“Biển và lục địa – vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung”

Thứ tư - 09/08/2023 23:16
Tháng 10/2018, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã ra mắt cuốn sách “Biển với lục địa: vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung” do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và GS.TS Nguyễn Văn Kim đồng chủ biên. Cuốn sách là tập hợp 25 bài viết khoa học của 30 tác giả về một mảng lịch sử có vị trí hết sức đặc biệt ở miền Trung mà trước đây chưa có nhiều người quan tâm nghiên cứu một cách bài bản – đó là mối tương tác giữa biển và lục địa thông qua vai trò kết nối của các dòng sông. Xin trân trọng gửi đến bạn đọc lời tựa giới thiệu cuốn sách của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở châu Âu xuất hiện một ngành khoa học tổng hợp và đánh giá lại cục diện thế giới đang thay đổi, đó là khoa học Địa – Chính trị hay Địa – Chiến lược. Halford John Mackinder (1860-1947), nhà Địa lý học người Anh, được coi là một trong những sáng lập gia của ngành học này, trong bài báo Trục xoay địa lý của lịch sử được công bố trên tạp chí Địa lý tại London (Anh quốc) số tháng 4 năm 1904 đã lấy sự tương tác giữa đại lục và đại dương thông qua hệ thống sông ngòi làm cơ sở quan trọng hàng đầu để đánh giá tiềm lực và dự báo tương lai phát triển của mỗi nước, mỗi khu vực. Ông không theo thuyết Quyết định luận của địa lý, nhưng lại tin điều kiện địa lý luôn luôn có tầm quan trọng sống còn. Ông cho rằng Trung Quốc có vị thế địa chiến lược vượt trội so với tất cả các quốc gia khác, vì Trung Quốc có lãnh thổ lục địa rộng lớn ở trung tâm thế giới, lại có vùng duyên hải rất dài và các hệ thống sông lớn với nhiều cảng tự nhiên rất tốt, nhưng cho đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn chỉ là một đại đế chế lục địa, vì đã bỏ qua những điều kiện thiên nhiên tối ưu, mà trời đã phú cho họ. Như thế, ở đây ông lại nghiêng về vai trò quyết định của con người trong khai thác, sử dụng những lợi thế đặc biệt của tự nhiên.
 
Không đợi đến đầu thế kỷ XX, ngay từ cuối thế kỷ XIII, trên tầm cao chiến công mang tầm vóc thời đại ở Bạch Đằng ngày 9 tháng 4 năm 1288, Trương Hán Siêu đã khẳng định như một chân lý: “cốt đâu đất hiểm, tại mình đức cao” (Bạch Đằng giang phú). Chính những con người “biết người, biết mình”, hiểu rõ những gì thiên nhiên ban tặng và thử thách, đã có những ứng xử phù hợp và tạo nên những kỳ công tuyệt vời trong lịch sử chống ngoại xâm. Yếu tố địa lý tự nhiên và vai trò chủ quan của con người kết quyện lại với nhau làm nên lịch sử, thật khó có thể phân định thật rạch ròi đâu là chính, đâu là phụ, đâu là cái quyết định, đâu là cái góp thêm.
 
Lịch sử Việt Nam ngay từ buổi đầu thời đại dựng nước và giữ nước đã hình thành và phát triển trên ba không gian lịch sử – văn hóa rất điển hình chủ yếu được phân theo điều kiện tự nhiên là không gian văn hóa Đông Sơn – Văn Lang, Âu Lạc ở miền Bắc, không gian văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa ở miền Trung và không gian văn hóa Óc Eo – Phù Nam ở miền Nam. Sau này toàn bộ lịch sử Việt Nam được tích hợp vào trong một dòng chủ đạo là Đại Việt, Đại Nam và Việt Nam, nhưng nhiều giá trị đặc trưng của mỗi không gian đầu tiên vẫn còn được duy trì làm nên tính đa dạng trong thống nhất của lịch sử – văn hóa Việt Nam.
 
Khu vực miền Trung đồng bằng nhỏ hẹp, núi cao, sông ngắn và dốc, bờ biển vươn ra đón sóng đại dương, cư dân không thể chỉ chăm chú vào cánh đồng lúa nước, mà còn phải lặn lội lên rừng xuống biển tìm kế sinh nhai, như ca dao xưa vẫn nhắc: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Thật không nơi nào trên phạm vi cả nước, đối thoại biển – lục địa thông qua mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông lại diễn ra thường xuyên, tấp nập, mạnh mẽ và hiệu quả như ở miền Trung.
 

Tôi vẫn nhớ, vào mùa hè năm 1976, đúng một năm sau ngày đất nước thống nhất, GS. Phan Huy Lê dẫn đoàn chúng tôi vào Quy Nhơn, ngược sông Côn lên vùng An Khê (khi đó thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum), rồi xuôi sông Ba… để nghiên cứu, lý giải vì sao ngay từ buổi đầu khởi xướng, phong trào Tây Sơn đã tổng hợp được các nguồn sức mạnh của núi rừng Tây Nguyên với đồng bằng Bình Định, Phú Yên và biển cả mênh mông, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn làm nên một chuỗi những chiến công hiển hách trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, hoạn nạn. Sau này với vai trò Chủ nhiệm, Tổng chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập (được gọi là Quốc sử), đã ở tuổi ngoài 80 mà Giáo sư vẫn không quản mưa bão Trường Sa, nắng lửa miền Trung, tìm đến các bản làng Tây Nguyên, các dòng sông, bến cảng, các đảo ven bờ và đảo giữa Biển Đông để lần tìm những trang sử chân xác của đất nước còn tàng ẩn trong dân gian mà lâu nay giới sử học chưa có nhiều điều kiện đầu tư khai thác.
 
Thực hiện theo sự chỉ đạo của GS. Phan Huy Lê, ngày 18-12-2016, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Biển với lục địa – Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung. Hội thảo đã tập hợp được 25 báo cáo khoa học của các chuyên gia, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực Sử học, Khảo cổ học, Văn hóa học, Địa lý học, Môi trường sinh thái… thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các chuyên gia ở Hà Nội, ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và cả chuyên gia quốc tế (Nhật Bản). Hầu hết các báo cáo đều viết rất dày công với các nguồn tư liệu phong phú, đặc biệt là tư liệu điều tra điền dã thực địa và với những đánh giá, nhận định sâu sắc, mới mẻ.
 
Đặt tất cả các bài báo trong mối quan hệ tổng thể và thông qua các ý kiến trao đổi hết sức sôi nổi trong cả ngày hội thảo, có thể nhận ra khá rõ mối gắn kết thành một thể thống nhất giữa Trường Sơn – Tây Nguyên với các vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, mối liên kết hữu cơ giữa đất liền duyên hải và biển khơi và con đường dân tộc Việt Nam tiến ra biển lớn… tất cả đều chung đúc, hòa quyện thành đặc trưng của không gian lịch sử – văn hóa miền Trung. Sợi dây chắp nối, tổ hợp, tổng hợp và nhân lên sức mạnh của các nguồn lực núi rừng, đồng bằng và biển cả chính là các dòng sông, bến nước quê hương. Cuối cùng thì lịch sử khu vực miền Trung cũng không ra ngoài quy luật chung của lịch sử đất nước và lịch sử nhân loại rằng đất thống trị biển và vai trò đặc biệt quan trọng của của các dòng sông.
 
Tôi được biết sau thành công của hội thảo, một số tác giả vẫn tiếp tục đào sâu nghiên cứu, bổ sung thêm thông tin, tư liệu, gia cố thêm những đánh giá, nhận định và cuốn sách mà bạn đọc đang có trong tay, tuy không tránh khỏi một vài hạn chế, thiếu sót nhỏ, nhưng cũng đã là một công trình tương đối hoàn chỉnh về một mảng lịch sử có vị trí hết sức đặc biệt ở miền Trung là mối tương tác giữa biển và lục địa thông qua vai trò kết nối của các dòng sông, mà trước đây chưa có nhiều người quan tâm nghiên cứu một cách bài bản.
 
Gần 30 tác giả của 25 bài viết trong cuốn sách, có người là học trò trực tiếp, nhưng cũng có không ít người chưa từng được nghe GS. Phan Huy Lê giảng bài. Dù chuyên môn, tuổi tác và môi trường công việc của chúng tôi không giống nhau, nhưng khi đã tập hợp lại trong một đề tài lịch sử miền Trung, chúng tôi đều lấy quan điểm tiếp cận toàn bộ, toàn diện về lịch sử Việt Nam do GS. Phan Huy Lê khởi xướng làm nguyên tắc triển khai thống nhất. Tiếc rằng cuốn sách chưa kịp hoàn thành thì GS. Phan Huy Lê đã vội đi xa. Chúng tôi thành kính gửi đến Thầy những lời tri ân sâu sắc nhất và mong cho tư tưởng và sự nghiệp cao cả của Thầy sống mãi cùng lịch sử quê hương, đất nước.
 
Trân trọng cám ơn tất cả mọi người đã yêu mến, quan tâm, giúp đỡ chúng tôi trong việc tổ chức Hội thảo và Nhóm biên tập hoàn thành bản thảo cuốn sách. Xin được giới thiệu cuốn sách: Biển với lục địa – Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung với bạn đọc.
 
 GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 06-11-2019.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây