Kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Việc thừa nhận sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là bước phát triển dài trong tư duy kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bộ phận kinh tế này được Đảng, Nhà nước coi trọng và chỉ đạo để phát triển đúng hướng, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua hơn 20 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã qua rất nhiều bước thăng trầm để khẳng định được vị trí, vai trò là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân với nhiều ưu điểm nổi trội như: đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; tạo ra nhiều công ăn việc làm; đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân phát triển năng động hơn; ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang tạo ra một không gian rộng mở để thu hút và bồi dưỡng nhân tài… Song, thành phần kinh tế này cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: phần nhiều quy mô còn nhỏ bé, vốn ít, cơ sở vật chất – kỹ thuật lạc hậu; năng lực quản lý chưa cao; hiệu quả kinh tế không ổn định; nhiều doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chưa tốt; khả năng thích ứng với hoàn cảnh hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao…
Việc nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn 1986-2005 nhằm rút ra những mặt mạnh, bài học kinh nghiệm cũng như những hạn chế để có sự chỉ đạo đúng đắn hơn nhằm phát huy hết tiềm năng của kinh tế tư nhân với việc phát triển đất nước là quan trọng và cấp thiết cả về lý luận cũng như thực tiễn.
Nghiên cứu về kinh tế tư nhân cho đến nay có thể có những vấn đề cần tiếp tục được giải đáp, như: Định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ giải quyết như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Kinh tế tư nhân tiếp tục được phát triển mạnh và nó ngày càng đóng góp to lớn, mang tính động lực cho nền kinh tế quốc dân thì vai trò, vị trí của nó có cần được xác định lại? Mối quan hệ giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân sẽ được giải quyết ra sao?... Trên thực tế, ngày càng có nhiều người nghiên cứu về kinh tế tư nhân, song có nhiều vấn đề chưa được thống nhất cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu làm rõ.
Do tính quan trọng và hấp dẫn của vấn đề, đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế tư nhân dưới nhiều góc độ khác nhau, mà chủ yếu là dưới góc độ kinh tế và chính trị học, chưa có công trình chuyên luận nào về kinh tế tư nhân dưới góc độ Lịch sử Đảng. Đây là một khoảng trống trong nghiên cứu, đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn nghiên cứu vấn đề “Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về kinh tế tư nhân (1986-2005)” để làm rõ hơn về các nội dung nêu trên.
Mặc dù tác giả đã rất cố gắng song cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện trong các lần tái bản sau.
Tác giả: TS.Phạm Thị Lương Diệu
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 23-01-2017.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 01/11/2024 16:11
Thứ sáu - 01/11/2024 10:11
Thứ tư - 30/10/2024 15:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10