Trong hơn nửa thế kỷ dạy học và nghiên cứu khoa học (kể cả sau khi nghỉ hưu), GS. Đinh Xuân Lâm luôn gắn bó máu thịt với ngành Lịch sử, và đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong ký ức đồng nghiệp và học trò qua các bài giảng về Lịch sử cận đại Việt Nam, phong trào Cần Vương, hay về Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp, v.v… Sau này, với những trải nghiệm và kinh nghiệm công tác, ông càng thấu hiểu dạy học thực sự là một nghề cao quí. Ông từng nói: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học”.
GS. NGND Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4/2/1925, quê ở Hà Tĩnh, trong một gia đình quan lại triều Nguyễn; Ông cụ thân sinh đã có thời gian làm tri huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đến đầu những năm 1930, ở độ tuổi thiếu niên, ông được gia đình cho vào học ở Huế từ tiểu học rồi lên tới trung học.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần ban Triết học văn chương ở Trường Quốc học Huế, Đinh Xuân Lâm trở về Thanh Hóa và quyết định chọn nghề dạy học, trở thành một trong những giáo sư trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông vừa giảng dạy trung học vừa tham gia công tác Công đoàn trong ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Cuối năm 1954, ông được cử ra Hà Nội học tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, ngành Sử - Địa. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1956, ông được giữ lại làm giảng viên ngành Lịch sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu (năm 1990). Sau năm 1975, ngoài các trường đại học, học viện tại Hà Nội, ông còn được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở các tỉnh phía Nam từ Huế đến thành phố Hồ Chí Minh. Vào đầu những năm 1980, Ông còn được mời làm chuyên gia giáo dục tại Madagasca và giáo sư thỉnh giảng ở Hà Lan, Cộng hòa Pháp. Trong gần 4 thập kỷ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Lịch sử, ông đã không ngừng phấn đấu về chuyên môn, được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Nhà giáo nhân dân và đặc biệt, đã góp phần tạo nên một trường phái Sử học - trường phái Đại học Tổng hợp.

Trong hơn nửa thế kỷ dạy học và nghiên cứu khoa học (kể cả sau khi nghỉ hưu), Ông luôn gắn bó máu thịt với ngành Lịch sử, và đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong ký ức đồng nghiệp và học trò qua các bài giảng về Lịch sử cận đại Việt Nam, phong trào Cần Vương, hay về Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp, v.v… Sau này, với những trải nghiệm và kinh nghiệm công tác, ông càng thấu hiểu dạy học thực sự là một nghề cao quí. Ông từng nói: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học”.
*
Tính đến năm 2015, trong gần sáu mươi năm cầm bút (kể từ khi ở lại trường làm giảng viên đại học năm 1956 cho đến lúc công bố ấn phẩm cuối cùng năm 2015), ông đã xuất bản khoảng hơn 500 ấn phẩm khoa học bao gồm sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình, sách hướng dẫn, bài tạp chí. Không gian hoạt động khoa học của ông rất rộng và đa dạng về loại hình và chủ đề nghiên cứu. Trong lĩnh vực Sử học, các đề tài nghiên cứu của GS Đinh Xuân Lâm cũng rất đa dạng, nhưng đều hướng vào lịch sử Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại với những đóng góp nổi bật sau đây:
1. Nghiên cứu làm rõ lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là các cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ và giành lại nền độc lập dân tộc từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tiêu biểu như khởi nghĩa nông dân Yên Thế, phong trào chống Pháp ở vùng Tây Bắc, căn cứ Ba Đình và khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Hương Sơn - Hương Khê và phong trào Cần vương ở Nghệ Tĩnh, v.v…
2. Đóng góp thứ hai thể hiện trong các nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ các hoạt động bí mật ở nước ngoài đến tư tưởng độc lập dân tộc và bao trùm hơn cả là - anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Một số nghiên cứu của GS Đinh Xuân Lâm mang tầm khái quát cao khi nhận định về nguồn gốc tư tưởng yêu nước và cách mạng của Hồ Chí Minh và những đóng góp của Người trên phương diện văn hóa - chính trị.
3. Đóng góp trong nghiên cứu giới thiệu về các nhân vật lịch sử. Các nhân vật này phần lớn là các sĩ phu - văn thân yêu nước chống Pháp thời cận đại, đã được tiếp cận đánh giá khách quan từ nhiều chiều cạnh, góp phần đi tới những nhận thức đúng đắn và đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, nhất là những đóng góp và vai trò của một số nhân vật chủ chốt trong phong trào đấu tranh chống Pháp để bảo vệ và giành lại độc lập dân tộc từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đa số các nghiên cứu này về sau được tập hợp và in thành sách tuyển tập đứng tên cùng với các tác giả như Chương Thâu, Đỗ Quang Hưng hoặc Trương Hữu Quýnh (Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1988, 1992 và 2005).
4. Phát hiện và giới thiệu các tư liệu mới liên quan đến một số nhân vật lịch sử và phong trào yêu nước và cách mạng thời kỳ từ cuối thế kỷ XX đến trước năm 1945, như về thân thế và cái chết của Hoàng Hoa Thám, các trước tác của Phan Bội Châu; một số tài liệu lưu trữ về Nguyễn Ái Quốc ở Pháp; hoặc các tài liệu truyền đơn của Quốc tế Cộng sản (1924), về một số báo Le Paria mới phát hiện, hay hồ sơ của chính quyền Pháp về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), v.v…
5. Một đóng góp nổi bật nữa của GS Đinh Xuân Lâm thể hiện trong trao đổi và đối thoại học thuật với các học giả quốc tế. Thông qua các bài viết giới thiệu sách in trên các tạp chí chuyên ngành, hoặc tại các cuộc tọa đàm khoa học, GS Đinh Xuân Lâm đã đưa ra nhiều vấn đề nhằm bàn luận, trao đổi ý kiến với các học giả nước ngoài về nguồn tư liệu sử dụng, cách nhận định, đánh giá một số sự kiện, nhân vật hoặc các nội dung của lịch sử Việt Nam được đề cập trong các công trình nghiên cứu tiêu biểu như cuốn “Trung Kỳ - Bắc Kỳ: Những năm 1885 - 1896 (văn thân và nông dân đứng trước cuộc chinh phục thuộc địa)” của GS. Charles Fourniau[1], sách “Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông” của GS Georges Boudarel[2], cuốn “Hồ Chí Minh - Từ Đông Dương đến Việt Nam” của GS. Daniel Hémery[3], sách “Hồ Chí Minh - từ nhà cách mạng đến thần tượng” của GS. Pierre Brocheux[4] (CH Pháp); Hoặc các công trình nghiên cứu về Việt Nam của của GS Shiraishi Masaya [5]( Nhật Bản) về Phan Bội Châu và phong trào dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, có một vài chuyên khảo, được biên soạn rất công phu của các tác giả nước ngoài về Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam như GS. David G. Marr (Úc), với công trình “Việt Nam 1945, khoảng trống quyền lực” (Vietnam 1945 The quest for power, California 1995), hoặc cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh và de Gaulle trong Thế chiến thứ Hai” ( The Vietnamese Revolution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh và de Gaulle) của GS. SteinTonnesson (Áo) cũng được Giáo sư Đinh Xuân Lâm cùng một số nhà nghiên cứu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét, góp ý chân thành trong cuộc tọa đàm khoa học được tổ chức tại Hà Nội vào cuối thế kỷ trước, trên tinh thần phản biện, đánh giá khách quan cả những thành công và những điều cần tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo.
*
Trong hơn 500 công trình, bài viết được công bố ở nhiều nhà xuất bản, trên các tạp chí chuyên ngành (mà nhiều nhất là Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Lịch sử Quân sự và Tạp chí Lịch sử Đảng), mối quan tâm trước hết và lớn nhất của Giáo sư Đinh Xuân Lâm là các vấn đề về âm mưu, các thủ đoạn xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Trong các nghiên cứu của mình, ông đã phanh phui làm rõ hành động tàn báo, bản chất xấu xa và thâm hiểm của kẻ thù xâm lược, đồng thời phân tích làm rõ vai trò của truyền thống yêu nước, ý thức tự cường dân tộc, nhất là sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc và ý chí quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập tự do của các tầng lớp nhân dân ta.
Đối với các nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật đang còn những tồn nghi như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, hoặc có những ý kiến trái chiều như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, các nghiên cứu của GS Đinh Xuân Lâm đã tập trung khai thác các nguồn tư liệu, nhất là những tư liệu mới, đồng thời sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều, đặt trong bối cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể để phân tích từ các quan điểm đến hành động của nhân vật để từ đó rút ra những ý kiến nhận xét toàn diện, khách quan, giàu sức thuyết phục đối với người đọc. Đó là những đóng góp riêng biệt, rất nổi bật và quan trọng của Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong việc tháo gỡ những điểm rối, những “nút thắt” trong nghiên cứu Sử học, góp phần đưa đến nhận thức khoa học phù hợp và tiệm cận với thực tế lịch sử.
Điều đáng trân trọng và cần được đánh giá cao đối với nhà giáo, nhà khoa học Đinh Xuân Lâm là trong suốt cuộc đời mình, Ông hầu như không màng tới chức vụ, địa vị. Trong những năm dạy học ở Thanh Hóa, ông có tham gia công tác của ngành Giáo dục nhưng đều là hoạt động đoàn thể. Sau này, khi trở thành giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, chức vụ cao nhất mà ông đảm nhiệm là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận - hiện Việt Nam và Chủ tịch Công đoàn Khoa Lịch sử. Nhưng ở góc độ nghề nghiệp, ông được học giới và đồng nghiệp đánh giá rất cao, được giới thiệu làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa UNESCO, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử trong nhiều năm. Ông cũng được mời tham gia Hội đồng khoa học của nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều tạp chí khoa học như Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam, v.v… Suốt cuộc đời mình, ông chỉ đam mê với chuyên môn, cần mẫn, dấn thân, tận tâm tận lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với tính cách hiền hòa, bao dung và độ lượng, ông luôn gần gũi, chan hòa với đồng nghiệp, tôn trọng và có thái độ bình đẳng với học trò. Chính tình cảm và sự tôn trọng, đối xử bình đẳng đó của Thầy đã giúp các cán bộ trẻ tự tin hơn trong học tập, nghiên cứu, để nhanh chóng vươn lên nắm vũng các kiến thức chuyên môn, từng bước có những đóng góp về học thuật dưới sự dẫn dắt và giúp đỡ của Thầy.
*
Hơn 90 năm tuổi đời, 60 năm cầm bút và đứng trên bục giảng, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, bản lĩnh ngay thẳng, chính trực của một nhà giáo mẫu mực, nhà Sử học chân chính. Ông kiên trì theo đuổi con đường khoa học, đam mê nghiên cứu, không ngừng học tập và kiên quyết bảo vệ các quan điểm đúng đắn, nhưng cũng sẵn sàng điều chỉnh, thay đổi cách đánh giá chưa phù hợp, khi được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu mới, hoặc các nguồn tư liệu mới, có giá trị. Nhiều nghiên cứu của ông được xem là kinh điển, không chỉ mang tính gợi mở, đặt nền tảng cho chuyên ngành mà còn có ý nghĩa định hướng cho các nghiên cứu tiếp sau. Những bài giảng, thuyết trình cùng các công trình nghiên cứu đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề hóc búa, quan trọng của Sử học Việt Nam. Đồng thời, thông qua các nghiên cứu chuyên sâu và các cuộc trao đổi học thuật với các học giả nước ngoài, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã chứng tỏ tài năng xuất sắc của một nhà Sử học hàng đầu, mang tầm vóc quốc tế của Việt Nam.
Đánh giá cao những đóng góp và cống hiến khoa học trong lĩnh vực Sử học, GS Đinh Xuân Lâm đã được Đảng và nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động hạng Nhất (2006), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2016). Đặc biệt, vào năm 2021, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng ông Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ với công trình Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam (Hà Nội, 2015).
Với những đóng góp xuất sắc của mình, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm xứng đáng được tôn vinh là học giả lớn, một trong những Sử gia tiêu biểu hàng đầu của đất nước vào nửa sau thế kỷ XX- đầu thế kỷ XXI.
Hà Nội, Xuân Ất Tỵ 2025
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS,NGND Đinh Xuân Lâm (1925 – 2025)
GS. TS Nguyễn Văn Khánh
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Đó là các ý kiến trao đổi với nhà sử học Ch. Fourniau trong bài Đinh Xuân Lâm, “Nhân đọc bài “ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên 1858 - 1887 theo những nguồn tài liệu Pháp (của Charles Fourniau”, trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2015, năm 1984. Đến năm 1990, GS Đinh Xuân Lâm lại có bài “ Đọc sách Trung Kỳ - Bắc Kỳ: Những năm 1885 - 1896 (văn thân và nông dân đứng trước cuộc chinh phục thuộc địa”, trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 253 (1990).
Đinh Xuân Lâm, Đọc sách “Hồ Chí Minh - Từ Đông Dương đến Việt Nam” của Daniel Hemery, trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 263, năm 1992.
Đinh Xuân Lâm, Đọc sách Hồ Chí Minh – từ nhà cách mạng đến thần tượng (P. Brocheux), trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 335, 2004.
Đinh Xuân Lâm, Đọc sách Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á – Tư tưởng Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới” của Shiraishi Masaya, trong Tạp chí Khoa học xã hội, số 11, năm 2001.