Diễn trình giao lưu kinh tế, văn hóa Việt - Trung vùng lưu vực sông Hồng trong bối cảnh quan hệ khu vực (PGS.TS Nguyễn Văn Kim)

Thứ tư - 09/08/2023 23:53
Trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, chúng ta thấy hầu hết các nền văn minh lớn (Great civilization) đều được hình thành, phát triển ở lưu vực các dòng sông. Từ khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (TCN) sông Nile đã nuôi dưỡng nền văn minh Ai Cập.

DIỄN TRÌNH GIAO LƯU KINH TẾ, VĂN HOÁ VIỆT – TRUNG
VÙNG LƯU VỰC SÔNG HỒNG TRONG BỐI CẢNH QUAN HỆ KHU VỰC


PGS.TS Nguyễn Văn Kim
 
1. Nơi khởi nguồn của các nền văn minh

Trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, chúng ta thấy hầu hết các nền văn minh lớn (Great civilization) đều được hình thành, phát triển ở lưu vực các dòng sông. Từ khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (TCN) sông Nile đã nuôi dưỡng nền văn minh Ai Cập. Ở vùng Trung Cận Đông, chính hệ thống của hai dòng sông Tigre và Euphrate đã bồi đắp nên nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia). Và không thể nói đến quá trình sinh tạo, tỏa rạng sớm của văn minh Ấn Độ nếu không có nguồn nước vô tận của sông Ấn, sông Hằng. Ở vùng Đông Bắc Á, văn minh Trung Hoa chắc chắn cũng không thể hình thành sớm và phát triển rực rỡ nếu không có môi trường tự nhiên, văn hoá của hai hệ thống Hoàng Hà và Trường Giang chảy ngang chiều dài lãnh thổ rồi đổ ra Biển Trung Hoa (China sea) rộng lớn.

Ở một cấp độ khác, dường như khiêm tốn hơn, theo cách phân định của một số học giả quốc tế, mà tiêu biểu là Arnold Toynbee, thì cùng với sự tồn tại của các nền văn minh lớn, lịch sử nhân loại còn hiện tồn các nền văn minh khác có giá trị tương hỗ gọi là “Văn minh vệ tinh” (Civilizations satellites)(1). Dường như mang tính quy luật, hầu hết các nền văn minh đó cũng đều được hình thành ở lưu vực các dòng sông. Chỉ riêng khu vực Đông Á, hệ thống của các dòng sông như Irrawaddy, Chao Phraya, Mekong, sông Hồng... không chỉ là môi trường thành tạo mà còn chứng kiến biết bao sự thăng trầm của các nền văn hoá, trung tâm văn minh khu vực. Khẳng định vai trò của yếu tố sông nước trong buổi đầu sáng tạo văn hóa và lập quốc, nhiều nhà khoa học đã gọi tên của các dòng sông để định danh cho một số nền văn minh khu vực. Và khái niệm “Văn minh sông Hồng” đã xuất hiện trong bối cảnh đó (2).

Khi nói đến sông nước chúng ta thường hay luận suy đến môi trường và điều kiện canh tác tự nhiên của cư dân nông nghiệp để rồi từ đó hình thành nên các trung tâm “Văn minh nông nghiệp”. Theo lô gíc đó, “Văn minh nông nghiệp” vẫn được coi là mô hình tiến triển phổ biến của các nền văn minh. Nhưng, thực tế lịch sử cũng cho thấy cùng với mô hình phổ quát đó, nhân loại cũng từng sáng tạo nên ba mô hình khác nữa là: “Văn minh du mục”, “Văn minh thương nghiệp”“Văn minh biển” - ở đó, cư dân sống chủ yếu bằng khai thác biển và giao thương trên biển. Điều hiển nhiên là, không có bất cứ chủ nhân nền văn minh nào lại tự phân lập phạm vi và chỉ thỏa mãn với môi trường khai thác kinh tế chính yếu của mình, đoạn tuyệt với các nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cùng các hoạt động kinh tế khác. Dưới giác độ Kinh tế - nhân văn, chính các hoạt động kinh tế đa dạng đó không chỉ đem lại nguồn bổ sung mà còn là điều kiện tạo nên đặc tính đa dạng của các nền văn hoá. Nhu cầu trao đổi thiết yếu của tự thân mỗi trung tâm văn hoá khiến cho nó luôn chia sẻ và chứa đựng trong đó những giá trị sáng tạo mang tính khu vực.
 

2. Trống đồng và tâm thức trống đồng Lạc Việt

Khởi nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn, gần hồ Đại Lý trên cao nguyên Vân Quý (Trung Quốc), sông Hồng chảy theo hướng tây bắc - đông nam, nhận nước của 72 nhánh sông lớn nhỏ nhưng hội lưu với 3 nhánh chính là sông Đà, sông Thao và sông Lô (cũng đều bắt nguồn từ Trung Quốc) ở vùng ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì (3). Trải qua thời gian, hệ thống sông Hồng đã bồi đắp nên một châu thổ rộng lớn và nguồn phù sa màu mỡ của dòng sông đã nuôi dưỡng nền văn minh Lạc Việt - Đại Việt. Nền văn minh đó đã sớm thể hiện rõ những đặc tính phát triển riêng biệt, bản địa nhưng đồng thời nó cũng là sự kết tụ của quá trình giao lưu, giao hoà sâu sắc với văn minh Trung Hoa cũng như các nền văn hoá khác trong khu vực.

Cùng hòa chung dòng chảy với môi trường văn hóa Đông Á, văn hóa Việt Nam hình thành trong một không gian văn hóa đa dạng, rộng lớn. Từ thời tiền sử, cư dân Việt cổ, mà có học giả phương Tây gọi là “Người tiền Việt” (Proto Viet), đã có những mối liên hệ mật thiết với các trung tâm văn hóa Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Về tự nhiên, khu vực rộng lớn này có điều kiện khí hậu, môi trường tương đối đồng nhất nhưng vẫn xen cài một số tiểu vùng có tính chất đặc thù của miền giáp ranh giữa “Hệ sinh thái chuyên biệt” (Specialized ecosystem) ôn đới và “Hệ sinh thái phổ tạp” (General ecosystem) nhiệt đới. Là một khu vực nằm ở vùng chân núi Himalaya, bị chia cắt liên tục bởi các dãy núi và sông ngòi, các tộc người cổ đã sinh sống dọc theo thung lũng và không ngừng thiên di về phía đông nam theo hướng chảy phổ quát của hệ thống sông ngòi Đông Nam Á. Được thôi thúc bởi sự lắng kết phù sa của các bãi bồi ven sông và cửa biển, một số tộc người từ vùng núi cao đã tiến dần xuống vùng hạ châu thổ và tự tổ chức thành những cộng đồng xã hội đông đúc. Họ vừa dựa vào tự nhiên vừa từng bước chinh phục tự nhiên, hòa nhập với môi trường sống mới và không ngừng mở rộng không gian sinh tồn. Do vậy, các triền sông và nơi hội lưu của các dòng sông không chỉ là môi trường canh tác thuận lợi mà còn là địa bàn tập trung với độ trù mật cao các di chỉ cư trú của các tộc người cổ.

Trong môi trường văn hóa đó, vào thời đá cũ ở Việt Nam và miền nam Trung Quốc đã phổ biến kỹ thuật chế tác công cụ đá cuội trong các di tích hang động đá vôi. Trong đó, các bước phát triển về kỹ thuật chế tạo và kiểu dáng công cụ rất gần nhau. Kỹ nghệ Ngườm (Thái Nguyên), với đặc trưng nổi bật là sự phong phú của công cụ mảnh tước kích thước nhỏ, có niên đại khoảng 3 vạn năm rất giống hiện vật lớp dưới di tích Bạch Liên Động ở Quảng Tây. Theo đó, công cụ Sơn Vi cũng có sự tương đồng với các công cụ trong di tích Thanh Đường, Hoàng Nham Động (Quảng Đông) và Bảo Tích Nham, Lan Gia Thôn (Quảng Tây). Và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những công cụ đá tìm được trong một số di chỉ ở Quảng Đông và Quảng Tây là thuộc về văn hóa Hòa Bình. Nhưng cũng có ý kiến thiên về quan điểm: Các công cụ đó chỉ mang phong cách Hòa Bình và rất có thể chúng là loại hình địa phương của văn hóa này (4).

Đến thời đại kim khí, mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên mật thiết và mang sắc thái mới. Nổi bật hơn cả là mối quan  hệ qua lại giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền ở Vân Nam với sự hiện diện của những chiếc qua đồng có hoa văn hình đầu người ở chuôi hay loại dao găm cán hình chữ T, lưỡi phình rộng ở giữa. Nhưng mặt khác, những dấu tích của văn hóa Đông Sơn như những thạp đồng cũng được phát hiện ở Thiên Tử Miếu, Trình Cống. Trống đồng Đông Sơn, một di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, cũng được tìm thấy khá nhiều ở vùng Hoa Nam. Trong di tích Trại Thạch Sơn nổi tiếng ở Vân Nam, bên cạnh những trống đồng Điền vẫn còn có những trống đồng đặc trưng của Đông Sơn. Trống Đông Sơn cũng tìm được ở Quảng Tây. Theo dòng chảy văn hóa - kinh tế lên phía Bắc, văn hóa Đông Sơn còn đi xa hơn nữa đến các tỉnh Hồ Nam, Triết Giang... ở Huyện Cẩn (Triết Giang) đã phát hiện được một lưỡi rìu xòe rộng, trang trí hình hai con cá sấu và bốn người chèo thuyền. Rõ ràng, đó là lưỡi rìu mang phong cách đặc thù của văn hóa Đông Sơn (5).

Khác với quá trình thiết lập biên giới chính trị, các “Không gian văn hoá - tộc người” đã được hình thành sớm và tự nhiên trong lịch sử. Trên lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn cũng đã sớm hình thành hai trung tâm văn hóa lớn là Hoa Bắc và Hoa Nam. Như vậy, toàn bộ phía nam Trường Giang là địa bàn tụ cư chính yếu của các tộc Bách Việt. Họ cùng chia sẻ nhiều giá trị chung và có mối quan hệ hết sức mật thiết. Trên cơ sở những phát triển văn hóa mang tính bản địa, vào những thế kỷ trước và sau Công nguyên, ở vùng tây nam Trung Quốc, bắc Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan hiện nay đã hình thành một khu vực “Văn hóa trống đồng”. Về cơ bản “Không gian văn hóa trống đồng” đó cũng phát triển tương đối trùng hợp với một trong những trung tâm nông nghiệp trồng lúa nước hình thành sớm của châu Á (6).

Có thể thấy, trải qua một quá trình phát triển tương đối lâu dài của thời kỳ “Tiền Đông Sơn”(Pre-Dong Son), con đường tiến đến văn hóa Đông Sơn không phải là một dòng chảy thuần nhất và đơn tuyến. Từ lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả... các trung tâm văn hóa đã cùng hội lưu để tạo nên một nền văn hóa Đông Sơn phong phú và đạt những thành tựu hết sức rực rỡ. Đặt trong mối liên hệ so sánh, “Cộng đồng văn hóa Đông Sơn phát triển cao so với các nền văn hóa khác đương thời trong khu vực, có nhiều nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á” (7). Hơn thế, văn hóa Đông Sơn không chỉ tích hợp những giá trị của các trung tâm văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam mà còn thâu nhận nhiều phát triển sáng tạo và đặc tính của các trung tâm văn hóa khác trong khu vực. Theo đó, trước khi đi đến sự hội tụ để hình thành nên một nền văn minh lớn, từ văn hóa Phùng Nguyên đã có sự giao lưu nhất định với văn hóa Ân, Thương vùng Hoa Hạ.

Nhưng, trong khi chú trọng đến đặc tính khu vực của văn hóa Đông Sơn thì cũng phải thấy rằng trước khi tiếp nhận các ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, Việt Nam đã có một nền văn minh riêng với những sắc thái Đông Nam Á đặc thù, nổi bật. Và nhiều nhà khoa học đã gọi những nền văn hóa trước Đông Sơn và Đông Sơn dưới một cái tên gọi chung là “Văn minh Sông Hồng”. Đó là một nền văn minh của cư dân trồng lúa đã biết thuần dưỡng động vật làm sức kéo. Họ đã có một kỹ thuật chế tác đồng thau và đồ sắt khá cao, biết tạo ra các công cụ tưới tiêu có kích thước lớn. Và, quan trọng hơn hết thảy là xã hội đã có sự phân tầng và một Nhà nước sơ khai xuất hiện. Nhà nước đó được thiết lập dựa trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước với kỹ thuật thuần thục. Theo Stephen O’Harrow thì: “Thói quen cấy lúa nước trong vùng này có thể xuất hiện từ đầu thiên niên kỷ thứ II TCN, nếu không phải là sớm hơn, và việc sử dụng thường xuyên những công cụ bằng kim loại, có thể muộn hơn song cũng đã khá lâu trước khi có mối giao lưu lịch sử giữa người tiền Việt và người Trung Hoa... Nói cách khác, không một sự phát triển nào lại có thể coi là kết quả của cuộc chiếm đóng của người Trung Hoa trong suốt thời kỳ lịch sử đó”. Và, nhà nghiên cứu người Mỹ cũng nhấn mạnh: “về mặt này những sự khẳng định cho đến nay của các nhà sử học và các tác giả của những cuốn sách giáo khoa chuẩn của chúng ta chắc sẽ phải sửa đổi lại một cách nghiêm túc nếu không phải là sửa lại toàn bộ” (8). 

Như vậy, trước khi có sự thâm nhập mạnh mẽ của người Hán xuống phương Nam thì trong khu vực lãnh thổ phía bắc Việt Nam hiện nay đã hình thành một nền văn hóa Đông Sơn thể hiện sâu đậm những dấu ấn bản địa. Về bản chất đó là một nền văn hóa “phi Hoa phi Ấn” và chủ nhân sáng tạo của nền văn hóa đó là các tộc người Bách Việt đã từng sinh sống ở phương Nam lâu đời. Trong tiến trình phát triển, văn hóa Đông Sơn không ngừng tiếp nhận thêm những dòng thiên di mới, những yếu tố kinh tế và kỹ thuật canh tác mới nhưng tất cả đều trở thành những nhân tố bổ sung và làm phong phú thêm nền văn hóa bản địa đã được định hình. Với văn hóa Đông Sơn, có thể cần phải tiếp tục tìm thêm những bằng chứng chữ viết (9) nhưng chắc chắn là vào thời kỳ này những chủ nhân của văn hóa Đông Sơn đã nói một ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ Nam Á và có những phong tục, phương thuật riêng. Ở Lào Cai, bãi đá cổ Sa Pa trong thung lũng Mường Hoa, mà một số người coi là có mối liên hệ với văn hóa Đông Sơn, vẫn còn là những bí ẩn của thời gian, đòi hỏi các nhà khoa học phải có sự hợp tác liên ngành, quốc tế trong những công trình khảo cứu mới (10). Là một thời đại văn hóa lớn, văn hóa Đông Sơn gắn liền với Thời dựng nước, vừa diễn tiến vừa có sự hòa quyện giữa sự thực lịch sử với huyền thoại và thời đại này luôn là mạch nguồn của những truyền thuyết thấm đượm những sắc màu tâm linh, huyền nhiệm (11).

Trên phương diện kinh tế, cũng chính vào thời kỳ chuyển giao giữa thời đại đồng và sắt sớm, văn hóa Đông Sơn đã có những tiếp giao văn hóa, trao đổi và giao thương trên khoảng cách lớn. Trong bối cảnh đó đã hình thành nên mối liên hệ mật thiết Việt Điền - Dạ Lang của vùng Việt Bắc, Tây Bắc và một bộ phận Bắc Bộ, bắc Trung Bộ với Vân Nam, Lưỡng Quảng và với cả cư dân du mục vùng Trung Á. Và như vậy, văn hóa Đông Sơn đã có sự giao hòa mạnh mẽ giữa “Văn minh nông nghiệp trồng lúa nước” trong các thung lũng với “Văn minh du mục”, với bản tính năng động, luôn có khuynh hướng thiên di được hình thành trên những thảo nguyên rộng lớn. Mạch nối giao lưu đó không chỉ được thôi thúc bởi những yếu tố khác lạ về văn hóa mà còn do sức hút mạnh mẽ từ trung tâm cung cấp nguyên liệu giàu tiềm năng của vùng Việt Bắc, Tây Bắc và Vân Nam, Quảng Tây. Đó còn là xứ sở của các nguồn lâm sản, động vật lớn và những mỏ đồng, thiếc, chì, kẽm, sắt... nhưng lại thiếu muối, lương thực, vải cùng sản vật biển của miền kinh tế Hoa Nam và bắc Việt Nam. Theo các triền sông và thung lũng, sự giao lưu, trao đổi diễn ra rất mật thiết và để lại dấu ấn đặc sắc trên nhiều biểu hiện tiêu biểu của thời đại văn hóa Đông Sơn và sau đó.

Dựa trên những phát hiện khảo cổ học, một số nhà khoa học đã rất chú ý đến mối liên hệ giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Tấn Ninh (Vân Nam), giữa mộ thuyền Việt Khê - Châu Can với vùng Ba Thục (Tứ Xuyên). Cùng với những cảnh thức sinh hoạt nông nghiệp, đua thuyền, mùa hội... trên trống, thạp đồng Đông Sơn thì những dao găm tượng người tết tóc kiểu tộc Khương nói ngữ hệ Tạng Miến ở Vân Nam, những con thú vồ mồi trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Vĩnh Phú) và cả một số lượng phong phú các vỏ sò trong các đồ đựng, trống đồng Tấn Ninh... cho thấy sự giao lưu sâu sắc đó. Nhưng văn hóa Đông Sơn không chỉ hướng Bắc mà còn lan tỏa đến miền Trung và nhiều vùng xa xôi khác ở phương Nam. Trong nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khoa học đã phát hiện được các lưỡi rìu đồng, vũ khí đồng... điển hình của văn hóa Đông Sơn (12). Đó là những minh chứng sinh động cho thấy tầm ảnh hưởng và mối giao lưu rộng lớn của nền văn hóa nổi tiếng này(13). Và như vậy, những yếu tố của “Văn hóa thực vật” đã có sự kết hợp hài hòa với “Văn hóa động vật”. Theo Man thư của Phàn Xước đời Đường, thì các tộc người vùng Điền, Nam Chiếu, Đại Lý thường bán trâu, ngựa cho An Nam để đổi lấy muối (14). Mối quan hệ đó vẫn được tiếp tục duy trì đến thời Lý, Trần và chắc chắn họ cũng có mối liên hệ với các trung tâm kinh tế của người Môn - Khmer và Tày - Thái cổ.  

Thấm hiểu ý nghĩa, tâm thức trống đồng của người xưa ta thấy: Trống đồng không chỉ là một loại nhạc khí mà còn là một vật linh thiêng, hội tụ, kết giữ hồn dân tộc. Trống đồng là biểu trưng của sức mạnh vật chất và quyền lực chính trị của những Lạc tướng, Lạc hầu... của lòng trung thành và tinh thần hướng về nguồn cội. Có thể nói, trống đồng “là những hiện tượng liên lập, là những thành phần hữu cơ, nội sinh, của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của Việt Nam và Đông Nam Á, của nền văn minh sông Hồng, của kỷ nguyên bắt đầu dựng nước và giữ nước, Văn Lang,  u Lạc, của thời đại các vua Hùng... Do vậy, từ trống đồng xưa cổ, có thể đúc rút ra triết lý Việt cổ, có thể chắt lọc ra tư duy trống đồng, tư duy Việt cổ” (15). Và Hội thề Đồng cổ vẫn là một nghi lễ linh thiêng của nhiều triều đại về sau.

Nhưng, trước sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ về phương Nam của người Hán, các cụm Bách Việt của Triết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây lần lượt bị Hán hoá. Do vậy, cùng với sự xâm nhập của văn hóa Hán, văn hóa Việt Nam vừa tiếp tục biến đổi vừa tiếp nhận và hòa trộn thêm các đặc trưng văn hóa vùng Đông Á với tinh thần “Vô tốn trung Quốc, bất dị Trung Quốc”. Do vậy, người Việt của Lạc Việt dù bị thôn tính, chia cắt thậm chí bị sáp nhập thành châu, quận... vẫn duy trì được bản sắc văn hoá và ý thức dân tộc mạnh mẽ. Theo Việt sử lược thì dưới thời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) “ở bộ Gia Ninh, có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương... Việt Câu Tiễn (505-465 TCN) đã sai sứ tới dụ, Hùng Vương chống cự lại” (16).

Trước những biến thiên của lịch sử, để tồn tại và giữ vững bản sắc của mình, nền văn hoá Việt, dân tộc Việt phải trải qua một cuộc đấu tranh sinh tồn quyết liệt không chỉ với những yếu tố văn hoá của người Hán mà còn cả với những dạng thức văn hoá đã Hán hoá ở vùng Hoa Nam. Theo chân các đội quân và dòng thiên di, đặc biệt là mỗi khi ở Trung Quốc có những biến động chính trị lớn, tất cả những thành tố văn hóa đó đã tràn vào Việt Nam vừa phủ lên trên vừa xen cài với những lớp tầng văn hóa cũ. Đến khi bị Hán xâm lược và nô dịch trực tiếp thì hiện tượng cưỡng chế văn hóa đã diễn ra và để chống lại sự đồng hóa, người Việt đã phải cố kết lại trong các làng thôn mặt khác không ngừng nuôi dưỡng ý thức duy trì các yếu tố cộng đồng nguyên thủy mà đúng ra trước những chuyển biến sâu sắc về chính trị và kinh tế - xã hội thì chúng phải bị loại bỏ tự nhiên theo quy luật vận động của lịch sử.
 

3. Khẳng định bản sắc và những tiếp giao kinh tế - văn hóa

Cho đến khoảng đầu Công nguyên, văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ mới tác động mạnh mẽ đến vùng đất của người Việt cổ ở miền bắc Việt Nam hiện nay. Tôn giáo, thiết chế chính trị, văn hóa phương Bắc bắt đầu thâm nhập vào khu vực. Có thể nói, với sự xâm nhập của nhà Hán mối quan hệ văn hóa Việt - Trung chuyển sang một giai đoạn mới.

Thực hiện chính sách cai trị và áp chế khuôn mẫu Trung Hoa, trải các triều Tây Hán, Đông Hán, Lục Triều, Tùy Đường... nhiều quan lại và cư dân Trung Quốc đã sang làm quan và sinh sống ở Việt Nam. Những người này chủ yếu tập trung ở các trung tâm chính trị và kinh tế lớn. Văn hóa truyền thống Việt Nam đứng trước những thách thức mới. Để bảo tồn và khẳng định bản sắc của mình, song song với quá trình “Hoa hóa” văn hóa Việt Nam cũng đồng thời diễn ra quá trình “giải Hoa hóa”. Sự hiện diện của hệ thống các mộ Hán và loại mộ mang phong cách Hán cho thấy rõ điều đó. Điều đáng chú ý là, hệ thống các “mộ Hán” phần lớn tập trung ở vùng hạ châu thổ sông Hồng và miền Đông Bắc. Vùng cửa ngõ Đông Bắc càng trở nên có ý nghĩa quan trọng khi Con đường tơ lụa trên biển được thiết lập. Như vậy, vào thời kỳ Bắc thuộc ảnh hưởng của văn hóa Hán, một nền văn hóa dựa căn bản vào hệ tư tưởng Hán nho, thiết chế tập quyền và những định chế của kinh tế nông nghiệp, vẫn chủ yếu tập trung và chỉ có thể gây ảnh hưởng mạnh ở vùng châu thổ rộng lớn. Trong khi đó, vùng trung và thượng nguồn hệ thống sông Hồng vẫn là một thế giới riêng với đời sống sinh hoạt vật chất, tâm linh truyền thống. Thực tế, đó vẫn là một Không gian văn hóa - xã hội tự nhiên. Ở mỗi thung lũng, mường, động... cư dân bản địa vẫn duy trì những cấu trúc xã hội, tiếng nói, luật tục, phong tục tập quán và vũ trụ luận riêng được chắt lọc, sáng tạo từ chiều sâu lịch sử, trong các cách thức ứng xử xã hội và những hoạt động kinh tế cổ truyền (17).

Hiển nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những ảnh hưởng nhất định của văn hóa Hán cũng từng bước vươn đến vùng trung, thượng nguồn sông Hồng và chiều sóng áp lực thứ hai là từ Hoa Bắc tràn xuống Hoa Nam. Nhưng trong một không gian rộng lớn, môi trường xã hội, kinh tế khác nhiều so với đồng bằng, nhà Hán không thể dễ dàng thay đổi những định chế cố hữu. Như vậy, khu vực trung và thượng nguồn sông Hồng, sông Mã, sông Cả... trở thành nơi bảo lưu nhiều nhất, lâu bền nhất những mạch nguồn văn hóa, tâm thức cổ. Nhưng, dường như tương phản với quá trình biên giới quốc gia ngày càng được xác lập cụ thể, ý thức về chủ quyền dân tộc cũng ngày một trở nên mạnh mẽ thì mối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vẫn là một dòng chảy tự nhiên, đáp ứng nhu cầu tồn tại, phát triển của mỗi dân tộc. Sự giao lưu đó luôn diễn ra đa dạng, đa chiều, vượt ra khỏi biên giới của hai nước và từ lâu đã chứa đựng trong đó những yếu tố liên vùng. Rõ ràng là, từ thời cổ đại sự thịnh suy của mỗi trung tâm kinh tế, mỗi nền văn minh đều là nhân tố có ý nghĩa và tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn thể khu vực.

Là một trong hai trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất của châu Á, văn minh Trung Hoa tự ngàn xưa đã có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều nước trong khu vực. Đến thời Đường (618 - 907), trung tâm kinh tế và văn hoá đó lại càng có nhiều ảnh hưởng và sức lan toả mạnh mẽ. Do có chung biên giới trên bộ, trên biển và có những ưu thế kinh tế nhất định, Việt Nam đã cùng chia sẻ nhiều bước chuyển quan trọng với khu vực kinh tế miền Nam Trung Hoa và đồng thời là điểm dừng chân của nhiều sứ đoàn, nhà truyền giáo, thương nhân từ các quốc gia Đông Nam Á, Tây Nam Á... đến Trung Quốc để thiết lập quan hệ bang giao, giao lưu kinh tế. Vị thế cửa ngõ, cầu nối giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á của Việt Nam luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ khu vực. 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng sau khi Triệu Đà lập nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương (năm 207 TCN), đóng đô ở thành Phiên Ngung (Quảng Đông) quan hệ kinh tế trở nên rộng mở. Từ Nam Việt, dựa vào lưu vực Trường Giang mối quan hệ với người Lão, người Khương ở Tây Nam Trung Quốc cũng được thiết lập. Trong thời gian đó, hàng hóa từ đất Thục cũng được truyền vào Việt Nam (18). Năm 206 TCN, nhà Hán thống nhất Trung Quốc nhưng phải đến năm 196 TCN Hán Cao Tổ mới phong cho Triệu Đà làm “Nam Việt Vương”. Triệu Đà làm tôi nhà Hán, thần phục chính quyền trung ương nhưng vừa tìm cách duy trì quyền lực của mình ở địa phương vừa muốn gây ảnh hưởng, chiếm đoạt một số vùng đất khác. Tuy nhiên, việc mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam của triều Hán đã thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hoá giữa vùng Hoa Nam với Trung Nguyên. Thời Tây Hán (206 TCN- 8 SCN), nhất là dưới triều Hán Vũ Đế (128 - 88 TCN), nhà Hán muốn tăng cường hơn nữa áp lực chính trị về phương Nam. Sau khi chinh phục được Nam Việt (bao gồm cả  u Lạc), việc buôn bán với khu vực Nam Hải (Quảng Đông) đã đem lại những nguồn lợi to lớn cho giới quan chức và thương nhân Trung Quốc. Bộ sử cổ Trung Quốc Tiền Hán thư cho rằng do miền này “gần bể, có nhiều sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu ngọc, bạc, đồng, hoa quả, vải, người Trung Quốc đến buôn bán phần nhiều được giàu có” (19). Đến thời Đông Hán (25 - 220), mối quan hệ kinh tế với Nam Hải và Giao Chỉ khá phát triển. Thương nhân, cả người Hán lẫn người Việt thường chở lúa gạo từ Giao Chỉ đem bán cho các quận Cửu Chân, Hợp Phố... Họ cũng thường qua lại Hợp Phố để buôn châu báu.

Bên cạnh việc mua bán lương thực việc trao đổi nguyên liệu, kim loại, vật dụng thường ngày, nông cụ, vũ khí... giữa nhà Hán và các triều đại sau đó với các trung tâm kinh tế phương nam vẫn tiếp tục được duy trì và có quy mô ngày càng lớn. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho thấy nhiều loại vũ khí, gương đồng, bình đồng và tiền đồng... có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta thường nhìn nhận những di vật đó như những biểu hiện giao lưu văn hoá nhưng thực tế đó là những bằng chứng giá trị về một thời quan hệ giao thương mật thiết giữa hai nước qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Về sinh hoạt vật chất, trong tác phẩm Tề nhân yếu thuật, Giả Tư Hiệp, người thời Bắc Ngụy (386-534) đã viết: “Đất Giao Chỉ có đến 30 loại cây đặc sản. Nhiều loại đã được đưa về trồng ở Tề, Sở từ lâu. Đến lúc đó nó lại trở thành sản vật của Trung Quốc” (20). Cũng trong tác phẩm trên tác giả còn cho biết: Người Giao Chỉ ngay từ thế kỷ II TCN đã biết ép mía nấu mật gọi là “Thạch mật”. Họ còn biết cô mật thành đường trắng gọi là “Băng đường”. Hẳn là “đường Giao Chỉ” là loại chế phẩm hiếm và có chất lượng nên Tôn Lượng vua Ngô thời Tam Quốc đã cho nhập đường từ Giao Chỉ.

Theo GS. Phạm Hồng Quý, Viện Dân tộc học Quảng Tây, thì vào khoảng thế kỷ IX, giống lúa từ Chiêm Thành (lúa Chiêm) đã được trồng ở Quảng Châu, Phúc Kiến. Do có khả năng chịu hạn, đến năm 1012, vua Tống Chân Tôn đã cử người đến Phúc Kiến lấy 3 vạn cân giống lúa Chiêm chia cho 3 lộ Giang Hoài Lưỡng Triết (tức 3 tỉnh An Huy, Giang Tô, Triết Giang) và từ đó lúa Chiêm được trồng nhiều vùng ở Trung Quốc (21). Theo chúng tôi, giống lúa của cư dân nông nghiệp vùng khô đó có thể được đưa đến từ Chiêm Thành nhưng cũng có thể đã trải qua một quá trình canh tác thử nghiệm và thích nghi với môi trường tự nhiên vùng châu thổ Bắc Bộ. Theo một số chuyên gia nông học thì từ thế kỷ III Việt Nam được ghi nhận là quốc gia biết đến kỹ thuật canh tác 2 vụ một năm sớm nhất và cũng chính từ Việt Nam giống lúa ngắn ngày “lúa Chiêm” đã được gieo trồng ở vùng hạ lưu Dương Tử từ đầu thế kỷ XI, thời kỳ được gọi là “Cách mạng xanh của nhà Tống” (22). Từ đó, giống lúa Chiêm hệ Bengal cũng được du nhập vào Nhật Bản (23). Đến thời Minh, Việt Nam còn truyền sang Trung Quốc loại lúa tháng Năm, chín sớm, hạt lúa trắng, thơm ngon và cho thu hoạch tốt. Về sau giống lúa đó vẫn được gọi là “An Nam đạo”.

Cũng vào thời Minh, thời kỳ có sự tiếp xúc văn hóa Đông - Tây mạnh mẽ, giống khoai lang mà người Hoa gọi là “Fan Shu” cũng đã được đưa từ Philippines và Việt Nam đến Trung Quốc vào thời Vạn Lịch (1573-1619). Sách Đông Quản huyện chí viết: “Vạn Lịch canh thân (năm 1580) có khách đi thuyền sang An Nam, Trần Ích đi theo, khi tới, tù trưởng mở tiệc khoản đãi, mỗi bữa tiệc đều có thổ sản khoai lang rất ngon. Ông ích rất thích nên nhờ người ở của ông tù trưởng mua giúp giống khoai lang. Không lâu, ông ích tìm cách trở về nước. Vì khoai lang không phải hàng bình thường nên trồng trong vườn hoa, lâu ngày sinh nở rất nhiều, đào lên ăn rất ngon. Vì từ nước ngoài truyền vào, nên tên gọi là Fan Shu tức “Cam thự” hay “Phiên thự”. Sau đó trồng ở phía Nam, bổ sung cho việc thiếu lương thực, làm cho không có người phải đói nữa”. Trong thời gian đó, bằng nhiều cách khác nhau, thuốc lá cũng đã được truyền từ Mexico đến Trung Quốc. Theo sách Cổ kim đồ thư tập thành thì “Thuốc lá đến từ Giao Chỉ, nay khắp nơi đều có”. Đời xưa, người ta cho rằng, hút thuốc lá có thể tránh được chướng khí, trừ ma tà, chống rét, nên khắp nơi trồng và hút thuốc lá”(24).

Sau khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ X, dường như tương phản với bức tranh chính trị, quan hệ giao thương với Trung Quốc vẫn được duy trì tương đối mật thiết. Việc trao đổi, buôn bán vẫn diễn ra hai chiều nhưng do ý thức mạnh mẽ về bảo vệ an ninh biên giới nên mỗi bên đều đưa ra những quy định chặt chẽ về chế độ và các địa điểm giao dịch. Theo đó, vào thời Lý (1010 - 1225), vua Tống chỉ cho thương nhân Đại Việt sang buôn bán ở Liêm Châu và trấn Như Hồng. Nhưng, cùng với hai trung tâm đó, một hệ thống giao dịch qua biên giới cũng đã từng bước được thiết lập. Trong tác phẩm Lĩnh Ngoại đại đáp Chu Khứ Phi gọi là các “Bạc dịch trường”. Tại Ung Châu có hai bạc dịch trường lớn ở trại Hoành Sơn và Vĩnh Bình. Đây là các bạc dịch trường có ý nghĩa thiết yếu với thương mại khu vực, là địa điểm mà các nhà buôn lớn từ nhiều vùng xa xôi như Quảng Nguyên (Cao Bằng), Đặc Ma của nước Đại Lý (Vân Nam)... thường tụ hợp về buôn bán. Bạc dịch trường Hoành Sơn đã “chiêu hết những người man đến mua bán mà đánh thuế nhẹ”. Ở Vĩnh Bình: “Người Giao hàng ngày đem các danh hương, sừng tê, ngà voi, vàng, bạc, muối, tiền để đổi chác với thương nhân ta lấy lăng, gấm, the, vải rồi đi. Phàm những người đến Vĩnh Bình đều là người Giao ở động, đi đường bộ mà đến. Các thứ họ mang rất quý, nhỏ duy có muối là thô nặng”(25). Là những trung tâm kinh tế mang tính khu vực, bạc dịch trường Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Khâm Châu đã hoạt động liên tục trong thời gian dài. Từ Hoành Sơn có nhiều đường thông đến “Nam man”.

Đến thời Lê và Nguyễn, triều đình Thăng Long và Huế vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc đặc biệt là với các tỉnh giáp biên giới phía bắc nước ta như Vân Nam (Điền), Quảng Tây (Quế), Quảng Đông (Việt). Cùng với quan hệ buôn bán trên biển các mối giao lưu kinh tế, văn hoá trên đất liền vẫn tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển mới. Vào thời Thanh, vua Càn Long đã đặt ra những luật lệ quy định việc giao thương trên vùng biên giới hai nước và chính thức mở các cửa khẩu: Trấn Nam Quan, Bình Nhi Quan, Thuỷ Khẩu Quan, Do Thôn Ải và Đông Hưng Thị để buôn bán. Sau khi tấn công và chiếm Đà Nẵng, thực dân Pháp từng bước mở rộng ảnh hưởng và đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ đồng thời tấn công ra Bắc. Sau khi cuộc Chiến tranh Trung - Pháp kết thúc năm 1885, cùng với việc tìm cách đặt ách thống trị lên toàn cõi Đông Dương, chính quyền thuộc địa Pháp liền tiến hành đàm phán với nhà Thanh về đường biên giới và quan hệ buôn bán qua biên giới với Trung Quốc. Pháp đã xác định: “Những con đường thương mại và đường vào Trung Quốc”. Là một thị trường lớn, giàu tiềm năng, Trung Quốc nhất là khu vực kinh tế miền Nam Trung Hoa luôn là mục tiêu chinh phục của các nước phương Tây. Để không bị chậm chân so với các cường quốc châu u khác, từ tháng 6 - 1885 đến tháng 6 - 1895, Pháp đã ký với nhà Thanh 3 bản “Hiệp ước thương mại”, một “Hiệp ước bổ sung” và một “Phụ lục bổ sung Hiệp ước thương mại”. Cùng với những quy định về ưu đãi thuế quan, hai bên cũng đã chính thức mở bốn cửa khẩu thông thương: Long Châu (Quảng Tây), Mông Tự (Vân Nam), Tư Mao và Hà Nội. 

Trước áp lực ngày càng tăng của chính quyền Pháp đồng thời cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của đặc khu kinh tế phía Nam, từ năm 1885, triều đình nhà Thanh cử Tô Nguyên Xuân nhậm chức giám sát biên phòng để củng cố quốc phòng và quản lý vùng biên giới. Là một nhà quản lý có tài, trong hơn 10 năm trị nhậm, ông đã tích cực thực hiện chủ trương di dân đến biên giới, khai hoang lập ấp đồng thời mở các chợ vùng biên. Các chính sách đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo quan hệ kinh tế vùng biên giới Việt - Trung và cũng nhờ đó có đến khoảng 20 chợ đường biên được thiết lập. Trong số đó, có những chợ tương đối lớn như Cát Ma ở Tịnh Tây, Bình Mạnh ở Na Pha, Thạc Long ở Lôi Bình (nay thuộc huyện Đại Tân, Quảng Tây). Do đó mà Đại Liên, Bằng Tường, ải Quan Tiền... càng trở nên sầm uất. Bên cạnh đó, Tô Nguyên Xuân còn cho “tu sửa ngàn dặm đường”, hình thành nên mạng lưới giao thông lấy Long Châu làm trung tâm. Ông còn cho nạo vét bãi Ba Diệu trên sông Minh Giang làm cho giao thông thuỷ được nối liền thuận lợi. Tô Nguyên Xuân còn cho lập “Ung Long lợi tế cục”, xúc tiến việc phát triển ngành hàng hải ở Long Châu đồng thời cho xây dựng một số con đường từ Tịnh Tây đến cửa ngõ biên giới phía Tây Nam.

Năm 1885, triều đình nhà Thanh lập trạm Hải quan ở Long Châu. Long Châu trở thành cửa khẩu thông thương ra bên ngoài đầu tiên của tỉnh Quảng Tây, có vị trí hết sức quan trọng đối với giao thương khu vực. Hàng hoá nhập khẩu qua Long Châu chủ yếu là các nguồn lâm, thổ sản nhưng về sau có thêm nhiều sản phẩm của châu  u đặc biệt là Pháp. Hàng xuất khẩu có: Tơ lụa, dầu lạc, đường, trà, đồ sứ, giấy, nồi gang, giầy dép, thuốc phiện... Doanh nhân buôn bán hai nước sử dụng song song hai loại tiền là tiền bạc Đông Dương do Pháp lưu hành và loại tiền giấy “Quế tệ ”. Nhưng, sau khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra, do thể chế chính trị nhà Thanh bị lung lay đến tận gốc rễ nên ở Quảng Tây “Quế tệ” không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên, cửa khẩu Long Châu vẫn là một trung tâm thương nghiệp lớn của miền tây nam Trung Quốc và được coi là “Biên tái bất dạ thành” (Thành thị nơi biên ải không có đêm), còn chợ Thuỷ Khẩu thì được coi như một “Quảng Châu nhỏ” và chợ Hướng Thuỷ trở thành một trong 8 chợ lớn nhất ở Quảng Tây (26). Sự phát triển của các trung tâm kinh tế đó đã có sức hút lớn đối với nhiều dòng thiên di đến sinh sống lâu dài. 

Bên cạnh đó, việc buôn bán cũng đạt đến độ phồn vinh ở Trấn Biên (nay là huyện Na Pha, Trung Quốc). Do nằm ở vị trí tiếp giáp giữa Quảng Tây - Vân Nam và Việt Nam, từ Trấn Biên có hai con đường thông đến Vân Nam và Việt Nam, trong đó đường hướng đến Vân Nam chạy qua Phú Ninh, Quảng Nam, Văn Sơn, Khai Viễn... Đó là con đường xuất nhập khẩu hàng hoá chính yếu của huyện Trấn Biên và Vân Nam. Con đường thứ hai là từ phố Trấn Ngọc của huyện Thành đến Bình Mạnh rồi đến thôn Na Bố, qua đồn Thuỷ Lộng rồi nối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Đó là những mạch nối thông thương, buôn bán, xuất nhập khẩu chủ yếu với Việt Nam. Hệ thống giao thương này, do ít tác động bởi điều kiện chiến tranh nên luôn được duy trì trong trạng thái tương đối ổn định. 

4. Quan hệ Việt - Trung trước xu thế hội nhập khu vực

Sau khi Việt Nam (1945) và Trung Quốc (1949) giành được độc lập, trước những tác động lịch sử, quan hệ giữa hai đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Nhưng từ khi Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách, mở cửa (1978) và Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới (1986) đến nay, quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng. Với Trung Quốc, sau 26 năm cải cách, tốc độ tăng trưởng luôn đạt bình quân hàng năm là 9,4% và thực sự trở thành kỳ tích mới trong lịch sử tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Năm 2003 GDP của Trung Quốc tăng 9,1% đạt khoảng 1.400 tỷ USD, năm 2004 tốc độ tăng trưởng lên tới 9,5% đạt khoảng 1.650 tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc sở dĩ đạt được tăng trưởng nhanh là do công cuộc cải cách mở cửa không ngừng phát triển theo chiều sâu và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động của nền kinh tế khu vực, thế giới (27). Trung Quốc không chỉ là một thị trường lớn mà còn là địa bàn đầu tư quan trọng của nhiều nền kinh tế lớn, tập đoàn kinh tế quốc tế trong đó nổi bật là: Nga, Liên minh châu  u, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2001, việc Trung Quốc trở thành thành viên WTO đã đánh dấu sự hội nhập kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, tạo ra thế và lực mới cho kinh tế Trung Quốc trên trường quốc tế.

Trong quan hệ với các nước khu vực, Báo cáo chính trị Đại hội XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1997 chủ trương: “Cần phải kiên trì quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện. Đây là chủ trương nhất quán của nước ta, quyết không thay đổi. Đối với những vấn đề tranh chấp giữa nước ta với các nước láng giềng, cần phải xuất phát từ đại cục giữ gìn hòa bình và ổn định, thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị để giải quyết. Nếu ngay một lúc không giải quyết được, có thể tạm gác lại cầu đồng tồn dị” (28). Báo cáo chính trị Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002 cũng tiếp tục xác định: “Chúng ta tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng, kiên trì thân thiện với các nước láng giềng, lấy các nước láng giềng làm đối tác, tăng cường hợp tác khu vực đưa quan hệ giao lưu hợp tác với các nước xung quanh phát triển lên một trình độ mới” (29).

Về phần mình, Việt Nam luôn coi Trung Quốc là một đối tác có ý nghĩa chiến lược. Việc hai nước ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa”, “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa” và một số hiệp định khác có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới trong thế kỷ XXI. Cùng với mối quan hệ song phương, tháng 11 - 2002, “Hiệp định thương mại hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc” được ký kết đã tác động mạnh và trực tiếp đến quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đồng thời tạo ra khuôn khổ cho việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc. Với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đã có quan hệ lâu đời. Sự hiểu biết của người Trung Hoa về khu vực rất sâu sắc. Đông Nam Á cũng là nơi tập trung nhiều Hoa kiều và từ xưa họ luôn nổi tiếng là những thợ thủ công và thương nhân giỏi. Hiện nay, việc duy trì và cải thiện quan hệ với ASEAN không chỉ bảo đảm lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ an ninh phía nam cho Trung Quốc. Sau khi ký “Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN” vào tháng 11 - 2002, ngày 1-1-2004, khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN đã chính thức đi vào hoạt động. Tháng 11-2004, Trung Quốc lại ký với ASEAN “Thỏa thuận về mậu dịch hàng hóa” và “Thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp” của khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Từ tháng 12-1997 đến nay, thực hiện chiến lược cân bằng với các nước lớn, ASEAN đã chủ trương mở rộng quan hệ với đồng thời nhiều  nước và từ năm 1999, sau khi ASEAN mở rộng số lượng thành viên lên 10 nước, cơ chế hợp tác đa phương 10 + 3 cũng được xác lập. Đây được coi là một bước chuẩn bị cho khả năng thành lập một “Cộng đồng Đông Á” đang được xúc tiến mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực. 

Việt Nam và Trung Quốc có chung chiều dài biên giới hơn 1.350km. Việt Nam được coi là cầu nối giữa các quốc gia phương Nam với Trung Quốc, giữa Đông Bắc Á với Đông Nam Á. Việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt là khai thác thị trường vùng tây nam Trung Quốc là hướng chiến lược kinh tế đối ngoại hết sức quan trọng. Chiến lược đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Trong những năm qua, kim ngạch buôn bán giữa hai nước không ngừng tăng nhanh lên hàng năm, từ 3,26 tỷ USD năm 2002 lên 4,2 tỷ năm 2003 và trên 5 tỷ năm 2004. Hai bên đã thống nhất tiếp tục nâng kim ngạch buôn bán lên 10 tỷ USD vào năm 2010. Trong 10 năm qua quan hệ buôn bán qua 6 tỉnh biên giới tăng 30% / năm. Trong đó, cả hai bên coi trọng khu “Tam giác kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Nam Ninh” và coi đây không chỉ là đầu mối, đầu tàu mà còn là trung tâm phát triển của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (30). Chủ trương của hai nước là xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” nhằm “bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển” (31). Hiện tại, hai nước đã đạt được nhất trí chung về xây dựng hai hành lang kinh tế là: “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”; và “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng”. Trên bình diện khu vực, thành phố Côn Minh là điểm xuất phát của ba hành lang kinh tế: “Côn Minh - Hà Nội”, “Côn Minh - Yangon” và “Côn Minh - Bangkok”.

Đầu tháng 5-2004, Việt Nam đã khai trương Tổng lãnh sự quán tại Côn Minh và Nam Ninh. Đây chính là những cầu nối quan trọng để tăng cường giao lưu mở rộng trao đổi hợp tác giữa các tỉnh Việt Nam với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Tây Nam Trung Quốc không chỉ giàu tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, lâm sản và du lịch mà còn là khu vực đang có tốc độ phát triển mạnh nhờ chiến lược khai phá miền Tây của Trung Quốc (32). Hai nước đang đi đến thỏa thuận xây dựng đường sắt tiêu chuẩn và đường cao tốc Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, mở một số tuyến hàng không nối Côn Minh với Hà Nội và Quảng Ninh. Xây dựng tuyến đường sông Lan Thương - Mekong từ đó hình thành tuyến giao thông thủy nối liền Trung Quốc với Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cùng với việc xây dựng hệ thống đô thị ven biên giới, hai nước đang gấp rút xây dựng hành lang pháp lý trong quan hệ quốc tế, việc thành lập một “Ủy ban liên Chính phủ” để phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý điều hành các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh đó, các tỉnh Lào Cai, Lai Châu (Việt Nam), Vân Nam (Trung Quốc) có một vị thế quan trọng. Do có chung biên giới và gần với ba nước láng giềng Lào, Myanmar và Thái Lan nên môi trường hợp tác khu vực có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, điểm nổi bật là nhiều dân tộc cùng sống chung trên một không gian văn hoá, có phong tục, tập quán, ngôn ngữ tương đối gần gũi và có quan hệ giao thương mật thiết từ lâu đời. Tuy nhiên, trong khuynh hướng hội nhập và phát triển kinh tế, do mức độ đầu tư của mỗi nước và tình trạng tăng trưởng kinh tế không đều nên quan hệ hợp tác tiểu vùng còn một số trở ngại. Vân Nam đã đề ra chương trình hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á đặc biệt là các nước có chung biên giới. Trong đó, quan hệ với Myanmar phát triển khá nhanh chóng đặc biệt là ở châu tự trị Đức Hùng.

Về phần mình, từ cuối năm 1990 chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu Tây Bắc 1991-1993 đến năm 2000” với trọng tâm là hỗ trợ cho công tác định canh, định cư, kinh tế chăn nuôi, công nghiệp gia công chế biến, giao thông, phát triển mậu dịch biên giới, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm mau chóng “xoá đói, giảm nghèo”. Tình hình buôn bán trên biên giới Việt - Trung và đặc biệt là giữa Vân Nam với các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam đã không ngừng tăng lên thông qua các cửa khẩu chính là Lào Cai, Mạnh Khang, Thanh Thuỷ... Trước những biến chuyển chung của khu vực, chính phủ Myanmar cũng đã có “Kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế biên giới với Việt Nam” nhằm xây dựng mới các tuyến giao thông, thông tin liên lạc, thuỷ điện, thuỷ lợi, văn hoá... đặc biệt là ở vùng phía bắc Myanmar. Các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Lào... cũng nhận thấy điều kiện phát triển mới thuận lợi cho các vùng kinh tế xa xôi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, mặc dù còn có những quan điểm chưa thống nhất về lợi ích cục bộ nhưng chính phủ các nước đều ủng hộ các chương trình về khai thác và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, khai thác tiềm năng về thuỷ điện, bảo vệ tài nguyên đầu nguồn và phát triển kinh tế thương mại, du lịch.

Điều đáng chú ý là, song song với các chương trình hợp tác và phát triển, các quốc gia trong khu vực cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Hàng năm, khu “Tam giác vàng” vẫn sản xuất ra khoảng 2.000 tấn thuốc phiện. Lợi nhuận thu từ thuốc phiện là nguồn sống của một bộ phận tương đối đông đảo cư dân Myanmar, Thái Lan và Lào. Từ khu tam giác này, thuốc phiện và cả heroin đã được đưa đến tiêu thụ tại nhiều quốc gia trong khu vực. Vân Nam trở thành con đường vận chuyển chính của các nhóm buôn lậu đưa ma túy đến Hongkong tiêu thụ (33). Nạn buôn lậu hàng hóa, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia... đã và đang gây nên những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Rõ ràng là, để ngăn chặn và làm giảm thiểu tình trạng đó cần phải đồng thời thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, hiệu quả trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực và tổ chức an ninh quốc tế là hết sức cần thiết.

5. Kết luận

Nhìn lại diễn trình giao lưu văn hóa, kinh tế Việt Nam - Trung Quốc trong lịch sử ta thấy từ thời cổ đại mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và một số quốc gia khác đã được thiết lập. Mối quan hệ đó đã diễn ra một cách tự nhiên trên nhiều phương diện và luôn chịu sự tương tác đa dạng, đa chiều. Vào thời văn hóa Đông Sơn, cư dân Việt cổ đã có những mối giao lưu văn hóa sâu rộng với nhiều nền văn hóa trong khu vực. Như vậy, chính nguồn thuỷ lượng và phù sa trù phú của các dòng sông không những đã nuôi dưỡng các trung tâm văn hoá, các nền văn minh mà còn tạo nên mạch nối liên kết kinh tế, văn hoá... giữa các vùng đất, tộc người và trung tâm chính trị trong lịch sử.

Mặc dù, “cho đến nay chúng ta rất khó chỉ ra giữa khu vực Sông Hồng và Nam Vân Nam đâu là nơi sản sinh ra đầu tiên các loại di vật đặc sắc như lưỡi cày đồng hình tim, dao găm đồng lưỡi lượn có chắn tay ngang, khèn muôi đồng hình quả bầu”(33). 

Mặc dù, “cho đến nay chúng ta rất khó chỉ ra giữa khu vực Sông Hồng và Nam Vân Nam đâu là nơi sản sinh ra đầu tiên các loại di vật đặc sắc như lưỡi cày đồng hình tim, dao găm đồng lưỡi lượn có chắn tay ngang, khèn muôi đồng hình quả bầu”(34). Nhưng cũng có thể thấy, từ những vùng núi cao của thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Cả... từng bước, một bộ phận của tộc người Bách Việt đã tiến xuống đồng bằng và mở rộng ảnh hưởng về phía đông - nam. Các dòng thiên di và dòng chảy văn hóa đó đã hội lưu với những yếu tố Đông Nam Á để kết tạo thành nền Văn minh sông Hồng rực rỡ. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nếu như miền đông - bắc Việt Nam ngày càng trở thành trung điểm của những vòng xoáy giữa các dòng tiếp giao văn hóa, kinh tế, chính trị Nam - Bắc, Đông - Tây thì vùng trung và thượng nguồn sông Hồng, do những đặc tính lịch sử, xã hội riêng biệt, vẫn là nơi lưu giữ bền chặt nhất một phần thiết yếu của vốn hồn dân tộc. Trở lại với những vấn đề lịch sử, khảo cứu văn hóa vùng trung và thượng nguồn sông Hồng là một hướng đi đúng để phục dựng lại một cách chân thực hơn diện mạo, khung cảnh lịch sử và cũng là nhằm để hiểu thêm cội nguồn văn hóa dân tộc. Định hướng nghiên cứu này cần phải tiếp tục trên tinh thần hợp tác và sự hòa hợp giữa các quốc gia trong khu vực.

Về văn hóa, nếu như coi trống đồng là biểu trưng của tâm thức và triết lý Việt cổ thì những trống đồng đẹp nhất, cổ nhất đều đã được tìm thấy và tập trung ở châu thổ sông Hồng. Điều đó chắc chắn không phải là hiện tượng ngẫu nhiên (35). Mặc dù còn có những ý kiến khác biệt nhất định nhưng các học giả đều coi sự phân bố rộng của trống đồng là thể hiện tầm ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn với văn hóa khu vực. Bên cạnh đó, những biểu hiện văn hóa khác như tục xăm mình; kỹ thuật khai thác thủy, hải sản; nghi thức mai táng trong các mộ thuyền... cũng là hiện tượng văn hóa đặc thù của cư dân vùng hạ châu thổ từ Việt Nam đến Đông Nam Á và kéo dài lên miền duyên hải Hoa Nam. Họ đã sinh ra, sống và gắn bó cuộc đời mình với môi trường sông nước. Trong diễn trình lịch sử - văn hóa, Đông Nam Á là nhân tố tảng nền, nổi trội của văn minh Việt cổ. Về sau, nó không ngừng được bổ sung và tiếp nhận thêm nhiều yếu tố của văn minh Bắc Á, rồi văn minh Ấn Độ, phương Tây nhưng Đông Nam Á vẫn là môi trường và địa bàn chủ yếu sinh tạo nên những nhân tố nguồn cội của văn minh Lạc Việt - Đại Việt mặc dù, theo quan điểm của một số nhà sử học quốc tế, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia duy nhất trong khu vực chịu ảnh hưởng liên tục, sâu đậm của văn minh Trung Hoa (36). 

Đến thời cận hiện đại, từ nền tảng của các mối quan hệ và hệ thống giao thương đã được thiết lập trong lịch sử, quan hệ song phương hai nước và giữa hai nước với các quốc gia khu vực không ngừng được củng cố. Sự phân lập về địa giới hành chính và cả những khác biệt về thể chế chính trị, trước sau, cũng không thể cản trở mối quan hệ hợp tác, nhu cầu trao đổi, năng lực bổ sung những ưu thế và cả khiếm khuyết giữa các nền kinh tế trong khu vực. Từ quan điểm và cách tiếp cận Khu vực học chúng ta thấy diễn trình giao lưu kinh tế, văn hoá Việt - Trung vùng lưu vực sông Hồng, đặc biệt là vùng thượng nguồn của dòng sông là nhân tố hằng xuyên trong mối quan hệ đa dạng giữa các quốc gia khu vực. Với việc xây dựng các trung tâm và hành lang kinh tế, dường như chúng ta đang trở lại với những dấu chân và con đường mà người xưa đã từng đi trong các hoạt động kinh tế và chuyển giao văn hoá. Mối quan hệ đó đã và đang được kiến dựng trong bối cảnh mới, mang tầm thế mới trong xu thế Khu vực hoá, Toàn cầu hoá đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ hiện nay.

Chú thích:
1. Arnold Toynbee: Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải, Nxb Thế Giới, HN. 2002, tr.61
2. Hà Văn Tấn: Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam (Giáo sư Sử học - Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, tr.98
3. Sông Hồng có chiều dài 1.161km, phần chảy qua lãnh thổ Việt Nam 556km với lưu vực rộng 153.000 km2 và ở lãnh thổ Việt Nam là 70.700 km2. Tuy lưu vực sông Hồng không rộng bằng sông Mekong nhưng lượng nước sông lại khá lớn (trung bình ở Sơn Tây là 3.630m3/S) và thay đổi rất phức tạp. Trong đó, sông Thao chiếm 22%, sông Lô chiếm 30% và sông Đà chiếm 48% tổng lượng nước cung cấp cho sông Hồng. Cũng như các hệ thống sông lớn khác, sông Hồng có cấu trúc hình cây và hiện đổ ra vịnh Bắc Bộ bằng 3 cửa chính: Trà Lý, Ba Lạt và cửa Đáy. Sông Hồng cũng là con sông có lượng phù sa lớn nhất thế giới, trung bình là 994g/m3 nhưng vào mùa lũ là 3.500g/m3 năm cao nhất lên đến 14.000g/m3. Chính nguồn đất đỏ trên cao nguyên Vân Nam và vùng đồi núi Tây Bắc, Việt Bắc đã tạo nên màu nâu đỏ của nước sông Hồng đã bồi đắp nên châu thổ rộng lớn. Nhưng chính sự lắng kết của phù sa cũng đã làm lòng sông không ngừng nâng cao, cản dòng chảy và gây nhiều trở ngại cho giao thông thuỷ.
Về hướng chảy của hệ thống sông Hồng trong lịch sử xem Lịch Đạo Nguyên: Thủy kinh chú hay Thủy kinh chú sớ, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005; và công trình khảo cứu của Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, 1997     
4. Hoàng Xuân Chinh: Mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua tư liệu khảo cổ, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5 (9), 1996, tr.39-40
5. Hoàng Xuân Chinh: Mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc..., tr.39-40    
6. Có thể xem Watabe Tadao: Con đường lúa gạo, Nxb Khoa học Xã hội, HN. 1988 hay Đào Thế Tuấn: Về nguồn gốc cây lúa ở Trung Quốc, Tạp chí Xưa & Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 139, tháng 5-2003, tr.38-39
7. Hà Văn Tấn: Về sự hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam, Sđd, tr.113 -114
8. Stephen O’Harrow: Từ Cổ Loa đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - Việt Nam dưới con mắt người Trung Hoa, (Những vấn đề lịch sử Việt Nam), Nguyệt san Xưa & Nay - Nxb Trẻ, 2001, tr.10
9. Hà Văn Tấn: Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc, (Chữ trên đá - Chữ trên đồng: Minh văn và lịch sử), Nxb Khoa học Xã hội, HN. 2002
10. Victor Goloubew: Hình khắc trên đá ở Sa Pa, tạp chí Xưa & Nay số 153 (201), tháng 12- 2003; Và, Phạm Ngọc Liễn: Tìm hiểu khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, Tạp chí Xưa & Nay, số 217, tháng 8 - 2004.
11. Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, UBND thị xã Hội An - Trung tâm QLBT di tích, Hội An, 2004
12. Lê Tắc: An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa - TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr.70-72; Và, Stephen O’Harrow: Từ Cổ Loa đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng..., Sđd, tr.9. Cũng có thể tham khảo thêm Keith Weller Taylor: The Birth of Vietnam, University of Caliornia Press, 1983 
13. Trần Quốc Vượng: Mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức Việt cổ, (Theo dòng lịch sử - Những vùng đất, Thần và Tâm thức người Việt), Nxb Văn Hóa, HN.1996, tr.54    
14. Man thư, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG HN 
15. Trần Quốc Vượng: Mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức Việt cổ; Sđd, tr.42-43
16. Trần Quốc Vượng (Dịch và chú giải): Việt sử lược, Nxb Văn Sử Địa, HN. 1960, tr.14. Có thể tham khảo thêm nhận thức của O.W.Wolters: Sự thịnh trị về văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIV, (Những vấn đề lịch sử Việt Nam), Sđd, tr.134-235
17. Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, HN. 2003
18. Nguyễn Minh Hằng (Cb): Buôn bán qua biên giới Việt - Trung: Lịch sử, hiện trạng và triển vọng, Nxb Khoa học Xã hội, HN. 2003, tr.13
19. Tiền Hán thư, Q.28 hạ, tờ 21b; dẫn theo Buôn bán qua biên giới Việt - Trung, Sđd, tr.15
20. Hoàng Giáp: Giao lưu văn hoá Việt - Trung: Những vấn đề đáng ghi nhớ, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 3 (19), 1998)
21. Phạm Hồng Quý: Ba loại cây trồng của Việt Nam truyền bá sang Trung Quốc (Một trang trong lịch sử giao lưu Trung - Việt), Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5(33), 2000
22. Francesca Bray: Những mô hình tiến hóa ở các nước nông nghiệp trồng lúa, (Một số vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các nước và Việt Nam), B.J.Tria Kerrkvliet & J.Scott (Cb.), Nxb Thế Giới, HN.2000, tr.221
23. Về vấn đề “lúa Chiêm” GS. Đào Thế Tuấn cho rằng: “lúc bắt đầu khai phá châu thổ sông Hồng, cha ông ta đã sáng tạo ra lúa Chiêm để có thể trồng ở đầm lầy bị ngập nước về mùa mưa và ruộng bị ảnh hưởng mặn của nước thủy triều mà lịch sử gọi là ruộng Lạc. Tiếp theo đã đắp đê để có thể phát triển lúa Mùa”. Xem Đào Thế Tuấn - Trần Quốc Vượng: Song thoại về nông sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay, số 8 (09), XI, 1994, tr.6. Đây là ý kiến có nhiều khác biệt so với nhận thức chung của nhiều nhà khoa học.
24. Phạm Hồng Quý: Ba loại cây trồng của Việt Nam truyền bá sang Trung Quốc...
25. 
Chu Khứ Phi: Lĩnh ngoại đại đáp - Thông đạo ngoại di, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, số ĐM 1006B, 35-37
26. Nguyễn Minh Hằng (Cb): Buôn bán qua biên giới Việt - Trung..., Sđd, tr.80
27. Tề Kiến Quốc: Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và thế giới, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 3 (61), 2005), tr.3
28. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 17-9-1997
29. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2003, tr.83
30. Lê Văn Sang: Nâng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao thời đại, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 (60), 2005, tr.34
31. Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa, Báo Nhân Dân, ngày 26-12-2000
32. Đỗ Tiến Sâm: Khai thác và phát triển miền Tây - Một quyết sách lớn đưa Trung Quốc tiến vào thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6 (34), 2000
33. Hồ Châu: Quan hệ kinh tế - xã hội giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với các nước láng giềng thời mở cửa, Nghiên cứu Trung Quốc, số 1 (5), 1996, tr.51-55
34. Phạm Minh Huyền - Chử Văn Tần: Văn hóa Đông Sơn, (Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Việt Nam Tập II - Thời đại kim khí Việt Nam);  Nxb Khoa học Xã hội, HN.1999, tr.190
35. Hà Văn Tấn: Một số ghi chú về trống đồng ở Đông Nam Á, (Theo dấu các văn hóa cổ), Nxb Khoa học Xã hội, HN. 1997, tr.698
36. John K. Fairbank - E.O.Reichauer -A.M.Craig: East Asia Trandition and Transformation, Harvard University Press, 1973, p.259; and, Alexander Barton Woodside: Vietnam and the Chinese Model, Harvard University Press, 1971
 

Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 29-11-2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây