Một số vấn đề về nguồn sử liệu chữ viết (ThS Đinh Thị Thùy Hiên)

Thứ năm - 10/08/2023 14:30
Sử liệu chữ viết không phải loại nguồn xuất hiện sớm nhất. Trong nghiên cứu về lịch sử loài người trước khi có nguồn văn tự thì dấu vết vật chất và thông điệp bằng lời đã là những nguồn không thể thay thế được.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGUỒN SỬ LIỆU CHỮ VIẾT
 
ThS. Đinh Thị Thùy Hiên
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

1. Sử liệu viết – một loại nguồn truyền thống

Sử liệu chữ viết không phải loại nguồn xuất hiện sớm nhất. Trong nghiên cứu về lịch sử loài người trước khi có nguồn văn tự thì dấu vết vật chất và thông điệp bằng lời đã là những nguồn không thể thay thế được. Mặc dù vậy, sử liệu viết có một vị trí tương đối đặc biệt. Chúng không chỉ được tính đến với tư cách một loại nguồn riêng biệt [1], mà nhiều nhà phương pháp luận còn xem đây là nguồn chính xác nhất, quan trọng nhất. Martha Howell và Walter Frevenier trong cuốn From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods [Từ những nguồn đáng tin cậy: Nhập môn các phương pháp sử học] đã nhận thấy thực tế các nhà lý thuyết thường tập trung vào nguồn chữ viết và cũng đồng quan điểm coi nguồn văn tự là “bà hoàng” của các nguồn: “… Đây là những dạng câu hỏi được các nhà sử học thế kỷ XX tập trung tới, và những học giả này đã phát triển những công cụ tinh vi để viết về các nguồn. Tất cả họ tập trung vào bản thân nguồn, chủ yếu là nguồn chữ viết, văn bản, và đặc biệt là những nguồn được coi là bà hoàng của các nguồn, những điều lệ hay văn bản”[2]. Nguyễn Thế Anh, chẳng hạn, tuy thừa nhận việc nghiên cứu lịch sử dựa trên nhiều loại nguồn, song cho rằng tài liệu viết mới là quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất đối với nhà sử học: “… nếu sử được viết với nhiều loại tài liệu khác nhau, nó được viết nhiều nhất với những bản văn còn được giữ lại, những tài liệu bút ký; các loại tài liệu bút ký là loại tài liệu chính xác nhất. Khác với nhà nhân chủng học chú trọng đến các đoàn thể xã hội chưa có chữ viết và nhà khảo cổ học mà tài liệu là đồ nghề và đồ dùng để lại bởi kỹ xảo của con người trong quá khứ, sử gia chú trọng nhiều nhất đến các bằng cứ chứa đựng trong các tài liệu bút ký”[3]. Việc các khoa học bổ trợ cho sử học đều liên quan đến nghiên cứu chữ viết [4] cũng hé mở phần nào về tầm quan trọng đặc biệt của loại nguồn này đối với các nhà phương pháp luận.

Sức hấp dẫn nhà sử học của nguồn chữ viết cũng như vị trí của chúng trong nghiên cứu lịch sử trước hết xuất phát từ chính đặc trưng riêng của loại nguồn này. “Chữ viết là một điều kỳ diệu về mặt công nghệ. Nó làm cho lời nói trở nên vĩnh cửu trong khi không làm mất đi bất kỳ điều gì trong tính chính xác của nó, mặc dù trạng thái giao tiếp riêng tư trực tiếp mất đi. Vì vậy, nơi chữ viết được dùng rộng rãi, người ta trông đợi các nguồn thông tin rất cụ thể và rất đa dạng, điều cũng cho phép thực hiện một sự tái dựng rất chi tiết về quá khứ”[5]. Nguồn chữ viết, ở mức độ nhất định, có thể không có khả năng cung hiến cho nhà nghiên cứu những thông tin trực quan, sinh động về quá khứ thông qua hiện diện của mình nhiều như nguồn hiện vật. Song, vì là những “hiện vật câm”, sử liệu vật thực không phải lúc nào cũng có thể tự nói lên được bản thân chúng là gì? đã đóng vai trò như thế nào trong đời sống quá khứ? Vì vậy, nhà nghiên cứu có thể đưa ra diễn giải sai trầm trọng như trường hợp các nhà khảo cổ học ở Tripolitania từng xác định cấu trúc từ thời La Mã cổ đại là “những dấu tích của điện thờ tiền sử nào đó” trước khi các học giả về sau đi đến một sự diễn giải đáng tin cậy và kiên định hơn rằng chúng là những máy ép dầu [6]. Truyền thống truyền miệng, mặc dù thường chứa đựng những thông tin sinh động, chi tiết, song việc thêm thắt, cải biên trong quá trình khẩu truyền qua nhiều thế hệ cũng như sự thiếu vắng của một niên biểu chính xác khiến việc khai thác những thông tin ấy lại khó khăn hơn nhiều. Trong khi tài liệu viết vẫn có thể bị biến đổi qua quá trình sao chép, về cơ bản nó vẫn có tính ổn định [7], vì thế việc lần tìm lai lịch và khôi phục nguyên bản của nguồn chữ viết thường dễ dàng hơn.

Yếu tố nhận thức chủ quan của tác giả thường được xem là hạn chế của sử liệu chữ viết, tuy nhiên, thực ra thì tất cả các nguồn sử liệu đều mang tính chủ quan. Điểm khác biệt là ở chỗ nguồn vật thực chỉ mang tính chủ quan bởi sự diễn giải của người sử dụng chúng làm sử liệu; trong khi ở nguồn truyền miệng và nguồn chữ viết, tính chủ quan đến từ sự diễn giải kép của người gửi và nhận thông điệp [8]. Thông thường, người ta có xu hướng cho rằng nguồn chỉ đi qua một sự diễn giải đơn thì tốt hơn thông điệp phải trải qua ít nhất hai sự diễn giải, “nhưng thực tế có một sự bảo vệ, làm cho các nguồn rõ ràng là chủ quan hơn (các thông điệp) lại thường khách quan hơn những nguồn rõ ràng là kém chủ quan hơn (bằng chứng trực tiếp). Sự diễn giải thứ nhất giới hạn phạm vi cho sự diễn giải thứ hai, trong khi không có gì giới hạn sự diễn giải bằng chứng trực tiếp”[9]. Cũng từ đặc điểm này mà nguồn chữ viết còn có khả năng cung cấp cho nhà nghiên cứu tư tưởng và hành động của con người, nhất là cung cấp trực tiếp nội dung tư tưởng mà tác giả của tài liệu đó muốn truyền đạt.

Sự dồi dào của nguồn chữ viết cũng góp phần lý giải việc chúng được ưa chuộng. Ban đầu, với phương thức chép tay, thì ngoài bản gốc người ta còn có thể tiếp cận với nhiều bản sao. Từ thế kỷ XV trở đi, nguồn tài liệu này trở nên dồi dào hơn hẳn so với các nguồn khác nhờ sự phát triển của ngành in. Khoa học kỹ thuật phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin hiện đại gần đây lại đem đến cho tài liệu chữ viết thêm cơ hội được lưu giữ và truyền bá rộng rãi với việc số hoá tài liệu. Hoạt động lưu trữ và đặc thù lưu giữ tài liệu viết là chủ yếu của nó cũng mở rộng cơ hội để các nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn chữ viết.

Hơn nữa, thực tế hoạt động nghiên cứu lịch sử cũng tác động đến việc nhà sử học thường coi đây là nguồn tài liệu chủ yếu của mình. Từ việc tìm chủ đề nghiên cứu đến trình bày kết quả nghiên cứu lịch sử đều gắn với chữ viết. Nhà sử học phải đọc tất cả những công trình đã công bố có liên quan, xem người đi trước đã nghiên cứu những vấn đề gì, giải quyết vấn đề đến đâu, vấn đề nào cần phải tiếp tục nghiên cứu,… để lựa chọn cho mình một đề tài có ý nghĩa khoa học hoặc thực tiễn. Nhà sử học cũng chấp nhận phần nhiều những dẫn chứng mà các nhà nghiên cứu khác đưa ra, hoặc giải thích lại những tài liệu mà họ đưa ra. Có nghĩa là họ bị chi phối bởi việc các nhà nghiên cứu khác đã viết gì về nó. Kết quả, dù các bằng chứng được nhà nghiên cứu đi trước sử dụng là thành văn hay bất thành văn thì bản thân công trình của họ – cái mà nhà sử học đi sau sử dụng – là chữ viết. Với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, gần đây giới sử học đã không còn xa lạ với những công trình sử học được trình bày bằng hình ảnh, hoặc bằng lời,… Mặc dù vậy, tác phẩm sử học viết vẫn thống trị trong nền sử học thế giới đương đại. 

Như thế không có nghĩa rằng chỉ nguồn chữ viết là đủ cho nhà sử học, hoặc đây là nguồn quan trọng nhất hay đáng tin cậy nhất. Ở những nơi mà nguồn chữ viết không tồn tại, các nguồn sản sinh trên cơ sở khoa học kỹ thuật chưa xuất hiện, thì nguồn vật thực và truyền miệng là những nguồn đảm trách gánh nặng của việc tái tạo lịch sử. Ngay cả khi nguồn chữ viết dồi dào, thì các nguồn khác vẫn có vai trò không thể thiếu trong hoạt động nghiên cứu lịch sử: “Nguồn chữ viết này, dù rõ ràng là rất cần thiết đối với hầu hết các công trình của các nhà sử học, và dù đôi khi được coi là nguồn duy nhất của các dữ liệu lịch sử, tuyệt nhiên không phải là nguồn sử liệu duy nhất. Nguồn không thành văn, kể cả hiện vật và truyền miệng, đều là những bộ phận quan trọng đối với nhà sử học”[10]. Mặc dù vậy, có thể khẳng định rằng sử liệu chữ viết là một loại nguồn truyền thống cả về mặt phương pháp luận và thực tiễn đối với nhà sử học.

2. Về vấn đề phê phán sử liệu

Nguồn sử liệu không phải là một cuốn sách đang mở trước mặt và cung cấp cho nhà sử học những câu trả lời ngay lập tức. Chúng có thể là cái mà chúng tỏ ra, lại cũng có thể rất khác so với thoạt nhìn. Chính vì thế, để khai thác được thông tin từ sử liệu thì việc giám định nguồn là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các loại nguồn, và cho đến nay việc xoay sở với các tài liệu vẫn được xem là một trong những điểm phân biệt chuyên gia sử học với người nghiên cứu sử nghiệp dư [11]. Các nhà phương pháp luận gọi công việc giám định này là phê phán sử liệu, và phân thành 2 bước đánh giá tính xác thực [authenticity] của nguồn và đánh giá độ tin cậy [reliability] của thông tin từ sử liệu. Tên gọi cũng như nội dung của 2 khâu đoạn kể trên, mặc dù vậy, lại được hiểu khác nhau giữa các nhà phương pháp luận. Bước một thường được gọi là phê phán bên ngoài hay phê phán uyên bác, phê phán cấp thấp, phê khảo hình thức hay phê phán phân tích; bước hai đánh giá độ tin cậy, hay phê phán bên trong, phê khảo nội dung, phê phán cấp cao, khoa học giải thích, phê phán tổng hợp. Dù có phát biểu rõ ràng hay không thì các nhà lý luận đều gặp nhau ở nguyên tắc chung cho phê phán sử liệu là dựa vào chính bản thân sử liệu (bao gồm cả hình thức lẫn nội dung sử liệu) và dựa vào những tư liệu khác. Cả tri thức nguồn lẫn tri thức ngoài nguồn cùng được huy động vào quá trình đánh giá thông tin và kênh thông tin này. Ở đây, chúng tôi sử dụng các khái niệm đánh giá tính xác thực và đánh giá độ tin cậy.

Sự đa dạng của các nguồn sử liệu đòi hỏi nhà phương pháp luận phải đi xa hơn nữa để đưa ra những phương pháp giám định sử liệu đặc thù. Đối với nguồn sử liệu chữ viết, dù trên chất liệu giấy, gỗ, đá, đồng, hay tre trúc…, thì các phương pháp văn bản học có vai trò rất quan trọng: “Đối với sử liệu viết, ở bước thứ nhất, tức bước phê phán bên ngoài hay phê phán kênh, có thể nói là nhà sử liệu học đã sử dụng những công cụ của văn bản học, hay nói cách khác, đã đem phương pháp văn bản học làm phương pháp của mình. Ở giai đoạn phê phán bên trong hay phê phán thông tin, nhà sử học ít sử dụng các phương pháp văn bản học hơn. Nói ít không có nghĩa là hoàn toàn không, vì cả hai giai đoạn phê phán sử liệu này không có ranh giới rõ rệt trong thực tế mà luôn gắn với nhau”[12]. Tuy vậy, ngay cả với phê phán bên ngoài thì các kỹ thuật của văn bản học vẫn chưa đủ. Nhà nghiên cứu còn phải sử dụng công cụ của các nhà khảo cổ học [archeology], minh văn học [epigraphy], cổ tự học [paleography], văn thư học [diplomatic], lịch pháp học, địa danh học [toponymy], nhân danh học, ấn chương học [sigillography], cổ tiền học [numismatology]… Tuy không thể ôm đồm tất cả các kiến thức này mà chỉ có thể có vài quan niệm cơ bản về những ngành học này, song điều đó sẽ giúp nhà nghiên cứu biết kết hợp kết quả của các ngành khoa học này, phục vụ cho việc khảo cứu tài liệu để thực hiện công việc nghiên cứu lịch sử của mình.

Đánh giá tính xác thực

Mục đích của phê phán sử liệu là đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi những thông tin do nguồn cung cấp có phù hợp với thực tế hay không, hay còn gọi là đánh giá độ tin cậy của thông tin từ sử liệu. Để tiến hành được việc đó, trước hết nhà nghiên cứu phải trả nó về với nguồn gốc xuất xứ đúng của nó, hay còn gọi là nghiên cứu tính xác thực của nguồn. John Tosh trong cuốn The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History cũng cho rằng: “Trước khi nhà sử học có thể đánh giá chính xác ý nghĩa của một văn bản, họ cần phải tìm ra được khi nào, tại sao và bằng cách nào nó lại xuất hiện [13]”.

Tính xác thực, như đã nhắc đến ở trên, lại có nhiều quan niệm khác nhau. J Topolski phân biệt 4 khái niệm về tính xác thực. Xác thực 1: tri thức về thời gian hình thành và địa điểm xuất phát về nguồn. Xác thực 2: được tương đối hóa theo tính chất của thông tin mà chúng ta tìm trong nguồn (với vấn đề này thì là xác thực, vấn đề khác là không xác thực). Xác thực 3: vấn đề giả mạo. Xác thực 4: tính nguyên thủy của nguồn [14]. Phạm Xuân Hằng cho rằng cần phê phán các yếu tố cấu thành của sử liệu liên quan đến các vấn đề: sử liệu ra đời trong hoàn cảnh cụ thể nào, hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng, chi phối đến nội dung sử liệu ra sao, khả năng phản ánh hiện thực của tác giả; vấn đề mức độ phù hợp với các thông tin từ sử liệu với thực tế. Nói cách khác là phê phán vật mang tin, thời gian, địa điểm hình thành tài liệu, tác giả và bản văn của sử liệu [15]. Phần lớn các nhà phương pháp luận ngày nay thì cho rằng, xác định tính xác thực của sử liệu là xác định các yếu tố tác giả, thời gian, địa điểm hình thành sử liệu, xác định bản thật bản giả, xác định bản gốc bản sao.

Với mục đích trả sử liệu về với chính nó, dù văn bản có ghi tác giả, địa điểm và thời gian hình thành hay không thì việc xác minh vẫn là thủ tục không thể bỏ qua. Tất nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng hay kết quả đem lại bao giờ cũng làm hài lòng nhà nghiên cứu.

Về việc xác định yếu tố tác giả sử liệu, có ý kiến cho rằng nhìn chung đó là “vấn đề riêng, vượt ra ngoài vấn đề tính xác thực của các nguồn”[16] hoặc không chỉ phải tìm ra họ là ai, mà quan trọng hơn phải đánh giá được họ là người như thế nào: “Ở đây vấn đề được đặt ra là trong hai yếu tố: xác định họ, tên người thông tin và người thông tin ấy là người như thế nào, thì yếu tố nào là quan trọng hơn? Về vấn đề này, các nhà phương pháp luận đã chỉ ra rằng: tìm ra được một cái tên riêng thực ra chưa có nội dung gì cả, mà vấn đề là phải hiểu và đánh giá được tác giả ấy là con người như thế nào? Giải quyết được vấn đề này thì việc xác định tác giả sử liệu mới có ý nghĩa khoa học”[17]. Điều này xuất phát từ mối quan hệ hữu giữa hai khâu phê phán bên trong (đánh giá thông tin) và phê phán bên ngoài (đánh giá kênh thông tin). Đánh giá độ tin cậy của thông tin có nghĩa là đánh giá người thông tin – tác giả sử liệu [18]. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng với nhiệm vụ của phê phán bên ngoài là xác định tính xác thực của tài liệu thì về mặt nguyên tắc chỉ cần xác định tác giả là ai là đủ. Tác giả văn bản là người như thế nào thực sự là vấn đề bản chất mà nhà sử học phải giải quyết khi đánh giá độ tin cậy của thông tin ở công đoạn kế tiếp.

Xác định niên đại thường được xem là quan trọng nhất trong khâu phê phán bên ngoài, bởi vì trên cơ sở các thông tin từ sử liệu, nhà sử học sẽ tái dựng nên sự kiện lịch sử từng diễn ra trong một không gian và thời gian cụ thể. Nếu không biết được mối liên hệ của một văn bản với sự kiện lịch sử đang nghiên cứu, tài liệu đó sẽ trở nên vô giá trị.

Trong trường hợp đã biết tác giả văn bản, có thể dựa vào hành trạng cá nhân hoặc lịch sử hoạt động của cơ quan để lần tìm về thời điểm sáng tác. Kiểu chữ, văn phong, ngôn từ, chữ huý cũng là căn cứ giúp xác định niên đại nhờ tính thời đại của ngôn ngữ. Theo John Tosh, nhà sử học làm việc với tài liệu viết tay cần phải có chút gì đó giống nhà cổ tự học để xác định liệu chữ viết đó có đúng với địa điểm và thời gian đó không, lại giống với nhà ngữ văn học đánh giá phong cách và ngôn ngữ của một văn bản đáng nghi [19]. Điều này không chỉ đúng với văn bản viết tay mà có thể áp dụng cho mọi nguồn chữ viết. Đối với những văn bản hành chính, nhà sử học có thể trả lời cho câu hỏi về tính xác thực của niên đại tài liệu chỉ bằng cách so sánh văn bản cần nghiên cứu với những văn bản tương tự cùng hoặc khác thời kỳ về thể thức, kiểu chữ, thẩm quyền ban hành,… Văn thư học có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định thời điểm ra đời của thể loại nguồn này. Những ngôn ngữ vay mượn hoặc trích dẫn từ một tài liệu khác cũng là cơ sở để xác định niên đại tương đối của tài liệu; tương tự, nếu văn bản có nhắc tới một sự kiện lịch sử đã biết, thì nó chắc chắn ra đời sau sự kiện đó.

Nghiên cứu phong cách trang trí của tài liệu minh văn (chữ viết trên đá, trên đồng) – thế mạnh của các nhà khảo cổ học lịch sử – sẽ cho biết câu trả lời về niên đại tài liệu. Nhà sử học cũng có thể dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia kỹ thuật, chẳng hạn thử phản ứng hóa học của giấy, mực, để xác định tuổi của văn bản.

Để trả lời cho câu hỏi về địa điểm hình thành sử liệu, hành trạng của tác giả tài liệu hay lịch sử đơn vị có thể cung cấp những manh mối hữu ích. Địa danh học lịch sử và ngôn ngữ học, dân tộc học đặc biệt hữu ích trong khâu đoạn này bởi chúng có khả năng giúp xác định dấu ấn địa phương – chẳng hạn tên đất, tên sông, phong tục tập quán hay phương ngữ – để lại trong văn bản. Bản thân sự hiện diện vật chất của tài liệu cũng nói lên chúng thuộc về không gian nào khi chất liệu giấy, loại mực, kiểu in,… được phân tích nhờ hình pháp học.

Ngay sau khi đã xác định được các yếu tố tác giả, niên đại, địa điểm hình thành văn bản, một câu hỏi được đặt ra tiếp theo: văn bản đó là nguyên gốc hay bản sao, bởi vì ta đang tìm cách trả sử liệu trở về là đúng nó, mà “Tam sao thất bản”: bản sao lại thường không thể hiện độ xác thực hoàn hảo của bản gốc [20]. Quá trình sao chép, dù là chép tay hay in ấn, photocopy,… đều có thể gây ra những lỗi mà các nhà phương pháp luận thường lưỡng phân thành sai lầm cố ý và sai lầm vô ý [21]. Những sai lầm càng tăng lên khi mỗi văn bản đó lại được sử dụng làm bản gốc cho văn bản khác.

Sau khi đã phát hiện các lỗi trong văn bản, nhà nghiên cứu phải tìm cách khôi phục lại văn bản gốc hoặc tìm ra văn bản gần nhất với bản gốc. Đối diện với những khác biệt giữa các bản hiện tồn, các nhà Trung cổ học đã phát triển phương pháp sai lầm chung, đặt bản sao vào mối quan hệ với các bản sao khác. Nếu hai bản sao của một văn bản chứa đựng những lỗi thông thường, chúng có thể được coi là đó được lấy từ một nguồn (hay sao lại những văn bản thế hệ trước). Với cách thức đó, nhà sử học có thể lập cây phả hệ phức tạp của các văn bản; thậm chí nhận diện được đặc điểm của những thế hệ đã mất trong cây phả hệ [22]. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta còn phát triển cách thức tìm mối quan hệ giữa các thế hệ văn bản bằng cách so sánh sự thay đổi kiểu dáng và cổ tự: “Việc so sánh chặt chẽ các văn bản, nhất là chữ viết và cách diễn đạt khác nhau cho phép nhà sử học thiết lập nên mối quan hệ giữa các bản còn lại và tái dựng một bản gần nhất với cách diễn đạt của bản gốc”[23].

Khi đã xác định được văn bản cổ nhất trong phổ hệ ở phạm vi có thể cùng những sai lầm trong đó, nhà sử học có nhiệm vụ khôi phục lại văn bản gốc tưởng tượng. Tuy nhiên, trong quá trình này, nhà sử học dễ rơi vào tình trạng hoàn thiện văn bản bằng cách biên tập lại, tìm cách làm cho ý nghĩa văn bản rõ ràng hơn. Khi đó, “…người biên tập phải căn cứ vào bất cứ sự chính xác nào có tính tương đối với văn bản (cái sau đó được gọi là sự sửa lỗi) hay một cuộc tranh luận tốt (được gọi là sự phỏng đoán). Sự thận trọng như vậy là cần thiết, không chỉ để tôn trọng nguồn gốc, mà còn lưu lại những lỗi của nó. Những lỗi: đánh vần sai, lỗi ngữ pháp, chuyển dịch, thậm chí cả những sự bỏ sót có thể thấy được, là những chứng cứ lịch sử có ý nghĩa, đôi khi về những chuyện chính trị mà cho biết sự hình thành văn bản riêng biệt và luôn luôn niên đại kỹ thuật có liên quan, những tập quán ngôn ngữ, về vị trí của bản thân từ được viết trong nền văn hoá đó. Điều quan trọng căn bản mà nhà biên tập sử học là tạo mọi sự can thiệp rõ rệt tới người đọc, thường thường bằng những phương tiện như chú thích và những lời mở đầu rút gọn. Và tất nhiên, nhà sử học đó phải giới thiệu văn bản với tất cả những thông tin mình có về lịch sử văn bản, mối quan hệ của văn bản với tất cả những gì đã được biết (hay là giả thuyết) văn bản  gốc, những biên tập trước đó của văn bản, nơi sáng tác văn bản, và niên đại của văn bản,…[24]

Việc khôi phục văn bản gốc còn đặt ra trong trường hợp vì lý do nào đó mà văn bản bị khuyết thiếu. Khi đó, người ta có thể sử dụng những biện pháp kỹ thuật cũng như đối chiếu với các tài liệu khác cùng loại, hoặc nguồn khác có đề cập đến nó để tìm ra những chữ, đoạn bị mất.

Cũng như các nguồn khác, nhà nghiên cứu còn phải xác định tính thật giả của sử liệu bởi không có thông tin đáng tin cậy trong một tài liệu giả. Sử dụng tài liệu giả, dù là vì động cơ gì, cũng sẽ dẫn nhà sử học đến những nhận thức sai lầm [25].

Người ta thường phân chia tài liệu giả thành hai loại: giả toàn bộ và giả bộ phận. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng việc xác định giả từng bộ phận mới khó, còn giả toàn bộ thì việc xác định lại dễ dàng hơn. Trái lại, trong thực tế việc xác định những sử liệu được làm giả toàn bộ mới là khó nhất. Nói cách khác, cái giả toàn bộ thường khó phát hiện hơn cái giả từng bộ phận [26].

Để xác định giả toàn bộ, việc nghiên cứu hình thức của tài liệu, từ chất liệu, đến thể thức, ngôn ngữ, kiểu chữ, văn phong, bút tích, loại mực, kiểu in… dựa trên phương pháp hình pháp học sẽ giúp xác định nó có đúng thuộc về thời đại đó, của tác giả đó, ở địa điểm đó hay không. Với văn bản giả bộ phận, việc tìm những yếu tố muộn hay yếu tố “thò” được dựa trên cơ sở tìm ra mâu thuẫn với đặc trưng thời đại, đặc điểm của tác giả, hoặc của địa phương hình thành sử liệu.

John Tosh cho rằng “…, sẽ là sai lầm khi gợi ý rằng các nhà sử học liên tục phát hiện ra những sự giả mạo hoặc họ kiểm tra về mặt phương pháp tính xác thực của mọi tài liệu mà họ gặp. Thủ tục này chắc chắn thích hợp với những nhánh nhất định của lịch sử trung cổ, nơi mà phần lớn có thể dựa vào một hợp đồng đơn lẻ được chứng minh không chắc chắn. Song đối với hầu hết các nhà sử học – và đặc biệt là nhà sử học hiện đại – có rất ít triển vọng cho một khám phá sáng giá. Thời đại của họ có nhiều khả năng để nghiên cứu kỹ một chuỗi mở rộng các bức thư hoặc bản ghi nhớ, để ghi chép những giao dịch nhàm chán hàng ngày, điều mà hiếm có ai quan tâm làm giả. Và trong trường hợp các ghi chép công dưới sự chăm chút của lưu trữ đích thực thì khả năng bị giả mạo là khá nhỏ”[27]. Nhận xét này không phải không có yếu tố hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống những động cơ thúc đẩy việc giả mạo giấy tờ thì thời nào cũng có, và nhà sử học đứng trước bất kỳ một tài liệu viết nào cũng phải đặt ra câu hỏi về tính xác thực và kiểm chứng tính xác thực của nó. Chỉ có điều không phải lúc nào nhà nghiên cứu cũng có được câu trả lời cụ thể, chính xác cho vấn đề này.

Đánh giá độ tin cậy

Giám định tính xác thực của văn bản mới chỉ là bước đầu trong việc đánh giá sử liệu. Nhà nghiên cứu còn phải xác định độ tin cậy của thông tin từ sử liệu ở bước thứ hai của phê phán sử liệu. Nội dung của khâu đoạn này cũng khác biệt tùy quan điểm của nhà sử học.

Sự khác biệt đó, theo chúng tôi chủ yếu là xuất phát từ quan niệm về vấn đề đọc (hay giải mã, phá mã, diễn giải) nội dung sử liệu nói chung của các bên. Tựu chung lại, có hai xu hướng chính, một bên tách việc đọc sử liệu ra khỏi khâu phê phán, trong khi nhóm khác xem đó chính là một nội dung của phê phán bên trong. Có thể thấy J. Topolski là một ví dụ cho xu hướng thứ nhất, khi ông cho rằng: “Nghiên cứu những đặc tính bên ngoài của nguồn (tức là tất cả trừ nội dung những thông tin do các nguồn truyền đạt) cũng như xác định một cách tổng quát sự phê phán bên ngoài – những công việc này có thể xem xét theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Trong trường hợp nghiên cứu một cách rộng rãi công việc này, thì nói đến sự phê phán bên ngoài, cần phải kể cả việc đọc (phá mã) những thông tin chứa đựng trong nguồn, cũng như nghiên cứu bản thân nguồn – theo quan niệm của lý thuyết thông tin, nguồn là kênh thông tin. Theo cách hiểu hẹp hơn thì phê phán bên ngoài chỉ nhằm vào các đặc tính được luật mã (ví dụ như khi xác định ngày tháng trên cơ sở một văn kiện hoặc xác định tác giả trên cơ sở phong cách viết văn). Trong trường hợp này, việc nghiên cứu luật mã lại nằm trong sự phê phán bên ngoài (theo nghĩa đúng đắn). Nhưng ở đây bên ngoài của nguồn được hiểu như là kênh thông tin (và đây là cách hiểu đúng), tức là tách thủ tục đọc thông tin ra khỏi sự phê phán này. Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp là để phân tích những đặc tính bên ngoài của nguồn, cần phải phân tích cho không nói đến việc đọc thông tin”[28]. Có ý kiến xem đọc sử liệu là một trong 4 khâu chủ yếu của quá trình xử lý sử liệu học: Xác định phạm vi của các nguồn sử liệu; Sưu tầm và lựa chọn sử liệu; Đọc sử liệu; và Phê phán sử liệu [29].

Trong khi đó, theo một số nhà phương pháp luận, trước khi tiến hành đánh giá độ tin cậy của sử liệu, cần phải diễn giải nội dung văn bản đó, tức là coi đọc sử liệu là một phần của phê phán bên trong. Nguyễn Thế Anh trên cơ sở tiếp thu lý thuyết sử học phương Tây từ những năm 70 của thế kỷ trước cho rằng: “sử gia đi vào việc lý giải và phân tích cùng giải đáp nghĩa của tài liệu, tức là giải đáp những vấn đề gây nên bởi ngôn ngữ sử dụng (ngôn ngữ biến chuyển trong thời gian và trong không gian), bởi chính nội dung của tài liệu (điều này càng hiển nhiên khi người viết có dụng tâm dấu ý nghĩa của các câu văn); sử gia cũng tìm hiểu về tính chất chính xác của tài liệu, và cuối cùng xác định các sự kiện đặc biệt chứa đựng trong tài liệu”[30]. John Tosh trong ấn bản tương đối gần đây cũng chủ trương cấp độ thứ nhất của phê phán bên trong là diễn giải nội dung của văn bản: “Cứ cho là tác giả, thời gian và địa điểm của tài liệu là như nó được cho là, chúng ta làm gì từ những từ ngữ ở trước mặt? Ở một cấp độ thì đây là câu hỏi về ý nghĩa. Điều này không chỉ đơn thuần liên quan đến việc dịch nghĩa từ một ngôn ngữ cổ hoặc một ngoại ngữ,… Nhà sử học đòi hỏi không chỉ phải thông thạo ngôn ngữ mà phải tinh thông bối cảnh lịch sử, điều sẽ cho biết các từ ngữ trong văn bản thực sự nói gì”[31].

Trên thực tế, việc đọc sử liệu diễn ra trong suốt quá trình làm việc với sử liệu, cũng như suốt quá trình nghiên cứu lịch sử. Nhà sử học phải đọc tất cả những công trình nghiên cứu có liên quan, xem người đi trước đã giải quyết được những vấn đề gì, giải quyết đến đâu, vấn đề gì còn tồn nghi,… để xác định đề tài nghiên cứu của chính mình. Trên cơ sở phạm vi nguồn giới hạn bởi chủ đề, thời gian và không gian nghiên cứu, các tài liệu đến tay nhà sử học đều được đọc, từ đó họ sẽ lựa chọn nguồn phù hợp và loại bỏ những gì không hữu ích. Không thể phát hiện sử liệu mà lại không hề “đọc” chúng. Nội dung văn bản được đọc khi phê phán bên ngoài vì nội dung sử liệu là một cơ sở để xác định tính xác thực. Tuy nhiên, phải đến khâu phê phán bên trong, việc đọc mới được đặt ra một cách chính thức: phải hiểu được nội dung văn bản trước khi đánh giá xem nó có phản ánh đúng sự thật hay không. Chính vì thế chúng tôi tán đồng quan điểm của John Tosh. Trước khi đánh giá độ tin cậy của người thông tin, một nhiệm vụ rất quan trọng của việc xác định độ tin cậy của thông tin sử liệu chính là đọc sử liệu.

Đọc sử liệu cũng đồng nghĩa với việc giải mã văn bản dựa trên các luật mã tâm lý, luật mã dân tộc, luật mã thời đại và luật mã các ký hiệu, bởi mỗi thời đại, mỗi dân tộc,… có dấu ấn riêng của mình. Với sử liệu chữ viết, có hai cách giải thích văn bản là trực giải (giải thích từng hàng theo thứ tự trong tài liệu) và suy luận (giải thích theo các vấn đề chính, theo các trọng tâm của tài liệu)[32]. Mục đích của sự giải thích là để làm sáng tỏ tài liệu, trong đó đòi hỏi: (1) Định nghĩa chính xác các nhân danh, địa danh, các từ ngữ có tính cách kỹ thuật hay chỉ định những định chế…; (2) Làm sáng tỏ các biến cố lịch sử được ám chỉ đến trong tài liệu sẽ cho phép hiểu rõ bản văn; (3) Giải thích rõ thêm những dụng ngữ ngoài mặt có vẻ tầm thường và mập mờ thường được chứa đựng trong các trong các đạo luật, các bản hiến pháp, các bài diễn văn; (4) Phê bình (nếu cần) các lời nói của tác giả [33]. Ở quá trình này, việc nắm bắt được bối cảnh lịch sử đặc biệt có ý nghĩa giúp nhà sử học hiểu thấu đáo được nội dung văn bản.

Ở cấp độ cao hơn – vốn đạt được sự thống nhất giữa các nhà phương pháp luận – là xác định xem các thông tin trong văn bản đó đáng tin cậy đến đâu: “một khi nhà sử học đã chìm đắm trong các nguồn ở thời đại của chúng và nắm được các khuynh hướng mang tính đặc tính của cách diễn đạt và từ vựng kỹ thuật đúng, các vấn đề về ý nghĩa thường có xu hướng ít khiến họ lo lắng hơn. Nhưng nội dung của một tài liệu lại gợi ra một câu hỏi xa hơn, dứt khoát hơn nhiều: nó có đáng tin cậy không? Không một nguồn nào có thể được dùng để tái dựng lịch sử cho đến khi sự đánh giá nào đó về vị trí của nó với tư cách là bằng chứng lịch sử được thực hiện. Câu hỏi này vượt khỏi phạm vi của bất cứ kỹ thuật lệ thuộc nào, chẳng hạn như cổ tự học hoặc văn thư học. Trả lời nó đòi hỏi thay vì tri thức về bối cảnh lịch sử và một sự hiểu biết sâu sắc bản chất con người. Ở đây, nhà sử học dựa vào chính mình”[34]. Có thể nói, nếu như cấp độ trước nhằm mục đích nắm bắt nội dung văn bản, thì ở cấp độ này là để hiểu “sự thật”/sự kiện/biến cố được phản ánh trong sử liệu ấy.

Đánh giá độ tin cậy của sử liệu viết thực chất là đánh giá độ tin cậy của tác giả tài liệu. Nhà nghiên cứu phải đi vào hàng loạt các câu hỏi về chỗ đứng của người viết, rằng ông ta có mối liên hệ thế nào với sự kiện được ghi chép; về lập trường quan điểm, hệ giá trị; về năng lực,… của tác giả. Nếu do người trong cuộc viết ra, chúng ta cần phải tìm hiểu: Liệu vị trí họ đứng có khả năng đưa ra một mô tả đáng tin không; Tác giả tài liệu có thực sự hiện diện ở đó, có ở trạng thái chú tâm tới sự kiện không; Việc ghi chép được thực hiện ngay khi diễn ra sự kiện, hay được ghi chép rất lâu sau đó – khi trí nhớ của người viết đã bị bào mòn bởi tuổi tác và những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời; hoặc khả năng nhận thức của người viết khi sự kiện xảy ra…? Với những ghi chép của người không tận mắt chứng kiến, việc họ dựa trên những nguồn nào để biên soạn hoặc có am hiểu về lĩnh vực đó hay không là những câu hỏi có ý nghĩa.

Trên hết, định kiến và động cơ của tác giả thường được cho là các yếu tố tác động nhiều nhất đến độ đáng tin cậy của một nguồn. Theo nghĩa nào đó, những nguồn mang tính chủ đích cao, chẳng hạn những tài liệu viết cho hậu thế đặc biệt đáng ngờ vì chúng có động cơ để bị bóp méo sự thật. Định kiến có thể nằm ở bất kỳ dạng nguồn nào, một cách ngấm ngầm hoặc rõ ràng. Những nguồn tưởng chừng mang tính ngẫu nhiên nhất như nhật ký vẫn có thể là để bảo vệ lòng tự trọng và bao biện cho động cơ của người viết. Một bản tường thuật trực tiếp lại điều được nghe, nhìn, hoặc nói có thể vô thức hoặc chủ ý bộc lộ định kiến ngầm của tác giả với mong muốn làm hài lòng hay lôi kéo người nghe. Với người ngoài cuộc, “thoạt nhìn có vẻ khách quan hơn trong việc ghi lại sự kiện, song “những giả định và các khuôn mẫu mang giới hạn văn hóa được chia sẻ bởi hầu như tất cả các trí thức lúc bấy giờ đòi hỏi sự đánh giá đặc biệt cẩn trọng. Đối với nhà sử học nghiên cứu các xã hội tiền chữ viết như châu Phi nhiệt đới thế kỷ XIX thì những mô tả đương thời của các nhà du thám châu Âu là một nguồn rất quan trọng, song hầu như tất cả chúng đều được tô màu bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và xu hướng giật gân… Các tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch và nhà thơ cũng có nhiều định kiến như bất kỳ ai khác, và điều này cần phải tính đến khi trích dẫn tác phẩm của họ làm bằng chứng lịch sử”[35]. Vì vậy, khó có thể nói tài liệu của người trong cuộc đáng tin hơn người ngoài cuộc; văn chương đáng tin cậy hơn; nguồn tận mắt chứng kiến đáng tin cậy hơn,… Và xác định bản chất của tài liệu và cách nó đến thời đại chúng ta là đã bắt đầu xác định giá trị của nó [36].

Phát hiện ra những định kiến của người viết, tuy vậy, không phải để loại bỏ mà là để sử dụng chúng phục vụ nghiên cứu. Chắc chắn, bản thân sự thiên vị mang ý nghĩa về mặt lịch sử [37]. Do đó, việc đánh giá độ tin cậy của nguồn sử liệu không giống với việc kiểm tra chéo bằng chứng trong một phiên tòa. Cả hai đều kiểm tra độ tin cậy của lời chứng, song với phiên tòa chỉ có một sự thật còn với các nguồn sử liệu thì tồn tại nhiều sự thật nằm dưới một văn bản. Một bản địa bạ với những thông tin ruộng đất sai lệch lại hé mở sự thật về tình trạng ẩn lậu ruộng đất ở làng Việt trước kia khi lần tìm lai lịch của văn bản: quá trình hình thành, động cơ,… Như vậy, có thể nói rằng dưới góc độ sử liệu học không có khái niệm sử liệu giả. Giả hay thật, đáng tin cậy hay không lại tùy thuộc từng góc nhìn, từng vấn đề nghiên cứu.

Dù xác định độ tin cậy của nguồn sử liệu không hề đơn giản, người ta vẫn có thể áp dụng một số quy tắc tổng quát cho phép xác định độ tin cậy của tài liệu: tài liệu ghi chép càng gần với thời điểm biến cố mà nó tường thuật xẩy ra thì càng chính xác; tác giả tài liệu càng chân thành trong ý định duy nhất là ghi chép sự kiện thì tài liệu càng đáng tin cậy; tài liệu càng riêng tư bao nhiêu thì nội dung của nó càng ít bị thêu dệt hoặc che giấu hơn; tác giả càng có am tường về vấn đề tường thuật thì tài liệu đó càng đáng tin cậy hơn [38].

3. Một số điểm đáng lưu ý

Nguồn chữ viết trên thực tế lại bao hàm vô số tiểu loại. Không kể đến sự đa dạng về mặt chất liệu, chỉ tính riêng văn bản trên giấy cũng có thể phân chia thành nguồn sơ cấp – thứ cấp; ấn bản và phi ấn bản; nguồn được sản sinh ra bởi chính quyền – nguồn được sản sinh bởi các tổ chức, các hội và các cá nhân; hoặc hương ước, thần tích, sắc phong, chính sử, địa chí, địa bạ, hồi ký, tiểu thuyết, thơ,… tùy cách tiếp cận. Do đó, việc đánh giá sử liệu viết ở trên vẫn chỉ mang tính nguyên tắc chung. Đặc trưng riêng của mỗi loại nguồn đòi hỏi phải có cách thức xử lý khác biệt. Ở từng trường hợp cụ thể, nhà nghiên cứu cần có sự vận dụng linh họat mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Cũng cần lưu ý đến tính tương đối của bản thân khái niệm nguồn chữ viết. Điều này trước hết liên quan đến tính ước lệ rất dễ nhận thấy trong cách phân loại nguồn. Chữ viết trên đá, chữ viết trên đồng (hay tài liệu minh văn) cùng lúc có thể được xem là sử liệu viết và sử liệu vật thực. Hơn nữa, xét cho cùng tất cả các dạng nguồn khác đều có thể chuyển thành nguồn thành văn nhờ quá trình ghi chép lại, hoặc mô tả lại [39], vì thế quá trình đánh giá sử liệu đòi hỏi nhà sử học cẩn trọng để có thể áp dụng những phương pháp phê phán cần thiết. Rõ ràng là khi sử dụng các tập sách như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh – vốn dựa trên những câu chuyện dân gian lưu truyền từ trước hay những văn bản chép truyền thuyết Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh hay Mỵ Châu – Trọng Thủy,… nhà sử học không thể chỉ coi chúng là nguồn chữ viết, mà còn phải áp dụng những phương pháp đánh giá truyền thống truyền miệng. Bản gỡ băng ghi âm của một cuộc phỏng vấn theo phương pháp lịch sử truyền miệng sẽ không hẳn là nguồn chữ viết, mà còn là nguồn lịch sử truyền miệng vốn có những phương pháp xử lý sử liệu học chuyên biệt.

Thứ nữa là tính hồi tiếp giữa các nguồn sử liệu – hay tính không hoàn toàn độc lập của các nguồn. Đây là khái niệm được D. Henige – người đã dành sự quan tâm mạnh mẽ nhất tới sự cung cấp của tài liệu viết trong các truyền thống truyền miệng – đưa ra để chỉ quá trình vay mượn giữa các nguồn tài liệu [40]. Jan Vansina khi nghiên cứu các truyền thống truyền miệng cũng lưu ý rằng nhà sử học nên ý thức về những sự lan truyền hòa trộn có thể có và những sự vay mượn giữa các nguồn với nhau [41]. Như vậy, nguồn chữ viết có thể bao hàm trong nó các yếu tố vật thực, truyền miệng,… cũng như ngược lại. Việc xử lý sử liệu học đối với tài liệu khi đó theo phương pháp phê phán sử liệu viết, tài liệu ghi âm, hay tài liệu miệng cũng không phải là câu hỏi dễ gì giải đáp thỏa đáng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007.
2.      J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968.
3.      Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985.
4.      John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, Revised third edition, 2002.
5.      Martha Howell & Walter Frevenier, From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods, 2002, Bản dịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6.      Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974.
7.      Phạm Xuân Hằng, Vấn đề xử lý sử liệu học đối với tài liệu chữ viết, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 1, 1996.

Chú thích
[1] Hai trong số những cách phân chia thông dụng nhất là: (1) nguồn thành văn và không thành văn; (2) nguồn vật thực, nguồn chữ viết và nguồn truyền miệng. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, một số nguồn mới được sản sinh và nhìn chung được đưa vào hệ thống phân loại cũ bằng hai cách: gia nhập vào các loại hình có sẵn hoặc kéo dài danh sách các loại nguồn.
[2] Martha Howell & Walter Frevenier, From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods, 2002, Bản dịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 46.
[3] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 49.
[4] Theo Topolski, việc lưỡng phân nguồn thành nguồn thành văn và không thành văn “mà chúng tôi gọi là khoa học về nguồn lưu ý đến tầm quan trọng lớn lao (đối với các nhà sử học theo nghĩa chính xác nhất) của các nguồn thành văn. Tiêu chuẩn phân loại là sự tồn tại của bản chữ viết. Không cần phải nhấn mạnh rằng, phần lớn các lý giải của chúng ta trước đây về cái gọi là những khoa học hỗ trợ cho sử học đều liên quan với việc nghiên cứu văn tự (cổ văn học, tân văn học)” (Xem J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968, tr. 89.
[5] P. Irwin, Người Liptako lên tiếng, tr. 164. Dẫn theo Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 199.
[6] D. E. L. Haynes, An Archeological and Historical Guide, tr. 143. Dẫn theo Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 194.
[7] Người sao chép [copyist] có thể thêm vào hoặc loại bỏ khỏi thông điệp gốc một sự diễn giải khác, nhưng thậm chí ở đó tổng số các sự diễn giải kết thúc ở thời điểm viết. Xem John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 195.
[8] Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 193-194.
[9] Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 194.
[10] Martha Howell & Walter Frevenier, From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods, 2002, Bản dịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 24.
[11] Marc Bloch, The Historian’s Craft, Manchester University Press, 1954, tr. 86.
[12] Hà Văn Tấn, Về mối liên hệ giữa văn bản học và sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 209.
[13] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 86.
[14] J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968, tr. 124-125.
[15] Phạm Xuân Hằng, Vấn đề xử lý sử liệu học đối với tài liệu chữ viết, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 1, 1996. Mặc dù đề xuất đến khái niệm phê phán phân tích và phê phán tổng hợp thay cho phê phán bên ngoài và phê phán bên trong mang tính quy ước, quan niệm của ông về mục đích của khâu đoạn thứ nhất này không hề khác biệt với các nhà phương pháp luận khác: “xét đến cùng, mục đích của việc phê phán phân tích là nhằm trả sử liệu về với chính nó”.
[16] J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968, tr. 127.
[17] Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 153.
[18] Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 153.
[19] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 89.
[20] Martha Howell & Walter Frevenier, From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods, 2002, Bản dịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 46.
[21] Trước khi phát minh ra in ấn vào thế kỷ 15, cách thức duy nhất để nhân rộng và phổ biến tài liệu viết là chép tay. Sai lầm vô ý có thể diễn ra trong quá trình này bởi việc đọc nhầm, nghe nhầm, viết nhầm, hiểu nhầm ý nghĩa. Các phương tiện kỹ thuật hay công nghệ hiện đại như máy photocopy, máy fax, băng từ, quá trình số hóa của thời đại chúng ta hôm nay cũng không giúp tránh khỏi những sai lầm vô thức trong quá trình sao chép, do trên thực tế các quá trình đó “thường không hoàn hảo bởi vì những thất bại kỹ thuật không định liệu được”. Tương tự, sai lầm cố ý được tìm thấy cả trong bản chép tay lẫn bản in với những sự sửa lỗi có chủ định đối với một văn bản gốc hay những nỗ lực có ý thức để thay đổi ý nghĩa bằng việc cắt gọt hay thêm thắt vào văn bản gốc. GS. Hà Văn Tất đưa ra thêm một loại sai lầm trung gian – sai lầm do hiểu lại. Xem thêm Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 162.
[22] Hà Văn Tấn cho rằng thuyết này qua áp dụng nhiều khi tỏ ra máy móc, hiệu quả không cao. Xem Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 161.
[23] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 90.
[24] Martha Howell & Walter Frevenier, From Reliable Sources: An Introduction to Historical Methods, 2002, Bản dịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 48.
[25] Vấn đề thật/giả của một nguồn sử liệu, tuy vậy, lại chỉ mang tính tương đối: tài liệu giả lại là thật khi trở thành sử liệu để phục vụ một đề tài cụ thể.
[26] Hà Văn Tấn, Một số vấn đề về sử liệu học, in trong Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 157.
[27] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 89.
[28] J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968, tr. 121-122.
[29] Phạm Xuân Hằng, Vấn đề xử lý sử liệu học đối với tài liệu chữ viết, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 1, 1996, tr. 57-63.
[30] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 54.
[31] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 90-91.
[32] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 90.
[33] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 90.
[34] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 91.
[35] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 93.
[36] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 89.
[37] John Tosh, The Pursuit of History: Aims, Methods and new Directions in the Study of Modern History, revised third edition, 2002, tr. 94.
[38] Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn, 1974, tr. 54-55.
[39] J. Levewel trong Historyka (1815) mặc dù chia các nguồn lịch sử thành: các truyền thống (những thông tin truyền miệng); những nguồn không được viết ra (những di tích câm) và những nguồn thành văn, song cũng lưu ý rằng hai nhóm đều có thể chuyển thành nguồn thành văn (viết báo cáo, ghi lại các nguồn vật chất). Dẫn theo J. Topolski, Phương pháp luận sử học, Tập II, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1968, tr. 84.
[40] D. Henige, Oral Historiography, tr. 80-87. Dẫn theo Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 156.
[41] Jan Vansina, Oral Tradition as History, First Pubished, James Currey (London) and Heinemann Kenya (Nairobi) Press, 1985, tr. 156-157.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 18-02-2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây