PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ
Năm 1688, một lái buôn người Anh là Dampier có đến Thăng Long - Kẻ Chợ, đã nhận xét rằng ở đó, người ta có thể gặp được những người làm đủ mọi loại nghề, và ông ta đưa ra một danh sách dài dặc những nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, có một nghề đặc biệt ở Thăng Long - Kẻ Chợ mà lúc đó ông ta quên không xếp vào bảng mục: đó là nghề làm quan.
Thực vậy, trong chế độ phong kiến nhà nước quan liêu của Việt Nam thời xưa, có một đẳng cấp được đào tạo để suốt đời chuyên làm nghề cai trị dân chúng, tức nghề làm quan. Cũng có thời gian học nghề gian khổ, tập sự công phu, có niềm vinh và nỗi nhục nghề nghiệp. Ở chốn kinh thành, nghề làm quan lại càng nhộn nhịp, sôi động. Viễn cảnh “ngựa anh đi trước võng nàng theo sau” đã trở thành mộng ước của bao chàng trai, cô gái. Một học giả phương Tây đã có lý khi nói rằng: “Ở Việt Nam xưa, mọi người dân ai cũng chứa đựng một ông quan trong bụng”.
Có nhiều con đường dẫn đến quan trường, nhưng khoa cử vẫn là phổ biến hơn cả. Thăng Long là nơi kinh đô, có trường Đại học Quốc gia Quốc Tử giám, tập trung nhiều danh sĩ, nhân tài, là trung tâm văn hoá của cả nước. Nho sinh từ bốn phương đổ về sôi kinh, nấu sử, đông như trẩy hội. Anh khoá nào mạnh thế thì chen chân được vào chức giám sinh nội trú Quốc Tử giám, được cấp học bổng, học phẩm. Số đông ít may mắn hơn tụ tập tự học quanh khu Văn Miếu, lập nên cả một ký túc xá sinh viên, tức Quán anh đồ, lại còn các lớp tư thục của một số vị khoa bảng nổi tiếng, đó chính là các “lò luyện thi thời trung đại”, như các lớp của cụ Nghè Tự Tháp, ông Đốc Mọc, ông Bảng Lũ, ông Cử Vũ Thạch.
Ba năm đèn sách gian lao mới đến một kỳ thi Hội, thi Đình. Hàng mấy nghìn thí sinh đua chen trong một cuộc chạy vượt rào qua rất nhiều cửa ải, khi về đến đích chẳng còn được là bao. Trong mỗi khoa thi ở Thăng Long nhiều thì một hai chục ông nghè, ít thì vài ông.
Sau phút bàng hoàng thấy tên mình được yết trên bảng vàng ở đình Quảng Văn, các vị tân khoa được mời vào Hoàng thành, qua cửa Đoan Môn quỳ gối trước thềm điện Kính Thiên được vua ban mũ áo, cân đai và đãi tiệc yến, rồi võng lọng vinh quy trở về làng, người nho sinh gốc bình dân kia thực sự đã làm một cuộc đời, chuyển dịch qua một đẳng cấp xã hội khác.
Sự thử thách đầu tiên là làm sao vận động được các quan thầy hoặc các nhà quyền quý có thế lực để tìm được một chỗ đứng hứa hẹn trong quan giới ở kinh đô. Ở Thăng Long, tập trung một bộ máy quan liêu khá đông từ triều đình trung ương đến các cấp địa phương. Quan chức lại được chia thành nhiều hạng, bậc: có 9 phẩm, hai bậc chính tòng, hai ban văn võ, vị chi 36 chức quan cao thấp khác nhau. Các chức quan thuộc trung ương và có liên quan đến hoàng tộc thường được xếp ở bậc cao. Các chức quan địa phương hoặc các quan chuyên môn ở bậc thấp hơn. Thời Lê, chức Phủ doãn Thuận Thiên (tức Thị trưởng Thăng Long) được xếp vào bậc ngũ phẩm, tức bậc 5/9 từ trên xuống. Các chức quan Tu soạn sử quán (chuyên viết sử cho triều đình), Giáo thụ Quốc Tử giám (giáo sư Đại học), Chánh ty giáo phường (người phụ trách hoạt động múa nhạc của kinh thành) đều xếp ở hạng bát phẩm, tức 8/9, gần cuối cùng.
Sau lo việc công đến lo việc tư. Các vị tân khoa có nhiều triển vọng nhất trên đường hoạn lộ thường cũng là những người có nhiều may mắn nhất trên đường tình duyên. Các chàng trai đều thường được các nhà buôn giàu có Hàng Bạc, Hàng Đào để ý, tìm cách mối lái, gả cho các con cháu mình là những cô gái xinh đẹp có chút chữ nghĩa để đọc các truyện nôm về tình yêu trai gái, đồng thời cũng rất thạo buôn bán trên các tráp tiền đồng bạc nén hoặc các sạp hàng tơ lụa. Đây không chỉ là cuộc hôn phối giữa đôi trai tài gái sắc, đó còn là cuộc hôn phối kinh tế, chính trị giữa hai tầng lớp xã hội có quyền và có tiền, bổ sung cho nhau thành một gia đình viên mãn.
Cuộc sống giới quan liêu ở Thăng Long - Hà Nội xưa tiêu biểu cho đẳng cấp thượng lưu quý phái có đặc quyền. Họ được xã hội trọng vọng, được miễn trừ sưu thuế, tạp dịch, được chuộc tội bằng tiền, được nhà nước cấp bổng lộc, đất ở, ruộng cày, có tiêu chuẩn độc quyền xây nhà cao, cửa rộng, dùng đồ sơn son thiếp vàng, mặc đồ sa tầu, đoạn tầu, đi giày hài. Ra đường có phu khiêng võng, che lọng, lính hầu, dân phố phuờng thường phải rạp mình quỳ lạy mỗi khi có bậc quan lớn đi qua.
Tới công đường hoặc vào triều ban, các quan đều có phẩm phục quy định riêng cho từng cấp bậc. A. de Rhodes khi đến Thăng Long vào thế kỷ XVII, nhận xét là các quan văn mặc áo màu đen, các bậc đại thần mặc áo ngả màu tía. Trên ngực và lưng áo của quan văn thường thêu các loài chim như công, hạc, yểng, cò; quan võ thêu các loài thú như sư tử, hổ, hùm, beo. Nhà vua là người duy nhất được mặc áo hoàng bào màu vàng, thêu rồng. Tất cả các đồ đạc trang phục của giới quan liêu đều được nhà nước ban cấp, do các công tượng ở cục Bách tác làm ra hoặc được thửa tại các cửa hiệu trong phố phường. Hàng Đào bán tơ lụa, nhuộm điều, Hàng Bạc làm đồ trang sức vàng bạc, phường Cổ Vũ sơn thiếp, Tả Khánh tiện gỗ, Hàng Khay chạm khảm, Hài Tượng làm giày hài....
Công việc và hưởng thụ của giới quan liêu Thăng Long - Hà Nội cũng rất khác nhau. Ngạch quan bận rộn nhiều bổng lộc là các ngạch quan có liên quan đến các mặt xét xử kiện tụng, trưng thu thuế má, tiếp xúc nhiều với dân chúng. Sử cũ gọi đó là hạng “phì quan” (quan béo). Còn các loại quan thuộc ngạch giáo dục, văn hoá và các vị tản quan (có hàm mà không có thực chức) công việc và bổng lộc đều ít. Phạm Đình Hổ gọi đó là các vị quan “nhàn rỗi không đủ tiêu”. Trong khi một số quan có quyền thế thường sai gia nhân ra chợ mua hiếp của dân, sai tay chân đi cướp bóc những chậu cây cảnh hiếm quý của các nhà giàu, thì một số đông khác đời sống hàng ngày vẫn rất thanh bạch.
Nghề làm quan ở kinh đô Thăng Long có khi đưa con người ta đến chốn tột đỉnh giàu sang, nhưng cũng phải trả giá bằng nhiều nỗi nhọc nhằn.
Hàng ngày, từ trong nhà ra ngoài phố, ở công đường, nơi triều chính, tiếp xúc với đủ mọi loại hạng người, người làm quan phải luôn luôn lao tâm khổ tứ, chọn lựa thái độ ứng xử sao cho phải lễ, phải đạo, hợp luật, hợp lệ. Nơi Kinh kỳ đô hội “quan trên trông xuống người ta trông vào”, lại càng phải cẩn trọng, khỏi bị sai phạm trong các kỳ đàn hạch, khảo khoá, nơm nớp mong được thăng quan, những lo bị giáng chức.
Trước hết là đối với ngôi vua tối thượng. Làm tôi phải trung với vua, người làm quan đã được vỡ lòng lời dạy đó ngay từ thời để chỏm, tâm niệm nó suốt cuộc đời chính sự. Nhưng có vua sáng vua tối, thời thịnh, thời suy, phân biệt được điều đó đâu phải dễ dàng?. Ở đây, người quan liêu vừa là một người “tôi tớ” (hạ thần) của nhà vua, vừa là người có trách nhiệm đối với quốc gia, cái khó là kết hợp trọn vẹn được đạo vua tôi nghiêm nghặt với lòng cương trực dám nói thẳng. Một số không ít các vị quan nơi kinh kỳ đã nêu được gương sáng về tiết tháo. Chúng ta đều biết chuyện Tô Hiến Thành rất công minh trong việc chọn lựa người tài, về Chu Văn An dũng cảm dâng sớ “Thất trảm” đòi chém bảy tên nịnh thần được nhà vua sủng ái, nhưng mấy ai đã làm được như các ông?.
Thời Trần, quan ngự y Phạm Công Bân dám hoãn lại việc khám bệnh cho một quý phi của nhà vua bị cảm mạo để đi cấp cứu cho một phụ nữ thường dân bị băng huyết làm cho nhà vua lúc đầu nổi giận nhưng sau đã chuyển sang cảm phục. Thời Lê, khi vua Lê Thánh Tông muốn xem những điều trong nhật sử ghi chép về mình, sử quan Lê Nghĩa đã khẳng khái tâu: “Nhà vua cứ nên cố sức làm điều lành là đủ rồi, hà tất phải xem quốc sử?” có ý muốn giữ cho ngòi bút của mình được trong sạch khỏi bị uốn cong. Đấy là trường hợp những tôi trong vua sáng. Nhưng trong lịch sử, cũng không hiếm trường hợp chỉ vì muốn nói thẳng căn ngăn vua mà người làm quan đã bị trừng phạt, cách chức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cái giá của sự thật đâu phải là rẻ rúng!.
Mối quan hệ với các đồng liêu trong giới quan trường cũng hết sức phức tạp. Chín phẩm, 36 cấp bậc văn võ, dưới trên phân biệt, quả thật là cả một bậc thang đẳng cấp trong một đẳng cấp. Trăm điều nghi lễ, nghìn điều xét nét, đó là chưa kể những lời đố kỵ dèm pha, nhất là của các bọn hoạn quan dốt nát, xảo quyệt chuyên nghề hại bạn nịnh vua.
Thời Trần, Đoàn Nhữ Hài thấy bạn đồng sự pha trò vô ý thức trong triều, không nghe đứng dậy bỏ đi, nhưng vẫn bị hặc tấu xử phạt là cố tình tránh né. Nguyễn Trung Ngạn có thời làm Kinh sư đại doãn (Thị trưởng Thăng Long) trước đó đã bị giáng chức chỉ vì sơ suất xếp nhầm một chức quan có tiêu chuẩn mặc áo đen (Tạo y) sang tiêu chuẩn mặc áo tía (Tử y), bởi lẽ quan dưới tiếm dụng tiêu chuẩn sinh hoạt của quan trên là phạm thượng. Tổng trấn Bắc Thành đầu tiên triều Gia Long là Nguyễn Văn Thành, bị đồng liêu là Lê Văn Duyệt thù ghét, đã nhân chuyện con trai Thành làm một bài thơ ngông, tố cáo lên vua vu Thành âm mưu phản loạn, buộc vị khai quốc công thần kia phải kết liễu cuộc đời trong chén thuốc độc. Người quan liêu ở đây luôn luôn phải sống trong một mặc cảm tự ty và trong niềm hoang tưởng bị người khác theo dõi. Vị quan có nhiều duyên nợ với Thăng Long là thi hào Nguyễn Du, những khi ở chốn triều đường thường rất ít sử dụng cái lưỡi của mình trong lời ăn tiếng nói, phải chăng chính vì ông luôn sợ hãi những cái lưỡi khác của bạn đồng liêu?.
Một quan hệ thường trực hàng ngày của giới quan liêu trấn trị ở Thăng Long - Hà Nội là việc tiếp xúc với dân chúng phố phường: thu thế, nhận đơn kêu xin, xử kiện. Chính ở mặt quan hệ này đã nảy sinh ra những tật bệnh kinh niên phổ biến ở giới quan liêu: tệ lộng quyền và nạn tham nhũng.
Trong cơ chế một xã hội đẳng cấp tôn ti, chính cái mặc cảm tự ty nơi cung đình lại rất dễ biến thành mặc cảm tự tôn nơi công đường. Trong đầu óc người làm quan đã ngấm sâu quan điểm Khổng giáo “hạng quân tử thì trị người còn hạng tiểu nhân thì bị người trị”. Dân chúng ở đây chỉ là những thần dân lệ thuộc có bổn phận chăm chỉ làm ăn và biết vâng lời, chứ làm sao lại được phép coi là những công dân tự do, những chủ thể chính trị của thành phố? (Trong khi đó, ở các thành thị tự trị trung đại Tây Âu, thị dân cũng chính là người công dân. Trong tiếng Anh, từ citizen vừa có nghĩa là thị dân, vừa có nghĩa là công dân. Phương ngôn Đức đương thời có câu: “Hít thở không khí đô thị, làm cho con người ta trở thành tự do”).
Xã hội Việt Nam cũ là một xã hội lễ trị, nhân trị, không phải pháp trị. Quan liêu tập trung quá nhiều quyền hành, vừa là người thi hành luật pháp, lại cũng vừa là người xét xử luật pháp, cai trị dân đồng nghĩa với ban ơn đức cho dân, thì dù cho một ngày có đến hai lần tu niệm, làm sao tránh khỏi tệ lộng quyền? Các tác giả phương Tây cho rằng giới quan liêu Việt Nam xưa đều mắc phải chứng kiêu ngạo vĩ cuồng, chính là vì thế.
Lộng quyền là cha đẻ của tham nhũng. Ở xã hội giai cấp phương Tây, tiền sinh ra quyền, quyền sinh ra chức. Ở xã hội đẳng cấp phương Đông thì ngược lại, chức sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền, quyền gắn liền với lợi. Có một thực tế khó chối cãi là ở Thăng Long - Hà Nội thời trung đại, nhất là thế kỷ XVII, XVIII, XIX, lúc mà nền kinh tế hàng hoá tiền tệ phát triển và lễ giáo phong kiến suy đồi, tệ nạn tham nhũng đã trở thành phổ biến. Triều đình từng cảnh cáo, ngăn cấm, trừng phạt, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Nhà vua Tự Đức than thở: “Quan vui thì dân khổ. Họ thường mượn việc để yêu cầu hà khắc, cố ý buộc tội mở tội cho người để đòi tiền đút lót, nhân việc thu lương tiền mà lạm dụng chia nhau, đưa quà cáp xin xỏ để làm cái thang bước lên quan trường. Tình tệ ấy kể sao cho xiết”.
Tuy nhiên, những gương sáng về đức thanh liêm của giới quan liêu Thăng Long - Hà Nội cũng không phải là quá hiếm. Hành khiển Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng liêm khiết về câu chuyện không nhận 10 quan tiền vô chủ ban đem đặt trước cửa nhà mình. Quan kiểm pháp Trần Thì Kiến vì chót ăn cỗ biếu của người có tình ý hối lộ, đã móc họng nhổ ra hết thức ăn ra, giữ lòng trong sạch. Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương là thông gia của hoàng tộc, đã từng nhiều lần đi công tác nước ngoài. Ở Malina và Singapo mà tư thất vẫn chỉ là một ngôi nhà tranh đơn sơ. Nhưng mặt khác bất kì đi đâu, ông cũng sai quân hầu mang theo lọng che, vì theo quan niệm của người đương thời, lọng là biểu tượng của uy quyền và trách nhiệm của người làm quan, không đơn thuần là vật dùng để che mưa nắng. Dã sử kể rằng chính chiếu lọng mà oan trái đó che trên đầu ông khi ông đứng trên cửa thành chỉ huy đánh giặc ở Hà Nội năm 1873 đã trở thành mục tiêu cho quân Pháp tập trung bắn ông bị tử thương. Còn phải kể đến những viên quan suốt đời tận tuỵ phục vụ lợi ích của dân chúng nơi quê mình như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quý Đức, đã để lại trong lòng mọi người niềm cảm phục.
Có chức quyền mà không lộng quyền, quyền đó có khả năng biến thành tiền mà vẫn không màng tiền bạc, làm cha mẹ dân (dân chi phụ mẫu), nhưng vẫn là đầy tớ của dân (dân chi công bộc), những đức tính đó của một số người làm quan ở Thăng Long - Hà Nội đã làm rạng rỡ cho vẻ đẹp của những người chốn kinh kỳ, xứng đáng là tinh hoa của đất ngàn năm văn vật.
Căng thẳng ở triều đình, chốn đồng liêu, nơi công đường, người làm quan khi về đến nhà vẫn gánh chịu một sức ép tâm lý gia đình, nhiều khi còn mãnh liệt hơn mọi sức ép xã hội. Về nguyên tắc, nghề làm quan là một nghề cai trị thanh tao, hết lòng vì dân, vui với sách vở đạo lý thánh hiền, xa lạ với các hoạt động buôn bán kinh doanh lời lãi. Nhà sử học Nhật Tsuboi gọi đó là “một thái độ ứng xử phản trọng thương” (un comportement anti mercantiliste) khi nói về giới quan liêu Việt Nam xưa. Nhưng liền ngay sau đó, Tsuboi lại phân tích: “Điều đó không có nghĩa là họ ghét bỏ tiền bạc, ngược lại là khác. Rất nhiều ông quan đã lợi dụng địa vị của mình để thu góp của cải cho gia đình. Hành động đó được xã hội chấp nhận coi như hệ quả của chức vụ, có điều chức vụ ấy phải được củng cố về mặt quyền thế trước khi kiếm ra tiền bạc”.
Ở chốn kinh kỳ đô hội có rất nhiều điều cám dỗ, nhiều cơ hội để tiêu xài, nhiều của ngon vật lạ để thưởng thức, đồ đạc quý giá để sắm sửa. Theo Phạm Đình Hổ lúc này “con em các nhà quyền quý ở Thăng Long đua nhau chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén tốn đến vài mươi lạng bạc, thậm chí gửi tàu buôn (ra nước ngoài) đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Rồi các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường chèo đóng tuồng để khoe khoang, các trò bài bạc, chọi gà sinh ra nhan nhản”. Vua Tự Đức than thở: “Hà Nội xưa nay phong tục vẫn là kiêu bạc, xa xỉ, phóng đãng”.
Thế là trong gia đình, trước hết là các quan bà, mà một số xuất thân từ nguồn gốc thị dân buôn bán, sau đến các cô chiêu, cậu ấm đã tăng cuờng gây sức ép đến vị quan gia trưởng đáng kính phải làm sao kiếm đuợc nhiều tiền để cung phụng, cho họ khỏi thua chị kém em, xấu hổ với các gia đình quyền quý khác. Khốn nỗi, nếu không tham ô hối lộ, chỉ sống nhờ số lương bổng khiêm tốn, thì lấy đâu ra vàng thoi, bạc nén, nhất là đối với hoàn cảnh các vị “việc quan nhàn rỗi không đủ tiêu”. Có lần Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dâng sớ lên Gia Long xin “tăng lương cho quan lại để dưỡng liêm”, nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, các quan bà phải xoay ra tự cứu, kiếm cách đi buôn làm giàu. Trong chuyến đến Kẻ Chợ năm 1688, du khách người Trung Quốc Phan Đỉnh Khuê xác nhận: “Ngay cả đến phu nhân các bậc đại thần cũng không e ngại gì khi hoạt động buôn bán”. Rồi dần dần, đến lượt các quan ông ra tay tiếp sức. Lái buôn Dampier nhận xét: “Các quan rất dễ đang trở thành con buôn, khi có thể có được món lợi nào. Các quan mua những thứ gì lớn lao và đắt tiền, còn những thứ gì giá trị kém hơn đã có phụ nữ thân tín giúp”. Đại Nam thực lục có ghi lại chuyện một học giả nổi tiếng đáng kính đời Nguyễn qua hai lần đi sứ nhà Thanh về, đã bị triều đình khiển trách vì mang theo quá nhiều kiện hàng quý giá ngoài tiêu chuẩn. Ở đây, lỗi tại đức tu thân của các bậc quân tử dòn mỏng, tại sự cám dỗ của nền kinh tế hàng hoá tiền tệ thị trường hay chính ở đường lối chính sách ức thương của triều đình hẹp hòi, bảo thủ?.
Dằn vặt cuối cùng và cũng là lớn nhất của những người làm quan còn giữ được thiên lương ở Thăng Long - Hà Nội xưa, là xác định thái độ ứng xử đối với bản thân. Các quan ở mọi cấp bậc, một mặt vừa là bầy tôi tớ của nhà vua và triều đình, là người chăn dắt dân chúng, người rao giảng đạo thánh hiền, mặt khác lại là người nho sĩ trí thức hiểu biết có lý tưởng, một số là các tài tử văn nhân đa tình, tóm lại, họ cũng là những con người với đầy đủ những khát vọng vừa thánh thiện vừa trần tục. Đó chính là những nhân cách lưỡng phân, hai con người cùng tồn tại trong một con người. Vậy sống ra sao đây?. Trong những thời thịnh trị, lúc thuận buồm xuôi gió thì không nói làm gì, còn ở những buổi nhiễu nhương, với đầy trăn trở mâu thuẫn, họ phải chọn lựa một thái độ. “Khắc kỷ phục lễ” (uốn mình theo lễ), tự thủ tiêu nhân cách, thuận theo thói tục; hay lựa chiều chèo chống, xuất xử quyền biến, chọn cách ứng xử trung dung “hoà nhi bất đồng”, “biệt nhi vô dị”. Giữ trọn tiết tháo, rũ bỏ danh lợi phồn hoa, treo ấn từ quan lui về ẩn nơi thôn dã, bạn với ngư tiều, hay cứ ở lại ẩn giữa chốn thành thị, tìm niềm an ủi, tìm thế cân bằng trong hành lạc tiêu dao hoặc trong thế giới tâm linh Phật, Lão? Ở đây không có lời giải đáp nào là khuôn mẫu.
Trên đời này, cái gì rồi cũng phải trả giá. Lịch sử cũng có những cơn nóng giận, nhưng với thời gian, bao giờ cũng là những quan toà công minh. Đẳng cấp quan liêu của Thăng Long - Hà Nội xưa đã từng một thời vang bóng, trước đây được coi là tầng lớp ưu tú trong xã hội, rường cột của quốc gia, niềm vinh hạnh cho con cháu, thì sau đó có thể nào mà lại trở thành một giai cấp phong kiến ăn bám, thống trị bóc lột nhân dân, những tên tội phạm đáng nguyền rủa, là vết nhơ cần phải tẩy xoá hoặc dấu kín đi trong các bản lý lịch công dân.
Tuy nhiên, những người đã khuất của thời dĩ vãng đã qua thường là khó tự bào chữa. Mặc nhiên xoá án cho họ cũng như gia tăng tội trạng cho họ đều là những việc dễ làm, nhưng có lẽ thiếu công bằng và ít bổ ích hơn là bình tĩnh gắng hiểu được con người họ, tâm tư và hoàn cảnh xô đẩy của họ, rút ra những bài học lầm lỗi của lịch sử, giúp cho con người cảnh giác, để sao những điều không nên có của ngày hôm qua sẽ mãi mãi không bao giờ trở lại trong những ngày mai tới.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1/1992, tr.12-15
Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 22-07-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ năm - 05/09/2024 19:09
Thứ năm - 05/09/2024 19:09
Thứ năm - 05/09/2024 18:09
Thứ năm - 05/09/2024 16:09
Thứ năm - 05/09/2024 14:09