Bắc Ninh cũ, xứ Kinh Bắc xưa, là cả một kho tàng di tích khảo cổ, di tích lịch sử, huyền tích, huyền thoại, thần thoại tố, những hội hè xuân - thu, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ thức cổ truyền, những câu nói văn vẻ, những lời ca, điệu hát, những tên đất, tên làng cổ kính… hứa hẹn những vụ gặt bội thu của nhiều ngành nghiên cứu đất nước, con người, xã hội Việt Nam nói chung, xứ Bắc nói riêng, mà gần 2 tháng công tác ở Yên Phong, Tiêu Sơn, Quế Võ, 2 đoàn khảo cổ học và dân tộc học Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với sự giúp đỡ và phối hợp đầy tình thân ái của Ty Văn hóa Hà Bắc cùng một số cán bộ Tổ Văn học dân gian Viện Văn học, đã khơi ra ngồn ngộn vấn đề…
Trong thông báo ngắn này, chúng tôi không thể nói hết những gì chúng tôi - cán bộ, sinh viên của mấy cơ quan nói trên, cùng làm, cùng theo dõi, cùng phát hiện theo cùng một phương pháp liên ngành. Hãy đợi dịp khác, hãy hẹn nhau ở Hội nghị học thuật sắp tới do Hà Bắc chủ trì.
Ở đây chúng tôi chỉ có thể nói về một tuyến đường, một lộ trình khoa học mà anh em Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội cùng anh em Ty Văn hóa Hà Bắc sẽ còn trở đi trở lại trong năm tới và mấy năm sau này nữa: hành trình đi sâu vào quá khứ xứ Bắc dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê.
Nước non xứ Bắc có sức hấp dẫn lạ lùng! Miền Thiên Thai ấy, quê hương ông Trạng khai khoa đất Việt Lê Văn Thịnh - Trạng Cú theo tên gọi dân gian - đất đai bộ Vũ Ninh thời cổ, Gia Lương ngày nay, là cả một bí mật mới bắt đầu khám phá. Một khu di chỉ Lãng Ngâm chắc chắn thuộc văn hóa Đông Sơn, với một khu mộ địa đầy ắp đồ đồng ở chân núi Cả thuộc dãy núi Đông Cứu, đan xen đầy mộ gạch cổ Đông Hán - Lục Triều, khoét sâu vào lòng núi, một khu cư trú Vườn Chiều trải rộng hang vạn mét vuông trong dải đất phù sa trên bãi trong đê sông Đuống ken dày đặc "gốm Đường Cồ", "Gò Mun muộn" và kha khá gốm lạ, có thể là Chiến Quốc… Gần đó, cũng trong phạm vi Gia Lương, là khu mộ hình thuyền. Bên cạnh thành của Chiêu Nương, một nữ tướng của hai Bà Trưng mới phát hiện, còn hứa hẹn lắm điều hay. Quanh núi, trong đồng là rất nhiều đền đài nam nữ tướng trong phong trào hai Bà Trưng với địa danh Lãng Ngâm, Phá Lãng, Phù Lãng, Tân Lãng, Lãng Khê, Lãng Sơn, Vân Lãng… khiến Lê Quý Đôn ngày trước ngờ ngợ rằng đó là vùng Lãng Bạc của buổi đầu Công Nguyên.
Có một thành Dền và một làng Dền tại Quế Võ bên đường 18, nơi ấy nhiều "mộ Hán"; có thành Dền ở kề Đông Cứu (Gia Lương); có một thành Dền và bến Dền ở Thụ Tiền, xã Cảnh Hưng, bờ sông Đuống, từ núi Phật Tích (Tiên Sơn) nhìn ra, có một làng Dền ở bờ sông Thương, có 1 làng Diềm (Viêm Xá) ở cạnh Quả Cảm sát thị xã Bắc Giang; Lũng Triều và thành Luy Lâu ở Thuận Thành… Và Trung Màu (Tiên Du cũ) nay thuộc Gia Lâm cũng có thành Dền, gần đó có làng Viềng (Tiên Viềng) của Từ Sơn. Cộng với thành Dền ở Yên Lãng cà Gò Chiền ở Lâm Thao (Vĩnh Phúc), Gò Chiền Vậy ở Hoài Đức, Thành Dền ở Quốc Oai, di chỉ Gò Đồng Dền Hoa Lư (Ninh Bình), cầu Dền Thăng Long cổ (Hà Nội)… Những địa danh ấy nói gì?
Toàn những nơi trồng rau dền theo lối minh giải của từ nguyên học dân gian? Hay Dền, Chiền, Triều, Viềng… đều là "đồng âm dị dịch" của một từ gốc Tày - Thái cổ, như Chiềng của Mường - Thái ngay gần đây, là khu vực trung tâm, nơi ở của thủ lĩnh Việt, của lang cun Mường, hay phìa tạo Thái, có một công trình phòng vệ, một cái thành nào đó…? Nhà khảo cổ học lưu ý rằng: nơi nào mang địa danh ấy là một di tích khảo cổ quan trọng: một di chỉ đồ đồng - sắt lớn, một cái thành cổ…
Nhưng ta hãy trở lại với Tiên Viềng! Qua thị trấn Từ Sơn 2km thì đến Viềng (Vĩnh Kiều), nằm chạy dài, thẳng gốc với quốc lộ 1 như là một dải lũy thành. Rẽ bên trái ta đi dọc theo bờ sông Tiêu Tương cũ của câu truyện Trương Chi, nay chỉ còn là những dải ao hồ hay những dọc ruộng sâu.
Trên cánh đồng Bãi Tự và cánh đồng Cửa Phủ là khu Lò Gạch. Ở đó, chúng tôi tìm thấy một di tích khảo cổ quan trọng. Tầng văn hóa xuất lộ, ken dày đặc vô vàn là mảnh tước, quy mô khác nhau, to, nhỏ, vừa, tí xíu như vảy cá rô don. Những mảnh đá có dấu ép dấu cưa, những mảnh vòng, mảnh rìu phế phẩm. Đã thấy được ít nhất 3 loại đá, kết cấu hạt đều rất mịn, màu trắng xám (quắc zít), đỏ (như mã não) và vàng.
Chắc chắn là một công xưởng chế tác đồ đá quan trọng của vùng đồng bằng xứ Bắc. Đá và kỹ thuật chế tác gợi nhiều đến Tràng Kênh. Gốm, có ít, đều là gốm thô, hoa văn giống Phùng Nguyên. Năm tới đây Tổ khảo cổ học Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội sẽ xin phép khai quật đợt 1 công xưởng này. Kết quả chắc là lý thú.
Đó là xã Trương Giang, cách Hà Nội 20km, với 5 làng Tiêu: Tiêu Thượng, Tiêu Long, Tiêu Rút, Tiêu Sơn và Tiêu Tề - nằm rải dưới chân Tiêu Sơn và bên bờ Tiêu Tương. Tòa cổ sái trên núi đã tiêu điều, không còn gì là cổ kính, Một tấm bia duy nhất ghi việc cúng ruộng cho chùa thời Bảo Đại, chùa Tràng Liêu (chùa Lào) thời Lý dưới chân núi. Trong làng Tiêu Thượng, nơi tu hành của sư Vạn Hạnh thời Lý, nơi mẹ Lý Công Uẩn hoài thai, chỉ còn lại cái nền.
Trước cửa chùa Tiêu Sơn, phía chân núi, phát hiện một di chỉ kiểu Đường Cồ, tầng văn hóa mỏng, gốm ít. Cũng ở Tiêu Sơn, còn di tích một tòa thành, lũy đất đắp còn lại từng đoạn, lấy Tiêu Tương làm hào . Ở đó có mộ Hán, có gốm văn in, sứ Lý. Có "Bãi Luyện Quân", "Cửa Phủ", "Cửa Đông", nhiều gò cao mang tên Mả Thiu, Mả Viềng, và Mả Mái - mả Lý A Nương, mẹ Lý Súy, chủ nhân của thành theo thần phả, một vị tướng thời Lý, có tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Thân Lợi năm 1140…
Quả Cảm - Kẻ Cởm của dân gian - trên cửa Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu. Một khu di chỉ và mộ táng lớn kiểu Đường Cồ đã được Viện Khảo cổ học và Ty Văn hóa Hà Bắc đào thăm dò. Di chỉ thường xuyên bị phá hoại nghiêm trọng để làm đường.
Rìa đồi Quả Cảm, rất nhiều mộ Hán cổ, quy mô khá lớn. Và rất nhiều gốm cổ Thổ Hà: theo lời truyền miệng của nhân dân, trước khi chuyển lò và làng sang đất Thổ Hà ngày nay, những người thợ gốm cổ đầu tiên đã định cư tại vùng đồi Quả Cảm.
Bờ bên phải Ngũ Huyện Khê, cạnh đồi Quả Cảm là thôn Lẫm (xã Vạn An), thôn của bà chúa Lẫm, theo lời truyền miệng của nhân dân, lấy vua Lý, để kho ở đó và cắt nhiều tù binh Chàm giữ kho (lẫm). Phải chăng đó là Lẫm Cảng được ghi trong Đại Việt sử lược? Khu vực này xưa thuộc huyện Võ Giàng. Tại thôn Lẫm, có rất nhiều nhà họ Tống - họ lớn, và cho đến nay, cha truyền con nối, vẫn tự nhận là gốc từ Chiêm Thành như ghi chép của An Nam chí lược? Nhạc Chàm có ảnh hưởng gì đến dân ca Quan họ? Dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê, có thể kể ít nhất cũng 7 làng có truyền thống quan họ.
Cũng trên cửa sông Ngũ Huyện, cạnh Quả Cảm là làng Diềm (Viêm Xá), một làng quan họ, có đền vua Bà, nơi diễn ra các tối quan họ và chơi vật cầu để cầu mưa. Đền có trụ đá thề. Ở trung lưu Ngũ Huyện Khê, đến Mỵ Châu cũng thờ đá - tượng. Cho đến gần đây, tục thờ "ông Đống", "ông Lúi" - những đống đá, gạch ngày càng chất cao và đốt hương bởi người qua lại - còn khá đậm nét.
Phải chăng đất Việt cổ khi trước có tục thờ đá? Và cũng có một dư ba nào đó của nền văn hóa, văn minh cự thạch? Hình như ngày càng có nhiều minh chứng cho giả thuyết đó. Bờ bên phải Ngũ Huyện Khê, giữa Ngũ Huyện Khê và sông Cầu là di chỉ Nội Gầm, với đồ gốm và đồ đồng Gò Mun muộn và Đường Cồ. Ngay bờ bên phải sông Ngũ Huyện, trên đất Chi Long,chúng tôi phát hiện một di chỉ khảo cổ, di chỉ Chi Long, kiểu Đường Cồ, không có gò mà ở ngay trong làng, làng nhỏ, 2 xóm, với 12 mẫu vườn, nằm giữa vùng đồng bằng chiêm trũng Yên Phong.
Ở đó cũng có di tích tòa thành cổ, đã bị san bằng gần hết, có mộ Hán và gốm văn in, và 2 rìu đá mài nhỏ, đẹp. Đê Chằng Cày mới đắp thời Lê Vĩnh Tộ (thế kỷ thứ 17), và 4 huyện hạ lưu Ngũ Huyện từ đó mới được mùa luôn.
Cùng với di chỉ Đường Cồ của Phú Xuyên giáp vùng ô trũng Hà Nam - Ninh Bình, di chỉ Nội Gầm và Chi Long chứng minh rằng vùng đồng chiêm trũng lưu vực sông Hồng đã được khai phá từ cuối thời đại đồng đầu thời đại sắt, hơn 2000 năm có lẻ.
Và cuối cùng, nổi lên một sự thật, có thể coi là một kinh nghiệm, công tác điền dã khảo cổ học Việt Nam: ở bất cứ nơi nào có di chỉ đồng thau - sắt sớm Việt Nam, chúng tôi cũng thấy có mộ Hán cổ hay di chỉ thời Hán cổ. Và ngược lại.
Phải chăng, đều đó phản ánh 1 sự thật lịch sử, cũng đã được khảo nghiệm ở vùng Điền Trì (Vân Nam): các trung tâm trấn lị, đô hộ của nhà Hán đều nhờ cắm vào vùng kinh tế đã phát đạt của người bản địa Việt cổ, vùng cư dân đã tập trung đông đúc?
Kết thúc bản thông báo ngắn này, là một thú nhận chưa thành công. Điều tra khảo cổ đôi bờ Ngũ Huyện Khê, chúng tôi có ý định dò tìm dấu vết xưa của thành cổ Long Biên, theo Thủy kinh chú và các thư tịch khác là thuộc vùng này. Nhưng chúng tôi chưa tìm thấy. Và do đó, chúng tôi còn tiếp tục thăm tìm trong năm tới…
GS Trần Quốc Vượng.
Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học, số 16/1974, tr.90-92.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 14-09-2012.
Ý kiến bạn đọc
Thứ hai - 23/12/2024 18:12
Thứ hai - 23/12/2024 16:12
Thứ hai - 23/12/2024 15:12
Thứ hai - 23/12/2024 12:12
Chủ nhật - 22/12/2024 10:12