Giới thiệu cuốn sách Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội của PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ

Thứ năm - 03/08/2023 14:09
Trân trọng giới thiệu cuốn sách "Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội" của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ.
PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ sinh ra và lớn lên, theo học các trường trong “không gian lõi” của “Hà Nội nghìn xưa”. Cho đến ngày nay, khi đã ở độ tuổi 80, ông mới chỉ rời xa Hà Nội trong 10 năm công tác thời tuổi trẻ. Cả ông nội, ông ngoại và bố lẫn mẹ ông cùng sinh ra tại Hà Nội. Phải chăng bởi thế, bạn bè, đồng nghiệp và học trò coi ông là “người Hà Nội gốc”. Còn, với ông “một người Hà Nội đích thực, bất kể quê hương bản quán ở đâu, sẽ là, phải là và chỉ cần là một con người biết yêu và thương Hà Nội, hiểu biết và thấu cảm với Hà Nội, gắn bó và có phần đóng góp trách nhiệm cho Hà Nội”. Và phải chăng, bởi chính những tình cảm thiêng liêng ấy ngự trị, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đã miệt mài viết những công trình nghiên cứu có chất lượng, đầy tâm huyết về mảnh đất ngàn năm văn hiến – Thăng Long – Hà Nội.
 
Ảnh PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ – Nguồn USSH
Ảnh PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ – Nguồn USSH
Đầu năm 2018, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho ra đời cuốn sách Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. Cuốn sách gồm tuyển tập 17 nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ với 534 trang đã phác ra một lược sử của đô thị Thăng Long – Hà Nội từ những buổi ban đầu đến hiện tại với nhiều vấn đề được đặt ra để suy ngẫm. Dưới nhiều góc độ tiếp cận, nguồn tài liệu phong phú tin cậy, thái độ nghiên cứu nghiêm cẩn của một nhà sử học yêu Hà Nội, thương Hà Nội, trân trọng, thấu cảm, hiểu biết cặn kỹ, uyên thâm về Hà Nội và say mê nghiên cứu Hà Nội, qua mỗi trang sách, đô thị Thăng Long – Hà Nội hiện lên chân thực, sắc sảo với đầy đủ những bản chất và đặc trưng vốn có.
 
Ảnh bìa ngoài cuốn sách
Ngoài Lời nói đầu, cuốn sách được chia thành ba phần:

Phần thứ nhất: Hồn xưa dấu cũ với 6 nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội thời phong kiến: Lịch sử về một quãng đời của Kinh thành Thăng Long – Kẻ Chợ; Về phức hợp thành Thăng Long; Phố phường Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII – XVIII – XIX; Mạng lưới chợ Thăng Long – Hà Nội trong thế kỷ XVII – XVIII – XIX; Cộng đồng cư dân đô thị và văn hóa thị dân Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII – XVIII; Nghề làm quan trong xã hội Thăng Long – Hà Nội xưa.

Phần thứ hai: Một đô thị lai ghép từ nhiều phía: Qua 6 nghiên cứu, Hà Nội thời Pháp thuộc hiện lên là một đô thị lai ghép cả về ý nghĩa vật thể lẫn phi vật thể với sự mở rộng địa giới, sự chuyển biến về quy hoạch và diện mạo đô thị, sự hình thành và chuyển biến của các “Khu phố Tây”, “Khu phố Mới” …

Phần thứ ba: Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh gồm 5 bài viết. Từ chiều sâu lịch sử, truyền thống, tác giả nhìn lại Hà Nội của hiện tại và tương lai trong nhiều vấn đề, từ cộng đồng làng xã đến kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội.

Đọc Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội để hiểu được Thăng Long Hà Nội trong quãng đời có cả những thăng trầm và vinh nhục, để hiểu cái hay cái dở của những con người Hà Nội và những hoàn cảnh, môi trường xã hội sinh ra nó. “Giữ lấy những cái hay để yêu mến phát huy, nhận biết những cái dở để xót thương loại bỏ. Và từ niềm hiểu biết sâu sắc ấy mà tự thấy mình có phần trách nhiệm trong những cái hay cái dở đó. Vì thế, tùy theo từng hoàn cảnh, bằng những hành động cụ thể, ít nhiều đóng góp vào việc cải tạo, xây dựng và phát triển thành phố tiến đến một thủ đô hiện đại, văn minh và giàu tính nhân văn” – Lời mở đầu cuốn sách.

Với những nhà nghiên cứu trẻ, cuốn sách không chỉ cung cấp những kiến thức uyên thâm, sâu sắc mà còn cho họ những bài học về phương pháp làm sử, ngấm được đạo đứa nghề nghiệp, niềm say mê nghề nghiệp của một người cho đến nay đã dành hơn 50 năm cho công việc nghiên cứu. Trong Lời mở đầu, ông tâm huyết “chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ đang dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học, nhất là ai đang gắn bó, say mê với sự nghiệp nghiên cứu Hà Nội” trong 7 trang sách. Thật đáng tiếc nếu bất cứ một người nghiên cứu trẻ nào không đọc những chia sẻ quý báu của Ông.

Cuốn sách còn cung cấp thư mục Nguyễn Thừa Hỷ với 111 công trình mà tác giả đã công bố cả trong và ngoài nước.

PGS. TS. NGƯT NGUYỄN THỪA HỶ
Năm sinh: 1937
Quê quán: Hà Nội
Sinh viên Khóa đầu tiên của Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học tại Khoa Lịch sử năm 1959.
Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại năm 1984.
Được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1996.
Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002.
Thời gian công tác tại Trường: 1990 – 2002.
+ Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử.
+ Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (1995-2000).
Các hướng nghiên cứu chính: Lịch sử và lịch sử văn hóa Việt Nam, lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
Các công trình khoa học tiêu biểu:
+ Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1986.
+ Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993.
+ Kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010.
+ Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010.
+ Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2011.
Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:
+ Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010 cho công trình Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 26-03-2018.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây