Sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ của các cuộc cách mạng, đặc biệt là Cách mạng tháng Mười Nga (1917), những tư tưởng dân chủ tư sản của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên và sách báo Trung Quốc đã chuyển vào Việt Nam qua nhiều đường khác nhau.
HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN GÓP PHẦN TUYÊN TRUYỀN CHO TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG
TRƯỚC NĂM 1945
PGS.TS Trần Kim Đỉnh
1. Những năm đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã chuyển biến sâu sắc do tác động của quá trình khai thác thuộc địa của chủ nghĩa tư bản Pháp cùng với cuộc vận động canh tân – yêu nước. Nền kinh tế thuộc địa và đời sống đô thị được hình thành. Giai cấp công nhân tăng nhanh về số lượng và tiếp tục có những đổi thay sâu sắc về chất lượng. Giai cấp nông dân gánh chịu hậu quả của nền kinh tế thuộc địa, tiếp tục bị bần cùng hoá và bị xâm chiếm đất đai. Tầng lớp trí thức ngày càng đông đảo, chủ động đón nhận và tiếp thu những khuynh hướng tư tưởng mới. Một kết cấu xã hội truyền thống tuy đã bị tác động nhưng vẫn được duy trì (đặc biệt ở nông thôn); một kết cấu xã hội mới từng bước được hình thành. Các giai tầng trong xã hội đều biến đổi, chuyển hoá, tác động lẫn nhau, theo đà phát triển của xã hội.
Sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ của các cuộc cách mạng, đặc biệt là Cách mạng tháng Mười Nga (1917), những tư tưởng dân chủ tư sản của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên và sách báo Trung Quốc đã chuyển vào Việt Nam qua nhiều đường khác nhau; nhiều người Việt Nam được du học nước ngoài; những yếu tố đã tạo ra sự chuyển biến trong tư tưởng và trong phương pháp nghiên cứu văn học, sử học.
Một nền văn học, sử học nhiều màu sắc, nhiều thể loại phản ánh đặc điểm bản chất của cuộc đấu tranh giữa các ý thức hệ đã được hình thành. Chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn sử dụng nhưng ít dần, chữ Pháp được dạy trong các trường học. Chữ quốc ngữ cũng được nhiều người biết đến và đã có thêm nhiều sách báo biên soạn khảo cứu bằng chữ quốc ngữ.
Chữ quốc ngữ trở thành đối tượng quan trọng hàng đầu cho các cuộc vận động canh tân – yêu nước. Chữ quốc ngữ tiếp tục được vận dụng, thử nghiệm cả về hai phía: người đọc và người viết. Nền văn học, sử học Cách mạng ra đời và ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh để xác lập hệ tư tưởng vô sản và kịp thời là vũ khí tư tưởng trong quá trình thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cấp bách của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
2. Trong nửa đầu thế kỷ XX, một thế hệ thanh niên trí thức am hiểu sâu cả hai nền văn hoá Đông – Tây, có đóng góp quan trọng cho quá trình phát hiện giới thiệu di sản văn hoá dân tộc, đẩy mạnh quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hoá phương Tây xác lập những cơ sở cho việc hình thành những khuynh hướng sử học văn học mới ở Việt Nam.
Thế hệ trí thức Việt Nam, trong những năm đầu của thế kỷ XX được đào tạo trong hệ thống giáo dục Pháp Việt, lớp người Tây học đầu tiên vẫn có vốn Nho học. Họ biết vận dụng, tiếp thu các phương pháp khoa học và tinh hoa của nền văn minh phương Tây, xây đắp nền văn hoá mới của dân tộc, vừa hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới nhưng vẫn gìn giữ, phát huy bản chất và những giá trị cao quý của cốt cách dân tộc.
Đông kinh nghĩa thục xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 3-1907 đến tháng 12-1907. Ban Tu thư của Đông kinh nghĩa thục hoạt động như một nhà xuất bản, làm nhiệm vụ biên soạn và ấn hành những tài liệu cho giáo viên và học sinh. Đông kinh nghĩa thục đã nhanh chóng trở thành một cuộc vận động văn hoá chính trị rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ XX.
Đánh giá về hoạt động xuất bản của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà sử học Trần Huy Liệu khẳng định "Đông Kinh Nghĩa Thục đã hăng hái cổ động cho việc học chữ quốc ngữ… Do chữ quốc ngữ ngày càng phổ biến, do tiếp xúc với tân học, Đông Kinh Nghĩa Thục đã mạnh dạn truyền bá một số danh từ mới vào nhân dân ta. Ví dụ những chữ “Tiến hoá” “Kinh tế” “Cách mệnh”… mới đầu chẳng những xa lạ với những người bình dân, mà cả nhà Nho biết chữ Hán cũng rất bỡ ngỡ. Rồi qua những sách báo của Đông Kinh Nghĩa Thục, những danh từ ấy trở nên quen dần, sau hết “nhập tịch” vào tiếng nói Việt Nam. (Lịch sử Tám mươi năm chống Pháp – quyển 1)[1].
Cuối những năm 1920, ở Sài Gòn, Hà Nội và Huế đã xuất hiện nhiều thư xã, tùng thư tham gia vào quá trình biên soạn và phát hành sách, báo tuyên truyền cho tinh thần yêu nước canh tân dân tộc.
Cường học thư xã do Trần Huy Liệu (1901 – 1969) sáng lập năm 1928 ở Sài Gòn không chỉ là hiệu sách mà còn là một nhà xuất bản giới thiệu, phát hành sách báo dân chủ tiến bộ. Một số sách Cường học thư xã đã in và phát hành:
+ Một bầu tâm sự – Trần Huy Liệu (1927).
+ Ngục trung ký sự – Trần Huy Liệu (1929).
+ Gương phục quốc – Trần Huy Liệu, Đoàn Khắc Hưng (dịch)
+ Câu chuyện chung – Trần Huy Liệu.
Sau này vào những năm 1930, khi Trần Huy Liệu hoạt động ở Hà Nội, nhiều Nhà xuất bản đã in và phát hành sách của Trần Huy Liệu:
Nhà xuất bản Lê Cường in tập 1 và tập 2, Nhà xuất bản Indochinoise in tập 3 và tập 4, Nhà xuất bản Lăng Tuyết in tập 5,6,7,8 cuốn tiểu thuyết Chọc trời khuấy nước (Hà Nội năm 1935). Cũng năm này, Nhà xuất bản Lăng Tuyết còn in sách “Cường Để với Việt Nam quang phục hội” của Trần Huy Liệu và Nguyễn Thành Lâm; Nhà xuất bản Lê Cường Sài Gòn in cuốn Hội kín của Trần Huy Liệu.
Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập ở Huế vào năm 1927 với sự giúp đỡ của Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Trần Đình Nam… đã dịch, giới thiệu 13 tập sách về lịch sử nhân loại, lịch sử các học thuyết kinh tế… Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì? Đông Tây văn hoá phê bình, Thế giới cường quốc chính thể… “Lợi dụng việc xuất bản hợp pháp mà gieo vào tâm trí của thanh niên một ít kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác, lẫn với một ít kiến thức mới về khoa học, nhất là khoa học xã hội, là những điều cần thiết để hiểu chủ nghĩa Mác dễ hơn. Cái tên Quan hải là lấy ở câu “Quan hải nan vi thuỷ” (Xem biển thì biết làm ra nước là khó) của Mạnh Tử. Về hình thức, tôi bắt chước Đông Phương văn khố của Trung Quốc mà ra những tập sách nhỏ chừng 100 trang trở xuống. Về nội dung tôi dựa theo kinh nghiệm học hỏi mà bản thân tôi đã trải qua để dựng nên một chương trình xuất bản trước mắt”. “Chủ nghĩa Mác không những là một cách lý luận Cách mạng đúng đắn mà còn là một thứ nhân sinh quan, một phương pháp tư duy đúng đắn, một thứ ánh sáng có thể dẫn con đường học hỏi của mình”[2].
Sau này khi xuất bản Hán Việt từ điển và Việt Pháp từ điển (những năm 1932 – 1936), Đào Duy Anh tiếp tục trình bày quan điểm nhận thức về chủ nghĩa Mác Lênin, về duy vật lịch sử. Năm 1938, khi viết cuốn Việt Nam văn hoá sử cương, Đào Duy Anh đã vận dụng quan điểm duy vật lịch sử để trình bày tóm lược sự phát triển của dân tộc và những biểu hiện phong phú đa dạng của nền văn hoá dân tộc. Trong cuốn Trung Hoa sử cương (1944) Đào Duy Anh tiếp tục vận dụng phương pháp của chủ nghĩa Duy vật để nghiên cứu, trình bày về lịch sử Trung Quốc.
Nhận định chung về hoạt động của các thư xã trong những năm đầu thế kỷ XX, nhà sử học Trần Huy Liệu cho rằng: “Một số sách xuất bản trong thời kỳ này cũng đã đề cao tinh thần yêu nước. Nam đồng thư xã ở Hà Nội chuyên giới thiệu các nhà ái quốc và gương thành bại của các nhà cứu quốc nước ngoài. Cường học thư xã ở Sài Gòn chú ý vào việc bồi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, đào tạo những người quốc dân mới. Trần Hữu Độ dịch thuật những lý luận của Lương Khải Siêu trong tập ẩm băng thất. Duy tân thư xã xuất bản những tác phẩm của Phan Bội Châu. Giác quần thư xã xuất bản những di cảo của Phan Chu Trinh đều là những món ăn bổ dưỡng cho tinh thần độc lập và dân chủ. Mấy tác phẩm đã có một tiếng vang trong nhân dân hồi đó như Chiêu hồn nước của Phan Tất Đắc, Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu, Bút quan hoài của Trần Tuấn Khải, Tiếng quốc kêu của Việt Quyên…
Bên những tập sách kích thích tấm lòng yêu nước thương nòi, Quan hải tùng thư ở Huế đã bắt đầu biên dịch những tập sách có khuynh hướng mácxít.
Mặc dù thực dân Pháp và triều đình Huế đã ra hết đề nghị này đến đạo dụ khác để tịch thu và cấm lưu hành, tàng trữ những tác phẩm kể trên, cũng như một số tác giả đã bị giam cầm, tù tội, những sách báo ái quốc và dân chủ vẫn kế tiếp xuất bản, nhân dân vẫn hoan nghênh nhiệt liệt giữa phong trào đấu tranh đương lan rộng (Lịch sử tám mươi năm chống Pháp)[3].
Bên cạnh các nhà xuất bản công khai, hợp pháp mà không ít cơ sở được chính quyền thực dân bảo trợ, dung dưỡng, dần dần đã xuất hiện các nhà xuất bản và báo chí cách mạng hoạt động bí mật, bất hợp pháp, chủ yếu của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Báo chí ấn phẩm cách mạng Việt Nam hình thành ở nước ngoài (Pháp, Trung Quốc, Liên Xô và cả ở Đông Bắc Thái Lan) với tờ báo tiên phong là Thanh niên (6-1952) ở Quảng Châu đã được chuyển về nước bằng nhiều đường khác nhau.
Hoạt động chủ yếu trong điều kiện bí mật, vô cùng thiếu thốn, với nguyên tắc sách báo cách mạng không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể người tổ chức tập thể, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ cách mạng mà còn là hình thức tổ chức nối kết cơ quan của Đảng với quần chúng.
Từ những tờ báo đơn sơ, in sáp, in thạch (litô) tiếng nói của các cơ sở Đảng, dần dần báo chí cách mạng phong phú, đa dạng hơn, đặc biệt thời kỳ mặt trận Dân chủ (1936-1939). Từ đầu thập kỷ 1940, với sự ra đời Mặt trận Việt Minh, báo chí cách mạng đã có thêm một hệ thống nữa là “sách, báo của Mặt trận Việt Minh”.
Kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khai sinh tờ báo Thanh Niên (ngày 21-6-1925) ở Quảng Châu đến Cách mạng tháng Tám thành công, chỉ qua hai thập kỷ, hệ thống xuất bản báo chí cách mạng đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ những tờ báo đơn sơ ở nước ngoài, ở trong tù đế quốc, ở các chiến khu cách mạng, dòng báo này dần có những tờ báo lớn, có lúc được in typô rất hiện đại, ấn hành hàng vạn số, phát hành công khai ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Xuất bản báo chí cách mạng Việt Nam với sự nỗ lực của nhiều thế hệ người cầm bút – chiến sĩ, người biên tập, công nhân ấn loát dần dần đã xây dựng được cả một hệ thống báo chí và hệ thống phát hành từ Trung ương xuống các địa phương, gồm cả báo, chí và ấn phẩm với những tờ tiêu biểu như báo Thanh Niên (1925 – 1932), Lao Động (1929), Tranh Đấu (1930), Tạp chí Đỏ, Tạp chí Cộng sản (1930), Tạp chí Bônsơvíc (1934), Tin Tức (1938), Dân Chúng (1938 – 1939), Việt Nam Độc lập (1941 – 1945), Cờ Giải Phóng (1942 – 1945), Cứu Quốc (1942), Sự Thật (1945 – 1950)…
Ngày 27-10-1929 Quốc tế cộng sản gửi những người cộng sản ở Đông Dương tài liệu về việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương. Tài liệu nêu rõ: Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương phải lập tức xuất bản cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản. Phải đăng và cắt nghĩa trong cơ quan ấy những Nghị quyết của Quốc tế cộng sản… Phải cắt nghĩa những vấn đề chính trị của cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương và ở các xứ… chỉ rõ cách sinh hoạt của thợ thuyền trong các nhà máy, các mỏ, các cơ quan vận tải và các đồn điền…, cần phải tìm kiếm và huấn luyện những người phóng sự thợ thuyền và nông dân… Trước khi triệu tập Đại hội, Trung ương lâm thời phải xuất bản sách báo cộng sản để tuyên truyền và cổ động.
Văn kiện Hội nghị thành lập Đảng đã xác định rõ “Ban trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”[4]. Một trong những tờ tạp chí đầu tiên do Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản là Tạp chí Đỏ. Số 1 của tạp chí ấn hành ngày 5-8-1930. Tạp chí đánh máy, in rônêô, mỗi số khoảng 100 bản khổ 13 x 19cm.
Mười ngày sau khi xuất bản Tạp chí Đỏ, ngày 15-8-1930 Trung ương Đảng phát hành tờ báo Tranh Đấu – đây là tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi thành lập.
Cùng với việc xuất bản báo chí cách mạng, ngay từ năm 1930, Trung ương Đảng còn ấn hành nhiều tài liệu tuyên truyền khác; trong đó có cuốn Ngày quốc tế đỏ mồng một tháng tám Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản ấn hành 1930[5].
Cuốn sách giới thiệu Quốc tế cộng sản trong Đại hội lần thứ sáu đã quyết định lấy ngày 1 tháng 8 là ngày Quốc tế Đỏ (Ngày 1-8-1914 là ngày khởi đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất): Cuốn sách phân tích nguyên nhân và diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ nhất, nghĩa vụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là phải đánh đổ giai cấp tư sản, lập ra chuyên chính vô sản; xây dựng xã hội chủ nghĩa thì mới chấm dứt được các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa tư bản. Cuốn sách này nêu rõ mục tiêu và những khẩu hiệu chính của cách mạng Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Đỏ mồng một tháng Tám năm 1930.
Tờ tạp chí Cộng sản và báo Cờ vô sản đến giữa năm 1931 thì ngừng xuất bản. Từ giữa năm 1931 đến tháng 5-1934, Đảng ta không xuất bản tờ tạp chí nào ở Trung ương. Tháng 6-1934, Ban chỉ huy ở ngoài nước của Đảng cộng sản Đông Dương (phân bộ của Quốc tế cộng sản) được thành lập, Tạp chí Bônsơvích được xuất bản với nhiệm vụ là cơ quan lý luận của Ban chỉ huy.
Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) Tạp chí Bônsơvích trở thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương “Tạp chí Bônsơvích đã đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức Đảng, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất, và sau đó góp phần quan trọng vào việc thống nhất Đảng về lý luận, tư tưởng chính trị và tổ chức chuẩn bị đón cao trào cách mạng mới”[6].
Những tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã định hướng và đặt cơ sở, nền tảng cho hoạt động xuất bản cách mạng, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết từ năm 1920 và in lần đầu năm 1925, là một bản cáo trạng đánh thép đối với chủ nghĩa đế quốc nói chung và thực dân nói riêng. “Bản án chế độ thực dân Pháp ra đời như một luồng ánh sáng mới mẻ xé tan đám mây mù đang bao phủ trên khắp đất nước Việt Nam và nhiều nước thuộc địa. Nó thoả mãn cả lí trí và tình cảm của hàng triệu quần chúng cách mạng đang ngưỡng vọng và khát khao một chân trời mới; nó thu hút mạnh sự chú ý của nhiều lớp người tiến bộ đang mơ hồ băn khoăn về một con đường giải phóng sáng sủa”[7].
Đường cách mệnh tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925, và được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927. Bằng những kinh nghiệm lịch sử quý báu, kết hợp với những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, tác phẩm đã đề ra những nội dung cơ bản của cách mạng vô sản ở Việt Nam, góp phần giải quyết sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước lúc đó ở Việt Nam. Một trong những mục đích của cuốn sách là “đem lịch sử cách mệnh của các nước để làm gương cho chúng ta soi”[8].
Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết trước năm 1945 của Nguyễn Ái Quốc là Lịch sử nước ta. Người viết năm 1941 khi đang ở Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc. Lịch sử nước ta theo thể thơ lục bát gồm 210 câu và một bảng ghi những năm quan trọng. Tác phẩm được Bộ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh xuất bản và phát hành xuống các cơ sở quần chúng và đầu năm 1942. Tác phẩm khái quát quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời Hồng Bàng đến năm 1942. ““Lịch sử nước ta” có một giá trị đặc biệt đứng về phương diện sử học. Lần đầu tiên lịch sử được đánh giá theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong một tiến trình dài 4000 năm dựng nước và giữ nước, các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử, qua ngôn ngữ thơ ca, hiện lên với những nhìn nhận mới, khác với quan điểm chính thống của sử học đương thời”[9].
Ký sự dài Ba năm ở Nga Xô Viết của Trần Đình Long bắt đầu đăng trên tờ Hà Thành thời báo và tờ Tin Tức. Trần Đình Long là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng; tham gia phong trào cách mạng của Đảng Cộng sản Pháp và được Đảng Cộng sản Pháp cử sang học Đại học Phương Đông (Liên Xô) từ 1928 – 1931, sau đó về hoạt động ở trong nước ở Hà Nội và Sài Gòn. Ký sự Ba năm ở Nga Xô Viết giới thiệu về nước Nga, về trường Đại học Phương Đông, về Hồng quân Liên Xô… Những việc cụ thể về nước Nga được giới thiệu chân thật, sinh động, khác lạ với những gì được biết về phương Tây thời đó.
Năm 1938, Đông Dương thư xã ở Mỹ Tho ấn hành cuốn Tình trong tù của Ngũ Yến (Nguyễn Văn Nguyên). Tập truyện ngắn gồm 6 truyện đã đăng trên tờ Dân Quyền, truyện tả thực về cuộc sống của tù chính trị trong nhà tù Côn Đảo. Tác phẩm góp phần tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc.
Năm 1938, tập hồi ký có tính chất phóng sự điều tra Ngục Kon Tum của nhà cách mạng Lê Văn Hiến được xuất bản công khai trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Ngục Kon Tum tố cáo trước dư luận tội ác của thực dân Pháp đối với chính trị phạm ở Đông Dương, góp tiếng nói đấu tranh của phong trào dân chủ đương thời. Tác phẩm đã được dư luận trong và ngoài nước chú ý. Đặng Thai Mai đã dịch đăng trên tờ Le Travail (Lao Động) – của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực dân Pháp đã ra lệnh cấm cuốn sách này.
Năm 1939, Tập sách Dân chúng xuất bản cuốn Vượt ngục của Cựu Kim Sơn (Văn Tân). Sách kể về câu chuyện của bảy chiến sĩ cộng sản vượt ngục Hoả Lò ngày 24-12-1932. Tác giả vạch trần tội ác và những thủ đoạn ngược đãi tù nhân của thực dân Pháp và ca ngợi tinh thần quả cảm và mưu trí của những chiến sĩ cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1939, Tập sách Dân chúng đã xuất bản cuốn Tự chỉ trích. Đây là cuốn sách quan trọng của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ (với cương vị là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 3-1938) trực tiếp biên soạn và cho xuất bản (với bút danh Trí Cường).
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 – 1941) một lãnh tụ của Đảng trong những năm 1936 – 1939 đã viết nhiều tác phẩm để tuyên truyền những vấn đề về chính trị xã hội và tư tưởng cộng sản. Sau bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc ở Buôn Ma Thuột, năm 1936, ra tù, Phan Đăng Lưu đã trực tiếp chỉ đạo các tờ báo: Sông Hương tục bản, Dân, và nhà xuất bản Tư tưởng mới ở Đà Nẵng. Những tác phẩm đã xuất bản:
– Xã hội tư bản, Nhà xuất bản Tư tưởng mới, Đà Nẵng, năm 1937.
– Thế giới cũ và thế giới mới, Nhà xuất bản Tư tưởng mới, Đà Nẵng, năm 1938.
– Thi văn các chí sĩ Việt Nam, Nhà xuất bản Tân Thanh, Huế năm 1939[10].
Trong các hoạt động ấn loát và xuất bản phục vụ tuyên truyền cách mạng trước năm 1945, có công việc rất khó khăn gian khổ nhưng vô cùng quan trọng, đó là biên soạn và in những tờ truyền đơn, lời kêu gọi, yết thị, tuyên ngôn của các tổ chức tiền thân, các tổ chức quần chúng của Đảng và của Đảng Cộng sản. Những tờ truyền đơn thường in bằng chữ quốc ngữ, bằng mực đỏ hay tím trên nhiều khổ giấy và chất liệu khác nhau. Những năm ba mươi nhiều truyền đơn in cả chữ Hán và chữ Pháp.
Đội ngũ công nhân các xưởng in đã đóng góp quan trọng cho các hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng, từ tham gia in tài liệu, truyền đơn đến trực tiếp đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Trong thời kỳ 1936 – 1938, nhiều truyền đơn, lời kêu gọi được in công khai tại các nhà in. Nhà in Bảo Tồn số 175 Đại lộ Dela Somme (Phố Hàm Nghi) Sài Gòn là nơi đã in nhiều tài liệu, lời kêu gọi của Uỷ ban hành động bồi bếp Sài Gòn (in 3000 tờ ngày 15-9-1936), Uỷ ban hành động Phú Nhuận (in 2000 tờ trên giấy thường màu trắng khổ 16 x 24,5cm ngày 16-9-1936)…[11]
“Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng của quần chúng đã tạo điều kiện cho văn học hiện thực phê phán phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Mặt trận dân chủ và từ năm 1943 đã chuẩn bị cho nó những yếu tố có thể chuyển dần sang văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sau Cách mạng tháng Tám”.
“Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng của quần chúng đã tạo nên một sự giao lưu giữa văn học hiện thực phê phán và văn học cách mạng. Một số nhà văn cách mạng đã sử dụng vũ khí của chủ nghĩa hiện thực phê phán trên các báo chí công khai. Mặt khác một số nhà văn hiện thực phê phán có lúc đã viết được những tác phẩm có yếu tố cách mạng”.[12]
Những tác phẩm truyện ký của Nguyễn Ái Quốc (1922 – 1925) ở Paris, Nhật ký trong tù (1942 – 1943) của Hồ Chí Minh, những tiểu luận của Hải Triều, Ký sự của Lê Văn Hiến (Ngục Kông Tum), Trần Đình Long (Ba năm ở Nga Xô viết) tiểu thuyết của Cựu Kim Sơn (Vượt ngục) trong thời kỳ mặt trận dân chủ… đã đặt nền móng cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sau năm 1945.
Sau khi Đảng ta công bố Đề cương văn hoá (1943) và đặc biệt sau khi thành lập Hội văn hoá cứu quốc (1944), nhiều nhà văn, nhà báo có tên tuổi đã tham gia lực lượng xuất bản sách báo cách mạng như: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Vũ Quốc Uy, Tô Hoài…
3. Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã có những biến đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cuộc sống nơi đô thị đã thu hút nhiều nhà nho cũng ra thành phố. Cuộc sống và mối quan hệ mới đã “thành thị hoá, tiểu tư sản hoá” một lớp các nhà nho trẻ. Cái mới tập trung ở đô thị, nhưng không chỉ đóng khung ở thành thị, nó đổi thay cả cuộc sống ở nông thôn, tấn công vào những quan hệ và những con người vốn trung thành với cái cổ truyền, cái xưa cũ.
Đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp. Vấn đề đặt ra cho mọi người dân, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức là phải đứng lên đấu tranh chống Pháp giành độc lập dân tộc, đồng thời phải canh tân, đổi mới phát triển theo kịp các nước văn minh. Vấn đề cứu nước, vấn đề duy tân được đặt ra cấp bách. Phải động viên, đoàn kết toàn dân, đồng thời phải xây dựng đất nước giàu mạnh, phải duy tân mới đánh thắng tư bản Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc. “Không phải duy tân và yêu nước không dễ kết hợp với nhau. Không dễ dứt bỏ cái của cha ông, của dân tộc, của thánh hiền, để theo cái mới. Có người ghét Pháp cự tuyệt mọi cái mới. Có người cho duy tân là tất cả, lầm lẫn những việc Pháp làm cũng là duy tân. Duy tân là cả một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái dân tộc và cái phản dân tộc.
Trong cuộc đổi thay như vậy – một cuộc đổi thay mà bất cứ một cuộc bể dâu nào trước đây cũng không thể so sánh – có nhiều con người khác trước, nhiều quan hệ khác trước, nhiều truyện khác trước”[13].
“Nền văn học hiện đại hình thành trên cơ sở của sự phát triển các đô thị lớn, sự hình thành giai cấp tư sản và giai cấp công nhân cùng một lớp công chúng tiểu tư sản trí thức thành thị đã tiếp thu ít nhiều văn hoá phương Tây. Tất nhiên, đi vào quỹ đạo hiện tại thì nó là một chất lượng mới với một đội ngũ nhà văn mới, quan điểm thẩm mỹ mới, thi pháp mới khác với văn học hiện đại”[14].
Nửa đầu thế kỷ XX, bất chấp ách nô dịch của thực dân Pháp, với sự chuyển mình của toàn xã hội thông qua các cuộc vận động duy tân, các phong trào đấu tranh yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc, nền quốc văn mới đã hình thành và phát triển.
“Sự xuất hiện các nhà in theo kỹ thuật hiện đại và báo chí phát triển là bà đỡ cho văn học, nuôi dưỡng cho văn học”. Các nhà nho Việt Nam đầu thế kỷ XX đã “bỏ bút lông cầm bút chì” – đó là một đổi thay quan trọng trong tư duy và trong việc sử dụng ngôn ngữ. Kỹ thuật in mộc bản đã không đáp ứng được sự phát triển của ngôn ngữ. Nền quốc văn đã được làm giàu lên, phong phú thêm bởi nguồn từ vựng mới. Ngữ vựng phản ánh cái mới trong đời sống đã ngày càng nhiều thêm. Sự phát triển của báo chí phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật in. Do vậy sự chuyển đổi của nghề in từ kỹ thuật khắc chữ rời thực sự là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đó đã tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của báo chí và văn học. Hoạt động xuất bản đã có một bước chuyển rất căn bản với sự gắn bó chặt chẽ giữa người sáng tác, biên khảo, biên tập, in ấn và phát hành.
Hệ thống các thư xã, tùng thư, nhà in, nhà xuất bản ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng… với một mô hình: vừa biên tập, biên soạn, in ấn và phát hành là đặc điểm trong các hoạt động xuất bản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sự gắn kết giữa báo chí và văn học trong giai đoạn hình thành nền văn học hiện đại Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả người viết và các nhà xuất bản. Và trên thực tế nhiều nhà xuất bản có tờ báo (thậm chí nhiều tờ báo) của riêng mình. Nhiều tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu đã được công bố trên báo chí trước khi xuất bản thành sách. Báo chí không chỉ là nơi công bố trước tác phẩm của nhà văn, nhà nghiên cứu, mà còn là diễn đàn giới thiệu, tranh luận về chất lượng của tác phẩm (cả về nội dung và hình thức).
Cùng với sự phát triển của các khuynh hướng tư tưởng, những cơ sở in, xuất bản đã góp phần quan trọng cho quá trình truyền bá, xác lập và khẳng định vị trí chủ đạo của hệ tư tưởng vô sản. Xuất bản cách mạng đã khẳng định vị trí quan trọng, thu hút, tập hợp đội ngũ, góp phần xây dựng nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của xuất bản cách mạng sau năm 1945.
Chú thích:
[1]. Trần Huy Liệu: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 165-166.
[2]. Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb. Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.35.
[3]. Trần Huy Liệu: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Sđd, tr.273-274.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.12.
[5] Tài liệu này được in lại trong Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Sđd, tr.39-54 với ảnh chụp tờ bìa cuốn sách.
[6] Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, tr. 93.
[7] Tổng tập văn hoá Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, t.36, tr.260, 570.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.262.
[9]. Tổng tập văn hoá Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, t.36, tr.260,570.
[10]. Tác gia Nghệ – Tĩnh thế kỷ XX, Sở Văn hoá Thông tin Nghệ Tĩnh, 1990, t.1, tr.66.
[11] Tuyên truyền cách mạng trước năm 1945, Sưu tập tài liệu lưu trữ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2001, tr.177,182.
[12] Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.71,72.
[13] Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội, 1988, tr. 20,21.
[14] Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr.14.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 06-03-2013.