Lớp Sử I chúng tôi năm ấy – Bài viết của GS.NGND Vũ Dương Ninh

Thứ bảy - 29/10/2016 16:57
Kỷ niệm 60 năm Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 – 2016)

LỚP SỬ I CHÚNG TÔI NĂM ẤY
GS.NGND. Vũ Dương Ninh
Mùa Thu năm 1956, chúng tôi vào trường Đại học Tổng hợp, một ngôi trường bề thế tọa lạc trên đường Lê Thánh Tông (Hà Nội), được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Chẳng có lễ khai giảng hoành tráng như bây giờ, chỉ một buổi được tập hợp lên Đại giảng đường nghe thầy Ngụy Như Kontum – giáo sư Vật lý hạt nhân, Hiệu trưởng nhà trường nói chuyện!
 
Lớp chúng tôi, ban đầu trên một trăm người, tập hợp từ nhiều nguồn: số đông tốt nghiệp lớp 9 phổ thông ở các tỉnh từ Thanh Nghệ Tĩnh trở ra, mấy bạn từ miền Nam tập kết và một số là học sinh thành phố (Hà Nội, Hải phòng, Nam Định). Độ tuổi cũng khác nhau, phần đông tuổi đôi mươi là học sinh phổ thông, một số anh lớn là cán bộ, bộ đội về học. Đảng viên chỉ có 2 người, đoàn viên cũng chưa nhiều vì khi đó đang chuyển tên từ Đoàn Thanh niên Cứu quốc sang Đoàn Thanh niên Lao động. Đông như vậy mà số nữ chỉ có 6 người.Chưa quen nhau lắm, đặc biêt chưa hiểu rõ “ngôn ngữ” của nhau – tiếng Nghệ Tĩnh, tiếng Quảng Trị, tiếng đồng bằng Bắc Bộ… Không như bây giờ việc giao lưu mở rộng cả nước, tiếng vùng miền nào cũng quen. Trừ hơn chục anh hằng ngày sau giờ học đi về nhà riêng ở thành phố, còn số đông sống tập thể trong ký túc xá, ngày ngày đi bộ dọc phố Lò Đúc đến trường.
 
Lớp học lúc đầu ở giảng đường 1 đường Lê Thánh Tông, những năm sau chuyến sang cơ sở 2 ở phố Hai bà Trưng. Thầy của hai trường giảng chung cho cả hai lớp Tổng hợp và Sư phạm, ngồi chung trong một gian rộng nhưng đơn sơ cho đến hết năm thứ ba thì tốt nghiệp. Điều may mắn nhất là được học các thầy nổi tiếng, uyên thâm: Sử Việt Nam do thầy Đào Duy Anhgiảng phần cổ trung đại, thầy Trần Văn Giàu phần cận hiện đại; thầy Chiêm Tế và thầy Phạm Huy Thông giảng Sử thế giới. Một môn học rất ít giờ nhưng sâu sắc là Lô gich học do Thầy Cao Xuân Huy giảng. Môn ngoại ngữ là tiếng Trung. Các thầy trẻ như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm tốt nghiệp Đại học Sư phạm làm trợ giảng cho các giáo sư. Thầy Lâm lớn tuổi hơn, đã nhiều năm làm giáo viên nên được giảng ngay một số giờ.Giáo trình không có (trừ cuốn Cổ sử Việt Nam của thầy Đào Duy Anh), Lôgich học có vài trang sơ cảo (đề cương). Giờ Triết học do thầy Châu giảng, nhưng chủ yếu là đọc cuốn Biện chứng pháp và Duy vật lịch sử của thầy Giàu. Giờ lên lớp cũng không nhiều, chủ yếu là tự học, tự tìm sách trên thư viện. Nhưng đây là thức học rất bổ ích. Lớp được chia thành vài tổ, trong tổ trao đổi tranh luận khá sôi nổi, giới thiệu các nguồn tài liệu và giúp nhau học tập nhờ đó hiểu biết sâu sắc hơn.
 
Hồi đó có chế độ nghĩa vụ lao động XHCN, mỗi tháng học sinh cấp ba và sinh viên đại học trong Thành phố Hà Nội phải tham gia lao động công ích một buổi. Lớp chúng tôi đã nhiều lần lao động cải tạo hồ Bảy Mẫu thành Công viên Thống Nhất, hoặc xây dựng đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên ngày nay. Không khí lao động thật hăng say, tuổi trẻ thi đua “bỏ cờ xanh, giành cờ đỏ” (nếu thành tích loại vừa được cắm cờ xanh, loại xuất sắc được cắm cờ đỏ). Năm thứ hai phải dành một tháng đi “ba cùng” ở nông thôn.Khoa Sử về xã Bình Đà (Hà Đông), thầy trò được chia về ở với gia đình nông dân. Mỗi người một nhà, cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Đang thu hoạch vụ mùa, anh  em theo bà con tham gia “tổ đổi công” (một số gia đình họp lại làm chung, giúp cho nhau). Các bạn vốn nguồn gốc nông thôn hăng hái cùng bà con gặt lúa, gánh lúa từ đồng về nhà,xay thóc giã gạo làm mọi việc nhà nông thành thạo. Các bạn dân thành phố tập dượt vất vả từ đầu, sau cũng làm được đôi việc, được tuyên dương “có cố gắng (!)”. Sau đợt “ba cùng”, lại về trường tiếp tục học tập. Nghĩ lại, những hoạt động ngoài giờ học như vậy có tác dụng rất tốt trong ý thức lao động, cách sống chan hòa, hiểu rõ thực tiễn đất nước và cũng góp phần công sức xây dựng Thủ đô. Ngày nay có phong trào tình nguyện rất sôi nổi, nhưng vì ý nghĩa “tình nguyện” nên vẫn có một số sinh viên không tham gia, xa rời phong trào, hạn chế kỹ năng sống, rất nên được khắc phục.
 
Như trên đã viết, lớp học lúc đầu hơn một trăm sinh viên, sau năm thứ nhất loại ra trường vài chục người, đến khi tốt nghiệp còn hơn bốn chục. Hồi ấy, theo đúng quy trình cuả các trường đại học thế giới, gạn lọc rất chặt chẽ qua mỗi năm học. Sau khi tốt nghiệp, khoảng mươi người được giữ lại làm cán bộ giảng day, hầu hết được phân công đi về các địa phương. Hồi đó chưa có mấy viện nghiên cứu nên trừ vài bạn về viện Sử, còn lại đi dạy trường cấp ba, thậm chí cấp hai. Với tinh thần sẵn sàng theo sự phân công của Nhà nước, mọi người đều vui vẻ nhận lệnh kể cả về nông thôn hay lên miền núi, vững vàng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và khắc phục khó khăn thời bao cấp.
 
Lớp chúng tôi, cũng như lớp đàn anh hồi đó chỉ được trang bị kiến thức trong 2-3 năm, ít người được đi học nước ngoài, chỉ một vài người làm luận án Phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ). Nhưng bằng ý chí và phương pháp tự học do các thầy truyền dạy, tất cả chúng tôi đều vươn lên, đạt những thành tựu trong giảng dạy và nghiên cứu, góp công sức vào công cuộc xây dựng nền Đại học Việt Nam cũng như nền Sử học nước nhà.
 
Từ năm 1993, trong điều kiện hòa bình và Đổi mới, lớp bắt đầu nối liên lạc trở lại, rồi từ đó họp mặt hằng năm, vào dịp đầu niên khóa. Đến nay được 33 lần họp, số người tham gia cứ giảm dần vì đã qua đời, hoặc ở xa hay ốm đau không tới được. Năm nay, vào dịp kỷ niệm 60 năm của Trường và Khoa, khóa I đã họp mặt tại 19 Lê Thánh Tông được 16 người, ít tuổi nhất là tròn 80. Chúng tôi vào đúng giảng đường năm xưa, giành một phút tưởng nhớ đến các Thầy và các Bạn đã từng dạy và học trong giảng đường này.
 
Nhìn lại quãng đường đã qua, thật đáng tự hào là dù trên cương vị công tác nào, các cựu sinh viên khóa I của Khoa Sử ĐHTHHN cũng vững vàng, thể hiện phẩm chất đạo đức  và năng lực chuyên môn được tích lũy từ nhà trường. được phát huy trong thực tiễn, được các thế hệ tiếp sau yêu mến và kính nể.
 
Hạnh phúc thay được ghi lại đôi dòng cảm xúc vào thời điểm Nhà trường và Khoa Sử kỷ niệm 60 năm thành lập. Và đối với riêng tôi, cũng là năm vừa bước vào tuổi 80,  trải qua 60 năm gắn bó với Trường và tròn 50 năm tuổi Đảng.
Hà Nội, tháng 10 năm 2016

Ảnh:   CỰU SV KHÓA I KHOA SỬ HỌP MẶT KỶ NIỆM 60 NĂM VÀO TRƯỜNG
Ảnh 1:    Trước cổng trường Đại học Tổng hợp 19 Lê Thánh Tông

Ảnh 2:   Trong giảng đường, nhớ về Thầy và bạn năm xưa

Ảnh 3:  Trưởng lớp: ông Trần Đình Thi, nay là nguyên Phó chánh văn phòng Bộ giáo dục

Ảnh 4:  Ban chấp hành Chi đoàn năm xưa: Thầy Hoàng Bá Sách Sách, Thầy Lê Mậu Hãn, Thầy Vũ Dương Ninh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây