Về cơ chế hai chính quyền cùng song song tồn tại trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản (PGS. TS Nguyễn Văn Kim)

Thứ năm - 10/08/2023 21:22
Điều cần chú ý là, trong khi những mô hình nhà nước kiểu “thể chế lưỡng đầu” dường như có những biểu hiện tương đối giống nhau về hình thức thì giữa chúng lại rất khác nhau về thời gian và điều kiện xuất hiện
 
VỀ CƠ CHẾ HAI CHÍNH QUYỀN CÙNG SONG SONG TỒN TẠI TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN
 
PGS.TS Nguyễn Văn Kim
 
I. Không chỉ riêng Việt Nam và Nhật Bản, trong lịch sử thế giới, cơ chế hai chính quyền cùng song song tồn tại (hay còn gọi là lưỡng đầu chế) cũng đã xuất hiện và xuất hiện rất sớm.

Người ta từng biết, trong lịch sử Hi Lạp cổ đại, nhà nước Sparta (thế kỉ IX – VI TCN) đã được điều hành bởi hai vua. Trên danh nghĩa, hai vua có quyền ngang nhau, vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là thủ lĩnh quân sự, vừa là người nắm thế lực tôn giáo và cũng đồng thời là những người có quyền định đoạt về tư pháp. Sự tồn tại của hai vua với tư cách là thành viên của Hội đồng trưởng lão, cơ quan có quyền lực cao nhất, là những biểu hiện sinh động về “tính chất dân chủ” của loại hình nhà nước cộng hoà quý tộc(1). Nhà nước này vẫn còn thấy ngưng đọng trong thiết chế chính trị của nó những dấu ấn cổ sơ của xã hội công xã – thành bang.

Ở phương Đông, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, cũng đã xuất hiện một số mô hình nhà nước do đồng thời hai hay nhiều người nắm quyền. Đối với lịch sử Việt Nam, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào đầu những năm 40 có thể coi là một trường hợp tiêu biểu. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã được các quan lang, phụ đạo và đông đảo nhân dân (trong đó có nhiều phụ nữ và nữ tướng) tham gia ủng hộ. Sử xưa chép lại rằng, uy lực của Hai Bà rất lớn. “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 56 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”(2). Tuy chính quyền của Trưng Trắc và Trưng Nhị chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng nó đã đặt nền cho một truyền thống quật cường, bất khuất, một khả năng và bản lĩnh nắm quyền của phụ nữ Việt Nam.

Chúng ta có thể chọn tìm ra một số ví dụ khác nữa trong lịch sử lâu dài của các nhà nước cả ở phương Đông và phương Tây về sự hiện diện của cơ chế hai chính quyền. Trên thực tế, những biến thể của cơ chế chính trị này rất đa dạng và phức tạp. Có tác giả còn cho rằng, chế độ thái thượng hoàng tồn tại trong lịch sử Việt Nam và nhiều dân tộc châu Á khác, cũng là một loại hình về tính cách nhị nguyên của thể chế lưỡng đầu(3). Theo tôi, đó chỉ là một cơ chế giám hộ của vua (bố) đối với vua (con), của một người giàu kinh nghiệm đối với một người chưa hoặc còn ít kinh nghiệm trong việc xử lí những vấn đề chính trị phức tạp nơi triều chính, nhằm bảo đảm vững chắc quyền thế tập.

Điều cần chú ý là, trong khi những mô hình nhà nước kiểu “thể chế lưỡng đầu” dường như có những biểu hiện tương đối giống nhau về hình thức thì giữa chúng lại rất khác nhau về thời gian và điều kiện xuất hiện; về bản chất, chức năng, cơ chế vận hành và đặc biệt là những hệ quả lịch sử, xã hội mà mỗi thiết chế đem lại.

Vào thời phong kiến, trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản cũng đã từng xuất hiện những mô hình chính quyền như thế. Ở Việt Nam, trong các bài viết của mình một số tác giả đã đưa ra những liên hệ với thiết chế chính trị của Nhật Bản thời phong kiến. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra thường chỉ được trình bày như những định đề lịch sử mà chưa có sự lí giải, phân tích cụ thể. Từ những ý kiến tập hợp được, chúng ta có thể chia ra làm ba nhóm quan điểm khác nhau: Thứ nhất, một số tác giả cho rằng cơ chế chính trị hai cực mà người ta quen gọi là “lưỡng đầu chế” của triều đình Thiên hoàng và Mạc phủ ở Nhật Bản cũng tương tự như chế độ vua Lê – chúa Trịnh ở Việt Nam. Thứ hai, chính quyền Lê – Trịnh và chế độ Thiên hoàng – tướng quân hoàn toàn khác biệt nhau. Và, thứ ba: sự tồn tại của đồng thời hai chính quyền như vậy trong cùng một nhà nước không gì khác hơn là biểu hiện tiêu biểu của chế độ phong kiến phân quyền…

Theo tôi, cơ chế chính trị kiểu “chính quyền kép” hay “song trùng lãnh đạo” ở Việt Nam và Nhật Bản có thể thuộc về một trong hai mô hình cơ bản sau:

1. Ở mô hình thứ nhất, quyền lực chính trị và kinh tế luôn nằm trong tay giới quân sự còn triều đình, đội ngũ quan lại quý tộc đông đảo cùng bộ máy hành chính quan liêu của nó là hình thức, hư vị và chỉ có vai trò nhất định trong một số hoạt động có tính chất biểu tượng, nghi lễ mà thôi.

2. Đối với mô hình thứ hai, mặc dù quyền lực được tập trung trong tay giới tướng lĩnh quân sự nhưng trên nhiều phương diện, hai thế lực phong kiến vẫn có chung một mục tiêu và lợi ích giai cấp. Cả hai đều phải dựa vào nhau, cùng chia sẻ những đặc quyền chính trị, kinh tế và như vậy, trên thực tế đó là một chế độ cộng trị.

Từ chỗ cố gắng phác hoạ cơ chế của hai mô hình nhà nước đó, chúng ta cũng phải lưu ý rằng, trong lịch sử Việt Nam và nhiều dân tộc phương Đông, do nhu cầu thuỷ lợi và chống giặc ngoại xâm mà nhà nước đã xuất hiện sớm. Đó là loại hình nhà nước kiểu châu Á. Trong loại hình nhà nước đó, đặc biệt là đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, thì truyền thống chính trị quân chủ tập quyền luôn giữ vai trò chủ đạo. Uy lực của người đứng đầu nhà nước có vị trí tối thượng, chi phối mọi hoạt động trong đời sống chính trị, xã hội của mỗi quốc gia.

Rõ ràng là, đã đến lúc cần phải tập trung đi sâu nghiên cứu hơn nữa lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc để rồi trên cơ sở đó, với một cái nhìn so sánh qua một hệ tiêu chí chuẩn, chúng ta mới có thể rút ra những kết luận xác đáng, có sức thuyết phục về diễn trình và bản chất phát triển cùng những điểm tương đồng, dị biệt trong lịch sử – chính trị của các quốc gia và toàn bộ khu vực. Với cách nhìn nhận đó, bài viết này sẽ cố gắng trình bày một số suy nghĩ ban đầu về nguyên nhân, sự vận hành và hệ quả xã hội chủ yếu của cơ chế hai chính quyền từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản. Là sản phẩm của lịch sử nhưng sau khi ra đời cơ chế đó đã tác động trở lại đối với tiến trình phát triển của mỗi dân tộc. Với một góc nhìn từ lịch sử Việt Nam và cũng vì sự tương ứng tồn tại của hai thiết chế, bài viết cũng sẽ chỉ tập trung vào giai đoạn thế kỉ XVI – XVIII trong lịch sử hai nước mà thôi.

II. Về mặt thời gian, vào thời phong kiến, cơ chế chính trị gồm hai chính quyền trong lịch sử Nhật Bản xuất hiện sớm hơn chế độ vua Lê – chúa Trịnh ở Việt Nam khoảng hơn 4 thế kỉ. Và cơ chế đó cũng tồn tại lâu dài hơn, từ năm 1185 (hay 1192) cho đến khi tướng quân cuối cùng của Mạc phủ Tokugawa là Keiki (1866-1868) phải tuyên bố trao trả toàn bộ quyền lực chính trị và đất đai cho Minh Trị Thiên hoàng. Tức là, ở Nhật Bản chế độ Mạc phủ đã tồn tại cùng với hoàng triều gần như liên tục 683 năm trong khi đó chế độ vua Lê – chúa Trịnh ở Việt Nam “chỉ” duy trì được quyền lực của mình trong 241 năm. Niên đại này tính từ khi Trịnh Kiểm (1545 – 1569) thay Nguyễn Kim (1533 – 1545) nắm binh quyền vào năm 1545 cho đến lúc nhà Trịnh bị Tây Sơn tiêu diệt năm 1786.

Như vậy là, so với thời gian cầm quyền của thiết chế Lê – Trịnh thì sự tồn tại của hệ thống Tenno –Shogun ở Nhật Bản kéo dài gần gấp ba lần. Trên bình diện quốc tế, thế kỉ XVI – XVII là thời kì hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự xuất hiện của các nước tư bản phương Tây với chính sách bành trướng của nó là thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia phong kiến phương Đông. Trong điều kiện hai nước Việt Nam và Nhật Bản luôn phải đương đầu với những vấn đề đối nội, đối ngoại phức tạp thì sự hiện diện của cơ chế song trùng lãnh đạo đồng thời là quá trình thử nghiệm sức mạnh, tính hiệu quả cũng như năng lực thích ứng với điều kiện cụ thể của nền chính trị mỗi nước. Sự tồn tại của cơ chế chính trị độc đáo đó, cả ở Việt Nam và Nhật Bản, có những căn nguyên lịch sử, lô-gíc phát triển và hiển nhiên không tránh khỏi những hạn chế căn bản của nó.

Từ thế kỉ X, do sự suy yếu của chính quyền trung ương mà quyền quản lí các địa phương ngày càng tập trung vào tay những thủ lĩnh quân sự, hào tộc có thế lực. Từ việc thành lập các nhóm vũ trang riêng biệt, để bảo vệ mình và lấn chiếm đất đai, nhiều thủ lĩnh đã ra sức xây dựng lực lượng quân đội riêng. Đến thế kỉ XI, các võ sĩ đoàn (bushi dan) đã lần lượt xuất hiện và lực lượng võ sĩ sớm trở thành đẳng cấp trung tâm của xã hội. Giới quân sự không chỉ nắm giữ binh quyền mà còn có ảnh hưởng mạnh đối với các vấn đề chính trị, kinh tế ở địa phương. Cùng với những biến chuyển của xã hội, samurai ngày càng được coi là một đẳng cấp có chí khí, là chuẩn mực về đạo đức, có kỉ luật và hết mực trung thành.

Từ các địa phương, thế lực của các tập đoàn võ sĩ ngày một có uy thế đối với chính quyền trung ương. Sự hiện diện của đẳng cấp võ sĩ trên chính trường Nhật Bản là hệ quả của một quá trình phát triển lâu dài qua nhiều thế kỉ. Dưới danh nghĩa bảo vệ quyền lợi cho những quý tộc triều đình, một số võ sĩ đoàn đã đe doạ trực tiếp sự tồn tại của hoàng gia. Nhằm ngăn chặn nguy cơ tiếm quyền của những võ sĩ đoàn có thế lực lớn, triều đình đành phải nhờ cậy đến sự hậu thuẫn của các tập đoàn võ sĩ tin cẩn. Hệ quả là, sự phụ thuộc của chính quyền trung ương vào lực lượng võ sĩ ngày càng sâu sắc. Quyền lực thực tế ở Nhật Bản từng bước lọt dần vào tay các võ soái (bushi no toryo).

Đến cuối thế kỉ XII, sau khi tiêu diệt được tập đoàn quân phiệt Taira, Minamoto Yoritomo (1147 – 1199) đã kéo quân về Kamakura, một thành thị nhỏ ven biển miền Đông thuộc đồng bằng Kanto để thành lập chính quyền độc lập. Thắng lợi của Minamoto trước họ Taira trong cuộc chiến tranh Gempei (1180 – 1185) “đã tạo ra những khả năng rộng lớn cho việc thiết lập vị thế mới trong quyền lãnh đạo đất nước thuộc về giới võ sĩ, từ đó dẫn đến nền thống trị quân sự có tính chất quốc gia đầu tiên của Yoritomo”(4). Và 7 năm sau, tự thấy không thể duy trì địa vị chính trị như trước, Thiêng hoàng Nhật Bản đã phong cho người đứng đầu chính quyền Kamakura cương vị Sei-i tai shogun (Chinh di đại tướng quân), chính thức thừa nhận địa vị chính trị hợp pháp của Yoritomo với tư cách là người chỉ huy cao nhất về quân sự.

Việc chính quyền Kamakura nắm được quyền lực thực tế ở Nhật Bản là sự thể hiện sức mạnh của giới võ sĩ địa phương, thế suy yếu của chính quyền trung ương đồng thời cũng phản ánh quy luật phát triển của lịch sử. Đến cuối thế kỉ XII, Nhật Bản cần phải có một chính quyền quân sự mạnh để vừa có thể duy trì địa vị của hoàng triều, bảo đảm quyền lực cho đẳng cấp võ sĩ vừa phải xác lập lại nền thống nhất dân tộc. Như vậy là, sau nhiều thế kỉ vận động, một mô hình chính quyền trung ương tập quyền kiểu quý tộc – dân sự nhà Đường (618 – 907) đã không thể phát triển ở Nhật Bản. Mặc dù triều đình quý tộc đã duy trì được địa vị của mình qua thời kì Nara (710 – 794) và Heian (794 – 1185) nhưng cuối cùng nó đã để mất thực quyền về tay giới quân sự. Cũng cần phải nói thêm là, chính quyền quân sự ở Nhật Bản được thiết lập trong điều kiện thiết chế chính trị nước này chưa từng trải qua quá trình phát triển tập quyền và thích ứng với công việc quản lí trên quy mô lớn. Kể từ sau cải cách Taika từ giữa thế kỉ thứ VII, uy lực của chính quyền trung ương nhìn chung chỉ có ảnh hưởng mạnh ở vùng đồng bằng Kansai, miền Tây Nhật Bản. Còn các khu vực khác, trên thực tế chỉ là sự thần thuộc hình thức mà thôi. Do đó, việc chính quyền Kamakura được thiết lập là sự khẳng định sức mạnh và thế đi lên của đẳng cấp võ sĩ trong xã hội Nhật Bản. Giới quý tộc không thể tiếp tục duy trì đặc quyền cố hữu của mình hơn nữa. Lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, với một bộ máy quân sự phong kiến mạnh, chính quyền trung ương đã có thể vươn tới quản lí các địa phương(5). Mạc phủ Kamakura đã mở ra một thời kì nắm quyền lãnh đạo của thế lực võ sĩ trong lịch sử Nhật Bản với ba giai đoạn: Kamakura (1185 – 1333), Muromachi (1336 – 1590) và Tokugawa (1600 – 1868).

Trong khi đó, quá trình vươn lên giành đoạt quyền lực của nhà Trịnh có nhiều điểm khác biệt. Đến thế kỉ XVI, lịch sử Việt Nam đã từng trải qua ba triều đại với ba chính quyền trung ương tập quyền, gồm: nhà Lí (1010 – 1225), nhà Trần (1226 – 1400) và thời Lê sơ (1428 – 1527), với mức độ tập quyền ngày càng cao. Vào thời Lê sơ, nhất là thời kì Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Đại Việt đã trở thành một quốc gia cường thịnh ở Đông Nam Á. Quyền lực của chính quyền trung ương đều nằm trong tay hoàng đế. Với một cơ chế tập quyền như vậy thì mọi sự thay đổi của ngai vàng đều có khả năng dẫn đến sự thay đổi của hàng loạt những chính sách mà các vị quân vương trước đó đã thực thi, thậm chí có thể làm rung chuyển cả một thể chế (6).

Sau khi Lê Thánh Tông qua đời, thiết chế chính trị nhà Lê đã sớm bộc lộ những mâu thuẫn và hạn chế của nó. Trong khi đó, các hoàng đế kế nhiệm như: Lê Hiến Tông (1497 – 1504), Lê Uy Mục (1505 – 1509), Lê Tương Dực (1509 – 1516)… đều không thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu ngõ hầu đưa đất nước tiếp tục phát triển. Cơ chế tập quyền mà các hoàng đế thời Lê sơ dày công xây dựng đứng trước nguy cơ phân rã. Vận nước ngày càng suy yếu và rồi cuối cùng vào năm 1527 nhà Lê đã để lọt vương quyền vào tay võ tướng Mạc Đăng Dung (1527 – 1529), đại diện cho một dòng họ phát tích từ vùng đồng bằng ven biển.

Trong 65 năm cầm quyền, nhà Mạc đã cố gắng thực thi một số chính sách kinh tế – xã hội mang yếu tố tiến bộ nhưng hành động tiếm quyền của Mạc Đăng Dung cũng như đường lối đối ngoại nhu nhược, đi ngược lại quyền lợi dân tộc của nhà Mạc đã khiến triều đại này sớm rơi vào tình thế cô lập. Nhân đó, dưới ngọn cờ “Phù Lê, diệt Mạc” lực lượng của Nguyễn Kim (1533 – 1545), Trịnh Kiểm (1545 – 1569) rồi Trịnh Tùng (1570 – 1623) đã từng bước tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều lực lượng xã hội trong đó bao gồm cả các cựu thần nhà Lê và giới trí thức Nho giáo, những người được coi là có uy vọng và lấy tư tưởng trung quân làm căn bản. Lợi dụng tâm lí xã hội đang cần một cuộc cải biến chính trị nhằm sớm đưa đất nước đi vào thế phát triển ổn định, các tướng họ Trịnh đã không ngừng đề cao công lao và địa vị tôn quý của nhà Lê. Thêm vào đó, nhờ tài thao lược quân sự, thế lực của nhà Trịnh ngày càng lớn mạnh và đến năm 1592, quân Nam triều đã giành được thắng lợi quyết định, đẩy được quân Mạc ra khỏi kinh thành Thăng Long, trung tâm chính trị đất nước.

Như vậy là, việc vươn lên nắm quyền của nhà Trịnh thực chất là một cuộc giành đoạt quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến. Không vượt qua được những hạn chế lịch sử và sự khủng hoảng thời kì hậu Lê Thánh Tông, nhà Mạc đã tiếm quyền vua Lê và rồi nhà Trịnh lại lật đổ nhà Mạc. Sự hiện diện của chính quyền Trịnh bên cạnh triều đình vua Lê là một hiện tượng dị biệt trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên, sau hơn 5 thế kỉ có khuynh huớng phát triển tập quyền, trong những điều kiện lịch sử riêng biệt, chính quyền phong kiến trung ương lại tạo ra một biến thể mới với cơ chế phân chia quyền lực. Hai chính quyền này, ít nhất về hình thức, là đại diện của hai dòng họ, hai tập đoàn phong kiến, không có cùng quan hệ máu thịt và cùng nhau điều hành một bộ máy chung như trường hợp Hai Bà Trưng những năm 40 – 43, hay anh em Ngô Xương Văn – Ngô Xương Ngập, con của danh tướng Ngô Quyền, đồng xưng vương vào thế kỉ X (950 – 954).

Trong bối cảnh chính trị hết sức phức tạp đó, suốt 241 năm phủ chúa đã duy trì được vị thế của mình dưới danh nghĩa là thần tử của vua Lê. Ở một đất nước có truyền thống tập quyền như Việt Nam và thiết chế chính trị bắt đầu chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo thì sự tồn tại của phủ chúa không những không trái với “lẽ trời” mà còn bảo đảm được nguyên tắc trong quan hệ vua – tôi, phù hợp với đạo đức và quan niệm xã hội thời bấy giờ. Những thắng lợi quân sự to lớn cũng như công lao tái dựng vương triều Lê, tự nó cũng tạo nên hàng rào bảo vệ cho sự tồn tại hợp thức của chính quyền Trịnh. Trên nhiều phương diện, phủ chúa được thiết lập là một cơ chế bổ khuyết cho ngôi vị của nhà Lê. Phủ chúa vừa kiềm toả ảnh hưởng của triều đình nhà Lê vừa thay thế địa vị thực tế của vua Lê, một triều đại đã suy yếu không còn đủ năng lực nắm giữ vị trí trung tâm chính trị đất nước được nữa. Sự hiện diện của Vương phủ là phù hợp với điều kiện và khuynh hướng phát triển chính trị cũng như vị thế của nhà nước Đại Việt trong bối cảnh quan hệ quốc tế thời bấy giờ.

III. Từ năm 1599, sau khi căn bản dẹp xong tàn quân của nhà Mạc, Trịnh Tùng (1570 – 1623) ép vua Lê phải phong cho mình làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương và dựng lên phủ chúa để dễ bề thâu tóm quyền lực. Về hành chính, bên cạnh triều đình với lục bộ mô phỏng theo thiết chế chính trị thời Hồng Đức, chúa Trịnh cũng lập ra một bộ máy chính quyền riêng đứng đầu là chức Tham tụng và Bồi tụng giúp chúa bàn định việc quân cơ. Lúc mới khởi dựng, bộ máy chính quyền của Vương phủ chỉ bao gồm ba phiên là: Binh, Hộ và Thuỷ sư, chuyên đảm trách những vấn đề về quân sự và kinh tế. Đến năm 1718, thời Trịnh Cương, chúa Trịnh đã cho lập đủ sáu phiên: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công và năm phủ: Trung quân, Đông quân, Tây quân, Nam quân và Bắc quân, để lấn át và thay thế toàn bộ mọi hoạt động, chức năng quản lí của triều đình. Tại các địa phương, quyền lực đều nằm trong sự quản lí thống nhất của đội ngũ quan lại do chúa bổ dụng. “Từ đó việc gì cũng ở bên lục phiên cả. Lục bộ không có quyền gì nữa”(7).

Có thể nói từ thời Trịnh Tùng, chúa Trịnh đã xác lập được những nguyên tắc căn bản cho một thể chế chính trị mới: “Hoàng gia giữ uy phúc, vương phủ nắm quyền bính”. Thể chế đó đã bảo đảm quyền lực gần như tuyệt đối của các chúa Trịnh đồng thời căn bản tách vua Lê và đội ngũ quan lại hoàng triều ra khỏi công việc quản lí đất nước. Cương mục viết: “Tùng được mở phủ chúa đặt quan thuộc. Từ đây chính sự quyền bính nhà vua đều do Tùng tự quyết đoán, của cải thuế khoá, quân lính và nhân dân hết thảy đều về phủ chúa cả. Về phần vua Lê, thì chế độ bổng lộc chỉ để một ngàn xã làm lộc thượng tiến (bổng lộc dâng lên vua); quân lính túc vệ và hộ vệ thì trong nội điện có 5.000 lính, 7 thớt voi và 20 chiếc thuyền rồng. Nhà vua chỉ chỉnh chện mặc áo long bào, cầm hốt ngọc nhận lễ triều yết mà thôi”(8).

Trong quan hệ với triều đình vua Lê, phủ chúa thực sự là nơi quyết định nhiều vấn đề trọng yếu(9). Ngay cả đối với vị trí ngai vàng, tuỳ theo tình thế và mục tiêu chính trị, chúa Trịnh cũng có thể dựng lên hay phế bỏ(10). Tuy nhiên, sau những biến động chính trị đó, vì sự an toàn của chính mình, các chúa Trịnh bao giờ cũng cố gắng giữ đúng danh phận của một kẻ trung thần. Đối với những sự kiện trọng đại như chọn thế tử, chúa đều phải dâng biểu tâu vua xin được sách phong. Thế tử phải quỳ thụ nhận kim văn, phẩm phục, đai ngọc nhà vua ban cho. Khi chính thức lên kế vị, thế tử cũng phải chờ mệnh vua và phải tổ chức lễ tấn phong ở Vương phủ và cũng phải quỳ lạy sắc mệnh của nhà vua do sứ thần đem tới(11).

Tháng 4-1599, nhân dịp phong vương cho Trịnh Tùng, sau khi ca ngợi: “uy vọng lớn như núi cao, bóng cả, đấng võ văn của nhà nước triều đình. Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công cao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hoà nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu khắp thần liêu” Lê Thế Tông (1578 – 1599) vẫn không quên căn dặn: “Mong hãy thận trọng chức vị, luôn luôn giữ phép triều đình; sửa sang đức nhân, đời đời hưởng ơn vua quý”(12). Tháng 10 – 1629, trong sách văn phong Trịnh Tráng (1623 – 1657) chức Nguyên soái thống đốc chính sư phụ Thanh vương, Lê Thần Tông (1619 – 1643) cũng nhấn mạnh: “Vương hãy lấy nghĩa thân cận, làm người giúp thẳng, phúc thượng đế sẽ giành ban cho, trau dồi lấy đức, giữ gìn lấy dân, nghiệp thế vương càng thêm dài mãi”(13). Rồi đến tháng 8-1657, khi tiến phong Trịnh Tạc (1657 – 1682) làm Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định Vương, Thần Tông Uyên Duy Kì cũng phủ dụ nhà chúa: “Mong rằng: Chịu ơn trọng đãi, kính giữ tiếng hay. Trung hiếu đủ mười phần, gắng giữ tròn một đạo. Thọ khang gồm năm phúc; ngôi vương dài ức năm. Giúp cho hoàng gia bền vững lâu dài, giữ cho tông xã vô cùng tốt đẹp”(14). Tháng 9 -1659, khi tôn phong Trịnh Tạc làm Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương, vua Lê cũng không quên nhắc nhở: “Mong rằng: Nhận được ân hậu, kính giữ tiếng hay, giúp đỡ nhà vua muôn năm bền mãi. Lâu dài nghiệp chúa, muôn thuở khôn cùng”(15).

Điều đáng chú ý là, dù trong bối cảnh chính trị có nhiều biến loạn, qua các thời đại, chính quyền phong kiến Trung Quốc bao giờ cũng nắm rất rõ tình hình chính trị nước ta. Vào thế kỉ XVII, nhà Minh dù đã để mất vương quyền năm 1644, phải chạy về phương Nam nhưng năm 1651, vẫn sai sứ mang sắc văn sang phong Trịnh Tráng (1623 – 1657) làm Phó quốc vương. Sau khi khen Trịnh Tráng: “dâng biểu nộp cống, từ mùa xuân đến mùa thu, vất vả theo gót, không dám bỏ thiếu” cuối cùng sắc văn cũng viết: “Ngươi nhận được mệnh ban tôn quý, phải gắng trung trinh giúp đỡ họ Lê, giữ bền chức cống, làm phên dậu cõi Nam cho trẫm, giữ mãi đời đời”(16).

Khi nghiên cứu chính sử, chúng ta thấy các văn bản của vua Lê phong vương cho chúa Trịnh nhìn chung thường có ba phần cơ bản: Phần 1: Ca ngợi ân đức của tổ tiên và đặc biệt là công lao của các chúa đầu tiên như Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đã giúp nhà Lê khôi phục vương quyền. Phần 2: Nhấn mạnh công trạng, tư chất thiên phú của tân chúa. Và, phần 3: Dặn dò, phủ dụ tân chúa giữ đúng đạo vua – tôi để cùng nhau hưởng phúc lâu dài.

Chúng ta không loại trừ khả năng các văn bản này có thể đã được tham vấn ý kiến của chúa thậm chí có thể do chính người nhà chúa soạn thảo nhưng cũng có thể thấy, việc khuyên răn các chúa luôn giữ đúng đạo quân – thần là một trong ba nội dung chủ yếu trong các văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Ngôn ngữ trong văn bản là của người trên đối với kẻ dưới, vừa có ý nhắc nhở chúa giữ danh phận bề tôi vừa như khuyến cáo Vương phủ về những mưu tính chính trị đã và có thể sẽ xảy ra!. Điều cần chú ý là: càng về cuối thời Lê Trung Hưng, nhà Lê càng suy yếu, sự phụ thuộc của triều đình vào Vương phủ ngày càng nặng nề thì nội dung phần hai của các sách văn càng giàu ngôn ngữ biểu cảm khi ca ngợi “công đức bao la như trời, lòng trung thấu tới vầng nhật”(17) của nhà Trịnh. Tuy nhiên, trong các sách văn, nội dung của phần ba vẫn được duy trì như một nguyên tắc bất di bất dịch.

Về phần mình, phủ chúa là lực lượng thao túng quyền lực của triều đình nhà Lê nhưng trong quan hệ với nhà vua, chúa Trịnh luôn cố giữ đúng vị thế của một kẻ bề tôi trung nghĩa. Sử cũ còn chép lại rằng, có chúa được tiến phong cương vị cao vẫn “khiêm tốn” từ chối mấy năm sau mới “miễn cưỡng” nhận mệnh(18). Mặc dù từ thời Trịnh Tạc (1657 – 1687), được phép của nhà vua, chúa Trịnh vào triều yết đều “không phải viết tên vào tấu sớ; không phải lạy khi làm lễ bái yết; đặt chỗ ngồi bên tả điện Thị Triều để tỏ lòng tôn sùng”(19).

Nhưng, ngoài nghi lễ triều yết đó, chúa Trịnh luôn giữ đúng lễ, nhất là trong những nghi lễ dành cho bậc đế vương. Mùa xuân năm 1721, khi được Trịnh Cương (1709 – 1729) cho phép dùng áo sa, áo đoạn khi vào hầu, “Trịnh Quán, Nguyễn Công Hãng nhân đó xin chúa khi tiếp kiến quần thần dùng y phục màu vàng. Chúa bèn triệu họ tới dụ rằng: “Ta từ khi lên nối cơ nghiệp nhà chúa, giúp rập nhà vua, thường vẫn giữ lòng tôn kính. Màu vàng là đồ mặc của thiên tử, để suy tôn Hoàng thượng ta, hợp với ý nghĩa của lễ. Từ nay những lúc coi việc chính sự, hội họp ở triều và những lúc bình thường yến tiệc, tiếp kiến quần thần, ta chỉ dùng y phục màu tía, ngõ hầu để phân biệt với các ông mà thôi”(20). Đối với lễ tế đầu xuân ở đàn Nam Giao, chúa Trịnh lại càng thận trọng. Đầu xuân năm 1724, Trịnh Cương đã không nghe theo lời khuyên của quần thần, giữ đúng phép với vua Lê. Hành động đó của Trịnh Cương đã khiến cho “Trong kinh ngoài trấn đều vui mừng cảm kích, khen chúa là người có lòng tôn phù, có đức tốt”(21). Theo mô tả của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người đã sống ở Đàng Ngoài thời gian 1627 – 1630, thì trong đám rước long trọng đầu năm đưa nhà vua đi làm lễ tịch điền, chúa còn khiêm nhường “ngự trong chiếc xe thấp thiếp vàng” đi sau cả bá quan văn võ. Sau khi nhà vua làm lễ mở đất chính “ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên mặt đất… Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với nhà vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm”(22).

Trong quan hệ đối ngoại, vì nhiều lí do chính trị, chúa Trịnh luôn tỏ ra mềm dẻo, không lạm tiếm quyền lực của nhà vua. Về thể thức, vua Lê vẫn là người đại diện cao nhất và hợp thức duy nhất của quốc gia Đại Việt. Với tư cách là người đứng đầu triều chính, nhà vua là người tiến hành các nghi lễ ngoại giao như: tiếp sứ đoàn ngoại quốc, cử đoàn đi sứ, lo việc cống nạp, trao đổi văn thư với các quốc gia bên ngoài. Vua Lê cũng là người tổ chức các buổi thiết triều và mọi chiếu mệnh của phủ chúa đều phải được nhà vua phê duyệt. Địa vị hợp thức của nhà vua trong quan hệ với nhà Minh rồi nhà Thanh đã khiến cho không chỉ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài mà cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong phải nể sợ, thực sự cẩn trọng trong các bước đi chính trị (23).

Việc giữ một khoảng cách kính trọng cần thiết để thể hiện sự tôn quý đối với vương quyền cũng được các tướng quân Nhật Bản tuân thủ. Mặc dù nắm được thực quyền, có một bộ máy chính quyền riêng nhưng Mạc phủ vẫn luôn đề cao vị thế của Thiên hoàng. Ngày cả vào thời kì Nam – Bắc triều (1336 – 1392), tuy có quyền định đoạt mọi vấn đề chính trị quan trọng nhất nhưng tướng quân họ Ashikaga vẫn phải chọn người thuộc dòng dõi hoàng gia đưa lên ngôi báu.

Đến thời Edo, Mạc phủ Tokugawa không những duy trì được địa vị thống trị của mình mà còn bảo đảm được sự phát triển ổn định và thống nhất đất nước suốt trong 267 năm. Bên cạnh việc ban hành những chính sách kinh tế – xã hội và thực hiện một chủ trương đối ngoại quyết đoán tương đối phù hợp với tình hình Nhật Bản thời bấy giờ thì việc giải quyết thành công mối quan hệ với triều đình Kyoto đã góp phần tạo nên sức mạnh cho chính quyền quân sự Edo. Trong điều kiện mà cương vị tướng quân luôn là mục tiêu giành đoạt của nhiều lãnh chúa có thế lực thì việc thiết lập được quan hệ tốt đẹp với hoàng gia là một thử thách chính trị lớn đối với người đứng đầu Mạc phủ. Củng cố mối quan hệ chặt chẽ với triều đình là một khâu then chốt trong việc duy trì thế ổn định của trật tự xã hội phong kiến.

Do những hệ quả phát triển của lịch sử, quyền lực chính trị thực sự luôn nằm trong tay Mạc phủ nhưng chính quyền Edo luôn coi việc duy trì những mối liên hệ thường xuyên với Thiên hoàng là sự thể hiện những nguyên tắc truyền thống của đạo đức phong kiến. Về danh nghĩa, Thiên hoàng vẫn là người đứng đầu nền quân chủ và đồng thời là biểu trưng cho truyền thống văn hoá, tinh thần thống nhất và sự hoà hợp dân tộc. Ngôi vị Thiên hoàng là hết sức cần thiết để hợp thức hoá quyền lực chính trị của mỗi tướng quân. Về phần mình, các tướng quân phải có trách nhiệm bảo vệ uy danh truyền thống của Thiên hoàng, người đại diện và là hiện thân của Nữ thần mặt trời, vị thần bảo mệnh của toàn thể dân tộc. Địa vị của Thiên hoàng được quan niệm như một nhân tố thiết yếu trong đời sống tâm linh (Thần đạo, Shinto) và hệ thống chính trị Nhật Bản. Nguồn gốc cao quý của Nhật hoàng thấm sâu trong truyền thống và ý thức dân tộc là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thống nhất quốc gia đã khiến cho các tướng quân từ Mạc phủ Kamakura đến Edo, dù có tham vọng đến đâu cũng phải tính toán cẩn trọng trong các bước đi chính trị. “Hơn thế nữa, ở một đất nước biệt lập như Nhật Bản, luôn bị chia cắt bởi những thế lực cát cứ thì vị trí cao quý và quyền lực của Thiên hoàng luôn là điều kiện cần để dung hoà các xung đột. Trong ý nghĩa đó, tướng quân được coi là bề tôi của Thiên hoàng không thể vi phạm nguyên tắc tối thượng nêu trên”(24).

Rút kinh nghiệm từ các triều đại trước, với danh nghĩa là thống lĩnh quân sự và là bề tôi gần gũi nhất, trung thành nhất của Thiên hoàng, bằng nhiều biện pháp khôn khéo, Mạc phủ đã tìm cách tách các lãnh chúa (daimyo) ra khỏi mối liên hệ thường xuyên với triều đình Kyoto. Mục tiêu của chủ trương này là nhằm ngăn chặn không cho phép bất cứ một lãnh chúa nào có thể dựa vào Thiên hoàng để mưu toan việc ban thưởng, tấn phong hay xác lập liên minh chính trị. Do đặt chính quyền ở Edo, dưới danh nghĩa sẵn sàng phục tùng Thiên hoàng, Mạc phủ Tokugawa đã cho lập Kyoto shoshidai (Kinh đô ti đại) ở Kyoto để kiểm tra mọi hoạt động của các lãnh chúa và toàn bộ hoàng gia. Các lãnh chúa, thậm chí cả những quý tộc cao cấp triều đình nếu muốn diện kiến Thiên hoàng đều phải chịu sự giám sát và phải được đại diện của Mạc phủ ở shoshidai chấp thuận.

Năm 1615, nhằm thể thức hoá hoạt động của Hoàng gia, Mạc phủ đã cho ban hành luật Kinchu Narabini Kuge Shohatto (Luật về thể thức hoạt động của hoàng tộc)Bộ luật gồm 17 điều quy định chặt chẽ khuôn khổ hoạt động của Thiên hoàng trong những mục tiêu văn hoá truyền thống và lễ nghi, khẳng định địa vị của Mạc phủ, quy định quan hệ của Thiên hoàng với các cơ sở tôn giáo, nguyên tắc sống bắt buộc trong cung cấm của các hoàng tử và giới quan lại cao cấp(25).

Để khống chế, thắt chặt hơn nữa quan hệ với triều đình, Mạc phủ còn định ra thể thức hôn nhân với hoàng tộc. Đồng thời, bằng cách đề cao những tướng lĩnh có công đặc biệt là trong trận quyết chiến Sekigahara năm 1600 và hạ thành Osaka năm 1615, Mạc phủ cũng muốn qua đó làm giảm uy tín và ảnh hưởng của giới quý tộc triều đình. Chính quyền Edo một mặt vừa đề cao địa vị của Tenno vừa cố gắng chu cấp những khoản kinh phí, lương thực lớn với trên 187.000 koku thóc 1 năm cùng với khoảng 2.000 ryo vàng. Nguồn chu cấp đó đủ để triều đình có thể duy trì cuộc sống tương đối xa xỉ, xây dựng một số công trình kiến trúc, sửa chữa hoàng cung, tổ chức nghi lễ tôn giáo… Nhưng về chính trị, triều đình Thiên hoàng không cần (thực tế là không thể) can dự vào hoạt động chính trị của đất nước.

Về ngoại giao, Mạc phủ là nơi định đoạn mọi việc. Sau khi giành được quyền lực năm 1600, để bảo vệ nền kinh tế đối ngoại của Nhật Bản và nắm độc quyền về thương mại, chính quyền Edo đã ban hành chế độ Châu ấn thuyền. Đến những năm 30 của thế kỉ XVII, trước những vấn đề chính trị phức tạp trong nước và quốc tế, Mạc phủ đã từng bước ban hành chính sách hạn chế ngoại thương rồi đi đến quyết định toả quốc (sakoku). Trong thời gian toả quốc (1639 – 1853), chính quyền Edo là nơi duy nhất có thể lựa chọn và quyết định mức độ quan hệ với các nước: Hà Lan, Trung Quốc, Triều Tiên và Ryukyu; các cảng được phép đến buôn bán, số lượng và chủng loại hàng hoá, số lượng tàu, thuyền buôn của từng nước đến Nhật Bản mỗi năm v.v… Trong nhận thức quốc tế thời bấy giờ, tướng quân được coi là người có địa vị cao nhất, là vua (vươngking) của Nhật Bản(26). Thành Edo, chứ không phải kinh đô Kyoto, là nơi đón tiếp các sứ đoàn. Theo thống kê, từ năm 1600 đến 1850, các tướng quân Tokugawa đã tiếp đại diện thương mại Hà Lan khoảng 19 lần(27) và nhiều lần đón tiếp các đoàn ngoại giao từ triều đình Choson (Triều Tiên) và vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) cử tới(28). Trong rất nhiều trường hợp khác, chính các lãnh chúa và đại diện của Mạc phủ Edo là người trực tiếp xử lí những vấn đề ngoại giao phức tạp. Sau hơn 200 năm theo đuổi chính sách toả quốc, đến giữa thế kỉ XIX, trước áp lực mạnh mẽ của Mĩ và nhiều nước phương Tây, Mạc phủ Edo đã quyết định mở cửa đất nước, kí hàng loạt các “Hiệp ước bất bình đẳng” với Mĩ, Hà Lan, Anh, Nga, Pháp…

Với các biện pháp và phạm vi quyền lực nêu trên, có thể thấy Mạc phủ đã tìm mọi cách làm triệt tiêu ảnh hưởng của triều đình trong những vấn đề căn bản của đất nước. Triều đình không có quyền quản lí ruộng đất, không thể can dự và có ảnh hưởng ở các địa phương và cũng không được định đoạt các chính sách ngoại giao. Vì vậy, cũng không phải là hoàn toàn thiếu cơ sở khi có ý kiến cho rằng: Mạc phủ đã biến người đứng đầu nhà nước thành người nhận lương của chính quyền Edo và, “trên thực tế chỉ là tù nhân trong hoàng cung”(29) mà thôi.

IV. Về sự tồn tại của cơ chế hai chính quyền, trong một số công trình khoa học, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều lí giải sâu sắc về “tính bền vững” của cơ chế này(30). Điều tưởng như một nghịch lí là, ở cả Việt Nam và Nhật Bản, vào thế kỉ XVI – XVIII, thế lực của phủ chúa và giới quân sự Nhật Bản luôn giữ thế áp đảo nhưng dường như các võ tuớng không muốn hoặc không thể lật đổ vương quyền như vẫn thường thấy ở các quốc gia khác hay trong các giai đoạn lịch sử trước và sau đó ở Việt Nam và Nhật Bản.

Trong điều kiện lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVI, có lẽ tự thân lực lượng nhà Trịnh khó có thể đủ sức để trấn áp các thế lực phong kiến chống đối. Chiến công hiển hách của nhà Lê trong cuộc kháng chiến chống quân Minh cùng với những đóng góp tích cực của thời Lê sơ về kinh tế, luật pháp, thiết chế chính trị và vị thế hợp pháp của vương quyền là chỗ dựa và ngọn cờ tập hợp lực lượng để nhà Trịnh đánh thắng Mạc. Sau khi căn bản diệt được thế lực nhà Mạc ở phía Bắc, các chúa Trịnh không những không phế bỏ vua Lê mà trái lại vẫn tiếp tục dựa vào uy thế của vua Lê để bảo vệ địa vị thống trị của mình và thực thi quyền lực. Thế nhưng, do những hạn chế lịch sử, sau gần nửa thế kỉ (1627 – 1672), với bảy lần xuất quân vào Nam diệt Nguyễn nhưng cuối cùng nhà Trịnh đã không đạt được mục đích chính trị của mình. Nhưng, một hệ quả sâu xa có thể thấy được là: tiềm lực quân sự của Đàng Ngoài cùng uy danh vốn có của nhà Lê cũng khiến cho chính quyền Đàng Trong, một vương quốc đã trở nên vững mạnh nhờ thương nghiệp(31) và chính sách khai phóng, phải tự kiềm chế không dám vượt sông Gianh tấn công ra Bắc. Hơn thế nữa, trong khi phải liên tục đối phó với tình hình chính trị phức tạp trong nước, chính quyền phong kiến phương Bắc cũng chưa thể thực hiện chính sách bành trướng mạnh mẽ xuống phương Nam. Vì vậy, cho đến khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà với ngọn cờ “Phù Lê, diệt Trịnh” thì chính quyền Lê – Trịnh, mặc dù đã suy yếu, vẫn duy trì được địa vị của mình và chính sách chủ yếu của chính quyền này là tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội đã và đang nảy sinh ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trọng điểm nông nghiệp, chỗ dựa căn bản của thiết chế chính trị Nho giáo phong kiến.

Nhìn toàn cục, thế kỉ XVI – XVIII là thời kì diễn ra những chuyển biến sâu sắc trong lịch sử hai dân tộc Việt – Nhật. Trong lịch sử Việt Nam đây cũng là thời kì mà bờ cõi được mở rộng về phía Nam. Ở phía Bắc, cùng với triều đình nhà Lê, các chúa Trịnh cũng chủ động thực thi một số chính sách tích cực để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, tránh gây xung đột với các nước đặc biệt là đối với nhà Thanh(32). Mặc dù bị phân cắt về địa giới hành chính và chính trị nhưng đây cũng là thời kì mà Đại Việt có quan hệ bang giao với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng hơn bao giờ hết. Một số thương cảng như Phố Hiến (Đàng Ngoài), Thanh Hà, Hội An (Đàng Trong) đã trở thành những điểm mốc quan trọng trong hệ thống thương mại châu Á. Kinh tế hàng hoá cũng có nhiểu biểu hiện phát triển với sự hưng thịnh của nhiều ngành nghề thủ công, thương nghiệp, khai mỏ… Các chúa Trịnh cũng ra sức thực thi một số chính sách mới nhằm củng cố xã hội và phát triển kinh tế. Đặc biệt, dưới thời chúa Trịnh Cương (1709 – 1729), ông đã cho tiến hành một số chính sách cải cách: sửa đổi lại quan chế, luật pháp, khuyến khích nông nghiệp, định lại mức thuế với phương châm “để khoan thư sức dân”. Nhưng sau khi Trịnh Cương qua đời, từ thời Trịnh Giang (1729 – 1740), chính quyền Lê – Trịnh từng bước suy yếu và lâm vào tình trạng bế tắc. Bộ máy thống trị bị quan liêu hoá nặng nề cùng với sức ép phải thường xuyên duy trì một lực lượng vũ trang đông đảo đã thực sự làm triệt tiêu động lực phát triển của những nhân tố kinh tế – xã hội mới. Thể chế phong kiến ngày càng trở nên trì trệ, không theo kịp và đáp ứng được những yêu cầu của tiến trình dân tộc cũng như có thể hoà nhập với những biến chuyển chung đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Còn ở Nhật Bản, trong một khoảng thời gian gần như đồng thời với Việt Nam, sau hơn một thế kỉ nội chiến (1490 – 1600), nền thống nhất dân tộc đã được xác lập. Sự thống nhất đó lại càng trở nên có ý nghĩa khi chủ quyền của Nhật Bản đang bị nhiều nước tư bản phương Tây xâm phạm. Sức mạnh của một dân tộc thống nhất, có chủ quyền, có một chính quyền trung ương mạnh là những điều kiện căn bản để Nhật Bản có thể chủ động đề ra những chính sách phát triển kinh tế – xã hội và thực thi một chủ trương đối ngoại phù hợp.

Thực tế cho thấy, sự phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện của đời sống kinh tế, xã hội và văn hoá thời Edo, thời kì được coi là phát triển cao nhất và cuối cùng của chế độ phong kiến Nhật Bản, luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể và sự tác động thường xuyên của những chính sách mà Mạc phủ Edo ban hành, theo đuổi.

Trong khi chúng ta nhấn mạnh đến mối quan hệ khăng khít về chính trị giữa Mạc phủ với triều đình Thiêng hoàng thì cũng không thể quên rằng mối quan hệ đó còn đồng thời chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế Bakuhan taisei (Mạc – phiên thể chế) được dựng nên từ sau năm 1600. Với tư cách là chính quyền trung ương đồng thời cũng là một lãnh chúa lớn nhất, Mạc phủ Edo đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lí chặt chẽ các phiên(33).

Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỉ XVII trở đi, ngoài những trách nhiệm chính trị với chính quyền Edo, trong phạm vi lãnh địa của mình, các lãnh chúa có thể chủ động đề ra những chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, miễn là các chính sách đó không đi ngược những nguyên tắc chung của Mạc phủ. Cơ chế quản lí đó đã dung dưỡng và tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển mang tính cạnh tranh giữa các lãnh địa. Một đội ngũ những nhà quản lí năng động, giàu kinh nghiệm cũng được đào luyện nên từ quá trình vận động của cơ chế quản lí này. Năng lực và trách nhiệm quản lí của đội ngũ viên chức võ sĩ được thể hiện rõ ở mỗi tầng, mỗi cấp và hoàn toàn khác biệt với cơ chế quản lí theo kiểu tuân hành mệnh lệnh như ở Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Sau khi cải cách Minh Trị diễn ra, chính tiềm lực kinh tế được tạo nên trong các lãnh địa cùng tri thức, kinh nghiệm quản lí của đội ngũ viên chức võ sĩ, trình độ văn hoá, giáo dục của quảng đại quần chúng là những di sản quý báu của thời kì Tokugawa, giúp cho Nhật Bản có thể tiến nhanh vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Rõ ràng là, sức mạnh và tính hiệu quả của chính quyền Edo không nằm ngoài tiến trình phát triển chung của lịch sử dân tộc. Cơ chế quản lí của chế độ phong kiến Nhật Bản gồm ba cấp, ba cực: Thiên hoàng – Mạc phủ – lãnh chúa với quyền lực tập trung trong tay Mạc phủ đã tạo nên một “tình thế năng động của thể chế phong kiến với cơ chế quan liêu giữa phân quyền và tập trung quyền lực”(34) ở Nhật Bản.

Là một sản phẩm của lịch sử và cũng đồng thời góp phần tạo nên những biến chuyển của lịch sử nhưng cuối cùng, đến giữa thế kỉ XIX, thiết chế chính trị phong kiến Nhật Bản đã bị phá vỡ. Sức phát triển của các nhân tố kinh tế – xã hội trong nước cùng những tác động của môi trường chính trị quốc tế là nguyên nhân căn bản dẫn đến cuộc chuyển mình sâu sắc của dân tộc Nhật Bản. Hệ quả là, chế độ phong kiến đã bị xoá bỏ và thay vào đó là sự ra đời của một nhà nước tư sản đầu tiên ở châu Á.

Từ những điều trình bày, phân tích trên đây có thể rút ra một số kết luận:

1. Cơ chế hai chính quyền cùng song song tồn tại ở Việt Nam và Nhật Bản tuy cùng xuất hiện trong thời kì chế độ phong kiến nhưng chúng hoàn toàn khác biệt nhau về mặt thời gian và quá trình tồn tại. Điều kiện kinh tế, xã hội dẫn đến sự thiết lập của hai thiết chế đó cũng không tương tự như nhau giữa một bên là sản phẩm của một thời kì lịch sử tao loạn với một bên là đại diện cho một đẳng cấp mới, một thế lực phong kiến mới đang lên, tiêu biểu cho sự phát triển của xã hội.

2. Trên thực tế, thể chế vua Lê – chúa Trịnh và Thiên hoàng – Mạc phủ là một chế độ cộng trị hayđồng trị. Cả hai phía có quyền lực và quyền lợi đan xen nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Trong đó, sự can thiệp của hoàng triều vào những vấn đề chính trị của đất nước ở Việt Nam tỏ ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn so với Nhật Bản. Nhưng cũng vì thế mà quyền lực của thiết chế Lê – Trịnh cũng như những chính sách mà chúng ban hành có nhiều biểu hiện bị chồng chéo, dễ dẫn đến mâu thuẫn và mâu thuẫn kéo dài. Sự tăng trưởng về hình thức các tổ chức quản lí trong cùng một thể chế thường là sự biểu hiện tính phát triển hoàn chỉnh của cơ chế chính trị đó nhưng cũng có thể chỉ là bằng chứng về tình trạng suy thoái, bất lực của thể chế đó mà thôi.

3. Xét về mối quan hệ giữa hai thế lực phong kiến thì cả ở Việt Nam và Nhật Bản đó là hai cực trong một thực thể xã hội thống nhất. Hai cực đó không trở nên quá đối lập để phát triển thành một dạng thức kiểu như chế độ phong kiến phân quyền. Nhưng trong quá trình phát triển, bản chất của mối quan hệ đó cũng từng bước bị biến đổi do tác động của những nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Ở Việt Nam, thể chế đó đã bị phủ nhận bằng một thiết chế phong kiến tập quyền cao hơn, còn đối với Nhật Bản chính là sự thay thế căn bản của một hình thái kinh tế – xã hội mới.

Chú thích
(1) Albert M.Craig – William A.Graham…, The Heritage of World Civilizations, Vol.I, Prentice – Hall, United States of America, 2000, p.84 – 86. Cơ chế thống trị bởi hai vua đó trong nhà nước Sparta luôn thuộc về hai dòng họ có thế lực nhất là Agides và Eurypontides.
(2) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập I, Tr.156.
(3) Lê Kim Ngân, Chế độ chính trị Việt Nam thế kỉ XVII – XVIII, Tủ sách khảo cứu Đại Việt, Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành, 1974, Tr.31-32.
(4) John W.Hall, Japan from Prehistory to Modern Times, Charles E.Tuttle Company, Tokyo 1992, p.86.
(5) Jeffrey P.Mass and William B.Hauser, The Bakufu in Japanese History, Stanford University, California 1985.
(6) Yao Takao, Mấy vấn đề về chế độ hành chính của chính quyền nhà Lê ở Việt Nam thế kỉ XV, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1 (13), 1997.
(7) Trịnh Như Tấu, Trịnh gia chính phả, Nhà in Ngô Tử Hạ 1934, Tr.48.
(8) Việt sử Thông giám Cương mục, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998, Tập II, Tr.222. Khi viết về địa vị kinh tế và quyền lực hạn chế của vua Lê, một số tác giả hay trích dẫn câu trên trong Cương mục. Theo tôi, thông tin đó có thể chưa hoàn toàn chính xác. Vì rằng, ngay trong tháng 4-1599, khi Trịnh Tùng ép vua Lê phong cho mình chức Bình An Vương, trong sách văn của vua Lê vẫn nói đến việc cấp thêm ruộng đất cho chúa: “lại cấp ruộng nương để rộng thêm phong ấp”(ĐVSKTT, Sđd, Tập III, Tr.205). Đến năm 1629, khi phong Thanh Đô Vương cho Trịnh Tráng, sách văn cũng viết: “lại cho ruộng đất để mở mang bờ cõi”(ĐVSKTT, Sđd, Tr.228). Trong một văn bản quan trọng như vậy, vấn đề cấp thêm ruộng đất cho chúa chắc hẳn không phải là chuyện xã giao. Như vậy thì, vua Lê đã lấy đất của mình trong số 1000 xã để cấp thêm cho chúa hay vẫn còn sở hữu một số vùng đất khác nữa?. Theo thiển ý của tôi, có nhiều khả năng chúa Trịnh không dám xâm phạm vào “lộc thượng tiến” của nhà vua. Thêm vào đó, trong Đại Việt sử kí toàn thư và Đại Việt sử kí tục biên vẫn có khá nhiều đoạn nói về quyền hạn kinh tế nhất định của vua Lê trong việc trực tiếp cử quan lại về các địa phương khảo xét, miễn giảm hoặc tha thuế cho dân mỗi khi mất mùa, đói kém.
(9) Trong các bài viết về chính quyền Lê – Trịnh, nhiều tác giả thường hay dựa vào một số đoạn viết trong chính sử để nhấn mạnh đến tính “bù nhìn” của các vua Lê trong khi đó mọi việc triều chính thì đều do chúa khuynh loát cả. Thực ra, ghi chép của chính sử không phải hoàn toàn như vậy. Trong nhiều trường hợp, vua Lê cũng có một số quyền lực nhất định và đó cũng chính là sự khôn kheó về chính trị của Vương phủ. Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Vua với nhà chúa vui vẻ hoà hợp một nhà, dồi dào phong thái thuần hậu hoà mục; ung dung rủ tay áo mà hưởng lộc trời. Thế chẳng tốt đẹp sao!… Chúa Trịnh Tráng… Bình xong nội nạn, hoà hợp nhân dân, trong nước yên ổn, tín nhiệm Nho thần, giảng cầu chính trị, chấn cử kỉ cương, mọi việc đều giao cho triều đường công luận, chúa cung kính khiêm nhường, cẩn thận, giữ gìn pháp độ” ĐVSKTT, Sđd, Tr.322).
(10) Trong số 16 vua Lê thời Lê Trung Hưng có 3 người bị bức hại vì có tư tưởng “độc lập” với quyền lực chính trị của họ Trịnh, đó là: Lê Anh Tông – Duy Bang (1556 – 1573), Lê Kính Tông – Duy Tân (1600 – 1619) và Lê Duy Phương (1729 – 1732). Ngoài ra còn có 5 vua được dựng lên khi chưa đến 12 tuổi: Lê Thần Tông – Duy Kì (1619 – 1643), Lê Chân Tông – Duy Hựu (1644 – 1649), Lê Huyền Tông – Duy Vũ (1663 – 1671), Lê Gia Tông – Duy Hội (1672 – 1675) và Lê Hi Tông – Duy Hợp (1676 – 1705).
(11) Lê Kim Ngân, Chế độ chính trị Việt Nam thế kỉ XVII-XVIII, Tủ sách khảo cứu Đại Việt, Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành, 1974, Tr.133-135.
(12) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.205.
(13) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.228.
(14) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.243.
(15) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.253.
(16) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.242.
(17) Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1993, Tập III, Tr.268.
(18) Đại Việt sử kí tục biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, Tr.28.
(19) Đại Việt sử kí tục biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, Tr.27
(20) Đại Việt sử kí tục biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1991, Tr.81
(21) Đại Việt sử kí tục biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, Tr.94
(22) Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Uỷ ban đoàn kết Công giáo Tp. Hồ Chí Minh, Bản dịch của Hồng Nhuệ, 1994, Tr.7-8.
(21) Với danh nghĩa An Nam đô thống sứ ti đô thống sứ (1598), rồi An Nam quốc vương (1647) thời Minh và tái phong An Nam quốc vương năm 1667 dưới triều Thanh, về danh nghĩa vua Lê vẫn là người đại diện duy nhất cho chính thể. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1692 – 1725) đã sai sứ đem cống phẩm sang Trung Quốc để cầu phong nhưng ý định không thành. Lí do nhà Thanh đưa ra là: “Nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được”. (Xem Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, HN.1962, Tr.158 – 159). Trong một số văn thư trao đổi với bên ngoài, chúa Nguyễn vẫn mượn danh nghĩa của vua Lê và tự xưng là “An Nam quốc vương”(Xin tham khảo: Kawamoto Kuniye: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, Đô thị cổ Hội An, HN.1991, Tr.169 – 178). Đến thời Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) tuy đã xưng vương ở Phú Xuân và thay đổi nhiều tên gọi trong bộ máy hành chính như một chính quyền phong kiến độc lập nhưng chúa Nguyễn vẫn không dám đặt niên hiệu riêng. Đối với các thuộc quốc, nhà Nguyễn xưng Thiên vương nhưng “phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê”(Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, Tr. 206).
(24) Nguyễn Văn Kim, Mấy suy nghĩ về thời kì Tokugawa trong lịch sử Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 1994.
(25) George Sansom, A History of Japan: 1615-1867, Charles E.tuttle Company, Tokyo 1987, p.17 – 18.
(26) Nguyễn Văn Kim, Nhật Bản cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII qua con mắt của giáo sĩ Allessandro Valinano, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 và 3, 1998.
(27) Seiji Sasaki, A Chronological Table of Modern Japanese Shipping, Kobe Economic & Business Review, Kobe Unversity, 1964-1965.
(28) Ronald P.Toby, State and Diplomacy in Early Modern Japan – Asia in the Development of the Tokugawa Bakufu, Studies of the East Asian Institute, Columbia University, 1991
(29) W.G. Beasley, The Rise of Modern Japan, Charles E.Tuttle Company, Tokyo 1987, p.3.
(30) Về vấn đề này có thể tham khảo: Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài; Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược; Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777; hay Phan Huy Lê – Chu Thiên – Vương Hoàng Tuyên – Đinh Xuân Lâm, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Tập III. Trong công trình này, các tác giả đã đưa ra một phân tích sâu sắc: “Họ Trịnh không phải là một tập đoàn phong kiến tiến bộ nên không có cơ sở xã hội vững chắc trong nhân dân, không được toàn dân ủng hộ mà trái lại còn bị nhân dân nhiều lần nổi dậy bạo động phản đối. Trong lúc đó thì những địch thủ của họ Trịnh vẫn tồn tại ở mặt Bắc, mặt Nam và chờ cơ hội để phản công lại. Họ Mạc tuy đã bị lật đổ, nhưng dư đảng vẫn hoạt động ở nhiều nơi và dựa vào thế lực của phong kiến của nhà Minh, nhà Thanh chiếm cứ lâu dài vùng Cao Bằng uy hiếp mặt Bắc. Ở phương Nam, họ Nguyễn ngày càng cường thịnh trở thành một lực lượng đối lập nguy hiểm của họ Trịnh. Trong điều kiện cơ sở thống trị còn yếu ớt và bị bốn mặt thù địch như vậy, họ Trịnh buộc phải duy trì ngôi vua Lê, phải nấp dưới danh nghĩa nhà Lê – một triều đại phong kiến thành lập trên chiến thắng chống ngoại xâm vẻ vang đầu thế kỉ XV và còn ít nhiều có uy tín trong nhân dân, đặc biệt là trong hàng ngũ sĩ phu phong kiến, để tiến hành đàn áp những phe phong kiến đối lập… Trong điều kiện xã hội như vậy, họ Trịnh thế tập xưng vương tước nhưng thâu tóm toàn bộ quyền hành trong nước là điều có lợi nhất cho địa vị thống trị của họ Trịnh”. Phan Huy Lê…, Lịch sử chế độ phong kiến VN, NXB Giáo Dục, HN.1960, Tập III, Chương III, Tr. 63.
(31) Theo tôi, trong công trình của mình, Li Tana là một trong số rất ít các tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ngoại thương đối với sự hưng thịnh của nhà Nguyễn nhất là khi chính quyền này mới được khởi dựng. Tác giả cho rằng: nếu “Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại nổi”: Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ, Tp. HCM 1999, Tr.85. Vào thế kỉ XVI – XVII, kinh tế ngoại thương thực sự có vai trò quan trọng với Đàng Trong nhưng sức mạnh của chính quyền chúa Nguyễn còn đồng thời dựa vào những chính sách kinh tế – xã hội khác mà nhà Nguyễn theo đuổi. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của tác giả cũng giúp cho chúng ta hiểu thấu đáo hơn vị trí, hoạt động của ngành kinh tế này.
(32) Mặc dù chính quyền Lê – Trịnh có yêu cầu được nhà Thanh trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long vào năm 1728 nhưng chính quyền này đã không giữ vững được chủ quyền lãnh thổ. Nhà Thanh đã chiếm ba châu: Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thuỷ Vĩ vào năm 1688 và sau đó, năm 1781, 10 phủ ở An Tây, Hưng Hoá cũng lại thuộc về Vân Nam.
(33) John Whitney Hall, The Cambridge History of Japan, Cambridge University 1991, p.128 – 183.
(34) John Whitney Hall, Japan from Prehistory to Modern Times, Charles E.Tuttle Company, Tokyo 1992, p.165.

 
Nguồn: Nguyễn Văn Kim, https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/ve-co-che-hai-chinh-quyen-cung-song-song-ton-tai-trong-lich-su-viet-nam-va-nhat-ban-9122.html
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 05-08-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây