Việt Nam Quốc dân Đảng với sự chuyển hóa của phong trào dân tộc Việt Nam trong những năm 20 (PGS.TS. Nguyễn Văn Khánh)

Thứ năm - 10/08/2023 00:27
Có một điều không cần bàn cãi: Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập vào cuối năm 1927 là kết quả và sản phẩm của sự vận động và phát triển của phong trào dân tộc ở Việt Nam những năm sau chiến tranh thế giới thứ I. Nhưng còn sự tồn tại và hoạt động của tổ chức này trong suốt những năm 1927 – 1930 với tư cách một đảng cách mạng, đã có tác động gì và tác động như thế nào đến phong trào dân tộc ở Việt Nam? Bài viết nay đưa ra một cái nhìn nhằm nhận thức rõ thêm vấn đề đó.

I. Những đánh giá khác nhau về Việt Nam Quốc Dân đảng  

Là một trong ba tổ chức cách mạng lớn mạnh nhất ở Việt Nam vào những năm 1920, Việt Nam Quốc Dân Đảng có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự phất triển và chuyển hóa của phong trào giải phóng dân tộc. Tuy vậy, việc xem xét và đánh giá về những đóng góp và vai trò của tổ chức cách mạng này trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam vẫn còn một số tồn tại với các ý kiến và quan điểm khác nhau.

Dưới cái nhìn của nhà chính trị thực dân – Chánh mật thám Đông Dương Louis Marty thì Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức có tính chất “nổi loạn” chống lại nhà nước bảo hộ. Với định kiến, ông ta viết: “Người ta thấy, Việt Nam Quốc dân Đảng trong khi hoạt động làm nhiều điều bạo ngược, ám sát, cướp phá, và cưỡng đoạt tài sản” [1].

Ngược lại, trong các tác phẩm của Nhượng Tống, Bạch Diện và nhất là một số sách xuất bản ở miền Nam dưới thời Mỹ – Ngụy, vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân đảng lại được đề cao một cách quá mức. Nguyễn Đắc Lộc trong lời tựa cho cuốn sách “Việt Nam Quốc dân đảng, lịch sử đấu tranh cận đại (1927 – 1954)” của Hoàng Văn Đào đã viết: “Đọc cuốn lịch sử Việt Nam Quốc dân đảng, chúng ta thấy sự thành công của đảng cách mạng này ở chỗ nào và thất bại ở đâu? Chúng ta sẽ nhận xét được dễ dàng sự thất bại của Việt Nam Quốc dân đảng trong nhất thời. Chúng ta sẽ thấy ngay lý do của Việt Nam Quốc dân đảng chiếm được bó hoa danh dự của lịch sử trao cho để tặng thưởng cái công lao hãm mã ở Yên Bái, trong khi lịch sử chỉ trao cho các đảng khác cái phần thưởng ủi an mà thôi” [2].

Cũng trong cuốn sách này, tác giả Hoàng Văn Đạo với tư cách người trong cuộc, ở lời mở đầu, đã quá đề cao khi viết: “Trong hàng ngũ cách mạng quốc gia, Việt Nam Quốc dân đảng  là đảng tiên tiến, có một tổ chức kiện toàn, hoạt động liên tục nhất và có nhiều thành tích nhất” [3].

Còn trong các công trình nghiên cứu của giới sử học miền Bắc thời kỳ này trước năm 1975 và cho đến nay, việc nhìn nhận, đánh giá về vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân Đảng đã tương đối sát hợp với thực tiễn lịch sử. Tuy nhiên, cách đánh giá về tổ chức này dường như cũng còn hơi khe khắt và chưa thực sự khách quan. Ví dụ, sách Lịch sử Việt Nam, tập II đã viết: “Do phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã vượt qua giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, nên Việt Nam Quốc dân đảng không thể tạo ra cho mình một lực lượng hùng hậu được. Hơn nữa lý thuyết của Việt Nam Quốc dân đảng thì mơ hồ, nặng về sao chép; tổ chức của Đảng thì lỏng lẻo; còn đảng viên của Đảng thì pha tạp; cho nên nó không thể trở thành phong trào cách mạng Việt Nam đang phát triển…” [4].

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên, thiết nghĩ cần phải đặt Việt Nam Quốc dân Đảng trong bối cảnh lịch sử cách mạng Việt Nam từ cuối thập kỷ hai mươi đến năm 1930 với những đặc điểm của giai đoạn lịch sử giao thời này.

Căn cứ vào quan điểm chính trị và các hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng, có thể khẳng định rằng, vào thời kỳ trước năm 1930 tổ chức này là một chính đảng tiến bộ và cách mạng, không phải là một tổ chức có tính chất “nổi loạn” như Louis Marty đã xuyên tạc. Trong bối cảnh những năm 1920, sự xuất hiện Việt Nam Quốc dân Đảng là kết quả của vận động và xu thế phát triển tất yếu của cuộc vận động cứu nước, thể hiện bước phát triển mới của phong trào dân tộc ở Việt Nam dưới tác động của những điều kiện lịch sử mới sau chiến tranh. Đồng thời, với những đặc điểm về tư tưởng chính trại và hệ thống tổ chức, Việt Nam Quốc dân đảng là một bộ phận cấu thành của phong trào dân tộc trong giai đoạn 1925 – 1930.

Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, phong trào dân tộc ở Việt Nam từ sau chiến tranh thế giới cho tới những năm 1925, 1926 về thực chất là một cao trào vận động dân tộc dân chủ rộng lớn, với nội dung và hình thức đấu tranh mới mẻ, đa dạng mà tiêu biểu là các phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu để tang Phan Châu Trinh, đưa đám Lương Văn Can… từ trong cao trào ấy, phong trào giải phóng dân tộc đã có một bước phát triển mới, đi vào chiều sâu với sự xuất hiện liên tiếp của các tổ chức cách mạng đi theo nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Trong đó Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức đại diện tiêu biểu cho xu hướng dân tộc dân chủ tư sản lúc bấy giờ.

So với Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng là hai tổ chức cách mạng tiêu biểu cùng thời, Việt Nam Quốc dân đảng có những điểm khá tương đồng về hoàn cảnh ra đời, mục tiêu thành lập cũng như thành phần xuất thân của những người sáng lập… những người lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng “đều là những tân cự tri thức, đã không chịu còng lưng uốn gối trước bọn ngoại xâm, cũng không chịu sống cái đời khuất phục của một người dân mất nước nên đã cương quyết hy sinh, đề cao khí tiết, mong rửa nhục nước, báo thù cho dân tộc” [5]. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Việt Nam Quốc dân Đảng có những biểu hiện khác biệt có bản về đường lối và phương pháp hoạt động so với hai tổ chức cách mạng nói trên.

Ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt được sự chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và lý luận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngay từ đầu đã đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối chiến lược và sách lược của Đảng Thanh Niên  được hình thành trên lập trường của giai cấp công nhân; còn Tân Việt Cách mạng Đảng lúc đầu cũng đứng trên lập trường dân tộc những rồi dần dần đã ngả sang khuynh hướng cách mạng vô sản. Khác với Thanh Niên và Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng đã tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản trên nguyên tắc Tự do, Bình đẳng, Bác ái và đã vay mượn một số khái niệm và nội dung của chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn. Đồng thời, kể từ khi thành lập đến lúc tan rã, Việt Nam Quốc dân Đảng luôn đúng trên lập trường của giai cấp tư sản để giải quyết vấn đề dân tộc.

Tuy nhiên so với các đảng phái hay nhóm chính trị cải lương (như Đảng Lập hiến, hay nhóm Nam Phong), thì tính chất cách mạng của Việt Nam Quốc dân Đảng được thể hiện khá rõ rệt trong quan điểm sử dụng phương thức bạo động (một hình thức của bạo lực cách mạng) để đánh đuổi bọn thực dân, dành độc lập dân tộc.

Nhưng không chỉ căn cứ vào đó mà coi “Việt Nam Quốc dân Đảng là một đảng tiên tiến, có tổ chức kiện toàn nhất” như Hoàng Văn Đạo đã nhận xét.

Thật ra, trong “hàng ngũ quốc gia” (được hiểu theo nghĩa hẹp là các tổ chức cách mạng theo khuynh hướng dân tộc dân chủ tư sản), so với các đảng phái khác, Việt Nam Quốc dân đảng có tư tưởng và cương lĩnh chính trị rõ ràng và hệ thống tổ chức rộng rãi hơn. Ở phương diện này Việt Nam Quốc dân Đảng là tổ chức chính trị lớn mạnh nhất của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng so với hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng có một hạn chế dễ nhận thấy là sự thiếu nhất quán, không ổn định về quan điểm chính trị và lỏng lẻo về tổ chức.

Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, trong dòng chảy không ngừng của phong trào cách mạng ở Việt Nam kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khuynh hướng cách mạng vô sản ngày càng mở rộng và dành vị trí ưu thế trên vũ đài chính trị. Chỉ có những tổ chức chính trị đi theo khuynh hướng này (mà sau này được tập hợp dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng cộng sản Việt Nam) mới có khả năng tập hợp và lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh dành độc lập dân tộc. Việt Nam Quốc dân Đảng không đi theo khuynh hướng tiến bộ đó nên đã bị tụt hậu so với thời đại và thất bại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tổ chức này không có vai trò gì trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Như đã nói ở trên, đối với cách mạng Việt Nam, con đường cách mạng vô sản là cứu cánh duy nhất cho khát vọng giành độc lập tự do của dân tộc. Tuy không lựa chọn con đường này nhưng trong tư tưởng Việt Nam Quốc dân Đảng trước năm 1930 không hề có chủ trương chống cộng sản. Do hạn chế về mặt lí luận cách mạng nên tôn chỉ mục đích của Đảng “không thật đầy đủ và sâu sắc so với cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương sau này, song không có gì mâu thuẫn với nội dung của giai đoạn đầu của cuộc cách mạng tư sản dân chủ kiểu mới do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo…” [6]. Nền tảng tư tưởng và quan điểm chính trị cốt lõi nhất của Việt Nam Quốc dân Đảng là chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc. Về điểm này giữa Việt Nam Quốc dân Đảng và những người cộng sản không có gì khác biệt. Trong khi xem xét và tìm cách tiếp cận với Việt Nam Quốc dân Đảng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – một tổ chức tiêu biểu của khuynh hướng cách mạng vô sản ở Việt Nam trước năm 1930, một mặt để phê phán những hành động phưu lưu, mạo hiểm của tổ chức chính trị này, mặt khác vẫn mong muốn liên kết và phối hợp hành động với các đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng. Điển hình là vụ ám sát thị Nhu và thị Uyển (hai tên phản bội được mật thám Pháp phái đi tìm bắt Nguyễn Thái Học) vào tháng 5/1928 tại Hải Phòng. Còn Việt Nam Quốc dân Đảng trên thực tế cũng không có những hành động chống đối Đảng Thanh niên, mà trái lại còn chủ trương và có những cố gắng nhất định nhằm thống nhất về mặt tổ chức giữa hai Đảng vào năm 1928.

Như vậy Việt Nam Quốc dân Đảng là một chính đảng tư sản yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc cách mạng và là một bộ phận cấu thành quan trọng của phong trào dân tộc Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Với vị trí đó, tổ chức này đã có những cống hiến nhất định đối với bước phát triển trong giai đoạn bản lề của cách mạng Việt Nam trước năm 1930.

II. Việt Nam Quốc dân đảng với quá trình chuyển hóa của phong trào dân tộc những năm hai mươi

1. Trong suốt hơn hai năm tồn tại, Việt Nam Quốc dân Đảng đã có những đóng góp nhất định trong việc khởi dậy và bồi đắp thêm truyền thống yêu nước và ý thức dân tộc trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858, với truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường nhân dân đã đứng lên chiến đấu không ngừng để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Do triều đình nhà Nguyễn suy yếu bạc nhược, lực lượng kháng chiến thiếu đường lối đúng đắn, thiếu sự lãnh đạo thống nhất trong cả nước nên các phong trào kháng Pháp đều lần lượt thất bại. Nhưng tinh thần anh dũng quả cảm của nhân dân Việt Nam đã khiến cho chính người Pháp khâm phục. Gosslin – Đại úy Pháp – trong tác phẩm “Đế quốc An Nam” (Emprie d’Annam) đã thừa nhận: “Người Pháp đến đây không phải đên một nhà vô chủ. Với khí giới rất thô sơ, dân tộc Việt Nam chống cự bền bỉ với đại bác của ta một cách oanh liệt và đầy tinh thân hy sinh. Những kẻ bị ta bắt tại trận, đem ra xử bắn hay chém đều thản nhiên chịu chết không lộ vẻ nhu nhược, sợ hãi. Ta đánh chiếm nhọc nhằn suốt 30 năm mới tạm yên. Phải biết dân tộc Việt Nam có nghị lực kiên cường lắm mới đủ chí khí dai dẳng đến thế” [7]

Bước sang đầu thế kỉ XX, tinh thần yêu nước ấy tiếp tục được bồi đắp bằng các hoạt động sôi nổi trong phong trào vận động dân tộc dân chủ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng như qua các áng văn thơ và các hoạt động yêu nước của các chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục v.v…

Được nuôi dưỡng bằng dòng máu ấy, những lãnh tụ sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng đếu bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ lòng yêu nước. Về lập trường giai cấp và tư tưởng chính trị, họ là những tín đồ của chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và tư tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bắc ái” của cách mạng tư sản Pháp. Nhưng ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước cách mạng mới chính là tư tưởng chính trị cốt lõi của Việt Nam Quốc dân Đảng. Do đó, cùng với các tổ chức cách mạng khác, Việt Nam Quốc dân đảng là người kế tục sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, trên lĩnh vực tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng yêu nước, ý thức dân tộc trong nhân dân. Ngay từ buổi đầu hoạt động cách mạng, tổ chức tiền thân của Việt Nam Quốc dân đảng là nhóm Nam Đồng Thư Xã xuất bản những tác phẩm có giá trị tuyên truyền lớn như Trưng nữ vương, Gương thành bại…, giáo dục cho nhân dân về truyền thống yêu nước và lòng tự hòa dân tộc, kêu gọi nhân dân theo gương các dân tộc trên thế giới đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Trong quá trình xây dựng lực lượng, phát triển đảng viên, ngoài việc kể tội ác, vạch trần tính chất ăn cướp của thực dân Pháp, Việt Nam Quốc dân Đảng còn dùng thơ ca yêu nước cách mạng của Phan Bội Châu, của Đông Kinh Nghĩa Thục… làm phương tiện tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Những việc làm đó đã có tác dụng thức tỉnh và bồi đắp tinh thần dân tộc và truyền thống yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quãng thời gian hoạt động ngắn ngủi của mình, Việt Nam Quốc dân Đảng chưa làm được như hai tổ chức Thanh Niên và Tân Việt là đi sâu tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp công – nông đứng vào hàng ngũ của mình, nhưng chí ít nó cũng đã giác ngộ và thức tỉnh được tinh thần yêu nước của những binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một số hào phú, địa chủ giàu có ở nông thôn – những đối tượng mà hai tổ chức trên còn chưa có điều kiện thu phục và gieo mầm cách mạng. Chính thông qua hệ thống tổ chức trong các tầng lớp này mà Việt Nam Quốc dân Đảng đã góp phần tạo dựng cơ sở ban đầu để hình thành một mặt trận dân tộc thống nhất trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc.

Hành động cách mạng tiêu biểu nhất của Việt Nam Quốc dân Đảng là khởi nghĩa Yên Bái tuy không thành công những đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình trong nước và quốc tế, làm kinh động cả giới thực dân Pháp. Sau khởi nghĩa Yên Bái, nhiều chiến sĩ yêu nước đã bị giặc bắt và sát hại nhưng tinh thần yêu nước, khí phách hiên ngang của họ trước quân thù xâm lược đã khiến cho không chỉ nhân dân ta mà còn nhân dân tiến bộ Pháp vô cùng khâm phục và kính trọng. Ở Việt Nam, sau khởi nghĩa Yên Bái đã dấy lên một phong trào đấu tranh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chống lại sự khủng bố trắng của thực dân Pháp đối với Việt Nam Quốc dân Đảng. Tại Pháp, dưới sự khởi xướng của Đảng Cộng sản Pháp, một phong trào đấu tranh ủng hộ các chiến sĩ Yên Bái đã bùng nổ. Hội sinh viên Việt Nam tại Pari cũng tổ chức giải truyền đơn đòi chính phủ Pháp phải trả lại tự do cho những người bị bắt ở Yên Bái… Những phong trào đấu tranh này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của nhân dân ta. Có thể nói khởi nghĩa Yên Bái không chỉ là hành động yêu nước của chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng mà còn trở thành biểu tượng của tinh thần quật khởi và truyền thống đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Cùng với khởi nghĩa Yên Bái, hành động yêu nước và khí phách kiên trinh của những lãnh tụ như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu… thà chấp nhận hy sinh chứ không chịu khuất phục trước quân thù đã góp phần to lớn vào việc thức tỉnh, giác ngộ tinh thần yêu nước và ý thực tự cường dân tộc cho các tầng lớp nhân dân.

Như vậy phong trào cách mạng do Việt Nam Quốc dân Đảng phát động mà tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Bái chính là “sự kế thừa của những cuộc khởi nghĩa của văn thân ái quốc trong phong trào Cần Vương, nêu cao truyền thống đấu tranh của binh lính Việt Nam đã biểu hiện từ cuộc đầu độc Hà Thành năm 1908 và Thái Nguyên khởi nghĩa năm 1917, phá tan âm mưu dùng người Việt trị người Việt của thực dân Pháp” [8]. Và mặc dù thất bại nhưng Việt Nam Quốc dân Đảng đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng yêu nước và ý thức độc lập tự cường cổ vũ độn viên nhân dân anh dũng đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại bang vì độc lập tự do của tổ quốc, tạo nên mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa cộng sản gieo mầm và phát triển mạnh mẽ.

2. Mặc dù khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị tan vỡ toàn bộ tổ chức nhưng Việt Nam Quốc dân Đảng đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa của phong trào dân tộc Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản.

Như chúng ta đã biết, trong mọi thời đại có giai cấp và ở bất kỳ quốc gia nào, chủ nghĩa yêu nước và phong trào dân tộc đều mang nội dung giai cấp nhất định. Nhưng, giai cấp nào đứng ở vị trí trung tâm sẽ đóng vai trò quyết định nội dung của phong trào dân tộc và là giai cấp giữ vai trò lãnh đạo dân tộc.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khi giai cấp phong kiến còn là lực lượng đại diện cho quốc gia dân tộc thì triều đình phong kiến là nơi tập hợp mọi lực lượng dân tộc để tiến hành các quộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực ngoại bang. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh do các triều đại Lý, Trần, Lê tiến hành là những bằng chứng lịch sử hùng hồn nhất khẳng định nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước truyền thống là tư tưởng trung quân ái quốc và tính chất cơ bản của phong trào dân tộc là tính chất phong kiến.

Sang thời kì cận đại, phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống lại sự xâm lược và nô dịch của thực dân Pháp đã diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn khác. Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta đúng vào lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện và sâu sắc nhất, giai cấp phong kiến đã trở thành lực lượng phản động ngăn cản sự phát triển của xã hội. Thực tiễn lịch sử ấy đã làm phá sản niềm tin của nhân dân đối với vua quan phong kiến và dẫn tới sự hình thành phong trào chống đế quốc xâm lược và triều đình phong kiến đầu hàng vào cuối thê kỷ XIX với những mốc son tiêu biểu: Khởi nghĩa Trương Định (1861 – 1864), Khởi nghĩa Giáp Tuất 1874… Từ đây, chủ nghĩa yêu nước đã gắn liền với tư tưởng chống đế quốc, chống phong kiến và nội dung cơ bản của phong trào dân tộc bao gồm hai yếu tố: dân tộc và dân chủ. Tuy nhiên, quyền lãnh đạo phong trào dân tộc thời kỳ này vẫn do các sĩ phu phong kiến có tinh thần yêu nước lãnh đạo. Trong khi đó ở các nước phương Tây, chủ nghĩa Tư bản đã chiến thắng trước đó hàng trăm năm và đang chuyển mạnh sang thời lỳ độc quyền.

Bước sang đầu thế kỉ XX, cùng với những biến đổi sâu sắc về kinh tế – xã hội và tư tửng, và sự tác động mạnh mẽ của các cuộc cách mạng tư sản trên thế giớ, ở Việt Nam đã xuất hiện khuynh hướng vận động giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng tư sản. Với các phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Bội Châu, Duy tân của Phan Châu Trinh,… nội dung của phong trào yêu nước đã chuyển từ phạm trù ý thức hệ phong kiến sang phạm trù ý thức hệ tư sản với tính chất dân chủ ngày càng được bộc lộ một cách rõ nét. Nhưng với thành công của Cách mạng tháng Mười Nga (1917), lịch sử nhân loại đã chuyển sang giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi thế gới. Trong khi đó phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam vẫn tiếp tục định hướng phát triển trong khuân khổ một cuộc cách mạng dân chủ tư sản và lại một lần nữa không theo kịp thời đại mới.

Nằm trong bối cảnh lịch sử ấy, sự xuất hiện của Việt Nam Quốc dân Đảng đã có tác dụng thúc đảy sự chín muồi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tư sản trong phong trào dân tộc, dựa trên những tiền dề kinh tế – xã hội và tư tưởng mới của xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cũng chính vì thế thất bại của Việt Nam Quốc Dân đảng cũng là sự thất bại của khuynh hướng cách mạng tư sản, góp phần khẳng định xu thế tất thắng của cách mạng vô sản trong phong trào dân tộc ở Việt Nam trong thời đại lịch sử mới: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [9].

Trong thời đại mới được mở ra từ sau Cách mạng tháng Mười Nga đường lối cứu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng chứa đựng những yếu tố lỗi thời, không phản ánh được yêu cầu và xu thế phát triển của lịch sử. Tính chất của thời đại mới đòi hỏi cách mạng giải phóng dân tộc muốn thành công phải chuyển sang phạm trù của cách mạng vô sản, và phải trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Trong điều kiện giai cấp tư sản quốc tế đã trở thành một lực lượng phản động thì quyền lãnh đạo các phong trào dân tộc ở các thuộc địa phải thuộc về giai cấp vô sản và độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chính vì vậy, sự thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng là một tất yếu lịch sử. Nhưng chính sự thất bại này đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển biến của phong trào dân tộc từ phạm trù ý thức hệ tư sản sang phạm trù ý thức hệ vô sản. “Thực tế cách mạng Việt Nam từ sau chiến tranh và sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi ở Liên Xô, tiến nhanh đến nỗi về tất cả các mặt đã tạo nên điều kiện để chỉ có thể đi vào một con đường, đó là con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chỉ thừa nhậ sự lãnh đạo của một giai cấp, là giai cấp công nhân, chỉ theo dưới một lá cờ của một chính đản, chính đảng của giai cấp công nhân…” [10]. Từ sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, ngọn cờ lãnh đạo phong trào dân tộc đã chuyển hẳn sang tay giai cấp vô sản, đánh dấu bằng sự ra đời vào ngày 3/2/1930 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam. Nói về điểm này, ngay từ 1933-1934, trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương, Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập – một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương) cũng đã khẳng đinh: “Yên Bái là đỉnh cao trong hoạt động của Đảng quốc gia cách mạng (tức Việt Nam Quốc Dân đảng – NVK) trong những năm gần đây. Sau khi Yên Bái thất bại, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thống nhất nhảy lên vũ đài cách mạng và từ đấy là chính đảng duy nhất lãnh đạo các giai cấp bị bóc lột tiến hành đấu tranh cách mạng…” [11].

Điều đó có nghĩa rằng trong quá trình tồn tại của mình, Việt Nam Quốc dân Đảng cũng đã từng cố gắng vươn lên nắm lấy vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng đất nước nhưng vì nhiều nguyên nhân khách và chủ quan mà mục đích và sự nghiệp cứu nước của tổ chức cách mạng này đã không đạt được kết quả. Mặc dù vậy, bằng thất bại của mình mà đỉnh cao là khởi nghĩa Yên Bái, Việt Nam Quốc dân Đảng đã giúp cho các tầng lớp nhân dân ta sớm nhận rõ được những hạn chế và sự bất lực của khuynh hướng cách mạng tư sản, và nhanh chóng chuyển sang con đường cách mạng vô sản, góp phần tạo nên ưu thế và tiền đề thắng lợi cho khuynh hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào đầu năm 1930.

Chú thích
[1] Louis Marty: Contribution à l’histoire des mouvements de l’Indochine Francaise; Vol.II. Le “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG”, Hà nội 1933, tr.9.
2, 3. Hoàng Văn Đạo: Việt Nam Quốc dân Đảng. Lịch sử đấu tranh cận đại (1927 – 1954), tái bản kì II, Hoa Kì, Westminster 1990, tr. 9-10,16.
[4] Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên). Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 233 (bản in lần thứ ba, Hà Nội, 2004, tr. 300)
[5] Trần Huy Liệu. Kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái, in trong Khời nghĩa Yên Bái 2-1930, một số vấn đề lịch sử, Yên Bái, 1997, tr. 51, 204, 72.
[6] Trần Huy Liệu. Kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái, in trong Khời nghĩa Yên Bái 2-1930, một số vấn đề lịch sử, Yên Bái, 1997, tr. 51, 204, 72.
[7] Xem Phạm Văn Sơn: Việt Nam tranh đấu sử (in lần thứ hai có bổ sung), Hà Nội, Vũ Hùng, 1950. Dẫn theo Phạm Xuân Thanh, tài liệu đánh máy, Khoa sử. Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội, Số LV. 987, tr.103.
[8] Trần Huy Liệu. Kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái, in trong Khời nghĩa Yên Bái 2-1930, một số vấn đề lịch sử, Yên Bái, 1997, tr. 51, 204, 72.
 [9] Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1980, Tr.100
[10] Nguyễn Khánh Toàn: Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản. Thử bàn tại sao giai cấp công nhân giữ được địa vị lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tập I, trong Nguyễn Khánh Toàn: Tác Phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 225
[11] Hồng Thế Công: Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản Đông Dương, bản dịch tiếng Việt. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng, tr. 119.
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Khánh
Nguồn:
Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số tháng 2/2005
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 30-11-2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây