Chào các bạn, mình tên là Nguyễn Đăng Hồng Trường, học viên khóa I của chương trình cao học Quản lý Văn hóa, cũng là cựu sinh viên K60 khoa Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Văn hóa. Mình viết những dòng chia sẻ này với cảm xúc hân hoan sau ngày đến trường hoàn thành thủ tục sau khi bảo vệ xong luận văn Thạc sĩ. Đó cũng là tâm trạng chung của tất cả thành viên lớp Cao học của mình khi chúng mình đều đã hoặc sắp cán đích sau chuyến hành trình dài 2 năm học tập tại Khoa Lịch sử.
Ngược dòng thời gian hơn 6 năm trước, mình đến với Khoa Sử sau kỳ thi tuyển sinh đặc biệt. Năm đó, bằng một cách kỳ lạ, mình đã "lách qua khe cửa hẹp" để được vào học. Mình vốn không thi khối C nên giai đoạn đầu học sử tương đối vất vả, nhưng qua những bài giảng lôi cuốn, sự nhiệt huyết của các Thầy Cô, sự đam mê của các bạn trong lớp K60 đã khiến mình yêu ngành học lúc nào không biết. Đến năm thứ 4, mình học chuyên ngành Lịch sử Văn hóa, bộ môn khi đó đã thiết kế và ra mắt chương trình đào tạo Cao học về Quản lý Văn hóa rất lôi cuốn và hấp dẫn mình. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, mình đã quyết tâm ôn luyện rồi thi tuyển vào ngành học mới này.
Sau một thời gian ôn luyện cùng với sự may mắn, mình đã trúng tuyển vào ngành học mà mình yêu thích. Sau buổi lễ khai giảng, xen lẫn niềm vui là một vài lo lắng hiện lên. Lo nhất là mình mới ra trường, chưa đi làm, lại thiếu kinh nghiệm, không biết có theo được chương trình học mới cao hơn không? Đến buổi gặp mặt lớp đầu tiên, lo lắng ấy lại càng hiện lên khi lớp phần nhiều là các chị lớn. Chúng mình có những tương tác đầu tiên khi bước vào quá trình học tập chính thức. Đọc danh sách các môn học, mình hết sức hào hứng khi sắp tới sẽ được trang bị những kiến thức mới đầy hấp dẫn. Các môn học về lý thuyết, vốn là thế mạnh của Nhân văn như: Văn hóa, quản lý văn hóa và phát triển bền vững; Quản lý văn hóa - Lý thuyết và ứng dụng. Các môn học trang bị kiến thức sâu về lịch sử, văn hóa, quản lý các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực văn hóa như: Khoa học quản lý; Quản lý di sản văn hóa vật thể; Quản lý di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng; di sản kiến trúc; văn hóa tộc người, Truyền thông và quản lý văn hóa; Công nghiệp văn hóa; Tác động của tự nhiên, lịch sử, xã hội đối với văn hóa Việt Nam. Đặc biệt kiến thức được truyền đạt bởi giảng viên là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kể trên.
Quá trình học tập cứ thể diễn ra, lớp mình được gặp nhau vào các buổi tối trong tuần, sau đó lại có một tuần để trao đổi những kiến thức đã học và làm tiểu luận. Khắc phục những khó khăn về công việc, di chuyển, thời tiết, mọi thành viên trong lớp đều nghiêm túc, tự giác trong việc học. Các Thầy Cô giáo lên lớp luôn giảng dạy với tâm thế nhiệt tình, chu đáo, thân thiện với học viên, đặc biệt thành công trong việc truyền cảm hứng học tập đến mọi thành viên trong lớp. Trong thời gian học tập, nhiều chủ đề lớn trong quản lý văn hóa đã được nêu ra thảo luận, trao đổi, thậm chí có những tranh luận chuyên môn sâu giữa các thành viên trong lớp như: về các quan điểm bảo tồn di sản, quan hệ giữa các bên trong quản lý, niềm tin tôn giáo - tín ngưỡng, cho đến những chuyện khác trong cuộc sống đời thường.... Tất cả đã tạo nên một không khí học tập sôi nổi, vui vẻ, tương tác cao, cũng giúp thêm cho mình rất nhiều thông tin bổ ích mới cả về kiến thức lẫn nhận thức. Mọi lo lắng trong mình dần qua đi, thay vào đó là sự hào hứng, chờ đợi đến tuần học để được lên lớp gặp Thầy Cô, gặp các chị các bạn trong lớp.
Bên cạnh những giờ học trên lớp, chúng mình còn được học tập, trải nghiệm thực tế thông qua các chuyến đi điền dã ngoài thực địa. Điều này rất quan trọng, bởi văn hóa được hình thành và tồn tại do những nhu cầu thực tiễn từ đời sống thường nhật. Những chuyến đi tìm hiểu về di tích chùa Bối Khê (Thanh Oai); Làng Văn hóa các dân tộc; chuyến khảo sát hoạt động quản lý di tích tại huyện Thường Tín; diễn dã về văn hóa làng Lai Xá và tham quan di chỉ Khảo cổ họcVườn Chuối (Hoài Đức),...đã đem lại những trải nghiệm mới, những góc nhìn mới đa dạng hơn về quản lý văn hóa. Thông qua những chuyến đi cũng tăng cường kết nối, củng cố tình cảm tình cảm thầy trò, cũng như tình cảm giữa các thành viên trong lớp.
Nói về lớp mình một chút, lớp mình có 7 thành viên mặc dù không đông nhưng về độ "chất" thì luôn được khẳng định. Về tuổi thì đa dạng nhưng cơ bản được gồm một nhóm 4 chị đã đi làm và 3 bạn còn lại là các bạn mới sinh viên ra trường trong đó có mình. Với các chị đã đi làm đều những cán bộ đang công tác trong các cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn Hà Nội, do đó có rất nhiều kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm để 3 đứa chúng mình học hỏi. Hơn nữa là các chị rất "đảm" và yêu quý các em, nên mình được bầu làm lớp phó nhưng gần như chưa phải mó tay việc gì vì có các chị lo hết rồi. Lớp mình ngoài giờ học trên lớp thường xuyên các buổi học tập nhóm, tổ chức các hoạt động thăm hỏi Thầy Cô, đến chơi thăm gia đình các thành viên trong lớp, tổ chức các hoạt động thư giãn, giải trí... Sự đoàn kết trong lớp vì vậy càng được thắt chặt.
Trong quá trình học, ấn tượng nhất với mình có lẽ là giai đoạn làm luận văn. Học tập và làm việc tại Trường Nhân văn luôn đòi hỏi tinh thần rèn luyện và nghiêm cẩn cao độ. Do chủ quan, tự tin vì nghĩ rằng đã có chút ít kinh nghiệm làm các nghiên cứu khoa học sinh viên, khóa luận tốt nghiệp, đã có lúc mình không tránh khỏi những lúng túng khi thực hiện. Quá trình thực hiện việc sưu tầm, xử lý tư liệu, việc tiếp cận lý thuyết, cách viết luận văn và cả thể thức trình bày... ở mức độ tiếp cận cao hơn Khóa luận tốt nghiệp đã đem đến cho mình nhiều tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu quý báu. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mình đã có những quãng ngắt trong quá trình thực hiện, trong các giai đoạn mất tập trung đó là cảm giác thấp thỏm, lo âu. May mắn là dịch bệnh tạm thời lắng xuống, được sự hỗ trợ rất lớp từ các Thầy Cô, đặc biệt là Thầy hướng dẫn, sự động viên lẫn nhau giữa các chị, các bạn trong lớp, mình đã tập trung công sức ngày đêm hoàn thiện những phần cuối cùng để có được bản luận văn hoàn chỉnh, được bảo vệ đúng hạn và có kết quả tốt. Kinh nghiệm được rút ra với mình khi làm luận văn là cố gắng bắt tay vào việc sớm, đầu tư công sức liên tục và đặc biệt không để ngắt quãng giữa các giai đoạn thực hiện.
Mỗi người đều có những giai đoạn phát triển, ghi trong đó những dấu mốc riêng của bản thân. Với mình, khoảng thời gian hơn 6 năm liên tiếp gắn bó với Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong đó có 2 năm học Cao học Quản lý Văn hóa là một dấu ấn khó quên, là bước ngặt lớn giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là một may mắn đặc biệt. Cảm ơn vì tất cả !
Ảnh mình thời sinh viên chụp cùng GS. Phan Huy Lê và các bạn.
Buổi khai giảng của lớp Cao học Quản lý Văn hóa - Khóa I
Một buổi học trực tiếp của lớp
Chuyến thực tập của lớp tạiLàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với sự hướng dẫn của PGS.TS Đặng Hồng Sơn, TS Nguyễn Hồng Kiên
Tham quan di chỉ Khảo cổ họcVườn Chuối (Hoài Đức) và được GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung giới thiệu về kết quả khai quật
Lớp học thực tế tại chùa Bối Khê (Thanh Oai) với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Hồng Kiên
Lớp đi thực tế tại huyện Thường Tín với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Minh Khang cùng nhiều Thầy Cô của Khoa Lịch sử
7 thành viên của lớp Quản lý Văn hóa khóa I chúng mình