Thủy quân Việt Nam thế kỷ XVII và đầu XIX qua các nguồn sử liệu phương Tây (TS. Phạm Văn Thủy)

Thứ tư - 09/08/2023 16:36
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, sự kiện liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng chiếm Đà Nẵng ngày 1-9-1858 được coi như là điểm khởi đầu của quá trình xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, có hai sự kiện quan trọng khác xảy ra trước đó có liên quan mật thiết đến quyết định của Pháp đánh Việt Nam và lựa chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho cuộc tấn công…
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, sự kiện liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng chiếm Đà Nẵng ngày 1-9-1858 được coi như là điểm khởi đầu của quá trình xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, có hai sự kiện quan trọng khác xảy ra trước đó có liên quan mật thiết đến quyết định của Pháp đánh Việt Nam và lựa chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho cuộc tấn công. Đó là sự kiện ngày 15-4-1847, hai tàu chiến Pháp Gloire và Victorieuse đã nổ súng vào các thuyền chiến của triều Nguyễn đậu ở vịnh Đà Nẵng, sau đó đốt phá các đồn lũy phòng vệ bờ biển và một sự kiện khác diễn ra tương tự cũng tại Đà Nẵng vào ngày 26-9-1856. Trong cả hai sự kiện này, quân Pháp đều dễ dàng đánh đắm các chiến thuyền của quân nhà Nguyễn và đổ bộ lên bờ. Có ý kiến cho rằng, những sự kiện trên là phép thử của quân Pháp đối với khả năng phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn và khi nhận thấy sự yếu kém của đội quân này, thực dân Pháp càng có thêm “quyết tâm” xâm chiếm Việt Nam[1]. Quả thực, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đổ bộ lên Đà Nẵng, chỉ trong một ngày họ đã làm chủ các vị trí tiền tiêu bảo vệ bờ biển. Tương tự như vậy, lực lượng vũ trang Pháp hầu như không gặp phải bất kỳ sự kháng cự mạnh mẽ nào từ quân đội của triều đình Huế khi vượt sông Sài Gòn đánh vào thành Gia Định vào tháng 2-1859. Chỉ đến khi quân Pháp đổ bộ lên bờ và tiến sâu vào trong đất liền, chúng mới vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của quân đội nhà Nguyễn cũng như của nhân dân Việt Nam.

Các chuỗi sự kiện trên trước hết cho chúng ta thấy một điều rằng, nhà Nguyễn đã không có một lực lượng hải quân đủ mạnh để có thể ngăn chặn hoặc chí ít là làm tiêu hao lực lượng đối phương trước khi chúng tiếp cận đất liền. Hệ thống phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn cũng rất yếu kém nên không ngăn nổi quân Pháp đổ bộ lên bờ. Mặt khác, thái độ hiếu chiến của chúng khi ngang nhiên đốt phá các chiến thuyền nhà Nguyễn đậu trên vịnh Đà Nẵng hay như khi chúng tự tin tiến vào sông Sài Gòn đã gợi cho cho chúng ta suy nghĩ rằng người Pháp đã biết rất rõ giới hạn khả năng quốc phòng nói chung và sức mạnh hải quân nói riêng của quân đội nhà Nguyễn. Khi được khuyên nên đem quân ra chiếm Bắc Kỳ trước, tướng Pháp De Genouilly đã từ chối vì cho rằng quân Pháp sẽ có nhiều lợi thế khi đánh trên môi trường sông nước Sài Gòn[2]. Quá trình thăm dò, tìm hiểu của người Pháp về sức mạnh quân sự và khả năng quốc phòng của Việt Nam là một quá trình lâu dài, gắn liền với sự thâm nhập của người châu Âu vào Việt Nam. Thông qua những ghi chép và hoạt động của các giáo sĩ, nhà du hành, thương nhân, nhà ngoại giao phương Tây trên lãnh thổ Việt Nam, người Pháp dần hiểu được điểm mạnh cũng như điểm yếu của đội quân đội phong kiến.

Trong phần lớn những ghi chép của người châu Âu về Việt Nam, chúng ta thấy rằng các tác giả đặc biệt chú ý đến vấn đề tiềm lực quân sự và khả năng quốc phòng của các chính thể quân chủ. Riêng đối với vấn đề thủy quân, có thể thu được nhiều nguồn thông tin qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jesu, au royaume de la Cochinchine” (Xứ Đàng Trong năm 1621) của Cristoforo Borri, “Histoire du royaume du Tonkin” (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) của giáo sĩ Alexandre De Rhodes hoạt động ở Việt Nam vào những năm 1627-1630, “Relation nouvelle et singulière du royaume de Tonquin” (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài) của Jean Baptiste Tavernier dựa trên những ghi chép của người em đã đến Đàng Ngoài vào năm 1640, “Un voyage au Tonkin en 1688” (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688) của thương nhân người Anh William Dampier, “Oud en Nieuw Oost-Indiën” (Đông Ấn tuyển tập) của nhà du hành người Hà Lan Frainςois Valentijn xuất bản năm 1724, “A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793) của John Barrow, “Notice sur le Tonquin” (Những ghi chép về xứ Bắc Kỳ) của Ch.B. Maybon viết năm 1807, “A voyage to Cochinchina” (Một chuyến du hành đến Đàng Trong) của John White, một người Mỹ đến Việt Nam năm 1819, “Mémoires sur la Cochinchine” (Hồi ức về xứ An Nam) của Jean Baptiste Chaigneau viết năm 1820, và một số ghi chép, thư từ trao đổi của người Pháp, Anh, Mỹ liên quan đến Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Điều đáng lưu ý là, các ghi chép này đều được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và phổ biến ở châu Âu, do đó trở thành những tri thức chung của người Âu lúc bấy giờ. Pháp với tư cách là trung tâm của Kỷ nguyên ánh sáng (Age of Enlightenment) của châu Âu trong suốt thế kỷ XVII-XVIII, nên có thể nói rằng người Pháp có điều kiện tiếp cận với tất cả những tri thức mới của nhân loại.

1. Thủy quân thời Trịnh – Nguyễn

Những ghi chép về Việt Nam trước thế kỷ XIX thường phản ánh tình trạng phân cát đất nước giữa các thế lực chính trị khác nhau mà rõ nhất là cuộc nội chiến Đàng Trong (Cochinchina) thuộc nhà Nguyễn và Đàng Ngoài (Tonkin) thuộc nhà Trịnh và cuộc tương tàn của anh em nhà Tây Sơn. Do đó, khi đề cập đến vấn đề thủy quân, các tác giả thường có sự phân biệt và so sánh giữa thủy quân Đàng Trong với thủy quân Đàng Ngoài. Nhìn chung, thủy quân của Đàng Ngoài được trang bị số thuyền chiến nhiều hơn so với Đàng Trong. Theo Alexandre de Rhodes thì số lượng thuyền chiến của Đàng Ngoài là khoảng 500 hay 600 thuyền, nhiều hơn gấp ba lần con số 200 thuyền chiến ở Đàng Trong[3]. Trong khi đó, J. Baptiste Tavernier đã đưa ra con số khiêm tốn hơn về số lượng thuyền chiến ở Đàng Ngoài là 318 thuyền gồm cả thuyền galê[4] và thuyền buồm. Đây là số thuyền của Đàng Ngoài vào năm 1649, khi quân Trịnh đang chuẩn bị mở cuộc chinh phạt đánh Đàng Trong. J.B. Tavernier cũng cho biết rằng, trong nhiều tài liệu trước đó, số thuyền chiến của Đàng Ngoài thực sự chỉ có khoảng 300 chiếc[5]. Theo ghi chép của nhà du hành người Hà Lan Frainςois Valentijn thì số thuyền chiến của Đàng Ngoài vào cuối thế kỷ XVII rất khiêm tốn, chỉ có 70 đến 80 thuyền galê[6]. Chúng ta có quyền nghi ngờ về số liệu của Frainςois Valentijn vì thực ra ông ta chưa từng đặt chân đến Bắc Kỳ mà chỉ có được các thông tin qua lời kể của các thủy thủ và thương nhân Hà Lan ở Batavia và Ambon.

Tuy chiến thuyền của Đàng Trong ít hơn, các chúa Nguyễn luôn tìm cách tăng số lượng thuyền và mở rộng lực lượng thủy binh. Theo C. Borri, Đàng Trong thường xuyên cướp thuyền của Đàng Ngoài. Mặt khác, họ thực hiện triều cống với nhà Trịnh để đổi lại lấy gỗ đóng thuyền, gả con gái cho vua Campuchia để nhận được sự giúp đỡ về thuyền chiến và binh lính nhằm chống lại sự gây hấn của quân Xiêm[7]. Trong bức thư gửi Hội đồng giám đốc công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) tháng 2-1642 để kêu gọi viện trợ quân tấn công Đàng Trong, viên thuyền trưởng người Hà Lan Jacob van Liesvelt đã tính toán rằng, tổng số thuyền chiến của Đàng Trong là 300 chiếc[8]. Tuy nhiên, đến năm 1695, sức mạnh thủy quân của Đàng Trong đã tăng một cách đáng kinh ngạc. Theo Thomas Bowyear, một thương nhân người Anh từng đến Đàng Trong trong 2 năm 1695-1696 thì lực lượng thủy quân Đàng Trong thời Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) có đến “200 chiến hạm, mỗi chiếc có 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo, 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo, 3 chiếc của người Âu”[9]. Điều đáng chú ý là, những chiến thuyền này đều do công xưởng của phủ chúa đóng. Điều chắc chắn là, nhờ có các phương tiện đi biển lớn và an toàn đó mà chính quyền Đàng Trong (Nguyễn Phúc Chu) đã thành lập đội Hoàng Sa, cho thuyền đến các đảo Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, thu gom hóa vật, đo đạc hải trình và xác lập chủ quyền trên các đảo đại dương của Tổ quốc. Số thuyền châu Âu trong đội quân Đàng Trong có thể là do chúa Nguyễn mua lại thuyền của thương nhân châu Âu, nhưng cũng rất có thể Đàng Trong tự đóng những thuyền này, dựa trên mô hình thuyền của châu Âu. Sử cũ có chép lại việc chúa Nguyễn đã từng cho người trục vớt hai con tàu Eulden Buis và Maria de Madicis của Hà Lan bị đắm ở đảo Champelo (Cù Lao Chàm) tháng 11 năm 1641[10]. Nhờ có lực lượng thủy quân hùng mạnh đó mà quân đội của Đàng Trong (chúa Nguyễn Phúc Lan, 1635-1648) đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (tức Thuận An) vào năm 1644.

Về kết cấu và trang bị của thuyền chiến Đàng Ngoài, theo ghi chép của William Dampier năm 1688 thì “thuyền chỉ bao gồm một loại thuyền đáy bằng và được thiết kế nặng về hình thức hơn là công năng vận chuyển, ngoại trừ việc vận chuyển lính từ chỗ này sang chỗ khác. Những con thuyền này dài 50, 60 hay 70 bộ (tương đương với 15, 18, 21m), rộng khoảng 10 đến 12 bộ (tương đương 3 đến 3,6m), hai đầu nhô cao nhưng phần thân không cao quá mặt nước quá đén 2 bộ rưỡi (khoảng 0,75m), đó cũng là chỗ để binh lính ra vào”[11]. Cả Alexandre de Rhodes và William Dampier đều nhận xét rằng, thuyền chiến Đàng Ngoài có kích cỡ tương đối nhỏ, có một cột buồm và nặng về trang trí cho đẹp mắt. Mỗi chiến thuyền thường được trang bị một khẩu súng ở mũi thuyền và hai khẩu ở đuôi thuyền. Trong khi đó chiến thuyền của Đàng Trong cũng được trang hoàng lộng lẫy, được khảm vàng và bạc, theo như ghi chép của C. Borri, nhưng hiệu năng sử dụng của thuyền Đàng Trong cao hơn. Mỗi thuyền đều được trang bị 6 súng thần công và rất nhiều súng hỏa mai. Theo C. Borri, lúc nào Đàng Trong cũng có hơn 100 thuyền được trang bị vũ khí đầy đủ và sẵn sàng xung trận[12]. Không giống như Đàng Ngoài thuyền chiến được dùng cả vào việc đàn áp các cuộc nổi dậy hay truy bắt tội phạm, với Đàng Trong thuyền chiến chỉ để dùng cho việc đánh trận ngoài biển. Tất nhiên, các nhà du hành phương Tây đều cho rằng thuyền chiến của cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều không thể so sánh được về độ lớn cũng như uy lực tấn công so với các thuyền châu Âu thời bấy giờ.

Về cơ cấu tổ chức của thủy quân Đàng Ngoài, theo Alexandre de Rhodes thì một thuyền thường có 25 cho đến 40 tay chèo[13]. Số liệu này trùng với ghi chép của F. Valentijn là một thuyền thường gồm 30 đến 40 người[14]. Con số mà William Dampier đưa ra ít hơn một chút, chỉ có từ 16 hoặc 20 đến 24 người[15]. Sự khác nhau về số liệu này hoàn toàn có thể hiểu được, do các nhà du hành quan sát thuyền vào những thời điểm khác nhau, trong các sự kiện khác nhau. Trên mỗi thuyền thường có một viên quản binh (captain) cùng với một số lượng binh lính nhất định. Việc chèo thuyền được điều khiển thông qua những hiệu lệnh bằng tiếng cồng hoặc theo nhịp đếm. Trong một trận chiến mà William Dampier kể lại thì trong khoảng 60 chiến thuyền được cử đi đánh trận sẽ được phân thành các hải đoàn và phân biệt bằng các màu cờ khác nhau. Và 60 chiếc thuyền này có ba chiến thuyền đóng vai trò chỉ huy. Ba thuyền này có ba loại cờ khác nhau dưới quyền của ba viên tướng, trong đó có một viên tướng là chỉ huy và hai người dưới quyền. Điều này cho thấy sự phân chia đội ngũ khá quy củ và rõ ràng của thủy quân Đàng Ngoài. Bên cạnh đó, cũng theo W. Dampier, thì khi xung trận thì số lượng binh lính trên thuyền có khi từ 60, 80 cho đến 100 người[16].

Đối với vấn đề tuyển quân và tập luyện của lực lượng thủy binh cũng thu hút sự chú ý rất lớn của người phương Tây. Theo C. Borri, các chúa Nguyễn rất chú trọng đến vấn đề tuyển quân cho các hạm thuyền của mình. Mỗi khi cần, các chúa Nguyễn thường cử người đi khắp vương quốc để chọn những tay chèo giỏi vào đội thuyền hoàng gia. Một khi đã được chọn, những tay chèo được đối xử rất tốt, được trả lương cao. Ngoài ra, những người thân của người tham gia vào đội thủy quân cũng được chúa Nguyễn cung cấp những gì cần thiết cho cuộc sống, tùy theo cấp bậc của người chồng. Các lính thủy được trang bị mỗi người một súng hỏa mai, với đạn, dao hay mã tấu. Hàng ngày, các binh sĩ không làm gì khác ngoài việc tập bắn vào các bia đạn. Trong các trận chiến, người quản binh luôn đứng ở vị trí tiên phong, sẵn sàng xuất trận để đốc thúc tinh thần binh sĩ[17]. Việc tập luyện trên sông được giáo sĩ Choisy, đến Đàng Trong năm 1685, miêu tả tỷ mỉ: “Mỗi chiếc thuyền của Đàng Trong có 30 tay chèo ở mỗi bên thuyền. Ở mui thuyền và đằng sau là khoang lầu cho sĩ quan. Một người quản binh cầm gậy điều khiển các tay chèo, không có gì trật tự hơn thế. Những tay chèo phải chăm chú theo lệnh của quản binh, và người này ra lệnh bằng gậy chỉ huy. Họ chèo nhịp nhàng đến nỗi một nhạc trưởng cũng không điều khiển giàn nhạc của mình hay hơn là người quản binh của Đàng Trong điều khiển các tay chèo. Các thân tàu đều được sơn dầu đen, lòng tàu sơn đỏ rất bóng đến nỗi có thể soi gương được, mái chèo đều thếp vàng”[18].

Trong khi đó, việc tuyển quân ở Đàng Ngoài được thực hiện một cách chính quy hơn. Theo Tavernier thì lính ở Đàng Ngoài là lính chuyên nghiệp. Một khi đã được tuyển vào quân đội, thì họ phải dành trọn đời phục vụ quốc gia và không được tham gia phụ giúp công việc cùng với gia đình. Những lúc không phải phiên trực gác, họ phải tháp tùng người chỉ huy tới bất kỳ đâu và hai ngày trong một tuần họ phải luyện tập bắn cung. Khi tập luyện, họ chia thành các đội, mỗi một đội có khoảng 100 hoặc 130 người và đội nào bắn cừ nhất sẽ được thưởng hai tháng lương, hoặc thưởng gạo. Đội nào bắn kém nhất thì chịu phạt bằng việc nhân đôi thời gian trực gác. Người chỉ huy thường có yêu cầu rất khắt khe về việc giữ gìn bảo quản vũ khí, súng ống. Nếu họ phát hiện gỉ sắt trên súng và vũ khí thì binh lính sẽ bị trừ tám ngày lương cho lỗi đầu tiên, và nếu lặp lại lỗi lần thứ hai thì họ sẽ bị trừng trị rất nghiêm khắc. J.B. Tavernier đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi thứ ở trên thuyền đều được bảo quản lau chùi một cách rất cẩn thận và sắp xếp gọn gàng[19].
   
Một trong những thú vui của chúa Trịnh và quan lại Đàng Ngoài là xem đánh trận giả giữa các chiến thuyền. Mỗi khi muốn xem đánh trận, nhà vua và một số cận thần sẽ di chuyển tới một cung điện đặc biệt được xây bên bờ của sông Hồng. Theo Alexandre de Rhodes thì các thuyền được cột bên cạnh những ngôi nhà nằm dọc ven sông. Mỗi khi có hiệu lệnh tập trung thì “tất cả đều nhanh nhẹn xếp vào hàng lối, lao xuống nước và rẽ đường tiến lên […] kể từ lúc ra hiệu cho đến lúc khởi hành không đầy một khắc đồng hồ, thế mà không có chiếc nào còn ở ngoài hàng ngũ, để rồi đến hiệu lệnh thứ hai, các thuyền sẵn sàng trong tư thế lướt đi”[20]. Sẽ là niềm vinh dự lớn lao cho bất kỳ thuyền trưởng nào, nếu đội của họ giành chiến thắng. Theo J.B. Tavanier thì thuyền trưởng của đội chiến thắng sẽ được nhà vua ban tặng 1 con voi và 3 tháng lương. Vì sự hơn thua phụ thuộc vào sức chèo nên nhiều khi có binh sĩ vì ráng sức mà chết khi trong tay vẫn còn giữ mái chèo. Trong trường hợp không may này, vợ con của binh sĩ đó sẽ được hưởng 1 năm lương. Tuy nhiên, cũng theo J.B. Tavernier, so với sức lực và sự khổ luyện mà họ bỏ ra thì số lương đó chẳng đáng vào đâu[21].

Tóm lại, cho đến cuối thế kỷ XVII, so sánh tương quan lực lượng về thủy quân giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài nhìn chung là ngang nhau; điều này được cả Alexandre de Rhodes và J.B. Tavernier công nhận[22]. Xuất phát điểm của lực lượng hải quân của Đàng Trong là rất thấp, cả về số lượng thuyền, lẫn binh lính và trang bi vũ khí. Tuy nhiên, với quyết tâm trở thành một thế lực chính trị độc lập có thể đối chọi lại Đàng Ngoài và mở rộng lãnh thổ về phía Nam, các chúa Nguyễn không ngừng phát triển lực lượng hải quân. Chính vì đạt được sự cân bằng về tương quan lực lượng mà vào 1672 nhà Trịnh đã đồng ý ký thỏa hiệp ngừng chiến, chấp nhận Đàng Trong như là một thế lực chính trị độc lập. Sau cuộc nội chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài kết thúc, nhà Trịnh ở phía Bắc không còn chú tâm phát triển lực lượng thủy quân nữa mà tận dụng thời gian yên bình để phát triển kinh tế. Có lẽ vì thế mà hơn chục năm sau cuộc nội chiến khi William Dampier đến Đàng Ngoài ông chỉ thấy các thuyền chiến của nhà Trịnh rất sơ sài và chỉ đóng chức năng vận chuyển binh lính là chính. Ngược lại, chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn tích cực sắm thêm thuyền chiến, phát triển hải quân. Điều này xuất phát từ nhu cầu bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm phạm từ phía Bắc là nhà Trịnh, bảo vệ anh ninh vùng biển tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển và quan trọng hơn là mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, gây chiến với Khmer và Xiêm. Nhận định này tương đối phù hợp với quan sát của Choisy đến Đàng Trong năm 1685. Choisy đã ghi chép sự phân bố lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn như sau: “ngoài các chiến thuyền của hoàng gia, các trấn thủ của ba dinh chính trong vương quốc, nơi đó có hải cảng tốt đều có chiến thuyền trấn thủ. Dinh Cát ở biên giới giáp với Đàng Ngoài có 30 chiếc; trấn thủ dinh Chiêm có 17 chiếc, trấn thủ dinh Niaroux (Phan Rang) có 15 chiếc”[23]. Các dinh Cát, dinh Chiêm và dinh Niaroux ở đây đại diện cho cả ba vùng chiến lược trong chính sách phát triển và mở rộng thế lực của chúa Nguyễn trong suốt thế kỷ XVIII.

2. Thủy quân thời Tây Sơn và nhà Nguyễn

Mặc dù các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn tiếp tục quan tâm đến việc mở rộng lực lượng thủy quân vào cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, nhưng sự phát triển đột phá về sức mạnh hải quân của Việt Nam chỉ có được là vào cuối thế kỷ XVIII, cùng thời điểm với sự nổi dậy của nghĩa quân Tây Sơn. Các cuộc chinh phạt của quân Trịnh vào Huế, các trận đánh giữa quân chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, giữa anh em nhà Tây Sơn với nhau, hay giữa quân Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn phần lớn diễn ra trên môi trường sông nước và dựa vào đường biển để di chuyển. Chính vì thế, sức mạnh hải quân có ý nghĩa sống còn đối với các thế lực phong kiến này. Chính Nguyễn Ánh là người đã tận dụng được kỹ thuật và phương tiện của phương Tây vào phát triển lực lượng hải quân và giành thắng lợi cuối cùng, lập nên nhà Nguyễn vào năm 1802.

Sự phát triển của sức mạnh hải quân của Việt Nam cuối thế kỷ XIX làm kinh ngạc bất cứ người châu Âu nào khi họ có dịp đến đây. John Barrow, một người Anh đến Đàng Trong vào những năm 1792-1793 đã miêu tả tỉ mỉ kỹ nghệ đóng thuyền của người Đàng Trong như là một trong những nghề mà họ thành thạo nhất. Ông nhấn mạnh đến kỹ thuật chia đáy thuyền thành các khoang khác nhau và vì thế thuyền sẽ không bị chìm dù va phải đá ngầm. Theo J. Barrow, kỹ ghệ đóng thuyền này thậm chí đang được áp dụng cho hải quân của hoàng gia Anh[24]. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề đóng thuyền ở Đàng Trong một phần là để phục vụ cho hoạt động thương mại, nhưng phần lớn là do nhu cầu thuyền chiến cho các cuộc chiến tranh. Các thuyền chiến giai đoạn này có tiến bộ vượt bậc về độ lớn cũng như trang bị vũ khí. Năm 1789, Nguyễn Ánh đã sai người đóng 40 thuyền chiến lớn và hơn 100 ghe bàu cung cấp cho Xiêm La để đổi lấy vũ khí và sắt thép. Trong ghi chép của phái đoàn ngoại giao Anh được cử từ Ấn Độ đến Xiêm và Đàng Trong năm 1793 có đề cập đến cuộc tấn công của Nguyễn Ánh vào Quy Nhơn năm 1792. Trong trận chiến này, quân Nguyễn Ánh đã thu được 6 tàu chiến, 90 tàu galê loại lớn, 100 thuyền nhỏ khác và 337 khẩu đại bác[25].

Những tàu chiến của quân Tây Sơn thường rất lớn, có thể chở được nhiều trọng pháo và binh lính. Trong lá thư gửi cho người bạn là Barizy ngày 2-3-1801, Chaigneau, một viên sĩ quan Pháp phục vụ trong quân đội Nguyễn Ánh đã khoe khoang rằng quân của ông ta đã phá hủy được đội thuyền của Tây Sơn trong đó có những chiếc được trang bị tới 50-60 khẩu đại bác hạng nặng[26]. Theo thống kê của L. Barizy, một viên cố vấn người Pháp của Nguyễn Ánh, trong trận hải chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở vùng biển Bình Định – Phú Yên vào tháng 2-1801, quân Tây Sơn có 9 chiếc thuyền loại 66 đại bác và chở 700 thủy binh, 5 chiếc loại chở 50 đại bác với 600 thủy quân, 40 chiếc loại 50 đại bác chở 200 thủy binh cùng hàng trăm thuyền chiến galê và thuyền buồm nhỏ khác[27]. Nếu so sánh với những thuyền chiến cuối thế kỷ XVII với tải trọng nhiều nhất khoảng 20 khẩu pháo và khoảng 100 người, ta có thể thấy trong vòng một thế kỷ, kỹ thuật đóng thuyền đã có những tiến bộ vượt bậc như thế nào.

Sự phát triển của kỹ thuật hàng hải ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có sự tác động rất lớn của người châu Âu, đặc biệt là người Pháp. Chính vì biết được nhu cầu về thuyền chiến và vũ khí của các lực lượng bản địa, người châu Âu đã chủ động tiếp cận và thực hiện trao đổi mua bán vũ khí. John Barrow có nhắc đến sự kiện năm 1792, viên cố vấn người Pháp Evêque d’Adran đã khuyên Nguyễn Ánh mua 1 tàu chiến của Pháp và 7 tàu của người Bồ Đào Nha ở Sài Gòn để đem đánh Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, trước khi chiến trận nổ ra, người Bồ Đào Nha đã bỏ chạy cùng với thuyền của họ sang Macao[28].

Theo J. Barrow, trong thời gian đầu Nguyễn Ánh không có nhiều thuyền chiến để đối phó với quân Tây Sơn vốn sở hữu rất nhiều tàu lớn và vũ khí. Tuy nhiên, các đội thuyền của Nguyễn Ánh dưới sự chỉ huy của cố vấn Pháp đã giành được nhiều ưu thế trên chiến trường. Các viên tướng người Pháp Jean-Marie Dayot, Jean-Baptiste Chaigneau và Pigneau de Behaine được Nguyễn Ánh đặc biệt trọng dụng, giao trọng trách huấn luyện hải quân. Cách thức tổ chức và kỷ luật của thủy quân Nguyễn Ánh được phái đoàn người Anh quan sát và thuật lại nhân dịp họ được hộ tống từ Sài Gòn ra Huế như sau: “Các thuyền trong đoàn hộ tống chúng tôi trông giống như các thuyền chiến bình thường khác. Mỗi cái dài không dưới 90 feet (tương đương 27,5m), nhưng bề ngang rất hẹp. Chúng được thiết kế chắc chắn và có một cặp buồm. Mỗi thuyền có 5 khẩu đại bác lớn được thiết kế và đúc giống như đại bác của người châu Âu. Đoàn thủy thủ gồm có 40 tay chèo, không kể người thuyền trưởng và các quan viên khác, tất cả đều mặc đồng phục. Kỷ luật ở trên thuyền rất nghiêm khắc mà tôi không thể nào tưởng tượng nổi. Các tay chèo ra sức chèo liên tục trong một sự kết hợp hoàn hảo. Vị chỉ huy vừa đếm vừa gõ vào hai thanh lệnh bằng gỗ hình trụ tạo ra tiếng kêu. Tất cả sự liên lạc giữa thuyền này với thuyền khác được thực hiện bởi kèn hiệu lệnh. Khi hạ neo, sẽ có người canh gác thuyền và họ thường xuyên thay phiên nhau”[29]. Đây có lẽ là đoàn thuyền hoàng gia, phục vụ chủ yếu trên môi trường sống nên có vẻ nhỏ bé và trang bị vũ khí sơ sài hơn so với các hạm thuyền hoạt động trên biển. Trong một ghi chép của người Anh tên là Berry năm 1799, hạm đội tàu của Nguyễn Ánh gồm 3 tàu chiến lớn được chỉ huy bởi người Pháp, mỗi tàu có 300 lính, 100 tàu chiến galê và 40 thuyền mành, 200 thuyền nhỏ và 800 thuyền vận tải[30].

Không chỉ đóng vai trò là chỉ huy của nhiều hạm đội trong lực lượng hải quân của Nguyễn Ánh, người Pháp còn giúp Nguyễn Ánh xây dựng các xưởng sản xuất vũ khí và xưởng đóng thuyền. Chỉ trong vòng hai năm (1792-1793), Pigneau de Behaine đã giúp Nguyễn Ánh đóng được hơn 300 tàu chiến, 5 thuyền buồm và một đội lính thủy được tổ chức theo mô hình của châu Âu. Với sự giúp sức của người Pháp và sự chủ động của Nguyễn Ánh, từ chỗ đội quân của Nguyễn Ánh chỉ có duy nhất 1 thuyền vào 1783 khi họ bắt đầu chiến tranh với Tây Sơn, đến năm 1793, số thuyền của Nguyễn Ánh đã tăng lên tới 1200 chiếc. Trong số thuyền này có 3 chiếc được xây dựng theo kiểu châu Âu và 20 chiếc thuyền mành lớn giống như của người Trung Quốc nhưng được trang bị đầy đủ vũ khí, và số còn lại là tàu chiến và tàu vận tải.[31] Với sự phát triển đáng kinh ngạc của lực lượng hải quân ở Đàng Trong, J. Barrow đặt ra câu hỏi rất thú vị rằng: “liệu cũng trong vòng mười năm chiến tranh ác liệt như thế, cũng ở một đất nước (Đàng Trong – TG) như thế, các thần dân rất năng nổ của vua Louis XVI (chỉ chính phủ Pháp – TG) có thể xây dựng được một đội quân hùng hậu như vậy được không? Và điều gì có thể khiến cho chính phủ Pháp hiện tại chưa dám thử thiết lập thuộc địa ở phần còn lại của phương Đông này?”[32] Có lẽ J. Barrow ám chỉ đến sức mạnh hải quân của nhà Nguyễn khiến cho Pháp còn ngập ngừng trong việc xâm chiếm Việt Nam, trong khi theo Hiệp ước Versailles năm 1787, Nguyễn Ánh chấp nhận cho quân Pháp can thiệp vào Việt Nam.

Bản thân J. Barrow đánh giá rất cao vai trò chủ động và sáng tạo của Nguyễn Ánh trong việc tiếp thu kỹ thuật phương Tây. Theo J. Barrow, Nguyễn Ánh đã mua một tàu của người Bồ Đào Nha, sau đó tự tay nhà vua tháo dỡ ra và thay vào đó các thiết bị mà mình chế tạo. Con tàu vì thế hoàn toàn được cải tiến. Nhà vua thường dậy rất sớm, và sau buổi chầu là đi thẳng đến xưởng sản xuất vũ khí để kiểm tra xem các thợ có làm theo đúng sắp xếp của mình không. Bên cạnh việc chăm lo mở rộng các xưởng sản xuất vũ khí và thuyền chiến, Nguyễn Ánh cũng đốc thúc việc tuyển quân vào trong các hạm đội. Theo thống kê của J. Barrow đến năm 1800 tổng số binh lính trong lực lượng hải quân của nhà Nguyễn lên tới 26.800 người gồm có: 800 người làm việc trong xưởng thuốc súng, 8.000 người là thủy thủ, 1.200 làm việc trên thuyền kiểu châu Âu, 1.600 người trên thuyền mành, 800 người trên 100 thuyền galê. So với số quân trên bộ là 113.000 người, lực lượng lính thủy chiếm gần một phần tư tổng số quân lính của nhà Nguyễn[33].

Có vẻ như sau khi đã đánh bại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã không còn chú tâm phát triển lực lượng hải quân như trước nữa. Những ghi chép liên quan đến công việc đóng thuyền của người Việt giai đoạn đầu thế kỷ XIX thường đề cập nhiều đến các loại thuyền nhỏ, phục vụ cho hoạt động thương mại hoặc nhu cầu của hoàng gia hơn là những chiến thuyền lớn để cung cấp cho quân đội. Điều này được phản ánh khá rõ trong ghi chép của John White, một người Mỹ đã đến Đàng Trong vào năm 1819. Khi John White đến thăm một xưởng đóng tàu bên sông Sài Gòn, ông vẫn thấy các vật liệu dùng để đóng tàu, nhưng không thấy công việc đóng tàu được triển khai. Ông viết “về phía Đông Bắc Sài Gòn, bên bờ một con sông sâu là công xưởng đóng tàu và kho vũ khí hải quân. Nơi đây trong thời chiến người ta đóng những thuyền chiến lớn và với sự chỉ đạo của sĩ quan người Pháp, họ đã đóng hai chiếc thuyền chiến (frigate) kiểu châu Âu. Xưởng này làm tăng niềm tự hào của người An Nam so với những gì họ có trong xứ. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng tốt nhất ở châu Âu. Khi chúng tôi tới đây thì không có một chiếc thuyền lớn nào chạy ra, cũng không có cái nào đang được đóng, nhưng có rất nhiều vật liệu tốt đủ để đóng tàu frigate. Gỗ đóng tàu và vỏ tàu là những thứ rất đẹp mà tôi chưa từng thấy. Tôi đo một miếng ván vỏ tàu dài 109 feet (khoảng 33,2m), dày 4 feet (12,3cm) và rộng 2 feet (60cm). Nó được cưa ra từ một thân cây gỗ tếch (teak). Tôi khó tin là người ta có thể kiếm đâu ra trên thế giới một cây vĩ đại đến như thế. Tôi đã thấy ở các xứ này một thân cây không có mấu mà người ta có thể làm cột buồm lớn cho tàu chạy đường trường. Và người ta nói với tôi là cái đó cũng không hiếm lắm. Có khoảng 150 chiến thuyền galê rất đẹp nằm dưới mái che. Chúng dài từ 40 đến 100 feet (12 đến 30m) và chúng mang từ 4 đến 6 khẩu đại bác với đạn từ cỡ 4 đến 12 cân. Tất cả đều được đúc bằng đồng rất đẹp. Ngoài ra còn có 40 chiến thuyền đang được sửa soạn cho viên tổng trấn (Lê Văn Duyệt) khi ông ta trở lại từ Huế. Phần lớn các thuyền được chạm trổ rồng phượng, được sơn son thiếp vàng, màu sắc sặc sỡ. Quang cảnh thật là sống động. Người An Nam thực quả là những kiến trúc sư đóng tàu thật khéo léo và tác phẩm của họ thật là tuyệt. Tôi rất ấn tượng về cái ngành này trong nền kinh tế của họ và vì thế đã đi xem nhiều lần công xưởng này[34].

Dựa trên những chi tiết trang trí trên thuyền và việc Lê Văn Duyệt sắp từ Huế vào Sài Gòn lấy 40 thuyền, chúng ta có thể đoán được rằng, các thuyền được đóng ở xưởng này bây giờ chủ yếu là để phục vụ cho đội thuyền của hoàng gia ở kinh thành Huế, chứ không phải là để phục vụ hải quân hoạt động trên biển. John White cũng cho biết rằng, nhà vua có một đội thuyền lớn ở Huế. Trong năm 1819, có thêm 200 chiếc thuyền được đóng, mỗi chiếc đặt 4 khẩu đại bác. Chúng là những thuyền buồm có mái chèo, được thiết kế theo phong cách châu Âu. Thân thì hoàn toàn giống với thuyền châu Âu, nhưng mái chèo là sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và An Nam. John White hết lời ca ngợi khả năng học hỏi tuyệt vời của người Anh Nam với khoa học và công nghệ đóng thuyền của châu Âu. Thậm chí ông còn cho rằng trong số các quốc gia ở châu Á thì Đàng Trong có khả năng thích ứng tốt nhất với cuộc phưu lưu trên biển. Lý do được John White đưa ra là vì so với các cường quốc khác trong khu vực thì Đàng Trong có vị trí địa lý thuận lợi nhất, có cơ sở vật chất để xây dựng nên đội hải quân hùng hậu bảo vệ cho hoạt động thương mại, các cảng biển thì quá hoàn hảo cho tàu thuyền ra vào, dân cư thì quen thuộc với môi trường sông nước. Khả năng đi biển của người “An Nam” thậm chí có thể cạnh tranh được với các thủy thủ của Trung Quốc[35].

Đến Huế vào năm 1823, một thành viên của phái đoàn ngoại giao Anh John Moor cũng ghi lại hoạt động đóng thuyền và trang bị của các thuyền chiến nhà Nguyễn. Theo John Moor, bên bờ sông, trước kinh thành Huế, có các xưởng đóng tàu với khoảng 50 chiếc thuyền hai buồm, mỗi cái được trang bị 14 khẩu đại bác. Do mực nước sông thấp nên nơi đây không có chỗ cho các thuyền lớn hơn. Sàn thuyền được trang trí theo kiểu Pháp, nhưng trần, đuôi và boong tàu theo phong cách của Đàng Trong. Các thuyền đều được làm bằng gỗ teak loại tốt và tay nghề của người thợ thì thật tuyệt vời. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng búa đinh tai nhức óc […]. Ở dưới sông có khoảng 80 thuyền dùng để chở trọng pháo, và khoảng 6 hoặc 8 thuyền nhỏ hơn có thể chở được từ 100 đến 150 tấn. Các thuyền này đều được đóng khoảng 7 hoặc 8 năm trước đây, và bây giờ vì không được sử dụng đến, chúng đều được treo lên. Tổng số thuyền chiến của nhà Nguyễn theo John Moor là 1.530 chiếc, trong đó 50 chiếc thuyền hai buồm chở 14 đại bác, 80 pháo hạm, 100 thuyền lớn các loại, khoảng 300 thuyền galê loại lớn, 500 thuyền galê loại nhỏ, và ở các tỉnh có khoảng 500 thuyền galê loại nhỏ nữa chỉ 20 đến 40 mái chèo. Có đến hai phần ba số thuyền được cất vào trong kho và chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp[36].

Dựa vào hai ghi chép của John White và John Moore, chúng ta thấy có sự khác nhau về nhịp độ công việc của các xưởng đóng thuyền ở Sài Gòn và kinh thành Huế. Có thể là do số lượng các xưởng đóng tàu đã bị thu hẹp và dần chuyển về khu vực kinh thành nằm dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Trong bài viết về nghề đóng thuyền ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, học giả Li Tana cũng chỉ rõ sự di cư của một bộ phận lớn những thợ đóng thuyền từ Đàng Trong tới khu vực chuyên đóng thuyền của Xiêm là Chanthaburi vào cuối thập niên 1830. Thậm chí nhiều người Việt sau khi di cư sang đất Xiêm đã được bổ nhiệm các chức quan trong lực lượng hải quân của triều đình Xiêm[37].

3. Thay cho lời kết

Sự di cư của một bộ phận lớn dân cư ở Đàng Trong sang đất Xiêm có liên quan mật thiết đến chính sách cấm đạo khắt khe của nhà Nguyễn. Nhiều thợ thủ công theo Thiên chúa giáo đã phải trốn sang Xiêm và được chính quyền Xiêm trọng dụng. Việc cấm đạo gay gắt và thái độ lãnh đạm với các giáo sĩ người Pháp đã vô hình chung làm gián đoạn sự giao lưu học hỏi của người Việt với công nghệ và kỹ thuật phương Tây, trong đó có đóng thuyền. Tư liệu của người phương Tây không đề cập nhiều đến thủy quân của nhà Nguyễn trong hai thập kỷ cuối trước khi thực dân Pháp xâm lược, bởi với chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn, rất ít người phương Tây có điều kiện thâm nhập, tìm hiểu đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra vào các năm 1847, 1856, 1858, 1859 chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ rằng đã có sự suy giảm mau chóng về sức mạnh hải quân của nhà Nguyễn.

Lịch sử cho thấy, trong suốt thế kỷ XVII, quân đội chúa Nguyễn đã nhiều lần đánh bại các cuộc tấn công của hạm đội Hà Lan, vốn được coi là mạnh nhất ở vùng biển châu Á thời bấy giờ. Trước đó, năm 1585, theo lệnh của Nguyễn Hoàng, lực lượng hải quân của Đàng Trong gồm 10 chiến thuyền do Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1634) chỉ huy đã tấn công một đoàn thuyền lớn gồm 5 chiếc do Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenchi) đến cướp ở Cửa Việt và đã đánh tan 2 chiếc. Trước sự tấn công quyết liệt của lực lượng hải quân Đàng Trong “Hiển Quý sợ chạy… Từ đó giặc biển im hơi”[38]. Như vậy, cũng như chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng đã rất coi trọng việc bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển. Việc xây dựng lực lượng thủy binh mạnh là một trong những biểu đạt rõ rệt nhất của các chính thể trong việc nhận thức về vai trò, vị trí, chủ quyền biển đảo và thực tế đã khẳng định được chủ quyền, bảo vệ vững chắc đất nước cũng như các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Trên phương diện kỹ thuật, việc chính quyền Đàng Ngoài, Đàng Trong cũng như các triều đại Tây Sơn và Nguyễn về sau, có thể đóng nhiều loại thuyền, trong đó có chiến thuyền, đã cho thấy truyền thống, khả năng đi biển, chinh phục và làm chủ biển khơi của người Việt. Do có tri thức biển, thông hiểu kỹ thuật chế tác và có những nguồn gỗ quý (gỗ tếch, gỗ sao…) nên thuyền, đặc biệt là với Đàng Trong, không chỉ là phương tiện vận chuyển, đi lại, bảo vệ an ninh… mà thực sự còn là một loại hàng hóa. Các nguồn tư liệu trong nước, quốc tế cho thấy, trong từng không gian biển, người ta đã biết chế tạo ra các loại thuyền đi biển phù hợp. Cùng với các luồng di cư, truyền thống đóng thuyền của cư dân vùng biển đảo Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ đã được tiếp nối, phát triển sáng tạo ở các trung tâm đóng tàu, thuyền nổi tiếng vùng Quảng Nam. Truyền thống Việt kế thừa kỹ thuật Champa đã giúp cho ghe bàu Quảng Nam có thể ngược xuôi trên nhiều vùng biển trong nước, quốc tế và giúp chính quyền Đàng Trong giữ vững an ninh vùng biển đảo.    

Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, những phát triển trong sức mạnh hải quân của nhà Nguyễn đã góp phần kìm hãm tham vọng xâm chiếm Việt Nam của một số cường quốc phương Tây. Nhà Nguyễn cũng đã nhiều lần đánh bại sự xâm lấn của quân Xiêm vào lãnh thổ phía Nam. Vậy điều gì đã khiến cho một quốc gia vốn có truyền thống phát triển hải quân lâu đời như thế rốt cuộc lại rơi vào tay thực dân Pháp? Có phải là vì các đời vua sau (Thiệu Trị, Tự Đức) đã không tiếp nối được truyền thống hải thương của cha ông và đã không có được nhận thức đúng về sự hưng thịnh của các Cường quốc đại dương (Maritime powers) đồng thời kịp thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thích ứng, ngăn chặn những tác động đa chiều của môi trường chính trị khu vực, quốc tế?
Chú thích
[1] C. Tucker Spencer: Vietnam. Lexington – University Press of Kentucky, 1999, p.28.
[2] Dẫn theo Phạm Văn Sơn: Việt Sử tân biên, Quyển 5, Tập thượng, Sài Gòn, tr.76.
[3] Alexandre De Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, pp.13. Bản dịch tiếng Việt: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr.15.
[4] Thuyền galê là một loại thuyền chiến vừa dùng buồm vừa dùng mái chèo, rất dài và hẹp. 
[5] A collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne. London: Admund Everad Publiser, 1680, pp.14-15.
[6] Frainςois Valentijn: Oud en Nieuw Oost-Indiën, Del.IV/B, p.6. 
[7] Christophoro Borri: Cochin-China: Containing many admirable rarities and singularities of that country. London: Robert Asley, 1633, p.1.
[8] W.J.M. Buch: De Oost-Indische Compagnie en Quinam, de betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVII eeuw. Amsterdam: H.J.Paris, pp.81, 86.
[9] Thomas Bowyer: Les Européens Qui ont vu le vieux Hue 1695-1696, BAVH, Vol.2/1920, pp.183-240.
[10] W.J.M. Buch: De Oost-Indische Compagnie en Quinam, de betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVII eeuw. Amsterdam: H.J.Paris, 1929, p.88; Hoang Anh Tuan: Silk for silver, Dutch-Vietnamese relations, 1637-1700. Leiden: Brill,2007, p.74.
[11] William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb. Thế Giới, H., 2011, tr.99.
[12] Christophoro Borri: Cochin-China: Containing many admirable rarities and singularities of that country. London: Robert Asley Publiser, 1633, p.I.2.
[13] Alexandre De Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, p.17.
[14] Frainςois Valentijn: Oud en Nieuw Oost-Indiën, Vol.IV, p.6. 
[15] William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb. Thế Giới, H., 2011, tr.99.
[16] W. Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb. Thế Giới, H., 2011, tr.99.
[17] Christophoro Borri: Cochin-China – Containing many admirable rarities and singularities of that country. London: Robert Asley, 1633, pp.I.2.
[18] M.L’Abbé de Choisy: Journal du voyage de Siam fait en 1685. & 1686. Paris: Sabastien Mabre-Cramoisy. 1687, p.567.
[19] A Collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne. London: Admund Everad Publiser, 1680, p.15.
[20] Alexandre De Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, p.22.
[21] A Collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne. London: Admund Everad Publiser, 1680, p.16
[22] Alexandre de Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, p.20.
[23] M.L’Abbé de Choisy: Journal du voyage de Siam fait en 1685. & 1686. Paris: Sabastien Mabre-Cramoisy. 1687, p.430.
[24] John Barrow: A Voyage to Cochin China in the year 1792 and 1793. London: New-Street square Publisher, 1806, p.320.
[25] Journal of an embassy from the governor-generor of India to the courts of Siam and Cochinchina. London: Henry Colburn and Richard Bentley, 1830, p.355.
[26] "Thư của Chaigneau gửi cho Barizy ngày 2-3-1801". Dẫn theo Mantienne Frédéric: Monseigneur Pigneau de Béhaine. Paris: Editions Eglises d’Asie, 1999, p.130
[27] Thư của L. Barizy gửi Letondal đề ngày 11-4-1801. Dẫn theo Sử địa, số 21, Sài Gòn, 1971, tr.166.
[28] John Barrow: A Voyage to Cochin China in the year 1792 and 1793. London: New-Street square Publisher, 1806, p.257.
[29] Journal of an embassy from the governor-generor of India to the courts of Siam and Cochinchina. London: Henry Colburn and Richard Bentley, 1830, p.367.
[30] Dẫn theo Mantienne Frédéric: Monseigneur Pigneau de Béhaine. Paris: Editions Eglises d’Asie, 1999, p.129.
[31] John Barrow: A Voyage to Cochin China in the year 1792 and 1793. London: New-Street square Publisher, 1806, p.275. Theo học giả Li Tana thì đến năm 1819, số thuyền của Nguyễn Ánh đã tăng lên 1482 chiếc, gồm 490 chiến thuyền galê, 77 đại chiến thuyền, 66 thuyền lớn kiểu châu Âu và số còn lại là các thuyền buồm, hoặc ghe bầu loại nhỏ dùng để vận tải. Li Tana: Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền ở Đàng Trong. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4–2002, p.81.
[32] John Barrow: A Voyage to Cochin China in the year 1792 and 1793. London: New-Street square Publisher, 1806, pp.275, 283.
[33] John Barrow: A Voyage to Cochin China in the year 1792 and 1793. London: New-Street square Publisher, 1806, p. 283.
[34] ‪ John White: A Voyage to Cochin China. London: Longman 1824, pp. 234-235.
[35] John White: A Voyage to Cochin China. London: Longman 1824, p.265.
[36] J.H. Moor: Notices of the Indian Archipelago, and adjacent countries. Singapore: Singapore free press, 1837, pp.33-34.
[37] Li Tana: Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền ở Đàng Trong. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 -2002, tr.90-91.
[38] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 2002, tr.32.
 
TS. Phạm Văn Thủy
Nguồn:
Nguyễn Văn Kim (cb.), Người Việt với biển, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.506-523
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 03-11-2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây