TIỀN KIM LOẠI NHẬT BẢN PHÁT HIỆN Ở THANH HÓA
1. Những đồng tiền kim loại Nhật Bản
Tại Bảo tàng Thanh Hóa hiện còn lưu giữ một khối lượng lớn tiền kim loại cổ, trong đó đáng lưu ý là những đồng tiền có nguồn gốc từ Nhật Bản. Về niên đại, sớm nhất có đồng người Nhật đúc vào khoảng thời gian thế kỷ IX-XI, và nhiều nhất là những đồng tiền được sản xuất trong thế kỷ XVII. Về nguyên liệu, đây đều là tiền được đúc bằng đồng. Đó là những đồng tiền sau:
1. Nguyên Hựu Thông Bảo (元 祐 通 寶) (Gen Yū Tshu hō)
Tiền đúc bằng đồng, đường kính 22 mm, chữ kiểu Triện thư.
Tiền do các quan nhiếp chính đúc ở các tỉnh dưới thời Bình An (Heian) [1] Trung Kỳ. Đây là thời kỳ mà triều đình mất thực quyền, việc cai quản đất nước do các quan Nhiếp chính, mở đầu hệ thống Samurai, cuối thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI. Tiền Nguyên Hựu được phát hiện có 2 loại: 1 loại lưng trơn và một loại lưng có 2 chữ Thập Khẩu (十 口) ở 2 bên lỗ, chữ khẩu viết kiểu Triện thư.
2. Khánh Trường Thông Bảo (慶 長 通 寶) (Kei chō Tshu hō)
Tiền đúc bằng đồng, đường kính 23 mm, nặng 2,5g, chữ kiểu Khải thư (Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Văn Khoán 2010: 406).
Tiền được đúc theo niên hiệu Khánh Trường (Keichō: 1596-1610) thập nhất niên (1607) dưới thời Dương Thành Thiên Hoàng - Giang Hộ thời đại (thời Edo). Đây là thời kì việc cai trị tập trung, công nghiệp và thủ công phát triển mạnh mẽ, giao thông được cải thiện đem lại sự thịnh vượng cho buôn bán và thương mại nội địa. Các thị trấn mọc lên nhiều và rất hưng thịnh. Giới thương gia trở nên giàu có.
3. Hồng Vũ Thông Bảo (洪 武 通 寶) (Kōbu Tshu hō)
Tiền đúc bằng đồng, đường kính 23 mm, nặng 3g.
Chữ viết theo kiểu Chân thư. Lưng có chữ Trị (治) trên lỗ. Tiền có nguồn gốc: Từ niên hiệu Thất Đỉnh Trung Diệp đến Khoan Vĩnh thứ 13, dòng họ Ô-Tân được phân phong cai trị vùng Gia Trị Mộc của Nhật Bản đã đúc đồng tiền Hồng Vũ thông bảo theo kiểu đồng tiền Hồng Vũ của Minh Thái Tổ, lưng có chữ Trị (治) để chỉ địa danh Gia Trị Mộc. Dân gian gọi là tiền Gia Trị Mộc. Tiền này chỉ lưu hành ngoài biên giới Nhật Bản. Tiền đúc vào năm Khoan Vĩnh thập tam niên (1636) (Đinh Phúc Bảo 1992: 217; Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Văn Khoán 2010: 405).
4. Nguyên Phong Thông Bảo (元 豐 通 寶) (Genpō Tshu hō)
Tiền phỏng đúc theo tiền Nguyên Phong của Tống Thần Tông, giống với đồng phát hiện ở Hải Phòng, được đúc bằng đồng, đường kính 23 mm, nặng 3g (Hoàng Văn Khoán 2009: 98-99). Đồng tiền được đúc thay cho tiền Khoan Vĩnh Thông Bảo, mang tên Nagasaki (Nagasaki coins), hay còn gọi “Trường Kỳ mậu dịch tiền”. Ở Việt Nam có tiền Nguyên Phong Thông Bảo, dưới niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) của Trần Thái Tông (1225-1258). Ở Trung Quốc có tiền Nguyên Phong của Tống Thần Tông (1067-1085), với niên hiệu Nguyên Phong (1078-1085). Ở Nhật có tiền Nguyên Phong gọi là tiền lưu thông Nagasaki hay Trường Kỳ Mậu Dịch tiền. Trong bài viết của mình, TS. Ishizaki Harufumi cho rằng tiền Nguyên Phong của Việt Nam và tiền Nagasaki giống tiền Trung Quốc và tỏ ra lúng túng trong việc phân biệt (Ishizaki Harufumi 2007: 700). Phân tích so sánh một loại tiền không phải nét đậm hay nhạt, mà trước hết dựa vào tự dạng.
Trên tiền Nguyên Phong Thông Bảo của Việt Nam, chữ thông có bộ quai xước lượn hình zích zắc bao quanh, có người gọi là hình hổ vĩ. Tiền Nagasaki thì bộ bối dưới chữ bảo và chữ phong đều vuông góc. Tiền Nguyên Phong của Trung Quốc thì bộ bối và chữ phong hình bầu dục, 2 nét sổ đầu của chữ phong giống nhành cây. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều sưu tập và xác định 3 loại tiền này dễ dàng (Hoàng Văn Khoán 2009: 98-99; Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Văn Khoán 2010: 414-415; Hoàng Văn Khoán 2011). Vì vậy tiền Nguyên Phong phát hiện ở Hải Phòng, Thanh Hóa là tiền Nagasaki đúc ở Nhật Bản.
Có một vấn đề được đặt ra ở đây, đó là: những đồng tiền mậu dịch Nhật Bản này có nguồn gốc từ đâu? Chúng được tìm thấy ở Thanh Hóa, vậy chúng được du nhập vào đất Thanh từ cửa ngõ nào? Hay nói cách khác, cảng biển nào là thương cảng chính của Thanh Hóa thế kỷ XVII-XVIII, nơi tiếp nhận các tàu thuyền buôn bán quốc tế cùng nguồn ngoại tệ từ quốc đảo mặt trời mọc này?
2. Nguồn gốc
Thế kỷ XVI-XVIII là thời đại hoàng kim của thương mại hàng hải trên phạm vi toàn cầu. Những phát kiến địa lý của các quốc gia Tây Âu cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI đã mở ra một thời kỳ Đại Hàng hải không những đối với Cựu Thế giới (châu Âu) mà còn khai mở sang Tân Thế giới (châu Mỹ) và lan rộng khắp thế giới Phương Đông huyền bí. Riêng ở khu vực Đông Á, sự tràn xuống các thương cảng Đông Nam Á của người Hoa sau những thám hiểm Nam Dương do nhà Minh (Trung Quốc) khởi xướng thế kỷ XV, sự năng động của thương nhân Nhật Bản dưới thời Lưu Cầu quốc (thế kỷ XV-XVI) và thời kỳ Châu Ấn thuyền (thế kỷ XVI-XVII) đã tạo nên một luồng gió mới cho hệ thống buôn bán khu vực. Cộng hưởng với những xung lực mạnh mẽ đến từ những đế chế hàng hải phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp), tất cả đã tạo nên một “Kỷ nguyên Thương mại Châu Á” trên phạm vi Đông Á nói riêng, toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo sự thông suốt của nền thương mại châu Á, cũng như thế giới, chính là các nguồn kim loại tiền (monetary metals). Nếu việc khai thác những mỏ kim loại quý ở vùng Trung châu Âu đã dẫn đến một cuộc “Cách mạng Thương mại” ở châu lục này trong suốt thế kỷ XIII (Peter Spufford 2002: 12, 14-16, 59, 354-375), thì để tạo nên một Thời kỳ Thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVIII, có hai nguồn kim loại tiền quan trọng: một là bạc trắng, tiền bạc từ châu Mỹ La Tinh, và hai là bạc, đồng, tiền đồng từ Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia xuất khẩu đồng ra thị trường Đông Á trong suốt thời Trung đại; đến giai đoạn Sơ kỳ Cận đại (thế kỷ XV-XVIII), đồng từ quốc đảo mặt trời mọc đã trở thành một trong những thương phẩm chủ chốt của thương mại toàn cầu, có sức ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới (Ryuto Shimada 2005: 3, 11-12). Tuy nhiên, lịch sử tiền tệ Nhật Bản lại không sớm phát triển như vậy. Cho đến giai đoạn thế kỷ XII-XVI, người Nhật vẫn phải sử dụng và lệ thuộc khá nhiều vào nguồn tiền đồng ngoại nhập, cụ thể là tiền Trung Quốc (tiếng Nhật gọi chung là Toraisen)[2]. Hai tác giả R.H.P. Mason và S.G.Caiger cũng nhận định: “Hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là tiền đồng, tơ lụa, gốm sứ và sách. Thời Nhật Bản chưa đúc được tiền thì tiền đồng Trung Quốc được thông dụng tại Nhật. Việc trả lương và đóng thuế, việc mua bán sản phẩm và đất đai đều được thực hiện chuyển giao bằng tiền đồng dưới hình thức tiền tệ. Có được tiền khiến cho việc sử dụng tín dụng rất dễ dàng và do đó thúc đẩy các hoạt động quốc tế” (R.H.P. Mason & S.G.Caiger 2003: 161; Nguyễn Văn Kim 2007: 143). Mặc dù vậy, lịch sử cũng vẫn ghi nhận những hoạt động đúc tiền của Nhà nước Nhật Bản, manh nha từ thế kỷ VII, và bắt đầu có dấu hiệu gia tăng vào thời kỳ Nara (thế kỷ VII-VIII) [3] dẫu rằng đó là sự mô phỏng chính sách tiền tệ của nhà Đường (Trung Quốc) và nhằm mục đích chính trị hơn là vì nhu cầu kinh tế, thương mại (cũng tương tự như ở Đại Việt) (Phan Hải Linh 2007: 76-77) [4]. Tất cả những đồng tiền được đúc tại Nhật Bản trước thế kỷ XVII được gọi chung là Shichusen. [5]
Mốc quan trọng của sự phát triển tiền tệ Nhật Bản là vào đầu thập kỷ 1600, khi Tướng quân Tokugawa Ieyasu đã thực hiện một cuộc cải cách hệ thống tiền tệ, và cũng từ đây, Nhật Bản, khác biệt so với các thời kỳ trước, đã trở thành một quốc gia mà “nền kinh tế tiền tệ được thiết lập trong suốt thế kỷ XVII” (Fernand Braudel 1973: 336). Mạc phủ Nhật đã ra sắc lệnh cấm lưu hành các loại tiền Toraisen và Shichusen, thần dân Nhật Bản chỉ được phép lưu hành các loại tiền được đúc trong nước là Keicho Tsuho (Khánh Trường thông bảo 慶 長 通 寶), Genna Tsuho (Nguyên Hòa thông bảo) và Kanei Tsuho (Khoan Vĩnh thông bảo 寬 永 通 寶) mới ra lò vào các năm 1604, 1617 và sau năm 1636. Theo đó, một lượng lớn Toraisen và Bitasen được vận chuyển sang tiêu thụ tại Đại Việt, ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Tại Đàng Ngoài, đến cuối thập kỷ 1620, các loại tiền Nhật Bản đó đã được lưu hành song song với những loại tiền đúc bản địa và tiền nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Đúng như giáo sỹ Alexandre de Rhodes năm 1627 đã ghi nhận ở Bắc Đại Việt có 2 loại tiền đồng: loại lớn do thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản đưa đến, được sử dụng rộng rãi trong cả nước; loại bé chỉ được lưu hành tại Thăng Long và Tứ trấn (Alexandre de Rhodes 1994: 38). Thanh Hoa, cũng như Nghệ An, là một ngoại trấn phía Nam của Đàng Ngoài thời Lê - Trịnh, mà theo ghi chép của De Rhodes, lại là một trong những nơi tiền kim loại Trung Quốc, Nhật Bản được lưu thông rộng rãi. Hoa thương (triều Minh - Thanh) và các thương gia Nhật Bản (thời kỳ Châu Ấn thuyền - Shuinsen: 1592-1635) chính là những người đưa tiền kim loại từ quốc đảo Đông Bắc Á vào Đàng Ngoài. Và một số đồng tiền Nhật Bản chúng ta tìm thấy trên đất Thanh Hóa ngày nay được nhập khẩu trong bối cảnh như thế.
Trong số các đồng tiền kim loại Nhật Bản thế kỷ XVII, đáng chú ý nhất là tiền Nagasaki - Trường Kỳ mậu dịch. Sở dĩ những đồng tiền này được gọi như vậy vì chúng được đúc ở Trường Kỳ, tức thương cảng Nagasaki (phía Nam Nhật Bản), chỉ nhằm sử dụng trong việc giao thương với Đông Nam Á, mà phần lớn tiền này được đưa vào Đại Việt trong nửa sau thế kỷ XVII. Loại tiền Nagasaki tiêu biểu và được đúc nhiều nhất là đồng Nguyên Phong Thông Bảo (元 豐 通 寶 Yuan Feng Tung Pao, phiên âm tiếng Nhật là Genho tsuho) trên đây (Lục Đức Thuận 1999; Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky 2009: 195-198.). Tiền mậu dịch Nagasaki bắt đầu được đúc vào năm Manji thứ 2 (1659), khi chi nhánh Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) ở Nhật Bản đề nghị đúc một loại tiền dùng trong thanh toán ngoại thương [6]. Tiền Trường Kỳ được đúc trong suốt 26 năm của thế kỷ XVII (1659-1685), xưởng đúc tiền được phép đúc các loại tiền mậu dịch với bất cứ tên tiền nào, nhưng không được phép dùng niên hiệu Khoan Vĩnh đang dùng trong nước Nhật. Tiền đồng Nagasaki đúc ra được người Hà Lan mua lại, chở đến bán cho Đại Việt, nhưng tuyệt đối cấm không được lưu hành trên đất Nhật Bản, người dân Nhật nào trái lệnh sẽ bị tử hình. Trong khoảng thời gian thịnh hành của tiền Trường Kỳ, việc khám xét được diễn ra nghiêm ngặt tại cây cầu nối liền đảo Deshima (nơi có thương điếm Hà Lan) với đất liền Nagasaki; những thương nhân Nhật giao dịch với VOC đều bị các võ sỹ đạo (samurai) của chính quyền Mạc phủ kiểm tra gắt gao, bắt trao đổi tiền Nagasaki thành tiền Khoan Vĩnh ngay tại chỗ[7]. Năm Jokyo thứ 2 (1685), Mạc phủ Đức Xuyên cho ngừng sản xuất tiền Nagasaki, một phần do Công ty Hà Lan và thương nhân Trung Quốc đã giảm nhu cầu, chuyển sang đúc tiền bằng bạc vì giá trị bạc cao hơn đồng. [8]
Nếu các loại tiền trước của Nhật Bản (là Toraisen và Shichusen-Bitasen), trong đó có đồng Nguyên Hựu Thông Bảo đã tìm thấy ở Thanh Hóa mà chúng tôi trình bày trên đây, được đưa đến Đại Việt và Đàng Ngoài bởi chính thương nhân quốc đảo[9] và người Hoa từ lục địa Trung Quốc, thì tiền Genho tsuho hoàn toàn do VOC và Hoa thương đảm nhận việc buôn bán, vận chuyển đến đất Việt. Người Hà Lan bắt đầu nhập khẩu tiền zeni Nhật[10] vào Bắc Đại Việt từ năm 1661, đặc biệt từ sau năm 1668 và cho đến tận năm cuối cùng là 1677, với tổng cộng khoảng hơn 2 triệu đồng zeni được đưa sang Đàng Ngoài, góp phần giải quyết cơ bản vấn nạn thiếu tiền hoành hành tại đây trong suốt thời kỳ này (Hoàng Anh Tuấn 2010: 207, 217). Bên cạnh người Hà Lan, người Trung Quốc buôn bán Đàng Ngoài - Nhật Bản và vị phú thương Nhật lưu trú tại Kẻ Chợ thế kỷ XVII (ông Resimon theo cách gọi của Hà Lan, hay Risemondonne trong tư liệu Bồ Đào Nha) cũng tham gia hoặc có ý định tham gia vào hoạt động nhập khẩu tiền đồng zeni vào Bắc Đại Việt (Hoàng Anh Tuấn 2010: 189, 195, 205, 209, 211, 217; Hoàng Anh Tuấn 2009: 26; George Bryan Souza 2004: 119), cho dù thực tế thì Phủ chúa Trịnh chỉ cho phép VOC kinh doanh loại tiền này, còn các nhóm khách thương ngoại quốc khác, trong đó có người Hoa, thì bị cấm (Hoàng Anh Tuấn 2010: 204).
Vấn đề đặt ra là các khách thương ngoại quốc đã nhập khẩu một lượng lớn tiền đồng Nhật Bản vào Bắc Việt Nam trong thế kỷ XVII; tuy nhiên, khảo cổ học ngày nay vẫn chưa tìm thấy một đồng tiền Nhật nào ở Thăng Long cũng như Phố Hiến, cho dù gốm thương mại Nhật Bản thế kỷ XVII (gồm Hizen, đảo Kyushu) ở cả trên mặt đất và dưới lòng đất đã được phát hiện (Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hùng 2000; Tống Trung Tín và các cộng sự 2000; Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Hùng 2004; Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Trần Anh Dũng, Nguyễn Thị Dơn 2006; Hoàng Văn Khoán 2008; Hán Văn Khẩn 2002; Trịnh Cao Tưởng 1996; Tống Trung Tín 2000; Kikuchi Seiichi 2004; Nguyễn Xuân Mạnh 2011). Tương tự như vậy, tại thương cảng Hội Thống (Hà Tĩnh), nơi có thể khẳng định chắc chắn sự lui tới, lưu trú của tàu thuyền và thương nhân Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII (Phan Thanh Hải 2008: 61, 62, 70), thì khảo cổ học Đền Huyện cũng mới chỉ tìm thấy gốm sứ và tiền đồng Trung Quốc (Hà Văn Cẩn 1994; Trịnh Cao Tưởng 1996: 58, 61). Cho đến hiện tại, ở Miền Bắc, chúng ta mới biết đến hai địa điểm phát hiện tiền kim loại Nhật Bản là Hải Phòng và Thanh Hóa. Nếu những đồng tiền Nhật ở An Dụ (Khởi Nghĩa, Tiên Lãng, Hải Phòng) gắn liền với cảng thị Domea và cửa biển Thái Bình (cửa Sông Đàng Ngoài (Tonkin River) thế kỷ XVII-XVIII), thì tiền kim loại Nhật Bản phát hiện ở Thanh Hóa được đưa vào từ cảng biển nào?
Chúng ta đã biết dọc duyên hải Thanh Hóa có khá nhiều cửa biển lớn và nổi tiếng như Thần Phù - Chính Đại, Lạch Sung (cửa sông Lèn, Nga Giang), Lạch Trường, Hội Triều (còn gọi Lạch Hới, Lạch Trào), Hàn Hải Khẩu (hay cửa biển Điển Canh, Ngọc Giáp, dân gian gọi cửa Hãn, Lạch Ghép hoặc Lạch Mom) và Lạch Bạng - Biện Sơn. Trong số đó, nếu các cửa Thần Phù, Lạch Sung thế kỷ XVII đã bước vào quá trị bị bồi lắng mạnh, thì các cửa Hới, cửa Ghép cũng nổi tiếng với câu ca: “Lạch Ghép khó vào, Lạch Trào khó ra”. Đặc biệt, cửa Hội Triều, tuy là một cửa biển mà Nhà nước Đại Việt thế kỷ XV đã quy định là nơi tập trung lưu trú của khách thương ngoại quốc (Nguyễn Trãi 1976: 244), nhưng cũng nổi tiếng bất tiện cho tàu thuyền cập bến không chỉ trong tư liệu dân gian, mà chính Dư địa chí của Phan Huy Chú thế kỷ XIX cũng chép: “Cửa Hội Trào ở huyện Quảng Xương, sâu hẹp quanh co, thuyền bè đi ra thì khó, vào thì dễ, tục gọi là cửa Dễ-vào-khó-ra” (Phan Huy Chú 1960: 49). Nghiên cứu về quá trình thành tạo của đồng bằng sông Mã (sông Lễ) cũng cho thấy, cửa Hới chỉ trở thành cửa chính của sông Mã sau khi sông Chu (sông Lường, Lương Giang) “trổ đường” ra gặp sông Mã, để sông Mã “trổ núi” Hàm Rồng mà ra biển, tạo thành nhánh Lạch Trào, một quá trình được xác định trong khoảng từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX (Nguyễn Đình Thực 1978: 50, 52-54).
Như vậy, dùng phương án loại trừ, ta chỉ còn hai cửa biển Lạch Trường và cửa Bạng - Biện Sơn. Cửa Lạch Trường, còn gọi là cửa biển Linh Trường hay tấn Y Bích, cũng là một cửa biển lớn, nơi các triều đại quân chủ Việt Nam, theo tương truyền, đã đặt một “đồn tuần phòng” ở đây, do vậy, dân gian còn đặt tên “sông Tuần Ngu”. Việc các vương triều Trần, Hồ, Lê Sơ, Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVI) đã cho bố trí một lực lượng lớn quân đội, cho đóng cọc, kè cắm lòng sông, cửa biển để chống quân Chiêm Thành, quân Minh, và đặc biệt là nỗ lực khơi vét “Linh Trường cảng” của hoàng đế Lê Thánh Tông nửa sau thế kỷ XV đã chứng tỏ tầm quan trọng, vị trí thep chốt của hải khẩu này (Đại Việt sử ký toàn thư 1993, tập II: 167, 433, 466-467; tập III: 165; Khâm định Việt sử thông giám cương mục 2007, tập I: 642, 1030; tập II: 182; Hà Mạnh Khoa 2002: 153-154). Tuy nhiên, theo Giáo sư Đào Duy Anh và Tiến sỹ Hà Mạnh Khoa, cửa sông Lạch Trường chỉ đóng vai trò là cửa chính của sông Mã từ thời Lê Sơ trở về trước (Đào Duy Anh 1965: 41-42; Hà Mạnh Khoa 2002: 153), thế kỷ XVII cũng quan trọng đối với giao thông, giao thương nội địa, và một chừng mực nào đó với buôn bán quốc tế, nhưng không thể so sánh với cửa Bạng. Bản thân Hòn Nẹ (tức “Cù lao Các Ngư ông” hay “Đảo Những người Đánh cá” trên bản đồ và thư tịch cổ phương Tây thế kỷ XVII-XVIII)[11] ở ngoài cửa biển Y Bích cũng là một hải tiêu, một nơi rất tốt để buông neo, nhưng lại gắn nhiều hơn với cửa Đáy (Độc Bộ, Rockbo/Roquebo)[12], và đặc biệt, nó không thể sánh được với đảo Biện Sơn về quy mô cũng như vai trò quan trọng trong giao thông ven biển Bắc - Nam của Đại Việt thời Trung đại, cũng như cho đến tận ngày nay.
Cửa Bạng, hay còn gọi cửa biển Du Xuyên, nằm về phía Nam tỉnh Thanh Hóa, thời Lê - Nguyễn thuộc huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (Đại Nam nhất thống chí 1970: 242-243)[13], nay thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Thế kỷ XVI - nửa đầu thế kỷ XVII, đây là cửa biển trọng yếu để các thương nhân Bồ Đào Nha, các giáo sỹ Dòng Tên đi vào nội địa Bắc Đại Việt, trước cả khi cửa Sông Đàng Ngoài được người phương Tây khám phá (Alexandre de Rhodes 1994: 81-82, 85; Linh mục Nguyễn Hồng 1959: 21-24, 101-103)[14]. Phía bên ngoài cửa Bạng là đảo Biện Sơn, ở vĩ độ 190 17’ Bắc[15], được mô tả như một cánh tay khổng lồ chìa ra biển, ôm trọn lấy một vụng nước sâu, thích hợp làm nơi ẩn náu, tránh gió bão cho tàu thuyền viễn dương[16]. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Hòn Biện Sơn: ở ngoài cửa Bạng 7 dặm thuộc huyện Ngọc Sơn [phủ Tĩnh Gia], nổi vọt lên ở giữa biển… Núi này là trấn sơn ở Biện Hải, thuyền biển thường đỗ ở đây để tránh sóng gió, nay [thế kỷ XIX] có đặt pháo đài” (Đại Nam nhất thống chí 1970: 233-234).
Trong tư liệu thư tịch phương Tây thế kỷ XVII-XVIII, Biện Sơn được mô tả là một hòn đảo đáng kể nhất của “Vịnh Đàng Ngoài”, đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với các tàu thuyền quốc tế, mà còn với cả nền ngoại thương, tài chính của Nhà nước Lê - Trịnh. Người dân địa phương gọi đảo là Hòn Biện (“Twon Bene” hoặc “Twon-bene”); còn người Hà Lan trước thập niên 1680 vẫn thường xuyên đi qua, ghé đậu và đặt tên là Đảo Kẻ Cướp hay Đảo Hải Tặc (Roover Eiland, Rovers Eijlandt, Rovers Island, Rover’s Island, Isle of Pirates, Isle of Brigands) bởi nơi đây có đặt một trạm hải quan thu thuế thương mại lớn nhất của Đàng Ngoài (C. C. van der Plas 1955: 21; Samuel Baron 1811: 658-659; Richard 1811: 711, 712)[17]. Trên bản đồ của Hà Lan giữa thế kỷ XVII[18] đảo“Biện” hay “Biện Sơn” cũng được khắc họa rõ nét với tên gọi “Isla Boansima of het Boers Eilt”; bản đồ Quần đảo châu Á (Asiatic Archipelago) của J. Arrowsmith đầu thế kỷ XIX[19] cũng xuất hiện tên đảo Biện (“Bowan sima”) ở “Ke Hoa” (Kẻ Hoa, tức Thanh Hóa), nằm về phía bắc của đảo Frakaki thuộc Nghệ An [20].
Có thể thấy, đảo Biện Sơn, hay Đảo Cướp, Đảo Hải Tặc, hội tụ 2 điều kiện thiết yếu của một thương cảng (port): một là, cảng neo đậu tàu thuyền (habour); và hai là sự trao đổi hàng hóa. Về điều kiện thứ nhất, rõ ràng cả thư tịch cổ (địa chí thời Nguyễn, thư tịch phương Tây) và thực tiễn ngày nay đều cho thấy Biện Sơn có đầy đủ điều kiện tự nhiên của một nơi neo đậu tàu thuận tiện với mực nước sâu, nguồn nước ngọt tốt nhất (Samuel Baron 1811: 658), và bản thân hòn đảo như một bình phong chắn gió bão cho tàu thuyền. Do đó, ở thế kỷ XVII-XVIII, những trường hợp như chiếc thuyền mành Xiêm (Siam junck) của người Anh năm 1682 bị mắc cạn ở doi cát cửa sông Đáy (Luke Va river) cũng phải lui về sửa chữa ở Hòn Biện (Win Bien hoặc Twan Bein) rồi mới tái hạ thủy đi nơi khác (British Factory in Tonkin (Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài): nhật ký ngày 24/4/1682) [21]. Cũng chính vị trí địa lý đã biến Hòn Biện thành một trạm dừng chân thiết yếu của tàu thuyền buôn bán dọc ven biển Bắc - Nam của Đại Việt (Nguyễn Văn Kim 2002: 47-48; Nguyễn Văn Kim 2003: 169). Đặc biệt, do nằm ngay ngoài khơi Lạch Bạng, nên ở thế kỷ XVII-XVIII, từ Nghi Sơn cũng có thể vào cửa Bạng rồi theo hệ thống sông đào duyên hải Thanh Hóa ra tuyến đường thủy sông Đáy - Châu Giang - Nhị Hà để lên Phố Hiến và Thăng Long (Đỗ Thị Thùy Lan 2010: 71, 66-69). Cũng chính vì thế mà tàu Hà Lan Grol năm 1637 đã dừng neo đậu ở Biện Sơn trước rồi các nhân viên VOC mới theo thuyền Đàng Ngoài (barge) ngược ra cửa sông Lạch Trường (“sông Cửa Lạch”, sông Coua-lacq/Kua-lak) để tìm đường lên Thăng Long - Kẻ Chợ (J. M. Dixon 1883: 199, 200-201; Đỗ Thị Thùy Lan 2010: 68-71).
Không những thuận lợi về đặc điểm tự nhiên và vị trí địa lý, điều kiện thứ hai về nguồn hàng hóa trao đổi cũng cho thấy nơi đây rất giàu hải sản, cây ăn quả (dừa). Dân cư địa phương, do đó, nhiều đời chuyên đánh bắt, khai thác các nguồn lợi biển, đảo để trao đổi lấy lương thực thực phẩm thiết yếu hàng ngày[22]. Chính S. Baron cuối thế kỷ XVII đã từng nhận xét rằng: “Thóc gạo và thực phẩm phải mang từ vùng khác đến [Hòn Biện]” (Samuel Baron 1811: 658). Hơn thế, đảo Biện cũng là một khu vực khai thác ngọc trai lớn của Đàng Ngoài thời Lê - Trịnh mà không chỉ thư tịch cổ Việt Nam, các du hành ký phương Tây thế kỷ XVII-XVIII cũng đều ghi nhận (Samuel Baron 1811: 659; Richard 1811: 712; Đại Nam nhất thống chí 1970: 233-234)[23]. Ngoài ra, những sản vật như yến sào (ở Hòn Mê, phía đông bắc đảo Biện), muối (dọc ven biển huyện Ngọc Sơn - Tĩnh Gia) (Đại Nam nhất thống chí 1970: 287, 289) cũng như những lâm-thổ-thủy-hải sản khác của xứ Thanh đều có thể đã được tập trung về Biện Sơn để tham gia trao đổi với các thuyền buôn trong nước và quốc tế. Việc những khối lớn tiền mậu dịch Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII được tìm thấy ở Thanh Hóa đã cho thấy sự phát triển của hoạt động nội thương xứ Thanh nói chung, Biện Sơn - Tĩnh Gia nói riêng. Sự hiện diện của tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương, quan Sát hải Đại vương trên đảo Biện cũng đã minh chứng cho sự lui tới tấp nập của thuyền bè, thương nhân, dân buôn đường biển và những hoạt động trao đổi hàng hóa với ngư dân bản địa Biện Sơn trong lịch sử. Đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Lê - Trịnh lại đặt một sở tuần ty lớn ở đây để thu thuế “lâm hải sản” (Phan Huy Chú 1960: 49) và thuế thương mại đối với tàu thuyền buôn bán nội thủy (thuyền Việt) cũng như viễn dương (thuyền mành Hoa, Nhật, Đông Nam Á, tàu buôn VOC, EIC) trong các thế kỷ XVI-XVIII.
Bên cạnh đó, đảo Biện Sơn còn là một vị trí quan trọng đối với nền quân sự, quốc phòng của quốc gia Đại Việt. Sự hiện diện của những di tích thành cổ thế kỷ XVI-XVII còn lại cho đến ngày nay (thành Đồn, thành Hươu, thành Ngọc) cho thấy triều đình Lê - Trịnh đã hết sức coi trọng vị trí này và sử dụng nơi đây làm đồn canh phòng vùng biển phía Nam Đàng Ngoài. Trong những năm 1656-1657, khi Ninh Quốc công Trịnh Toàn (còn gọi Trịnh Tuyền) được giao làm Trấn thủ Nghệ An (Đại Việt sử ký toàn thư, tập III: 246-247, 248-249; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II: 267-268, 271-272), ông cũng cho xây thành phòng thủ ở đây, và dấu tích “thành Ông Ninh” còn lại cho đến tận ngày nay cả trong tâm thức dân gian và trên thực địa. Đầu năm 1789, khi đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc kháng chiến chống Thanh, vua Quang Trung đã cho quân tập kết tại phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Nếu bộ binh tập kết ở phía sau Tam Điệp (Hà Trung, Thanh Hóa); thì thủy binh Tây Sơn đóng tại đảo Biện Sơn nhằm khống chế con đường ven biển từ Bắc vào Nam và chuẩn bị một căn cứ hải quân cho cuộc phản công chiến lược (Phan Huy Lê và các tác giả 2004: 324-325). Tương truyền, trước khi cất quân thần tốc ra Thăng Long, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đến khẩn cầu thần Trần Quý Phi; sau khi đại phá quân Thanh, vua Tây Sơn lại một lần nữa đến đảo Nghi Sơn để tạ thần; dân xã đảo, do đó, đã cho lập đền thờ Quang Trung hoàng đế và cũng lấy ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch làm ngày lễ hội Quang Trung. Sang thời Nguyễn, đảo Biện Sơn vẫn tiếp tục được chọn làm căn cứ hải quân của triều đình Huế, khi sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Bảo Biện Sơn: ở cách huyện Ngọc Sơn 25 dặm về phía đông nam, ngoài cửa Bạng, chu vi 58 trượng 8 thước 8 tấc, cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, một kho thuốc súng, đặt từ đầu đời Gia Long; Pháo đài Tĩnh Hải: ở tấn Biện Sơn. Chu vi 11 trượng 8 thước, cao 5 thước 5 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân và 4 khẩu đại bác, xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 9” (Đại Nam nhất thống chí 1970: 243). Hai trong số những khẩu thần công mà triều Nguyễn đặt tại Nghi Sơn vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
3. Nhận xét
Trong bối cảnh Toàn cầu hóa Thương mại thế kỷ XVI-XVIII, việc xuất hiện những đồng ngoại tệ dùng trong giao dịch quốc tế là một tất yếu lịch sử. Nếu đồng bạc Mê-hi-cô (Rial of eight) trở nên thông dụng trên thế giới từ cuối thế kỷ XVI cho đến hết thế kỷ XVIII, thì ở một phạm vi hẹp hơn của khu vực Đông Á, tiền mậu dịch Nhật Bản đã trở thành một nguồn ngoại tệ giao dịch giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Từ một quốc gia phụ thuộc vào hệ thống tiền tệ Trung Quốc, Nhật Bản thế kỷ XVII đã không những tự chủ được về nguồn tiền trong nước, mà còn xuất khẩu tiền dưới dạng một phương tiện giao dịch chung cho cả các Công ty Đông Ấn phương Tây cũng như các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Những đồng tiền kim loại Nhật Bản có mặt ở Thanh Hóa, dù là bởi người Hoa, người Nhật hay thương nhân Hà Lan mang đến, đều ghi dấu ấn những chặng đường phát triển của lịch sử tiền tệ Nhật Bản, từ đồng Nguyên Hựu Thông Bảo của thời kỳ trước thế kỷ XVII, đến những đồng tiền được đúc trong giai đoạn cải cách tiền tệ của Mạc phủ Tokugawa từ thập niên 1600 (các đồng Khánh Trường Thông Bảo, Hồng Vũ Thông Bảo), và đặc biệt là tiền mậu dịch quốc tế Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII, tiền Nagasaki - Trường Kỳ mậu dịch (đồng Nguyên Phong Thông Bảo).
Việc phát hiện tiền kim loại Nhật Bản ở Hải Phòng và Thanh Hóa càng góp phần khẳng định vai trò cửa ngõ quan trọng của hai khu vực này trong nền ngoại thương Bắc Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII. Nếu cửa biển Thái Bình (Tiên Lãng, Hải Phòng) trở thành cửa Sông Đàng Ngoài (Tonkin River’s Estuary) với cảng thị Domea nổi tiếng trên bản đồ và thư tịch cổ phương Tây, thì thương cảng Biện Sơn ở xứ Thanh cũng là một cảng biển, trạm dừng chân thiết yếu của tàu thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Bắc Đại Việt trong thời kỳ này. Nhìn một cách tổng thể, chúng ta càng có thể khẳng định được tầm quan trọng của Thanh Hóa nói riêng, Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung, trong lịch sử giao lưu, tiếp xúc của Việt Nam với thế giới Phương Đông cũng như Phương Tây trong suốt thời Trung đại.
Bản ảnh 2: Các xâu tiền cổ phát hiện ở Thanh Hóa
Bản đồ 1: Đảo Biện Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa
Nguồn: Trích từ bản đồ Thanh Hóa, trong Tập Bản đồ Hành chính Việt Nam, Nxb. Bản đồ, Hà Nội, 2003, tr. 32-33.
Bản đồ 2: Đảo Biện (Bowan sima) trích từ bản đồ Asiatic Archipelago (1840)
Nguồn: Thư viện Điện tử Đại học Cornell (Hoa Kỳ),
Website: http://ebooks.library.cornell.edu.
Tài liệu tham khảo
1. ĐÀO DUY ANH 1965. Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học, Hà Nội.
2. ĐINH PHÚC BẢO 1992. Lịch đại cổ tiền đồ thuyết, Nxb. Thượng Hải Nhân dân Xuất bản Xã, Thượng Hải.
3. SAMUEL BARON 1683, 1811. A Description of the Kingdom of Tonqueen. John Pinkerton (ed.). A General Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels in all Parts of the World, London: 658 - 659.
4. FERNAND BRAUDEL 1973. Capitalism and Material Life 1400-1800, Harper & Row Publishers, New York.
5. BRITISH FACTORY IN TONKIN (Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài). Tư liệu đánh máy. Lưu trữ Đông Ấn (Oriental and Indian Office Collections - OIOC). Thư viện Anh (British Library - BL), Luân Đôn. Ký hiệu G/12/17. Tập 7 (từ 19/12/1681 đến 28/7/1682). Nhật ký ngày 24/4/1682.
6.HÀ VĂN CẨN 1994. Sưu tập gốm Đền Huyện, Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong dịp khảo sát 1994. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
7.PHAN HUY CHÚ 1960. Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch, Tập I, Nxb. Sử học, Hà Nội.
8. WILLIAM DAMPIER 1699, 1931. Voyages and Discoveries, The Argonaut Press, London.
9. ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ 1970. Nxb. Khoa học Xã hội, Tập II, Hà Nội.
10. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ 1993. Nxb. Khoa học Xã hội, Tập II, Hà Nội: 167, 433, 466 - 467.
11. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ 1993. Nxb. Khoa học Xã hội, Tập III, Hà Nội: 165.
12. J. M. DIXON (trans.) 1883. Voyage of the Dutch ship “Grol” from Hirado to Tongking. Transactions of The Asiatic Society of Japan, Vol. XI, Yokohama: 199, 200 - 201.
13. CHU XUÂN GIAO 2009, 2010. Đền Cờn và nữ thần Cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỷ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sỹ Đắc Lộ, từ góc nhìn Nhân loại học Lịch sử. Viện Nghiên cứu Văn hóa 2009. Thông báo Văn hóa 2009, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội: 258 - 293. http://damau.org/archives/11727.
14. PHAN THANH HẢI 2008. Những văn thư trao đổi giữa chính quyền Lê - Trịnh với Nhật Bản thế kỷ XVII. Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (381): 61, 62, 70.
15. ISHIZAKI HARUFUMI 2007. Tiền cổ Việt Nam được tìm thấy tại Nhật Bản từ thời Trung đến Cận thế. Việt Nam trong Hệ thống Thương mại châu Á thế kỷ XVI - XVII, Nxb. Thế Giới, Hà Nội: 700.
16. LINH MỤC NGUYỄN HỒNG 1959. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I (Các Thừa sai Dòng Tên 1615 - 1665), Nxb. Hiện tại, Sài Gòn.
17. NGUYỄN QUỐC HÙNG, HOÀNG VĂN KHOÁN (chủ biên) 2010. Sổ tay Tiền cổ Kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản, Hà Nội.
18. KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC 2007. Nxb. Giáo dục, Tập I, Hà Nội: 642, 1030
19. KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC 2007. Nxb. Giáo dục, Tập II, Hà Nội: 182.
20. HÁN VĂN KHẨN 2002. Thám sát Hồng Châu và Hồng Nam (Hưng Yên). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: 5 năm Nghiên cứu và Đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học (1995 - 2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 114-126.
21. HÀ MẠNH KHOA 2002. Sông đào ở Thanh Hóa (thế kỷ X - thế kỷ XIX), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
22. HOÀNG VĂN KHOÁN 2008. Phát hiện các di vật tiền cổ tại cuộc khai quật khảo cổ khu vực 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội Trung tâm Hoàng thành Thăng Long xưa. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Nhận diện Giá trị Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm Nghiên cứu So sánh (2004 - 2008), Hà Nội: 124 - 128.
23. HOÀNG VĂN KHOÁN 2009. Tiền cổ kim loại ở Hải Phòng. Di sản Văn hóa, số 4 (29): 98 - 99.
24. HOÀNG VĂN KHOÁN 2011. Tiền kim loại Nhật Bản tìm thấy ở Việt Nam. Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006 - 2011), Nxb. Thế giới, Hà Nội (bản thảo sắp xuất bản).
25. NGUYỄN VĂN KIM 2000. Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa Nguyên nhân và Hệ quả, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
26. NGUYỄN VĂN KIM 2002. Vị trí của một số thương cảng Việt Nam trong hệ thống buôn bán ở Biển Đông thế kỷ XVI - XVII (Một cái nhìn từ điều kiện địa - nhân văn). Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (320): 47 - 48.
27. NGUYỄN VĂN KIM 2003. Quan hệ của vương quốc Ryukyu với Đại Việt thế kỷ XVI-XVIII qua một số nguồn sử liệu. Nhật Bản với Châu Á Những mối liên hệ Lịch sử và chuyển biến Kinh tế - Xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội: 169.
28. NGUYỄN VĂN KIM 2007. Nhật Bản thời kỳ Kamakura. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên). Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 143.
29. ĐỖ THỊ THÙY LAN 2010. Tàu Grol năm 1637 vào Đàng Ngoài ở cửa sông nào?. Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (409): 74 - 75. Số 6 (410): 68 - 71. Số 9 (413): 66 - 69.
30. PHAN HUY LÊ VÀ CÁC TÁC GIẢ 2004. Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
31. PHAN HẢI LINH 2007. Quốc gia cổ đại và Nhà nước Luật lệnh. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên). Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 76-77.
32. PIERRE YVES MANGUI N 1972. Les Portugais sur les Côtes du Viet-Nam et du Campá Étude sur les routes maritimes et les relations commerciales d’après les sources Portugaises (XVIIè, XVIIIè, XVIIIIè siècles), EFEO, Paris. (Tham khảo bản dịch Việt ngữ Những người Bồ Đào Nha trên Bờ biển Việt Nam và Chiêm Thành, Tư liệu Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội).
33. NGUYỄN XUÂN MẠNH (chủ trì) 2011. Tư liệu khai quật khảo cổ học tại Phố Hiến (Hưng Yên), tháng 1 năm 2011 (tư liệu tác giả cung cấp).
34. R.H.P. MASON & S.G.CAIGER 2003. Lịch sử Nhật Bản (A History of Japan). Bản dịch của Nguyễn Văn Sỹ, Nxb. Lao Động, Hà Nội.
35. ĐỖ VĂN NINH 1981. Tiền cổ thời Mạc và thời Lê Trung Hưng. Nghiên cứu Lịch sử, số 5: 50.
36. ĐỖ VĂN NINH 1985. Tiền cổ và nền kinh tế hàng hóa ở Việt Nam. Nghiên cứu Lịch sử, số 4: 65.
37. C. C. VAN DER PLAS 1955. Tonkin 1644/45 Journaal van de reis van Anthonio van Brouckhorst, Koninklijk Instituut Voor de Tropen, Amsterdam.
38. ALEXANDRE DE RHODES 1650, 1994. Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tunquin). Bản dịch của Hồng Nhuệ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh.
39. RICHARD 1778, 1811. History of Tonquin. John Pinkerton (ed.). A General Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels in all Parts of the World, London: 711, 712.
40. KIKUCHI SEIICHI 2004. Gốm sứ Hizen ở Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam. Đông Á - Đông Nam Á Những vấn đề Lịch sử và Hiện tại, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 334 - 336.
41. RYUTO SHIMADA 2005. The Intra-Asian Trade in Japanese Copper by the Dutch East India Company during the Eighteenth Century, Brill, Leiden.
42. MOMOKI SHIRO 2004. Đại Việt và thương mại Biển Đông thế kỷ X - XV. Đông Á - Đông Nam Á Những vấn đề Lịch sử và Hiện tại, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 309 - 330.
43. GEORGE BRYAN SOUZA 1986, 2004. The Survival of Empire Portuguese Trade and Society in China and the South China Sea 1630 - 1754, Cambridge University Press, Cambridge.
44. PETER SPUFFORD 2002. Power and Profit The Merchant in Medieval Europe, Thames & Hudson, New York.
45. LI TANA 2006. A View from the Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnam Coast. Journal of Southeast Asian Studies, 37/1: 83 - 102.
46. LỤC ĐỨC THUẬN 1999. Japan Early Trade Coins and the Commercial Trade between Vietnam and Japan in the 17th Century. www.VietAntique.com.
47. LỤC ĐỨC THUẬN 2001. Đồng tiền ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII. Xưa & Nay, số 89: 19.
48. LỤC ĐỨC THUẬN, VÕ QUỐC KY 2009. Ố tiền và Mậu dịch Trường Kỳ - Tiền của Nhật Bản trên đất Việt. Tiền cổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 195 - 198.
49. PHẠM THU THỦY 2011. Vị trí của Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Lịch sử Cổ trung đại Việt Nam. Khóa luận Tốt nghiệp Đại học, Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội.
50. NGUYỄN ĐÌNH THỰC 1978. Tìm hiểu hình thể sông ngòi xưa và những thay đổi lớn các dòng sông chính ở đồng bằng Thanh Hóa. Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (178): 50, 52 - 54.
51. TỐNG TRUNG TÍN 2000. Tình hình trao đổi và buôn bán đồ gốm giữa Việt Nam và Nhật Bản (thế kỷ XIV - XVIII). Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (310): 69 - 70.
52. TỐNG TRUNG TÍN, HÀ VĂN CẨN, NGUYỄN VĂN HÙNG 2000. Khai quật địa điểm Hậu Lâu năm 1998. Khảo cổ học, số 2: 104 - 124.
53. TỐNG TRUNG TÍN VÀ CÁC CỘNG SỰ 2000. Khai quật địa điểm Đoan Môn (Hà Nội) năm 1999. Khảo cổ học, số 3: 11 - 41.
54. TỐNG TRUNG TÍN VÀ CÁC CỘNG SỰ 2000. Khai quật địa điểm Bắc Môn (Hà Nội) năm 1999. Khảo cổ học, số 3: 51 - 56.
55. TỐNG TRUNG TÍN, HÀ VĂN CẨN, TRẦN ANH DŨNG, NGUYỄN THỊ DƠN 2006. Khai quật thăm dò địa điểm 62 - 64 Trần Phú - Hà Nội. Khảo cổ học, số 1 (139): 43 - 51.
56. NGUYỄN TRÃI 1435, 1976. Dư địa chí. Bản dịch. Nguyễn Trãi Toàn tập, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 244.
57. BÙI MINH TRÍ, NGUYỄN VĂN HÙNG 2004. Phát hiện di tích cư trú thời Lê ở phía đông thành Thăng Long qua kết quả khai quật Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza). Khảo cổ học, số 4 (130): 71 - 81.
58. TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG 2009. Tiền đúc ở Đàng Trong: phương diện loại hình và tương quan lịch sử. Những bài dã sử Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội: 328, 329.
59.TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG 2009. Tiền giấy ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV - nửa đầu thế kỷ XV. Những bài dã sử Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội: 423, 430.
60. HOANG ANH TUAN 2006. Silk for Silver: Dutch - Vietnamese Relations, 1637 - 1700, Brill, Leiden.
61. HOÀNG ANH TUẤN 2009. Kim loại tiền Nhật Bản và chuyển biến kinh tế - xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Nghiên cứu Lịch sử, số 12 (404): 26.
62. HOÀNG ANH TUẤN (biên soạn) 2010. Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ và Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
63. TRỊNH CAO TƯỞNG 1996. Bước đầu tìm hiểu đồ gốm nước ngoài phát hiện ở các thương cảng cổ Việt Nam. Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (288): 58, 59, 61.
64. VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM 1994. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
65. TRẦN QUỐC VƯỢNG 1998. Xứ Thanh - vài nét về lịch sử - văn hóa. Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội: 274.
66. JOHN K. WHITMORE 1983. Vietnam and the monetary flow of Eastern Asia, thirteenth to eighteenth centuries. J. F. Richard (ed.). Precious Metals in the Later Medieval and Early Modern Worlds, Carolina Academic Press, Durham: 365.
[1] Heian: là tên một thành thị cổ của Nhật Bản, được xây dựng ở vùng đồng bằng Kansai, phía Tây đảo chính Honshu của quốc đảo Nhật. Về sau Heian được gọi là Kyoto và luôn là kinh đô của Nhật Bản suốt hơn một ngàn năm cho đến thời cải cách Minh Trị 1868. Thuật ngữ Heian cũng là nhằm để chỉ một thời kỳ lịch sử kéo dài từ năm 794 đến 1185 (Nguyễn Văn Kim 2000: 254).
[2] Toraisen: bao gồm phần lớn là tiền Tống và Minh triều, trong đó, chất lượng tốt nhất và được chuộng dùng nhất ở Nhật Bản thế kỷ XVI là đồng “Vĩnh Lạc thông bảo”, được đưa từ Trung Quốc sang hoặc đúc nháy kiểu ở Nhật, gọi chung là Eiraku-sen (Eiraku-tsuho).
[3] Nara: là tên kinh đô đầu tiên của Nhật Bản, được xây dựng ở vùng đồng bằng Kansai phía Tây đảo chính Honshu của quốc đảo Nhật. Thành Nara được xây theo khuôn mẫu kinh đô Trường An thời nhà Đường (Trung Quốc). Nara cũng là tên gọi một thời kỳ lịch sử kéo dài khoảng gần một thế kỷ (710-794) (Nguyễn Văn Kim 2000: 257).
[4] Về trường hợp Đại Việt thế kỷ X-XVIII, xem Đỗ Văn Ninh 1981, 1985; Tạ Chí Đại Trường 2009; John K. Whitmore 1983.
[5] Shichusen: người Hà Lan gọi là Schuijes hay Schuitgeld, là loại tiền được đúc tại nội địa Nhật Bản cho đến trước thế kỷ XVII, bao gồm 2 loại tiền Shimasen và Bitasen (hay Kyosen).
[6] Trước thời điểm giữa thế kỷ XVII, người Hà Lan tại Hirado và Deshima (từ 1641) không được tiêu dùng tiền Nhật. Tuy nhiên, năm 1658, dân buôn Nhật xin “đúc tiền Hán” bán cho thuyền biển thì chính quyền Mạc phủ đồng ý. Ngày 14/7/1659, Tướng quân Tokugawa Ietsuna đã cho phép mở xưởng đúc ở Nakajima thuộc Nagasaki để đúc loại tiền mậu dịch bán cho thương nhân VOC tiêu dùng và xuất cảng. Năm 1660, chính Mạc phủ Đức Xuyên đã cho phép người Hà Lan mở tiền cục ở Kỳ Dương (Kiyo). Tiền Nagasaki - Trường Kỳ, do được bán cho tàu viễn dương, nên còn có một tên khác là “Thủy Hộ tiền”.
[7] Cũng trong giai đoạn này, xưởng đúc Nakajima cũng nhận đúc tiền cho nhà Hậu Minh ở miền Nam Trung Quốc và thế lực họ Trịnh (Zheng, tức Trịnh Thành Công) ở Đài Loan (Formosa), với loại tiền mang niên hiệu nhà Minh cựu triều “Vĩnh Lịch”, cho đến trước khi bị triều đình Mãn Thanh bình định vào đầu thập niên 1680. Tiếng Nhật gọi những đồng tiền này là Eiryaku sen (Tạ Chí Đại Trường 2009: 329; Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky 2009: 181, 198).
[8] Việc chấm dứt đúc tiền cũng được lý giải bởi 2 căn nguyên: thứ nhất là việc nhà Thanh chiếm lại được đảo Đài Loan từ tay Trịnh Khắc Sảng (cháu Trịnh Thành Công) vào năm 1683; thứ hai là việc Mãn Thanh mở cửa thông thương lại với hải ngoại năm 1685 (Tạ Chí Đại Trường 2009: 329).
[9] Người Nhật buôn bán tiền với cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trước cả thời gian Nhà nước Nhật đúc tiền bán. Thương nhân Nhật Bản chuyên chở một số lượng lớn bạc thoi và tiền đồng đến Đại Việt để đổi lấy đường mía, tơ lụa từ cuối thế kỷ XVI đến gần hết nửa đầu thế kỷ XVII (Tạ Chí Đại Trường 2009: 328; Lục Đức Thuận 2001: 19).
[10] Zeni: là một tên gọi tiếng Nhật được người Hà Lan dùng để chỉ những loại tiền xu (cash, cassies, kasjes), được thương nhân ngoại quốc nhập vào Đàng Ngoài, trong đó có nhiều loại với những tên gọi khác nhau. Cash (theo cách gọi của người Anh) hay caixa, caixas (cách gọi của người Bồ Đào Nha) cũng để chỉ tiền kim loại sử dụng phổ biến ở châu Á nói chung, được làm bằng đồng, kẽm hoặc hợp kim kẽm (toutenague hay spelter), ở giữa có lỗ, cũng như đồng tiền trinh của Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII. Tiền xu lưu hành ở Đàng Ngoài thời gian này có thể được đúc trong nước hoặc nhập ngoại từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản (George Bryan Souza 2004: XI; Hoang Anh Tuan 2006: XXVI, XXIX).
[11] Bản đồ Partie de la nouvelle grande carte des Indes Orientales: contenant les terres du Mogol, Surate, Malabar, Cormandel, Bengale, Aracan Pegu, Siam, Camboje, Tonquin & une partie de la Chine, Nxb. Ottens, Amsterdam, 1750, Lưu trữ tại Thư viện KITLV, Leiden, Hà Lan, ký hiệu D A 4, 5 Blad 1.
[12] Hải trình số 20 và những diễn giải của Manguin trong Pierre Yves Manguin1972: 108. Trên bản đồ và thư tịch cổ phương Tây thế kỷ XVII -XVIII, cửa sông Đáy - Độc Bộ được phiên âm thành Rockbo. Tuy nhiên, nhật ký thương điếm Anh ở Kẻ Chợ thập kỷ 1690 cũng cho biết thêm Luck Va cũng là một tên khác của cửa Rockboe (xem trong Hoàng Anh Tuấn 2010: 421). Đây cũng là hải khẩu mà những thương thuyền châu Á (Trung Quốc, Xiêm La) sử dụng để đi vào nội địa Đàng Ngoài (cùng với cửa Thái Bình) (William Dampier 1931: 14).
[13] Vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV có bài thơ “Du hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Du) chính là cửa Bạng này (xem trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm 1994: 149 - 150).
[14] Về vai trò của cửa Bạng nói riêng, các cửa biển Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung, xem Momoki Shiro 2004; Li Tana 2006; Chu Xuân Giao 2009, 2010; Phạm Thu Thủy 2011.
[15] Số liệu trong http://www.nghison.gov.vn (Website của Khu Kinh tế Nghi Sơn, thuộc xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).
[16] Ngày nay, Biện Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Xã Nghi Sơn nằm trọn trên đảo Biện Sơn, còn được gọi là Hòn Biện hay Cù lao Bãi Biện, hoặc bán đảo Nghi Sơn do theo thời gian, sự bồi lắng đã tạo nên những bãi cát nối đất liền với Hòn Biện. Hiện tại, đảo Nghi Sơn có 3 mặt (đông, bắc và nam) giáp Biển Đông, phía tây giáp xã Hải Hà và Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Cho đến thời kỳ Hiện đại, đây vẫn là một vùng biển an toàn, một cảng nước sâu, nơi cập bến của các tàu thuyền tiếp tế cho đảo Hòn Mê trong kháng chiến chống Mỹ, và là cảng biển thuộc khu kinh tế, khai thác xi-măng, dầu khí Nghi Sơn trong thời kỳ Đổi mới và Phát triển ngày nay.
[17] Anthonio van Brouckhorst là Trưởng thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ trong những năm 1642-1647; Samuel Baron là thương nhân lai Việt - Hà Lan, làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh và có mặt tại Đàng Ngoài thập niên 1680; Jérôme Richard là một giáo sỹ Pháp, viết tác phẩm Lịch sử Tự nhiên, Dân sự và Chính trị Đàng Ngoài dựa trên tư liệu của một Thừa sai Paris đã từng sinh sống ở Bắc Đại Việt 8 năm từ 1732 (là giáo sỹ Charles Thomas de Saint-Phalle). Trạm hải quan trong ghi chép của S. Baron và Richard chính là Sở Tuần ty Biện Sơn (xem Phan Huy Chú 1960: 49). Dân gian cũng có câu: “Tuần hà là cha kẻ cướp” hẳn cũng liên quan đến việc đặt tên đảo Biện Sơn là đảo Kẻ Cướp.
[18] Bản đồ VOC về Việt Nam và các vương quốc làng giềng, niên đại 1658-1659 (Leupe Catalogue, Nos. 265, 269, Lưu trữ Quốc gia Hà Lan tại Den Hagg), trong W. J. M. Buch 1936. La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’ Indochine B.EFEO, t. XXXVI, fasc. I, pl. XXX; Henri Bernard 1939. Pour la compéhension de l' Indochine et de l' Occident, Hanoi: Planche VI; Hoang Anh Tuan 2006. Silk for Silver, Map 2.
[19] David Macdonald 1840. A Narrative of the Early Life and Services of Captn. D. Macdonald: Embracing an Unbroken Period of Twenty-two Year, Extracted from his Journal, and other Official Documents (Map of Asiatic Archipelago), http://ebooks.library.cornell.edu.
[20] Trong nghiên cứu của mình năm 2010, chúng tôi đã xác định được đảo Frakaki trong nhật ký tàu Hà Lan Grol năm 1637 chính là một hòn đảo ngoài khơi cửa biển Hội Thống (cửa sông Cả, Lam Giang) thuộc vùng biển giáp giới giữa huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay. Xem Đỗ Thị Thùy Lan 2010: 74 - 75.
[21] Đảo Biện Sơn trong nhật ký của người Anh được mô tả là ở địa điểm cách cảng Quaine (một cảng gần Đàng Trong/Cochinchyna nhưng thuộc Đàng Ngoài/Tonqueen) một quãng 2 ngày đi biển.
[22] Thư tịch thế kỷ XVII-XVIII và thực tiễn cho đến ngày nay đều cho thấy đại đa số dân cư đảo Biện chuyên làm ngư nghiệp. Tín ngưỡng thờ Thủy quốc Trần Quý Phi (còn gọi là đền Vua Bà, đền Rắn), tương truyền là nữ nhân thần bảo hộ, che chở cho ngư dân Cù lao Bãi Biện vượt sóng gió trở về với khoang cá đầy, đã cho thấy nghề khai thác, đánh bắt hải sản là sinh kế lâu đời ở Nghi Sơn.
[23] Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng còn xếp Biện Sơn vào cái gọi là một “Vùng Ngọc trai” bao gồm “đảo Biện (Tĩnh Gia) - đền Cuông (Diễn Châu, Nghệ An)” (xem Trần Quốc Vượng 1998: 274).
Hoàng Văn Khoán
Đỗ Thị Thùy Lan
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 19-09-2012.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 22/11/2024 18:11
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11