PHONG TRÀO NỔI DẬY MÙA XUÂN 1968 Ở HUẾ
TS. Vũ Quang Hiển
Một trong những thành công lớn của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân là đã đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, trong đó phong trào nổi dậy của quần chúng dâng lên như vũ bão, kết hợp chặt chẽ với tiến công quân sự liên tục và mạnh mẽ ngay tại sào huyệt của kẻ thù.
1. Chuẩn bị lực lượng chính trị quần chúng
Sau những thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân và dân miền Nam có điều kiện phát triển cuộc chiến tranh nhân dân từ cục bộ thành toàn bộ – tiến công vào thành phố.
Từ giữa năm 1967, Khu uỷ Trị Thiên sớm xác định Huế là “một phương hướng chủ yếu để giành thắng lợi”. Thành phố Huế lúc đó bao gồm ba quận nội thành và ba huyện nông thôn ngoại thành (Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang). Cũng như các thành phố ở miền Nam, Huế là nơi tập trung bộ máy kìm kẹp của địch. Việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng nông thôn. Vì thế cần phải có lực lượng nòng cốt làm cơ sở, nhằm từng bước mở rộng tổ chức trong quá trình chuẩn bị và có thể huy động đông đảo quần chúng xuống đường khi cuộc tiến công và nổi dậy nổ ra. Đây là đội ngũ cốt cán bí mật, hoạt động hợp pháp. Kế hoạch ban đầu là xây dựng khoảng 1000 người làm nòng cốt, một người phải vận động thêm 15 người khác, đảm bảo ngay từ phút đầu đã huy động ít nhất 15 000 quần chúng trong thành phố nổi dậy.
Tháng 6-1967, Hội nghị Thành uỷ Huế đề ra nhiệm vụ “ra sức xây dựng, mở rộng thực lực cách mạng (chủ yếu là lực lượng nhân dân lao động và thanh niên học sinh), chuẩn bị điều kiện đầy đủ để giành thắng lợi hết sức to lớn và căn bản”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng chính trị quần chúng, Thành uỷ Huế chủ trương “Nhanh chóng xây dựng một đội ngũ cán bộ cốt cán thích hợp (kể cả đưa thêm cán bộ nông thôn vào), đủ sức lãnh đạo quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và quân sự của Đảng” (1). Mọi công tác chuẩn bị đều nhằm thực hiện phương thức căn bản là kết hợp tiến công của lực lượng vũ trang với phong trào nổi dậy đồng loạt của quần chúng; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng.
Thường vụ Khu uỷ Trị Thiên chỉ đạo mở các lớp đào tạo ngắn ngày cho lực lượng nòng cốt về phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục và tập hợp quần chúng. Tài liệu học tập là cương lĩnh mặt trận, nội dung chính là: toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Những cán bộ bám trụ hết sức chú ý tổ chức và nắm các hội hợp pháp như hội xe lam, hội xe thồ, hội hiếu hỉ, hội buôn bán, hội vẽ, hội ca hát, hội bảo vệ thuần phong mỹ tục, hội thể dục thể thao…
Các hội học sinh, sinh viên được tổ chức trong các trường học (Nguyễn Tú Phương, Bồ Đề, Quốc học…). Một số thầy giáo, cô giáo cũng tham gia các hội này. Song, để phù hợp với yêu cầu huy động lực lượng về ban đêm (lúc học sinh đang ở nhà), các nhóm cơ sở trong học sinh, sinh viên còn được tổ chức theo đường phố. Nhiều cơ sở chính trị được xây dựng ở những nơi thường tập trung đông người như chợ Đông Ba, chợ An Cựu, nhà đèn, nhà máy nước…
Khắp nơi trong thành phố, quần chúng lao động được tổ chức thành từng nhóm, mỗi nhóm có từ 3 đến 5 người, có nhóm phát triển tới 7, 8 người. Chỉ tính riêng quận Hữu Ngạn (phía Nam sông Hương), do đồng chí Sơn Lâm phụ trách, đã xây dựng được 5 nhóm cơ sở ở những nơi trọng yếu: hai nhóm trong tiểu thương và nhân dân lao động ở An cựu và Thủy Phú; một nhóm trong thanh niên ở Thuỷ Vân; một nhóm trong học sinh, sinh viên các trường học; một nhóm trong anh em binh sĩ địch.
Ở một số nơi, do địch kiểm soát gay gắt, việc xây dựng tổ chức gặp nhiều khó khăn. Cán bộ cốt cán lập danh sách những người tích cực được theo từng khu vực, để khi hành động có thể mạnh dạn dựa hẳn vào họ, xem như lực lượng cơ bản để đưa toàn bộ quần chúng nổi dậy.
Trước khi bước vào Tết Mậu Thân, các nhóm cơ sở nội thành có tới 2000 người, gấp hai lần so với kế hoạch đề ra.
Ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố, các đoàn thể cách mạng như thanh niên, phụ nữ, nông dân, an ninh, ban cán sự thôn… được kiện toàn và củng cố. Đây là những tổ chức bất hợp pháp, phát triển rất mạnh tại các vùng giải phóng và vùng tranh chấp.
Bạo lực cách mạng nhằm lật đổ giai cấp thống trị nhất thiết phải là bạo lực của đông đảo quần chúng bị áp bức bóc lột. Bằng những hình thức phong phú và linh hoạt, lực lượng chính trị quần chúng ở Huế được tổ chức phù hợp với tình hình cụ thể.
Quá trình chuẩn bị lực lượng là một quá trình kết hợp tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh, thông qua đấu tranh để mở rộng tổ chức và rèn luyện quần chúng, nhằm hình thành và phát triển đạo quân chính trị của quần chúng, chuẩn bị cho bước nhảy vọt quyết định. Quần chúng được tổ chức dưới các hình thức khác nhau là điều kiện để tuyên truyền và giáo dục quần chúng, khẩu hiệu để phát động quần chúng ở Huế là: “có khổ phải nói khổ, có thù phải trả thù”.
Thành uỷ Huế chỉ rõ: “Để làm rối loạn thành phố, tấn công lấn áp địch về mặt chính trị, bao vậy cô lập nguỵ quyền địa phương, phát triển lực lượng vũ trang của quần chúng, phải đặc biệt quan tâm động viên, tổ chức, lãnh đạo đưa quần chúng ra đấu tranh với những hình thức thích hợp nhằm chống Mỹ-Thiệu, bảo vệ quyền lợi dân tộc và bảo vệ quyền lợi bức thiết về đời sống chính trị, văn hóa, vật chất thiết thực của quần chúng” (2).
Thi hành nghị quyết này, các cơ sở nội thành đã tổ chức quần chúng đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống thuế, chống bắt lính… Chị em tiểu thương chợ Đông Ba đòi giảm thuế, đòi chỗ ngồi bán hàng; học sinh, sinh viên đòi tự trị học đường, chống văn hóa nô dịch; phật tử đòi tự do tín ngưỡng; đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh chống đưa quân ra đường số 9, chống bắt bớ, cướp bóc… Đây là những phong trào công khai, hợp pháp, nhưng làm cho địch hoang mang, đồng thời có tác dụng tập dượt và tổ chức quần chúng, đồng thời nâng cao sự giác ngộ cho quần chúng. Đúng như Lênin từng nói:
“Chỉ có đấu tranh kinh tế, chỉ có đấu tranh đòi những cải thiện tức thời và trực tiếp, mới có thể thức tỉnh được những tầng lớp lạc hậu nhất trong quần chúng bị bóc lột, mới có thể thật sự giáo dục được họ, và trong thời kỳ cách mạng mới có thể làm cho họ, trong vài tháng trở thành một đội quân những chiến sĩ chính trị” (3).
Vùng nông thôn quanh thành phố có điều kiện thuận lợi để lãnh đạo quần chúng đấu tranh với những hình thức cao hơn. Các đội công tác xuống từng thôn ấp, cùng với lực lượng vũ trang địa phương phát động quần chúng diệt ác ôn, phá kìm kẹp; phong trào này được tiến hành vào hai đợt chủ yếu là tháng 8 và tháng 10 năm 1967.
Tháng 10 năm 1967, Thường vụ Thành uỷ Huế họp đánh giá tình hình và phát động phong trào “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Một khí thế mới dâng lên mạnh mẽ khắp nơi. Ở các xã vùng nông thôn ngoại thành, những đội thanh niên xung phong được thành lập, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Để tăng cường huy động quần chúng nổi dậy nhanh chóng và mạnh mẽ ở tất cả các quận trong thành phố cũng như ở các huyện ngoại thành, Khu uỷ Trị Thiên chuẩn bị thêm 45 đội phát động quần chúng (còn gọi là các đội công tác hoặc đội chính trị vũ trang), mỗi đội có từ 10 đến 15 người. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền chi viện thêm 113 người, chia thành nhiều đội nhỏ, sẵn sàng tiến vào thành phố hỗ trợ quần chúng đấu tranh.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, phong trào nổi dậy ở Huế đã diễn ra với khí thế hào hùng, phối hợp nhịp nhàng với đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang, làm nên “Bản anh hùng ca vang dậy núi sông”. Hãng AFP ngày 7-2-1968 nhận xét: “… bộ máy cổ động chính trị và hệ thống hoạt động bí mật ở nội thành của Mặt trận đã bắt tay hoạt động. Rõ ràng là mặt trận có thể tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này và họ có thể huy động rất nhiều người tự nguyện ra làm việc cho họ” (4).
2. Cả Huế vùng dậy
Mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Huế, lực lượng vũ trang nhân dân với sự kết hợp ba thứ quân, đánh thẳng vào các vị trí trong nội thành và vùng nông thôn quanh thành phố, từ những vị trí quân sự trọng yếu như sở chỉ huy sư đoàn 1 ở Mang Cá, Trung đoàn thiết giáp Tam Thai, đến các vị trí đóng chốt nhỏ, những đồn bốt khắp nơi. Bộ máy chính quyền địch ở cấp tỉnh hoảng loạn, hệ thống chỉ huy quân sự địch tê liệt, bọn sống sót thì hoặc bỏ chạy, hoặc cố thủ nhưng bị chia cắt, cô lập. Cục diện chiến trường thay đổi đột biến, kẻ địch hoang mang cao độ. Đó là điều kiện rất thuận lợi để quần chúng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Thắng lợi của đòn tiến công quân sự khích lệ một bộ phận trong tầng lớp trung gian (giáo chức, tu sỹ…) hăng hái tham gia Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận phát đi lời kêu gọi khởi nghĩa một cách mạnh mẽ:
“Chúng ta không thể ngồi yên nhìn nước mất trong tay giặc Mỹ và tập đoàn Việt gian Thiệu – Kỳ.
Không thể chịu đựng mãi cảnh sống nô lệ, bóc lột và đói rách, cùng khổ để chỉ nhằm phục vụ quyền lợi bất chính của chúng.
Chúng ta muốn:
– Độc lập, chủ quyền.
– Tự do, dân chủ.
– Hoà bình, trung lập
– Cơm áo, ruộng đất.
Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình khẩn cấp kêu gọi các đoàn thể và các lực lượng nhân dân, thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh yêu nước của thành phố Huế đã đấu tranh không ngừng chống Mỹ và tay sai trong mấy năm qua, hãy vùng dậy vũ trang khởi nghĩa, lật đổ tập đoàn Việt gian Thiệu Kỳ, buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, hòa bình cho đất nước.
Tổ quốc và dân tộc đang kêu gọi, toàn thể nhân dân thành phố Huế hãy nhất tề đứng lên!”
Bão táp cách mạng đồn dập nổi lên từ các quận nội thành đến các huyện nông thôn. Cả Huế vùng dậy với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt: trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu để tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã từng bộ phận nguỵ quân; tiến công binh vận, địch vận, làm tan rã nguỵ quyền, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở các khu phố, thôn xã. “Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị. Những thắng lợi chính trị đó sẽ làm cho thắng lợi về quân sự to lớn hơn” (5).
Trường Sinh mô tả phong trào nổi dậy ở Huế như sau: “Công nhân, lao động, thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh rủ nhau xuống đường ngày càng đông, ngày đầu hàng trăm, ngày sau lên hàng ngàn. Họ tuyên truyền tin chiến thắng, họ mở quán cơm ở chợ Đông Ba tiếp tế cho cán bộ và bộ đội, họ đi cáng thương binh, họ đưa bàn ghế xuống đường làm chướng ngại vật để ngăn quân địch từ Mang cá đánh ra. Nhiều người tham gia dân quân tự vệ cầm súng chiến đấu bên cạnh quân giải phóng” (6). Cùng với lực lượng vũ trang nhân dân, quần chúng nổi dậy đã chiếm giữ các cơ quan bạo lực, hành chính, kinh tế, văn hóa của bộ máy nguỵ quyền ở Huế, thiết lập chính quyền cách mạng.
Chị em phụ nữ sát cánh cùng nam giới xây dựng các đội vận tải, cứu thương, nấu cơm, tiếp tế, làm giao thông liên lạc và tham gia chiến đấu, “những cô “chiêu đãi viên” trong khách sạn cùng quân giải phóng tiến công cơ quan đầu não của địch. Có bà mẹ ở chợ Đông Ba len lỏi trong làn mưa đạn đem cơm nước đến từng tổ chiến đấu của quân giải phóng. “Nhiều sư sãi cũng đã cầm súng lên đường giết giặc, nhiều y sỹ, bác sỹ, y tá trong các bệnh viện ở thành phố đã tham gia cứu chữa thương binh và hăng hái làm công tác vận tải, tiếp tế cho các lực lượng vũ trang bảo vệ thành phố” (7). Các nữ tu sỹ đạo phật trong các chùa tham gia tiếp tế cho bộ đội, cứu chữa thương binh, nuôi 1800 người được giải phóng từ nhà lao Thừa Phủ.
Từ trong phong trào nổi dậy của quần chúng, nhiều tổ chức yêu nước ra đời. Mặt trận thanh niên Huế được thành lập, bao gồm các sinh viên sư phạm, y khoa, luật khoa, thanh niên công nhân, thanh niên phật tử… Trụ sở của họ đặt ở Bưu điện Đông Ba (đầu đường Mai Thúc Loan). Họ phát đi lời kêu gọi chống Mỹ - nguỵ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận thanh niên, Uỷ ban sinh viên được thành lập trước tiên ở khu phố 2, ban chấp hành gồm 5 người, tập hợp được 57 người, từ đó phát triển sang khu phố 3, đến chiều ngày 9-2-1968 đã tập hợp 300 người, đặt ra trụ sở ở Hội quán Quảng Trị, trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Các thanh niên hoạt động rất hăng hái, họ đi tìm gặp bạn bè và người thân là sỹ quan và binh lính nguỵ, vận động trở về với cách mạng, họ viết lên tường bốn câu thơ làm khẩu hiệu chiến đấu:
“Tính mạng quí hơn vàng,
Tình yêu là vô giá.
Vì giải phóng miền Nam,
Thề hy sinh tất cả!”
Phong trào nối dậy diễn ra liên tục và đều khắp. Ở khu phố 3, đến ngày 3-2-1968, đã có 127 thanh niên ghi tên tình nguyện tham gia các đội công tác. Trung đội tự vệ đường phố nhanh chóng được thành lập. Uỷ ban khởi nghĩa tổ chức làm lễ tuyên thệ và trao vũ khí cho anh em ở đình Phú Hoà (37-Huỳnh Thúc Kháng), rồi họ kéo đi diễu hành qua đường phố Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu) trong không khí tự hào, nồng nhiệt. Họ đã được đưa sang Gia Hội để huấn luyện và tham gia chiến đấu đánh địch phản kích.
Trong quận Thành nội (quận 1), Uỷ ban nhân dân cách mạng được thành lập do giáo sư âm nhạc Vấn làm chủ tịch. Khắp các phường Tây Lộc, Thái Trạch, Phú Hoà… quần chúng tham dự mít tinh đông đảo để thành lập chính quyền cách mạng.
Gia Hội, một trọng điểm chỉ đạo nổi dậy, là khu vực có phong trào mạnh mẽ hơn cả. Toàn khu phố có 32 000 dân, phần đông là người lao động làm thuê và buôn bán nhỏ. Sau khi lực lượng vũ trang tiêu diệt bốt cảnh sát và chiếm quận lỵ, đội công tác phát động quần chúng khởi nghĩa, truy tìm ác ôn, vận động hàng nghìn sỹ quan, binh sỹ nguỵ ra hàng. Đội tuyên truyền khởi nghĩa dùng xe gắn máy đi khắp nơi loan tin chiến thắng, thông báo những chính sách của mặt trận. Hàng nghìn quần chúng mít tinh tại trường trung học Gia Hội; các mẹ, các chị thành lập đội cứu thương, đội tiếp tế; anh em lái xe, khuân vác lo vận chuyển thương binh, lương thực, thuốc men, súng đạn… Đông đảo thanh niên hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, tính đến ngày 9-2-1968, cả khu phố xây dựng được 5 trung đội tự vệ. Lễ trao cờ, trao súng được tổ chức tại trường học Gia Hội. Họ tiến hành tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trong khu phố, tham gia phục kích bắn tàu Mỹ trên sông Hương, trừng trị những tên ác ôn ngoan cố còn lẩn trốn… Anh em thợ may và các tiệm bán vải tập trung máy khâu và vải, tổ chức may cờ, may quần áo cho tự vệ. Các thầy giáo, hoạ sỹ, học sinh, sinh viên phân công nhau đi kẻ khẩu hiệu, dán áp phích, phát thanh, cổ động khí thế cách mạng của quần chúng.
Phường Vĩnh Ninh thuộc khu vực ngoại thành là nơi tập trung đông đảo công nhân, nông dân, học sinh, có nhiều đồng bào phật giáo, thiên chúa giáo. Sau khi lực lượng vũ trang tiêu diệt địch ở nhà lao Thừa Phủ, Tỉnh đoàn bảo an, Ty sắc tộc, đại đội thám báo Phú Cam…, quần chúng đã nổi dậy mạnh mẽ, lực lượng thanh niên lập một trung đội vũ trang tuyên truyền, hăng hái tham gia công tác cách mạng. Học sinh trường y khoa lập một bệnh viện dã chiến với 200 giường cùng những phương tiện cần thiết để cứu chữa thương binh.
Tại xã Xuân Thủy, quần chúng thanh niên phối hợp với một trung đội biệt động đánh địch ở cầu Lòn (phố Huyền Trân Công chúa). Hàng trăm thanh niên tập hợp thành đội quân vũ trang, đào hào giao thông, đắp công sự chiến đấu, cùng các tầng lớp nhân dân vận tải, tiếp tế cho bộ đội…
Tại chợ Bến Ngự, một trung đội nghĩa binh yêu nước được thành lập, với danh nghĩa là lực lượng nổi dậy, kêu gọi hàng trăm binh sỹ ở Vĩnh Ninh ra trình diện. Một trung đội nghĩa binh ở ấp Thuỷ Trường ra theo cách mạng, tham gia tuần tra canh gác và lùng bắt ác ôn đang lẩn trốn.
Tại Phú Cam, sau khi tiêu diệt bọn Hắc báo, quần chúng vùng dậy, cùng với lực lượng vũ trang bắt gần 100 tên phản động trốn trong nhà thờ.
Ở các Huyện Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, khi nghe tiếng súng nổ trong thành phố, quần chúng đồng loạt nổi trống mõ, vùng dậy dậy khởi nghĩa. Ngay từ phút đầu, đồng bào cùng với lực lượng vũ trang tiến công, bao vây và bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt địch, làm tan rã toàn bộ hệ thống nguỵ quyền và lực lượng dân vệ.
Huyện Phú Vang trước đây có 6 xã (gồm 61 thôn) được giải phóng, nay giải phóng thêm 43 thôn với 4,6 vạn dân. Sau khi bộ đội địa phương tiến công địch ở Đập Đá, Vĩ Dạ, cắt đứt đường từ Huế đi Thuận An, tách rời thành phố với nông thôn, đội công tác phát động phong trào nổi dậy mạnh mẽ.
Tại thôn La Ỷ, nơi địch kìm kẹp rất chặt, cơ sở của ta hầu như không còn, các đội viên công tác đi vào từng nhà, tuyên truyền, vận động quần chúng nổi dậy, giả tán chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng; phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương phá tan tổ chức phản động Quốc dân đảng, bắt 7 tên đầu sỏ trong Ban chấp hành đặc khu đang lẩn trốn dưới hầm bí mật, thu nhiều vũ khí, tài liệu.
Thôn Truyền Nam là nơi tập trung đồng bào công giáo. Đội công tác đã bắt giữ tên Ngọc là điệp viên CIA đội lốt cha cố. Quần chúng địa phương được phát động chỉ ra nơi cất giấu vũ khí và tài liệu của địch trong nhà thờ, đồng thời tiến công binh vận, kêu gọi toàn bộ trung đội nghĩa quân mang vũ khí ra hàng.
Ở xã Phú Thượng, quần chúng sát cánh cùng lực lượng vũ trang chiến đấu, lùng bắt một nhóm phản động ngoan cố trốn trong bức tường đôi của trường học La Sang.
Tại Đập Đá, ngay khi bộ đội nổ súng tiến công, 40 học sinh, mà đa số là nữ nổi dậy gây náo động, uy hiếp địch, treo băng, cờ, khẩu hiệu, phối hợp với đội công tác lùng bắt ác ôn.
Ở Vĩ Dạ, quần chúng mạnh mẽ đứng lên, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tố giác bọn phản động trốn ở Cồn Hến.
Hương Trà là một huyện ở phía Bắc thành phố, quá trình tiến công và nổi dậy được kết hợp song song với nhau. Khi súng tiến công nổ trong thành phố thì lập tức quần chúng khắp nơi trong huyện khua trống mõ, thanh la, hộ khẩu hiệu và đổ ra đường. Nhân dân khởi nghĩa đã truy bắt tại nhà hàng loạt ác ôn đang hoang mang, bối rối, phá vỡ tận gốc ách kìm kẹp của địch, nhanh chóng giành quyền làm chủ trong 61 thôn với 40 000 dân, thành lập ngay chính quyền cách mạng trong 28 thôn và 3 xã. Quần chúng ở khắp các xã đẩy mạnh tiến công binh vận. Chỉ trong 3 ngày đầu đã vận động 600 binh sỹ nguỵ mang vũ khí trở về với nhân dân. Tiêu biểu cho phong trào nổi dậy ở Hương Trà là ba xã Hương Bình, Hương Long, Hương Vĩnh.
Ngay trong đêm đầu tiên, tại xã Hương Bình, 9 tên ác ôn bị tiêu diệt. Thanh niên nhanh chóng thành lập các đơn vị dân quân. Một trung đội vũ trang gồm 2 tiểu đội nam và 1 tiểu đội nữ ra đời, công khai ra mắt quần chúng, nhận vũ khí và đi ngay vào chiến đấu. Ba ngày sau, hai trung đội du kích khác được thành lập. Các trung đội được biên chế lại thành một đại đội du kích với hai trung đội nam và 1 trung đội nữ. Bọn ác ôn trốn trong nhà thờ Kim Long bị quần chúng phát giác và kết hợp với lực lượng vũ trang ta, bắt 73 tên ngoan cố.
Huyện Hương Thuỷ (thuộc mặt trận phía nam Huế) trước đây có 25 thôn với 2 vạn dân được giải phóng, nay quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở 35 thôn với 3,5 vạn dân. Đòn phủ đầu của lực lượng vũ trang đánh vào tiểu đoàn 4 quân nguỵ phòng thủ phía nam Huế. Hơn một nửa quân địch bị tiêu diệt, bọn còn lại tháo chạy hoảng loạn về Đông Di. Quần chúng nhanh chóng cùng lực lượng vũ trang bao vây và kêu gọi chúng ra hàng, làm cho toàn bộ tiểu đoàn 4 bị xoá sổ. Đồng bào cùng lực lượng vũ trang còn bao vây các đồn Bàu Sen, Thanh Thuỷ Chánh, Xuân Hoà… buộc bọn lính nguỵ phải giao nộp đồn bốt hoặc tháo lui.
Trong phong trào quần chúng nổi dậy, đông đảo thanh niên tham gia du kích để đánh giặc, giữ phố, giữ làng. Những đội thanh niên võ trang mới được thành lập đã cùng bộ đội anh dũng chiến đấu. Trong suốt 25 ngày đêm, tàu Mỹ di chuyển trên sông Hương, từ bến tàu toà Khâm cũ về Thuận An, qua Bãi Dâu, bến đò Cạn… “Đều bị những toán võ trang bắn ra như mưa rào. Nhiều tàu vận chuyển bị nổ tung trên sông” (Phượng Hà: “Máu lửa Trị Thiên”. Hội quán báo chí miền Trung ấn hành. tr. 61). nổi bật nhất là 11 nữ du kích Vân Dương mưu trí, linh hoạt đánh tan 1 tiểu đoàn quân Mỹ tiêu diệt 120 tên và 7 xe tăng của chúng.
“Lấy tiền tuyến nuôi tiền tuyến”. Từ những hình thức đấu tranh thông thường như mít tinh, biểu tình trong các khu phố, đội quân chính trị quần chúng đã tiến lên hình thức đấu tranh cao nhất là khởi nghĩa vũ trang, trực tiếp tham gia chiến tranh cách mạng.
3. Bản anh hùng ca vang dậy núi sông
Phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang đã tạo ra sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn, giải phóng và giữ thành phố Huế trong 25 ngày đêm. Đó là thành công lớn của quá trình chuẩn bị lâu dài, mà trực tiếp là từ giữa năm 1967; là thắng lợi của nghệ thuật xây dựng và sử dụng lực lượng của Quân khu uỷ Trị Thiên và Thành uỷ Huế. Nó thể hiện sức mạnh và năng lực sáng tạo của quần chúng được giác ngộ và tổ chức theo phương hướng cách mạng của Đảng. Báo Pháp “Thế giới” (Le Mond) ngày 1-2-1968 viết: “Người Mỹ từng khẳng định rằng dân chúng Nam Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ còn có thể nêu lên lý lẽ như thế nữa không sau khi đã sảy ra một cuộc biểu dương về sức mạnh và lòng dũng cảm đáng khâm phục của Việt cộng như vậy”.
Tổng thống Mỹ Giôn xơn và những con rối do Mỹ dựng ra ở Sài Gòn luôn mồm khoác lác: “Việt cộng không được dân chúng ủng hộ”, “Việt cộng đã thất bại vì không thúc ép được quần chúng ở thành phố nổi dậy”, chính các hãng thông tin phương tây, dù chỉ có thể nói lên phần nào sự thật, đã khoá mồm chúng lại: “Chỉ sau một đêm đánh nhau, Việt cộng đã kiểm soát 90% quần chúng nhân dân Huế” (8). Sau này, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà cũng phải thú nhận thất bại như sau:
“Các khu phố dân sự lại bỏ ngỏ cho địch (tức lực lượng cách mạng – T.G) thao túng, để cho chúng dấy động lên những hoạt động chính trị trong suốt thời gian chiếm đóng” (9).
Hãng AP ngày 6-2-1968 đưa tin: “Hai nhà ngoại giao Nhật chứng kiến cuộc tấn công của cộng sản vào Huế nói: họ có cảm tưởng là dân chúng đồng tình với Việt cộng. Họ cho biết rằng khi Việt cộng vào Huế thì họ được quần chúng hoan nghênh… Dân chúng không có gì tỏ ra là sợ hãi và hình như họ qúa thân thuộc”.
Phong trào nổi dậy ở Huế chứng tỏ hùng hồn rằng: “Chỉ có đông đảo quần chúng nhân dân giàu lòng yêu nước nồng nàn và giàu chí căm thù địch sâu sắc, có chí khí anh hùng, theo đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn; có kinh nghiệm kháng chiến chống ngoại xâm, lại có tổ chức chặt chẽ, thì mới thực hiện được một cuộc nổi dậy với quy mô to lớn và mạnh mẽ như vậy” (10).
Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy đã chứng tỏ sự vận dụng và kết hợp thành công cả hai quy luật khởi nghĩa và chiến tranh. Quần chúng nổi dậy khởi nghĩa làm cho địa bàn mở rộng, lực lượng chiến đấu được tăng cường, thúc đẩy chiến tranh phát triển với quy mô lớn hơn, thanh thế mạnh hơn; và ngược lại, tiến công mạnh mẽ lại có tác dụng làm cho những điều kiện của khởi nghĩa chín mùi, đưa quần chúng nổi dậy nhanh chóng.
Kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, kết hợp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng là biểu hiện của quy luật bạo lực cách mạng ở nước ta; đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất trong nghệ thuật quân sự Việt Nam là “phát huy và phối hợp được tất cả sức mạnh của toàn quân và toàn dân để giành chiến thắng” (11).
“Cuộc chiến đấu của Huế vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh trong một thành phố lớn”. Xứng đáng với tên gọi: “Huế, pháo đài thép”, “Huế, một bản anh hùng ca vang dậy núi sông” (12). Báo Granma (Cuba) ngày 17-2-1968 ca ngợi:
“Hiện có một cái tên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đó là thành phố Huế… Ngày nay Huế đang đi vào lịch sử của các thành phố anh hùng trong chiến đấu… Huế là một trang sử hiển hách trong cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược… Huế sẽ là một vừng dương trong lịch sử với những dấu vết anh hùng bất tử của những chiến công hiện nay” (13).
Chú thích:
1. Nghị quyết Thành uỷ Huế số 09 NQ/H, lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thừa Thiên tr. 9.
2. Nghị quyết thành uỷ Huế số 09 NQ/H, tài liệu đã dẫn, tr.12.
3. Báo cáo về cách mạng năm 1905. Lê nin: Toàn tập, tập 23. Nxb ST, HN, 1963, tr.310.
4. Báo Quân đội Nhân dân ngày 12.2.1968.
5. Hồ Chí Minh: Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb QĐND, HN, 1970, tr. 168.
6. Trường Sinh: Cuộc chiến đấu để giải phóng thành phố Huế, Tạp chí Học tập, 3-1968, tr. 92.
7. Thừa Thiên Huế đánh giỏi thắng to, Tạp chí Học tập, 3.1968. tr. 69.
8. Tin AFP ngày 2-2-1968. Theo báo Thống nhất ngày 12-4-1968.
9. Cuộc tấn công của Việt cộng tết Mậu thân 1968, Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà xuất bản, 1969, tr. 336.
10. Tất cả đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tạp chí Học tập, 3.1968, tr. 3.
11. Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, tập 2. Nxb QĐND, HN, 1975, tr. 177.
12. Huế, bản anh hùng ca vang dậy núi sông. Báo Quân đội Nhân dân ngày 4-3-1968.
13. Huế anh hùng tuyệt vời, Báo Nhân dân ngày 21-2-1968.
Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 16-04-2015.