TS Đặng Hồng Sơn là một cán bộ giảng dạy trẻ tiềm năng của Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ lúc mới ra trường, được giữ lại bộ môn, anh đã hăng hái lao vào nghiên cứu khoa học, vì theo gương các thầy cô, anh hiểu rõ chỉ có nghiên cứu tốt mới có thể giảng dạy tốt. Từ đầu, Đặng Hồng Sơn bộc lộ khả năng nghiên cứu độc lập cao. Anh có những thuận lợi được thầy cô trong bộ môn giúp định hướng nghiên cứu theo chuyên đề vật liệu xây dựng từ rất sớm. Chính thầy Hán Văn Khẩn đã giao cho tôi hướng dẫn anh từ ngày ấy.
Từ đó, Đặng Hồng Sơn tham gia nhiều cuộc khai quật phế tích khảo cổ học kiến trúc hoặc tham gia chỉnh lý vật liệu kiến trúc có liên quan thời Lý-Trần-Hồ. Năm 2004 tham gia khai quật lần 1 di tích Tây Đô của nhà Hồ ở Thanh Hóa; những năm 2004-2007 tham gia điều tra, phát hiện và khai quật lần 1-2 di tích Hoa Lâm Viên ở Hà Nội; năm 2006 tham gia khai quật di tích Đàn Xã Tắc ở Hà Nội; năm 2007-2008 tham gia chỉnh lý vật liệu kiến trúc khai quật lần 2-3 tại di tích đàn Nam Giao ở Thanh Hóa; năm 2007-2008 tham gia điều tra, phát hiện và khai quật lần 1 di tích Đầu Vè; năm 2011 tham gia chỉnh lý vật liệu kiến trúc khai quật tại di tích 62-64 Trần Phú ở Hà Nội...
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện luận văn Thạc sỹ (2004-2007) và luận án Tiến sỹ (2009-2013), Đặng Hồng Sơn đã đến thu thập tư liệu vật liệu kiến trúc, trực tiếp đo vẽ, chụp ảnh và thực hiện bản dập hoa văn gạch ngói và trang trí trên mái kiến trúc tại các bảo tàng Thanh Hóa (2004), Thái Bình (2005, 2012), Nam Định (2006, 2012), Yên Bái (2012), bảo tàng Nhân học (2011), phòng trưng bày di vật khu di tích Tây Đô (2006, 2007, 2008), phòng trưng bày di vật thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (2011-2012)… Một bộ phận không nhỏ tư liệu trong cuốn sách do tác giả trực tiếp thực hiện.
Xác định được đề tài, Đặng Hồng Sơn cần cù cóp nhặt tư liệu, trăn trở suy tư, tích cực viết và bảo vệ luận văn thạc sĩ thành công xuất sắc năm 2007 với đề tài: Vật liệu xây dựng thời Trần-Hồ ở thành nhà Hồ, Nam Giao và Ly Cung. Sau đó, anh phát triển đề tài này thành luận án TS: Gạch ngói và vật liệu trang trí trên mái thế kỷ 11-14 ở miền Bắc Việt Nam với quy mô mở rộng ra lãnh thổ Đại Việt, mở rộng thời gian sang thời Lý, và bảo vệ thành công luận án tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc). Ở tầm đào tạo mang tính quốc tế, Đặng Hồng Sơn có dịp học hỏi và gặt hái thêm nhiều tư liệu và kiến thức chuyên môn rộng hơn để phục vụ hướng nghiên cứu chuyên sâu của mình.
Cũng trong thời gian đó, Đặng Hồng Sơn công bố một số bài nghiên cứu liên quan: báo cáo khai quật, báo cáo sơ bộ, hai bài tạp chí Khảo cổ học, một bài bằng chữ Hán đăng trên tập san Nghiên cứu Khảo cổ học Biên cương (CSSCI), một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia…
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu, Đặng Hồng Sơn, tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, hình thành bản thảo sách Gạch ngói và vật liệu trang trí trên mái thời Lý-Trần-Hồ.
Gạch ngói và vật liệu trang trí trên mái có thể gọi chung là vật liệu xây dựng trong lịch sử là một ngả đường quan trọng phản ánh nhiều khía cạnh phong phú của lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam. Đã có nhiều nhà khảo cổ học đi vào vấn đề này. Nhưng Đặng Hồng Sơn, với nhiệm vụ được giao và niềm say mê vốn có đã nhanh chóng tích lũy, tập hợp tương đối đầy đủ tư liệu đã có từ các thế hệ đi trước, tiến hành hệ thống phân loại, nhận thức giá trị nhằm tham góp vào tri thức chung về vật liệu xây dựng thời Lý-Trần-Hồ, qua đó khắc họa thêm phần nào lịch sử - văn hóa Việt Nam thời kỳ này.
Trong một ước vọng lớn, một kho tư liệu đồ sộ phong phú không phải lúc nào các vấn đề cũng được giải quyết một cách triệt để và dễ dàng, việc trình bày trong sách có lúc còn ôm đồm, trùng lặp, công việc phân loại có chỗ cần được tính toán kỹ hơn, một số thuật ngữ, vấn đề niên đại của một vài loại di vật cần được thảo luận thêm… Nhưng tôi ghi nhận công sức và đánh giá cao công trình của Đặng Hồng Sơn. Tôi cho rằng việc xuất bản sách là một đóng góp tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học thời Lý-Trần-Hồ nói chung, cũng như trong giảng dạy và nghiên cứu vật liệu xây dựng thời Lý-Trần-Hồ nói riêng.
Vì vậy tôi vui mừng trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!
Hà Nội, tiết thu, 2015
PGS.TS Tống Trung Tín
Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 12-06-2017.
Ý kiến bạn đọc
Thứ hai - 23/12/2024 12:12
Chủ nhật - 22/12/2024 10:12
Thứ bảy - 21/12/2024 13:12
Thứ bảy - 21/12/2024 08:12
Thứ sáu - 20/12/2024 15:12