Tìm hiểu về mặt trận Việt Minh (PGS. TS. Phạm Hồng Tung)

Thứ tư - 09/08/2023 11:50
Hơn 50 năm qua, kể từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thắng lợi, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các học giả Việt Nam và nước ngoài về mặt trận Việt Minh. Bài viết này chỉ đề cập đến một số vấn đề về mặt trận Việt Minh mà cho đến này rải rác trong các công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước còn chưa đạt đến sự nhất trí hoàn toàn.

I. VỀ ĐỊA ĐIỂM RA ĐỜI CỦA MĂT TRẬN VIỆT MINH

Nhìn chung, các học giả Việt Nam và nước ngoài đều nhấ trí cho rằng mặt trận Việt Minh ra đời vào ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), theo nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII. Trong công trình nghiên cứu của mình về Cách mạng tháng Tám xuất bản năm 1991 tại Oslo. The Vietnamese Revolution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War (Cuộc cách mạng Việt Nam năm 1945: Rudoven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới có chiến tranh), nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson đã đặt vấn đề nghi ngờ về nơi ra đời của Việt Minh. Nghi vấn của Tonnesson xuất phát từ việc nghiên cứu các sử liệu vốn là báo cáo của mật thám Pháp tại Côn Minh hiện đang được lưu tại kho trữ ở Aix-en-Provence (AOM) và một vài nơi khác. Theo báo cáo của một nhân viên mật thám có tên Henry làm việc ở lãnh sự Pháp tại Côn Minh số 99-102, đề ngày 2 tháng 7 năm 1941 thì “các đại diện của Nguyễn Ái Quốc” đã tham gia vào việc thành lập một tổ chức có tên là Việt Nam Vận động độc lập đồng minh hội “tại một đại hội diễn ra ở Chingsi (Tĩnh Tây hay Trịnh Tây – PHT)”. Cũng theo báo cáo này thì trong số những người tham dự “đại hội” nói trên, ngoài các phần tử cộng sản hoạt động ở Vân Nam, còn có cả các đại diện của các tổ chức của người Việt Nam ở phía nam Trung Quốc, như Trương Bội Công và Vũ Hải Thu (Nguyễn Hải Thần). Chủ tịch của tổ chức này, theo Henry, là một người không rõ tên, hiện đang hoạt động ở trong nước, còn Tổng thư ký của tổ chức là Vũ Hải Thần[1].

Khi xử lý tư liệu này Tonnesson thừa nhận rằng chính mật thám Pháp cũng có thể là “nạn nhân của sự thông tin thất thiệt”[2], ví dụ như việc cơ quan mật thám Pháp (Sureté) “phải mất một thời gian dài để phát hiện ra rằng Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là một người, và để hiểu được rằng Việt Nam đã điều khiển một cách hữu hiệu hầu hết các việc khích động ở vùng biên giới”[3]. Nhưng trong trường hợp này thì Tonnesson lại tin rằng thông tin của mật thám Pháp là đúng bởi lẽ “Surete đã khẳng định tính xác thực của các báo cáo của họ và tiếp tục tin rằng Việt Minh đã được lập ra tại Chingsi”[4]. So sánh với các nguồn sử liệu Việt Nam, Tonnesson đưa ra giả định: “Trên thực có lẽ đã có hai cuộc họp, cuộc họp thứ nhất là của Đảng (Hội nghị Trung ương VIII) tại Pắc Bó – mà Sureté hoàn toàn không biết tí gì về nó – tại đó Hồ Chí Minh đã có mặt; và sau đó là một hội nghị rộng hơn tại Chingsi (tức hội nghị thành lập mặt trận Việt Minh - PHT)”[5].

Thực ra không phải Tonnesson là người đầu tiên nêu ra ý kiến rằng Việt Minh đã được thành lập tại Tĩnh Tây, Trung Quốc. Ngay từ năm 1954 nữ ký giả người Mỹ Ellen J.Hammer đã viết trong cuốn The Struggle for Indochina, 1940-1955 (Cuộc đấu tranh vì Đông Dương, 1940-1955) như sau: “Ở phía nam Trung Quốc, sát biên giới Bắc Kỳ, những người cộng sản Việt Nam đã tổ chức lại. Họ tiến hành một cuộc đại hội vào mùa xuân năm 1941. Những người tham dự là những kẻ vừa mới trốn qua biên giới và những người khác vốn đã náu mình nhiều năm tại Trung Quốc. Có cả những người từ các Cứu quốc hội của nông dân, công nhân, binh lính và phụ nữ. Tất cả các hội này đều do những người cộng sản lập ra. Thành viên của các nhóm khác cũng có mặt, nhưng những nhân vật chủ chốt đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó một người có chòm râu dài vốn từng được cho là đã chết ở Hồng Kông từ nhiều năm trước, chính là người đã sáng lập ra đảng, Hồ Chí Minh… Ý thức được rằng độc lập dân tộc là vấn đề duy nhất thông qua đó những người cộng sản có thể đoàn kết được tất cả các tầng lớp xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh và những người cộng sản đã không nói gì đến chủ thuyết cộng sản tại đại hội. Trái lại, họ đã thành lập một mặt trận thống nhất mà tất cả cá nhân và các đảng phái có thể tham gia. Họ gọi mặt trận này là Việt Nam độc lập đồng minh hội, được phổ biến trong dân chúng với tên gọi Việt Minh và Hồ Chí Minh là Tổng Bí thư của nó”[6]. Tuy nhiên Ellen J. Hemmer không cho biết bà đã viết những dòng trên dựa vào cuốn sử liệu nào và độ tin cậy của những sử liệu này ra sao.

Sau cuốn sách của Hammer xuất hiện một loạt công trình nghiên cứu của ký giả người Mỹ gốc Pháp Bernard Fall về Việt Minh: Political Development of Vietnam, VJ – Day Tonnesson the Geneva Cease – Fire (sự phát triển chính trị ở Việt Nam từ ngày Nhật đầu hàng cho tới Hiệp định Giơnevơ) (1954), Le Viet – Minh, la République Démocratique du Viêt Nam 1945-1960 (Việt Minh, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1960) (1960) và The Two Vietnams, a political and Military Analysis (Hai nước Việt Nam, một phân tích về chính trị và quân sự) (1963), có lẽ Bernard Fall là tác giả viết nhiều nhất về đề tài Việt Minh ở phương Tây. Trong các công trình nói trên ông ta cũng khẳng định rằng Việt Minh đã được thành lập tại tỉnh Tĩnh Tây, Trung Quốc. Chẳng hạn Bernard Fall viết: “Vào tháng 5 năm 1941, tại Ching-shi trong một cuộc “đại hội” những người cộng sản đã gặp các đại biểu của một vài nhóm ít quan trọng hơn, trong số đó có một vài tổ chức thực sự có tính chất dân tộc chủ nghĩa. Như Đảng Tân Việt nam hay chính là Việt Nam Quốc Dân Đảng trước đây, và một vài tổ chức khác vốn đã từng hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Đông Dương, như các tổ chức Cứu Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên [7]. Trong quá trình gặp gỡ này các nhóm trên đã hợp lại với nhau tạo thành Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi “Việt Minh” [8]. Ngày nay đọc lại chúng ta thấy rằng chỉ nội trong một đoạn văn ngắn trích dẫn trên đây đã chứa đựng khá nhiều sai sót cơ bản về sự kiện lịch sử lịch sử. Thế mà, mặc dù công trình này là một luận án tiến sĩ khoa học ngành quan hệ quốc tế (và trong các tác phẩm khác), tác giả của nó cũng không chú dẫn nguồn tư liệu đã sử dụng khi viết về sự kiện nói trên.

Bên cạnh các công trình của Ellen J Hammer và Barnard Fall, tác phẩm Vietnam and China 1938 – 1954 (Việt Nam và trung Quốc 1938 – 1954) của nhà sử học người Mỹ gốc Đài Loan King C. Chen cũng được biết đến khá rộng rãi ở phương Tây. Mặc dù King C. Chen cũng cho rằng mặt trận Việt Minh được thành lập vào ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Pác Bó, nhưng lại chưa thêm một cước chú. Toàn văn lời chú thích của Chen như sau: “Một nguồn tư liệu trước đây của Việt Nam do Hoàng Quốc Việt cung cấp khi ông ta viếng thăm Trung Quốc nói rằng cuộc họp đã diễn ra tại Quảng Tây chứ không phải ở Pắc Bó. Việt nói: “tháng 5 năm 1941, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Chí Minh, một cuộc hội nghị đã được tổ chức tại Quảng Tây, Trung Quốc, với sự tham gia của 50 đại biểu, đại diện cho tất cả các tổ chức cách mạng;  [Hội nghị] đã quyết định thành lập một mặt trận thống nhất rộng lớn, Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt MInh) nhằm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” (Tân Hoa Xã, Bắc Kinh, 26-8-1951). Có lẽ nguồn tư liệu này là xác thực bởi vì: 1. Việt là một người tham gia đại hội, 2. Ông ta chỉ đơn giản kể cho nhân dân Trung Quốc nghe về thực tiễn của phong trào cách mạng Việt Nam, 3. Ngày nay Hà Nội muốn đề cao chủ nghĩa dân tộc trong việc thành lập Việt Minh nên đã di chuyển địa điểm hội nghị từ Quảng Tây, Trung Quốc sang Pắc Bó Việt Nam” [9].

Ở trong nước, tuyệt đại đa số các công trình nghiên cứu về Việt Minh và về Cách mạng tháng Tám đều khẳng định rằng mặt trận Việt Minh đã được thành lập vào ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Pác Bó, Cao Bằng, trên đất Việt Nam. Duy nhất trong bộ sách Tài liệu tham khảo Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập X “Phong trào chống Phát xít chống chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương” do Trần Huy Liệu biên soạn. Nhà xuất bản Văn Sử Địa phát hành tại Hà Nội năm 1957 lại có sự khẳng định khác. Theo các tác giả của bộ tư liệu này thì cả hội nghị Trung ương lần thứ VIII và sự kiện thành lập mặt trận Việt Minh đều diễn ra tại Trịnh Tây, Trung Quốc: “Trước tình hình mới, tháng 5-1941, hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập nhóm họp từ 10 đến 19 tháng 5, ở bên kia biên giới thuộc địa phận Trung Quốc… hội nghị đi đến quyết định thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc Phát xít. Và tháng 5-1941, Việt Nam độc lập đồng minh ra đời ở Trịnh Tây (Trung Quốc). Cách biên giới Bắc – Kỳ độ 100 cây số” [10]. Các tác giả của tập sách cũng không cho biết đã căn cứ vào nguồn sử liệu nào để viết những dòng trên đây[11].

Vậy thực sự mặt trận Việt Minh đã được chính thức thành lập ở đâu và việc thành lập đó diễn ra như thế nào? Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cần được làm sáng tỏ.

Chúng ta biết rằng mặt trận Việt Minh chính thức ra đời theo quyết định của hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong số những người tham dự hội nghị này, tức là những sáng lập viên của Việt Minh[12] chỉ có đồng chí Hoàng Quốc Việt viết hồi ký về sự kiện này. Đây là một trong những nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất giúp chúng ta là sáng tỏ vấn đề.

Trong hồi ký nhân dân rất anh hùng đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại khá chi tiết lộ trình đi tới nơi dự hội nghị, quá trình hội nghị và lộ trình đoàn cán bộ trở về xuôi sau khi kết thúc hội nghị Trung ương VIII. Theo Hoàng Quốc Việt thì các đại biểu đi dự hội nghị đã được “Đại biểu quốc tế” thông báo mời tới một địa ở bên ngoài biên giới Việt Trung: “Địa điểm họp ở bên ngoài biên giới, nơi anh Thụ đã thuộc như lòng bàn tay” [13]. Do đó đoàn đại biểu đã đi theo liên lạc dẫn đường ngược dòng sông Kỳ CÙng vượt qua biên giới tới điểm hẹn là Hạ Đông thuộc Tĩnh Tây, Trung Quốc. “Đang vui mừng tíu tít thì một tin hơi buồn làm chúng tôi bâng khuâng: địa biểu quốc tế không còn ở đây nữa và có một bức thư để lại… Theo như dặ trong bức thư của đại biểu Quốc tế để lại, chúng tôi vòng về trong nước; đi một ngày đường thì lại thấy mốc biên giới. Đây là Cao Bằng, một tỉnh đường ngược mà tôi nhớ trong hồi Mặt trận dân chủ có cuộc đón tiếp Gô-đa hăng lắm” [14]. Đến nơi họp, Hoàng Quốc Việt và mọi người mới biết “Đại biểu quốc tế” chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, và: “chỗ họp của chúng tôi cũng ở xóm Pắc – bó, Hà Quảng, những khác chỗ Bác ở tức là hang Pắc-bó mà sách báo ta thường tả[15]. Hoàng Quốc Việt khẳng định rõ ràng: “Việt minh đã ra đời chính thức ở khe rừng Pắc – bó này” [16]. Sau khi kết thúc hội nghị, để đảm bảo giữ bí mật, đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng lại vòng qua biên giới Việt – Trung đề về xuôi: “Anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và tôi từ Cao Bằng lại đi vòng ra Tĩnh Tây, qua Long Châu trở về nước bằng đường Thất – Khê” [17].

Năm 1990, dựa vào những tài liệu “hồi tưởng” của đồng chí Trường Chinh, các tác giả Hoàng Tùng và Đức Vượng đã biên soạn thành sách “Đồng chí Trường Chinh”. Những thông tin trong cuốn sách này càng khẳng định thêm tính xác thực trong hồi ký của Hoàng Quốc Việt về hội nghị Trung ương VIII và sự ra đời của mặt trận Việt Minh[18].

Rõ ràng việc khẳng định hội nghị Trung ương lần thứ VIII và sự ra đời của mặt trận Việt Minh ở Pác Pó, trên đất Việt Nam, chứ không phải ở Tĩnh Tây, Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Nhưng nguyên nhân này đã dẫn đến những hoài nghi, nhầm lẫn của một vài học giả nước ngoài và trong nước về địa điểm ra đời của Việt Minh?

Qua hồi ký của Hoàng Quốc Việt, chúng ta được biết địa điểm họp hội nghị Trung ương VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông báo cho các đồng chí lãnh đạo Đảng đi dự là ở Tĩnh Tây (xã Hà Đông), Trung Quốc. Có lẽ lúc đầu Nguyễn Ái Quốc dự kiến họp hội nghị ở đó, một mặt để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho căn cứ cách mạng ở Pác Bó, mặt khác để đảm bảo an toàn cho cuộc hội nghị tối quan trọng này. Những có lẽ sau đó, phát hiện ra rằng địa điểm họp này đã bị mật thám Pháp hoặc đặc vụ Trung Quốc dân đảng Trung Quốc rình rập, có thể bị lộ, nên Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chuyển địa điểm họp về Pác Bó.

Trên thực tế, việc triệu tập hội nghị Trung ương VIII đã bị mật thám Pháp phát hiện, bao vây và định chặn bắt các đại biểu trên đường tới nơi họp: “Chúng dán ảnh đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt ở đầu cầu Bắc Giang, kêu gọi ai bắt được hai người này, sẽ có thưởng” [19].

Có lẽ các nhân viên mật thám Pháp tại Côn Minh đã dò biết được địa điểm tham dự định họp ở Tĩnh Tây và báo về cho sở mật thám Hà Nội. Chính vì các học giả sau này đã sử dụng các báo cáo đó như một nguồn sử liệu mà không xử lý, phê phán kỹ càng nên đã bị nhầm lẫn nghiêm trọng khi cho rằng Việt Minh được thành lập tại Trung Quốc.

Chúng ta cũng được biết rằng sau hội nghị Trung ương VIII, do sự chỉ điểm của tên Công, một tên mật thám được cài vào Đảng, có mặt trong đoàn cán bộ đi dự hội nghị, nên các đồng chí Nguyễn Thành Diên, Bùi San và Hồ Xuân Lưu đã bị địch bắt ngay khi vừa về tới ga Hà Nội. Không chịu nổi các đòn tra tấn của quân thù. Nguyễn Thanh Diên “đã khai ra tất cả” [20] . Căn cứ vào lời khai của Công và Diên, địch đã truy lùng ráo riết, định bắt gọn đoàn cán bộ gồm có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Tuy nhiên, âm mưu này bị thất bại.

Trong hai người cung cấp tin tức về hội nghị Trung ương VIII và sự thành lập mặt trận Việt Minh nói trên thì tên Công đã bị tình nghi là tay sai giặc trước khi họp hội nghị này. Vì vậy, mặc dù Công có đến nơi họp, nhưng không được dự họp[21]. Còn tay Nguyễn Thanh Diên có khai báo, những có lẽ đã không, hoặc không thể khai thật địa điểm họp là Pác Bó. Bằng chứng là, như Stein Tonnesson cho biết, một thời kỳ dài mật thám Pháp đã không phát hiện được căn cứ Pác Bó ở Cao Bằng và tiếp tục tin rằng Việt Minh đã ra đời tại Tĩnh Tây. Rất tiếc là chính Tonnesson đã không phê phán kỹ sử liệu này và đã đưa ra giả thuyết có hai hội nghị.

Một lý do nữa đã dẫn tới sự nhầm lẫn của các học giả nước ngoài, đặc biệt là Ellen J.Hammer và Bernard Fall như đã dẫn ở trên, chính là sự nhầm lẫn về tên gọi chính thức, đầy đủ của Việt Minh. Chúng ta biết rằng, trong thời kỳ từ 1941-1945 đã xuất hiện nhiều tổ chức của người Việt Nam ở phía Nam Trung Quốc với tên gọi gần giống nhau. Có lẽ các học giả nước ngoài (và cả mật thám Pháp lúc đó) đã nhầm Việt Minh với một trong số những tổ chức đó. Theo Kinh C. Chen thì vào mùa xuân năm 1941 đã xuất hiện một tổ chức của người Việt Nam tại Tĩnh Tây dưới tên gọi Việt Nam Giải phóng Đồng minh Hội (Vietnam National Liberation League). Tham gia vào tổ chức này có nhiều nhân vật và đảng phái khác nhau, trong đó hạt nhân là tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội. Đây là một tổ chức do Hồ Học Lãm lập ra tại Nam Kinh từ năm 1936. Các yếu nhân của Việt Nam giải phóng đồng minh hội gồm có Hồ Học Lãm (còn gọi là Hồ Ngọc Lãm), Trương Bội Công, Trần Báo, Trương Trung Phụng, Phạm Việt Tử, Từ Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan)[22]. Có lẽ báo cáo của tên mật thám Henry tại lãnh sự quán Pháp ở Côn Minh là nói về tổ chức này. Đây là căn nguyên đã dẫn đến sự nhầm lẫn của các học giả nước ngoài như đã nói ở trên.

Vấn đề còn lại là tư liệu mà King C. Chen đã dẫn lời của đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 1951. Chắc hẳn đây là một sự thất thiệt về thông tin ở một khâu nào đó. Chính vì vậy mà khi sử dụng nó, bản thân Chen cũng không dám tin chắc sự thực của tư liệu nên chỉ đưa tư liệu này vào phần cước chú. Tiếc rằng ở đây chúng ta cũng không có điều kiện xem lại bản tin của Tân Hoa xã mà Chen đã dẫn.

II. MẶT TRẬN VIỆT MINH ĐÃ RA ĐỜI TẠI PẮC BÓ NHƯ THẾ NÀO?

1. Về tên gọi chính thức và đầy đủ của mặt trận Việt Minh

Tuyệt đại đa số các công trình nghiên cứu ở Việt Nam về Cách mạng tháng Tám và về mặt trận Việt Minh đều nhất trí cho rằng tên gọi chính thức và đầy đủ của Việt Minh là Việt Nam Độc lập Đồng minh. Tên gọi này phù hợp hoàn toàn với bản Tuyên ngôn và điều lệ của Việt Minh công bố vào tháng 10 năm 1941[23]. Vậy mà trong hầu hết các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài và một số ít học giả Việt Nam về mặt trận Việt Minh, trên gọi này lại được công bố một cách nhầm lẫn là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội [24].

Sự khác nhau ở đâu chỉ nằm trong chữ “Hội”. Vậy có hay không có từ hội trong tên gọi chính thức, đầy đủ của Việt Minh và sự khác nhau này có ý nghĩa gì?

Mặt trận Việt Minh ra đời theo quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương VIII là kết quả của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, khởi đầu từ hội nghị Trung ương VI (tháng 11/1939). Theo hồi ký nói trên của Hoàng Quốc Việt và cuốn Đồng chí Trường Chinh thì khi quyết định thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất phù hợp với giai đoạn lịch sử mới, các đại biểu dự hội nghị Trung ương VIII đã thảo luận sôi nổi “… chúng tôi thấy hai chữ phản đế có phần cứng quá và hai chữ phục quốc thị bị bọn thân Nhật bôi nhọ làm mất cả ý nghĩa tốt đẹp của nó”. Cuối cùng Bác Hồ đề nghị lấy tên là “Việt Nam Độc lập Đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh. “Đề nghị đó được mọi người tán thành” [25] . Như vậy, cả tên gọi đầy đủ và tên viết tắt của Việt Minh đều do Hồ Chí Minh đặt cho mặt trận, và trong tên gọi đầy đủ của nó không có chữ hội. Sau này Việt Minh luôn giữ đúng tên gọi đó cho tới tận khi nó được thống nhất với Liên Việt, trở thành mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam vào ngày 3 tháng 3 năm 1951.

Tuy nhiên, trong thời kỳ từ 1941 đến 1945, trên thực tiễn tuyên truyền và vận động cách mạng, mặt trận Việt Minh còn được gọi là “Hội Việt Minh”, và thành viên cá nhân của nó được gọi là “hội viên”. Chẳng hạn, Hồ Chí Minh viết:

“Sao cho từ Bắc chí Nam
Việt Minh hội có muôn vàn hội viên

Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh” 
[26]

Đa số các đoàn thể là thành viên của Việt Minh cũng được gọi là “Hội”, như Hội nông dân cứu quốc, Hội thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội công nhân cứu quốc, Hội quân nhân cứu quốc… Tất cả các hội này đều được gọi chung là là Hội cứu quốc[27]. Có lẽ đây chính là một trong những lý do khiến cho một số học giả nói trên nhầm Việt Nam Độc lập Đồng minh thành Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội.

Như đã nói ở trêm, trong thời kỳ 1941 đến 1945 đã xuất hiện ở phía Nam Trung Quốc nhiều tổ chức của người Việt Nam, tuy với các khuynh hướng chính trị khác nhau, song lại mang những tên gọi gần giống nhau. Ở đây chỉ xin liệt kê ra một vài tổ chức đó:

Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội gọi tắt là Đồng minh Hội do Hồ Học Lãm lập ra tại Nam Kinh vào khoảng 1935 – 1936 [28].

– Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội gọi tắt là Phục quốc do Cường Để thành lập tại Thượng Hải vào năm 1939 [29].

– Việt Nam Giải phóng Đồng minh Hội thành lập vào đầu năm 1941 tại Tĩnh Tây 1941 [30].

– Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội gọi tắt là Đồng minh hội, thành lập ở Liễu Châu vào tháng 6 năm 1942 [31].

Như chúng ta thấy, tất cả bốn tổ chức liệt kê trên đây đều có từ hội trong tên gọi chính thức, đầy đủ của mình, vì tên của chúng ít nhiều gần giống với tên gọi đầy đủ của Việt Minh. Có lẽ đây là lý do chính dẫn đến sự nhầm lẫn của các học giả nước ngoài khi họ cho rằng tên chính thức của Việt Minh là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội. Từ chỗ lẫn lộn về tên gọi, họ lẫn lộn cả về tổ chức. Chính vì thế mới có ý kiến cho rằng tại “đại hội” thành lập Việt Minh có cả đại diện của các đảng phái khác tham gia, và Nguyễn Hải Thần là Tổng thư ký của Việt Minh.

Như trên đã trình bày. Ở đây xin lưu ý rằng không chỉ có các học giả sau này do thiếu cẩn thận mà sinh nhầm lẫn, mà cả mật thám Pháp lúc đó cũng nhầm và không hiểu được thực chất của Việt Minh.

2. Về quá trình ra đời của Việt Minh.

Sự ra đời của Việt Nam Độc lập Đồng minh một mặt là kết quả của quá trình lãnh đạo, đúc rút kinh nghiệm cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi thành lập (1930) đến tháng 5 năm 1941. Mặt khác đó cũng là kết quả trực tiếp của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng cho phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, từ sau khi Thế chiến thứ II bùng nổ. Mặt trận Việt Minh trực tiếp do Hồ Chí Minh sáng lập tại Hội nghị Trung ương VIII của Đảng. Với sự ra đời của Việt Minh, tư duy về vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng đạt tới một đỉnh cao mới, mở đường dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Vậy, ý tưởng cụ thể đầu tiên về một mặt trận như thế hình trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi nào?

Có thể nói tư tưởng đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng yêu nước, chống đế quốc trên cơ sở khối liên minh công nông đã được Hồ Chí Minh trình bày ngay từ khi soạn thảo cương lĩnh chính trị cách mạng đầu tiên của Đảng vào năm 1930 [32]. Nhưng phải cho tới năm 1941, Người mới có đủ điều kiện để áp dụng tư tưởng đó vào thực tiễn và sáng lập Việt Minh.

Theo tác giả King C. Chen thì tháng 10 năm 1940, Hồ Chí Minh đã triệu tập một cuộc họp với các đồng chí của mình tại Quế Lâm, Trung Quốc để bàn việc thành lập một mặt trận rộng rãi, với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh [33]. Ý kiến này của Chen cũng được xác nhận qua hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp[34]. Như vậy, muộn nhất thì ý tưởng của Hồ Chí Minh về Việt Minh, kể cả về tên gọi của nó, đã xuất hiện vào cuối năm 1940, tại Trung Quốc, trước khi Người về lập căn cứ tại Pác Bó.

Sau khi về tới Pác Bó, Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào việc “trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng mặt trận Việt Minh”[35]. Công tác thí điểm này bao gồm chủ yếu là các hoạt động đào tạo cán bộ thông qua các lớp huấn luyện ngắn ngày, tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng vào các Hội cứu quốc. “Qua ba tháng huấn luyện và tổ chức thí điểm Việt Minh ở ba châu Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình (từ tháng 2 đến tháng 4-1941), các tổ chức cứu quốc đầu tiên đã ra đời thu hút hơn 2000 hội viên, gồm đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông… tham gia” [36]. Đây chính là sự chuẩn bị quan trọng về mặt thực tiễn cho sự ra đời của Việt Minh vào tháng 5-1941.

Mặc dù vậy, mặt trận Việt Minh đã ra đời khi thông qua thảo luận và quyết định của Hội nghị Trung ương VIII của Đảng. Các tài liệu còn lại cho thấy không hề có một nghi thức nào xác định thời điểm ra đời của Việt Minh với tư cách là một tổ chức mặt trận. Khi các đại biểu dự Hội nghị Trung ương VIII về xuôi, mặc dù đường lối chính trị, chiến lược và sách lược của mặt trận Việt Minh đã được xác định rõ ràng, Việt Minh chưa hề có hệ thống tổ chức khung và chưa có tuyên ngôn, điều lệ. Ngay cả trong bức thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước ngày 6 tháng 6 năm 1941 cũng không hề nhắc đến mặt trận Việt Minh [37]. Phải hơn 5 tháng sau kể từ ngày thành lập (25-10-1941) Việt Minh mới công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của mình [38]. Tuy nhiên, sự chậm trễ này không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với phong trào cách mạng lúc đó, vì phương châm, đường lối tổ chức, vận động xây dựng mặt trận Việt Minh đã được hướng dẫn cụ thể trong nghị quyết của hội nghị Trung ương VIII của Đảng.

3. Về vấn đề Tổng bộ Việt Minh

Trong bản điều lệ của Việt Minh có ghi rõ: “Tổng, Huyện (hay phủ, châu, quận) Tỉnh, thành, kỳ, cấp nào có ban chấp hành của Việt Minh cấp ấp, Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ” [39]. Như vậy, Tổng bộ là cơ quan lãnh đạo toàn quốc cao nhất của mặt trận Việt Minh và cũng theo bản Điều lệ này thì Tổng bộ có quyền hạn thông qua kết nạp các đoàn thể hội viên của Việt Minh, thu nguyệt phí và “Tổng bộ cứ 18 tháng cử lại một lần” [40].

Vấn đề đặt ra ở đây là: từ tháng 5 năm 1941 cho đến tháng 8 năm 1945 có tồn tại trên thực tế một cơ quan lãnh đạo của Việt Minh với tên gọi là Tổng bộ như bản Điều lệ đã quy định hay không?

Hơn 50 năm qua, các công trình nghiên cứu cả ở trong và ngoài nước đều không thể trả lời rõ ràng được câu hỏi này. Theo tôi thì ít nhất là cho đến trước Quốc dân Đại hội ở Tân Trào đã không hề tồn tại trên thực tế một cơ quan Tổng bộ của Việt Minh. Do tình hình thực tiễn cách mạng mà Việt Minh đã không thể tổ chức khia hội và bầu cử các ban chấp hành ở tất cả các cấp đầy đủ theo nguyên tắc dân chủ tập trung như Điều lệ quy định. Đại hội cấp cao nhất của Việt Minh được tổ chức trong thời kỳ trước tháng 8 năm 1945 được biết đến là Đại hội đại biểu Việt Minh lần thứ nhất của tỉnh Cao Bằng, được triệu tập vào tháng 11 năm 1942, và cấp bộ Việt Minh cao nhất được thành lập là Ban Việt Minh liên tỉnh của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn [41].

Tuy nhiên, không phải là sự thiếu vắng cơ quan lãnh đạo toàn quốc tối cao đã ngăn trở sự phát triển mạnh mẽ của Việt Minh và làm cho phong trào Việt Minh thiếu tính chất toàn quốc. Chúng ta biết rằng mặt trận Việt Minh ra đời và phát triển trong giai đoạn có tính chất bước ngoặt quyết định của lịch sử dân tộc từ 1941 đến 1945 là nhờ nó được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và chặt chẽ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đóng vai trò là cơ quan lãnh đạo tối cao của Việt Minh, thay cho cơ quan Tổng bộ mà do tình hình thực tiễn khách quan đã không lập được. Chính Trung ương Đảng, dưới danh nghĩa Tổng Bộ Việt Minh đã ra các chỉ thị, như "Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa ngày 7 tháng 5 năm 1944. Lời hiệu triệu của Việt Nam Độc lập Đồng minh ngày 8 tháng 6 năm 1944 và Lời kêu gọi của Việt Minh Độc lập Đồng minh: sắm sửa vũ khí! Đuổi thù chung! Ngày 10 tháng 8 năm 1944" [42]. Và có lẽ cũng chính Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã soạn thảo ra Tuyên ngôn, Chương trình Điều lệ của mặt trận Việt Minh, công bố vào tháng 10 năm 1941.

Trên đây là một số ý kiến về một vài vấn đề cần tìm hiểu thêm về mặt trận Việt Minh trong giai đoạn từ tháng 5 năm 1941 đến trước thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Do điều kiện hạn chế về tư liệu mà tác giả của bài viết này chưa có điều kiện giải đáp thỏa đáng những vấn đề đã nêu ra. Hy vọng trong thời gian tới, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Cách mạng tháng Tám, sẽ có nhiều công trình  làm sáng rõ hơn lịch sử của mặt trận Việt Minh.
Chú thích
[1] Xem: Tonnesson, Stein, The vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in the World at War, International Peace Research Institute, Oslo, 1991, tr.120; 148 – 149.
[2]  Nt, tr. 121.
[3] Nt , tr.118.
[4] Nt, tr. 121.
[5] Nt, tr. 121.
[6] Hammer, Ellen J, The Struggle for Indochina, 1940 – 1955, Stanford university press, Stand – Ford, California, (1954) 1966, tr. 95.
[7] Ching – Shi thuộc tỉnh Quảng Tây, cách 60 dặm về phía Bắc Cao Bằng. Còn đọc là Tsintsi (chú thích của Ernard Fall trong nguyên bản  – PHT)
[8] Fall, Bernard, Political Development of Viet – Nam, VJ – Day Tonnesson the Geneva Cease – Fire Syracuse University, October. 1954, tr. 1-2. Xem thêm: Fall, Bernard B, Le Vie – Minh, La République Desmoeraique du Viet – Nam, 1945 – 1960. Librairie Arroand Collin, 1960, tr .17 và the Two Viet – Nams, a Political  and Military Analusis, Frederick A. Praeger, New York – Washington – Lon Don, 1963, tr 61 – 62
[9] Chen, King C, Vietnam and China, 1938 – 1954. Sách đã dẫn, tr 45; và Marr, David G, Vietnam: The Quest for Power. University of California Press, Berkeley, 1995, tr.165.
[10] Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập X, “Phong trào chống phát xts chống chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương”. Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr.337-339.
[11] Trong một cuộc trao đổi ý kiến giữa các tác giả của bài viết này với giáo sư Văn Trọng Tạo đầu năm 1999, giáo sư Văn Trọng Tạo chó biết lúc biên soạn bộ sách trên do điều kiện nguồn tư liệu còn nhiều  hạn chế và khó kiểm định nên có thể đã dẫn đến nhầm lẫn. Phần này do có giáo sư Trần Huy Liệu soạn. Trong các công trình nghiên cứu sau đó giáo sư Văn Tạo cũng cho rằng Việt Minh đã được thành lập tại Pắc Bó. Nhân đây, tác giả xin trân trọng cám ơn giáo sư Văn Trọng Tạo về cuộc trao đổi ý kiến đó.
[12] Những người tham dự hội nghị Trung ương VIII này gồm có Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Văn Thọ, Phùng Chí Kiến, Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí khác. Xem Viện nghiên cứu Chủ Nghĩa Mác – Leenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Viện Lịch Sử Đảng, Lịch sử cách mạng Tháng Tám 1945. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.38.
[13] Hoàng Quốc Việt, Nhân dân ta rất anh hùng, in trong nhân dân ta rất anh hùng, hồi ký cách mạng, Nxb văn học – Hà Nội, 1976, tr 168.
[14] Nt, tr. 173.
[15] Nt, tr. 175.
[16] Nt, tr. 177. PHT nhấn mạnh.
[17] Nt, tr. 179.
[18] Hoàng Tùng – Đức Vượng, Đồng chí Trường Chinh, tập I, NXB sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 51 – 89.
[19] Nt, tr 54 – 55.
[20] Nt, tr. 86 – 87.
[21] Nt, tr. 62.
[22] Chen, King C. Sách đã dẫn, tr.48 – 49. Về hoạt động của Việt Minh giải phóng đồng minh hội, xem thêm: Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.33-34.
[23] Xem: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Văn kiện Đảng 1930 – 1945. Nxb Sự thật, Hà Nội. 1977, tr.433- 438, và Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập X, Sách đã dẫn, tr. 40 – 53.
[24] Ví dụ xem Hammer, ellen J. The Struggle for Indochine. Sách đã dẫn, tr. 95; Fall, Bernard, political development of Vietnam, VJ – Day To the Geneva Cease – Fire. Sách đã dẫn, tr.2, Le Viet Minh, la République Démocratique du Viêt Nam 1945 – 1960. sách đã dẫn, tr.17, The Two Viet-Nams, a political sanh Military analysis. Sđd, tr.62; Buttinger, Joseph, Vietnam: a political History, Praeger Publisher, New York – Washington, 968, tr.183; Mc Alister, john t. jr, Vietnam: The Origins of Revolution, princeton University Press, Princeton, 1969, tr. 72; Lê Mậu Hãn, Xác định đúng đối tượng – một thành công của cách mạng Việt Nam, in trong: Văn Tạo (chủ biên), Cách mạng tháng Tám: một số vấn đề lịch sử. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.95.
[25] Hoàng Quốc Việt. Sách đã dẫn, tr. 177 và Hoàng văn Tùng – Đức Vượng, Sách đã dẫn, tr. 72.
[26] Hồ Chí Minh, toàn tập. Nxb Chính trị Quốc Gi, Hà Nội, 1995, tr. 206. Do PHT nhấn mạnh.
[27] Xem. Viện nghiên cứu Chủ Nghĩa Mác – Leenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Cách mạng tháng Tám. Đã dẫn, tr. 49; và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Lược sử mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.60 – 61.
[28] Xem: Chen, King C. Vietnam and China, 1938 – 1954. Sách đã dẫn, tr 45; và Marr, David G, Vietnam: The Quest for Power. University of California Press, Berkeley, 1995, tr.165.
[29] Xem: Marr, david G. Sách đã dẫn, tr. 21; và Cường Để, Cuộc đời cách mạng Cường Để, do Tùng Lâm ghi, Tôn Thất Lễ, Sài Gòn, 1959 (?) tr. 128 – 132.
[30] Xem: Chen, King C. Sách đã dẫn, tr. 49.
[31] Xem: Chen, King C. sach đã dẫn, tr. 61. Theo Chen, các yếu nhân của tổ chức này là: trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm kế Tổ, Nông Kinh Du, Trần Báo và Trương Trung Phụng.
[32] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập II. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998 tr, 4-5.
[33] Xem: Chen, Kinh C. sđd , tr. 44-45.
[34] Xem: Võ Nguyên Giáp. Sđd, tr. 32.
[35] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mac – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng. Sđd, tr.36.
[36] Sách trên, tr 37.
[37] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập III. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 197 – 198.
[38] Xem: Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập X. Đã dẫn, tr.40 -55; và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Lược sử… sách đã dẫn. tr. 58 – 59.
[39] Xem: Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo… Sách đã dẫn, tr. 54.
[40] Nt, tr 53-54.
[41] Theo: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Lịch sử Đảng Công sản Việt Nam. Sơ thảo, Tập I (1920 – 1954). Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 346.
[42] Xem: Trần Huy Liệu, Văn Tạo, sđd, tr. 97 – 114.
 
PGS. TS. Phạm Hồng Tung
Nguồn:
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, 2000
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 20-10-2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây