Quản lý Văn hóa: Thực tế đa dạng là người thầy xác thực nhất

Thứ ba - 12/07/2022 07:45
Ngày 10/7/2022, lớp Thạc sĩ Quản lý Văn hóa khóa 2 và 3 của Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hoạt động thực tế tại các di tích lịch sử văn hóa, với sự tham gia hướng đạo của các giảng viên là TS Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản văn hóa), TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Bảo tồn Di tích) và GS. Lâm Thị Mỹ Dung, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, TS Đinh Đức Tiến, TS Nguyễn Ngọc Minh, TS Trần Thị Lan (Khoa Lịch sử).
Lớp học mở rộng tại các "giảng đường" phiên bản phục dựng tháp Po Klong Garai tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) và các đình làng cổ xứ Đoài: Thụy Phiêu (xã Thụy An), Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng), Vĩnh Phệ và Chu Quyến (xã Chu Minh).

Đây là hoạt động quan trọng trong nội dung giảng dạy của chương trình Quản lý Văn hóa, đặc biệt đối với các chuyên đề Quản lý di sản kiến trúc ở Việt Nam, Quản lý di sản văn hóa vật thể ở Việt Nam và chuyên đề Quản lý Văn hóa: Lý thuyết và ứng dụng. Hoạt động này bằng cách phối hợp giữa bài giảng và điền dã thực địa nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử phát triển và các loại hình chính của kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Đồng thời, giảng viên (trong đó có các nhà quản lý) và học viên thảo luận sâu vào các vấn đề quản lý di sản kiến trúc cổ truyền Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế và văn hóa hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động thực tế cũng có ý nghĩa thiết thực trong việc giới thiệu và luận giải sự tương thích giữa điều kiện tự nhiên, môi trường và khí hậu với những nhu cầu về thẩm mỹ, tín ngưỡng trong nghệ thuật kiến trúc cổ truyền, từ đó nảy sinh các giải pháp kỹ thuật đặc thù.

Tại quần thể tháp Chămpa với ba tháp gồm tháp cổng, tháp chính và tháp hỏa được phỏng dựng tỷ lệ tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận, chuyên gia kiến trúc đền tháp Chămpa (TS Nguyễn Hồng Kiên, TS Nguyễn Minh Khang) với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và trùng tu đền tháp Chămpa đã giảng giải những mặt được và hạn chế trong công tác phục dựng, đưa vào quảng bá và khai thác du lịch văn hóa loại hình kiến trúc tiêu biểu của nền văn hóa Chămpa rực rỡ ở khu vực miền Trung Việt Nam. TS Đinh Đức Tiến giới thiệu thêm về mối quan hệ văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chămpa và kiến trúc chùa tháp Đại Việt. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung giảng giải sâu về vấn đề "diễn ngôn di sản", qua đó đánh giá cao vai trò và mức độ ảnh hưởng của các "diễn ngôn có thẩm quyền" đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể.

Tại các đình làng cổ Thụy Phiêu, Tây Đằng, Vĩnh Phệ và Chu Quyến, các giảng viên tập trung đi sâu giới thiệu thực tế về các yếu tố cơ bản trong kiến trúc gỗ cổ truyền của người Việt: Môi trường không gian, Bố cục mặt bằng, Gia cố nền móng, Khung gỗ chịu lực, Tường bao che chắn Trang hoàng bộ mái, Vật liệu xây dựng, Kỹ-mỹ thuật điêu khắc trang trí và Triết lý kiến trúc… Đặc biệt, tại đình Vĩnh Phệ đang tiến hành trùng tu, các giảng viên và học viên trao đổi thảo luận sôi nổi về các vấn đề bảo tồn và trùng tu kiến trúc gỗ cổ truyền, quản lý di sản kiến trúc… Từ đó, làm rõ các vấn đề quy định quản lý Nhà nước về di sản vật thể với tình hình thực tế tại một địa phương cụ thể.

Trong quá trình thực tế, các giảng viên và học viên tập trung đi sâu trao đổi về các nội dung lý luận quản lý di sản kiến trúc, trường phái và kinh nghiệm quản lý, bảo tồn, duy tu, phát huy kiến trúc cổ truyền trên thế giới và ở Việt Nam. Thảo luận về kinh nghiệm và bài học quản lý di sản kiến trúc ở Việt Nam, từ đó giúp học viên có kiến thức toàn cảnh, hệ thống về quản lý di sản kiến trúc Việt Nam truyền thống và đương đại cũng như có được những phương pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả nhất trong công tác quản lý.

Đây là hoạt động đa dạng hóa môi trường học đường, phối hợp giữa bài giảng, điền dã và thảo luận trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Văn hóa của Khoa Lịch sử. Đồng thời, hoạt động này thể hiện phương châm của Khoa trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy chuyên gia, phát huy tối đa triết lý giáo dục của khoa Lịch sử: Giáo học tương trưởng (Người dạy và người học tương tác, hỗ trợ nhau cùng trưởng thành). 

Nghiên cứu thực địa là một nội dung rất quan trọng đối với hoạt động dạy và học trong chương trình thạc sỹ Quản lý Văn hóa. Việc đa dạng hóa môi trường học đường là một yêu cầu bức thiết. Nhận thức được điều này, đã từ lâu Khoa Lịch sử đã có chủ trương sử dụng các di tích lịch sử văn hóa như một phần không thể thiếu của giảng đường đại học và sau đại học.
 



 
 
Website Khoa Lịch sử
Tin và ảnh:
Lacsoncusi

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây