Văn minh và đế chế: Nhìn lại con đường phát triển của các quốc gia Đông Á (PGS.TS Nguyễn Văn Kim)

Chủ nhật - 06/08/2023 17:56
Sau một thời kỳ liên kết, kiến lập giữa các thủ lĩnh liên minh bộ lạc, đến cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên sự xuất hiện của nhà Hạ (TK XXI - XVII TCN) rồi nhà Thương (XVII - XI TCN), nhà Chu (XI - 256 TCN)... là những minh chứng đầy sức thuyết phục về sự trưởng thành của văn minh Trung Hoa trong nền cảnh văn hóa khu vực. Từ lưu vực Hoàng Hà, các triều đại đó đã không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng để rồi hình thành nên Trung tâm văn hóa Hoa Hạ. Trung tâm văn hóa này đã lan tỏa đến các “vùng ngoại vi”, kết tụ với Trung tâm văn hóa Hoa Nam để tạo nên nền Văn minh Trung Hoa tiêu biểu của khu vực Đông Á, phương Đông và thế giới.

VĂN MINH VÀ ĐẾ CHẾ: NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á

Sau một thời kỳ liên kết, kiến lập giữa các thủ lĩnh liên minh bộ lạc, đến cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên sự xuất hiện của nhà Hạ (TK XXI - XVII TCN) rồi nhà Thương (XVII - XI TCN), nhà Chu (XI - 256 TCN)... là những minh chứng đầy sức thuyết phục về sự trưởng thành của văn minh Trung Hoa trong nền cảnh văn hóa khu vực. Từ lưu vực Hoàng Hà, các triều đại đó đã không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng để rồi hình thành nên Trung tâm văn hóa Hoa Hạ. Trung tâm văn hóa này đã lan tỏa đến các “vùng ngoại vi”, kết tụ với Trung tâm văn hóa Hoa Nam để tạo nên nền Văn minh Trung Hoa tiêu biểu của khu vực Đông Á, phương Đông và thế giới. Như vậy, lịch sử của một quốc gia thống nhất bao giờ cũng là sự tích hợp nhiều truyền thống, đặc tính văn hóa chung, riêng của các vùng, miền[1]

Với các quốc gia Đông Á, trước khi ý thức về một cộng đồng khu vực xuất hiện thì mối quan hệ giữa các tộc người cổ, các vương quốc láng giềng đã được thiết lập. Vào thời hậu kỳ đá mới, đầu thời đại kim khí, trước nhiều biến chuyển về kinh tế và xã hội, mối quan hệ giữa các trung tâm văn hóa ngày càng được tăng cường. Sự hình thành, phát triển của các trung tâm nông nghiệp, các nền kinh tế sản xuất và sau đó là sự ra đời của nhà nước đã thúc đẩy sự giao lưu giữa các dân tộc[2]. Một số nhà nghiên cứu cho rằng từ khoảng thế kỷ II TCN đã có những mối liên hệ giữa vùng Hoa Nam với Ấn Độ, Tây Á[3]. Giả thuyết khoa học đó đến nay đã được chứng minh trên thực tế. Trong khi bằng chứng về mối quan hệ liên Á rất có ý nghĩa trong nhận thức về sự hình thành các không gian văn hóa thì cũng nên thận trọng khi cho rằng sự hiện diện của các di sản văn hóa có nguồn gốc từ các vùng văn hóa, trung tâm kinh tế xa xôi là kết quả của mối tiếp giao trực tiếp giữa các quốc gia khu vực.

Trên phương diện văn hóa, trong khi chúng ta luôn trân trọng, đánh giá cao những phát triển mang tính bản địa và coi đó là những động lực nội tại, yếu tố nội sinh (endogenous factors) thì cũng không thể phủ nhận được một thực tế là, sự phát triển của hầu hết các nền văn hóa còn luôn chịu tác động của các trung tâm văn minh lớn khu vực và thế giới (exogenous factors). Những biểu hiện phát triển sớm của các nền văn hóa trên bán đảo Triều Tiên[4] hay sự xuất hiện của các nhà nước sơ khai Văn Lang, Âu Lạc... chính là kết quả nhiều mặt của các mối quan hệ, giao lưu văn hóa đa chiều[5]. Tích hợp nhiều nguồn năng lực sáng tạo văn hóa, trải qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, một số nền văn hóa trong khu vực (ví như văn hóa Đông Sơn) luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của nó[6]. Trong ý nghĩa đó, những tác động của môi trường văn hóa khu vực cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự tiến triển của các nhân tố kinh tế - xã hội cũng như sự định thành của các nhà nước cổ ở Đông Á.

Với phương Nam, quá trình hình thành và trỗi dậy mau chóng của Phù Nam (đại diện tiêu biểu của Đông Nam Á bán đảo) hay Srivijaya (Đông Nam Á hải đảo) và nhiều quốc gia khác trong khu vực từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên đến khoảng thế kỷ IX... chắc chắn không thể nằm ngoài những tác động quan trọng, mạnh mẽ của Trung tâm văn minh Tây Nam Á mà chủ yếu là từ nền Văn minh Ấn Độ[7]. Vào thời bấy giờ, dòng đối lưu và chuyển giao các sản phẩm kinh tế đồng thời là di sản văn hóa thường phải thông qua vai trò trung gian của nhiều quốc gia. Trong ý nghĩa đó, các quốc gia Đông Nam Á không chỉ là nơi tiếp nhận mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc luân chuyển các thành tựu kinh tế, kỹ thuật, văn hóa giữa các nền văn minh lớn là Trung Hoa - Ấn Độ và Tây Nam Á. Đến khoảng thế kỷ V - VI, mối giao lưu giữa khu vực Đông Bắc Á, mà Trung Quốc là đại diện tiêu biểu, với Đông Nam Á thông qua vai trò của các vương quốc đồng thời là các thể chế biển như Phù Nam, Champa, Srivijaya… đã xác lập nên mạng lưới giao thương châu Á với nhiều phạm vi, cấp độ khác nhau[8]. Trong khi Văn minh Ấn vẫn được coi là một nền văn minh lớn tiêu biểu của thế giới phương Đông và nền văn minh đó đã hình thành, phát triển trên “lục địa Ấn Độ” rộng lớn thì với Đông Nam Á những ảnh hưởng và đặc trưng văn hóa của Trung tâm văn hóa sông Hằng cùng không gian văn hóa vùng Đông Nam Ấn là thường xuyên, sâu đậm nhất[9].

Tương tự như vậy, ở khu vực Đông Bắc Á, tuy các quốc gia trong khu vực đều chịu ảnh hưởng của Văn minh Trung Hoa nhưng ảnh hưởng đó là rất khác nhau về thời gian, mức độ và tính chất. Điều chắc chắn là, hai nước Việt Nam, Triều Tiên do có lãnh thổ gần kề với Trung Hoa nên đã chịu những ảnh hưởng sớm, liên tục, mạnh mẽ  từ nền văn minh này. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, do sự biến thiên của các vòng tiếp giao văn hóa, biên giới chính trị cũng luôn có những chuyển dịch. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, thật khó có thể phân lập một cách rõ rệt đâu là những nhân tố văn hóa bản địa đâu là những yếu tố ngoại vi. Trải qua thời gian, do sự gần gũi về địa lý, môi trường văn hóa và nguồn gốc tộc người, sự giao hòa giữa các nền văn hóa đã diễn ra một cách tự nhiên bởi sự thiên di của các tộc người, quá trình cộng canh, cộng cư cùng biết bao mối tiếp giao xã hội, kinh tế. Do sự gần gũi về vị trí địa lý, ở Đông Bắc Á, ảnh hưởng của trung tâm văn hóa Hoa Hạ với Triều Tiên, Nhật Bản... là rất sâu đậm.

Trong khi đó, với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong cộng đồng Đông Nam Á, ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa chủ yếu là từ vùng Hoa Nam, mà trung tâm là lưu vực Trường Giang. Nhưng đó không phải là không gian văn hóa duy nhất ảnh hưởng đến Việt Nam. Nếu như có cái nhìn phân lập, có thể cho rằng, có ba vòng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa đến phương Nam là: 1. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Bắc, 2. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Nam, và 3. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Bắc nhưng đã được Hoa Nam hóa. Như vậy, vòng ảnh hưởng thứ hai và thứ ba là nhân tố hằng xuyên đối với các nền văn hóa phương Nam đồng thời là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hóa Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam cùng một số quốc gia khác trong khu vực.

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa và sự hiện diện của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam như Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam. Có thể coi họ là những đại diện, hay sứ giả của văn hóa Trung Hoa ở Đông Nam Á. Nhưng, các đại diện và sứ giả đó chắc chắn từng đã đảm đương sứ mệnh và truyền tải thông điệp khác với những đồng bào của họ ở Hoa Bắc trong các cuộc “đối thoại văn hóa” với cư dân bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu... Như vậy, trong lịch sử nhìn chung các nền văn hóa khu vực khó có thể tiếp cận với các nền văn minh lớn một cách tổng thể, thấu hiểu được toàn bộ chiều sâu cùng năng lực sáng tạo của các nền văn minh đó. Nói cách khác, đó chỉ là những tiếp cận bộ phận mà thôi dù rằng, các tiếp cận đó luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia trong khu vực. Mặt khác, ngoại trừ những trường hợp “cưỡng chế văn hóa” cũng phải thấy rằng các xã hội Đông Á đã chủ động tiếp nhận, lựa chọn di sản văn hóa bên ngoài một khi những di sản đó là cần thiết và phù hợp với truyền thống văn hóa, tâm thức xã hội cùng nhu cầu phát triển của mỗi dân tộc[10].

Với quan niệm coi văn hóa luôn là một dòng chảy đa tuyến. Trong quá trình tiếp giao giữa các thời gian và không gian văn hóa, các nền văn minh lớn đã đồng thời tiếp nhận được nhiều di sản văn hóa từ của các quốc gia láng giềng cùng bao dân tộc “nhỏ yếu”, xa xôi khác. Như vậy, cùng với các giá trị chung như là kho tàng, vốn hồn của dân tộc thì các nền văn minh lớn bao giờ cũng có khả năng tích hợp cao các giá trị văn hóa trong nước với quốc tế, giữa vùng trung tâm với các truyền thống văn hóa của khu vực ngoại vi. Do vậy, nó luôn thể hiện tính tiên phong và ưu thế trội vượt so với các nền văn hóa khác. Vì thế, các nền văn hóa, văn minh xuất hiện sớm đã có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển chung của văn hóa khu vực và toàn thể nhân loại.

1. Cường quốc và “Trật tự thế giới”

Trong tiến trình hình thành và xác lập vị thế chính trị, kinh tế... mỗi quốc gia hay trung tâm văn minh luôn cần một không gian (space), môi trường (environment) rộng lớn cho sự phát triển. Nền kinh tế nông nghiệp cũng như du mục hay nói rộng ra là các thể chế nông nghiệp (Agricultural polities), cùng bản chất phát triển của các nền văn minh nông nghiệp đã quy định nên đặc tính đó. Các thể chế nông nghiệp luôn cần những châu thổ rộng lớn để tạo nguồn lương thực, tăng cường quốc khố và phát triển binh lực.

Một số nhà nghiên cứu thường có khuynh hướng trình bày quá trình tiếp giao giữa các nền văn hóa như là một diễn trình tự nhiên giữa các quốc gia. Nhưng cũng có thực tế là, trong khi xem xét đến động lực cùng hệ quả nhiều mặt của sự tiếp giao văn hóa chúng ta không thể không chú ý đến những nhân tố tương tác hợp thành. Những nhân tố đó thậm chí có thể nằm ngoài các mục tiêu truyền tải văn hóa. Do vậy, trong không ít trường hợp, sự hiện diện của những sản phẩm văn hóa này trong nền văn hóa khác hay là những biểu trưng của quá trình tiếp giao đó trên thực tế lại là kết quả của các tác nhân chính trị, quân sự và hoạt động kinh tế. Trong ý nghĩa đó, những người đem các giá trị văn hóa của dân tộc mình hay khu vực đến một dân tộc khác, một cách vô thức, đã để lại cho thế hệ sau những hệ quả văn hóa, xã hội nằm ngoài ý thức hành vi truyền bá văn hóa[11]. Do vậy, trong khi luôn có thái độ trân trọng với tất cả những di sản mà các thế hệ tiền nhân để lại thì trên phương diện học thuật, cần phải có sự nghiên cứu thận trọng, lý giải thấu đáo về những con đường cùng biểu hiện “tiếp giao văn hóa” đã từng diễn ra trong lịch sử.

Ở Đông Á, các thể chế chính trị khu vực luôn coi trọng nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhưng các thể chế đó cũng luôn có ý thức sâu sắc về các nguồn tài nguyên khác như lực lượng lao động, các mỏ kim loại, khoáng sản hay các trung tâm kinh tế, hệ thống giao thương... Trong một ý nghĩa rộng lớn hơn, vị trí địa lý của một vùng đất, một quốc gia cũng phải được coi là nguồn tài nguyên giá trị. Trên phương diện kinh tế, ngay cả các quốc gia có phạm vi lãnh thổ rộng lớn (đặc biệt là các đế chế) như Trung Hoa ở Đông Á, Ấn Độ ở Nam Á, Lưỡng Hà ở Tây Á hay Ai Cập ở châu Phi… dường như có đầy đủ, phong phú các nguồn tài nguyên nhưng trên thực tế nhu cầu phát triển tự thân của một đế chế luôn phải được bổ sung các nguồn tài nguyên hiếm hoặc bị thiếu hụt từ bên ngoài. Con đường để có được các nguồn tài nguyên đó có nhiều cách khác nhau nhưng thông thường các cường quốc và đế chế thường hay tiến hành chiến tranh để cướp đoạt; ngoại giao để chinh phục, thâu nạp; và xác lập quan hệ giao thương để trao đổi, mua bán sản phẩm. Các đế chế thường áp dụng chính sách của kẻ mạnh tức là luôn muốn và có thể tương đối dễ dàng thực thi một trong ba hay đồng thời cả ba biện pháp trên. Nhưng, đối với các quốc gia trung bình và nhỏ thì nhìn chung chỉ có thể và có khả năng thực hiện chính sách bang giao hữu nghị đồng thời tìm mọi biện pháp để sinh tồn, phát triển bên cạnh “bóng đen của các đế chế vĩ đại”[12].

Do có khả năng chiếm đoạt, mở rộng phạm vi lãnh thổ, xác lập được quyền lực của mình với các nước láng giềng, quốc gia nhỏ yếu khác nên trong không ít trường hợp nhiều quốc gia đã trở thành cường quốc khu vực. Trong quá trình phát triển, các cường quốc thường thể hiện tư duy “phi biên giới” (borderless) về phạm vi ảnh hưởng và quyền lực nên thường thực thi các chính sách đối ngoại mạnh mẽ để mở rộng lãnh thổ và xác lập quyền uy của mình. Như vậy, bằng nhiều cách và con đường khác nhau, một số cường quốc đã thực sự trở thành các đế chế (empire) khu vực.

Nhưng cũng có một thực tế là, quá trình mở rộng phạm vi ảnh hưởng đó thường dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát của quyền lực trung tâm. Trên các vùng đất và quốc gia lệ thuộc thường có sự đa dạng về nguồn gốc tộc người, truyền thống văn hóa, tôn giáo. Các dân tộc đó có ý thức rất sâu sắc về bản sắc văn hóa, chủ quyền dân tộc. Do vậy, dù muốn ngay cả các đế chế hùng mạnh cũng rất khó có thể quản chế và duy trì ảnh hưởng lâu dài, liên tục trong các khu vực lãnh thổ rộng lớn.

Trong lịch sử bang giao khu vực, từ thời Tần (221 - 206 TCN), chính quyền phương Bắc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng xuống phương Nam. Đến thời Hán (206 TCN - 220 SCN), triều đại này càng muốn khuếch trương ảnh hưởng ra bên ngoài. Nhưng như đã nói ở trên, con đường lan tỏa và truyền bá văn hóa được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người ta vẫn gọi đó là con đường “quan phương” và “phi quan phương”. Điều đó có nghĩa là, cùng với các mối quan hệ, giao lưu chính thức giữa các chính thể còn có nhiều mối liên hệ giữa các địa phương, giới doanh thương cùng các nhóm, cộng đồng cư dân sống dọc theo hay vắt qua các vùng biên giới, lãnh hải… Do vậy, trong lịch sử các đường biên văn hóa hay không gian văn hóa - tộc người luôn có sự không tương thích với các đường biên chính trị. Phải coi đó là các “biên giới mềm” (soft border) hay “water frontier” luôn biến đổi và năng động. Đến thời Đường (618 - 907), với tư cách là một triều đại, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực và thế giới, kế thừa những cơ sở từ thời Hán, nhà Đường đã thiết lập nên hai con đường tơ lụa trên đất liền (continental silk road) và trên biển (maritime silk road)[13]. Do có tư tưởng khai mở, năng lực sáng tạo cao nên nhiều giá trị văn hóa, thành tựu kinh tế của vương triều này không chỉ có sức lan tỏa mà còn tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các trung tâm kinh tế, văn hóa thế giới.

Trên bình diện khu vực, cùng với việc củng cố, xác lập mối quan hệ truyền thống, mật thiết với bán đảo Triều Tiên và quốc đảo Nhật Bản, triều đại này cũng đã thiết lập nên các tuyến giao thương liên quốc gia trong đó có mạng lưới hải thương với khu vực Đông Nam Á. Thông qua các thương cảng Đông Nam Á, nhà Đường đã khai mở nhiều mối quan hệ mới với Đông Nam Á, khu vực Nam Á, Tây Á cùng nhiều trung tâm kinh tế xa xôi khác. Do vậy, có thể coi việc hình thành hai tuyến thương mại chạy dọc theo vùng bờ biển phía Đông và phía Tây Đông Nam Á vào thời Tống (960 - 1279) vừa là sự kế thừa mối quan hệ truyền thống vừa thể hiện những phát triển trội vượt của triều đại này trong việc thúc đẩy mối giao lưu kinh tế, hợp tác khu vực. Trên thực tế, những hoạt động thường xuyên, nhộn nhịp của hai tuyến giao thương này đã góp phần chấn hưng nền kinh tế Trung Quốc, thể hiện tầm nhìn và mức độ ảnh hưởng của nhà Tống, một triều đại lớn trong lịch sử Trung Hoa. Do vậy, cùng với sự hình thành Tống Nho, cuộc “Cách mạng nông nghiệp” (Agricultural revolution), “Cách mạng thương nghiệp” (Commercial revolution) diễn ra vào thời Tống đã mở rộng ảnh hưởng của Trung Hoa đến Đông Á, Nam Á và Tây Á rộng lớn, nơi có nhiều nguồn thương phẩm mà thị trường Trung Quốc cần.

Vào thế kỷ XV, sau bảy chuyến hạ Tây dương (1405 - 1433) của Trịnh Hòa (Zheng He, 1371 - 1433) nhà Minh cũng đã xác lập được phạm vi ảnh hưởng rộng lớn với nhiều quốc gia khu vực Đông Á và thế giới. Phạm vi ảnh hưởng đó vẫn tiếp tục được duy trì đến thời Thanh cho đến khi các nước phương Tây đánh bại triều đình phong kiến Mãn Thanh trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện. Sự thất bại của nhà Thanh đã làm thay đổi trật tự Trung Hoa (Chinese world order)[14]. Tiềm năng kinh tế, sức mạnh của thiết chế chính trị và năng lực sáng tạo văn hóa đã tạo nên uy lực của các cường quốc, đế chế và trên thực tế đã tạo được phạm vi ảnh hưởng hay là những trật tự của nó. Lịch sử Đông Á cho thấy, cùng với “Trật tự Trung Hoa”, ở một mức độ khiêm tốn hơn còn có một số trật tự khu vực khác. Trong những ngày phát triển hưng thịnh, bằng chiến tranh, áp lực chính trị và quan hệ thương mại... Phù Nam đã thiết lập nên một hệ thống các nước thần thuộc, chư hầu[15]. Tương tự như vậy, ở Đông Nam Á các cường quốc như Srivijaya, Angkor, Đại Việt... cũng đã tự xác lập nên trật tự của riêng mình trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực với các quốc gia khu vực[16].  

2. Những biến đổi về mô hình và tính chất

Như đã trình bày ở trên, vì nhiều nguyên nhân, ở Đông Á đã sớm xuất hiện một số cường quốc và đế chế. Nếu như lấy quy mô và phạm vi ảnh hưởng làm cơ sở phân lập thì ở Đông Á từng xuất hiện ba loại đế chế. Đó là, “Đế chế thế giới” (World empires), “Đế chế khu vực” hay “Đế chế vùng” (Regional empires) và “Đế chế tiểu vùng” (Sub-regional empires). Theo đó, “Đế chế thế giới” có ảnh hưởng trên một phạm vi rộng lớn. Nhưng loại đế chế này xuất hiện không nhiều. Trong lịch sử Đông Á, vào thế kỷ XIII triều đại Mông - Nguyên (1206 - 1368) có thể coi là một trong những trường hợp như vậy. Vào thế kỷ XIII, vó ngựa và các chiến hạm Mông - Nguyên đã gây nên những biến động lớn trong đời sống xã hội, văn hóa của nhiều quốc gia Đông Á và thế giới. Ở phương Tây, La Mã cũng đã từng sớm trở thành một “Đế chế thế giới”. Phạm vi quản chế, vòng ảnh hưởng của đế chế La Mã không chỉ ở châu Âu mà còn bao gồm nhiều vùng đất của châu Á, châu Phi. Như vậy, “Không một nhà nước bá chủ nào tự nó là bá chủ theo nghĩa bao phủ toàn trái đất...; Như chúng ta đã thấy, người La Mã và người Trung Hoa quan niệm rằng đế chế của họ bao gồm tất cả các dân tộc trên thế giới mà họ coi là quan trọng”[17]

Sau khi nhà Nguyên sụp đổ, triều Minh thiết lập được quyền lực (1368-1644), với 7 chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa, dường như triều đại này muốn phục hưng vị thế vốn có của một “Đế chế thế giới”. Nhưng, thay vì chinh phục các vùng thảo nguyên, các tuyến giao thương, trung tâm kinh tế nằm dọc theo “Con đường tơ lụa trên đất liền” (Continental silk road) nhà Minh đã lựa chọn cách thức mở rộng ảnh hưởng về phía biển. Các sứ thuyền, chiến thuyền và thương thuyền Trung Hoa đã đến Đông Nam Á, Tây Nam Á, bờ Đông của lục địa châu Phi để thăm dò, thể hiện uy lực, xác lập các mối quan hệ bang giao, quan hệ thần thuộc đồng thời mở rộng mạng lưới kinh tế đối ngoại[18]. Bảy chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa một lần nữa thể hiện tư duy hướng biển, khả năng khai thác và chinh phục biển khơi của người Hoa. Cuộc chinh phục đó đã tạo nên một hình ảnh và tư duy khác biệt về đặc tính của văn minh Trung Hoa[19]. Rõ ràng là, văn minh Trung Hoa không chỉ mang những đặc điểm của văn minh nông nghiệp - lục địa mà còn đồng thời là nền văn minh biển. Người Trung Hoa nhất là cư dân vùng hải đảo và duyên hải Đông Nam (Phúc Kiến, Quảng Châu, Hải Nam...) vốn có truyền thống khai thác biển và phát triển quan hệ hải thương trên biển.

Mặc dù nuôi dưỡng những tham vọng lớn nhưng dường như nhà Minh đã không thể xác lập được vị thế của một “Đế chế thế giới”. Vì vậy, sau các chuyến “viễn du” ảnh hưởng của nhà Minh đã suy giảm mau chóng. Tuy số lượng các quốc gia thần thuộc và muốn đến triều cống, xác lập quan hệ với triều đình Nam Kinh (1368 - 1421) rồi Bắc Kinh (1421 - 1644) có tăng lên nhưng thực tế Trung Quốc đã trở lại với vị trí của một “Đế chế khu vực”. Vị thế này tiếp tục được duy trì đến cuối thời Thanh (1644 - 1911) và Trung Quốc, về cơ bản, lại trở về với tư duy truyền thống với cách nhìn hướng nội.

Ở khu vực Đông Bắc Á, vào cuối thế kỷ XVI, trong thế suy yếu của nhà Minh và áp lực ngày càng tăng của phương Tây cũng như hệ thống kinh tế thế giới, Nhật Bản mà cụ thể là chính quyền Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598) cũng đã muốn vươn lên trở thành một “Đế chế khu vực”[20]. Bằng việc muốn chứng tỏ sức mạnh của mình với các quốc gia Đông Bắc Á và phương Tây, hẳn là Nhật Bản cũng muốn vươn lên, phá bỏ những chi phối của “Trật tự Trung Hoa”. Sau khi Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616) giành được quyền lực năm 1600, thay vì tư duy lục địa bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, bắt cư dân, chiếm đoạt các nguồn tài nguyên vùng bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, người Nhật đã phát triển tư duy hướng biển và thiết lập hệ thống Châu ấn thuyền (Shuin-shen). Đến những năm 30 của thế kỷ XVII, Nhật Bản đã có quan hệ bang giao và thương mại với hầu hết các quốc gia Đông Á. Vì những lợi ích kinh tế, các quốc gia khu vực cũng đều muốn duy trì quan hệ giao thương thường xuyên với nước này. Kết quả là, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, trên cơ sở kinh nghiệm và mạng lưới giao thương truyền thống của thương nhân Lưu Cầu, Trung Hoa..., Nhật Bản đã thiết lập được một hệ thống kinh tế đối ngoại ở Đông Á. Tính chất “đế chế” ở đây được biểu hiện dưới lĩnh vực kinh tế với những phát triển trội vượt trong các hoạt động ngoại thương. Vào cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX, chịu tác động của bối cảnh chính trị thế giới, ở châu Á, Nhật Bản lại nuôi tham vọng trở thành “Đế chế khu vực” nhưng cuối cùng đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Không còn con đường nào khác, nước này phải trở lại với phương cách phát triển truyền thống. Trên thực tế, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn Nhật Bản đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành hiện tượng “phát triển thần kỳ” (miraculous development) của thế giới trên cơ sở phát triển kinh tế và mở rộng tư duy hướng ngoại[21].

Trong khi đó, nếu như có một cái nhìn so sánh, đến thời Choson (1392 - 1910) để thích ứng với những biến đổi khu vực đồng thời do luôn chịu áp lực mạnh mẽ từ đế chế Trung Hoa, Triều Tiên đã dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa (Chinese model) để tự thiết lập cho mình một mô hình tổ chức, quản lý nhà nước mới. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì xu thế chính trị đó trên thực tế đã “biến đổi Triều Tiên hoàn toàn thành một nư­ớc Trung Quốc hoá (Sinified) do một nhóm xã hội quý tộc đư­ợc gọi là yangban (l­ưỡng ban) thống trị”[22]. Ngoại trừ một số biến động như 2 cuộc xâm lược của Nhật Bản diễn ra vào cuối thế kỷ XVI, hơn 5 thế kỷ tồn tại của triều đại Choson đã diễn ra trong trạng thái “yên bình”. Nói cách khác, triều đại Choson đã không có được những điều kiện cần thiết để có thể vươn lên, thể hiện quyền uy trước vòng kiềm tỏa cùng sức ép của hai đế chế khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản.   

Ở Đông Á, cũng có thể thấy trong mỗi vùng thậm chí tiểu vùng, trong từng thời gian, cũng thường nổi lên vai trò chi phối, vị trí trung tâm của một hay một số cường quốc. Có thể gọi đó là “Đế chế tiểu vùng” (Sub-regional empire). Các quốc gia này thường có khả năng điều tiết, quản chế nhiều hoạt động chính trị, quân sự, bang giao của vùng đó. Nói cách khác, như là sự mô phỏng con đường và cách thức của các “Đế chế thế giới” và “Đế chế khu vực”, các quốc gia có thế lực đều muốn tự mình trở thành “chúa tể” của tiểu vùng. Trong ý nghĩa đó, việc kiểm soát hay chiếm đoạt các tuyến thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng. Để thể hiện uy lực đồng thời cũng là vì sự tồn tại, phát triển của chính mình, các “Đế chế tiểu vùng” thường xuyên gây áp lực với các quốc gia láng giềng thậm chí ép buộc các nước này trở thành chư hầu hay thuộc quốc và phải thực thi chế độ triều cống. So với các “Đế chế thế giới” hay “Đế chế khu vực”, các “Đế chế tiểu vùng” có phạm vi lãnh thổ và mức độ ảnh hưởng hẹp hơn nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế, giao lưu văn hóa… với các quốc gia trong cùng một tiểu vùng bởi những tác động thường xuyên và trực tiếp. Nhận thức rõ vị thế, tầm ảnh h­ưởng của mình, các đế chế đó luôn thực thi những chính sách bành tr­ướng, theo đuổi t­ư duy hư­ớng đại. Tư­ tưởng đó, đã để lại hệ quả nhiều mặt đối với các quốc gia này.

Như vậy, như là những mục tiêu xen cài giữa chính trị và kinh tế, các nước nhỏ luôn phải chịu ít nhất hai mối quan hệ chi phối đó là sự đe dọa, áp lực của “Đế chế tiểu vùng” (trực tiếp) và trên bình diện rộng lớn hơn là “Đế chế khu vực”. Ở Đông Á đã từng có không ít những quốc gia có vai trò chi phối như vậy. Những quốc gia như Phù Nam, Champa, Đại Việt, Angkor, Ayutthaya, Pagan của vùng bán đảo Đông Nam Á hay Srivijaya, Majapahit… ở Đông Nam Á hải đảo từng là những quốc gia cường thịnh một thời. Ở Đông Nam Á, Angkor vẫn được coi là một “Đế chế tiểu vùng” đồng thời là một “Đế chế nông nghiệp” điển hình[23]. Trong khi đó, Phù Nam, Champa, Srivijaya và đến thế kỷ XVI - XVII thì Ayutthaya và mức độ nào đó là Đàng Trong (Cochinchina) đã trở thành các “Thể chế biển” (Maritime polities) với nhiều hoạt động giao thương tích cực trên các tuyến hải thương Đông Á.

Cùng với sự phân lập về quy mô hay mức độ ảnh hưởng, chúng ta cũng thấy mỗi đế chế trong quá trình phát triển đều phải dựa vào tiềm lực kinh tế vững mạnh. Cơ sở kinh tế đã tạo nên nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của các loại hình đế chế này. Mặc dù luôn có sự dự nhập và vai trò tổng hòa của đồng thời nhiều ngành kinh tế nhưng nhìn chung, vào thời cổ trung đại, các cường quốc hay đế chế ở Đông Á đều là các “Đế chế nông nghiệp” (Agricultural empires). Về cơ bản Trung Hoa cũng thuộc về loại hình này. Nhưng sự thâm nhập và vươn lên giành đoạt quyền lực của các tộc người du mục đã khiến triều đại Mông - Nguyên trở thành một “Đế chế du mục” (Nomadic empire). Do vậy, trong quá trình trở thành một “Đế chế thế giới” tư duy lục địa luôn giữ vai trò chi phối trong chính sách bành trướng của triều đại này. Nhưng sau đó, với sự thiết lập triều Minh, dường như Trung Quốc đã trở thành “Đế chế thương mại” (Commercial empire) hay “Đế chế hàng hải” (Maritime empire). Như vậy, trong những thời đại lịch sử nhất định, Trung Quốc đã phần nào từ bỏ những định chế và con đường phát triển truyền thống để chuyển hóa từ “Đế chế nông nghiệp” hay “Đế chế lục địa” (Continental empire) thành “Đế chế biển” hay “Đế chế đại dương” (Ocean empire). Như vậy, trên cùng một lãnh thổ, một không gian địa - chính trị nhất định các đế chế luôn thể hiện tính chất đa dạng. Điều đó cũng có nghĩa là, đế chế đó vừa có thể là “Đế chế lục địa” vừa là “Đế chế nông nghiệp” đồng thời là “Đế chế khu vực”... Trong một cái nhìn phân tích và tư duy phức hợp có thể thấy: sự đan xen, chồng lớp, quá trình chuyển hóa vai trò, tính chất cũng như mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các loại hình đế chế là chủ đề hết sức thú vị trong nghiên cứu.  

Sau các phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, trong quá trình thâm nhập đến các thị trường thế giới trong đó có khu vực Đông Á, các cường quốc thương mại châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... trên thực tế đều đã trở thành các “Đế chế đại dương”. Biển cả không chỉ là con đường giao lưu kinh tế, mạch nối tiếp giao giữa các nền văn hóa, văn minh, trung tâm kinh tế mà còn nuôi dưỡng các thể chế, làm thay đổi diện mạo thế giới. Có thể nói, với việc thiết lập các tuyến giao thương trên biển, thời đại của các “Đế chế lục địa”, “Đế chế nông nghiệp” đã cơ bản chấm dứt để thay vào đó là sự xuất hiện các tuyến buôn bán trên biển và xác lập quyền lực của các cường quốc thương nghiệp hay “Đế chế đại dương” và “Văn minh công nghiệp”[24].  

 4. Di sản và dấu ấn văn hóa

Trong quá trình hình thành và phát triển, dường như có một định đề mang tính quy luật là, các nền văn minh bao giờ cũng sản sinh ra các tôn giáo hay hệ tư tưởng lớn. Nhưng sau khi ra đời, các tôn giáo và hệ tư tưởng đó đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa, dẫn dắt sự tiến triển của các nền văn minh. Tư tưởng, tôn giáo còn là nền tảng văn hóa, chính trị và tạo nên đặc tính tiêu biểu của mỗi nền văn minh. Dưới những tác động kinh tế - xã hội, các tôn giáo và hệ tư tưởng dù luôn nắm giữ những sức mạnh thần thánh nhưng cũng phải không ngừng thích ứng với những biến đổi chung của lịch sử, hòa nhập với những bước chuyển của lịch sử và là một bộ phận hợp thành của lịch sử, văn hóa - văn minh. Ở khu vực Đông Á, trên thực tế đã từng xuất hiện hai khu vực địa - văn hóa đồng thời là hai thế giới. “Thế giới Trung Hoa” chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo trong khi đó khu vực Đông Nam Á, vốn vẫn được coi là “Thế giới Ấn Độ hóa” luôn chịu ảnh hưởng và thực tế cũng được thừa hưởng những di sản văn hóa của nền Văn minh Phật giáo, Hindu giáo truyền đến từ Nam Á. Hiển nhiên, đó chỉ là cách phân lập tương đối, bởi lẽ trong lịch sử các quốc gia Đông Bắc Á cũng từng chịu nhiều ảnh hưởng của nền Văn minh Phật giáo. Tương tự như vậy, trong đời sống của các dân tộc Đông Nam Á, cũng luôn có sự hiện diện của các truyền thống và đặc tính văn hóa Trung Hoa.

Trở về với “Thế giới Đông Nam Á” chúng ta thấy, cùng với sự trư­ởng thành của ngành Đông Nam Á học, một số học giả khu vực và quốc tế thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến những giá trị sáng tạo bản địa được biểu đạt như là những “yếu tố cội nguồn”, “thuần chất Đông Nam Á”. Từ đó, cũng có khuynh hướng coi nhẹ, thậm chí phủ nhận những tác động, ảnh hư­ởng của môi trư­ờng văn hoá bên ngoài như Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Á và cả văn minh phương Tây đối với sự hình thành, phát triển của các quốc gia khu vực. Dù sự tranh luận gay gắt giữa một bên là những ngư­ời theo thuyết “Truyền bá luận” (Diffusionism) chủ trương văn hoá Đông Nam Á là do bên ngoài truyền tới và “Thuyết bản địa luận” (Autochtonism) nhấn mạnh đến những nhân tố nội tại và năng lực sáng tạo của Đông Nam Á thì với những thành tựu nghiên cứu hiện nay, có thể cho rằng, một cái nhìn cực đoan về xã hội Đông Nam Á qua những biểu hiện cũng như bản chất của nó, đều xa lạ và không phù hợp với thực tế lịch sử.

Có thể nói, sự hình thành và phát triển của văn hoá Đông Nam Á đã diễn ra trong những mối quan hệ, giao l­ưu, tư­ơng tác đa chiều. Các xã hội Đông Nam Á đã phát triển dựa trên những giá trị bản địa nhưng đồng thời cũng tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của các nền văn minh lớn. Không chỉ dừng lại ở đó, Đông Nam Á còn đóng vai trò truyền nối và chuyển giao văn hoá giữa nội vùng với ngoại vi

Dựa trên những thành tựu nghiên cứu mới đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học, nhân học..., có thể khẳng định rằng Đông Nam Á, với những giá trị sáng tạo riêng biệt và truyền thống lịch sử văn hoá..., phải đư­ợc coi là một trong những Trung tâm văn hóa quan trọng của châu Á. Trên ph­ương diện kinh tế, với tiềm năng phong phú và hoạt động kinh tế đa dạng, Đông Nam Á là một Trung tâm kinh tế của Đông Á. Trong nhiều thế kỷ, Đông Nam Á là một khu vực kinh tế năng động, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế phư­ơng Đông và thế giới[25]. Về xã hội và văn hóa, khi những ảnh h­ưởng của các nền văn minh bên ngoài thâm nhập đến khu vực thì Đông Nam Á đã là những xã hội có tổ chức, có truyền thống văn hóa lâu đời. Đó chính là những điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận các thành tựu, di sản văn hóa từ bên ngoài. Về điều kiện tự nhiên, do có chỉ số duyên hải cao, từ trong bản chất, văn hóa và xã hội Đông Nam Á luôn thể hiện tính năng động, khả năng thích ứng cao với những thách đố văn hóa, chính trị từ bên ngoài. Trong tâm thế đó, “ngay từ thời tiền sử, nhất là từ thời đại kim khí, với tính chất đại dương của địa hình và với sự phát triển khá cao của nghề đi biển, ng­ười Đông Nam Á đã truyền bá văn minh của mình về phía Tây tới tận Magadasca, về phía Bắc tới tận Nhật Bản và về phía Đông tới tận vùng đảo Thái Bình D­ương”[26].

Một số nhà khoa học cũng cho rằng từ thời tiền sử, sơ sử văn hoá Đông Nam Á đã có những liên hệ với Ấn Độ. Điều có thể thấy đư­ợc là, trong những hiện vật thuỷ tinh, mã não và hạt chuỗi của văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh đã có những hoạ tiết trang trí vẽ màu giống như­ phong cách Ấn Độ[27]. Huyền thoại về nguồn gốc, về nghĩa đồng bào và mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, đẻ ra trăm ng­ười con..., theo nhà nghiên cứu Manomohan Ghosh thì rất tương đồng với những ghi chép trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ[28]. Mặt khác, ảnh hưởng của văn hóa Đông Nam Á đã sớm được mở rộng đến nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á. Trên cơ sở các cứ liệu khảo cổ học, nhân học GS. Hà Văn Tấn từng cho rằng: “ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn lên phía Bắc, theo l­ưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng”[29]. Vào thời kỳ đầu của giai đoạn này, văn hoá Đông Nam Á đã đạt đến độ phát triển rực rỡ và chính nhà Đông Ph­ương học nổi tiếng ngư­ời Nga D.V.Deopik đã gọi thế kỷ V trước Công nguyên là “Thế kỷ của phư­ơng Nam”. Trên nhiều phư­ơng diện, văn hóa Đông Nam Á đã có những ảnh hưởng rộng lớn, vư­ợt rất xa ra ngoài những quốc gia láng giềng[30].      

Đánh giá về vị thế của văn hoá Đông Nam Á, trong công trình: “Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới”, học giả nổi tiếng Nhật Bản Tadao Umesao cho rằng: Đông Nam Á là một khu vực văn minh. T­ương tự như­ vậy, với cách nhìn khách quan, trong tác phẩm “Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải”, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nổi tiếng thế giới Arnold Toynbee cũng đư­a ra một nhận xét rất đáng chú ý về vị thế của “văn minh Việt Nam” trong mối liên hệ và tương tác với văn minh Trung Hoa và khu vực. Tác giả cho rằng: “Có một mối liên hệ gần gũi hơn nhiều giữa một bên là văn minh Trung Hoa với một bên là các nền văn minh Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ba nền văn minh này mô phỏng văn minh Trung Hoa nh­ưng đã vay mư­ợn văn minh Trung Hoa theo những con đ­ường riêng biệt khá đặc trư­ng, khiến cho ng­ười ta có quyền coi chúng là những nền văn minh riêng biệt - thuộc vào một phân loại (sous-classe) mà chúng ta có thể gọi là những “Văn minh vệ tinh” (Civilisations satellites), đối lập với những nền văn minh độc lập nh­ư nền văn minh Trung Hoa, ph­ương Tây cũng như­ những nền văn minh cổ Hy Lạp và Syrie có họ hàng với văn minh ph­ương Tây”[31]. Quan điểm của hai học giả tuy có những khác biệt nhất định khi nhìn nhận về vị thế và đặc tính của văn hóa Đông Nam Á nhưng đều tôn vinh những giá trị văn hoá điển hình của Đông Nam Á và coi đó là một khu vực văn minh đồng thời luôn đặt văn minh Đông Nam Á trong nền cảnh và sự t­ương tác với các nền văn minh khác trên thế giới.  

 Trải qua thời gian, sự đan xen, hoà quyện giữa các truyền thống văn hoá trong mỗi dân tộc và cả sự giao lư­u văn hoá giữa các dân tộc trong khu vực cũng nh­ư với các nền văn minh lớn... đã tạo nên sắc thái vừa đồng nhất vừa đa dạng của văn hoá Đông Nam Á. Trên thực tế, do sự gần gũi về vị trí địa lý, và d­ường nh­ư có chung một môi trường văn hoá và cơ sở kinh tế truyền thống nên từ xa xư­a các quốc gia khu vực đã chia sẻ với nhau nhiều giá trị chung. Ảnh hư­ởng của các nền văn minh lớn cùng quá trình truyền bá của Bà La Môn giáo, Phật giáo, Hindu giáo, Hồi giáo cũng như tư­ tưởng Nho giáo... tuy đậm nhạt khác nhau giữa các quốc gia nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo tương đối đồng nhất cho văn hoá khu vực cùng những động lực, cơ sở thiết yếu khiến Đông Nam Á có thể hòa nhịp với những phát triển chung của môi trường văn hóa khu vực.

Như một làn sóng thứ ba tràn vào Đông Nam Á, cùng với những ảnh hưởng của Ấn Độ, Trung Hoa, nền văn minh Hồi giáo của các quốc gia Tây Á cũng đã thâm nhập và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa, xã hội khu vực. Tuy xuất hiện muộn so với các nền văn minh lớn trên thế giới nhưng Văn minh Hồi giáo - thương nghiệp đã mau chóng trưởng thành và trở thành một đế chế c­ường thịnh. Đồng hành với các đoàn chiến binh và th­ương nhân, văn minh Arập đã lan toả đến nhiều vùng đất xa xôi khác trên thế giới[32]. Đối với Đông Nam Á, sau một quá trình thâm nhập, trong cộng đồng khu vực đã thấy xuất hiện một số quốc gia Hồi giáo. Sự hiện diện của các quốc gia này vừa là sự thay thế vừa là sự kế thừa, đan cài lên những tiểu quốc Phật giáo, Hindu giáo... đã sớm được thiết lập ở Đông Nam Á từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên[33]. Hẳn là, những khác biệt trong các triết luận tôn giáo, cách thức tu hành và sức mạnh kinh tế của các thương nhân Arập đã khiến một bộ phận xã hội Đông Nam Á hướng theo tôn giáo mới.

Cũng như các tôn giáo và hệ tư tưởng đã từng thâm nhập đến Đông Nam Á, Hồi giáo đã trở thành kênh truyền tải văn hóa và là gạch nối giữa hai thế giới Tây Á với Đông Nam Á. Như vậy, mặc dù truyền bá đến Đông Nam Á từ rất sớm, đã xác lập được nhiều dấu ấn sâu đậm trong xã hội nhưng đức từ bi của Phật giáo và cả những triết lý sâu xa nhưng cũng không kém phần nhập thế của Bà La Môn giáo, Hindu giáo… đã không thể “che phủ” toàn bộ cuộc sống tinh thần của cư dân Đông Nam Á. Bản tính khoan dung, da dạng, dễ thích ứng và biến đổi của văn hoá Đông Nam Á khiến cho các tôn giáo bên ngoài khi du nhập vào xã hội bản địa nhìn chung đã không gặp phải những phản ứng văn hoá gay gắt. “Chính từ cái máy lọc đầy tính nhập thế này đã làm cho Hồi giáo Đông Nam Á dễ gần, dễ chấp nhận. Mặt khác, khi Hồi giáo vào Đông Nam Á đã phải tiếp thu tính nhân bản, cởi mở của khu vực này”[34].

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ở Đông Nam Á, các tôn giáo lớn đều không thể là tác nhân thúc đẩy một số tín ngưỡng bản địa phát triển thành tôn giáo như­ trư­ờng hợp Shinto (Thần đạo) ở Nhật Bản hay Shaman giáo của Triều Tiên. Nh­ưng các tôn giáo đó đã làm cho các đức tin cùng tín ngư­ỡng bản địa trở nên có hệ thống, sâu sắc hơn về nhận thức và triết luận. Tinh thần, cảm thức, triết luận tôn giáo đó đã trở thành những giá trị văn hóa, gắn bó bền chặt và là một trong những bộ phận hợp thành của cơ tầng văn hóa dân tộc. Cơ tầng văn hóa đó đã góp phần quan trọng để tạo nên sức mạnh nội sinh, kháng lực mạnh mẽ để bảo vệ các giá trị truyền thống, chủ quyền dân tộc.

Cùng với những dấu ấn chung về văn hóa và tôn giáo, như đã trình bày ở trên, từ rất sớm giữa các quốc gia khu vực Đông Á đã có những liên hệ kinh tế mang tính liên vùng. Từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên, huyền thoại về các xứ “Đất vàng” (Suvarnabhumi) và “Đảo vàng” (Suvarnadvipa) đã luôn cuốn nhiều thương nhân, thợ thủ công, nhà thám hiểm đến Đông Nam Á. Trong nhiều thời kỳ lịch sử, tại những vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, gần các trung tâm kinh tế, trước những đòi hỏi của nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế cũng đã sớm hình thành nên các trung tâm sản xuất thủ công có quy mô lớn. Các trung tâm đó không chỉ có sự tham gia và trao đổi kỹ thuật của thợ thủ công, nghệ nhân trong nước mà còn có sự dự nhập của nhiều thợ thủ công, nghệ nhân đến từ các quốc gia bên ngoài. Hoạt động, quy trình sản xuất, kỹ năng cũng như thẩm mỹ của họ đã làm thay đổi cách thức, hiệu quả sản xuất. Một cách tự nhiên, quá trình sản xuất đó đã góp phần quốc tế hóa các sản phẩm vốn chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Hệ quả là, do tính độc đáo của nền sản xuất, nhiều sản phẩm thủ công Đông Nam Á đã trở thành nguồn thương phẩm có giá trị trên thương trường quốc tế. Từ lâu, tơ lụa hay gốm sứ với dòng gốm nổi tiếng Chu Đậu của Việt Nam, gốm Gò Sành của Champa, các chế phẩm dệt của Indonesia, đồ trang sức của Thái Lan, Myanmar, Malaysia v.v… đã nổi tiếng trên thương trường khu vực, quốc tế[35].

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, trong bốn khu vực của châu Á, Đông Nam Á là nơi có chỉ số duyên hải ISCL (Index of Sea Coastal Line) cao và là vùng địa lý có chỉ số duyên hải cao nhất thế giới. Chỉ số duyên hải cao và môi tr­ường kinh tế đảo, bán đảo là điều kiện thuận lợi để nhiều quốc gia Đông Nam Á có thể thiết lập và mở rộng quan hệ giao thư­ơng với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, do có vị trí địa lý nằm giữa hai nền văn minh lớn nhất của phư­ơng Đông là Trung Quốc và Ấn Độ nên Đông Nam Á cũng đồng thời là cầu nối giữa hai trung tâm hai nền kinh tế lớn này. Do vậy, song song với các thể chế nông nghiệp, ở Đông Nam Á đã hình thành những quốc gia lấy kinh tế công thư­ơng đặc biệt là hải thư­ơng làm cơ sở kinh tế chính yếu. Sự phát triển của các vư­ơng quốc nh­ư Phù Nam (thế kỷ I - VII), Lâm Ấp - Champa (II - XV), Đại Việt (thế kỷ X - XVIII), Srivijaya (thế kỷ VII - XIII), Majapahit (thế kỷ XIII - XVI), Malacca (thế kỷ XV - XVI) hay vùng Batavia (thế kỷ XVI - XVIII)... là những minh chứng cho quan điểm đó[36].

Với cách tiếp cận đa diện đó, lịch sử hình thành phát triển của các quốc gia Đông Nam Á luôn diễn ra sự vận động song song của hai hệ thống cấu trúc hay nói cách khác là hai mô hình phát triển của các “Quốc gia nông nghiệp” và “Quốc gia thương nghiệp”. Phần lớn các “Quốc gia nông nghiệp” đ­ược hình thành ở vùng Đông Nam Á lục địa, ở miền trung hay hạ l­ưu của các dòng sông. Trong khi đó, các “Quốc gia thư­ơng nghiệp” chủ yếu sinh thành ở vùng hải đảo, hoặc khu vực ven biển. Đây là nơi có vị trí giao th­ương thuận tiện và cũng không quá xa cách các “Quốc gia nông nghiệp”. Thực tế lịch sử cũng chứng minh rằng, các quốc gia thuộc hai mô hình phát triển này không tồn tại biệt lập mà luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động, tương hỗ với nhau. Những “Quốc gia nông nghiệp” cung cấp nông phẩm cùng các mặt hàng xuất khẩu cho “Quốc gia th­ương nghiệp”. Ng­ược lại, “Quốc gia thư­ơng nghiệp” có chức năng tiêu thụ các nguồn nông phẩm và cung cấp trở lại những sản phẩm thủ công, nguyên liệu và nhiều chế phẩm xa xỉ khác từ thị tr­ường khu vực và thế giới.

Với t­ư cách là một v­ương quốc hình thành ở vùng eo biển có vị trí giao th­ương quan trọng nhất của châu Á, quan hệ th­ương mại của Malacca - Một thế chế biển, với nhiều quốc gia nông nghiệp Đông Nam Á là minh chứng điển hình về mối liên kết giữa hai loại hình Nhà n­ước nông nghiệp và thư­ơng nghiệp. Điều đáng chú ý là, đặc tính nông nghiệp hay thư­ơng nghiệp của các mô hình nhà n­ước nêu trên chỉ là cái nhìn tổng quát. Thực ra, kinh tế nông nghiệp hay th­ương nghiệp không bao giờ giữ vai trò độc tôn trong các xã hội Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Hơn thế nữa, trong mỗi mô hình phát triển, ở những giai đoạn lịch sử nhất định, do nhiều nguyên nhân và tác động của lịch sử, mà kinh tế nông nghiệp hay thư­ơng nghiệp có thể giữ vai trò chủ đạo. Trong quá trình phát triển, vương quốc Srivijaya trên đảo Sumatra được coi là một Thể chế biển điển hình của Đông Nam Á. Kinh tế hải thương đóng vai trò nổi bật nhưng vương quốc này cũng luôn có mối liên hệ mật thiết với các trung tâm nông nghiệp trên đảo Sumatra. Sự phát triển của Ayutthaya (1350 - 1769) ở l­ưu vực sông Chao Phraya là trư­ờng hợp tiêu biểu về sự kết hợp giữa kinh tế nông nghiệp với kinh tế khai thác và thư­ơng nghiệp. Do có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng kinh tế mạnh và chính sách năng động, Ayutthaya cũng đã tự mình trở thành một cường quốc thương nghiệp ở Đông Nam Á. Triều đại này đã thiết lập nhiều mối quan hệ giao thương mật thiết với các quốc gia Đông Á, Ấn Độ, Tây Á cũng như với nhiều cường quốc phương Tây.

Hệ quả là, dưới những tác động chung của hệ thống kinh tế thế giới, sự hưng thịnh của mạng lưới giao thương Đông Á đã dẫn đến sự xuất hiện của đồng thời nhiều thành thị, cảng thị. Các cảng thị này đã có sự phát triển trội vượt và đạt đến độ liên kết cao vào thế kỷ XVI - XVII. Có thể coi đây là một minh chứng về quan hệ và sự hợp tác Đông Á trên phương diện kinh tế. Và người ta đã nhận thức rõ ràng rằng, mọi quốc gia đều phải hòa mình với thế giới và không thể phát triển trong trạng thái biệt lập.

Trên cơ sở những nền tảng văn hóa và kinh tế đó, văn hóa, các quốc gia Đông Á đã sáng tạo nên biết bao di sản văn hóa. Có những di sản được biểu hiện sinh động với những gam màu rực rỡ nhưng cũng có nhiều di sản lại ẩn tàng trong chiều sâu văn hóa, được coi là mã số di truyền của văn hóa khu vực. Người ta từng nói đến các khái niệm “Văn hóa vật chất” và “Văn hóa tinh thần”, rồi “Văn hóa vật thể” và “Văn hóa phi vật thể”. Nhưng sự phân lập đó về cả thực tiễn cũng như nhận thức chỉ mang ý nghĩa tương đối mà thôi. Bàn về các đế chế, chúng ta cũng cần hiểu rõ thêm về sắc thái văn hóa, vai trò của tộc người chủ thể, “ngôn ngữ” của các đế chế theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng của nó cũng như sự thịnh, suy của các triều đại v.v... Người ta cũng hay nói đến sự kết tụ, lan tỏa cùng vị thế của các trung tâm văn hóa. Ở Đông Á, các trung tâm đó thường là vùng kinh đô. Kinh đô là nơi quy tụ nguồn lực của đất nước, là biểu trưng cho sự thống nhất đồng thời cũng từ đó, với các chính sách và ảnh hưởng của nó, đã chi phối đời sống văn hóa của các vùng, miền. Đó chính là diễn tiến cơ bản đồng thời là mô hình phổ quát trong quá trình hình thành, phát triển của các quốc gia khu vực.

Mặt khác, trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dù kinh tế luôn có vai trò quan trọng, là nền tảng thiết yếu nhưng sự hình thành, phát triển của một nhà nước không thể chỉ dựa vào kinh tế mà là sự tích hợp của tất cả các tiềm năng đất nước bao gồm các thành tố văn hóa, xã hội và cả những sắc màu linh nhiệm, triết luận uyên thâm của tôn giáo. Trong ý nghĩa đó, sự hiện diện của các công trình kiến trúc kỳ vĩ như Angkor Wat, Angkor Thom ở Campuchia, Borobudur ở Indonessia, hệ thống tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam hay các công trình kiến trúc tôn giáo ở Thái Lan, Lào, Myanmar… là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy tiềm lực kinh tế, chiều sâu, sức sáng tạo văn hóa của các thể chế quân chủ Đông Nam Á cùng quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa khu vực. Đó là những di sản văn hóa nhưng đồng thời cũng là những bóng hình của quá khứ, của một thời phát triển huy hoàng của các quốc gia, đế chế và quyền uy của các đấng quân vương. Arnold Toynbee đã rất có lý khi cho rằng “Uy thế của một kinh đô đế chế vẫn có thể tồn tại ngay cả khi đế chế đó suy tàn và sụp đổ”[37]. Với khu vực Đông Bắc Á, đến nay các tòa thành uy nghi ở Nhật Bản vẫn là những minh chứng cho một thời đại “Văn hóa võ sĩ” và “Nghệ thuật chiến tranh”. Với Trung Hoa, sự hiện diện của của các kinh đô, thánh thất tôn giáo, hệ thống thủy nông... chính là những di ảnh về sức mạnh của một đế chế, trung tâm quyền lực của phương Đông trong hàng ngàn năm lịch sử. Và, Vạn lý trường thành (Great wall) công trình kiến trúc - văn hóa kỳ vĩ, dường như đi suốt dặm đường dài của dân tộc Trung Hoa, là nềm tự hào của dân tộc Trung Hoa nhưng công trình đó cũng nhắc nhở chúng ta nghĩ suy về những hệ luận đa chiều của xã hội, của các nền văn minh lớn, về quy luật vận động của lịch sử cùng sự hưng, vong của các đế chế, triều đại.


Chú thích:
Ở đây được hiểu là khu vực Địa - văn hóa, Địa - chính trị hợp thành bởi các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trong lịch sử, giữa các quốc gia đã có nhiều mối liên hệ mật thiết và hiện nay đang hướng đến xây dựng một cộng đồng khu vực.
[2] Có thể xem như Fairbank - Reischaurer - Craig: East Asia - Tradition and Transformation, Harvard Universitry Press, 1973; Edward L. Farmer - Gavin R.G.Hambly - David Kopf - Byron K.Marshall - Romeyn Taylor: Comparative History of Civilizatition in Asia, 2 Vols, Westview Press, 1986; Victor Lieberman: Strange Parallels - Southeast Asia in Global Context, c. 800-1830, Cambridge University Press, 2003; Andre Gunder Frank: ReOrient - Global Economy in  the Asian Age, University of California Press, 1998; Charles Higham: Early Cultures of Mainland Southeast Asia, Amarin Printing and Publishing Public Co.Ltd, 2002; Charles Higham: The Archaeology of Mainland Southeast Asia, Cambridge University Press, 1989; D.G.E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 1997...
[1] Nhận xét về quá trình “Nam tiến” đó của văn minh Trung Hoa, GS. Trần Quốc Vượng cho rằng “Cùng với sức ép của các tộc người du mục ở phía Bắc, phía Tây, cùng với sự gia tăng dân số nông nghiệp, Trung Quốc tìm cách bành trướng xuống phía Đông và phía Nam, tới lưu vực Trường Giang, tới vùng văn minh lúa nước, đồng hóa những cư dân Man - Việt, đem nền văn minh lúa nước trồng lên nền văn minh Trung Quốc cổ truyền, đã biến thành một sắc thái mới của văn minh Trung Hoa”. Trần Quốc Vượng: Nhìn nhận bản sắc của văn hóa Việt Nam; trong: Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H., 2000, tr.39. Joseph R.Levenson: Việc tìm kiếm lịch sử chung và riêng của Trung Hoa, Tạp chí Xưa & Nay, số 64, tháng 6 - 1999, tr.35 - 37; Will Durant: Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2004. Trong công trình này, tác giả cho rằng người Trung Hoa không chỉ có những khác biệt trong văn hóa mà về mặt nhân chủng họ cũng có những đặc tính riêng biệt giữa các vùng miền, tr.244.
[2] Cater J.Eckert - Ki-baik Lee - Young Ick Lew - Michael Robinson - Edward W.Wagner: Korea Old and New - A History, Inchokak Publishers, Harvard University Seoul, 1990, p.3; and Keiji Imamura: Prehistoric Japan - New Perspectives on Insular East Asia, University of Tokyo, Tokyo 1996, p.224.
[3] Shigeru Ikuta: Role of Port Cities in Maritime Southeast Asia from the Second Century BC to the Early Nineteenth Century; in: Ancient Town of Hoi An, The Gioi Publishers, H., 2006, pp.232. Tham khảo thêm Wang Gungwu: The Nanhai Trade - The Early History of Chinese Trade in the South China Sea, Times Accademic Press, 1998. Gần đây, khi khai quật khu lăng mộ Triệu Hồ ở Quảng Châu các nhà khảo cổ học đã tìm được một số hiện vật có nguồn gốc từ Tây Á.
[4] Andrew C.Nahm: Lịch sử và văn hoá bán đảo Triều Tiên, Nxb. Văn hoá Thông tin, H., 2005. Carter J. Eckert - Ki-baik Lee..., Korea - Old and New, A History, Korea Institute, Harvard University, Ilchokak Publishers, 1990.
[5] Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Tập I, Nxb. Thế Giới, H., 1998; Hà Văn Tấn: Theo dấu các nền văn hóa cổ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997.
[6] Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, Tập III, Khảo cổ học lịch sử, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002, tr. 10. Về “Văn minh Đông Sơn” GS. Trần Quốc Vượng cho rằng: “Một nền Văn minh Đông Sơn được phát hiện, tồn tại hàng ngàn năm trước kỷ nguyên Tây lịch, cũng có thể gọi là Văn minh sông Hồng, với Nhà nước Văn Lang và thời đại vua Hùng. Dân tộc Việt định hình cùng với Nhà nước ấy và nền văn minh ấy”. Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Sđd, tr.35. Tham khảo thêm Hán Văn Khẩn: Xóm Rền – Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, H., 2009; Lâm Thị Mỹ Dung: Thời đại đồ đồng, Nxb. Đại học Quốc gia, H., 2004.
 [7] Jacob Cornelis van Leur: Indonesian Trade and Society: Essays in Asian Social and Economic History, W. van Hoeve Publishers Ltd, The Hague, 1967; Reginald le May: The Culture of South-East Asia – The Heritage of India, George Allen & Unwin Ltd, 1964.
[8] Kenneth R. Hall: Maritime Trade and Development in Early Sotheast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985; Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử Đông Nam Á thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1999, tr.37 - 55.
[9] George Coedès: The Indianized States of Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1968.
[10] Trong công trình “Sự thịnh trị về văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIV”, GS. Sử học Mỹ O.W. Wolters cho rằng người Việt luôn có ý thức rõ ràng giữa hai khái niệm “Phương Nam” với “Phương Bắc”. Trong quá trình tiếp giao văn hóa “Các nhân chứng lịch sử không hoàn toàn theo kinh nghiệm của người Trung Hoa. Họ chỉ vận dụng kinh nghiệm của Trung Hoa vào cách làm của họ và theo yêu cầu của họ. Lễ giáo của đạo Khổng thường được vận dụng từng mảng riêng cho phù hợp với hoàn cảnh của người Việt Nam”, Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nguyệt san Xưa & Nay - Nxb. Trẻ, 2001, tr.146.  
[11] Nguyễn Văn Kim: Mạng lưới giao thương Đông Á trước thời đại mở cửa và những hệ quả phát triển - Trường hợp Hội An, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (97), 2009, tr. 54.
[12] Keith Taylor: The Birth of  Vietnam, University of California Press, 1983, p. xxvii.  
 [13] Vadime Elisseeff: The Silk Roads – Highways of Culture and Commerce, UNESCO Publshing, 2000; Karl Reinhold Haellquist (Ed.): Asian Trade Routes – Continental and Maritime, Scandinavian Institute of Asian Studies, 1991.
[14] John King Fairbank: The Chinese World Order – Traditional China’s Foreign Relation, Harvard University Press, 1974.
[15] Phan Huy Lê: Thử nhận diện nước Phù Nam qua tư liệu thư tịch và khảo cổ học; trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo & Vương quốc Phù Nam, Nxb. Thế Giới, H., 2008, tr.238. Trong công trình này tác giả đã phân lập các khái niệm và không gian của “vương quốc Phù Nam” và “đế chế Phù Nam”. Theo đó, vương quốc Phù Nam là cốt lõi, trung tâm còn đế chế Phù Nam thì bao gồm nhiều “thuộc quốc”, “chi nhánh” hay “nước kimi”. Trong bảy thế kỷ tồn tại và phát triển, vì nhiều nguyên nhân đặc biệt là do vị thế chính trị của vương quốc trung tâm và tương quan quyền lực giữa “chủ quốc” với các “thuộc quốc” và các quốc gia ngoại vi khác mà phạm vi của “đế chế” thậm chí cả “vương quốc” đã biến đổi không ngừng. Tham khảo thêm Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam - Lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2005.
[16] John Audic: Angkor and the Khmer Empire, Robert Hale, London, 1972; Michael D.Coe: Angkor and the Khmer Civilization, Thames & Hudson, 2003; Paul Michel Munoz: Early Kingdoms of the Indonesian Archipelago and the malay Penninsula, Mainland Press, Singapore, 2006; Alexander Barton Woodside: Vietnam and Chinese Model, Oxford University Press, 1971; John Whimore Kremers: The Development of Le Government in Fifteenth Century Vietnam, Cornell University, 1968... 
[17] Arnold Toynbee: Nghiên cứu về lịch sử - Một cách thức diễn giải, (A Study of History), Nxb. Thế Giới, H., 2002, tr.238.
[18]Wang Gungwu: Early Ming Relations with Southeast Asia: A Background Essay; in: John K. Fairbank (Ed.): The Chinese World Order - Traditional China’s Foreign Relations, Harvard University Press, 1968, pp. 34 - 62. Qua 7 lần vượt biển, Trịnh Hoà đã đến hơn 30 nước, chiêu dụ được nhiều nước đến Trung Quốc thần phục và thực thi chế độ triều cống. Qua đó có thể thấy nhà Minh đã có ý thức mạnh mẽ trong việc mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hoá đến các quốc gia khu vực. Trong vòng 28 năm, không kể các sứ đoàn Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu có tới 318 đoàn từ các quốc gia Đông Nam Á, Tây Nam Á đến Trung Quốc triều cống. Bên cạnh đó, còn có 11 quốc vương của 4 nước trực tiếp đến yết kiến hoàng đế Trung Hoa. Tham khảo thêm Minh sử.
[19] Bruce Swanson: Eight Voyage of the Dragon – A History of China’s Quest for Seapower,  Naval Institute Press, Maryland, p.28 - 43.
[20] Trong các năm 1592 và 1598, Toyotomi Hideyoshi đã huy động một lực lượng binh lực lớn tấn công sang bán đảo Triều Tiên. Cuộc chiến tranh đã để lại những hệ quả nhiều mặt trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của hai nước. Xem Marius B. Jansen: China in the Tokugawa World, Harvard University Press, 1992, p.17- 18; Nguyễn Văn Kim: Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa – Nguyên nhân và hệ quả, Nxb. Thế giới, H., 2000. 
[21] Có thể xem W.G. Beasley: The Rise of Modern Japan, Charles E. Tuttle Company, Tokyo – Japan, 1990; Michio Morishima: Tại sao Nhật Bản “thành công”? – Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991.
[22] Andrew C.Nahm: Lịch sử và văn hoá bán đảo Triều Tiên, Sđd, tr.125; James B.Palais: Politics and Policy in Traditional Korea, Harvard East Asian Monographs, 1991, p.6-9. 
 [23] Lawrence Palmer Briggs: The Ancient Khmer Empire, Americal Philosophical Society, 1951; David Chandler: A History of Cambodia, Monash University, 2008.
[24] Victor Lieberman: Strange Parallels - Southeast Asia in Global Context, c. 800 - 1830, Cambridge University Press, 2003; Andre Gunder Frank: ReOrient - Global Economy in  the Asian Age, University of California Press, 1998; Femme S.Gaastra: The Dutch East India Company - Expansion and Decline, Walburg Pers, 2003.
[25] Trần Quốc V­ượng: Truyền thống văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á và Đông Á; trong: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá Dân tộc và Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, H., 2000, tr. 15 - 24. Tham khảo thêm Lư­ơng Ninh (Cb.): Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo Dục, H., 2005, tr. 9 - 10; Nicholas Tarling (Ed.): The Cambridge History of Southeast Asia, Vol. 1, Cambridge University Press,1992. Từ truyền thống và hoạt động thương mại của biển Đông Nam Á có thể cho rằng Biển Đông hay Biển Đông Nam Á từng có vị trí như một Địa Trung Hải thu nhỏ. Xem Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI - XVII, Sđd, tr.311 - 350.      
[26] Ngô Văn Doanh: Chămpa và buổi đầu tiếp xúc với Ấn Độ; trong: Đông Nam Á - Truyền thống và hiện tại, Vũ Dư­ơng Ninh (Cb.), Nxb. Thế Giới, H., 2007, tr. 104. Tham khảo thêm W.G. Solhiem II: New Light on a Fogotten Past, National Geographic Magazine, 139 (3), 1971, pp.330 - 339. 
[27] A. Lamb: Some Observations of Stone and Glass Beads in Early Southeast Asia, Journal of the Malay Branch of the Royal Asiatic Society, Vol. 55, 1974, No. 1 - 4, p. 208 - 211.
[28] Monomohan Ghosh: Indian Cultural Influence on Prehistoric Vietnam, Annals of the Bhadarkar Oriental Research Institute Poona, Vol. 55, 1974, No.1 - 4, p. 211.
[29] Hà Văn Tấn (Cb.): Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1994.
[30] Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.85.
[31] Tadao Umesao: Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới, Nxb. Thế Giới, 2007, tr. 151 - 164. Arnold Toynbee: Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải, Nxb. Thế Giới, H., 2002, tr.61.
[32] Yvơ Lacôxtơ: Những vấn đề địa - chính trị: Hồi giáo, Biển và châu Phi, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991.
[33] M.B. Hooker (Ed.): Islam in Southeast Asia, Leiden, Brill, 1983; and Ira Lapidus: Muslim Cities in the Later Middle Ages, Cambridge – Harvard University Press, 1967.
[34] Phạm Đức D­ương: Đông Nam Á - Nhìn từ khía cạnh văn hoá; trong: Việt Nam - Đông Nam Á: Quan hệ lịch sử văn hoá, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 1995, tr. 12. S.Q. Fatimi: Islam Comes to Malaysia, Singapore, Malaysian Sociological Research Institute, 1963.
[35] Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia,University of Hawaii Press, 1985; Anthony Reid (ed): Southeast Asia in the Early Modern Era: Trade, Power, and Belief, Cornell University Press, 1993; Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680, 2 Vols, Yale University Press, 1988 & 1993; Trường ĐH KHXH & NV: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế giới, H., 2007...
[36] David G. Marr and A.C. Milner (Ed.): Southeast Asia in the 9th  to 14th Centuries, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1990. 
[37]  Arnold Toynbee: Nghiên cứu về lịch sử - Một cách thức diễn giải, ( A Study of History), Sđd, tr.284.

PGS.TS Nguyễn Văn Kim
Nguồn:
Bài đăng Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2 (406), 2010.
Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 30-05-2011.
 

(*) Để đọc trực tiếp tệp tin đính kèm bài viết mà không phải tải về, các bạn có thể dùng chức năng Xem trước (biểu tượng con mắt màu xanh bên phải vị trí tệp tin đính kèm tương ứng).

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây