Giải ảo hiện thực về xứ Đống Đa và gò Đống Đa (GS. Trần Quốc Vượng)

Thứ bảy - 05/08/2023 22:12
Website Khoa Lịch sử trân trọng giới thiệu tới Quý độc giả bài viết Giải ảo hiện thực về xứ Đống Đa và gò Đống Đa của GS. Trần Quốc Vượng.

GIẢI ẢO HIỆN THỰC VỀ XỨ ĐỐNG ĐA VÀ GÒ ĐỐNG ĐA
 
GS Trần Quốc Vượng

Từ vài chục năm nay, trong giới văn hóa và trong nhiều tài liệu lịch sử truyền thống thường lưu hành một cách nhìn - sau đây sẽ được minh chứng là một giả - huyền tích (Fake-lore) - rằng sau trận tiến công tiêu diệt đồn Khương Thượng của nghĩa quân Tây Sơn - Quang Trung, hàng vạn xác giặc Mãn Thanh nằm ngổn ngang trên chiến trường: người ta đã thu dọn xác giặc dồn vào 12 gò đống, gọi theo tên chữ Hán là Kình quán hay Kình nghê kinh quán (gò chôn những quân lính hung dữ như kình nghê - loài cá lớn hung dữ ở biển). Con số 12 này đã được ghi lại trong câu thơ nổi tiếng của nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du trong bài Loa sơn điếu cổ:
 
Thành Nam thập nhị kình nghê quán
Chiếu diệu anh hùng đại vũ công
 
Dịch nghĩa:

Mười hai gò xác phía nam thành
Ngời sáng chiến công bậc hùng anh

Về sau, đến năm 1851 khi Kinh lược Nguyễn Đăng Giai cho mở chợ làm đường ở khu vực này thì lại đào được nhiều hài cốt nên đã đem tập trung lại, đắp lại cái gò thứ 13 tức là gò có đền Trung Liệt hiện nay[1].

Về xuất xứ tên gọi Đống Đa, cho đến 1969 ông Vũ và thậm chí cho đến 1974 ông Phan vẫn nghĩ như cụ Doãn rằng “Tên Đống Đa không phải có từ năm Kỷ Dậu (1789) mà mãi sau này mới xuất hiện”. 13 gò này khi đê vỡ, lụt lội, lúc nước rút có nhiều giống cây đa mọc lên mọi chỗ. Ở đồng ruộng những cây này bị nhổ, chặt đi, riêng ở các gò thì chúng lớn nhanh chóng nên chẳng bao lâu những gò đống này đều có cây đa mọc um tùm, thành tên khu Đống Đa.

Huyền tích (giả) về gò và tên gọi Đống Đa đã hình thành nên như vậy; nó có vẻ như là kết quả của cuộc điều tra tại chỗ, ghi theo lời các bậc “cố lão”, lại kết hợp với việc tìm hiểu bài văn bia thời Tự Đức (1856) để ở chùa Đồng Quang...

Cũng năm 1969, trong quyển Tìm hiểu truyền thống thượng võ của dân tộc[2] tôi đã dẫn sách Kiến văn tiểu lục của cụ Lê Quý Đôn (1777) để nói rằng tên xứ Đống Đa đã hiện diện trong sử sách từ năm Bảo Thái thứ 5 (1724) khi nói về việc “mở trường thi Bác Cử ở xứ Đống Đa, các thí viện, khảo viện và nhà cửa ở nội trường, ngoại trường nhất luật xếp đặt đầy đủ, lại dựng lầu xem thi như thể chế điện Giảng Võ”[3].

Bởi vậy khi viết cuốn Lược sử khu phố Đống Đa (qua kiểm kê di tích), ông Vũ đã nhận là tên Đống Đa có từ trước 1789.

Từ đầu thời Nguyễn, người ta vẫn gọi trận chiến đấu Xuân Kỷ Dậu 1789 ở nơi đây là trận Đống Đa (xem văn bia Tự Đức 1856 chùa Đồng Quang). Gọi như vậy là đúng vì xứ Đống Đa là nơi chiến địa nằm giữa ba trại (hay sại) Khương Thượng, Thịnh Quang và Nam Đồng. Người ta bắt đầu nghi ngờ rằng có một số gò đống ở vùng này vốn không phải là “gò xác giặc” kình nghê quán gì cả mà đã có từ trước 1789 và có liên quan đến trường thi Bác Cử ở Đống Đa về thời Hậu Lê (1724), ví dụ nền Điện thí (hay gò Điện thí, nay là tòa nhà chính Học viện Thủy Lợi), nhìn thẳng ra núi cây Cờ hay núi Cắm Cờ, hay núi Ông (nằm kề ngay phía bắc đường từ phố Tây Sơn vào chùa Bộc, trước cao khoảng 10m nay đã bị bạt hẳn), rồi đến núi Kéo Cồng hay núi Bà (phía sau chùa Bộc, nay cũng đã bị bạt) rồi núi Loa Sơn hay gò Ốc nằm chếch phía tây bắc 100m so với núi Ông (nay cũng đã bị bạt làm trường Cao cấp Công đoàn). Bản đồ Hà Nội cổ 1873 vẽ miếu dưới gốc cây ghi: “Điền châu Thái thú miếu”: Cũng có thể kể thêm Gò Thiêng hay Đống Thiêng, có đường nối với gò Điện thí (nay trong khu vực ấp Thái Hà, trên có dựng tòa lầu bát giác).

Sách Lê Quý kỷ sự[4] chép: “Tri phủ Điền Châu nhà Thanh là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết ở Đống Đa. Sầm đem quân lính Điền Châu đóng đồn ở trường thi võ tại phía Tây thành Thăng Long, bị một tướng bên “giặc” (chỉ Tây Sơn - TQV) vây đánh. Sầm cố sức chiến đấu suốt ngày. Khi quân Thanh đã tan vỡ, tên Tổng đốc đã chạy về Bắc. Sầm đường cùng, sức kiệt, quân cứu viện không có, bèn thắt cổ bằng chiếc thừng to ở dưới Loa Sơn. Hơn trăm thân binh của Sầm cũng tự tử chết theo. Số quân còn lại phá vỡ vòng vây chạy tản ra bốn ngả. “Giặc” đuổi theo, bắt được và “chém đến quá nửa”. Quyển sử Cương mục[5] cũng chép “Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn” (tục gọi là Đống Đa).

Chép về Lệ trường thi Bác cử[6] Phan Huy Chú viết: (Chúa Trịnh) “Đến trường Bác Cử vào dinh thì tạm dừng lại tiến đến Điện thí. Rồi đánh chiêng thu quân rước chúa đến sở thay áo. Các hiệu lần lượt đánh chiêng ngồi nghỉ. Rước chúa lên trên điện. Bốn đội mang đoản đao lên điện đứng hầu... Hiệu Thị trung đánh trống tiến đi. Rước chúa lên gác hành cung, xem thi trận pháp của 4 Thị hiệu hoặc của 8 Hiệu Thị cơ xong, rước chúa đến xứ Đống Đa, tiến vào trong dinh. Các hiệu đánh chiêng thu quân. Hậu hiệu chuyển tiến về phía sau gò Tây, đóng lại truyền cho các quan đại thần vào hầu. Các quân đều vào tạm xá. Hữu hiệu tiến đóng ở đê Nga My. Khảo 4 Thị hiệu và 8 Hiệu Thị cơ xong, các quân đều dời bỏ tạm xá. Hiệu Thị xa lên núi giương cờ, vâng lệnh chúa sai song, truyền cho các hiệu và các quân ngoại binh reo hò, bắn súng, xong rồi cuốn cờ kéo về. Tiền hiệu phát lệnh đi đứng để kéo quân về. Hiệu Thị trung đánh trống tiên nghiêm. Rước chúa về Nội phủ. Các hiệu theo thứ tự kéo về”.

Có thể thấy: ở thời chúa Trịnh đã có tên Đống Đa và trong khu vực trường thi Bác Cử ở xứ Đống Đa này có những gò (gò Tây), núi (núi Giương Cờ), điện thí, gần đó có đê Nga My (đê Tô Lịch - Kim Ngưu?). Do vậy có thể tin chắc những dấu tích còn lại cho đến gần đây như gò Điện Thí, núi Cắm Cờ, núi Kéo Cồng và có thể cả ao Tượng (ao tắm voi, trước cửa chùa Bộc)... là thuộc về trường thi Bác Cử ở xứ Đống Đa từ 1724 đời Hậu Lê. Cũng còn di tích vương phủ (phủ chúa Trịnh) ở làng Trung Phụng (Đông Tác phường, Trung Phụng thôn thời Hậu Lê) (nay là đền ngõ 4 Thái Kiều (Cầu Muống) ngõ chợ Khâm Thiên, thờ chúa Trịnh Kiểm) mà nhiều bản đồ Đông Kinh thời Lê có vẽ.

Cái trường thi võ ở xứ Đống Đa này còn được nhắc đến trong bia Đồng Quang tự điền bi ký năm Tự Đức thứ 13 (1859).

“Quan Tri huyện bản huyện (Vĩnh Thuận) là Trương đại nhân thấy ở bên trái Trường thi của bản tỉnh (Hà Nội) có hàng loạt mộ cổ lâu ngày vắng lặng khói hương, động lòng trắc ẩn khuyên người ta bỏ tiền ra mua tiểu sành, thu thập các nắm xương khô chôn vào xứ Đống Đa ở phía tây chùa Đồng Quang”.

Phía tây chùa Đồng Quang chính là cái gò Đống Đa hay gò đền Trung Liệt hiện nay mà vẫn mang tiếng và mang danh là gò thứ 13 đắp năm 1851! (về 12 gò và cái gò thứ 13, đều đắp thời Nguyễn, xem Phụ lục I).

Đã giải ảo hiện thực xứ và gò Đống Đa thì xin gắng “làm đến cùng”.

Tên “xứ Đống Đa” đi vào sử sách năm 1724 thì tức là đã có từ trước đó. Mà cái tên Đống Đa xứ thì tỏ rõ trước năm 1724 xứ đó đã có gò, có đống, trên có Đa mọc rễ tự lâu rồi.

Tự bao giờ? Thì tôi không biết. Song tôi biết chắc nó đã được ghi vào văn bia từ nhiều thập kỷ của thế kỷ XVII rồi cơ!

Chùa Càn An là một ngôi chùa cổ của trại Nam Đồng nằm trên bờ phải của một nhánh sông Kim Ngưu. Bài văn bia Càn An tự bi ký niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) có câu:
 
Hãy ngắm xem ở kinh đô có chùa Càn An
Phía Đông, chùa Càn Đà đối diện[7]
Phía Tây, chùa Chiêu Thiền trông sang[8]
Trước mặt, Thổ sơn sừng sững ở phương Nam[9]
Sau lưng, Long thành hùng vĩ ở phương Bắc

Đến thăm chùa này, từ Ô Chợ Dừa đi xuống phố Tây Sơn, sau khi vượt qua cống Nam Đồng (dòng chảy Kim Ngưu cũ), rẽ sang phải ở số nhà 66 vào trong ngõ là tới nơi. Chùa ngoảnh hướng nam. Lên tam quan chùa, gióng thẳng hướng nam chính là gò Đống Đa, thổ sơn của thế kỷ XVII mà giả - huyền tích cứ bảo là “gò thứ 13” chôn xác giặc Thanh.

Cũng ở chùa này, còn một tấm bia cổ nữa, Đông giáp hưng công tạo, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), trong đó có câu:

“Ngửa trông trong hạt có chùa Càn An, đất giáp Thành Đô, khí thiêng sông núi. Bên tả (Đông) có đường cái làm thanh long, đón quý quan lui tới. Bên hữu (Tây) có hồ Lãng làm bạch hổ, như mặt biển lượn quanh[10]. Phía trước, phương chu tước (Nam) núi đẹp vút cao[11]. Phía sau, phương huyền vũ (Bắc), chợ Dừa đông đúc”.

Bài minh còn có câu:
 
“Càn An chùa đẹp
Cao ngất phương Đoài
Xa gần đều thấy,
Khí tiếp kinh thành.
Núi cao đứng phía trước
Chợ to vòng phía sau...”[12]

Ngay bên phải Ô Chợ Dừa, sát nách chợ, xưa có đình Đông Các mà bản đồ cổ Hà Nội 1873 ghi là Cao Sơn miếu (nay là trụ sở Công an phường Chợ Dừa). Đình có bia cổ Cao Sơn Tây hưng miếu, niên hiệu “Chính Hòa triều Lê muôn muôn năm” (1680-1705), có đoạn:

“Đình này vị trí tại huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, nền đắp trên giáp Đông Các, phường Thịnh Quang, vừa hưởng được dư khí của kinh đô Thăng Long, vừa trấn giữ trường thành Đại La.
Bên tả, về phía thanh long (Đông) dòng nước uốn quanh[13], đình này đứng song song với đàn Xã Tắc[14].
Bên hữu, về phía bạch hổ (Tây) dãy núi bao bọc[15] đình này cao xấp xỉ với chùa Thanh Nhàn[16].
Trước mặt, về phía chu tước (Nam) hai ngọn núi cao chót vót.
Sau lưng, về phía huyền vũ (Bắc) muôn dòng nước rộng mênh mông[17].


Nay cổng đình Đông đã xoay hướng đông trông ra phố Tây Sơn, nhưng đình xưa vẫn quay hướng Nam nhìn về phía gò Đống Đa. Đáng chú ý: bia này nói ở phương Nam đình có thể nhìn thấy hai núi chót vót”, phải chăng là gò Đống Đa và núi Cây Cờ hoặc Loa Sơn?

Cũng ở đình này còn một tấm bia cổ nữa, Nghĩa phê tạo đình bi ký, niên hiệu Chính Hòa 13 (1692) (nay đã bị di chuyển về đình Hoàng Cầu, cũng thuộc phường Chợ Dừa). Bia có đoạn:

“Nguyên xưa ngôi đình này: nền đức rộng rãi, thềm phúc sáng ngời. Phía phải, đối diện chùa Thanh Nhàn, phía trái cao ngang đàn Xã Tắc. Mặt trước về phía chu tước (Nam) có núi đứng che, mặt sau, về phía huyền vũ (Bắc) có sông bao bọc”[18].

Thế là đã rõ: Từ thế kỷ XVII (nửa đầu Vĩnh Tộ, nửa cuối Chính Hòa) người đời ấy đều tận mắt thấy ở phía Nam đình Đông Ô Chợ Dừa, ở phía Nam trại Nam Đồng - tức ở khu vực xứ Đống Đa - có một vài quả núi đất khá cao! Lúc ấy chưa mở trường thi Bác Cử ở đó, cũng chưa có chiến trận để xuất hiện gò chôn xác giặc!

Nếu muốn đưa thêm tư liệu về bản đồ học thì xin nêu hai bản đồ Hà Nội cổ đời Lê. Một bản (bản B của Bùi Thiết) ký hiệu VHT 41 trong sách Hồng Đức bản đồ “Trung đô nhất phủ nhị huyện hình thắng chi đồ”, ở cạnh bờ Đông cái đầm lớn ở phía Nam La Thành (bản đồ chỉ ghi là “Đầm”, đối chiếu với bản đồ và thực địa hiện nay đó là hồ cá Đống Đa, hay “Hồ Ba Bể” theo cách gọi của dân gian quanh vùng, ở phía sau (tức phía tây) gò Đống Đa có vẽ một hình tròn có tia bánh xe (ký hiệu “núi”). Một bản khác (bản đồ của Bùi Thiết) ký hiệu A 1081 trong sách Thiên Nam lộ đồ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 (1770) “Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ, nhất phủ nhị huyện tam thập lục phường” cũng ở vị trí bờ phía Đông cái đầm lớn đó có khoanh một dấu tròn ký hiệu “Núi”. Đấy phải chăng là “Đống Đa” hay “Gò Tây” của trường thi Bác Cử mà Phan Huy Chú ghi lại.

Bản đồ Hà Nội cổ năm Tự Đức 26 (1873), cạnh cái đầm nước lớn này về phía Đông Bắc và phía Đông cũng vẽ tới 3 quả gò rồi mới vẽ tiếp về phía Đông ở hai bên đường quan lộ cũ thông vào Mỹ Đức đạo 6 quả gò nữa mà đối chiếu với địa hình hiện nay và trí nhớ các cụ phụ lão 70-80 tuổi ở Khương Thượng hiện nay thì bên phải quan lộ chắc chắn là gò Đống Đa (gò Trung Liệt nhưng không, chưa có miếu đền nào cả) và gò Đống Thiêng (cũng chưa có chùa am nhỏ để Hoàng Cao Khải phá đi dựng lầu bát giác hóng mát); còn ở bên trái quan lộ thì đối diện với gò Đống Đa có thể là núi Ông (núi Cây Cờ) và núi Bà (núi Kéo Cồng), đối diện với gò Thiêng là gò Điện Thí và một gò khác có thể là gò Đình Khương Thượng.

Cũng ở bản đồ này, về phía Đông khu gò Đống Đa, bên tả ngạn sông Phương Liệt (sông Tây), từ trên cánh đồng Trung Tự - Kim Liên - Khương Thượng cho tới bên phải “Thiên lý lộ” (quốc lộ 1 ngày sau) giáp làng Phương Liệt (Cống Vọng) còn vẽ 8 - 9 gò đống nữa.

Những câu đối ở đình Khương Thượng thường nhắc đến thế đất “tam thai” (3 gò) Quy động (động Rùa) và các cụ lão làng vẫn nói đồng đất Khương Thượng có cái thế (quần sơn quy động) (gò núi nhấp nhô như bầy rùa). Nói về đồng đất làng mình, dân gian Kim Liên cũng có câu “Đầu gối gốc gạo, chân đạp ba gò”.

Hồi tưởng địa hình xưa kết với việc khảo sát thực địa hôm nay, giới địa lý học lịch sử có thể đưa ra một hình ảnh sau đây về cảnh quan vi - địa lý - địa hình của “xứ Đống Đa” xưa: Đấy là một dải bãi bồi và phù sa trên bãi, con đẻ của - và nằm kẹp giữa - hai con sông Kim Ngưu - Tô Lịch, với những hồ nước đầm lầy - là vết tích của lòng sông cũ hay lòng sông mùa lũ - và với những đống gò “thiên tạo” là những thềm sót đã bị bóc mòn, hình thành khi nước lũ của hai con sông này - điểm xuyết thêm bởi những đống gò và hồ ao “nhân tạo”.
 
Phụ lục

Phụ lục 1
Bia cổ chùa Đồng Quang do Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) Đốc học Thanh Hóa đã về quê hưu trí Lê Duy Trung phụng soạn ngày rằm tháng 11 năm Tự Đức thứ 9 (1856) cho ta biết các điểm sau đây về cảnh quan địa lý - xã hội và lai lịch ngôi chùa Đồng Quang.

1. Nền chùa là nơi giao chiến giữa Tây Sơn và Thái thú Điền Châu (tức Sầm Nghi Đống) (nguyên văn như sau “Tự chi chỉ, Tây Sơn dữ Điền Châu thái thú giao chiến chi địa dã”).

2. Bấy giờ (thời Tự Đức, 1856) qua huyện Vĩnh Thuận vùng sại Thịnh Quang - Nam Đồng thấy những mộ cổ hoang vắng có 13 sở (nguyên văn “cổ lũng hoang lương hữu thập tam sở”) mà ở di chỉ cũ (của chùa) có 1 gò, theo lời cố lão, đó là mộ người Thanh.

Do đâu mà có 13 gò? Và có chùa Đồng Quang?

3. Khoảng năm Thiệu Trị (1840-1847) quan Tổng đốc Hà Nội là Đặng Hầu (Đặng Văn Hòa?) sai thu táng những di hài ở đầu đường cuối ngòi lại thành 12 gò, lấy công điền của 2 sại (Thịnh Quang + Nam Đồng) khoảng 12 mẫu để làm mộ địa. Quan Bố chính Nguyễn Cửu Trường bói ngày làm nền tự đàn (nơi tế lễ vong hồn); Tổng đốc Đặng cho lấy 1/2 tô thuế ruộng đất đó (cày cấy quanh 12 mẫu đất có 12 gò mộ) sắm đồ tế lễ hàng năm. Đây là tự đàn lộ thiên giữa khu mộ địa.

4. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) quan (Kinh lược) Nguyễn hầu (Nguyễn Đăng Giai) khi mở đường, mở chợ mới ở vùng này lại thấy nhiều xương khô nên sai đắp thêm một gò mộ nữa.

Vậy là có 13 gò mộ. Và cả 13 gò mộ này đều được đắp dưới thời Nguyễn (Thiệu Trị 12 gò, Tự Đức 1 gò), sau trận Đống Đa già nửa thế kỷ, chứ không phải đắp ngay sau chiến thắng làm biểu tượng “kình nghê quán”!

5. Nguyễn Đăng Giai cũng kêu gọi các nhà hảo tâm dựng thêm (ở tự đàn) 4 gian nhà nữa gọi là chùa Đồng Quang, tháng Hai hưng công tháng Sáu làm xong, phí tổn hơn 2.000 quan tiền. Tháng ấy vào hạ tuần, đê Hà Nội vỡ, do lụt lội thu được 4 pho tượng Phật trôi giạt, cho là “ứng” với việc xây chùa mới. Rồi sư các chùa cúng thêm 6 pho tượng nữa. Ban đầu cúng tam nguyên (thượng, trung, hạ nguyên, tức Rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười) sau thờ Phật. Thế là thành chùa Đồng Quang ((Nam) Đồng + (Thịnh) Quang), chứ không phải lấy cái nghĩa trong sách Lão Tử “hòa quang đồng trần = hòa ánh sáng với bụi bậm - văn bia giải thích vậy).

Tiếp bài văn bia đó (1856), người sau còn khắc thêm vài đoạn:
- Năm Tự Đức 11 (1858) lại trích 2 mẫu đất cạnh chùa để làm ruộng tế lễ.

6. Năm Tự Đức 12 (1859) thu táng gần 300 tàn cốt nữa, cho 560 quan để mua thêm tự điền được 1 mẫu 3 sào 5 thước 4 tấc ở Trung thôn, phường Thịnh Hào, huyện Vĩnh Thuận.

- Năm Tự Đức 13 (1860), quan Tri huyện Trương Đăng Thụy mua tư điền ở phường Quỳnh Lôi, tổng Kim Liên gồm 2 mẫu 7 sào giao cho dân sở tại canh tác nạp tiền cho chùa để chi việc cúng tế.

Về việc sau cùng này, cũng ở chùa Đồng Quang có một tấm bia riêng Đồng Quang tự điền bi ký ghi niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) chép rằng “Quan bản huyện Trương đại nhân thấy ở bên trái Trường thi của bản tỉnh có một loạt mộ cổ lâu ngày vắng lặng khói hương, động lòng trắc ẩn, khuyên người ta bỏ tiền ra mua tiểu sành (“thổ quan”) thu nhập xương khô chôn vào “xứ Đống Đa ở phía tây chùa Đồng Quang”. Làm xong việc đó mới lấy ra 600 quan giao cho Tri huyện mới mua ruộng tư ở sại Quỳnh Lôi, tổng Kim Liên làm ruộng hương hỏa của chùa Đồng Quang.

7. Mặt sau bia Tự Đức 1856 là bia Đồng Khánh 1888 nói đến việc năm 1886 phải chuyển đi 2-3 vạn mộ (!) rồi tri huyện Thọ Xương phụng bẩm các quan trên (quan tỉnh Lê Đĩnh, Cao Xuân Dục, quan Quận công Khâm sai đại sứ Bắc kỳ Nguyễn tướng công (Nguyễn Trọng Hợp) chuẩn y việc cải tạo lại Tự đàn chùa Đồng Quang làm hai tòa tả hữu, năm Bính Tuất (1886) khởi công, năm Đinh Hợi (1887) làm xong, năm Mậu Tý (1888) ghi việc này vào bia. Thế là từ nay tiếp ngay sau chùa Đồng Quang là nhà tự đàn lợp ngói, như ta thấy hiện nay.

Không có bia Tự Đức nào ở chùa Đồng Quang chép gò Đống Đa (gò Trung Liệt) là gò thứ 13 đắp năm 1851.
 
Phụ lục 2
Đường hành quân đánh trận Đống Đa của Đô đốc Long là từ Chương Mỹ (Mỹ Đức đạo) qua Ba La, Cầu Đơ, theo con đường quan lộ cổ vòng sau trường đại học Tổng Hợp và Nhà máy Công cụ số I qua các làng Mọc, qua cống Mọc (có đồn tiền tiêu của quân Thanh với một đồn tiếp ứng nữa ở phía trên sông Tô - cống Cót (Yên Quyết) - qua sại Thịnh Quang đến xứ Đống Đa. Xứ Đống Đa là vùng giáp ranh thuộc đồng đất 3 sại: Thịnh Quang - Khương Thượng - Nam Đồng. Đánh xong trận Đống Đa, quân Đô đốc Long tiếp tục theo quan lộ vượt qua cống Nam Đồng mà tiến vào Ô Chợ Dừa...

1. Về sại Thịnh Quang, bài minh trên chuông chùa Phúc Khánh (chùa Sở, gần Ngã Tư Sở) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 Bính Thìn  (1796) ghi rõ “Phụng Thiên phủ, Quảng Đức huyện, Thịnh Quang sại”, “Huyện danh Quảng Đức, sại hiệu Thịnh Quang”. Thời Hồng Đức là sở (đồn điền) Thịnh Quang.

2. Về sại Khương Thượng, bia Quang Trung năm thứ 4 (1791) ở chùa Bộc ghi “Phụng Thiên phủ, Quảng Đức huyện, Khương Thượng sại” nhưng bia Vĩnh Trị (1676) và bia Chính Hòa (1686) cũng ở chùa Bộc lại ghi “Thường Tín phủ, Thanh Trì huyện, Khương Đình xã, Thượng thôn”. Bia Cảnh Hưng Tân Dậu (1741) ở đình (nay để ở chùa) Trung Tự ghi “Thanh Trì huyện, Khương Thượng sại”. Hoàng Lê nhất thống chí nói Đô đốc Long “đánh Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng, huyện Quảng Đức”. Vậy có lẽ Khương Thượng chuyển từ thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam sang thuộc (tổng Hạ) huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (tức thuộc kinh thành Thăng Long) vào cuối thế kỷ XVIII (Quảng Đức, 1805 đổi làm Vĩnh Thuận).

3. Về sại Nam Đồng, theo bia Vĩnh Tộ (1621) chùa Càn An là thuộc sở (đồn điền) Dịch Vọng, theo bia Chính Hòa (1697) cũng ở chùa Càn An, là thôn Nam Đồng, sở Dịch Vọng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Bia Cảnh Hưng (1741) ở đình Trung Tự ghi là trại Nam Đồng. Bia Tự Đức (1856) ở chùa Đồng Quang gọi là sại Nam Đồng. Sại và Trại là đồng nhất cả về cách phát âm (S = Tr) và ý nghĩa (nơi tụ cư mới là xóm, thôn).
 
Nguồn: Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (224), 1989, tr.13-19
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 22-04-2013.

[1] Doãn Kế Thiện, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Nxb. Văn hóa, H., 1958, tr.164-165 ;
 Vũ Tuân Sán, Về hai cuộc hành quân của Nguyễn Huệ ra Thăng Long, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 119, tháng 2-1969, tr. 13-12.
Phan Huy Lê (và các tác giả khác), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội nhân dân, H., 1976, tr.435-436.
[2] Do Nxb. Thể thao Thể dục ấn hành tại Hà Nội.
[3] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.106-109.
[4] Bản dịch của Hoa Bằng, Nxb. Khoa học Xã hội, 1974, tr.124-125. Tác giả là Nguyễn Thu đầu thời Nguyễn.
[5] Chính biên, q.47, 51.
[6] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV -  Binh chế chí, bản dịch, Nxb. Sử học, H., 1961.
[7] Chùa Càn Đà gần đây đã bị phá hủy, trước thuộc xóm Cống Nam Khang của phường Kim Liên, nay chỉ còn vài cái tháp mộ sư nằm gần khuôn viên Đại học Bách khoa.
[8] Tức chùa Láng với sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
[9] Nguyên văn: “Tiền, thổ sơn ngật lập cư kỳ nam”.
[10] Đó là đầm Nam Đồng hay hồ Ba Bể còn thấy rõ ở bản đồ Hà Nội 1873.
[11] Nguyên văn: “Tiền chu tước chi tú phong trĩ lập”.
[12] Nguyên văn: “Tiêm phong tiền lập quảng thị hậu vinh”.
[13] Tức Sông Kim Ngưu, làm ngoại hào cho thành Đại La.
[14] Nay thuộc phường Xã Đàn, quận Đống Đa, bên trái Ô Chợ Dừa.
[15] Chùa thuộc làng Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, cạnh Nhạc viện Hà Nội ngày nay. Núi cao bao bọc, nơi đây là đê Đại La thành.
[16] Nguyên văn: “Tiền chu tước đột ngột song phong”.
[17] Đó là dải hồ lạch Hào Nam - Trung Tả - Huê Văn...
[18] Nguyên văn: “Hữu đối Thanh Nhàn tự, tả trĩ Xã Tắc đàn
                         Tiền lập chu tước sơn, hậu tiền huyền vũ thủy”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây