1. Vương triều Lý ra đời, năm 1009, mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của quốc gia người Việt, của một “thời đại Lý - Trần” vàng son trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau ngày lên ngôi, năm 1010, Lý Thái Tổ - người sáng lập vương triều - đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên, là thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước. Sự kiện này, xét trên mọi ý nghĩa, phản ánh bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc:
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về lực lượng qua hơn một thế kỷ với rất nhiều hoạt động quân sự để giành lại và khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc, để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ và khẳng định thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Thành tựu đó là cộng dồn của cả một thế kỷ (905 - 1009) cha ông ta nỗ lực không ngừng, của đóng góp của họ Khúc, họ Dương, của các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, làm tiền đề cho cuộc bứt phá vĩ đại mà sự kiện dời đô vừa như một biểu hiện, vừa như một mốc mở đầu.
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về nhận thức trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng kinh đô muôn đời. Thăng Long ở vào vị trí “trung tâm” đất nước, trung tâm châu thổ sông Hồng, đủ thế mạnh để hội tụ và lan toả, để trở thành kinh đô của đất nước. Một cách “tự nhiên”, từ rất sớm những lợi thế của vùng đất này đã được phát hiện. Bằng chứng là, sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí - Lý Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Tiếp đấy, thế kỷ VII - IX, các chính quyền đô hộ Tùy và Đường cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Có vẻ như đặc tính “đất đế vương” của Thăng Long - Hà Nội là điều tự nhiên, dễ nhận thấy. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức này, nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nó được “tuyên ngôn” với những phân tích toàn diện – phản ánh một tư duy khoa học đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long – Hà Nội: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời…”. Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội này.
Định đô Thăng Long đánh dấu bước trưởng thành về tư duy quản lý đất nước – tư duy dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Trong quản lý và phát triển đất nước nói chung, kinh đô – thủ đô nói riêng, mối quan hệ giữa an ninh và phát triển luôn là một bài toán đặt ra phải giải quyết. Trên một ý nghĩa nhất định, hai nhà Đinh - Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh (Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt), mà hạn chế phát triển (Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm văn hoá lớn), có thế xem là sự “hy sinh” phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh. Còn Thăng Long, ngược lại, tập trung rất nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá hàng đầu của đất nước, nhưng lại ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm nơi đóng đô không phải là sự “đánh đổi”, “hy sinh” an ninh cho phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để đảm bảo an ninh.
Nhà Lý ra đời và dời đô ra Thăng Long đã khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự, với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền, với sự “loay hoay” của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của “kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long”.
2. Kinh đô - thủ đô là trung tâm quyền lực quốc gia với đầy đủ ý nghĩa của nó (quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực văn hoá). Quyền lực đó phải được tập trung và lan toả để đáp ứng yêu cầu và hiệu quả về quản lý và phát triển đất nước và tạo nên sự gắn kết quốc gia - dân tộc. Thăng Long với tất cả những ưu thế của mình có thể thoả mãn được các mục tiêu trên. Từ rất sớm, vùng đất núi Nùng, sông Nhị này đã có sự tập trung dân cư, rồi từ khi được chọn đặt làm nơi đóng thủ phủ dưới thời chính quyền đô hộ Tuỳ Đường, với hệ thống thành luỹ được xây dựng, với quan quân kéo về, rồi chợ búa mọc lên, nơi đây dần trở nên đô hội. Đến đầu thế kỷ XI, như nhận định của Lý Công Uẩn, thì thành Đại La đã là “chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương”. Tính chất “hội tụ” của đô thị này sẽ được nâng lên ở một tầm mức mới, cao hơn, sâu sắc hơn, thể hiện tính kết tinh hơn kể từ khi nó được chọn đặt làm kinh đô của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt – Đại Việt, trở thành trung tâm chính trị, hành chính của một đất nước đang trên con đường phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Nhà Lý (1009-1226) rồi nhà Trần (1226-1400), trên cơ sở thành Đại La thời Tùy, Đường đã xây dựng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa của đất nước. Bộ máy nhà nước được xây dựng và kiện toàn theo hướng tập quyền nên Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập trung cao. Quan lại, quân đội, trí thức, thợ thủ công, thương nhân tập trung về Thăng Long làm thay đổi tính chất và làm sống dậy đô thị này: đời sống kinh tế, đời sống văn hóa đều phát triển mạnh mẽ. Từ vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia Thăng Long đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa số một của đất nước. Tính chất hội tụ (tập trung quyền lực, hội tụ cư dân), kết tinh (văn hóa) và lan tỏa (quyền lực và văn hóa) của Thăng Long thời Lý Trần dần định hình và ngày càng được tô đậm. Trên cơ sở đó, Thăng Long cùng với cả nước thời Lý Trần đã đạt được những thành tựu hết sức rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, triều đình Lý - Trần đã thực hiện được sự kiểm soát hiệu quả trên phạm vi cả nước và phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng ra bên ngoài.
Kinh thành Thăng Long thời Lý Trần là một đô thị lớn ở khu vực Đông Nam Á, một biểu tượng của quyền lực quốc gia. Cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách) sớm định hình, trong đó rất đặc sắc là vòng thành thứ ba – ngoài cùng, tức La Thành hay Đại La thành, thực chất cũng là những tuyến đê ngăn lũ (sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu). Thời gian, những biến động tự nhiên, những thăng trầm bể dâu thế sự, khiến điện đài xưa trong chồng lớp thời gian – triều đại nay hầu như vắng bóng trên mặt đất. Những mô tả của sử sách, nhất là những phát lộ ở khu vực khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long số 18 đường Hoàng Diệu, mà kể từ 6.30 sáng 1 tháng 8 năm 2010 đã trở thành Di sản văn hoá thế giới, cho thấy vẻ bề thế nguy nga của lầu son gác tía, phản ánh trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật và sự mở rộng giao lưu quốc tế của người Việt bấy giờ.
Trên phương diện quản lý và phát triển đất nước, thời đại Lý - Trần là thời kỳ đạt được những thành tựu lớn, một “mẫu mực” của Việt Nam thời trung đại, trong đó Thăng Long có thể xem là một “mẫu mực” của quốc gia. Điều này thể hiện trong tổ chức bộ máy quản lý, trong quy hoạch và phát triển đô thị, trong ứng phó với các trạng thái bất thường… Ngay từ đầu, Thăng Long đã là một khu vực hành chính đặc biệt, trực thuộc chính quyền trung ương. Trong quản lý và phát triển, các nhà nước Lý - Trần đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa triều đình trung ương với địa phương Thăng Long cũng như mối quan hệ giữa kinh thành với các địa phương khác của cả nước. Trong quy hoạch, Thăng Long thời Lý Trần là một thành phố được xây dựng nương dựa và tận dụng triệt để môi trường tự nhiên. Vị trí trống trải, đặc tính sông hồ nên khả năng “tự phòng thủ” của Thăng Long nhiều hạn chế. Nhận thức được điều này, các nhà nước Lý Trần đã không quá chú trọng đến việc xây dựng hệ thống thành luỹ kiên cố, mà đặt vấn đề bảo vệ kinh thành từ xa như dưới thời Lý, hoặc uyển chuyển biến hoá như dưới thời Trần. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với điểm hội tụ là Thăng Long, Đại Việt thời Lý đã đủ sức ngăn quân Tống ở phòng tuyến sông Cầu. Trong một bối cảnh mới, nhà Trần qua ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đều đã chủ động sơ tán triệt để cả kinh thành đi kháng chiến. Chắc chắn trong tổ chức quản lý, nhà Trần đã lường tính đến yếu tố bất thường này nên mới có thể làm tốt, trong một thời gian rất ngắn nhiệm vụ phức tạp như thế. Phải có một tài năng tổ chức siêu việt đồng thời trong bản thân tổ chức quản lý đô thị đã có những yếu tố linh hoạt có thể ứng phó và xử lý các tình huống bất thường.
Thời Trần cũng là một mẫu mực trong việc chọn người đứng đầu kinh thành. Theo quy định, để trở thành người đứng đầu Thăng Long (chức Đại an phủ sứ) phải tuân thủ “quy trình”: qua chức đứng đầu một lộ phủ bình thường (chức An phủ sứ), rồi đứng đầu phủ Thiên Trường (được coi là kinh đô thứ hai dưới thời Trần), rồi về triều đình làm việc ở Thẩm hình viện, tất cả các cương vị trên đều phải hoàn thành xuất sắc sau đó mới được cân nhắc bổ nhiệm làm người đứng đầu kinh thành Thăng Long. Nhờ “quy trình” nghiêm ngặt này mà thời Trần đã tuyển chọn được nhiều người tài đức để quản lý kinh đô (tiêu biểu như Trần Thì Kiến, Trần Khắc Chung, Nguyễn Trung Ngạn). Điều này có tác động mạnh mẽ đến cả nước. Bởi, sâu xa hơn, kinh đô không chỉ vì mình mà còn vì cả nước, quản lý và phát triển kinh đô không chỉ vì bản thân nó mà còn liên quan đến sự phát triển hay tụt hậu, sự mất còn của cả quốc gia – dân tộc.
3. Những thành tựu trong quản lý và phát triển đất nước, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để cha ông ta giành được những kỳ tích trong kháng chiến chống ngoại xâm dưới thời Lý - Trần. Trên con đường phục hưng dân tộc, thế kỷ XI và XIII là những thời khắc vận mệnh quốc gia - dân tộc đứng trước thử thách một mất một còn, nhưng cha ông ta đã hiên ngang vượt qua, ngời sáng một “bản lĩnh” Lý Thường Kiệt và hào hùng một “hào khí” Đông A muôn đời bất diệt.
Từ trung tâm quyền lực Thăng Long, nhà Lý đã tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077) bằng quyết định đem 10 vạn quân sang đất Tống, triệt phá các căn cứ xâm lăng của Tống (ở Khâm Châu, Liêm Châu và nhất là thành Ung Châu) và, đặc biệt, bảo vệ an toàn trọn vẹn cho kinh thành bằng phòng tuyến sông Như Nguyệt - kỳ tích mà các triều đại về sau hầu như không thực hiện được. Sự lớn mạnh của Đại Việt thế kỷ XI, thắng lợi vĩ đại của Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống Tống 1075-1077 có phần góp sức của những người con thuộc thế hệ đầu tiên sinh thành trên đất Thăng Long. Đó là Lý Thường Kiệt (1019-1105 ) người anh hùng dân tộc “cầm quân tất thắng, trị nước tất an”; là Ỷ Lan (… -1115), người phụ nữ tiêu biểu thế kỷ XI, người đóng vai trò như một hoàng đế trong những thời điểm quan trọng của đất nước, khi vua và các đại thần phải rời kinh thành, lúc vào nam, khi lên bắc; là các hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống…
Thế kỷ XIII Đai Việt phải ba lần đương đầu với đế chế Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ (các năm 1258, 1285 và 1288). Chúng ta chứng kiến một Thăng Long nhẫn nhịn khi Trần Quốc Tuấn chịu để tên người hầu của sứ giả Nguyên là Sài Thung cầm tên đâm chảy máu đầu mà sắc mặt vẫn bình thản, khi kinh thành sứ giặc đi lại ngênh ngang ở ngoài đường… Nhưng trên hết là một Thăng Long mang hào khí Đông A, sẵn sàng gô cổ bọn sứ giả hống hách tống vào ngục tối hoặc đuổi cổ về nước, là một Thăng Long với những người lính khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”… Thắng lợi đó là mẫu mực của tinh thần “cả nước đồng lòng”, của sức mạnh toàn dân, của những hoàng đế anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, của những quý tộc anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, của những bình dân anh hùng như Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu, và của đông đảo những người lính anh hùng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”…
4. Lý Trần là một “thời đại văn hoá” rực rỡ, một đỉnh cao của văn hoá Việt Nam truyền thống. Thành tựu đó là sự tích hợp của cả nhân tố vật chất và tinh thần, nội lực và ngoại sinh: kinh tế phát triển, những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống xâm lăng, cởi mở với bên ngoài, tinh thần vươn lên để khẳng định…
Một nền kinh tế năng động và phát triển, trọng nông mà cũng trọng thương là cơ sở vật chất cho công cuộc kiến thiết, cho sự xuất hiện những công trình văn hoá lớn. Thời Lý Trần nổi tiếng với những chùa tháp quy mô hoành tráng, với “An Nam tứ đại khí”: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên (Thăng Long), vạc Phổ Minh (Nam Định), tượng chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), với những cung điện lớn mà dấu tích mới phát lộ ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu làm ngạc nhiên các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là một tác động tinh thần vô cùng to lớn đến đời sống văn hoá, nhất là văn học. Văn học thời đại Lý Trần mang âm hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa anh hùng. Những thử thách lớn mang tính thời đại đã thổi vào đời sống văn hoá nói chung, văn học nói riêng cái không khí hào hùng đó: là kết tụ tinh thần của cả dân tộc thành “Nam quốc sơn hà” vang lên trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077; là Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ hào sảng trong những ngày chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai; là Trần Nhân Tông – ông vua anh hùng của hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba với hai câu thơ bất hủ (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông ngàn thuở vững âu vằng); là hình tượng người chiến sĩ cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông trong thơ của người chiến sĩ – thi sĩ bình dân Phạm Ngũ Lão (Hoành giáo giang sơn cáp kỷ thu)… Một thời đại nở rộ anh hùng – anh hùng cứu nước, anh hùng văn hoá, hữu danh và vô danh, quý tộc và bình dân.
Là kinh đô, Thăng Long trở thành nơi hội tụ của văn hoá Đại Việt bấy giờ, thành hình ảnh của văn hoá dân tộc bấy giờ, với một nền “Văn hoá Thăng Long” cân bằng giữa bác học và dân gian, giữa xung lực của khát vọng vươn lên tự khẳng định sau hơn một ngàn năm mất nước với tích hợp tinh hoa bên ngoài, cả Nam Á và Đông Á, để tạo lập một bản lĩnh văn hoá Việt đầy cá tính, mở cửa mà không choáng ngợp, bản sắc mà không bảo thủ. Cũng là từ trung tâm Thăng Long, những giá trị văn hoá Đại Việt được kết tinh đã thực sự lan toả mạnh mẽ, trên phạm vi cả nước, làm nên tính “thống nhất văn hoá” của văn hoá dân tộc bấy giờ - nhân tố quan trọng bậc nhất của sự cố kết và thống nhất quốc gia - dân tộc.
5. Làm nên Đại Việt – Thăng Long thời Lý Trần với những thành tựu rực rỡ đó là chung đúc của sự phục hưng các truyền thống Văn Lang – Âu Lạc nghìn xưa, của tinh thần “nối lại quốc thống, chắp lại mạch dòng”, của sự sáng tạo mấy trăm năm thời đó. Đó là sự “thăng hoa” của cả một dân tộc bằng hợp lực của cả truyền thống và hiện tại, bên trong và bên ngoài. Trên tất cả mọi ý nghĩa, Đại Việt thời Lý Trần đã là một thực thể quốc gia thống nhất khá cao với điểm hướng tâm – kết tụ là Thăng Long. Bằng sự tổng hợp “quyền lực” chính trị, kinh tế và văn hoá, Thăng Long thời Lý Trần đã đóng một vai trò mang tính quyết định đến sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, trở thành biểu tượng và hình ảnh dân tộc của một trong những trang hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.
PGS.TS Vũ Văn Quân
Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: In trên báo Nhân dân, số ra ngày 6-8-2010, in lại trên Lịch sử Quân sự, số 226,10-2010
Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 20-12-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 22/11/2024 18:11
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11