mà do Ngô Sĩ Liên thêm vào ở thế kỷ XV, trong Đại Việt sử ký toàn thư (Xem Rakuden mondai no seiri (Sơ bộ nghiên cứu đồng bằng sông Hồng xưa), Tonan Ajia Kenkyu, 17, 1 (6/1979); Richo-ki Kôga deruta Keitaku shiron (Đồng bằng sông Hồng dưới thời Lý), Tonan Ajia Kenkyu, 18, 2 (9/1980), n.41; Jusseki Koga deruta Keitaku shiron (Đồng bằng sông Hồng thế kỷ X), Tonan Ajia Kenkyu, 17, 4 (4/1980)). Tiếp tục quan điểm này, nhà nghiên cứu Việt Nam học người Mỹ, Keith W. Taylor thậm chí nhấn mạnh: “Bộ máy triều đình (nhà Lý) không cai quản mọi bộ phận của vương quốc mà chỉ trực tiếp kiểm soát một vùng cốt lõi xung quanh thủ đô (Thăng Long)”. Đồng thời ông cho rằng thực chất quyền lực nhà nước và uy quyền của nhà vua là vai trò đại diện và đứng đầu tôn giáo (“tôn giáo thời Lý”). Theo ông, “triều Lý căn bản là sự phát triển và sự tàn lụi của một tư tưởng tôn giáo” (Xem Authority and Legitimacy in 11th Century Vietnam, trong David Marr and A.C Milner (co-editor), Southeast Asia in the 9th-14th Century, Institute of Southeast Asia Studies, Singapore, 1990.
[2] Biểu hiện cụ thể của chủ trương này: Triều Lý tiếp tục phát huy tinh thần Phật giáo trong đường lối cai trị, đồng thời từng bước đẩy mạnh giáo dục và khoa cử Nho học để tuyển chọn quan lại, thay thế cho những tướng lĩnh quân đội của chế độ cũ; xóa bỏ cấp hành chính đạo, thay bằng các lộ, phủ (ở đồng bằng) hoặc châu, trại (ở miền núi); thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”, “nhu viễn”; quy định cho phép dân chúng kêu oan trước điện Long Trì – vua thân hành xét án; xây dựng Đông cung ở lẫn khu dân gian…
[3] Vũ Minh Giang (chủ biên), Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.43.
[4] Xem thêm Vũ Minh Giang (chủ biên), Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.43-44.
[5] Chính sử lần đầu nhắc đến Trung thư sảnh là năm 1028, khi vua Lý Thái Tông mới lên ngôi đã phong Liêu Gia Trinh làm Trung thư Thị lang (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, Tập I, tr.251-252). Theo Đặng Xuân Bảng, cơ quan này của nhà Lý được mô phỏng theo quan chế triều Tống: Đứng đầu Trung thư sảnh là Trung thư lệnh có chức trách cùng hoàng đế dự bàn các việc chính sự trọng đại, bên dưới gồm các chức Trung thư Thị lang và Trung thư Xá nhân (Xá nhân có nhiệm vụ thi hành mệnh lệnh, chuyên làm tờ chế). Làm việc ở Trung thư sảnh còn có các chức Tả hữu gián nghị đại phu chuyên việc can gián (Xem Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.502). Đại Việt sử ký toàn thư chép, vào tháng Giêng năm Mậu Thân (1128), sau khi Lý Thần Tông lên ngôi đã phong cho Lý Bảo Thần làm Thượng thư sảnh Viên ngoại lang hành đông thượng cáp môn sứ, cùng một số người khác như Phạm Thưởng, Đỗ Lục, Khổng Nguyên, Phạm Bảo, Kim Cát, Lý Khái, Đào Lão, Nguyễn Hoàn làm Viên ngoại lang Thượng thư sảnh (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.299). Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho biết thêm: “Đến thời Thần Tông (1128-1138) lại đặt chức Viên ngoại lang ở Thượng thư sảnh, dự bàn chính sự, danh vị cũng trọng. Quan trong, quan ngoài thường gia thêm chức ấy (như Nội thị là bọn Lý Công Tín, Hàn Quốc Bảo đều gia chức Viên ngoại lang)” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.558).
[6] Đại Việt sử ký toàn thư chép, vào tháng 8 năm Bính Dần niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086), triều đình tổ chức thi tuyển những người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí khẳng định, đó là năm triều Lý bắt đầu thiết lập viện Hàn lâm (Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập II, Sđd, tr.671).
[7] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Sđd, tr.552.
[8] Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, thời Lý Thái Tổ có Ngô Đinh được phong làm Khu mật sứ, thời Lý Thái Tông có Lý Đạo Kỷ làm Tả khu mật và Xung Tân làm Hữu khu mật (Tập I, Sđd, tr.239, 251)…
[9] Thời vua Lý Nhân Tông, Mạc Hiển Tích, Đoàn Văn Khâm, Nguyễn Công Bật… đều được giữ chức Thượng thư. Năm Hội Tường Đại khánh thứ 9 (1118), nhà Lý “đặt chức bộ Thị lang” (Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Sđd, tr.528).
[10] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Sđd, tr.555.
[11] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Sđd, tr.556.
[12] Xem Trần Thị Vinh, Thể chế chính trị Việt Nam thế kỷ XI-XIII dưới triều Lý, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2009, tr.286-287.
[13] Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục và Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo đều khẳng định thời Lý đã có các chức quan trong Ngự sử đài. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết rõ hơn, vào năm 1016 thời vua Lý Thái Tổ, Lương Nhậm Văn giữ chức Ngự sử đại phu (Tập 1, Sđd, tr.245). Sang thời Trần, Ngự sử đài tiếp tục được duy trì và hoàn thiện với nhiều chức quan chuyên trách như Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Ngự sử trung tán, Ngự sử trung thừa, Ngự sử Đại phu và Chủ thư Thị ngự sử. Đến năm 1471, Lê Thánh Tông cải tổ bộ máy chính quyền, ông cho đổi chức Trung thừa làm Đô ngự sử (còn gọi là Đô đài ngự sử, hàm 3a); đổi Phó trung thừa thành Phó đô ngự sử (4a); lập thêm Thiêm đô ngự sử (5a); bỏ chức Thị ngự sử và bổ sung 2 viên Đề hình giám sát ngự sử (7a) để chuyên giám sát hoạt động của các cơ quan trông coi pháp luật (Xem Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.115; Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo, Sđd, tr.67).
[14] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.242.
[15] Xem ý kiến của Sakurai Yumio đã dẫn ở trên.
[16] Việt sử lược, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.83.
[17] Việt sử lược, Sđd, tr.198.
[18] Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.321. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có lẽ sách này chép nhầm từ phủ sang lộ.
[19] 12 lộ được chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục gồm: 1- Thiên Trường, 2- Long Hưng, 3- Quốc Oai, 4- Bắc Giang, 5- Hải Đông, 6- Trường Yên, 7- Kiến Xương, 8- Hồng lộ, 9- Khoái lộ, 10- Thanh Hóa, 11- Hoàng Giang, 12- Diễn Châu.
[20] Xem H. Maspéro, La Géographie Politique de L’empire d’Annam Sous les Lý, les Trần et les Hồ, BEFEO XVI.
[21] H. Maspéro, bài đã dẫn.
[22] Tên các phủ được sắp xếp theo thời gian xuất hiện trong chính sử, từ năm 1010 đến năm 1149. Phủ Nghệ An chỉ thấy chép trong Việt sử lược; các phủ Thanh Hóa, Ứng Phong, Quy Hóa, Đại Thông (Việt sử lược chép là châu) chỉ có trong Toàn thư; 4 phủ còn lại xuất hiện trong cả hai tài liệu trên.
[23] Châu Hoan và châu Ái có từ thời thuộc Đường, đầu triều Lý vẫn tiếp tục sử dụng. Năm 1036, nhà Lý đổi châu Hoan làm châu Nghệ An, đến năm 1101 đổi thành phủ Nghệ An; còn phủ Thanh Hóa xuất hiện đầu tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1111.
[24] Phú Lương phủ xuất hiện đầu tiên trong cả Việt sử lược và Toàn thư là vào năm 1125, nhưng đến năm 1142 Việt sử lược chép là Phú Lương châu. Tương tự, Đại Thông phủ xuất hiện năm 1149, nhưng đến 1214 được biết đến với tên Đại Thông châu.
[25] Năm 1158, phủ Quy Hóa đổi làm trại. Xem Việt sử lược, Sđd, tr.149.
[26] Gồm: 1- Vĩnh An, 2- Vĩnh Thái, 3- Vạn Xuân, 4- Phong Đạo, 5- Thái Bình, 6- Thanh Hóa, 7- Nghệ An, 8- Gia Phong, 9- Trà Lộ, 10- An Phong, 11- Tô Châu, 12- Mậu Châu, 13- Lạng Châu.
[27] Cụ thể gồm các châu: 1- Hoan [Nghệ An] (Nghệ An), 2- Ái (Thanh Hóa), 3- Diễn (Nghệ An), 4- Vị Long (Tuyên Quang), 5- Bình Lâm [Bình Nguyên] (Hà Giang, Tuyên Quang), 6- Đô Kim (Tuyên Quang), 7- Thường Tân (Hà Giang, Tuyên Quang), 8- Thảng Do (Cao Bằng), 9- Vĩnh An (Quảng Ninh), 10- Phong (Phú Thọ), 11- Thất Nguyên (Lạng Sơn), 12- Văn (Lạng Sơn), 13- Lạng (Lạng Sơn), 14- Định Nguyên (Yên Bái), 15- Chân Đăng (Phú Thọ), 16- Trệ Nguyên (Yên Bái?), 17- Thượng Oai (?), 18- Tây Nông [Tây Nùng] (Bắc Cạn, Thái Nguyên), 19- Lục Lệnh [Long Lệnh] (Thái Nguyên), 20- Vạn Nhai (Lạng Sơn, Thái Nguyên), 21- Vũ Lặc (Cao Bằng, Lạng Sơn), 22- Lộng Thạch (Cao Bằng), 23- Định Biên (Thái Nguyên), 24- Quảng Nguyên (Cao Bằng), 25- Tư Lăng [Tư Lãng] (Cao Bằng), 26-Vũ Ninh (Bắc Ninh), 27- Đăng (Lào Cai, Yên Bái), 28- Tây Nguyên (?), 29- La Thuận (?), 30- Mang Quán (Sơn La), 31- Cư Liên (Ninh Bình, Thanh Hóa), 32- Địa Lý [Lâm Bình] (Quảng Bình), 33- Ma Linh [Minh Linh] (Quảng Trị), 34- Bố Chính (Quảng Bình), 35- Tô Mậu [Tô Châu, Mậu Châu] (Cao Bằng, Lạng Sơn), 36- Thạch Tê (Cao Bằng), 37- Đông Lương (?), 38- Tư Nông (Thái Nguyên), 39- Thái Nguyên (Thái Nguyên), 40- Hạ Nông (Thái Nguyên), 41- Vạn Nhai (Thái Nguyên), 42- Thượng Nguyên (Thái Nguyên), 43- Phú Lương (Thái Nguyên), 44- Thông Nông (Cao Bằng), 45- Đại Hoàng [Đại Viễn] (Ninh Bình), 46- Quốc Oai (Hà Nội), 47- Đằng (Hưng Yên), 48- Khoái (Hưng Yên), 49- Hồng (Hải Dương), 50- Đại Thông (Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu), 51- Cứu Liên (?), 52- Quảng Oai (Hà Nội).
Ghi chú: Tên các châu được sắp xếp theo thời gian xuất hiện trong chính sử, từ năm 1010 đến năm 1225. Phần trong dấu [ ] là tên gọi được thay đổi qua các thời kỳ hoặc tên gọi khác nhau giữa các tài liệu, trong dấu ( ) là thuộc đơn vị hành chính hiện nay. Phần gạch chân là tên các châu chỉ thấy chép trong Việt sử lược; phần in nghiêng chỉ thấy trong Toàn thư; phần còn lại xuất hiện trong cả hai tài liệu trên.
[28] Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1242, nhà Trần thiết lập 12 lộ trên cơ sở 24 lộ thời Lý, nhưng không chép đầy đủ tên các lộ. Sách An Nam chí lược của Lê Tắc cho biết thời Trần có 15 lộ, gồm: 1- Đại La thành lộ (nay thuộc Hà Nội), 2- Bắc Giang lộ (Bắc Ninh, Bắc Giang), 3- Nam Sách giang lộ (Quảng Ninh, Hải Phòng), 4- Khoái lộ (Hưng Yên), 5- Hồng lộ (Hải Dương), 6- Như Nguyệt giang lộ (Bắc Giang, Thái Nguyên), 7- Đà Giang lộ (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình), 8- Quy Hóa giang lộ (Yên Bái, Lào Cai), 9- Tuyên Hóa giang lộ (Tuyên Quang, Bắc Cạn), 10- Lạng Châu lộ (Lạng Sơn), 11- Đại Hoàng lộ (Ninh Bình), 12- Thanh Hóa phủ lộ (Thanh Hóa), 13- Diễn Châu phủ lộ (Nghệ An), 14- Nghệ An phủ lộ (Nghệ An, Hà Tĩnh), 15- Bố Chính châu lộ (Quảng Bình).
[29] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.242.
[30] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.247.
[31] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.267.
[32] Về sự xuất hiện của đơn vị hành chính huyện dưới thời Lý và chức quan đứng đầu, đến nay vẫn còn những ý kiến chưa thật thống nhất. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Quan chức chí chép: “Chức Tri huyện, về đời Lý, đời Trần chưa rõ. Đến Trần Thuận Tông (1388) mới đặt Lệnh úy, Chủ bạ, coi giữ các việc tiền thóc kiện cáo trong huyện. Nhà Lê lúc mới dựng nước, mỗi huyện đặt chức Tuần sát chưởng ấn, lại có Chuyển vận sứ, [Chuyển vận] phó [sứ], tức là chức quan ở huyện. Đến Thánh Tông, trong đời Quang Thuận (1460-1469), đổi chức Chuyển vận sứ làm chức Tri huyện, Tuần sát làm Huyện thừa… Thời Trung hưng về sau noi theo không đổi (Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Sđd, tr.570). Tác giả Trần Thị Vinh, trong một nghiên cứu gần đây, trên cơ sở khai thác hai tư liệu là văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh (dựng năm 1118) và tác phẩm Việt điện u linh đã kết luận: “Thời Lý đã có đơn vị hành chính cấp huyện và người đứng đầu cấp huyện là Huyện lệnh” (Xem Trần Thị Vinh, Thể chế chính trị Việt Nam thế kỷ XI-XIII dưới triều Lý, Sđd, tr.290). Chúng tôi tán thành ý kiến này, đồng thời bổ sung thêm một số thông tin. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau thời kỳ Bắc thuộc, muộn nhất vào thời Tiền Lê, đơn vị hành chính huyện đã xuất hiện. Bằng chứng là, năm Quý Tỵ niên hiệu Hưng Thống thứ 5 (993), vị Hoàng tử thứ chín (tên là Kính) được phong Trung Quốc vương, đem quân đóng giữ ở Càn Đà thuộc huyện Mạt Liên (Cương mục chú là huyện Tiên Lữ, nay thuộc Hưng Yên – TG) (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.227). Đến thời Lý, chính sử chép đến đơn vị huyện thường xuyên hơn. Ngoài sự kiện năm 1084, nhà Tống trả lại cho Đại Việt 6 huyện và 3 động thuộc châu Quảng Nguyên, cả Toàn thư và Việt sử lược đã chép cụ thể các tên: Huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan (sự kiện năm 1010), huyện Liên hay Hạ Liên (chưa rõ châu, năm 1039 và 1062), huyện Đô Lạp (chưa rõ châu, năm 1068), huyện Bác Nhự thuộc châu Thượng Nguyên (năm 1141), huyện Binh Hợp (chưa rõ châu, năm 1214), huyện Yên Duyên (chưa rõ châu, năm 1216) (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, các trang: 242, 260, 281, 313, 336; Việt sử lược, Sđd, tr.93 và 96).
[33] Hương thời Lý được chép đến đầu tiên năm 1010, khi Lý Thái Tổ “hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đổ nát đều phải sửa chữa lại”. Sự kiện cuối cùng nhắc đến hương Cao Xá ở Diễn châu, năm 1198 (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.243, 356).
[34] Theo chính sử thời Lý, tên các giáp lần lượt xuất hiện gồm: giáp Đãn Lãi thuộc châu Ái (sự kiện năm 1029), giáp Cam Giá và giáp Trực Tà (năm 1117), giáp Giao (năm 1192), giáp Cổ Hoằng (Việt sử lược chép là giáp Cổ Hoành) ở châu Ái (năm 1192) (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.253, 287, 288, 291, 330; Việt sử lược, Sđd, tr.162).
[35] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Sđd, tr.528-529.
[36] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập II, Sđd, tr.311.
[37] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.263.
[38] Xem Bùi Xuân Đính, Nhà nước và pháp luật thời phong kiến Việt Nam – những suy ngẫm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.106-108.
[39] Thống kê từ Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, trong khoảng thời gian 33 năm từ 1009-1042, hai ông vua đầu triều Lý đã ban hành tất cả 16 chiếu, 2 lệnh và 4 [định] lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (xem bảng dưới).
[40] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.304.
[41] Việt sử lược, Sđd, tr.83.
[42] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.103; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập II, Sđd, tr.380.
[43] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.283, 322.
[44] Xem Insun Yu, Hệ thống pháp luật của triều Lý và triều Trần của Việt Nam – Mối quan hệ giữa Đường luật và Lê triều hình luật, trong Kỷ yếu hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long, Sđd, tr.330-156.
[45] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.243.
[46] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.263, 316.
[47] Ngay sau khi lên ngôi (tháng 10 năm 1009), vua Lý Thái Tổ ban tờ chiếu đầu tiên nói rõ: “Từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết”. Đến năm 1040, vua Lý Thái Tông lại ra lệnh: “Từ nay trở đi phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng Vương xử đoán rồi tâu lên” (Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.239 và 261).
[48] Trong hệ thống Lục bộ thời phong kiến, bộ Hình chịu trách nhiệm chung về việc hình ngục trong nước. Căn cứ chủ yếu vào nguồn tư liệu văn bia, tác giả Trần Thị Vinh khẳng định thời Lý đã có bộ Hình (xem chú thích bên trên).
[49] Phán hình viện ra đời dưới thời Lý, là cơ quan chuyên môn thuộc bộ Hình, chuyên việc xét xử các án (Xem Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo, Sđd, tr.497, 504).
[50] Đình úy ty được lập từ thời Lý Thái Tông, là cơ quan chuyên xét xử các vụ trọng án. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vụ án Thân Lợi (năm 1141) và Đỗ Anh Vũ (năm 1150), cả hai phạm tội phản loạn, đều được giao cho Ty Đình úy xử tội.
[51] Như trên đã chỉ rõ, Ngự sử đài xuất hiện ở nước ta từ thời vua Lý Thái Tổ. Ngoài nhiệm vụ chính là can gián nhà vua và đàn hặc các quan, Ngự sử đài còn có chức năng thanh tra, giám sát các cơ quan và hoạt động tư pháp, hoặc trực tiếp xét xử các vụ án phức tạp khi có đặc chỉ của nhà vua.
[52] Tác giả Đào Duy Anh cho rằng những châu ki mi ở miền Bắc và Đông Bắc thuộc An Nam đô hộ phủ đại khái là đất sinh tụ của hậu duệ người Âu, tức Tây Âu. Theo các tài liệu Trung Quốc, những cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng biên giới phía Nam của nước này được mô tả bằng nhiều tên gọi khác nhau, song Man và Di là phổ biến nhất. Cả hai tác phẩm được biên soạn dưới đời Tống là Lĩnh Ngoại đại đáp (Chu Khứ Phi) và Quế hải ngu hành chí (Phạm Thành Đại) đều nhận định, những tộc người ngoài Hán ở vùng đất này bao gồm các tộc Man, Lão, Dao và Đãn.
[53] Thời kỳ này, các châu Yên Bình, Vũ Lặc, Tư Lãng, Thất Nguyên ở khu vực Tả Giang (Trung Quốc) và Quảng Nguyên (nay thuộc Cao Bằng) do họ Nùng quản lý; các châu An Đức, Quy Lạc, Lộ Thành, Điền Châu thuộc Hữu Giang (Trung Quốc), động Như Tích và châu Vĩnh An (nay thuộc Quảng Ninh) do họ Hoàng kiểm soát. Họ Vi cũng là một thế lực lớn, chiếm vùng Tư Lăng, Lộc Châu, Tây Bình bên đất Tống và châu Tô Mậu thuộc Đại Việt. Ở châu Vị Long (nay thuộc tỉnh Tuyên Quang) nổi lên vai trò của họ Hà. Vốn phát nguyên ở Ung Châu, sau khi đến đây không lâu đã trở thành một dòng họ giàu có và nhiều thế lực, quản lý 49 động, 15 huyện. Đặc biệt, trong phần nội thuộc đất Lý, họ Thân (vốn là họ Giáp) ở Lạng Châu (nay thuộc Lạng Sơn và Bắc Giang) là thế lực mạnh và có vị trí vô cùng quan trọng… (Xem Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.56; Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang), in trong Thơ văn Lý – Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.324-334).
[54] Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Ngọc Hải, Tìm hiểu chính sách làm yên biên giới, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Lý Công Uẩn và vương triều Lý, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.242-253.
[55] Như việc cử Dực Thánh Vương vào các năm 1014, 1015, 1022; Vũ Đức Vương năm 1015, Khai Thiên Vương năm 1026 và 1027, Đông Chinh Vương năm 1027.
[56] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.253.
[57] Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi, Sđd.
[58] Trong Hán tự, chữ “thân” chỉ khác chữ “giáp” bởi một nét sổ bên trên.
[59] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Sđd, tr.65-66.
[60] Xem Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Ngọc Hải, Tìm hiểu chính sách làm yên biên giới, Sđd, tr.237.
[61] Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Ngọc Hải, Tìm hiểu chính sách làm yên biên giới, Sđd, tr.239.
[62] Vũ Minh Giang (chủ biên), Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.43.
NCS. Phạm Đức Anh
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 22-01-2014.