Công trình
"Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX" là tập hợp hơn 30 bài nghiên cứu do nhà giáo, nhà sử học Đặng Huy Vận viết, hoặc viết chung với một số đồng nghiệp là các nhà sử học, nhà giáo thành danh của một đơn vị đào tạo có uy tín – Bộ môn Lịch sử Cận đại Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp và các đơn vị khác. Các công trình nghiên cứu này đều được hoàn thành trong thập niên 60 của thế kỷ XX.
Cuốn sách gồm bốn phần tập trung vào ba mảng vấn đề lớn: cuộc đấu tranh giữa hai phái “chủ chiến” và “chủ hòa” xoay quanh sự lựa chọn con đường, giải pháp đối phó với sự xâm lược của thực dân Pháp; những cuộc đấu tranh sâu rộng, anh dũng của nhân dân ta chống cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; nhận diện, đánh giá một số nhân vật lịch sử đương thời còn có những khoảng trống về nhận thức hoặc ý kiến khác nhau. Tiếp cận ba mảng vấn đề này, với hơn 30 bài được tập hợp trong sách đã bao quát khá toàn diện các vấn đề quan trọng của lịch sử cận đại, giai đoạn trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 2 năm 1930, giúp bạn đọc có thể hình dung những đường nét cơ bản một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc ta thời cận đại.
Trong tập sách này, bằng những sử liệu và luận giải khoa học, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận đã phác họa chân thực cuộc đấu tranh giữa các phái “chủ hòa” với những nhận thức, động cơ khác nhau, nhưng tựu chung đều lo ngại sức mạnh áp đảo của thực dân Pháp, đại diện là các vua nhà Nguyễn và một số cận thần với phái “chủ chiến”, đại diện là những vị quan yêu nước, chính trực, luôn tin vào sức mạnh của nhân dân, vào truyền thống anh hùng của dân tộc. Từ sự phân tích toàn diện thực tế lịch sử đất nước nửa cuối thế kỷ XIX, tác giả đã rút ra những nhận xét có tính tổng kết sâu sắc. Ông nhấn mạnh, khi triều đình phong kiến đã bộc lộ rõ bản chất bạc nhược, phản động, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, với nguyện vọng nhân dân,
muốn chống thực dân Pháp xâm lược thì phải chống triều đình đầu hàng; cuộc đấu tranh chống triều đình đầu hàng và áp bức, bóc lột nhân dân là một bộ phận của cuộc kháng chiến cứu nước ở cuối thế kỷ XIX.
Trong tập sách hơn 600 trang, phần có dung lượng nhiều nhất là các bài viết về phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân ta. Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt, không có điều kiện đi khảo sát, nghiên cứu sâu lịch sử chống Pháp ở các tỉnh phía Nam, tác giả Đặng Huy Vận bằng những nguồn tư liệu mới, tập trung trình bày cặn kẽ, sinh động các hoạt động vũ trang, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào chống Pháp diễn ra liên tục, quyết liệt trên địa bàn phía Bắc, từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi. Ông đặc biệt chú trọng diễn tả, đề cao tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của nghĩa quân, những tấm gương trung liệt của các sĩ phu tràn đầy nhiệt huyết cứu nước; sự nỗ lực liên kết, phối hợp chiến đấu, dù còn tự phát, giữa lực lượng yêu nước trên các địa bàn miền xuôi, miền ngược, giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa các sĩ phu Việt Nam yêu nước với những người có tinh thần chống Pháp trong triều đình Nhà Thanh…Dưới ngòi bút của ông, phong trào kháng Pháp của nhân dân ta diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ,
ở đâu có vết chân xâm lược, thì ở đó có khán chiến; đánh chỗ này, ứng chỗ kia, sóng này đã im, sóng khác lại nổi, không ngày nào không đánh. Ông nhận định, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta không một vũ lực dựa trên một khoa học, kỹ thuật hiện đại nào khuất phục nổi và mặc dù phong trào tạm lắng xuống nhưng lại bùng lên cao hơn, sôi nổi hơn theo phương hướng đổi mới, hòa nhập với sự phát triển chung của phong trào toàn quốc vào đầu thế kỷ XX.
Trong tập sách, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận đã dành một số bài viết để phân tích làm rõ hơn những đóng góp và hạn chế của một số nhân vật lịch sử mà cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với những thăng trầm, mâu thuẫn của một giai đoạn lịch sử bi tráng, phức tạp, có tính bước ngoặt. Quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể, ông xác định:
cần xem xét các nhân vật lịch sử trong hoàn cảnh nhân vật ấy sống và hoạt động, xét đến động cơ các hoạt động đó và những mặt khác trong toàn bộ cuộc đời họ; cần nhận rõ những hạn chế khách quan về giai cấp, về thời đại lịch sử…để không sa vào giản đơn, võ đoán. Với phương pháp tiếp cận khoa học, trong các bài viết của mình, ông đã có những nhận xét, đánh giá khách quan về Lưu Vĩnh Phúc và đội quân Cờ Đen; về Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Lý, A.de Rhodes, Lê Văn Duyệt; về những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ; về đóng góp của Phan Bội Châu trong việc vận động đồng bào Thiên Chúa giáo và quan niệm sử học của cụ; về tư tưởng dân chủ của Phan Chu Trinh.
Gần 50 năm qua, khoa học lịch sử nước nhà đã có bước tiến dài. Lịch sử cận đại Việt Nam được nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hơn; nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử được làm sáng tỏ hơn trên cơ sở những nguồn tư liệu và phương pháp tiếp cận mới. Trong những thành quả đó có đóng góp tích cực trên nhiều phương diện của nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận. Qua những tác phẩm để lại của ông, ngời sáng nhân cách một nhà sử học chân chính, một phong cách sử học rất riêng – phong cách Đặng Huy Vận.
Theo Lời giới thiệu cuốn sách của GS.TS Phùng Hữu Phú
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 23-02-2019.