THIÊN ĐÔ CHIẾU CỦA VUA LÝ CÔNG UẨN -
NHỮNG GIÁ TRỊ CHƯA BAO GIỜ CŨ
PGS.TSKH NGUYỄN HẢI KẾ
1. Mùa xuân năm 1010, vài tháng sau khi Triều Lý được thành lập, và sau tết đầu tiên trên cương - vị - vua ở kinh thành Hoa Lư (Hoa Lau), Lý Công Uẩn về thăm hương Cổ Pháp, cho các bô lão trong hương tiền, lụa; viếng đền vị anh hùng làng Dóng và tặng thần danh hiệu Xung thiên thần vương (Thần vương xông lên trời)... Tiếp đến cho sứ giả Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống kết hảo.
Sau những việc trên, Lý Công Uẩn tự tay viết chiếu[1] về việc chuyển kinh đô - sự kiện trọng đại sau ngày sáng nghiệp vương triều:
Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị, tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?
Dịch nghĩa[2]:
Xưa nhà Thương[3] đến Bàn Canh[4] năm lần đời đô[5]; nhà Chu[6] đến Thành Vương[7] cũng ba lần dời đô[8]. Phải đâu các vua thời Tam đại[9] theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời. Làm như thế cốt để mưu toan nghiệp lớn, đóng đô ở nơi trung tâm, tính kế cho con cháu muôn đời; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót, không thể không đổi dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương[10] ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư không phải chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào?
2. Hơn một lần, nhất là trong thập niên qua[11], người Việt Nam, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá ngẫm ngợi, nghĩ suy về bài chiếu tự tay Vua viết (thủ chiếu) chủ trương về chuyện dời đô (mà về sau quen gọi là Thiên đô chiếu)[12] của Người. Và, cứ mỗi lần như vậy, các con cháu của Người lại nhận chân ra điều tâm đắc mới từ "Chiếu thiên đô".
Chẳng hạn:
- Khi 950 kỷ niệm năm triều Lý (1959), Nguyễn Lương Bích phân tích: "Lý Công Uẩn đã quyết định dời Hoa Lư, thiên đô đi nơi khác, không phải về vùng quê Bắc Ninh của ông, mà thiên đô tới miền Hà Nội bây giờ,... không phải là việc làm ngẫu nhiên hoặc do ý muốn chủ quan hay do tài năng đặc biệt của Lý Công Uẩn, càng không phải vì miền Hà Nội có sẵn cái thành của Cao Biền khi xưa mà lúc ấy đã không còn nữa. Việc thiên đô của Lý Công Uẩn năm 1010 chính là do hoàn cảnh xã hội lúc ấy cho phép và cũng là do những yêu cầu phát triển của xã hội Việt Nam lúc ấy đặt ra.
... Lý Thái Tổ đã chọn miền Hà Nội, vì miền Hà Nội lúc ấy, ngoài những điều kiện thiên nhiên thuận lợi sẵn có, còn có những điều kiện kinh tế xã hội rất tốt để làm nền tảng cho việc xây dựng kinh thành mới được bền vững lâu dài. Những điều kiện kinh tế xã hội của miền Hà Nội thời ấy đã được Lý Thái Tổ nhận thấy và nói rõ trong bài chiếu Thiên đô”[13].
- Năm 980 năm của Thăng Long - Hà Nội, Đinh Gia Khánh khi phân tích trong Chiếu dời đô, viết: "Lý Thái Tổ nói đến việc trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân. Mệnh trời, thiên mệnh, theo cách nói của người xưa được sắc màu huyền bí, nhưng thiên mệnh, thiên lý chắng qua để gọi cái lẽ phải làm theo, không thể cưỡng lại”[14].
990 năm vương triều Lý (năm 1999), khi suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài chiếu về việc dời đô, Trần Quốc Vượng nhận thấy ít nhất mấy điều sau:
- Chỉ sau khi qua Đại La để về Cổ Pháp - Kinh Bắc và lại còn sau khi tiếp sứ Tống sang kết hiếu.., ý định dời đô của vua đầu triều Lý mới quyết.
- Thi pháp chiếu dời đô xuất phát từ xa xưa để rồi mới lân la nói đến chuyện ngày nay, bây giờ, ở đây.
- Khi học cái ngoại sinh, Lý Công Uẩn chỉ rút tỉa trong các khối tư tưởng đó những cái gì có thể áp dụng được.
- Chiếu của Lý Công Uẩn về việc dời đô là một bản tuyên ngôn địa chính trị, địa - chiến lược, địa - văn hoá về Đại La, Thăng Long - Hà Nội.
- Câu văn đắt nhất trong bài chiếu là ở câu cuối cùng: Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy, để định nơi ở, ý các khanh ra sao?
Đó là cái thần của bài chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hoá Việt đầu đời Lý”[15]...
3. Bây giờ, tròn 1 thiên niên kỷ Vương triều Lý, và bậc thềm cuối cùng lên đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những giá trị của Chiếu Thiên đô mà các nhà nghiên cứu đi trước đã tìm tòi, càng được khẳng định, và tiếp tục tỏa sáng.
3.1 Đúng là bài thủ chiếu mở đầu bằng "Tích" - ngày xưa, xưa,…
Tư duy Việt Nam từ xưa cho đến hôm nay, vẫn thường có điểm xuất phát kiểu: "ngày xửa, ngày xưa" - như trong mở đầu các truyện cổ tích, truyền từ đời trước qua đời sau. Điều đó cũng không có gì lạ.
Thế kỷ X ở Việt Nam khép lại với những cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ để vượt qua qua gần 1.000 năm thuộc địa trực tiếp của các đế chế phương Bắc, đã phải trực tiếp giữ vững độc lập, chủ quyền của quốc gia dân tộc bằng Bạch Đằng năm 938, năm 981.
Thế nhưng bây giờ - năm 1010, trí tuệ cao nhất, tiêu biểu nhất, người đứng đầu vương triều Lý lại dẫn kinh nghiệm từ chính Phương Bắc! Đó là sự sao chép, giáo điều hay bị áp đặt?
Qua các thời kỳ lịch sử, các trung tâm văn minh lớn của châu Á - là Thế giới đối với Việt Nam hàng ngàn năm, là một hấp dẫn, ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam ngay từ thời cổ đại. Ở phần bắc lãnh thổ, mối quan hệ và hấp lực ấy, mạnh mẽ trực tiếp, thường xuyên là văn minh phương Bắc. Trong quan hệ biện chứng với tư cách một quốc gia độc lập, không có một vấn đề gì, nhất là vấn đề chiến lược, trí tuệ và kinh nghiệm nào lại tách rời, cô lập, đơn tuyến với những tác động kinh tế, chính trị, xã hội đương thời. Sự tiếp xúc với văn minh Trung Quốc cổ đại - dưới nhiều hình thức là tác nhân quan trọng dẫn đến những chuyển biến kinh tế, xã hội Văn Lang - Âu Lạc nửa cuối thiên niên kỷ I trước Công nguyên, rồi thiên niên kỷ I sau đó. Giờ đây, khi thoát khỏi ách đô hộ, giành được quyền độc lập gần một thế kỷ, nhà Lý - Đại Việt có điều kiện, chủ động để thâu hoá kinh nghiệm Trung Hoa. Nói cách khác, việc rút kinh nghiệm phương Bắc, của Lý Công Uẩn - và rộng ra là của trí tuệ lớn, đương thời, trong chuyện dời kinh đô không phải là việc lựa chọn nhất thời, nông nổi, mà là một sự thẩm định, có cân nhắc kỹ càng, khách quan.
Nhưng không chỉ có dựa vào kinh nghiệm phương Bắc, Lý Công Uẩn đối chiếu với kinh nghiệm lịch sử - mà thế hệ cha ông ở kinh thành Hoa Lư (từ 968 đến 1009) trong đó bản thân ông trải nghiệm, chính là tri thức thực tiễn nóng hổi.
3.2 Khi nhắc lại kinh nghiệm phương Bắc cổ đại và bài học thời Đinh, Lê, hai lần Lý Công Uẩn dùng đến "kỷ tư" (tự tiện, riêng mình).
- “Khởi Tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ” (Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời).
- “Nhị Đinh, Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư” (Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình).
Đó cũng chính là hai lần Lý Công Uẩn quán triệt đi, quán triệt lại một nguyên tắc: Việc dời đô không được tự tiện theo ý riêng của mình.
Rồi lần lượt tự phản biện với chính tiền đề, lý lẽ của mình đưa ra với tư duy lịch đại và đồng đại, kế thừa - phát triển, tránh chủ quan.
Nói cách khác, dù là dẫn kinh nghiệm - trí thức lịch sử phương Bắc cổ đại là tri thức thế giới đương thời, là tri thức sách vở, hay là chuyện Đinh, Lê của Đại Cồ Việt là thực tiễn, là môi trường cụ thể Hoa Lư thế kỷ X (từ 968), thì với Lý Công Uẩn, cả hai bài học kinh nghiệm, kiểm định lịch sử ấy, là nền cho phép ông xây dựng, xác định, nhất quán một nguyên tắc:
Không được tự tiện, theo ý riêng mình (chủ quan) trong việc chuyển dời kinh đô (thiên đô)!
Công việc đó chỉ khi nào phải đảm bảo kết hợp, thống nhất "Trên vâng mệnh trời” với “dưới theo ý dân”, đồng nghĩa và cụ thể “là không theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời”.
Mục đích tối thượng của việc xây dựng kinh đô của quốc gia, theo Lý Công Uẩn là:
- “Mưu toan nghiệp lớn” là đồng nghĩa với “vi ức vạn thế tử tôn chi kế" (tính kế muôn đời cho con cháu).
- “Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ” (vận/ nền nước vững bền lâu dài, phong tục phồn thịnh) là đối nghịch với “triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.
(Nhân đây, cũng phải nói rõ, mục đích đầu tiên và tối thượng của Lý Công Uẩn trước hết chính là vì con cháu (tử tôn) của chính vua. Không phải ngẫu nhiên mà đến năm 1070: "Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”; rồi năm 1076, gần 70 năm ngày định đô Thăng Long, lớp con, cháu của Đức Lý Công Uẩn cho dựng Quốc Tử Giảm - trường để dạy, rèn chính con vua - người quản lý cao nhất của vương triều, quốc gia).
3.3. Sau khi đã xác lập vững vàng nguyên lý ấy, Lý Công Uẩn đã chỉ ra vùng ven sông Nhĩ - Nhị, Kim Ngưu, Tô Lịch hiện thời, nơi:
- Thứ nhất: đã được lịch sử thẩm định: “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương”.
- Thứ hai: vùng đất này: “ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng".
-Thứ ba: vị thế tự nhiên, thẩm định của lich sử - dù rất quan trọng, nhưng, căn bản hơn cả chính là đáp ứng được tiêu chuẩn cuối cùng, liên quan đến nền tảng rộng lớn hơn của nhân tài,vật lực quốc gia: “Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Ông đã đi đến một nhận định, một kết luận: “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”.
Như vậy là:
Không phải chỉ nhấn mạnh bài học của quá khứ, chỉ mở đầu bằng "Tích" (chuyện xưa) - là kiểu tư duy lịch đại (diachronic) - nhờ đó, con người có cách đo, lường, “ôn cố nhi tri tân” rút kinh nghiệm sâu sắc cái đã qua, một cách tiết kiệm trong số những tiết kiệm của năng lực con người, mà Lý Công Uẩn thiếu đi tư duy đồng đại (synchronic).
Đến đầu thế kỷ XXI, nhân loại bàn nhiều đến sự phát triển bền vững, sau khi đã trả giá cho quá nhiều sai lầm trên quá trình vận động của mình về sự nhắm mắt, trực kiến về kết quả nhãn tiền... Lịch đại và đồng đại là hai mặt của quá trình tồn tại - vận động - phát triển. Nếu thiếu đi tư duy đồng đại thì không có sự vận động, phát triển. Ngược lại thiếu đi tư duy lịch đại, không rút kinh nghiệm, thiếu sự định hướng, thì sự vận động đó không thể bền vững, thậm chí có tác dụng ngược lại - kìm chế, phá hoại sự phát triển, là bóc ngắn cắn dài, hy sinh tương lai cho cái trước mắt, hy sinh thế hệ cháu con, làm rối loạn sự phát triển.
3.4. Nhưng, trước khi đặt dấu chấm cho thủ chiếu cúa mình, đấng quân vương - người lãnh đạo cao nhất, tuyệt đối của chế độ quân chủ thời Lý, vẫn thêm một lần hạ bút “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”
Chỉ có như thế, Đức vua Lý Công Uẩn mới thật thanh thản!
Dòng cuối cùng trong Thiên đô chiếu, mà theo Trần Quốc Vượng, là “Câu văn đắt nhất trong bài chiếu. Đó là cái thấn của bài chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hoá Việt đầu đời Lý”.
Sau đoạn này, thấy Sử cũ ghi: Bề tôi đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo. Vua cả mừng”.
Nếu biết rằng, theo Việt sử lược - tác phẩm gần với đương thời nhất, Lý Công Uẩn rất chặt chẽ trong hành động.
Khi còn là Thân vệ trong kinh đô Hoa Lư của triều đình Lê, khi Vạn Hạnh nói: “Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất mà nhà Nguyễn (Lý) tất phải lên. Họ Nguyễn không ai nhân từ, khoan dung như ông, lại được lòng dân...”. Lý Công Uẩn bảo Vạn Hạnh đến ẩn náu ở núi Ba Sơn.
Đầu năm 1009, khi Chi hậu Đào Cam Mộc hai, ba lần trực tiếp, hết dùng lẽ xa xôi để khích, rồi: “thong thả chấp nhận đành chịu chết”, đến quyết liệt hơn rằng: “Chuyển hoạ thành phúc cũng chính là lúc này” để phân tích Lý Công Uẩn lên ngôi, thì:
- Lần thứ nhất, Lý Công Uẩn vờ mắng: “ông sao lại dám nói lời như thế, ta tất phải bắt ông nạp quan làm tội”.
- Lần thứ hai: “Ta sao lại nhẫn tâm đi cáo giác ông, nhưng sợ rằng lộ ra thì bị giết cả”.
- Lần thứ ba, thì: “Ta xem chí ông cùng Vạn Hạnh không khác gì nhau, nếu thực như lời nói ấy, thì phải làm thế nào?”[16]. Hoá ra không phải là một lời khen mà vẫn là một câu hỏi cần chỉ dẫn, góp ý, tư vấn!
Sau 1010, theo Đại Việt sử ký toàn thư - bộ biên niên sử muộn hơn, thì thêm hai ba lần vua Lý Công Uẩn bộc lộ qua ngôn từ, chẳng hạn:
- Năm 1012: Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: "Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét"[17].
Năm 1016: Động đất. Làm lễ tế vong các danh sơn. (Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: "Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ"[18].
Những sự kiện góp phần soi rõ hơn chân dung, phẩm chất nhân cách Lý Công Uẩn, về hành động của đức Lý Công Uẩn khi tự tay viết 214 chữ trong Chiếu dời đô.
Thủ chiếu của vua Lý Công Uẩn về việc chuyển kinh đô, sản phẩm của một chiều sâu trí lự, đối chiếu so sánh, kết hợp cả kinh nghiệm của ngoài nước và trong nước, của quá khứ và hiện tại (lịch đại và đồng đại), sự đồng lòng trên và dưới, giữa triều đình và dân chúng, thoả mãn cả quyền lợi của tập đoàn nhà Lý, với quyền lợi căn bản của chúng dân về việc chuyển dời, xây dựng một kinh đô mới.
Chiếu dời đô bộc lộ khúc triết, tổng thể tâm thế, tư duy, nhân cách của bậc đế vương khai sáng một triều đại, khai sinh một kinh thành của quốc gia Đại Việt 1.000 năm trước.
Đó chính là khối toàn bích, biện chứng mẫu mực trong tư duy của đức Lý Công Uẩn, vì thế chẳng bao giờ mờ cũ mà hẳn càng toả sáng theo dặm dài tháng năm của Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam.
Chú thích:
[1] Chiếu: tức chiếu lệnh, còn gọi là "Chiếu thư", "Chiếu chỉ", "Chiếu bản". Đó là thể văn mà vua truyền đạt mệnh lệnh của mình xuống cho thần tử và nhân dân biết về, hay phải thực hiện một vấn đề gì đó (dù bài văn thực tế do ai viết thì lời lẽ và địa vị của chủ thể vẫn luôn là nhà vua).
Chiếu quan trọng vì nó vừa là mệnh lệnh của vua, vừa là chủ trương, chính sách của triều đình về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục....
Các loại chiếu như: tức vị chiếu (chiếu kế vị), di chiếu (chiếu dặn lại trước khi qua đời), ai chiếu, phục chiếu, mật chiếu, thủ chiếu, khẩu chiếu. Thư tịch cổ Trung Quốc còn lưu lại những: Cao Đế cầu hiền chiếu (Chiếu cầu người hiền của Hán Cao Tổ), Văn Đế nghị tá bách tính chiếu (Hán Văn Đế đề nghị các đại thần nghĩ cách giúp đỡ trăm họ), Cảnh Đế lệnh nhị thiên thạch tư chức chiếu (Hán Cảnh Đế lệnh cho các quan phải thực hiện đúng chức trách), Vũ Đế cầu mậu tài dị đẳng chiếu (Hán Vũ Đế cầu người tài xuất chúng để lập chiến công lừng lẫy).
Đại Việt thời Lý cũng còn thấy để lại những: Xá thuế chiếu của Lý Thánh Tông, Lâm chung di chiếu của Lý Nhân Tông, Chung hối tiền quá chiếu (Chiếu hối lỗi) của Lý Cao Tông, Thảo Trần Tự khánh chiếu (Chiếu đánh dẹp Trần Tự Khánh) của Lý Huệ Tông, Thiên vị chiếu (Chiếu nhường ngôi) của Lý Chiêu Hoàng....
[2] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch và chú thích của Ngô Đức Thọ. Hiệu đính của Hà Văn Tấn, Nxb KHXH, H.1993. tập 1, tr. 241.
[3] Thương: Triều đại do Thành Thang dựng lên
[4] Bàn Canh: Vua thứ 17 của nhà Thương (khoảng thế kỷ XVI tr.CN - 1066 tr.CN).
[5] Năm lần dời đô: từ đất Bặc (Thương Khâu, Hà Nam) sang đất Hiệu (Huỳnh Trạch, Hà Nam), đất Tương (An Dương, Hà Nam), đất Cảnh (Hà Tân, Sơn Tây), đất Hình (Hình Đài, Hà Bắc), rồi đất Ân (Yển Sư, Hà Nam).
[6] Chu: triều đại cổ tiếp nối nhà Thương do Chu Văn Vương mở đầu.
[7] Thành Vương: Vua thứ 3 nhà Chu (ước khoảng năm 1066 tr.CN - 771 tr.CN)
[8] Ba lần dời đô: Chu Văn Vương dựng nghiệp ở đất Kỳ (Thiểm Tây), Chu Vũ Vương dời đô đến Trường Yên (cũng Thiểm Tây), và Chu Thành Vương lại dời đô sang Lạc Ấp (Hà Nam).
[9] Tam đại: ba đời Hạ, Thương, Chu ở Trung Quốc.
[10] Cao Vương: tức Cao Biền, viên quan đứng đầu bộ máy cai trị của nhà Đường ở nước ta (thời đó gọi là Giao Châu), vào nửa sau thế kỷ thứ IX và Cao Biền cho đắp thành Đại La (khoảng năm 866).
[11] Có thể kể, như: (năm 1925) mục “Việc dời kinh đô về Thăng Long”, trong Việt sử yếu, Hoàng Cao Khải viết: "Nhà vua nghĩ Hoa Lư là nơi ẩm thấp, chật hẹp, nên ngài muốn dời kinh đô ra thành Thăng Long, nhưng ngài lại còn e ngại quần thần và nhân dân trong nước không chịu nghe theo ý nghĩ của người...Vua Lý Thái Tổ đã khôn khéo mượn thần đạo để cột chặt lòng người", Bản dịch của Hồng Liên Lê Xuân Giáo. Bản in của Nxb. Nghệ An, 2007, tr. 136.
Trong thập niên 1999 - 2009 có thể kể như: Trần Quốc Vượng: Vài suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài chiếu về việc dời đô của vị vua khai sáng triều Lý, in lại trong: Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb. Hà Nội, 1999, tr.238-252.
Nguyễn Quang Khải: "Thiên đô chiếu - Văn bản đầu tiên thể hiện chủ trương dời đô ở nước ta", Bắc Ninh xưa và nay, 11/5/2009.
Tạ Ngọc Liễn: "Lý Công Uẩn và Chiếu dời đô, áng văn bất hủ". Tạp chí Hội nhà văn.
[12] Trần Quốc Vượng, Vài suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài chiếu về việc dời đô của vị vua sáng nghiệp nhà Lý, in trong: Trên mảnh đấy ngàn năm văn vật, Nxb. Hà Nội.2000, tr.238-252; Đầu đề bài chiếu này vốn không có tên. Các tác gia, nhà nghiên cứu về sau gọi là Tỉ đô Thăng Long chiếu (Hoàng Việt văn tuyển) hay Thiên đô chiếu (Văn học đời Lý, Hợp tuyển thơ văn, Thơ văn Lý Trần tập I... cũng không phải là nguyên tác.
[13] Xem Mục B. Định đô Thăng Long trong Lịch sử Thủ đô Hà Nội (Trần Huy Liệu chủ biên) Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, Nxb Hà Nội tái bản năm 2000, tr. 27 - 28.
[14] Trong Địa chí văn hoá dân gian Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội, 1991, tr.17.
[15] Trần Quốc Vượng, Vài suy nghĩ tản mạn nhân đọc lại bài chiếu về việc dời đô của vị vua khai sáng triều Lý. sđd, tr.238 - 252 .
[16] Việt sử lược, Bản dịch của Trần Quốc Vượng. Bản in lại của Nxb Thuận Hoá, 2005, tr. 72 - 73.
[17] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr. 243.
[18] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr. 245.
Nguồn: Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo 1000 năm Vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, Nxb Thế giới, H., 2009.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 20-05-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 22/11/2024 18:11
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11