Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt (GS Trần Quốc Vượng)

Thứ bảy - 05/08/2023 23:14
Người Mường là một dân tộc ít người đứng hàng thứ hai về mặt dân số ở Bắc Việt Nam, sau dân tộc Tày (khoảng 42 vạn người). Tên "Mường" hiện đã trở thành một tên gọi phổ biến dùng để chỉ một dân tộc cụ thể ("dân tộc Mường"), song tên gọi đó không thật thỏa đáng.

MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ MỐI QUAN HỆ MƯỜNG VIỆT VÀ QUÁ TRÌNH PHÂN HÓA GIỮA TỘC MƯỜNG VÀ TỘC VIỆT
           
TRẦN QUỐC VƯỢNG, NGUYỄN DƯƠNG BÌNH
 
I
 
Người Mường là một dân tộc ít người đứng hàng thứ hai về mặt dân số ở Bắc Việt Nam, sau dân tộc Tày (khoảng 42 vạn người). Tên "Mường" hiện đã trở thành một tên gọi phổ biến dùng để chỉ một dân tộc cụ thể ("dân tộc Mường"), song tên gọi đó không thật thỏa đáng. Theo nguyên tắc dân tộc học, người ta phải gọi một tộc người nhất định bằng tên tự xưng của tộc đó. Trong văn học dân gian và trong đời sống hàng ngày, người Mường tự xưng là Mol (hay Mon, Mwon, Mwal, Mul, Mọi…tùy sự sai biệt địa phương), có nghĩa là "người"[1]. Trong tiếng Việt trước đây cũng có tiếng Mọi, Mọi Rợ để chỉ dân tộc thiểu số, trong đó tiếng Mọi là tên tự xưng của người Mường, còn tên Rợ hay Rự là tiếng người Mường thường dùng để chỉ người Lự, người Thái. Nhưng theo các tài liệu hiện có, từ thế kỷ XVII tiếng Mọi hay Kẻ Mọi đã dùng để chỉ các dân tộc ít người ở Trường Sơn và Tây Nguyên[2].

Hiện nay chưa thể xác định được tộc danh "Mường" dùng để chỉ một tộc cụ thể (tộc Mường) đã xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng trong chỉ lệnh của viên Kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hiệp đề ngày 2 tháng 6 (âm lịch) năm Đồng Khánh thứ nhất (22-6-1888) điều 1 có nói: "Lập một tỉnh mới gồm các đất [của dân] Mường xưa thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình". Đấy là văn bản chính thức của Nhà nước thực dân - phong kiến dùng tiếng "Mường" để chỉ một cư dân nhất định. Tuy nhiên trong các bài viết của bọn sĩ quan, viên chức Pháp cuối thế kỷ XIX thì tên Mường vẫn được dùng một cách tùy tiện để chỉ cả tộc Mường và tộc Thái[3]. Và thật ra trước Cách mạng tháng Tám, ở Thanh Hóa và Nghệ An có nơi người ta gọi cả người Thái - Tày và người Mường bằng tên Mường[4]. Nói chung, từ đầu thế kỷ thứ XX, trên các văn phẩm và báo chí, tiếng Mường đã được dùng để chỉ một cư dân nhất định, phân biệt với người Thái.

Mường là một từ tiếng Thái, được người Thái và người Mường dùng để chỉ một vùng, một địa phương nói chung. Trong các tác phẩm viết bằng chữ Hán của học giả phong kiến Việt Nam, tiếng "Mường" thường được phiên âm là mang. Tên ấy thấy xuất hiện lần đầu tiên trong sách Việt sử lược (thế kỷ XIV)[5] và được dùng nhiều lần trong Đại Việt sử ký toàn thư và các tác phẩm về sau, đều để chỉ một địa phương nhất đinh: ví dụ mường Việt (nay là Yên Châu), mường Mai (nay là Mai Châu), mường Lê (nay là Lai Châu) v.v…

Hiện nay người Thái gọi người Mường là Mọi hay Mang.

Trong Man thư của Phàn Xước đời Đường (Xước có làm quan ở An Nam đô hộ phủ hồi giữa thế kỷ IX), ta thấy xuất hiện tên Mang (Mang man bộ lạc) dùng để chỉ một nhóm cư dân (groupe ethnique) nhất định[6]. Song Mang man lại thuộc tộc Thái, ở Khai Nam (vùng Mang Thị, Cảnh Đòng tỉnh Vân Nam hiện nay)[7]. Sách Cương mục (thế kỷ thứ XIX) có nói đến Mang man ở châu Sầm[8]. Châu Sầm tức là tỉnh Sầm Nưa, nay thuộc Thượng Lào, cư dân ở đó cũng thuộc tộc Thái.

Trong ngôn ngữ nhân dân, người ta thường nói đến người ở một địa phương (một mường) nhất định (ví dụ, Mói mường Pi = người mường Bi). Dần dà tên Mường từ một từ chỉ lãnh thổ sẽ trở thành một từ chỉ người (trong các bài mo thường có câu "chấu óa binh mường", "đứa binh đứa mường", "người xuôi, người mường", "người mường trên xã dưới" v.v…). Có lẽ tiếng "người Mường" chủ yếu là do người Việt (Kinh) dùng để chỉ người Mói. Tiếng đó lúc đầu thịnh hành trong các tác phảm và văn kiện chính thức. Theo tài liệu hiện nay chúng tôi được biết, từ thế kỷ XIX trở về trước, các tác phẩm lịch sử, địa lý của học giả phong kiến Việt Nam thường phiếm chỉ người Mường cũng như các tộc ít người khác là Man, Lão[9]. Tên ấy vốn do phong kiến Hán chỉ cư dân ở Việt Nam (và Hoa Nam) thời Bắc thuộc, đến sau thế kỷ X lại được phong kiến Việt dùng để chỉ các tộc ít người trong phạm vi nước Đại Việt. Tên gọi đó rõ ràng có mang ý vị kỳ thị chủng tộc.
 
II

Trong thời Pháp thuộc và trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số tác phẩm nghiên cứu tộc Mường và mối quan hệ Mường - Việt. Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu đều chủ trương rằng Việt và Mường vốn xưa là một tộc và họ gọi chung đó là "Tiền Việt. Mối quan hệ Mường - Việt được nghiên cứu kỹ càng nhất về mặt ngôn ngữ học. Các nhà ngôn ngữ học J.Przyluski, H.Maspero, A.G.Haudricourt và những người khác sắp xếp tiếng Mường và tiếng Việt vào cùng một nhóm. Theo các học giả này, tiếng Việt và tiếng Mường xưa chỉ là một (tiếng Tiền Việt), tiếng Mường là một dạng tiếng Việt cổ hay còn giữ lại nhiều nét của tiếng Việt cổ. Thường người ta gọi hai ngôn ngữ đó bằng một danh từ thống nhất là tiếng Việt - Mường[10]. Các mặt khác của mối quan hệ Mường - Việt thì còn được nghiên cứu tương đối sơ sài. Về mặt nhân loại học, người ta cho rằng thể chất người Mường và người Việt không khác nhau mấy. H.Marneffe và L.Bezacier cho rằng nếu Việt và Mường không phải là cùng một cư dân sau mới tách làm đôi thì có thể ban đầu là hai bộ lạc thuộc cùng một yếu tố nhân chủng Tiền Việt[11]. Nhà dân tộc học J.Cuisinier trong tác phẩm chuyên khảo về người Mường đã kết luận rằng hai dân tộc Mường và Việt cùng chung một nguồn gốc: cả về mặt văn hóa vật chất lẫn về mặt văn hóa tinh thần, giữa hai tộc Mường và Việt không có sự cách biệt nào lớn. Sự khác nhau trong sinh hoạt chỉ là tiểu tiết[12]. Nhiều nhà nghiên cứu sử học Việt Nam dựa vào việc nghiên cứu ngôn ngữ văn học dân gian (truyền thuyết, thần thoại…) của hai tộc Mường Việt kết hợp với các tài liệu khảo cổ và cổ sử cũng chủ trương Mường và Việt vốn xưa là một: tổ tiên trực tiếp chung của người Mường và người Việt là người Lạc Việt[13].

Những ý kiến trên nói chung đều đúng đắn. Song có một điều rất rõ ràng là hiện nay Mường và Việt là hai dân tộc khác nhau tuy có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu hai tộc Mường và Việt vốn xưa là một, vậy thì từ lúc nào hai tộc đó đã tách rời nhau để trở thành hai tộc riêng biệt? Và nguyên nhân lịch sử của sự phân hóa đó? Về vấn đề này trước đây các nhà nghiên cứu hoặc không đề cập tới, hoặc chỉ trình bày rất sơ sài. Ý kiến chung chung được nhiều người thừa nhận là người Việt là người Mường đã Hán hóa, hoặc ít hoặc nhiều. Một vài đồng chí nghiên cứu dân tộc học cho rằng Mường và Việt tách rời nhau khoảng đời Lý (Lâm Tâm) hay đời Lê (XV, Mạc Đường), nhưng chứng cứ nêu ra còn sơ sài và chưa đủ sức thuyết phục. Gần đây, lại có ý kiến cho rằng Mường Việt ngay từ thời đại đồ đá vẫn là hai tộc khác nhau, là hai tộc láng giềng, rằng ý kiến từ trước đến nay chủ trương Mường Việt vốn xưa là một chỉ dựa trên tiêu chuẩn ngôn ngữ và như thế là không đầy đủ. Vì vậy trước khi nghiên cứu quá trình tách rời nhau về mặt lịch sử giữa người Việt và người Mường, chúng tôi thấy cần thiết phải trình bày lại một đôi điểm về mối quan hệ Mường Việt.
 
III

Người Mường hiện nay cư trú trên một dải đất liền khoảnh từ Nghĩa Lộ, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây đến Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An…(nhiều người chủ trương các tộc Nguồn, Sách…ở Quảng Bình cũng thuộc vào Mường). Hiện nay hoàn toàn không tìm thấy sự có mặt của người Mường ở vùng tả ngạn sông Hồng. Cái gọi là người Mường ở vùng Vĩnh Yên, qua nghiên cứu điền dã thì chỉ là người Dao quần cộc[14]. Khu vực tập trung đông đảo nhất của người Mường là tỉnh Hòa Bình và sáu huyện miền Tây Thanh Hóa. Các tài liệu điều tra điền dã của nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học (Chéon[15] và Lâm Tâm và các tác giả viết bài này…) và tài liệu điều tra của phòng dân tộc ở các tỉnh Nghĩa Lộ, Phú Thọ và khu tự trị Tây Bắc đều xác nhận rằng: một bộ phận quan trọng nếu không phải là hầu hết người Mường cư trú ở Sơn Tây, Phú Thọ và Nghĩa Lộ hiện nay đều gốc gác ở Hòa Bình (đặc biệt là ở Mường Bi, vì vậy họ vẫn tự gọi là Mói Pi - Mọi Bi) và hiện nay họ còn giữ mối quan hệ (đi lại thăm hỏi…) với đồng bào Mường Hòa Bình. Từ Hòa Bình họ di cư dọc theo sông Đà tiến lên vùng Văn Yên, Phù Yên (Nghĩa Lộ), từ hòa Bình tiến sang vùng Sơn Tây (Bất Bạt, Tùng Thiện, Thạch Thất, Quốc Oai), hay tiến lên vùng Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập (Phú Thọ), theo đường Thu Cúc, Lai Đồng mà đến vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Phù Yên…Theo Hưng hóa xứ phong thổ lục thì từ cuối thế kỷ XVIII (sách này viết năm 1778) ta đã thấy người Mường có mặt ở các huyện Thanh Xuyên nay là Thanh Sơn, thanh Thủy) phủ Gia Hưng, huyện Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn, Văn Bàn phủ Qui Hóa. Người Mường ở vùng Quan Hóa, Thọ Xuân, (Thanh Hóa) cũng gốc gác ở Mường Bi (Hòa Bình), vì vậy họ và người khác vẫn gọi họ là Mọi Bi. Có thể xem Hòa Bình là địa bàn cư trú xưa hơn cả của người Mường; xu thế di cư của họ trong lịch sử xưa là tiến lên phía Bắc và một phần xuống phía Nam, dọc theo các sông hay các thung lũng nằm dưới chân những dải núi đá.

Song người Mường vốn từ xưa đã sinh sống ở Hòa Bình hay họ từ một nơi nào di cư đến đó? Đấy là vấn đề nguồn gốc dân tộc Mường và nguồn gốc dân tộc Việt. Mà như mọi người đều biết, vấn đề đó tuy các nhà nghiên cứu đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn lâu mới giải quyết được. Bài này cũng không có tham vọng giải quyết vấn đề đó. Ý kiến hiện nay được nhiều người công nhận là: sự hình thành dân tộc Mường cũng như dân tộc Việt là quá trình hòa hợp của nhiều yếu tố nhân chủng thiên di từ một nơi nào khác tới (có thể là từ phương Bắc - TQV) ghép vào một yếu tố bản địa[16]. Yếu tố bản địa đó có thể là một yếu tố Mon - Khmer (hiểu theo phương diện ngữ hệ), và một trong những yếu tố quan trọng ghép vào sau đó có thể là yếu tố Thái - Tày cổ (hay tiền Thái - Tày). Ta cần chú ý rằng dân tộc không phải là chủng tộc mà là một phạm trù lịch sử hình thành cho sự dung hợp của nhiều tộc người thời cổ.

Trong bài mo Mường Đẻ đất đẻ nước có nói đến những "hang Trứng điếng" ở Hòa Bình là nơi chôn rau cắt rốn có tính chất thần thoại của người Mường và người Việt, ở đó có di tích của những nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Mặt khác, truyền thuyết ở Mẫn Đức (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) lại nói đến những người Mwai (Mọi = Mường) từ Phú Thọ tới nơi này và bắt đầu làm ruộng. Nhưng những người "Ma ươi" ở hang, trần truồng, sống bằng hái lượm và săn bắn đã tàn phá các ruộng lúa của họ. Người Mwal đã đánh giết hoặc săn đuổi người Ma ươi đi nơi khác[17]. Truyền thuyết này có phản ảnh một sự thực lịch sử nào chăng? Người Mwal từ Phú Thọ tới Hòa Bình vào lúc nào? Ma ươi thuộc tộc nào? Những vấn đề đó tạm thời còn chưa giải quyết được. Nhiều bài mo "Đi đường" của người Mường có nói đến việc đưa linh hồn người chết dọc theo sông Đà, sông Thao hay sông Bòi rồi ra bể…và lên trời. Phải chăng bài mo đó đã phản ánh những luồng di cư của tổ tiên người Mường từ miền ven biển vào vùng đất liền Hòa Bình, rồi từ đó dần dần tản ra vùng Phú Thọ, Sơn Tây, Nghĩa Lộ…? Và nếu vậy thì họ đã di cư vào lúc nào? Nhiều dòng lang Mường họ Đinh nhận rằng (và gia phả của họ cũng viết như vậy) họ là con cháu Đinh Tiên Hoàng vốn ở Ninh Bình. Sau khi nhà Đinh bị Lê Hoàn cướp ngôi, con cháu nhà Đinh chạy tản mác khắp nơi, trong đó có những nhóm chạy lên vùng Hòa Bình.

Như vậy ta thấy rằng vấn đề nguồn gốc người Mường và địa bàn cư trú tối cổ của họ còn khá nhiều khía cạnh phức tạp cần đi sâu tìm hiểu hơn nữa. Tất nhiên vì vấn đề nguồn gốc người Mường và người Việt chưa giải quyết được triệt để cho nên việc nghiên cứu quan hệ Việt - Mường cũng chỉ còn bị hạn chế nhiều.
 
IV

Cứ liệu ngôn ngữ học vẫn là chứng cớ quan trọng bậc nhất về mối quan hệ đồng tộc giữa người Mường và người Việt. Sự giống nhau giữa tiếng Việt và tiếng Mường đã từ lâu khiến cho các nhà khoa học chú ý. Cứ tình trạng hiện nay mà nói, hai thứ tiếng này cho thấy những điểm tương đồng về ngữ pháp, từ vị, ngữ âm rõ rệt đến nỗi có thể phân vân không biết nên coi đó là hai ngôn ngữ hay là hai phương ngôn của cùng một ngôn ngữ. Quả nhiên những sự khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Mường không lớn hơn những sự khác nhau giữa các phương ngôn của một số ngôn ngữ lớn như tiếng Hoa (Hán) chẳng hạn. Dù sao, những sự khác nhau ấy cũng đủ để làm cho người vốn nói thứ tiếng này không (hoặc khó) hiểu được người nói thứ tiếng kia.

Tuy nhiên điều quan trọng là những chỗ khác nhau đó, nhất là về phương diện ngữ âm, đều có tính quy luật, nghĩa là trình bày những sự tương ứng đều đặn thành thử có thể nêu lên một số qui tắc mà theo đó người ta có thể nói trước được hình thái Mường nếu biết sẵn hình thái Việt, và ngược lại. Chẳng hạn, nếu trong tiếng Việt ta có thanh "uốn cao" ("dấu sắc") thì trong tiếng Mường ta sẽ có thanh "uốn thấp" ("dấu sắc") của các phương ngôn Việt (từ miền Trung Nghệ An đến Thừa Thiên). Hoặc nếu trong tiếng Việt ta có một phụ âm đầu hữu thanh (b, đ…) thì trong tiếng Mường ta sẽ có một phụ âm đầu vô thanh (p, t…) v.v…Theo phương pháp lịch sử so sánh dùng trong ngôn ngữ học, những sự tương ứng như vậy là một cơ sở chắc chắn để giả định rằng hai thứ tiếng Việt Mường trước kia vốn là một, nghĩa là giả định một "tiên ngữ" chung.

Những công trình nghiên cứu về các phương ngôn của tiếng Việt hiện đại cho phép người ta khẳng định rằng có những phương ngôn "cổ" hơn các phương ngôn khác (lệ như các phương ngôn Bắc Trung Bộ so với các phương ngôn Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Hễ một phương ngôn nào đó càng "cổ" bao nhiêu thì lại càng có nhiều nét giống tiếng Mường bấy nhiêu, thành thử có thể lập ra một dây chuyền những cái mốc đánh dấu sự chuyển tiếp liên tục từ tiếng Mường biến chuyển chậm hơn so với tiếng Việt phổ thông (phương ngôn Hà Nội chẳng hạn). Hoặc nói một cách khác, tiếng Mường là một thứ tiếng Việt chuyển biến chậm, hay ngược lại tiếng Việt là một thứ tiếng Mường chuyển biến nhanh hơn. Như vậy giả định rằng vào một giai đoạn lịch sử nào đó, tiếng Việt và tiếng Mường chỉ là một thứ tiếng đồng nhất, tương tự như một số thổ ngữ Mường hiện đại.

Theo G.Coedès, khoảng thế kỷ thứ VI, thứ VIII, lĩnh vực ngôn ngữ Mường tiếp giáp với lĩnh vực ngôn ngữ Khmer. Điều đó cho phép ta giả định rằng trước đây lĩnh vực phân bố của cư dân nói tiếng Mường rộng hơn rất nhiều so với địa bàn cư trú hiện nay của người Mường. Nó có thể bao gồm miền Tây Hà Tĩnh, Quảng Bình, vượt sang cả sườn Tây dải Trường Sơn[18]. G.Coedès cho rằng miền đồng bằng Bắc Bộ là nơi hình thành tiếng Việt[19].
 
V

Tất nhiên mối liên hệ tộc phổ chặt chẽ giữa tiếng Mường và tiếng Việt hoàn toàn chưa đủ để chứng minh rằng Mường và Việt vốn xưa cùng nguồn gốc. Nhiều tình trạng tương tự khác về văn hóa giữa người Việt và người Mường đã nhấn mạnh thêm điều mà chúng tôi muốn chứng minh.

Nếu về mặt ngôn ngữ ta đã ước đoán rằng tiếng Mường là một thứ tiếng Việt biến chuyển chậm thì phải chăng về mặt xã hội ta cũng có thể ước đoán rằng xã hội Mường (trước Cách mạng tháng Tám) vốn là một xã hội Việt biến chuyển chậm?

Ký ức của người Việt thời Lý - Trần về xã hội xưa của họ được phản ánh (có thêm bớt) trong nhiều truyện của sách Việt điện u linhLĩnh nam chích quái. Truyền thuyết Họ Hồng Bàng, Truyện Cây cau, Truyện Bánh chưng…có nói đến những tiếng quan lang, mị nương (mệ nàng) dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp quí tộc Việt cổ. Sử ký (q.113) và Hán thư (q.95) có nói đến một viên lang người Việt là Đô Kê đã bắt được Lữ Gia và hàng Hán (III tr.CN). Sách Giao châu ký của Triệu Xương đời Đường viết về Phùng Hưng có nói: "Ông cha đời đời làm tù trưởng châu Đường Lâm, gọi là quan lang…"[20]. Đường Lâm nay là Cam Lâm thuộc huyện Tùng Thiện tỉnh Sơn Tây, hiện ở đó còn đền thờ Phùng Hưng. Bây giờ Cam Lâm là một xã người Việt. Trước cuộc cải cách dân chủ ở miền núi, xã hội Mường vẫn tồn tại một tầng lớp thống trị là bọn lang đạo (gọi là thổ lang, lang, quan lang, đạo, phụ đạo…), con gái bọn chúng gọi là nàng.

Người Mường cũng có truyền thuyết về sự tích bánh chưng tương tự như Truyện Bánh chưng của người Việt chép trong Lĩnh nam chích quái[21]. Bánh chưng giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt, tập tục của xã hội Mường: người Mường không những gói bánh chưng xanh ngày Tết nguyên đán mà còn dùng bánh chưng trong các dịp cưới xin, cúng bái…Một số tập tục khác của người Việt cổ được ghi trong Lĩnh nam chích quái như tục ở nhà sàn, làm cơm nếp, có người chết thì giã cối làm lệnh…trước đây hoặc hiện nay vẫn còn phổ biến trong xã hội Mường.

Nếu người Việt có truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ trăm trứng sinh trăm con trai, về sau hai người chia con, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển thì người Mường cũng có truyền thống về đôi chim thần thoại ("chim Ay cái Úa" trong bài mo "Đẻ đất đẻ nước") sinh nhiều trứng sau nở thành muôn loài và người Mói (Mường), người Đáo (Việt)… J.Cuisinier còn sưu tầm được một truyện phản ánh nguồn gốc người Mường, truyện này có lẽ là một bài mo, được kể trong những dịp tang lễ ở một số nhà lang họ Quách, họ Đinh[22]. Truyện kể rằng nàng Ngu Cơ (Âu Cơ của Việt) vốn là một con hươu sao đã kết duyên cùng Long Vương (Lạc Long Quân của Việt) vốn là một con cá. Ngu Cơ đẻ được trăm trứng và nở thành 50 con gái, 50 con trai. Sau Ngu Cơ và Long Vương cũng chia con, 50 theo cha ra miền bể lập nên dòng vua áo vàng (người Mường thường nói "vua Táo áo vàng", Táo hay Đáo là tiếng người Mường gọi người Việt), còn Ngu Cơ dẫn 50 con lên vùng đồi núi lập nên dòng vua áo đen[23]. Theo ý chúng tôi, truyền thuyết ấy của người Mường còn giữ được nhiều nét "cổ" hơn truyền thuyết Việt: "Chim Ay, cái Úa", Hươu sao Ngu Cơ, cá Long Vương có thể xem là những tổ tiên tô tem giáo của người Mường và người Việt. Cả hai truyền thuyết Mường và Việt đều phản ánh nguồn gốc chung của tộc Mường và tộc Việt và sự tách rời nhau của hai tộc ấy ở một thời kỳ lịch sử nào đó.

Trước đây ít lâu (và một phần nào cho đến ngày nay nữa), người Mường thờ thánh Đản (Tản - tức Tản Viên) rất phổ biến. Các vùng Mường ở Bắc Hòa Bình, Phù Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây trước đây dựng đền thờ thánh Đản chung cho cả Mường, cho nhà lang và ở mỗi nhà dân. Bàn thờ thánh Đản thường được đặt ở gian giữa. Trong các ngày giỗ Tết, người ta đều khấn thánh Đản. Thánh Đản của người Mường là Tản Viên sơn thánh tức Sơn tinh của người Việt và được người Việt quan niệm là một trong số 100 con trai của Âu Cơ và Lạc Long Quân vốn theo cha về bể sau lại lên non theo mẹ. Ở người Việt, việc thờ Tản viên sơn thánh đã phai nhạt nhiều, nhưng trước đây ít lâu đền thờ thánh Tản viên và việc thờ Tản viên làm thành hoàng làng ở đình còn khá phổ biến ở vùng Sơn Tây, Phú Thọ…Sự tích Sơn tinh Thủy tinh chưa hoàn toàn phai lạt ở người Mường. Thủy tinh của người Việt là "Bun Khu" của người Mường.

Nói chung, có thể tìm thấy ở người Mường nhiều truyền thuyết của người Việt dưới một hình thức giản đơn hơn. Tình trạng tương ứng đều đặn đó có thể xem là một bằng cứ xác đáng về nguồn gốc chung của người Mường và người Việt.

Từ một số cứ liệu đã dẫn ở trên, ta có thể tiến lên một bước nữa mà khẳng định rằng: vào thời đại Hùng Vương trong truyền thuyết Việt hay thời đại Dịt Dàng trong truyền thuyết Mường, hoặc chính xác hơn vào thời văn hóa Đông Sơn, Mường Việt còn chưa phân hóa. Những truyền thuyết mang tính chất tương đồng rõ rệt giữa Mường và Việt đều được người Việt gắn với thời Hùng Vương nửa thần thoại, nửa lịch sử mà người Mường gọi là Dịt Dàng.

Từ lâu, nhiều nhà khảo cổ học nghiên cứu những đồ đồng của nền văn hóa Đông Sơn đã có ý định so sánh các quang cảnh được chạm khắc trên đồ đồng Đông Sơn (đặc biệt là trên trống đồng loại I) với cảnh sinh hoạt trong xã hội Mường[24]. Nói đúng ra, ở một vài thế kỷ trước sau Công nguyên, trên đất Việt Nam chưa có dân tộc Mường và dân tộc Việt hiểu theo nghĩa ngày nay vì, như đã nói ở trên, dân tộc là một phạm trù lịch sử, một sản phẩm lâu dài của lịch sử. Bấy giờ trên đất Việt Nam có những giống người thuộc Việt tộc - Lạc Việt, Âu Việt - mà ta có thể xem là tổ tiên của người Mường, người Việt và có thể cả một số tộc khác ngày nay (ví dụ người Tày…).

Tài liệu lịch sử mà ai nấy đều đã rõ cho biết người Lạc Việt là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa Đông Sơn, là chủ nhân của những trống đồng cổ. Hiện nay người Mường là trống loại II Heger (cũng có một vài trống loại I như trống Moulié, trống của làng Mẫn Đức, Hòa Bình), đại đa số trống Xá (Khmu) là trống loại III. Tục "tị ẩm" nổi tiếng của người Lạc Việt hiện nay chỉ còn thấy bóng dáng ở người Xá (Xá Xuấc hay Xá Sụa Sơn La)[25]. Bởi vậy, nếu không nên kết luận đơn giản rằng người Việt là chủ nhân duy nhất của nền văn hóa Đông Sơn thì mặt khác cũng không nên kết luận rằng người Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của riêng người Mường và người Việt. Những dân tộc hiện đại là kết quả của sự dung hợp của nhiều tộc người cổ đại. Những nhà nghiên cứu trước đây đã có lý khi cho rằng quang cảnh trên đồ đồng Đông Sơn thoát lên một phong thái "Indonésien", rằng trong nền văn hóa Việt hiện đại có tồn tại một bản chất "Indonésien"[26].

Có thể phát hiện được một vài yếu tố chung giữa Mường và Việt (có thể gọi là Tiền Việt theo gương các nhà nghiên cứu trước) ở nền văn hóa Đông Sơn. Thời Lý - Trần, hàng năm vua quan phong kiến vẫn đến cúng và thề ở đền Đồng Cổ (tại Hà Nội và Thanh Hóa ngày nay). Khi Lê Nhân Tông về Lam kinh (Lam Sơn, Thanh Hóa) bái yết sơn lăng, sử sách còn chép rằng trong buổi lễ cáo miếu có đánh trống đồng, trình bày đại nhạc[27]...Người Mường trước đây ít lâu (và một phần nào cho đến ngày nay) còn có tục dùng trống đồng. Nhưng chỉ quan lang Mường có trống đồng và trống đồng cũng chủ yếu chỉ dùng trong tang lễ nhà lang (người Lạc Việt và Lý Lão thời cổ dùng trống đồng trong nhiều trường hợp khác nhau)[28]. Điều quan trọng là người Mường còn lưu hành bài "mo Trống đồng" trong đó nói rằng ông vua thần thoại của người Mường (Mói) và người Việt (Đáo) là Dịt Dàng đã sai đúc hàng nghìn trống đồng đem cấp phát cho các lang đạo hoặc đem đổi chác. (Nhân tiện đây cũng xin nói rằng theo các bài mo "Đẻ đất đẻ nước", "Chặt cây chu", "Săn Muông"…của người Mường thì người Móm và người Đáo cùng sinh ra từ hang Trứng điếng và có cùng chung một lịch sử từ thời kỳ của các thủ lĩnh (lang) Đá Cài, Đá Cần đến đời vua Dịt Dàng[29]. Đấy cũng là một bằng chứng khác về nguồn gốc chung của người Mường và người Việt).

Những học giả nghiên cứu phong tục sử dụng trống đồng của người Mường đều nhất trí rằng trống đồng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo Mường, là vật nối liền giữa người sống và người chết, là công cụ ma thuật, và có khi là vật tùy táng, cũng như chủ nhân của văn hóa Đông Sơn đã coi trống đồng là nhân tố cần thiết cho đời sống ở thế giới bên kia. Người Mường trước đây rất coi trọng và sùng bái trống đồng. Trống đồng thường để ở hang, ở ngoài rừng, dưới gốc cây; khi làm lễ người ta sẽ đào trống lên và khi lễ xong lại trả trống về chỗ cũ. Ở Mường Teo, Mường Bi, người ta trả trống vào gốc cây và làm lễ bằng một con lợn sữa hoặc cúng thần trống bằng rượu, gạo… Ở Kim Bôi, khi đặt trống về chỗ cũ, dân làng phải đi dâng lễ, có thầy mo đi theo. Dân các làng bản đi qua ném vào chỗ đặt trống thóc, trứng. Tang gia treo một phần thịt ở cạnh trống khi thầy mo làm lễ[30].

Người Mường trước đây coi trống đồng như một sinh vật, họ tin trống đồng có thần, cũng như trước đây người Mơ Nông ở Tây Nguyên coi vò cổ (iang) là những vật quí, thiêng, có tên riêng như người và trong một vài ngày hội cũng đeo vòng trang sức như người.

Người Mường không những chỉ kế thừa chủ nhân văn hóa Đông Sơn tục dùng trống đồng. Trong tang lễ trước đây thầy mo Mường cũng hóa trang thành hình chim tương tự như những hình "người chim" khắc trên đồ đồng Đông Sơn. Trong bất kỳ tang lễ nào, thầy mo cũng kể chuyện "chim Ay cái Úa" đẻ ra người. Phải chăng đấy là một thần thoại có tính chất tô tem giáo của người Mường trước đây và tục hóa trang thành hình chim của người Đông Sơn và thầy mo Mường đều là tàn dư của những nghi lễ tô tem giáo của thời kỳ thị tộc?

Người Đông Sơn và người Mường đều ở nhà sàn; người Việt cổ cũng ở nhà sàn mà dấu vết sau này là kiến trúc đình làng kiểu nhà sàn. Những quan tài "hình thuyền" tìm thấy ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) trong đó chứa đựng trống đồng và những đồ đồng Đông Sơn khác[31] có cấu trúc tương tự như những quan tài bằng thân cây khoét rỗng kiểu "thuyền độc mộc" của người Mường, chỉ khác là qui mô to lớn hơn nhiều.

Như mọi người đều biết, phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn rất rộng, từ miền ven biển (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…) đến miền Trung du (Phú Thọ, Việt Trì…) và cả miền ven sông vùng thượng du (Yên Bái, Lào Cai…). Một số vùng hiện nay có người Mường cư trú cũng tìm thấy đồ đồng Đông Sơn (Đà Bắc…). Theo truyện Hồng Bàng trong Lĩnh nam chích quái thì ở thời Hùng Vương người Việt cổ "sống ở ven rừng (có bản chép là "sống ở chân núi" - TG), xuống nước đánh cá thường bị giao long làm hại…".

Như vậy có thể kết luận rằng vào khoảng thời Hùng Vương, hoặc chính xác hơn, vào khoảng thời kỳ tồn tại của văn hóa Đông Sơn (vài thế kỷ trước Công nguyên cho đến đầu Công nguyên), về căn bản Mường và Việt còn chưa phân hóa. Mường và Việt có một lịch sử chung rất lâu dài và tổ tiên chung của họ là người Lạc Việt. Kết luận đó - dựa vào những cứ liệu của nhiều ngành khoa học khác nhau (ngôn ngữ học, khảo cổ học, dân tộc học, nhân loại học…) - cũng phù hợp với quan niệm truyền thống của người Mường và người Việt vốn từ lâu vẫn coi là anh em, bà con với nhau. Người Việt gọi người Mói là "người Mường", người Mói gọi người Việt là "người Kinh", "người xuôi", "người chợ"…[32] là chỉ dựa vào một đặc điểm nào đó của khu vực cư trú hay của tổ chức xã hội của hai tộc ấy mà thôi, nó không có ý nghĩa phân biệt tộc hệ.
 
VII

Nếu Việt và Mường cùng chung một nguồn gốc thì một vấn đề tự nhiên được đặt ra là: Do những nguyên nhân nào và trong điều kiện lịch sử nào đã xảy ra sự phân hóa của khối cộng động "tiền Việt - Mường" thành hai tộc Việt và Mường hiện đại?

Người Mường thường giải thích sự phân hóa đó bằng việc xuất phát từ "Hang trứng điếng" của 50 người, do thủ lĩnh Chi Quyền Chợ dẫn đầu tiến xuống miền đồng bằng, trở thành người hạ bạn và một tập đoàn khác (47 người) do thủ lĩnh Chi Quyền Chạp dẫn đầu, sinh sống ở miền rừng núi, trở thành người thượng du[33].

Một hình thức khác của truyền thuyết trên là việc chia con - trong một thời kỳ hạn hán và sau một trận cãi nhau - giữa Ngu Cơ "nàng hươu sao" và Long Vương "chàng cá". Chàng cá "đưa 50 con xuống vùng cửa sông đổ ra bể và lập nên một "dòng vua áo vàng" (Việt); "nàng Hươu sao" đưa 50 con lên rừng và lập nên "dòng vua áo đen" (Mường). Truyền thuyết này mang màu sắc tô tem giáo rõ rệt: một tập đoàn săn bắn vật tổ là "hươu sao", một tập đoàn đánh cá có vật tổ là một loại cá nào đó, giữa hai tập đoàn này có quan hệ hôn nhân với nhau. Cả hai truyền thuyết trên phản ánh một nguyên nhân của sự phân hóa Việt - Mường là trong quá trình di thực của tổ tiên người Mường - Việt, do địa vực cư trú khác nhau đã sinh ra hai lối sống khác nhau và từ đó khối thống nhất chia làm hai. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân đó là có thực.

Nói chung, nhờ hoàn cảnh tự nhiên thuận lợi, tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa…của những tập đoàn sinh sống ở đồng bằng dần dần nhanh hơn tốc độ phát triển của những tập đoàn sinh sống ở miền rừng núi. Dần dần nảy sinh những sự khác biệt nhất định giữa hai khối ở đồng bằng và ở miền rừng núi, trước hết là về phương diện sinh hoạt vật chất (làm ruộng nước và làm nương rẫy, trồng lúa tẻ và lúa nếp, đánh cá sông cá biển - và cùng với nghề đánh cá là sự phát triển của kỹ thuật làm thuyền mảng - và săn bắn…)

Những thành quả văn hóa mới mà những tập đoàn "tiền Việt Mường" đạt được trong khi sinh sống ở lưu vực các sông lớn ven biển lại được biến đổi trong quá trình giao lưu văn hóa giữa họ và các tộc láng giềng. Trong khi đó những tập đoàn sinh sống ở rừng núi - trong điều kiện thấp kém chung của sức sản xuất và phương tiện giao thông thời đó - ít có điều kiện tiếp xúc nhiều với các tộc láng giềng và họ bảo lưu những yếu tố văn hóa cổ nhiều hơn so với cư dân đồng bằng. Đó là một lẽ khiến người ta có thể công nhận rằng tiếng Mường và xã hội Mường là thứ tiếng Việt và xã hội Việt biến chuyển chậm.

Người Mường trước đây, ngoài việc tiếp xúc với người Việt ở đồng bằng thì thường tiếp xúc với người Thái và các dân tộc thuộc ngữ tộc Môn - Khmer - nhất là người Mường ở miền Bắc và miền Tây của địa bàn cư trú hiện nay của họ. Nhiều nhà ngôn ngữ học đã xếp tiếng Việt - Mường vào ngữ hệ Nam Á cùng với ngữ tộc Môn - Khmer, nhiều người khác xếp tiếng Việt - Mường vào ngữ hệ Hán - Tạng. Song tất cả các nhà ngôn ngữ học đều thống nhất nhận định rằng tiếng Mường giữ được nhiều yếu tố Môn - Khmer và có ít yếu tố Thái và Hán (về mặt từ vựng) hơn tiếng Việt. Theo Haudricourt, những thổ ngữ Phong (Tày Pọng - miền Tương Dương Nghệ An và Lào) đứng ở vị trí trung gian giữa tiếng Khmer (ngữ tộc Môn - Khmer) và tiếng Mường[34]. Điều đó hoàn toàn có thể giải thích được về phương diện lịch sử nếu giả thiết rằng sự hình thành người Mường cũng như người Việt là dựa trên một thành phần nhân chủng nói tiếng Môn - Khmer (chẳng hạn, một yếu tố Xá), và hấp thụ thêm trong quá trình lịch sử những yếu tố Thái, Hán hoặc nhiều hoặc ít và có thể có một vài yếu tố khác nữa…

Phía Bắc địa bàn cư trú của người "tiền Việt Mường" ở đồng bằng Bắc Bộ và phía Nam địa bàn nước Sở của lịch sử Trung Quốc cổ đại là địa vực cư trú của các tộc tiền Thái (tổ tiên của các tộc Thái, Choang, Đồng, Bố y, Tày, Nùng…hiện đại). Theo những sự nghiên cứu mới đây của giới sử học Việt Nam và Trung Quốc thì, tổ tiên của người Choang Tày, Nùng có thể là cư dân bản địa của vùng Quảng Tây và Việt Bắc[35]. Khối "tiền Việt Mường" ở Bắc đồng bằng Bắc Bộ đã tiếp xúc rất sớm với khối Tày cổ ("tiền Thái - Tày") ở Quảng Tây + Việt Bắc và đã hấp thụ nhiều yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và nhân chủng Tày cổ (trong khi những cư dân tiền Việt Mường ở Nam, Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và miền rừng núi vẫn giữ nhiều liên hệ với khối Môn - Khmer hơn). Sự tiếp xúc đó có lẽ đã có từ lâu trước thời An Dương Vương tức là trước thế kỷ III tr.CN và đặc biệt diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ tồn tại của nước Âu Lạc do An Dương Vương - mà nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học và sử học nhận rằng thuộc thành phần Tày cổ - cầm đầu. Nhiều đồ đồng Đông Sơn cũng tìm thấy ở vùng Lạng Sơn, Thái Nguyên…là địa bàn của người Tày cổ. Tục hỏa táng, mặc áo lông chim…thấy thể hiện ở nhiều di tích Đông Sơn, cũng là đặc trưng của văn hóa Tày cổ. (Hoàn toàn có lý do để cho rằng có nhiều tộc người tham gia vào sự sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn trong đó có thể có tổ tiên của các tộc Xá, Việt - Mường, Tày…).

Cũng ngay từ thời đại văn hóa Đông Sơn, ở miền đồng bằng đã thấy sự có mặt của yếu tố văn hóa Hán (những đồ đồng Chiến quốc tìm thấy trong các mộ Việt Khê, Hải Phòng).

Những yếu tố văn hóa, nhân chủng, ngôn ngữ Hán được đặc biệt tăng cường ở miền đồng bằng Bắc Bộ trong thời Bắc thuộc, nghĩa là thế kỷ II tr.CN, nhất là từ giai đoạn thứ hai của thời kỳ Bắc thuộc tức từ đầu Công nguyên trở về sau. Có những hiện tượng đáng chú ý sau đây đối với vấn đề mà chúng ta đang nghiên cứu:

1.Sự di cư của một khối lượng khá lớn nhân dân Hán sang Giao Chỉ, việc định cư của họ ở miền đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sự tạp cư của họ với người Việt. Hiện tượng đó có từ thời Bắc thuộc I (trước Công nguyên)[36], đặc biệt sôi nổi từ cuối đời Đông Hán sang thời Tam quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều[37] và cuối thời Đường sang thời Ngũ đại[38].

Cũng thuộc loại hiện tượng trên là sự "sinh cơ lập nghiệp" lâu dài của nhiều sĩ phu, quan lại, địa chủ Hán tộc ở miền đồng bằng Giao Chỉ, Cửu Chân[39]. Hiện tượng đó không thể không làm biến đổi bộ mặt nhân chủng và văn hóa Việt, đặc biệt ở miền đồng bằng.

Gia phả nhiều dòng họ Việt Nam cho thấy rõ nguồn gốc Hán của nhiều người Việt[40]. Song không thể vì thế mà kết luận hồ đồ rằng nguồn gốc người Việt nói chung là người Trung Hoa thời Bắc thuộc và là người Lạc Việt không phải là tổ tiên của người Việt hiện đại[41]. Chúng ta chỉ có thể kết luận là thành phân Hán chiếm một tỉ lệ quan trọng trong quá trình hình thành nhân chủng Việt. Sau khi nước ta đã giành được độc lập ở thế kỷ thứ X, theo nhiều thư tịch Trung Quốc đời Tống như Đảo di chí lược, Trịnh Thiều châu kỷ lược, Quế hải ngu hành chí (dẫn ở Văn hiến thông khảo q.330 mục Giao Chỉ)…thì ở nước ta thời Lý "thổ nhân rất ít, một nửa là tỉnh dân (dân Trung Quốc - TG)". Điều đó có thể là nói quá, song cũng cho ta ý niệm về thành phần cư dân Hán ở Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Một điều rõ ràng là yếu tố Mông Cổ của người Việt nói chung đậm hơn so với người Mường.

2. Nhiều sĩ phu, quan lại Trung Quốc như Tích Quang, Nhâm Diên, Mã Viện thời Hán, Sĩ Nhiếp thời Ngô, Đào Hoàng thời Tấn, Đỗ Tuệ Độ thời Tống, Triệu Xương thời Đường…vì muốn củng cố quyền thống trị của phong kiến Trung Quốc trên miền đất nước Việt nên đã ra sức truyền bá văn hóa Hán ở đây, nhằm đồng hóa người Việt. Cố gắng của họ đã căn bản không thành công. Người Việt với bản chất văn hóa cố hữu vững chắc và có một sức mạnh sinh tồn rất mạnh mẽ nên tuy tiếp thu khá nhiều ảnh hưởng Hán song vẫn không bị đồng hóa. Ngược lại, lịch sử cho biết thiểu số Hán tộc sinh sống giữa biển người Việt đã dần dần bị Việt hóa (trường hợp Sĩ Nhiếp, Lý Bôn, Hồ Quý Ly, họ Vũ ở Mộ Trạch v.v…). Có thể nói rằng trong thời Bắc thuộc, ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam đã xảy ra quá trình "hòa hợp Hán - Việt cổ" mà phương hướng chủ yếu là Việt hóa (trong khi ở miền Phú Kiến, Quảng Đông cũng xảy ra quá trình hòa hợp Hán Việt nhưng phương hướng chủ yếu là Hán hóa). Như vậy có nghĩa là tuy người Việt ở đồng bằng ven biển vẫn giữ được cốt cách Việt cũ (sau thế kỷ thứ X, người Việt ở đồng bằng vẫn giữ được nhiều tập tục từ "thời Hùng Vương" như tục nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình, chit khăn, búi tóc hoặc cắt tóc, tục dùng bánh chưng bánh dầy ngày Tết, di tích nhà sàn ở đình làng, tục đua thuyền, tài bơi lặn và giỏi thủy chiến, tục bói gà[42] v.v…) nhưng trong quá trình lịch sử thời Bắc thuộc người Việt cũng đã bỏ nhiều tập tục cổ (tục tị ẩm, mặc áo chui đầu (poncho) hay gài áo bên trái, ở nhà sàn v.v…) và tiếp thu một số ảnh hưởng văn hóa Hán (ở nhà đất bằng, thay đổi kiểu quần áo, tư tưởng Nho giáo v.v…). Điều đó có thể thấy được phản ánh đôi chút qua các hiện vật trong nhiều "mộ Hán" có niên đại Đông Hán - Lục triều phát hiện được tương đối phổ biến ở miền đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (mô hình các kiều nhà nửa sàn nửa đất bằng, mô hình nhà đất bằng, cối giã gạo…). Có thể nói, từ sau công cuộc thi hành chính sách "giáo hóa" của hai thái thú Tích Quang, Nhâm Diên ("dạy dân lễ nghĩa"!) thì ảnh hưởng văn hóa Hán xâm nhập ngày càng nhiều vào vùng người Việt ở đồng bằng. Không phải ngẫu nhiên mà các tác giả phong kiến Trung Quốc nói rằng: "Miền Lĩnh Nam theo phong hóa Trung Quốc là bắt đầu từ thời hai thái thú đó" (Hậu Hán thư).

Dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc tổ chức xã hội cơ sở của người Việt ở đồng bằng dần dần có biến chuyển. Theo Việt sử lược, thời Hùng Vương có 15 bộ lạc. Đến thời Hán thì các bộ lạc nói chung chuyển hóa thành các huyện. Tổ chức xã hội ở dưới bộ lạc và huyện thì không một thư tịch nào chép tới. Chúng ta chỉ có thể dựa vào danh hiêu "quan lang" thời Hùng Vương, danh hiệu quan lang của Phùng Hưng để suy đoán rằng có lẽ xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ cũng có tổ chức mường, Song cũng có thể, dưới ảnh hưởng của văn hóa Tày cổ (đặc biệt mạnh mẽ dưới thời An Dương Vương) địa danh các công xã nông thôn ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã biến đổi sâu sắc rồi. Nghiên cứu tên các làng xã ở đồng bằng miền Bắc xưa kia, người ta thấy rất phổ biến địa danh mở đầu bằng chữ "kẻ" (Kẻ Sặt, Kẻ Noi, Kẻ Vẽ, Kẻ Mọc, Kẻ Mía, Kẻ Đơ v.v…[43]Kẻ Chủ (tức Cổ Loa hay Khả Lũ trong các thư tịch Hán văn) là tên xuất hiện sớm nhất trong thư tịch lịch sử, vào nửa cuối thế kỷ III tr.CN. "Kẻ" là một từ chỉ người nói chung, chỉ cá nhân, đồng thời chỉ cả cư dân, cư địa, khu vực hành chính. Nguồn gốc của chữ kẻ và nguyên tắc đặt tên địa phương mở đầu bằng chữ kẻ rõ ràng là Tày cổ[44]. Ảnh hưởng đó của văn hóa Tày cổ thấy rất đậm ở địa bàn cư trú của người Việt nhưng lại không thấy thể hiện ở khu vực cư trú của người Mường hiện tại.

Nhà Hán và các triều đại kế tiếp sau đã thi hành chính sách quận huyện ở miền đất nước ta. Đến khoảng thời Tùy Đường thì ở miền đồng bằng đã bắt đầu xuất hiện tổ chức hương, xã. An nam chí nguyên viết: "Đất Giao Chỉ vốn không có những tên thành, quách, hương, trấn. Sách Ngụy Việt ngoại kỷ viết: "Thứ sử nhà Đường là Khâu Hòa mới đặt hương và xã ở trong ngoài các châu huyện. Huyện chia thành hương nhớn hương nhỏ, xã lớn, xã nhỏ. Xã nhỏ có từ 10 đến 30 hộ, xã lớn có từ 40 đến 60 hộ; hương nhỏ có từ 70 đến 150 hộ, hương lớn có từ 160 đến 540 hộ"[45]. Đây là một bước rất quan trọng trong việc thành lập các làng xã ở miền đồng bằng Bắc Việt Nam. Có thể nói rằng khoảng thời thuộc Tùy Đường (thế kỷ VII - đầu thế kỷ X) thì tổ chức cơ sở xã hội giữa vùng Việt và vùng Mường về cơ bản đã khác nhau.

Dưới thời Bắc thuộc, lối đặt tên họ của người Việt cũng có sự biến đổi. Truyện Nhâm Diên trong Hậu Hán thư nói rằng từ sau: "cải cách" của Nhâm Diên, người Lạc Việt "sinh con mới biết giống nòi, biết tộc họ". Tất nhiên điều ghi chép đó là sai, vì ngay từ thời kỳ thị tộc, người ta đã có họ. Nhưng điều ghi chép đó có thể ám thị rằng khoảng trước sau Công nguyên, tộc họ của người Việt khác hẳn tộc học của người Hán. Nhưng tên người Việt cổ: Dịch Hu Tống, Đô Kê, Cư Ong, Ích Xương, Thi Sách, Trưng Trắc, Đô Dương… rõ ràng khác hẳn tên họ Hán. Có lẽ đó là một hiện tượng vay mượn, hiện tượng này có thể xuất hiện từ sau cuộc "cải cách" của Nhâm Diên, Tích Quang. Điều đáng chú ý là trước đây dân thường người Mường ở Hòa Bình chỉ có một họ duy nhất: Mui (hoặc Bùi). Có giả thiết rằng trước thời Bắc thuộc, người "tiền Việt - Mường" (Lạc Việt) không có họ tên như hiện nay, về sau trong thời kỳ Bắc thuộc người Việt ở đồng bằng đã tiếp thu lối đặt tên họ của người Hán. Tầng lớp trên của người Việt miền núi (Mường) cũng tiếp thu lối đặt họ tên đó nhưng nhân dân thường thì có thể nói là vẫn không có tên họ kiểu Hán. Đấy cũng là một hiện tượng thể hiện sự phân hóa khối thống nhất Việt - Mường làm hai tộc. Theo tài liệu của J.Cuisinier, hiện nay chỉ có 3 tộc danh thuần túy Mường là Ai, Kem và Khói, còn các họ khác của người Mường đều giống như họ Việt.

Cũng trong thời Bắc thuộc, ngôn ngữ Việt tiếp tục chuyển biến. Có những biến đổi do quy luật nội tại của ngôn ngữ Việt chi phối, ví dụ hiện tượng xuất hiện thanh điệu trong tiếng Việt. Theo Haudricourt, ở đầu Công nguyên, tiếng Việt không có thanh điệu, đến thế kỷ thứ VI xuất hiện 3 thanh điệu trong tiếng Việt và đến thế kỷ XII thì tiếng Việt bắt đầu có 6 thanh điệu như ngày nay[46]. Mặt khác, cũng trong thời Bắc thuộc, tiếng Việt đã vay mượn rất nhiều ở tiếng Hán (tỷ trọng nhiều hơn tiếng Mường). Haudricourt viết: "Sự xuất hiện những thanh điệu do những thay đổi phụ âm cuối và phụ âm đầu đã xẩy ra một cách song song trong bốn ngôn ngữ (Hán, Thái, Việt - Mường, Mèo - Dao - T.G) dưới ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cái ảnh hưởng mà những hiện tượng vay mượn là "chứng cứ"[47]. Cũng chính trong thời Bắc thuộc bắt đầu xảy ra những sự khác nhau giữa tiếng Việt ở đồng bằng và miền núi. Tất nhiên sự diễn biến đã đưa tới sự khác nhau tối đa hiện thấy giữa phương ngôn "mới" nhất của tiếng Việt và phương ngôn "cổ" nhất của tiếng Mường là một quá trình rất lâu dài (có thể dựng lại bằng những cái mốc do một số phương ngôn hiện đại làm thành). Tuy vậy theo những tài liệu của H.Maspéro, quá trình đó - quá trình tiếng Việt bắt đầu có sự tiến hóa riêng biệt - đã diễn ra sớm hơn thế kỷ thứ X[48].
 
Nếu những sắc thái khác nhau của ảnh hưởng của Hán tộc đối với người Việt đậm đà hơn so với người Mường thì cũng là điều dễ hiểu và chính đó là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự phân hóa Việt - Mường. Và hiện tượng đó cũng chủ yếu diễn ra trong thời Bắc thuộc, lúc mà giữa người Việt ở đồng bằng và người Hán có sự tiếp xúc thường xuyên và chặt chẽ, có sự dung hợp lẫn nhau. Trong khi đó, khối người Việt cổ ở miền trung thượng du (miền ven rừng ven núi) ít tiếp thu ảnh hưởng của Hán tộc hơn và thường nằm ngoài phạm vi thống trị trực tiếp của phong kiến Trung Quốc.


Khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc, chúng ta không nên quan niệm rằng ngay từ thời Triệu hay thời Hán, phong kiến Trung Quốc đã xâm chiếm và cai trị được toàn bộ miền đất nước ta. Thực ra ban đầu bọn quan lại chỉ thiết lập được một số trung tâm cai trị và một số đồn binh ở miền đồng bằng, tại những nơi kinh tế phát triển nhất (như Mê Linh, Luy Lâu, Long Biên… ở đồng bằng sông Hồng, Tư Phố, Cư Phong ở đồng bằng sông Mã, Hoài Hoan… ở lưu vực sông Lam v.v…). Trong thời Bắc thuộc I (180 trước CN - 40 sau CN), chính quyền phong kiến Trung Quốc chỉ thiết lập được đến cấp quận. Từ sau cuộc chinh phục của Mã Viện (43 sau CN), chính quyền đó mới thiết lập được đến cấp huyện và cũng chủ yếu là ở miền đồng bằng mà thôi. Nhiều quận huyện, nhiều chức quan chỉ là đặt khống, phong khống, phải "ký trị", "giao trị" (cai trị từ xa), hoặc như lời Tiết Tổng nói ở nhiều nơi "trưởng lại tuy đặt, có cũng như không". Chính sách cai trị cơ bản của phong kiến Trung Quốc đối với những miền xa là "ki mi" (ràng buộc lỏng lẻo), ở đó các thủ lĩnh người bản xứ vẫn thế tập cai trị dân (chế độ lang đạo của người Mường trước đây); cũng chính ở đó nhiều tập tục cổ còn được duy trì và ảnh hưởng Hán không sâu sắc.

Cho đến nay, hầu như giới khảo cổ học không phát hiện được một "mộ Hán" nào trong địa bàn cư trú của người Mường hiện tại. Nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ và Phong Châu đô đốc phủ với một hệ thống các châu ki mi để khống chế các địa phương miền núi. Người Mường hiện tại còn giữ một vài ký ức về Cao Biền, tiết độ sứ Tĩnh Hải quận (An Nam) của nhà Đường khoảng giữa thế kỷ IX. Song nhà Đường vẫn không trực tiếp cai trị được miền núi. Cứ xem như ngay vùng chung quanh Hưng Hóa, nhà Đường đã phải đặt châu ki mi Lâm Tây thuộc Phong Châu đô hộ phủ. Sau khi nước ta giành được độc lập ở thế kỷ X thì nhà Đinh cũng như nhà Tiền Lê vẫn không khống chế được miền núi. Đất phong của các con Lê Hoàn chỉ bao gồm miền đồng bằng. Nhà Lý và nhà Trần với chính sách vừa đàn áp vừa mua chuộc đã vươn xa được thế lực tới miền núi. Nhiều đạo, lộ, trấn đời Lý - Trần đã bao gồm được khu vực cư trú hiện tại của người Mường như đạo Lâm Tây, lộ Quốc Oai, trấn Quảng Oai, trấn Thiên Quan…nhưng chính sách cơ bản của các triều đại phong kiến Việt Nam đối với các dân tộc ít người miền núi cũng chỉ là chính sách ràng buộc, bắt thần phục và triều cống chứ không phải là chính sách trực trị. Minh Mệnh đã thất bại trong âm mưu trực trị miền núi.

Nói tóm lại, trong thời Bắc thuộc thành phần nhân chủng Hán và văn hóa Hán để lại nhiều ảnh hưởng sâu rộng ở người Việt đồng bằng nhưng ảnh hưởng đó không đậm đà đối với người Việt cổ miền núi. Từ đó dần dần nảy sinh những sự khác nhau giữa hai khối người Việt đó. Việt và Mường dần dần phân hóa từ khối thống nhất "tiền Việt - Mường" (Lạc Việt). Có thể nói rằng sự phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt chủ yếu là sản phẩm của lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc.

Do sự bóc lột, đàn áp khốc liệt, dã man của bọn quan lại tướng sĩ các triều đại phong kiến Trung Quốc, rất nhiều tập đoàn cư dân Việt cổ ở miền đồng bằng đã phải rủ nhau bỏ trốn lên miền rừng núi phía Tây, Tây Bắc hay chạy xuống miền Nam.

Với chính sách "di dân khẩn thực" của nhà Hán và công cuộc "sinh cơ lập nghiệp" của bọn quan lại địa chủ Hán cùng các "bộ khúc" của chúng ở Giao Châu, với chính sách tô thuế và lao dịch vô cùng nặng nề (lên rừng tìm ngà voi, sừng tê, chim công…), không phải có nhiều bộ phận người Việt cổ đã bị bật khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình, buộc phải lìa bỏ quê hương và trở thành những người "vong mệnh"[49] hoặc thiên di lên miền rừng núi để chống lại quá trình "phong kiến hóa". Sau mỗi cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân Việt Nam, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã tổ chức những cuộc chiến tranh đàn áp khốc liệt. Rất nhiều người Việt bị tàn sát, nhiều người bị đày sang Trung Quốc, nhiều người khác không chịu khuất phục kẻ thù đã bỏ trốn vào miền rừng núi. Lấy cuộc chinh phục của Mã Viện làm thí dụ. Hai Bà Trưng và hàng ngàn nghĩa quân đã tử tiết, hơn 300 thủ lĩnh bị đầy sang Linh Lăng (Hồ Nam), một thủ lĩnh của phong trào là Đô Dương cùng một số nghĩa quân phải bỏ trốn vào Cửu Chân[50]. Mã Viện tiến quân vào quận Cửu Chân, đến huyện Dư Phát, một thủ lĩnh nghĩa quân là "Chu Bá bỏ quận chạy vào miền rừng sâu đầm rậm là nơi tư ngưu và voi tụ ở, có những bầy đến mấy nghìn bò, thỉnh thoảng thấy hàng mấy chục đến hàng trăm con voi"[51]. Sau khi nhà nước Vạn xuân bị sụp đổ trước cuộc xâm lược của Dương Phiêu, Trần Bá Tiên (545-546), Lý Bôn phải trốn vào vùng động Khuất Lão, anh Lý Bôn là Lý Thiên Bảo và tộc tướng là Lý Phật Tử phải chạy vào Ái Châu (Thanh Hóa), trốn tránh ở vùng động Dã Năng giáp đất Lào[52]. Một số trống đồng loại II Heger và bình đồng Hán phát hiện được lẻ tẻ ở Sơn La, Quì Châu (Nghệ An), Bái Thượng (Thanh Hóa) và cả ở Kontum nữa có thể là do những người lạc Việt bỏ lại hoặc chôn dấu đi trên đường trốn chạy lên miền Tây hoặc xuống phía Nam.

Thời Lục triều, ngoài các cuộc chiến tranh đàn áp nhân dân còn nổ ra những cuộc chiến tranh liên miên giữa các phe phái phong kiến Trung Quốc ỏ Giao Châu (hoặc theo Ngô, hoặc theo Tấn, hoặc theo Tùy chống Đường hoặc cát cứ…). Tình trạng biến động liên miên đó đã gây ra những cuộc di cư hàng loạt của người Lão từ Giao Châu lên miền Tây Bắc, tới cả Vân Nam, Tứ Xuyên[53]. Những cuộc di cư tương tự của người Việt cổ ở đồng bằng lên miền rừng núi phía Tây và Tây Bắc Việt Nam cũng có thể diễn ra trong trường hợp đó.

Nói tóm lại, trong thời Bắc thuộc đã nảy sinh nhiều luồng di cư của người Việt cổ ở đồng bằng lên miền rừng núi để chống lại ách áp bức bóc lột, chống lại chính sách đồng hóa phong kiến Trung Hoa, tại đấy họ còn bảo lưu được nhiều tập tục cổ, nhưng trong điều kiện ở núi rừng, nhân lực thiếu tập trung, xã hội của họ đã biến chuyển chậm hơn xã hội của những bà con của họ còn lại ở miền đồng bằng có điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn, nhân lực tập trung hơn và hấp thụ được nhiều ảnh hưởng tích cực của văn minh Trung Hoa.

Những điều đã trình bày ở trên cho ta có cơ sở để giải thích một truyền thuyết sau đây, rất phổ biến trong đồng bào Mường. Truyền thuyết này dùng để giải thích vì sao dòng lang này hay dòng lang khác (và do đó là mường này hay mường khác) đã kiêng không ăn thịt chó hay thịt khỉ, thịt trâu, thịt dê…Theo đồng bào Mường, xưa kia tổ tiên của họ đã phải đương đầu trong một cuộc chiến tranh với phong kiến phương Bắc. Xứ mường đã bị tàn phá, người lớn, trẻ con trong bản mường bị giết chết hết trừ một người đàn bà đẹp đang có mang sắp đến ngày trở dạ. Bà ta chạy trốn vào rừng, đẻ được một đứa con và đã chết (hoặc quá yếu không thể nuôi được đứa bé). Bấy giờ ở trong rừng có chó cái, trâu nái, dê cái, khỉ cái…(một trong những con này tùy theo chuyện kể ở từng mường) đã cho đứa trẻ bú và nuôi nấng đứa trẻ thành người. Đứa trẻ đó lớn lên trở thành tổ tiên của các dòng lang Mường trước đây. Dòng lang đó (và nhân dân mường đó) nhớ ơn con vật đã nuôi mình và kiêng không ăn thịt nó (vùng mường Vang, mường Vó ở Lạc Sơn Hòa Bình có câu tục ngữ "Lang Vang bú chó, lang Vó bú trâu"[54]. Truyền thuyết trên đây dường như là một thần thoại tô tem giáo, song rõ ràng là phản ánh một sự thực lịch sử là cuộc chiến tranh giữa quân xâm lược phong kiến phương Bắc và tổ tiên người Mường, sau đó người Mường đã bỏ trốn vào miền rừng núi ở với thú rừng (giống như Chu Bá bỏ quân trốn vào nơi rừng sâu đầm rậm tê voi tụ ở…). Phải chăng vì tổ tiên của người Mường trước kia vốn ở đồng bằng và ven bể sau bị phong kiến phương Bắc đàn áp tàn khốc đã thiên di lên miền núi nên sau này mỗi khi có người chết, người Mường lại tổ chức cúng mo, đưa linh hồn người chết từ vùng đất hiện tại trở về miền đồng bằng, ven bể là nơi quê cha đất tổ của mình rồi từ đó linh hồn người chết mới được đưa "lên trời"? Vì tài liệu có hạn, vấn đề đó hiện nay chưa thể giải quyết được.
 
VIII

Những tài liệu thư tịch Trung Quốc và Việt Nam có liên quan đến thời Bắc thuộc hầu như không cho ta biết chút gì về lịch sử của người Mường. Tài liệu duy nhất nói đến chế độ quan lang là sách Giao Châu ký của Triệu Xương (cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX); sách đó viết rằng ông cha Phùng Hưng "đời đời làm tù trưởng châu Đường Lâm, gọi là quan lang". Như đã nói ở trên, Đường Lâm tức Cam Lâm nay là một xã Việt hoàn toàn.

Tài liệu chỉ cho biết khoảng thế kỷ VIII trở về trước, ở Cam Lâm có chế độ quan lang. Chế độ ấy không rõ đã biến mất ở Cam Lâm vào lúc nào, chỉ biết rằng khi Lý Tế Xuyên viết cuốn Việt điện u linh (1329) và dẫn đoạn ghi chép trên của Giao Châu ký thì ông đã thêm một lời chú thích sau đây sau chữ "quan lang": "Tục ấy nay trên mạn ngược vẫn còn". Điều đó chứng tỏ bấy giờ Cam Lâm không còn quan lang nữa.

Phùng Hưng có người đồng hương là Đỗ Anh Hàn (có sách chép là Anh Luân) (theo Đường thư Đỗ Anh Hàn là một thổ tù. Anh Hàn đã bày kế cho Phùng Hưng vây thành đô hộ An Nam năm 791). Vậy ở thế kỷ VIII Cam Lâm cũng có họ Đỗ cư trú. Cam Lâm còn là quê của Ngô Quyền (ở đó còn đền thờ và lăng Ngô Quyền, gần ngay đền thờ Phùng Hưng). Theo Toàn thưCương mục bố Ngô Quyền là Ngô Mân làm thứ sử Phong Châu "đời đời là nhà quý tộc". Vậy trước thế kỷ thứ X, Cam Lâm cũng là đất cư trú của họ Ngô nữa.

Họ Phùng nay vừa là họ Việt, vừa là họ Mường, nhưng họ Đỗ và họ Ngô thì tuyệt nhiên người Mường không có. Theo tài liệu điều tra của Ty Văn hóa Sơn Tây, hiện nay ở Cam Lâm còn nhiều gia đình họ Đỗ, một số ít gia đình họ Ngô nhưng không còn một gia đình họ Phùng nào. Họ Phùng rất có thể bị tuyệt diệt sau khi con Phùng Hưng là Phùng An đã đánh nhau với chú là Phùng Hải rồi sau đã ra hàng quân xâm lược nhà Đường hoặc đã di cư đi nơi khác.

Hiện nay, huyện Tùng Thiện Sơn Tây vẫn là địa bàn cư trú của cả người Việt và người Mường (người Mường ở vùng chân núi Ba Vì). Những tài liệu sẽ dẫn ở phần sau chứng tỏ rằng khoảng thế kỷ XII, XIII, ở miền Tùng Thiện đã có người Mường. Vậy đây là miền giáp giới của Mường và Việt cho nên sự phân hóa Việt - Mường có thể diễn ra chậm và kém rõ rệt hơn những vùng trung tâm.

Một tài liệu khác nói đến Đường Lâm thời Bắc thuộc là Sử ký của Đỗ Thiện và cũng do Việt điện u linh dẫn. Tài liệu này cũng chép trong Toàn thư và đều mang nặng tính chất truyền thuyết. Theo các tài liệu ấy, trong thời kỳ tồn tại của nước Vạn Xuân (544-546), Lý Nam Đế (Lý Bôn) đã sai một viên tướng là Lý Phục Man đem quân đóng giữ hai đất Đỗ Động và Đường Lâm, "các rợ Man ở gần đền sợ không dám phạm đến bờ cõi". Cái tên Phục Man cũng không phải là tên thực của viên tướng ấy, mà có nghĩa là chinh phục người Man. Đỗ Động là vùng Thanh Oai Hà Đông ngày nay. Xưa Đỗ Động và Đường Lâm có thể bao gồm cả một dải đất từ Tùng Thiện (Sơn Tây) đến Thanh Oai Hà Đông[55]. Đỗ Động và Đường Lâm khi ấy đều được coi là đất "ở biên giới" nước Vạn Xuân, tiếp giáp rợ Man[56]. Người Man nói ở đây có phải là người Mường không? Và nhà nước Vạn Xuân phải chăng chỉ bao gồm miền đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi cư trú của người Việt? Với những tài liệu hiện nay chúng tôi cũng chưa dám khẳng định điều gì cả.

Sau khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán ở Bạch Đằng và lên làm vua được ít lâu (930 - 914), nước ta trải qua một thời kỳ loạn lạc (Thập nhị sứ quân). Nhưng Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt đánh dẹp được các sứ quân khác, thống nhất quốc gia lập nên triều đại nhà Đinh. Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước của mình là Việt (Đại Cồ Việt). Trần Kinh Hòa cho rằng chữ "Cồ" là phiên âm của chữ "kẻ", "kẻ Việt" là người Việt. Về mặt dân tộc học, một vấn đề thường được nêu ra là: Đinh Bộ Lĩnh là người Mường hay người Việt? Ý kiến cho rằng Đinh Bộ Lĩnh là người Mường không dựa trên cơ sở nào chắc chắn cả. Người ta chỉ nói chung chung rằng nhiều dòng lang Mường nhận là dòng dõi Đinh Tiên Hoàng, vậy Đinh Tiên Hoàng có thể là người Mường. Và người ta lại lấy đó làm một lý do để chứng minh rằng hồi thế kỷ thứ X Việt và Mường còn chưa phân hóa.

Hiện nay, các chi thứ họ Đinh người Việt ở vùng Hoa Lư và vùng Gia Viễn (Ninh Bình) nói chung đều nhận thuộc dòng dõi Đinh Tiên Hoàng. Nhiều gia phả họ Đĩnh ở các nơi khác nữa cũng tự nhận là dòng dõi Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đó, trước đây nhiều dòng lang đạo Mường họ Đinh cũng tự nhận là dòng dõi Đinh Tiên Hoàng. Đó chưa phải là một chứng cứ đầy đủ để cho rằng Đinh Tiên Hoàng là người Mường hoặc ở thế kỷ X Việt Mường chưa phân hóa. Ở đây cần phân biệt các dòng lang Mường và người Mường nói chung. Tài liệu điều tra dân tộc học điền dã ở Hòa Bình và Thanh Hóa đều cho biết nhiều lang đạo Mường vốn trước kia là người Việt ở miền xuôi lên vùng Mường làm thầy đồ dạy trẻ, làm thợ rèn… rồi có thể trở thành lang đạo Mường (ví dụ lang đạo cũ không có con trai, con gái lang đạo lấy thầy đồ hoặc thợ rèn Kinh…và sau khi lang đạo cũ chết, thầy đồ, thợ rèn Việt nối nghiệp làm lang…[57].Bởi vậy, một số dòng lang Mường thuộc dòng dõi Đinh Tiên Hoàng không có nghĩa là dân Mường cũng thuộc dòng dõi Đinh Tiên Hoàng và do đó đi đến kết luận là Đinh Tiên Hoàng là người Mường.

Đinh Tiên Hoàng rất có thể là người Việt, sau khi nhà Đinh bị nhà Tiền Lê cướp ngôi, một số anh em con cháu nhà Đinh chạy lên vùng Mường và trở thành tù trưởng lang đạo Mường.

Một tài liệu của Pierre Grassin (công sứ hòa bình thời Pháp thuộc) và Quách Điêu (lang cun Chiềng Khến - nay là Mường Xến, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) thời Pháp thuộc - cho biết: Dòng lang Mường Động (Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) chính là dòng dõi vua Đinh (lang Vĩnh Đồng, họ Đinh) được vua Lê Đại Hành sắc phong cho: "Nhất thế vi vương, vạn đại vi Man phương tù trưởng" (một đời làm vua, vạn đời làm tù trưởng Man). Quách Điêu còn cho biết sắc phong ấy vào năm Thiên Thụy thứ hai (Lê Đại Hành chỉ có niên hiệu Thiên Phúc, - Thiên Phúc thứ hai là năm 982), "cái sắc ấy bằng lá đồng nhỏ có khắc chữ, hiện nay chi trưởng họ Đinh còn giữ được"[58]. Hiện nay không có điều kiện để kiểm tra xem tài liệu đó là thực hay ngụy tạo, song nếu tài liệu đó quả là xác thực thì nó cũng không hề chứng minh rằng Đinh Tiên Hoàng là người Mường, và Việt Mường ở thế kỷ X chưa phân hóa. Ngược hẳn lại, nó lại chứng minh rằng bấy giờ Mường Việt đã phân hóa hẳn hoi vì Lê Đại Hành, vua phong kiến Việt đã coi người Mường là "Man", nghĩa là đã coi người Mường là một tộc khác người Việt.

Cũng cần chú ý rằng vùng Hoa Lư, Gia Viễn Ninh Bình cũng như vùng Tùng Thiện Sơn Tây đến nay vẫn là vùng giáp giới với địa bàn cư trú của người Mường và tất nhiên ở những vùng giáp giới Mường - Việt[59] thì quá trình phân hóa Việt Mường sẽ diễn ra chậm chạp hơn những vùng trung tâm. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ rằng dưới thời Ngô - Đinh, ở Hoa Lư vẫn tổ chức theo động (động Hoa Lư), sách (Đinh Bộ Lĩnh đóng quân ở sách Tế Áo, chú Bộ Lĩnh là Đinh Dự đóng quân ở sách Bồng[60]. Thực ra thì dưới thời Lý, một vài vùng ở Hà Nam (động Chư gần núi Đọi), Vĩnh Phúc (sách An Lạc) vẫn duy trì tổ chức động, sách[61]. Ấy là chưa kể một vài vùng ở Hà Đông (Thanh Oai), Nam Định (Nghĩa Hưng), Thanh Hóa…còn được gọi là bộ lạc nữa kia![62].

Năm 1001, sử cũ chép Lê Hoàn "đi đánh giặc Cử Long"[63]. Năm 1005 các con Lê Hoàn đánh lẫn nhau để tranh ngôi vua, Đông thành vương Ngân Tích phải chạy vào Cử Long nương tự. Thanh thế Cử Long rất lớn, người Cử Long chiếm đến miền cửa bể Thần đầu, Yên Mô, Ninh Bình[64], sau Long Đĩnh (Ngọa triều) đem quân đánh Cử Long. Khi nhà Lý lên thay nhà Lê, năm 1011 Lý Thái Tổ lại đem quân đánh Cử Long. "Vua đem sáu quận đi đánh, đốt bộ lạc của chúng, bắt những tên cầm đầu của chúng rồi về"[65]. Theo Cương mục, Cử Long là tên người Man ở Cẩm Thủy Thanh Hóa. Theo Ngô Thì Sĩ, miền Cẩm Thủy còn có tổng Cự Lữ, có lẽ là dấu vết tên Cử Long. Người Man Cử Long ở đây cũng có thể là người Mường. Đến những đoạn chép sau đây của Đại Việt sử ký toàn thư Việt sử lược thì chắc chắn là chỉ người Mường:

Năm thứ 9 hiệu Đại Định (1147) thời Lý Anh Tông, "Mùa hè, tháng 6, hạ chiếu cấm bọn thủ lĩnh quan lang Man Lý Sơn Lão hai trấn Đại Thông, Qui Nhân không được vô cớ tới kinh"[66]. Qui Nhân chưa rõ ở đâu (có lẽ là Qui Hóa Văn Bàn, Văn Chấn, Trấn Yên vùng Yên Bái) chép nhầm (chữ nhân và chữ hóa tự dạng giống nhau), Đại Thông là vùng Sơn Tây, Hưng Hóa và những vùng giáp giới. Ở đây quan lang Mường đã bị xem là Man Lão.

Năm 1184 "Mùa đông các sách Tư Mông, sách Trịnh, sách Ô Mễ làm phản. Vua sai thái phó Vương Nhân Từ đi đánh dẹp…Nhân Từ đánh thẳng vào hai sách Đãng Bái, Vạn Mễ, hạ được. Đến trại La Biểu bị bọn rợ Lão đánh úp, quan quân thua to. Nhân Từ chạy đến núi An Cối, bị hãm ở trong bùn lầy và bị rợ Lão đâm chết…(năm 1185) mùa xuân, Kiến Ninh vương Long Ích đem hơn một vạn hai nghìn quân đi đánh bọn sơn Lão ở sách Linh để báo thù việc La Biểu. Quân đến Đỗ Gia thôn, Long Ích sai người đến chiêu dụ, bọn cầm đầu là Đinh Vũ, quan langĐinh Sáng đều hàng"[67]. Rất tiếc rằng các địa điểm mà Việt sử lược nhắc đến chưa thể xác định là nơi nào, song căn cứ vào:
 
  • Tổ chức xã hội theo sách (khu vực cư trú của người Thái, Tày không tổ chức theo sách),
  • Thủ lĩnh nghĩa quân họ Đinh,
  • Trong đó có Đinh Sàng được ghi rõ là quan lang,

ta có thể biết chắc chắn đây là một cuộc khởi nghĩa của người Mường chống lại triều đình phong kiến Lý lúc này đã bắt đầu thối nát. Nghĩa quân lại bị sử cũ gọi là Lão, Sơn Lão hay là Man nghĩa là đã bị coi là một tộc thiểu số khác người Việt.

Đấy có thể nói là những tài liệu có tính chất quyết định chứng minh rằng khoảng thế kỷ XII Việt và Mường đã hoàn toàn phân hóa. Một số tài liệu lịch sử khác cũng chứng minh điểm đó. Việt sử lược viết năm 1152 "Sơn Lão ở Đại hoàng là Nùng Khả Lai làm phản, vua thân chinh đi đánh"[68]. Đại hoàng giang là một lộ của nước Đại Việt thời Lý Trần bao gồm miền Nho Quan, Gia Viễn. Tuy sử cũ chép thủ lĩnh nghĩa quân là Nùng Khả Lai, song ở đó xưa không có người Tày - Nùng, sơn Lão chép đây chỉ có thể là Mường. Toàn thư còn chép, năm 1198 "Ngô Công Tín người hương Cao Xá, Diễn Châu (Nghệ An) hiểu dụ bọn vong mệnh, cùng với người Đại hoàng là Đinh Khả, Bùi Đô xưng là con cháu Đinh Tiên Hoàng đồng thời làm loạn"[69], Đinh là họ lang, Bùi là họ dân phổ biến của người Mường. Điều đó càng chứng minh sơn Lão ở Đại hoàng là người Mường[70]. Việt sử lược chép năm 1205 người Đại hoàng cùng Man Lão Chí Thổ nổi dậy khởi nghĩa, đánh chiếm cả một dải hương thôn, đốt hành cung ở Ứng Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định)[71]. Chí Thổ có thể là Xích Thổ thuộc trấn Thiên Quan đời Trần, nay thuộc Hòa Bình, cư dân ở đó cũng là người Mường. Người Đại hoàng còn tiếp tục khởi nghĩa, khi nhà Trần lên thay nhà Lý (1225) vẫn chưa thôi.

Việt sử lược còn chép năm 1211, Trần Tự Khánh đem quân đánh Đinh Cam ở Đội Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), "Cam chạy vào Sơn lão"[72]. Sơn lão ở gần Đội Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), thì lại chỉ có thể là người Mường ở vùng Hòa Bình (vùng Lạc Thủy Hòa Bình có người Mường, trước thuộc Hà Nam), Ninh Bình…

Việt sử lược chép: Năm 1218 "lấy chức minh tự của sơn lão sách Ma Luận là Bách Lãng làm liệt hầu"[73]. Bạch là họ lang Mường và cũng là họ Thái nhưng người THái không có tổ chức xã hội theo sách, vậy sơn Lão nói ở đây lại cũng chỉ có thể là người Mường.

Việt sử lược chép đến sơn Lão ở Quốc Oai. Năm 1211, bị Tô Trung Tự đoạt hết binh quyền, Nguyễn Tự chạy lên Quốc Oai, "trốn đến sơn Lãosách Khô"[74]. Quốc Oai là một lộ thời Lý, cuối đời Trần đổi là Quảng Oai, bao gồm cả miền huyện Tùng Thiện (Sơn Tây), huyện Mỹ Đức (Hà Đông), huyện Lương Sơn (Hòa Bình), xưa nay là vùng cư trú của người Mường tiếp giác người Việt. Cùng với cuộc khởi nghĩa ở Đại hoàng chống nhà Lý, cuộc khởi nghĩa đó ở Quảng Oai cũng rất lớn. Toàn thư chép đến nhân dân vùng đó, gọi là "Tản viên sơn man": "Quảng Oai man". "Tháng 10 năm Đinh Mão (1207), rợ Man ở núi Tản viên châu Quốc Oai làm loạn, cướp bóc hương Thanh Oai (huyện Thanh Oai, Hà Đông - T.G). thanh thế rất thịnh, không thể chế ngự được"[75]. "Mùa đông tháng 10 năm Mậu dần (1218) [vua] sai Nguyễn Nộn đem quân đánh dẹp Quảng Oai man"[76]. Vậy Sơn Lão Quốc Oai, Tản viên sơn man hay Quảng Oai man nói ở đây đều có lẽ chỉ người Mường. Khởi nghĩa của "Quảng Oai man" cũng kéo dài tới đầu đời Trần như khởi nghĩa Đại Hoàng[77]. Đấy có thể xem là hai cuộc khởi nghĩa lớn của người Mường chống triều đình phong kiến thối nát cuối thời Lý.

Tất cả những điền dã dân ở trên cho ta thấy tính chất vô căn cứ của quan điểm cho rằng đến thế kỷ XV sự phân biệt giữa người Mường và người Việt chưa được xác định một cách rõ ràng. Ý kiến đó dựa vào vài chứng cứ sau đây:

"Theo Lam Sơn thực lục thì sự phân biệt giữa người Mường và người Việt hoàn toàn chưa được xác định một cách rõ ràng, duy trong bia Vĩnh Lăng người ta thấy có một vài đoạn nói về quân lính người Mường theo Lê Lợi để khởi nghĩa. Điều đó chứng tỏ tộc danh Mường không phải là một tộc danh cổ truyền mà có lẽ mới xuất hiện từ thế kỷ XV trở về sau này"[78]. Ở đây, Mạc Nguyên Chung nói là theo bản dịch Lam Sơn thực lục của Mạc Bảo Thần (1944). Sự thực thì bia Vinh Lăng không có đoạn nào nói về quân lính người Mường theo Lê Lợi để khởi nghĩa cả[79]. Chỉ có bản dịch Lam Sơn thực lục, trang 35, viết: "Đợi khi giặc đem quân lui, mới lại về đắp lũy ở quê cũ là Lam Sơn. Nhà vua thu lại tàn quân, chỉ chừng hơn trăm người. Lại đem quân Mường ở Lam Sơn, trai gái khiêng gánh lương thực…". Chính Mạc Nguyên Chung căn cứ vào đoạn này của bản dịch Lam Sơn thực lục mà kết luận rằng tộc danh Mường xuất hiện ở thế kỷ XV. Thực ra Mạc Bảo Thần đã dịch đoạn này một cách tùy tiện, cốt lấy ý cho thoát chứ không bám vào từng chữ. Nguyên văn trong Lam sơn thực lục như sau:[80]

(Để xuất Yên mang, phục thu kỳ bại tốt, tài bách dư nhân, tái xuất Lam sơn Man binh, nam nữ đài lương xuất nhập kiểm cấm, phủ dụ sĩ tốt…). Dịch nghĩa: "Nhà vua ra mường Yên, thu thập bại binh, chỉ còn hơn trăm người, lại thống suất Man binh ở Lam Sơn, trại gái khiêng gánh lương thực ra vào nơi hiểm cấm, vỗ về quân lính…". Trong Lam Sơn thực lục có viết nhiều chữ "mường" (mang), nhưng đều chỉ địa phương (mường Yên, mường Vấn, mường Ninh…) chứ không phải là tộc danh. Theo các tài liệu hiện có, tộc danh "Mường" (dùng để chỉ người Mường) xuất hiện trong thư tịch rất muộn; thư tịch cũ thường dùng cá chữ Man, Man Lão, Sơn Lão, Thổ nhân…để chỉ các dân tộc thiểu số nói chung (trong thư tịch thời Lý, Trần, Lê, chữ Man Lão…sơn Lão dùng để chỉ cả tộc Thái, Tày, Mường, Xá…và cả nước Ai Lao, Chiêm Thành v.v…[81]. Phải căn cứ vào nội dung cụ thể của các điều ghi chép về từng Man mà đoán định Man đó thuộc tộc nào, ví dụ "Lam Sơn Man binh" thì có thể là thuộc tộc Mường vì vùng Lam Sơn và thượng lưu sông Chu chỉ có người Việt và người Mường. Không thể căn cứ vào tộc danh Mường xuất hiện vào thời gian nào để định cái mốc cho sự phân hóa Việt - Mường. Nguyễn Trãi và Lê Lợi (Nguyễn Trãi viết Lam Sơn thực lục, nhưng danh nghĩa thì Lê Lợi viết) dùng chữ "Lam Sơn Man binh" để chỉ quân lính người Mường ở Lam Sơn tham gia khởi nghĩa, điều đó lại càng chứng tỏ rằng từ trước thế kỷ XV Việt và Mường đã có sự phân hóa rõ ràng rồi. Nhiều người cho rằng Lê Lợi là người Mường và lấy đó làm một lý do để cho rằng ở thế kỷ XV Việt Mường chưa phân hóa rõ rệt.

Trước hết, cần chỉ rõ rằng việc Lê Lợi là người Việt hay người Mường không hề làm thay đổi kiến giải chung của chúng ta về sự phân hóa Việt - Mường từ trước thế kỷ XV. Song hiện nay cũng chưa có chứng cứ gì xác đáng để quyết đoán rằng Lê Lợi là người Mường ngoài việc dựa vào một câu trong Lam Sơn thực lục nói rằng Lê Lợi làm phụ đạo làng Khả Lam (bãi bia Vĩnh Lăng không hề nói đến điểm này), và dựa vào chỗ vùng Lam Sơn và phụ cận hiện nay có nhiều người Mường đến cư trú. Gốc tích Lê Lợi cũng còn là một vấn đề cần đi sâu nghiên cứu. Theo bia Vĩnh Lăng, tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối người phủ Thanh Hóa, sau dời đến ở Lam Sơn. Theo Lam Sơn thực lục, Lê Hối người thôn Như Áng (xã Lam Sơn) làm nghề sư công tức nghề dạy học (bản thân Lê Lợi rất giỏi chữ Hán, đọc nhiều sách Hán)[82]. Cũng có thể nghĩ rằng Lê Hối là người Việt ở miền xuôi lên thôn Như Áng làm nghề dạy học, sau dời đến ở Lam Sơn. Việc Lê Lợi làm phụ đạo làng Khả Lam, nếu quả có thực thì cũng chưa đủ xác minh Lê Lợi là người Mường vì nhiều nhiều lang đạo Mường trước đây vốn gốc là Việt; hiện tượng đó chỉ có thể chứng minh rằng nếu Lê Lợi gốc người Việt thì đã ít người bị "Mường hóa". Vùng Lam Sơn là vùng giáp giới giữa Mường và Việt, giữa hai tộc đó có sự giao lưu văn hóa, chịu ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên sự phân biệt Mường - Việt không thể rõ ràng như các vùng trung tâm. Cũng cần chú ý đến chữ  "Lam Sơn Man binh" trong Lam Sơn thực lục. Điều đó có nghĩa là nghĩa quân ban đầu của Lê Lợi có lẽ gồm chủ yếu là người Việt. Chỉ sau khi Lê Lợi từ Chi Linh về lại Lam Sơn (vào cuối tháng 3-1418), nghĩa quân chỉ còn hơn trăm người, thì ông mới thống suất thêm "Lam Sơn Man binh" là người Mường. Thật khó lòng quan niệm được rằng Lê Lợi là người Mường mà lại gọi người đồng tộc là Man và con ông (Lê Thái Tông) đã ra lệnh cấm "các quan lang, phụ đạo ở các biên châu không có việc gì thì không được tới kinh. Khi có lễ triều hội thì cho ở Hoài Viễn (xã Cự Linh, Gia Lâm)"[83]. Với cấm lệnh đó, rõ ràng nhà Lê đã coi quan lang, phụ đạo người Mường chỉ là tù trưởng Man như các tù trưởng thiểu số khác.

Sứ thần nhà Lê là Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (1475) khi bàn về các danh hiệu "quan lang" "phụ đạo" thời Hùng Vương đã viết: "Nay xem những tù trưởng Man gọi là "nam phụ đạo", "nữ phụ đạo", nhẽ hoặc thế chăng?" Rõ ràng Ngô Sĩ Liên cũng gọi người Mường là Man, nghĩa là một tộc khác Việt.

Tóm lại, hoàn toàn không có lý do gì để cho rằng đến thế kỷ XV sự phân biệt giữa người Mường và người Việt còn chưa được xác định rõ ràng.
 
X - KẾT LUẬN

Trên đây, chúng tôi đã trình bày một số nhận xét về mối quan hệ Mường Việt và quá trình phân hóa Việt - Mường thành hai tộc khác nhau. Quan điểm của chúng tôi là: Mường và Việt không phải chỉ là hai tộc anh em mà vốn xưa là đồng tộc: tộc "tiền Việt - Mường" hay tộc Lạc Việt. Trong quá trình phát triển của lịch sử, do địa bàn cư trú khác nhau, dần dần xuất hiện một số điểm sai biệt giữa người Việt cổ ở đồng bằng và người Việt cổ ở miền rừng núi. Xã hội, ngôn ngữ của người Việt ở đồng bằng tiến triển tương đối nhanh, xã hội, ngôn ngữ của người Việt ở miền rừng núi cũng biến đổi và phát triển, song sự biến chuyển diễn ra tương đối chậm hơn. Người Việt đồng bằng đã phát triển những thành quả văn hóa mới đạt được trong quá trình sinh tụ ở lưu vực các sông lớn và miền ven bể, đã hấp thụ nhiều ảnh hưởng nhân chủng, kinh tế, vă hóa, xã hội của cá tộc láng giềng, như tộc Tày cổ, đặc biệt hấp thụ nhiều thành phần nhân chủng và văn hóa Hán tộc trong thời Bắc thuộc. Người Việt ở miền núi, đã duy trì rất lâu nhiều phong tục tập quán cổ và tuy cũng có hấp thụ những ảnh hưởng ngoại lai của tộc Tày - Thái và của Hán tộc nhưng không đậm nét như người Việt đồng bằng. Do chính sách đàn áp bóc lột của phong kiến phương Bắc trong hơn một nghìn năm lệ thuộc, nhiều tập đoàn người Việt cổ ở đồng bằng và miền ven rừng núi đã thiên di lên phía Tây và Tây Bắc hoặc xuống phía Nam, tiến sâu hơn vào miền rừng núi, bảo lưu nhiều và lâu hơn những yếu tố Việt cổ, xa cách những ảnh hưởng Hán tộc nhiều hơn. Chính vì những nguyên nhân đó, trong điều kiện lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc đã xảy ra quá trình phân hóa khối thống nhất Việt - Mường thành hai tộc Việt và Mường. Quá trình phân hóa Việt - Mường tất nhiên là một quá trình lâu dài, chậm chạp và diễn ra không đồng đều ở những nơi khác nhau. Ở đồng bằng Bắc Bộ, quá trình đó có thể diễn ra nhanh hơn ở miền đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh; ở những miền giáp giới Mường Việt quá trình đó lại có thể diễn ra chậm hơn nữa. Về cơ bản, hiện tượng phân hóa đó đã thể hiện rõ rệt vào cuối thời Bắc thuộc. Từ thế kỷ thứ X trở đi thì tài liệu lịch sử cho biết người Việt đã coi người Mường là một tộc khác.

Tuy từ đó trở đi Việt Mường là hai tộc khác nhau, nhưng vì ngôn ngữ, phong tục, tập quán, truyền thống gần gũi nhau, địa bàn cư trú ở cạnh nhau, giữa hai tộc vẫn không ngừng có sự giao lưu kinh tế và văn hóa với nhau. Hầu như người Việt và người Mường không bao giờ mất đi cái ký ức rằng vốn xưa Mường Việt là đồng tộc. Ở những vùng giáp giới Mường Việt, hiện tượng phân hóa không lúc nào rõ ràng. Trong lịch sử thường xuyên diễn ra hiện tượng "Mường hóa Việt", "Việt hóa Mường". Mường Việt gần gũi nhau, sát cánh bên nhau trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, đặc biệt rõ rệt là cuộc kháng chiến Mười năm chống quân Minh (1417-1427) do Lê Lợi lãnh đạo. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân người Việt đã phát triển địa bàn lên vùng Mường như khởi nghĩa Lê Duy Mật (1738-1770), Lê Duy Lương (1833-1834). Người Mường vang Mường Vó còn có câu tục ngữ "Vua Lê mất nước chạy ngược lên rừng", Cao Bá Quát và cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (1854-1855). Trong các cuộc khởi nghĩa đó, nhiều người Mường đã tham gia nghĩa quân. Nhiều cuộc kháng Pháp thời kỳ trước khi có Đảng lãnh đạo trong một chừng mực nhất định đã đoàn kết được cả người Mường và người Việt (như cuộc kháng Pháp của Đốc Ngữ Đề Kiều (1889-1893).

Ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và Đảng Lao động Việt Nam ngày nay đã đoàn kết tấtcác dân tộc anh em trong nước, trong đó có tộc Mường và tộc Việt, trong sự nghiệp cứu nước chung, đánh đổ thực dân xâm lược Pháp và bè lũ tay sai. Chính sách dân tộc bình đẳng của Đảng đã dần dần xóa bỏ được những thành kiến trước đây giữa đa số và thiểu số, đặc biệt đã xóa bỏ được đầu óc kỳ thị chủng tộc, tạo điều kiện cho sự gần gũi và hiểu biết nhau hơn giữa các dân tộc anh em.

Trong công cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp trước đây và nhất là trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay, đã và đang diễn ra một quá trình gần gũihòa hợp Mường - Việt. Có thể nói nếu lịch sử trước đây đã gây nên sự phân hóa Mường - Việt thì lịch sử hiện nay và tương lai đang và nhất định sẽ tạo nên sự gần gũi, hòa hợp Việt - Mường. 
 

[1] Cũng như các tiếng tự xưng của người Tày (Tày hay T’ai hay Đày), người Xá cẩu (Khmu), người Mèo (Hmông hay Mông, Mon)…đều có nghĩa là "người" nói chung.
[2] Christopher Bori - An Account of Cochinchina 1651, - Marini Romain - Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tonquin et de Laos…1666, L’abbé de Choisy - Journal du voyage de Siam 1686, - Alexandre de Rohdes - Divers voyage et Missions 1653 v.v…
[3] Xem chẳng hạn Le Tonkin Mường của Gouin et Moulié, Bull, de la Soc. Géogr. 7e série, tome 7e, 1886 pp.617-622, - Un an chez lé Muong của Frédréric Garein, Paris, 1891. Gouin và Moulié viết: "Trong ngôn ngữ thường ngày, người ta thường gọi chung các cư dân bản xứ bằng tên Mường. Trong văn kiện chính thức, những cư dân đó luôn luôn được chỉ định bằng tên thổ dân". F.Garein viết: "Chúng ta gọi  họ (Thái, Mường, Thổ - TQV) bằng tên Mường, đấy là một tiếng không được chính xác vì Mường là tên chỉ các đơn vị hành chính của họ".
[4] J.Cuisinier - Les Mường, Géographie humaine et sociologie, Paris, 1946, p.22, - Đào Duy Anh - Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964, tr.23.
[5] Việt sử lược q.II, 12b, năm 1065: "Châu Mang Quán làm phản", Mang Quán là mường Quán, thuộc vùng Sơn La.
[6] Man thư q.IV, Danh loại.
[7] Tiếng Mang ở đây rõ ràng là phiên âm tiếng "Mường" chỉ một vùng. Man thư viết: "Mang là tên nơi ở vua man gọi là Mang chiếu (châu Mường - TQV)". Bộ lạc Mang man gồm các manh Thiên Liên, mang Thổ Lao, mang Xương, mang Thịnh Khủng, mang Thi (nay là mang Thị tức Mường Thị - TQV)…
[8] Cương mục chính biên q.XXVII, 20a.
[9] Xem, chẳng hạn Đại nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ q.LIX, - Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí (xem mục Sơn Tây, Hưng Hóa, Thanh Hóa…), - Lê Quí Đôn - Kiến văn tiểu lục, mục Phong vực (Sơn Tây), - Hoàng Bình Chính Hưng Hóa xứ phong thổ lục, - Dư địa chí, - Toàn thư v.v…
[10] J.Przyluski - Les langues du monde, 1924. H.Maspéro - Études sur la phonétique historique de la langue annamite, 1912. A.G.Haudricourt - La place du vietnamien dans les  langues austro - asiatiques, 1953, - De porigine des tons en vietnamien, 1954. N.D.Andreev - Về nguồn gốc tiếng Việt Nam (Tiếng Nga, 1958) v.v…
[11] H.Marneffe et L.Bezacier - Les groupes sanguins en Indochine du Nord. B.I.I.E.H. III - 2, 1940.
[12] J.Cuisinier - Đã dẫn, tr.564-565.
[13] Đào Duy Anh - Cổ sử Việt Nam, 1955; Lịch sử Việt Nam quyển thượng, 1958 và các tác phẩm khác, - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, 1960, - Nguyễn Đổng Chi - Vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam qua ý nghĩa một truyện cổ tích, Tập san Văn Sử Địa số 18, - Nguyễn Thế Phương - Tiếng Mường và mối liên quan về nguồn gốc giữa người Mường, người Kinh, Tập san Văn Sử Địa số 12 - Lâm Tâm - Tên gọi của người Mường và mối quan hệ giữa tên gọi của người Mường với người Việt, Tập san Nghiên cứu lịch sử số 32 tháng 11-1961.
[14] Chéon M.A, - Notes sur les Mường de la province de Sơn Tây, B.E.F.E.O. V,1905.
[15] Chéon M.A, - Notes sur les Mường de la province de Sơn Tây, B.E.F.E.O. V,1905.
[16] Xem Chéon - Note sur les prétendus Mường de la province de Vinh Yên và Bonifacy - Note additionnelle sur les prétendus Mường de la province de Vinh Yên.
[17] J.Cuisiner - Đã dẫn tr.404.
[18] G.Coedès - L’origine du cycle des douze animaux an Cambodge, T’oung Pao Vol, XXXI, livr.3-5 và V.Goloubew - Le people de Đông Sơn et les Mường, Cahiers de l’E.F.E.O. No 10, 1937 pp.17-23.
[19] G.Coedès - Les langues de l’Indochine, Paris 1948.
[20] Dẫn trong Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, bản dịch của Nhà xuất bản Văn hóa, 1960, tr.15.
[21] Tài liệu sưu tầm được trong đợt công tác điền dã của chúng tôi ở Mường Bi năm 1964.
[22] J.Cuisinier - Đã dẫn lời nói đầu tr.XII.
[23] J.Cuisinier - Đã dẫn lời nói đầu tr.XII.
[24] O Janse - Rapport préliminaire d’une mission archéologique en Indochine, Revue des Arts asiatiques, Tome X, no 1, 1936 và các tác phẩm khác, - V. Goloubew - Le people de Đông Sơn et les Mường, Cahiers de l’E.F.E.O. No 10, 1937 pp.19-23 và các tác phẩm khá, - Đào Duy Anh - Cổ sử Việt Nam, 1955, - Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, 1957, - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, 1960, v.v…
[25] Theo tài liệu điều tra điền dã của Cẩm Trọng ở Thuận Châu 1964 và xem Bouchet Contribution à une etude sur les tribus Xá de la province de Sơn La, Revue de folklore francais et de folklore colonial No 1 Janv - Fév.1936, - Nguyễn Văn Tố - Les Xá Xuấc de Sơn La, Bull. De la Soc. De’enseignement mutual du Tonkin T.XIII, 1933 p.433.
[26] Về cách hiểu khái niệm Indonésien thế nào cho đúng, xin xem Hà Văn Tấn - Về vấn đề người Indonésien và loại hình Indonésien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam - Thông báo khoa học của trường Đại học Tổng hợp 1962.
[27] Cương mục q.XVIII, 30a.
[28] Người Mường ở Ngọc Lạc, Lang Chánh (Thanh Hóa), Thanh Sơn (Phú Thọ)...cũng dùng trống đồng trong hôn lễ và ngày Tết.
[29] Xem Trần Quốc Vượng - Vài hình ảnh xã hội Mường thời cổ qua một số bài mo. Rất tiếc rằng theo những tài liệu hiện nay được biết người Mường không còn nhớ lịch sử của mình - dù lịch sử thần thoại (histoire légendaire) - từ đời vua Dịt Dàng trở về sau. Trước đây người Mường cũng không có chữ viết riêng và không có một quyển lịch sử nào của dân tộc mình. Điều đó đã và sẽ gây rất nhiều khó khăn cho những ai muốn viết lịch sử dân tộc Mường.
[30] V.Goloubew - Đã dẫn. J.Cuisinier - Đã dẫn, tr.450.
[31] Diệp Đình Hoa, Phạm Văn Kỉnh - Những ngôi mộ cổ tìm thấy ở Việt Khê Hải Phòng. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử 1962.
[32] Chúng tôi chưa giải thích được vì sao người Mường gọi người Việt là người Đáo (Táo, Tảo...).
[33] Xem Nguyễn Đổng Chi và Đào Duy Anh - Đã dẫn.
[34] André G.Haudricourt - La place du vietanmien…(Đã dẫn).
[35] Xem Trần Quốc Vượng - Vấn đề người Lạc Việt, 1962, - Trần Quốc Vượng - Đặng Nghiêm Vạn - Vấn đề An Dương Vương và lịch sử người Tày cổ ở Việt Nam, 1963.
[36] Hậu Hán thư q.116, 5b: Nhà Hán "dời những tội nhân Trung Quốc đến (Giao Chỉ) cho ở lẫn lộn với người Việt, (người Việt) mới hơi biết ngôn ngữ (Hán), dần dần (người Việt) mới hóa theo lễ nghĩa". Cuối thời Tây Hán và thời Vương Mãng, nhiều người Hán di cư xuống Giao Chỉ, ví dụ tổ tiên Lý Bôn (Tiền Lý Nam Đế).
[37] Thời Đông Hán mạt và đầu thời Tam quốc, hàng trăm sĩ phu Hán sang Giao Chỉ nương tự Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao Chỉ nhà Ngô là Tiết Tổng, thuở nhỏ theo người cùng họ sang tị địa ở Giao Chỉ…v.v…(xem Tam quốc chí, Ngô chí, q.4 q.8). Thời Tấn, theo Bác vật chí "Những người vượt bể di cư sang Giao Chỉ không bao giờ dứt". Ở Giao Châu thời Đông Hán đã có nhiều "dân lưu ngụ" người Hán (Thủy kinh chú, q.37). thời Nam Bắc triều (xem truyện Từ Viên trong Tống thư, Tấn thư q.100 10a), đất Giao Châu cũng có rất nhiều "dân lưu ngụ là kiều dân" Hán. Theo Tống thư, Châu quận chí, năm 441 (Nguyên gia thứ 18), nhà Tống lập quận Tống Hi là vùng đất của những người lưu ngụ Hán ở Giao Châu, gồm 4 huyện.
[38] Tiên tổ Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người đất Mân, lánh nạn sang An Nam, lập ấp ở Nghệ An.
[39] Xem Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, 1961.
[40] Gia phả họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương, cho biết tổ họ Vũ là Vũ Hồn, đô hộ An Nam đời Đường. Theo Toàn thư, nhà Trần người đất Mân.
[41] Nguyễn Phương - Lịch sử Lạc Việt, đặc san Đại học sư phạm Huế, tập I, 1960 - 61, Đối lập với quan điểm Nguyễn Phương xem Trần Quốc Vượng, Vấn đề người Lạc Việt, 1962.
[42] Xem Việt sử lược, - Lĩnh ngoại đại đáp, - An nam chí lược q.I mục Phong tục.
[43] Xem Đào Duy Anh - Đất nước Việt Nam qua các đời, tr.24-25.
[44] Xem Từ Tùng Thạch - Thái tộc, Choang tộc, Việt tộc khảo Việt giang lưu vực nhân dân sử, đặc biệt cần xem Trần Kinh Hòa - Việt Nam Đông kinh địa phương chí đặc xưng "kẻ", Văn Sử Triết học báo (Đài Loan), kỳ 1 tháng 6, 1950.
[45] An nam chí nguyên -Bản in của trường Viễn đông bác cổ Hà Nội 1932, q.I, tr.59, 61.
[46] André G.Haudricourt  - De l’origine des tons en vietnamien. Journal asiatique, Tome CCXLII, 1954, Fasc.1, pp.69-82.
[47] [47] André G.Haudricourt  - De l’origine des tons en vietnamien. Journal asiatique, Tome CCXLII, 1954, Fasc.1, pp.69-82.
[48] H. Maspéro - Bài đã dẫn, tr.51, tr.112.
[49] Tống thư q.92, 3a đã nói đến những "dân vong mệnh ở châu Giao". Đó là những nông dân bị bần cùng hóa, phá sản và phải lưu vong.
[50] Hậu Hán thư - Mã Viện truyện, q.54.
[51] Thủy kinh chú, q.37, 7a.
[52] Trần thư q.1, - Toàn thư ngoại kỷ.
[53] Vưu Trung - Hán Tấn thời kỳ đích Tây Nam di - Lịch sử nghiên cứu 12-1959, tr.12-36.
[54] Họ Đinh kiêng ăn thịt khỉ, họ Quách, họ Cao kiêng ăn thịt chó, họ Bạch, họ Quách kiêng ăn thị trâu trắng v.v…
[55] Đỗ Động và Đường Lâm là hai khu vực liền nhau nên Lý Nam Đế mới giao cho Lý Phục Man kiêm quản cả hai nơi. Toàn thư Ngoại kỷ q.5, 26a chép: "Hơn 500 con em Ngô tiên chúa ở Đỗ Động…". Ngô tiên chúa tức là Ngô Quyền, người Đường Lâm.
[56] Việt điện ulinh, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội 1960, tr.40-44. Đền thờ Lý Phục Man ở làng Dừa (Mễ Sơ), huyện Đan Phượng, Hà Đông.
[57] Theo tài liệu điều tra điền dã của Đào Duy Anh ở vùng người Mường Thanh Hóa và của Mạc Đường ở vùng người Mường Hòa Bình.
[58] Quách Điêu - Hòa Bình quan lang sử lược, Tạp chí Nam Phong số 100; Cũng xem Pierre Crossia La province Mường de Hòa Bình, 3ème edition, Hà Nội 1926, q.20.
[59] Theo Đại Nam nhất thống chí (Ninh Bình) thì phủ Trường Yên (trong đó có kinh đô Hoa Lư) thời Lý Trần bao gồm cả miền Nha quan.
[60] Xem Việt sử lược q.I, - Toàn thư Bản kỷ q.I.
[61] Việt sử lược q.III, 18b, 30b. Toàn thư q.IV, 30b.
[62] Toàn thư q.V, 26a. Việt sử lược q.III, 16b.
[63] Việt sử lược q.I, 20b.
[64] Toàn thư q.I, 25b-27a, b.
[65] Toàn thư q.II, 4b.
[66]  Toàn thư q.IV, 6b.
[67] Việt sử lược, q.III, 10b, 11a. Toàn thư q.IV. 20a chép: "Kiến Khang vương Long Ích đi đánh chư Mang ở sách Viêm, bình được".
[68] Việt sử lược q.III, 5a, - Toàn thư q.IV, 10b: "Thủ lĩnh sơn Lão Đại hoàng giang Nùng Khả Lai phản" và chua "Đại hoàng nay là phủ Trường An", tức là miền Gia Khánh (Ninh Bình).
[69] Toàn thư q.IV, 22b.
[70] Theo Đại Nam nhất thống chí (Ninh Bình) thì phủ Nho Quan "xưa là đất Man thuộc phủ Trường Yên). Man đây rõ ràng chỉ người Mường.
[71] Việt sử lược q.II, 16b.
[72] Việt sử lược q.III, 23a.
[73] Việt sử lược q.III, 30b.
[74] Việt sử lược q.III, 22a.
[75] Toàn thư q.IV, 25a.
[76] Toàn thư q.IV, 30b.
[77] Toàn thư q.IV, 34b, - q.V, 1a: Năm 1226 "sai Trần Thủ Độ đem quân đánh dẹp Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và chư Man. Bấy giờ nhân nhà Lý suy, giặc cướp quần tụ, các man ở núi Tản Viên, núi Quảng Oai đều xâm nhiễm…".
[78] Xem bài của Mạc Nguyên Chung - Đã dẫn - Tạp chí Dân tộc số 39, tháng 6-1963.
[79] Kết thúc bài văn bia Vĩnh Lăng, Nguyễn Trãi viết rằng sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi (1427), "Mường Lễ (Mang Lễ), Ai Lao đều nhập vào bản đồ, Chiêm Thành, Đờ Bà vượt bể tới cống". Mường Lễ tức là Lai Châu ngày nay, cư dân ở đó là người Thái trắng.
[80] Lam sơn thực lục, bản Hán văn của Thư viện Khoa học trung ương (ký hiệu VUv 1471).
[81] Vài thí dụ: Việt sử lược (q.I, 22a): năm 1008 Long Đĩnh "thân chinh hai châu Đô Lãng, Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang - T.G), bắt tù bọn Man". (Cũng xem q.II, 3a): "rợ Man ở châu Vị Long", thủ lĩnh là Hà Trắc Tuấn. Tấm bia đời Lý mới phát hiện được ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cho biết rõ họ Hà gốc ở Nam Ninh Quảng Tây, là người Tày - Choang. Q.II, 4a: Lý Thái Tông Phật Mã "đi đánh các giặc Man, có công". Man đây chỉ cả Chiêm Thành. Q.III, 7a: "Dân Man Lộng Lạc ở mang Quán giang (mường Quán Sơn La) làm phản". Man đây chỉ người Thái. Bài Thiên hưng trấn phủ của Nguyễn Bá Thông (cuối thế kỷ XIV) có câu: Quan kỳ: liên lạc Lao quan, khống ách Vân khiếu, khâm đái bách man, hầu yết lục chiếu". Bách Man ở vùng Đà Giang có thể chỉ chung cả người Thái, Mường, Xá…Dư địa chí của Nguyễn Trãi (bản dịch của Phan Duy Tiếp, 1960), tr 41: Tàm Sầm có người Man Lão" (Tàm: Quan Hóa nay, - Sầm: Sầm Nưa nay - cư dân ở đó là người Thái, Lào). Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn (bản dịch của Phạm Trọng Điềm, 1962), tr.358-59: "một giải sông Đà, phong tục giống người Man, người Lao (Lão)…anh em bọn Lang Đạo tự ý chém giết tranh cướp lẫn nhau…" Man Lão đây chỉ người Mường.
[82] Lê hoàng ngọc phả (bản viết tay, ký hiệu A.678 của Thư viện Khoa học trung ương) viết rõ: Lê Hối "lấy việc dạy học (sư công) làm nghề nghiệp, ăn cơm thiên hạ, khéo dạy dỗ được nhiều người thành đạt, vì vậy dân chúng gọi tên ông là Hối".
[83] Nguyễn Trãi - Dư địa chí, tr.54, lời chú viết: "Hoài viễn: triều Lý đặt quán để làm chỗ cho các tù trường biên châu, sứ thần ngoại quốc trú nghỉ" (Dư địa chí viết năm 1435, hai năm sau khi Lê Lợi mất).
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 21-05-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây