Vấn đề ruộng đất trong chính sách đối nội của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX (PGS. TS Vũ Văn Quân)

Thứ năm - 10/08/2023 21:34
Việt Nam bước vào thế kỷ XIX sau mấy thập kỷ biến động dữ dội. Vương triều Nguyễn, trước đó là tập đoàn - thế lực Nguyễn Ánh, hậu duệ của chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, một trong các nhân tố tham góp vào những diễn biến lịch sử đó, cuối cùng đã giành được quyền cai trị đất nước.

VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI
CỦA NHÀ NGUYỄN Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX

 
PGS.TS Vũ Văn Quân
 
Việt Nam bước vào thế kỷ XIX sau mấy thập kỷ biến động dữ dội. Vương triều Nguyễn, trước đó là tập đoàn - thế lực Nguyễn Ánh, hậu duệ của chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, một trong các nhân tố tham góp vào những diễn biến lịch sử đó, cuối cùng đã giành được quyền cai trị đất nước.

Nhưng nền thống trị của nhà Nguyễn lúc này và cả trong nửa thế kỷ sau đó đứng trước nhiều thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của vương triều.

- Sau nhiều thế kỷ phân ly, đến đây nền thống nhất đất nước được khôi phục. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một lãnh thổ trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau được xác lập. Đối với lịch sử dân tộc, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, là thành quả của những nỗ lực không ngừng của biết bao thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một thực tế, nhà Nguyễn cũng là vương triều đầu tiên trong lịch sử Việt Nam  thực hiện quyền quản lý đất nước trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn và trải dài theo chiều Bắc Nam.  

- Trong phạm vi lãnh thổ rộng lớn đó, Nguyễn Ánh cũng như cả bộ máy quan lại cao cấp của triều đình Nguyễn bấy giờ, mà phần lớn là người Đàng Trong, với tư cách hậu duệ - tàn dư của chính quyền - chế độ chúa Nguyễn, còn rất xa lạ với vùng Đàng Ngoài vốn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Lê - Trịnh. Mấy trăm năm chúa Trịnh o bế vua Lê là một trong những nguyên nhân khiến sĩ phu và nhân dân Bắc Hà nồng nhiệt chào đón Tây Sơn khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh. Đến khi hết Trịnh cũng chẳng còn Lê và cuộc chiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn diễn ra thì sĩ phu Bắc Hà nhiều người lại hướng về Nguyễn Ánh, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó một phần bởi cái nhìn “chính thống” Nho giáo của giới Nho sĩ về một Tây Sơn “giặc cỏ”. Nhưng khi Nguyễn Ánh xác lập được nền thống trị, từ đất Nam Hà cát cứ vươn ra, thì giới sĩ phu và nhân dân Bắc Hà lại thấy luyến tiếc nhà Lê - một vương triều gắn với võ công lẫy lừng và thời đại vàng son Lê Thánh Tông.

- Với thắng lợi của tập đoàn Nguyễn Ánh, tuy nền thống nhất đất nước đã được xác lập, nhưng ở thời điểm đầu thế kỷ XIX, đó mới chủ yếu được thể hiện trên phương diện lãnh thổ, chứ chưa phải toàn bộ thể chế, trong đó rõ rệt nhất, cũng là khó khăn nhất, là về mặt hành chính. Đàng Trong và Đàng Ngoài mỗi nơi mỗi khác, đồng bằng và miền núi mỗi nơi mỗi khác.

- Nhà Nguyễn lên nắm quyền sau hơn một nửa thế kỷ đất nước đầy biến động. Sau khi Lê Thánh Tông mất (1497), nhà Lê sơ suy yếu rồi sụp đổ (1527) đánh dấu thời điểm tan rã của chính thể tập quyền thống nhất kéo dài ngót ba trăm năm. Thế kỷ XVI - XVII, dù vậy, quá trình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục đà phát triển, nhưng bước sang những năm ba mươi của thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài và nửa sau thế kỷ XVIII ở Đàng Trong, cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến bắt đầu diễn ra. Một loạt những sự kiện lịch sử lớn diễn ra dồn dập: Khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, khởi nghĩa Tây Sơn diệt Nguyễn chống Xiêm, đánh đổ Lê Trịnh đại phá Mãn Thanh, cuộc chiến tranh Nguyễn - Tây Sơn, v.v…

Quản lý một đất nước rộng lớn trong điều kiện giao thông kém phát triển, thông tin liên lạc lạc hậu, lòng dân, lòng sĩ phu Bắc Hà không yên, một nền hành chính còn nhiều khác biệt, đất nước xộc xệch rã rời sau hàng thế kỷ đầy biến động… là những khó khăn và thách thách thức đặt ra cho nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX. 

Đứng trước những khó khăn, thách đố đó, các vua Nguyễn, triều đình nhà Nguyễn sẽ thực thi những chính sách cai trị như thế nào. Phản ứng tức thời của nhà Nguyễn trước thực trạng đất nước đầu thế kỷ XIX là quyết tâm nhanh chóng ổn định tình hình. Đây là yêu cầu của đất nước, của nhân dân sau nhiều thập kỷ loạn ly. Nhưng đây trước hết - về mục tiêu - là nhằm đảm bảo nền thống trị của dòng Nguyễn - vương triều Nguyễn, bởi lẽ, nền thống trị của dòng họ - vương triều Nguyễn chỉ thực sự được đảm bảo nếu đất nước được ổn định. Giải pháp ổn định đất nước được nhà Nguyễn thực hiện chủ yếu bằng việc tăng sức áp chế từ trên xuống. Theo đó, về chính trị: tăng cường áp chế hành chính - quân sự; về kinh tế: thi hành  chính sách trọng nông; về văn hóa: phục hồi và độc tôn Nho giáo; về xã hội: thiết lập thế bình quân chủ nghĩa. Thiết lập thế bình quân chủ nghĩa là một giải pháp hiệu quả nhất để tạo thế ổn định trong điều kiện một xã hội nông thôn - làng xã - nông nghiệp phân hóa chưa cao như Việt Nam. Chọn giải pháp này, nhà Nguyễn trước hết thực thi nó ở một lĩnh vực có tính then chốt là ruộng đất.

1. BỨC TRANH CHẾ ĐỘ RUỘNG ĐẤT

Đầu thế kỷ XIX, cơ cấu ruộng đất Việt Nam vẫn bao gồm hai bộ phận: ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân. Sau hàng ngàn năm phát triển, chế độ tư hữu đã mở rộng đồng thời với sự thu hẹp của chế độ sở hữu nhà nước.

Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước: Nửa đầu thế kỷ XIX, theo sách Sĩ hoạn tu tri lục của Nguyễn Công Tiệp soạn khoảng những năm 1820-1843, trên toàn quốc các loại ruộng đất công còn 580.363 mẫu, chiếm 17,08% tổng diện tích[1], bao gồm một bộ phận do nhà nước trực tiếp quản lý, còn lại chủ yếu là ruộng đất công của các làng xã.

Bộ phận ruộng đất thuộc quản lý trực tiếp của nhà nước ở đầu thế kỷ XIX gồm tịch điền, quan điền quan trại và đồn điền. Tịch điền là loại ruộng đất có tính chất lễ nghi thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với kinh tế nông nghiệp, số lượng không nhiều (cả nước ước khoảng vài trăm mẫu). Quan điền quan trại là loại ruộng đất vốn có từ các thời kỳ trước (các loại ruộng ngụ lộc, thưởng lộc, chế lộc, quan điền, quan điền trang, quan đồn điền, quan trại). Nhà Tây Sơn đã dùng một phần trong số đó ban cấp cho các quan lại. Sau này nhà Nguyễn thu hồi lại và gọi chung là quan điền quan trại, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Địa bàn phân bố quan điền quan trại chủ yếu là khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, với diện tích khoảng vài ngàn mẫu. Một phần quan điền quan trại dùng để ban cấp cho một số đối tượng làm tự điền, phần còn lại dùng phát canh thu tô cho dân sở tại. Từ năm 1822, Minh Mệnh cho chuyển dần quan điền quan trại thành ruộng đất công làng xã và đến giữa thế kỷ XIX thì cơ bản quan điền quan trại không còn tồn tại nữa. Đồn điền là loại ruộng đất kết hợp kinh tế với quốc phòng. Từ cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh đã cho lập đồn điền ở Nam Bộ dưới hai hình thức: đồn điền do binh lính khai khẩn gọi là trại đồn điền và đồn điền do dân khai khẩn gọi là hậu đồn điền. Nhà Nguyễn từng bước quân sự hoá hậu đồn điền và đến năm 1822 thì quyết định chuyển toàn bộ hậu đồn điền thành trại đồn điền. Địa điểm chọn xây dựng đồn điền thường là những nơi xung yếu về quân sự và có tiềm năng đất đai. Vì thế, Nam Bộ là địa phương tập trung đồn điền dưới thời Nguyễn. Nhà nước chủ yếu sử dụng lực lượng binh lính, bên cạnh đó còn có một số tù phạm đi khai khẩn, canh tác ruộng đất trong các đồn điền. Sản phẩm thu hoạch từ ruộng đất đồn điền phần lớn nộp kho nước, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tại chỗ của binh lính. Diện tích đồn điền ở thời điểm cao nhất ước khoảng vài chục ngàn mẫu. Nhìn chung, các loại ruộng đất thuộc quản lý trực tiếp của Nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu ruộng đất.

Bộ phận chủ yếu của sở hữu Nhà nước là ruộng đất công làng xã. Trong 17,08% ruộng đất công các loại còn tồn tại đến đầu thế kỷ XIX, phần lớn là loại ruộng đất này. Tuy nhiên, sự phân bố rất không đều giữa các địa phương. Phan Huy Chú nhận xét: “Nước ta duy có trấn Sơn Nam Hạ là rất nhiều ruộng và đất bãi công, phép quân cấp chỉ nên làm ở xứ ấy là phải, còn các xứ khác thì các hạng ruộng công có không mấy”[2]. Vào năm 1852, theo lời Thượng thư bộ Hộ Hà Duy Phiên: “Thừa Thiên, Quảng Trị thì ruộng công nhiều hơn ruộng tư, Quảng Bình thì công tư bằng nhau, còn các hạt khác thì ruộng tư nhiều mà ruộng công ít, tỉnh Bình Định càng ít hơn”[3]. Kết quả nghiên cứu tư liệu địa bạ những năm gần đây cũng cho thấy điều đó. Sự phân bố không đều thể hiện trong phạm vi từng miền, từng tỉnh, có khi từng huyện, từng tổng. Tại Bắc Bộ, trong khi tỷ lệ công điền thổ ở Thái Bình còn tới 31,43% thì ở Hà Đông chỉ còn 22,12% (thời điểm 1805). Giữa các huyện của hai địa phương này cũng có sự khác biệt. Ở Thái Bình, tỷ lệ công điền thổ huyện Thanh Quan còn 7,2%, huyện Quỳnh Côi còn 17,32%, huyện Đông Quan còn 20,75%, thì tỷ lệ đó ở huyện Vũ Tiên là 56,85%. Ở tỉnh Hà Đông, tỷ lệ công điền thổ huyện Đan Phượng còn 37,99%, thì ở huyện Hoài An chỉ còn 4,81%, huyện Sơn Minh chỉ còn 4,55%. Vùng Nam Bộ, nơi tư hữu hoá phát triển rất mạnh nhưng vẫn có những địa phương sở hữu công vẫn chiếm ưu thế. Các số liệu điều tra vào đầu thập niên ba mươi thế kỷ XX tiếp tục khẳng định điều này. Tỷ lệ ruộng đất công khu vực Bắc Bộ còn khoảng 25%, Trung Bộ còn khoảng 25%, Nam Bộ còn khoảng 3%. Một số địa phương cụ thể, như Thừa Thiên còn 72%, Quảng Trị còn 98,5%, phủ Xuân Trường (Nam Định) còn 74,5%, phủ Khoái Châu (Hưng Yên) còn 59%... Sự thu hẹp của ruộng đất công cho thấy vai trò của loại hình sở hữu này đã giảm sút ở nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng tính chất phân bố không đều làm cho vai trò của nó ở các địa phương không giống nhau, có nơi ruộng đất công vẫn là nguồn sống chính của cư dân.

Phân bố tỷ lệ ruộng đất công tư ở một số địa phương[4]
 

Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân: Tỷ lệ ruộng đất tư đầu thế kỷ XIX, theo Nguyễn Công Tiệp, là 82,92%, khẳng định vị trí bao trùm và chi phối của loại hình sở hữu này trong toàn bộ chế độ ruộng đất. Tuy nhiên, đặc điểm phân bố không đều làm cho vai trò của nó ở các địa phương có sự khác biệt nhất định. Trong khi ở hầu hết các nơi ruộng đất tư là nguồn sống chính của cư dân, cả địa chủ với thu nhập từ phát canh thu tô, cả nông dân tự canh và lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, thì vẫn có những nơi ruộng đất công mới là nguồn sống chính.

Trong sở hữu tư nhân, sự phân hoá đã diễn ra nhưng nhìn chung chưa cao và cũng rất chênh lệch giữa các địa phương. Có nơi sở hữu địa chủ đã chiếm ưu thế, có nơi sở hữu bao trùm là của nông dân tự canh, có nơi sở hữu đặc trưng là của các lớp trung gian. Tại tỉnh Thái Bình, các lớp sở hữu trên 10 mẫu chiếm 64,55% ruộng đất tư, sở hữu địa chủ đã thực sự phát triển ở đây. Tại tỉnh Hà Đông, các lớp sở hữu trên 10 mẫu chỉ chiếm 28,90%, loại sở hữu đặc trưng là dưới 10 mẫu, riêng các lớp từ 3 đến 10 mẫu chiếm tới 48,72%. Tại tỉnh Bình Định, các lớp sở hữu trên 10 mẫu chỉ chiếm là 9,30%, trong khi có tới 59,52% ruộng đất thuộc các lớp sở hữu dưới 3 mẫu. Tính chất không đều còn thể hiện trong từng tỉnh. Ở tỉnh Thái Bình, các lớp sở hữu trên 10 mẫu thuộc huyện Chân Định là 74,30%, huyện Vũ Tiên là 78,11%, thì ở huyện Đông Quan là 59,99%, huyện Thanh Quan là 56,53%. Ở tỉnh Hà Đông, trong khi huyện Đan Phượng sở hữu trên 10 mẫu chỉ chiếm 11,11%, huyện Từ Liêm chỉ chiếm 14,27% thì ở huyện Sơn Minh là 48,50%, huyện Hoài An là 56,40%. Vùng Nam Bộ có một số chủ ruộng đã thực sự là những đại địa chủ. Địa chủ Lê Văn Hiệu ở thôn Bình Xuân, tổng Hoà Lạc, huyện Tân Hoà, tỉnh Gia Định (nay thuộc Gò Công, tỉnh Tiền Giang) có tới trên 1.841 mẫu ruộng, địa chủ Ngô Văn Lộc ở thôn Bình An cùng tổng có tới trên 1.045 mẫu ruộng... Nhưng đó vẫn chưa phải là loại sở hữu điển hình. Ngay tại vùng đất mà tư hữu hoá đã phát triển tương đối triệt để như Nam Bộ, sở hữu đặc trưng của địa chủ vẫn là vừa và nhỏ.

Sự phân hoá ruộng đất ở một số địa phương
 

2. THÁI ĐỘ  CỦA  NHÀ NGUYỄN ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT

Bức tranh ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX đã đi vào chặng cuối của vận động tiến hoá. Tư hữu hoá đã bao trùm, đã có sự phân hoá trong sở hữu tư nhân, một số nơi đã đạt đến mức độ khá cao. Trước thực trạng đó, chính sách của nhà Nguyễn đối với ruộng đất lại thể hiện rõ tính bảo thủ, làm cho quá trình tự nhiên của chế độ ruộng đất bị chững lại.

Thái độ tương đối nhất quán của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX là duy trì, bảo vệ và tham vọng mở rộng sở hữu nhà nước về ruộng đất. Thái độ này quy định chính sách của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất nói chung và với từng loại sở hữu nói riêng.

Dưới thời Nguyễn, việc ban cấp ruộng đất chỉ còn lại duy nhất hình thức tự điền (ruộng thờ) được thực hiện rải rác dưới thời Gia Long và đầu Minh Mệnh, số lượng rất hạn chế, một phần do quỹ ruộng đất của nhà nước đã thu hẹp, mặt khác là để đề phòng tư hữu hoá từ việc ban cấp ruộng đất vốn đã từng diễn ra. Đối với bộ phận ruộng đất công làng xã còn lại, nhà nước cấm ngặt việc mua bán, cầm cố. Năm 1803, Gia Long xuống dụ: “… nếu xã thôn nào trái lệnh cấm, quen thói cũ, mua bán riêng với nhau, việc phát giác ra, thì người mua nhầm bị mất tiền gốc, người làm văn khế, người cùng đứng tên trong văn khế và những người làm chứng đều bị trị tội nặng, ruộng đất đem bán trong văn khế vẫn truy trả dân, lại theo lệ lấy một mẫu ruộng thưởng cho người tố cáo hưởng hoa lợi”[5]. Để kiểm soát chặt chẽ bộ phận ruộng đất công làng xã làm cơ sở góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và ổn định tình hình đất nước, năm 1804, Gia Long chính thức ban hành phép quân điền. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Việt Nam, nhà nước ban hành chính sách quân điền. Cũng giống như phép quân điền các đời Hồng Đức và Vĩnh Thịnh, phép quân điền đời Gia Long quy định cụ thể các đối tượng được nhận ruộng và khẩu phần tương ứng với từng đối tượng đó: quan lại văn võ từ tản giai tòng cửu phẩm đến chánh nhất phẩm được nhận từ 8 đến 18 phần; binh lính các hạng được nhận từ 7 đến 9 phần; dân đinh được nhận 6,5 phần; dân đinh già ốm, lão nhiêu cố cùng, tiểu nhiêu, nhiêu tật, tàn phế được nhận 4 phần; trẻ mồ côi, đàn bà goá được nhận 3 phần. Về nội dung, không có khác biệt lớn giữa phép quân điền Gia Long với phép quân điền các thời kỳ trước. Quan lại và binh lính vẫn là những đối tượng được ưu đãi. Thay đổi lớn nhất trong phép quân điền Gia Long là rút ngắn thời hạn chia lại ruộng từ sáu năm xuống còn ba năm. Mục đích của thay đổi này là nhằm tăng cường kiểm soát của nhà nước, hạn chế tư hữu hoá, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến nhiều tiêu cực đối với đất đai. Phép quân điền Gia Long được thực hiện trong 36 năm. Đến năm 1840, Minh Mệnh tiến hành một số điều chỉnh, theo đó quan lại, binh lính và dân đinh cùng được nhận một phần, các đối tượng khác được nhận bằng một nửa hoặc một phần ba. Việc giảm khẩu phần của quan lại và binh lính xuống bằng dân đinh, theo giải thích của Minh Mệnh là vì các đối tượng này đã có lương bổng của nhà nước.

Việc Gia Long ban hành phép quân điền chỉ hai năm sau khi nắm được chính quyền cho thấy ông vua này khá nhạy bén trong nhận thức về vai trò của ruộng đất công đối với việc ổn định tình hình xã hội. Chỉ có điều, sự thu hẹp lại phân bố không đều của ruộng đất công làm cho tác dụng thực tế của chính sách này hạn chế, mỗi nơi mỗi khác. Những nơi ruộng đất công còn nhiều, vẫn là nguồn sống chủ yếu của cư dân, chính sách quân điền góp phần thể chế hoá việc phân phối, hạn chế sự thao túng của tầng lớp hào cường.

Thể hiện tập trung nhất thái độ của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất là những biện pháp mở rộng sở hữu công. Trong khai hoang, có tới gần một nửa các quyết định của nhà nước quy định ruộng đất khai khẩn được trở thành sở hữu công cộng. Đặc biệt quyết liệt là chủ trương công hữu hoá một bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.  

Tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân về ruộng đất là thực tế mà nhà Nguyễn đã nhận thức được ngay sau khi xác lập nền thống trị. Trong chính sách của mình, nhà Nguyễn cũng có thái độ tôn trọng quyền tư hữu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, với chủ trương tăng cường sở hữu công cộng làm bệ đỡ kinh tế - xã hội cho thiết chế quân chủ tập quyền, nhà Nguyễn từ khá sớm đã có tham vọng can thiệp vào ruộng đất tư. Năm 1803, một số quan cai trị ở Bắc Thành đề nghị Gia Long thi hành phép quân điền, bắt các chủ ruộng tư sung công 70% ruộng đất làm công điền quân cấp. Chủ trương này quá mạnh mẽ, lại vào lúc nhà Nguyễn mới được thiết lập, tình hình chưa thật ổn định nên đã không được chấp nhận. Trong thời gian trị vì của mình, Gia Long cũng đã nhiều lần trăn trở về vấn đề này. Nhưng vốn là người thực tiễn, Gia Long nhận thức rất rõ tính chất phức tạp, bất ổn của chủ trương can thiệp vào sở hữu tư nhân. Đến Minh Mệnh, với thiết chế quân chủ tập quyền phát triển đến đỉnh cao, hơn bất cứ lúc nào cần phải tăng cường chế độ sở hữu công cộng làm bệ đỡ kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước đề nghị của Vũ Xuân Cẩn, Tổng đốc Bình - Phú (Bình Định và Phú Yên) vào cuối năm 1838, sung công một phần ruộng đất tư ở Bình Định làm công điền quân cấp, Minh Mệnh đã rất đắn đo: “Ruộng đất tư là của thế nghiệp, năm tháng đã lâu, sổ sách đã thành, nay vô cớ cắt mất của riêng huyết mạch của người ta, xét ra không phải là việc yên nhân tình, một phen làm sợ rằng chưa thấy lợi mà nhiễu dân thì không nói hết”[6]. Sau nhiều cân nhắc, triều đình Nguyễn vẫn quyết định tiến hành cuộc cải cách ruộng đất ở tỉnh Bình Định, nơi mà theo các quan cai trị địa phương, ruộng đất hầu hết là thuộc sở hữu tư nhân và tập trung chủ yếu trong tay tầng lớp địa chủ, như lời tâu của Vũ Xuân Cẩn “… Một hạt Bình Định ruộng công chỉ có trên năm ngàn mẫu mà ruộng tư nhiều đến bảy vạn một nghìn mẫu, các ruộng tư… bị bọn phú hào chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì”, “… ruộng đất phần nhiều là ruộng tư, nhà phú hào chiếm cả, có đến một, hai trăm mẫu mà người nghèo không một thước tấc, suốt đời làm đầy tớ người giàu”[7]. Tháng 7 năm 1839, Minh Mệnh sai Thượng thư bộ Hình Vũ Xuân Cẩn và Hữu Tham tri bộ Lễ Doãn Uẩn đi Bình Định làm cải cách. Nội dung phép quân điền Bình Định như sau: giữ nguyên hiện trạng những thôn ấp ruộng đất công nhiều hơn ruộng đất tư hoặc công tư ngang nhau, những thôn ấp nào tư nhiều hơn công thì ruộng đất công vẫn giữ nguyên, cắt một nửa ruộng đất tư sung công quân cấp. Theo quy định trên, 645 trên tổng số 678 thôn ấp ở Bình Định chịu tác động của cuộc cải cách này.

Cuộc cải cách ruộng đất ở Bình Định năm 1839 là một thí điểm của nhà Nguyễn trong chủ trương can thiệp vào sở hữu tư nhân, “cân bằng công tư”, “san bớt giàu nghèo”, như ước ao của các hoàng đế Nguyễn. Tại đây, ruộng đất tư đã chiếm tỷ lệ bao trùm, nhưng không hề có tình trạng tập trung ruộng đất mà rất manh mún, không như lời tâu của Vũ Xuân Cẩn. Vì thế, một lý do khác nữa mà nhà Nguyễn chọn Bình Định, rất có thể vì đây là quê hương của phong trào Tây Sơn, trước kia quân Tây Sơn đã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo, nhà Nguyễn muốn thông qua cuộc cải cải này triệt để xoá bỏ dấu ấn của nhà Tây Sơn[8].  

Cuộc cải cách Bình Định đã làm rung động cả xã hội Đại Nam bấy giờ, gây nên sự phản ứng của các chủ tư hữu ở Bình Định, nhất là với bộ phận có quy mô ruộng đất lớn hơn, và cũng tiềm ẩn sự phản ứng đối phó của giai cấp địa chủ cả nước nói chung. Đến nỗi, hơn mười năm sau, vào năm 1853, Lang trung trí sĩ Trần Văn Tuân dâng sớ nêu 10 việc cần làm ngay, trong đó có việc lập tức trả lại ruộng đất tư ở Bình Định[9].

Bức tranh ruộng đất Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX với tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân, sự phân hoá nhất định trong chế độ tư hữu là kết quả tất yếu của sự vận động lịch sử. Trong quá trình đó, do những đặc điểm riêng, có sự khác biệt nhất định giữa các địa phương. Trước thực trạng ruộng đất đó, chính sách ruộng đất của nhà Nguyễn thể hiện rõ tư tưởng bảo thủ, một mặt duy trì, bảo vệ bộ phận ruộng đất công còn lại, mặt khác tìm cách mở rộng, đặc biệt là chủ trương can thiệp vào chế độ tư hữu để tăng quỹ ruộng đất công qua thí điểm ở Bình Định. Thái độ đó, chính sách đó làm cho quá trình tư hữu hoá ở nửa đầu thế kỷ XIX bị chặn lại, phân hoá và tập trung ruộng đất trở nên khó khăn hơn. Sự vận động tiến hoá của chế độ ruộng đất Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX diễn ra trong một môi trường không lành mạnh.

[1] Nguyễn Công Tiệp: Sĩ hoạn tu tri lục, chữ Hán, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, NXB Sử học, Hà Nội, 1960, tr.70.
[3] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVIII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr. 336.
[4] Phan Huy Lê (chủ biên): Địa bạ Hà Đông (Hà Nội, 1995), Địa bạ Thái Bình (NXB Thế giới, Hà Nội, 1997), Nguyễn Đình Đầu: Tổng kết nghiên cứu địa bạ: Nam Kỳ lục tỉnh; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Bình Định; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Phú Yên; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1996-1997).
[5] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, tr.113-114.
[6] Đại Nam thực lục chính biên, tập XX, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr.259.
[7] Đại Nam thực lục chính biên, tập XX, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr.258; tập XXI, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.58.
[8] Phan Phương Thảo: Chính sách quân điền năm 1839 qua tư liệu địa bạ, NXB Thế giới, Hà Nội, 2004
[9] Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.412-413.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 09-08-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây