Cuộc chiến nhiệm kỳ của các Tổng thống Hoa Kỳ ở chiến trường Việt Nam (1954-1975)

Thứ tư - 09/08/2023 14:57
Bài nghiên cứu "Cuộc chiến nhiệm kỳ của các tổng thống Hoa Kỳ ở chiến trường Việt Nam (1954-1975)" của PGS.TS. Nguyễn Đình Lê đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, số tháng 2-2014, tr. 25-30.
Từ năm 1954 đến năm 1975, lịch sử thế giới ghi nhận cuộc chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam, mà thực chất là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của Hoa Kỳ. Bởi nhiều lý do, các diễn biến cuộc chiến đấu gay go quyết liệt ở chiến trường Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đến chính trường Hoa Kỳ và ngược lại, mọi chính sách quyết định về chiến tranh ở Việt Nam từ Nhà Trắng đều ảnh hưởng đến tiến trình cuộc chiến.

Trong 21 năm theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam, các Tổng thống Hoa Kỳ đã để lại một bức tranh đen tối trong lịch sử nước Mỹ, nhất là thời gian cầm quyền của Tổng thống L. Johnson (1965-1968) và R. Nixon (1969-1974). Bài viết này, tập trung phân tích sự thất bại của các kế hoạch xâm lược Việt Nam của các Tổng thống Hoa Kỳ, từ mối quan hệ giữa chiến trường Việt Nam với chính trường Hoa Kỳ, dưới thời hai tổng thống kể trên.

Do ảnh hưởng lớn của chiến trường Việt Nam đến chính trường Hoa Kỳ nên các Tổng thống Mỹ thường xuyên sử dụng lá bài chính trị Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng. Yếu tố này mạnh đến mức phần lớn các ứng cử viên tổng thống, trong thời kỳ cuộc chiến tranh đang diễn ra, luôn hứa hẹn với cử tri rằng sẽ có kết cục tốt đẹp ở Việt Nam, đều lấy chủ đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam để tranh thủ lá phiếu. Hai đảng đối lập ở Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ cũng thường xuyên đấu tranh với nhau trên địa hạt chính trị này, nhất là trong thời kỳ vận động bầu cử. Ngay những nhân vật tranh cử ở thời kỳ sau này, như Bush (cha và con) và Bill Clinton, cũng từng lấy một nội dung có liên quan đến cuộc chiến Việt Nam để tranh cử. Gần đây nhất, trong lần tranh cử Tổng thống của mình, ông Barack Obama vẫn nhắc đến hồi ức chiến tranh Việt Nam qua sự kiện Khe Sanh.

Tuy nhiên, những nội dung từng hứa hẹn giải quyết vấn đề Việt Nam, trong thời gian vận động bầu cử, thưòng không được thực hiện sau khi họ trúng cử. Điển hình là L. Johnson và R. Nixon. Vì thế, dư luận Hoa Kỳ chỉ rõ rằng L. Johnson là ứng cử viên hòa bình, tổng thống chiến tranh. Còn R. Nixon, người từng hứa khi tranh cử là vãn hồi hòa bình ở Việt Nam trong danh dự thì thực chất là người hiếu chiến nhất trong 5 đời Tổng thống Hoa Kỳ dính líu vào chiến tranh Việt Nam. Hứa hẹn hòa bình rồi sau đó thất hứa, mở rộng chiến tranh… trở thành chu kỳ (gần như) lặp lại 4 năm một lần ở Washington.

Thống thường, ở năm đầu lên cầm quyền, các Tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu triển khai kế hoạch của mình ở Việt Nam: Tổng thống F. Kennedy triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt vào đầu năm 1961. L. Johnson, tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ, thi hành chiến lược chiến tranh cục bộ ngay năm 1965. Cũng tương tự, tân Tổng thống Richard Nixon đã áp dụng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ngay trong năm 1969.

Bởi sắp đặt tính toán lợi ích của người tranh cử sau trúng cử tổng thống, nên năm đầu của nhiệm kỳ, những suy tính ở Washington về chiến trường Việt Nam có phần dịu hơn. Đây là một đặc điểm được dư luận Hoa Kỳ gọi là “tuần trăng mật” giữa cử tri và tân tổng thống. Nhưng từ năm thứ 2 và đặc biệt năm thứ 3, các chính khách Hoa Kỳ đã đẩy cuộc chiến ở Việt Nam lên đỉnh cao. Đặc điểm này đã trở thành vấn đề có tính quy luật trong vận hành chiến tranh Việt Nam của hai đời tổng thống Hoa Kỳ, từ năm 1965 đến 1974.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền hành rất lớn. Đặc biệt, các tổng thống đã sử dụng tối đa quyền lực đó trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, theo hướng tỷ lệ thuận với thời gian cầm quyền. Bàn về đặc điểm này, trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng và trong tư cách tham vấn cho Tổng thống L. Johnson, Robert S. McNamara đã chỉ ra mô hình dưới đây, với khuyến nghị là Tổng thống Hoa Kỳ có rất nhiều quyền lực và hãy sử dụng hết tất cả quyền lực mà cơ quan lập pháp trao cho tổng thống. Ý kiến của Robert S. McNamara được L. Jonhson tán đồng[1].
 

Trong ngót 10 năm (1965-1973), giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các tổng thống Hoa Kỳ đã đẩy các bước phiêu lưu quân sự của mình lên đỉnh điểm vào năm cuốỉ trước nhiệm kỳ bầu cử tổng thống mới.  Trước và trong thòi gian vận động tranh cử, các ứng cử viên đều nêu bật chương trình kết thúc chiến tranh Việt Nam. Các chính khách Hoa Kỳ hiểu rõ nguyện vọng cử tri là phải kết thúc cuộc chiến tranh tàn bạo và tốn kém nên họ phải tự kiềm chế chiến sự, tung dư luận hòa bình ở Việt Nam… Trong thời gian vận động tranh cử, cách thức này đã trở thành lá bài quan trọng cho các ứng cử viên muốn trở thành người lãnh đạo Nhà Trắng.

Năm 1964, Hoa Kỳ sa lầy trong chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam, hướng giải quyết là dùng ngoại giao hòa bình chấm dứt chiến tranh hoặc là dùng vũ lực vượt trội để khuất phục lực lượng giải phóng. Lúc đó, trả lời vấn đề này, ứng cử viên L. Johnson đã hứa với cử tri Hoa Kỳ sẽ tìm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở miền Nam. Tuy nhiên, sau khi trúng cử 4 tháng, L. Johnson đã nuốt lời và nhanh chóng phát động cuộc chiến tranh cục bộ, từng bước leo thang chiến tranh và đỉnh cao là đến cuối năm 1967. Và chính tại thời điểm đó, ông ta lại phải tìm cách tháo gỡ, kiềm chế cuộc chiến vì mùa bầu cử mới đã đến.

Chính sách của L. Johnson với cuộc chiến ở Việt Nam trước và sau ngày bầu cử phản ánh những toan tính chung của các chính khách Hoa Kỳ ở những thời điểm nhạy cảm. Những toan tính này còn thể hiện sâu rộng hơn qua sự thao túng của Nixon.

Trong chiến dịch tranh cử năm 1968, khi đảng của tổng thống và cá nhân Tổng thống L. Johnson đang sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, ứng cử viên Tổng thống Nixon đã nắm cơ hội này để quảng bá cho chương trình nghị sự của mình. Nixon hứa chắc với cử tri Hoa Kỳ khi trúng cử sẽ kết thúc chiến tranh, rút quân về nước và khép lại chương lịch sử đen tối của Hoa Kỳ do Tổng thống L. Johnson tạo nên. Tuy nhiên, cũng giống như người tiền nhiệm, khi trở thành Tổng thống, R. Nixon đã tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam với mức độ tàn bạo hơn, mở rộng chiến tranh trên bộ sang Campuchia (1970) và Lào (1971).

Năm 1972, kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, chuẩn bị cho mùa tranh cử mới, R. Nixon lại trở thành “con bồ câu mới”, như dư luận Hoa Kỳ đánh giá. Càng gần đến ngày bầu cử, R. Nixon càng thổi phồng dư luận bằng luận điểm hòa bình ở Việt Nam đã trong tầm tay, Hoa Kỳ sẽ ký hiệp định hòa bình trong danh dự[2]. Mặt khác, bè đảng của ông ta còn làm việc xấu xa là nghe lén đối phương, để giành thế chủ động trong tranh cử[3].

Nhưng ngay sau khi trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, R. Nixon đã bộc lộ đầy đủ nhất bản chất hiếu chiến của mình, bởi trước mắt ông ta không còn băn khoăn về tương lai chính trị trong 4 năm tới nữa vì Tổng thống Hoa Kỳ chỉ được tại chức 2 nhiệm kỳ. R. Nixon đã dồn tất cả khả năng quân sự có thể huy động được của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Việt Nam. Điển hình là chiến dịch Line Backer II, dùng máy bay chiến lược B.52 đánh phá hủy diệt các thành phố ở miền Bắc, làm cho Hà Nội không còn 2 viên gạch dính vào nhau – như lời kẻ hiếu chiến đầy cao ngạo của Hoa Kỳ từng nói.

Chiến dịch này được thực hiện đúng 1 tháng sau khi R. Nixon tái trúng cử Tổng thống. Thắng lợi ở chính trường Washington, vào tháng 11-1972, đã tạo thế cho R. Nixon ra đòn thâm hiểm đối với miền Bắc Việt Nam, điều mà các tổng thống khác của Hoa Kỳ chưa dám thực hiện.

Tuy nhiên, dù kế hoạch thâm hiểm, hiếu chiến của nhiều Tổng thống Hoa Kỳ, nhất là của Tổng thống R. Nixon – được hoạch định trên cơ sở tính toán kỹ bối cảnh chính trị trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng đã thất bại ở chiến trường Việt Nam.

Như vậy, nhìn từ phía bên kia của cuộc chiến, Hoa Kỳ cứ 4 năm thay đối chiến lược một lần hòng khuất phục nhân dân Việt Nam kháng chiến và tránh cho chế độ Sài Gòn khỏi sụp đổ. Trong chính sách nhiệm kỳ đó, từ năm thứ 3 đến trước mùa bầu cử mới, Hoa Kỳ đưa mức độ chiến tranh lên đỉnh điểm. Đó là “thời gian vàng” của những ông chủ Nhà Trắng, tung hết con bài trong tay ra nhằm đạt mục tiêu chiến tranh. Quy luật 4 năm đã phản ánh sự hạn chế của “cuộc chiến tranh không tuyên bố” của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Chu kỳ nhịp điệu chiến tranh cứ 4 năm thay đổi một lần bởi căn nguyên của cuộc chiến nhiệm kỳ. Chiến sự mà phía Hoa Kỳ phát động ở chiến trường miền Nam do đó mang tính bị động, giật cục, phụ thuộc vào nhịp thở chính trị trong nước.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao các Tổng thống Hoa Kỳ dù đã sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế khổng lồ của mình, lại có bộ máy chiến tranh khổng lồ giúp sức, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi thất bại cay đắng ở Việt Nam?

Có nhiều lý do cắt nghĩa vấn đề này. Theo Mc. Namara, có 11 nguyên nhân dân đến thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam[4]. Dù ý kiến của ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời Tổng thống L. Johnson gắng nhìn đúng sự thật, tuy nhiên vẫn thiếu một lý do hệ trọng là sự tính toán của các chính khách Hoa Kỳ về chiến tranh xâm lược Việt Nam, dù rất hiểm độc, tàn bạo nhưng đã bị đối phương vượt lên đánh sập mọi toan tính của họ.

Khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam càng quyết liệt thì Bộ thống soái tối cao của lực lượng cách mạng càng hiểu rõ đối phương toàn diện hơn. Một mặt, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thấy hết bản chất hiếu chiến của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc. Mặt khác, cũng thấy rõ điểm yếu cơ bản của những kẻ thao túng chính trường Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Từ thông hiểu đối phương, các quyết sách được đưa ra trên cơ sở biết địch, biết mình và thường thấm nhuần hai điều cơ bản: một là tích cực kiềm chế địch trong mọi hoàn cảnh và hai là tiến công kẻ thù quyết liệt khi chính trưòng Hoa Kỳ buộc các nhà hoạch địch chính sách xâm lược Việt Nam ở Washington đang phải tự kiềm chế hoạt động quân sự ở chiến trường Việt Nam vào thời gian nhạy cảm chính trị.

Những quyết sách đầu tiên của Trung ương chủ trương đánh địch vào thời gian thích hợp nhất nhằm giành thắng lợi có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam là nghị quyết các hội nghị Trung ương bàn về cách mạng miền Nam diễn ra trong năm 1965[5].

Vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã bước vào thời kỳ mới. Sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã buộc Tổng thống Hoa Kỳ mở bưóc phiêu lưu quân sự mới: “Chiến tranh cục bộ”. Tuy nhiên, mùa bầu cử đang đến nên các chính khách Hoa Kỳ phải tự hạn chế hoạt động quân sự ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, tháng 3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 11 (Khóa III). Sau khi phân tích tình hình kháng chiến, tương quan giữa lực lượng kháng chiến và đối phương, Hội nghị đặt ra một nhiệm vụ chiến lược lâu dài cho toàn Đảng, toàn dân là dù trong bất cứ tình thế nào, nhân dân Việt Nam phải chiến thắng cho kỳ được cuộc “Chiến tranh đặc biệt” ở mức cao nhất ở miền Nam[6]. Mặt khác, nỗ lực giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn[7].

Theo tinh thần đó, vào thời khắc khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang cố cầm chừng chiến sự ở chiến trường, thì lực lượng giải phóng lại dồn sức khuếch trương chiến quả. Vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, Quân giải phóng đã mở một loạt chiến dịch Bình Giã, Ba Gia… Các sự kiện này diễn ra đúng lúc đối phương đang gặp khó khăn: loay hoay giữa thời gian hạn hẹp tranh thủ lá phiếu cử tri ở Hoa Kỳ nên hạn chế chiến sự ở chiến trường xa. Tuy nhiên, do tương quan so sánh lực lượng lúc đó, nên cách mạng miền Nam không dứt điểm được trong thời kỳ bản lề 1965[8].

Cuộc chiến bùng phát lên cao khi Hoa Kỳ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mùa khô thứ nhất và thứ hai, Hoa Kỳ đã đẩy cuộc chiến ở miền Nam lên cao độ, tuy nhiên mọi mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ ở chiến trường miền Nam và đánh phá miền Bắc đều không đạt được. Vào mùa khô lần thứ ba, Hoa Kỳ đã huy động tất cả sức mạnh quân sự có thể huy động được vào chiến trường Đông Dương[9] và có nhiều yếu tố mấp mé chiến lược chiến tranh tổng lực.

Từ đầu năm 1968, khi các chính khách Hoa Kỳ bắt đầu tính toán mưu đồ xoa dịu dư luận Mỹ đang sục sôi vì Nhà Trắng theo đuổi cuộc chiến tranh tốn kém, phi nghĩa và không thể thắng ở Việt Nam, bằng sự kiềm chế chiến tranh ở mức độ nào đó cho cuộc vận động bầu cử cuối năm, thì Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã chủ trương tranh thủ hoàn cảnh đó để mở cuộc tổng tiến công mới. Ngay từ đầu năm 1967, Hội nghị lần thứ 13 của Trung ương Đảng (tháng 1-1967) đã nêu quyết tâm động viên, cố gắng cao độ, đập tan âm mưu của địch, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đốì ngắn[10].

Ý định chiến lược trên được chuẩn bị suốt năm 1967 và sau đó cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam năm 1968 diễn ra khi ở Mỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Hoa Kỳ đang tiến hành vận động tranh cử đại diện của mình vào Nhà Trắng. Cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968 làm cho L. Johnson rất bất ngờ, bối rối và không thể hình dung được qui mô to lớn của nó.

Dù còn ý kiến tranh luận về kết quả của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nhưng chính đòn tiến công này đã kết thúc nhiệm kỳ 4 năm tổng thống của L. Johnson trong thất bại cay đắng. Trên 60 vạn quân Mỹ và đồng minh cùng chục vạn quân Sài Gòn đã thất bại thảm hại trong “Chiến tranh cục bộ”.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa chịu rút quân khỏi miền Nam mà hơn nữa còn toan tính nước cờ thâm hiểm mới đối với lực lượng kháng chiến miền Nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cùng với chính sách ngoại giao nước lớn, cùng với những tổn thất to lớn của Quân Giải phóng trong năm 1968, nên công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, đến năm 1972, lực lượng kháng chiến đã đủ điều kiện chủ quan và khách quan để tiến hành cuộc tiến công chiến lược mới[11].

Năm 1972, qua nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống R. Nixon đã kiếm được số “vốn liếng” chính trị nhất định. Bởi về hình thức, đến thời điểm này, so với người tiền nhiệm, nếu L. Johnson đưa quân vào Việt Xam thì ngược lại, ông ta đã từng bước đưa quân Mỹ về nước. Tuy nhiên, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của R. Nixon rất thâm độc và nó sẽ trở nên tàn khốc hơn sau khi ông ta tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Nhận thức được thời cơ nhạy cảm để đưa cách mạng miền Nam tiến lên, thực hiện chủ trương “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chỉ ra cơ hội mới: Nixon rất ngoan cố, đang tranh ghế tống thống và sẽ tiếp tục thực hiện “học thuyết” của hắn sau bầu cử… ta phải biết nắm thời cơ, ta phải linh hoạt đấu tranh để góp phần đánh và thắng địch một cách có lợi nhất[12].

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của lực lượng giải phóng diễn ra vào thời khắc Hoa Kỳ đang “gặt hái” chính sách “ngoại giao nước lớn” đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và đúng vào thời gian đang vận động bầu cử tổng thống. Trong lúc này, R. Nixon đang ru ngủ cử tri Hoa Kỳ rằng hòa bình Việt Nam đã ở trong tầm tay, Hoa Kỳ đang giải quyết vấn đề Việt Nam trong danh dự, trong hòa bình[13].

Đòn tiến công quân sự đúng thời cơ của quân và dân Việt Nam năm 1972 cùng với thất bại của trận “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn ký Hiệp định Paris. Thắng lợi này đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới: từ giành thắng lợi quyết định lên thắng lợi hoàn toàn.

Dù có Hiệp định đình chiến, nhưng đối phương không chịu thi hành, không chịu chấm dứt chiến tranh ở miền Nam, không thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: Điều quyết định trước hết là ta phải nhận rõ cách mạng miền Nam chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường cách mạng không ngừng, bằng bạo lực[14].

Vào chặng đường “nước rút” cuối cùng của công cuộc chống Mỹ, cứu nước, khi chuẩn bị để cách mạng miền Nam tiến lên giành toàn thắng, có một câu hỏi đặt ra cho nhân dân Việt Nam là: nếu tiến lên vượt Hiệp định, thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào?

Qua gần 2 năm thử thách, vào cuối năm 1974, Bộ Chính trị đã có lời giải khá cụ thể. Sau cuộc họp (tháng 9 và 10-1974) bàn về nội dung trên, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị gửi thư Trung ương Cục miền Nam nhận xét: Tuy bản chất Mỹ rất ngoan cố và còn nhiều âm mưu thâm độc, nhưng đây lại là lúc Mỹ đang ra, mà đã ra thì việc quay lại không phải dễ… chọn thời cơ chiến lược này, ta phán đoán Mỹ không có khả năng quay lại… song dù Mỹ có can thiệp trở lại thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng[15].

Với tính toán cả thế ta và địch, hiểu bối cảnh chung của chính trường Hoa Kỳ, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuẩn bị mọi điều kiện tiến lên giải phóng miền Nam. Vào mùa Xuân 1975, khi điều kiện đã chín muồi, quân và dân Việt Nam đã tiến lên đánh đổ chế độ Sài Gòn, thu non sông về một mối.

Sự tính toán đầy mưu kế của các tổng thống Hoa Kỳ suốt nhiệm kỳ trong chiến tranh Việt Nam, rốt cuộc đã bị thất bại bởi cuộc chiến đấu kiên cường, đầy mưu trí và sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
Chú thích
[1] Robert S.McNamara (1995), Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.103.
[2] Giáo sư Larry Berman đã viết cuốn “Không hòa bình, chẳng danh dự” để vạch trần sự dối trá của R. Nixon.
[3] Vụ Watergate nổi tiếng buộc R. Nixon phải từ chức.
[4] Robert S. McNamara, sđd, tr.316-318.
[5] Có hai hội nghị, văn bản gọi Nghị quyết Trung ương 11 (tháng 3-1965) và 12 (tháng 12-1965).
[6] Đảng cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26 (1965), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.105, 109.
[7] Đảng cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26 (1965), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.105, 109.
[8] Ý của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hay dùng để chỉ thắng lợi quyết định của cách mạng miền Nam trong thời gian này.
[9] Cuối năm 1967 đầu 1968, Hoa Kỳ đã huy động khoảng 70 vạn quân vào phục vụ chiến tranh Việt Nam (kể cả lực lượng đóng trú ở căn cứ nước ngoài và trên biển), từ 1/2 đến 3/4 lực lượng không quân và hải quân.
[10] Đảng cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28 (1967), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.174.
[11] Năm 1970, Hoa Kỳ đưa chiến tranh trên bộ sang Campuchia, lực lượng kháng chiến ở đây cùng Quân giải phóng miền Nam đã đánh bại các chiến dịch của đối phương. Năm 1971, lực lượng vũ trang cách mạng đã giành được thắng lợi to lớn trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, xốc cách mạng miền Nam tiến lên.
[12] Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.317.
[13] Trên thực tế thì R. Nixon đang tính toán chiêu bài mới, nhưng vì đang mùa tranh cử phải tung lá bài là Hoa Kỳ đang hướng tới một hiệp định hòa bình.
[14] Lê Duẩn, sđd, tr.333-334, 62.
[15] Lê Duẩn, sđd, tr.333-334, 62.

PGS.TS. Nguyễn Đình Lê
Nguồn: Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 2-2014, tr.25-30
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 26-10-2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây