Tham dự Hội thảo, về phía ĐHQGHN và Trường ĐHKHXH&NV có GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN), GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường) cùng đông đảo nhà khoa học, giảng viên, NCS và học viên đến từ các khoa/viện/bộ môn trong trường.
Về phía đối tác Hàn Quốc, có TS Huh Dong Hyun (Chủ tịch Viện NC Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc) cùng nhiều học giả, NCS đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Hàn Quốc: Viện NC Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc, Viện Văn minh Hải dương thuộc Quỹ Nhân văn châu Á, ĐH Kyonggi, ĐH Chungwoon, ĐH Cao Ly.
Bên cạnh đó Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến từ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Sử học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Viện NC Văn hóa,…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt cho đơn vị đồng tổ chức, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chúc mừng và cảm ơn sự phối hợp rất chân thành và hiệu quả của Viện NC Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc trong việc chuẩn bị cho hội thảo được diễn ra tốt đẹp, thuận lợi. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hoá. Trong quá trình phát triển lịch sử của mình, hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc có những mối liên hệ mật thiết, tiếp xúc khá thường xuyên và phong phú. Năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được thiết lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, cho đến nay những nghiên cứu mang tính chuyên sâu, học thuật về lịch sử và giao lưu văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc của giới học giả hai nước còn rất khiêm tốn, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng nghiên cứu. Vì vậy Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ nhất có ý nghĩa khoa học sâu sắc, nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu về lịch sử và giao lưu văn hoá giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời tạo dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hoá của hai quốc gia.
Đồng quan điểm với GS.TS Hoàng Anh Tuấn, TS Huh Dong Hyun (Chủ tịch Viện NC Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc) nhấn mạnh thêm: “Khi nhìn vào quá trình giao lưu văn hóa và xã hội mật thiết giữa hai quốc gia tôi cảm thấy đến nay mới tổ chức được một hội thảo khoa học quốc tế dường như là hơi muộn. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hai đơn vị để tổ chức được Hội thảo này ngay tại Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến của các bạn. Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN được biết đến như một nơi hội tụ những học giả uy tín nhất trong lĩnh vực KHXH&NV. Vì vậy tôi rất kì vọng, hội thảo sẽ mở ra một chương mới trong giao lưu học thuật giữa các học giả ở hai quốc gia, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác về đào tạo và, nghiên cứu về lịch sử và giao lưu văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc”.
Diễn ra trong hai ngày, với 9 báo cáo khoa học chuyên sâu, công phu và những ý kiến bình luận sâu sắc và chất lượng đến từ các học giả Hàn Quốc và Việt Nam, Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề xoay quanh chủ đề về lịch sử và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc.
Các báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Kim:
Khối đồng văn biến động: Ứng đối của Vương triều Joseon và Triều Nguyễn trước các thế lực phương Tây cuối thế kỉ XIX; PGS.TS Phạm Văn Thủy:
Việt Nam và Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ II, TS Nguyễn Nhật Linh:
Quan hệ Trung Quốc với Triều Tiên và Việt Nam cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV;… đã chỉ ra những điểm tương đồng về lịch sử giữa hai quốc gia trong cả thời cổ trung đại (chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của văn minh Trung Hoa), thời cận hiện đại (đều phải trải qua chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phát xít), người dân hai nước đều phải hứng chịu tình trạng chiến tranh chia cắt đất nước trong thời kì Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, với ứng đối khác nhau của các vương triều ở Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã để lại cho cả hai quốc gia những bài học kinh nghiệm sâu sắc.
“
Những hiểu biết và nhận thức của Joseon về quan hệ Minh – Đại Ngu đầu thế kỉ XV đã để lại những dấu ấn quan trọng trong chính sách "Sự đại" và quốc phòng, bảo vệ thành công nên độc lập của Joseon” – TS Nguyễn Nhật Linh chia sẻ.
Bên cạnh đó nhiều báo cáo dựa trên những nguồn tài liệu thư tịch đáng tin cậy đã làm rõ mối giao lưu mật thiết giữa hai quốc gia đặc biệt trên bình diện văn hóa và cách mạng, tiêu biểu báo cáo
Phương thức và ý nghĩa của giao lưu trí thức Hàn Quốc và Việt Nam thời kì cận đại (GS.TS Bichnara);
Giao lưu cách mạng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nửa đầu thế kỉ XX (PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng).
“
Những tài liệu được lưu trữ tại Viện Lưu trữ quốc gia Pháp mà tôi có điều kiện tiếp cận cho thấy Hồ Chí Minh có quan hệ chặt chẽ với Kim Gyu-sik, Hwang Ki-hwan và Jo Soang thuộc Ủy ban Paris của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc tại Pháp” - GS Bichnara khẳng định trong bài viết của mình.
TS Seong-beom Kim và GS.TS Kim Jong Ouk lại cho thấy sự quan tâm của học giả Hàn Quốc tới những vấn đề chuyên sâu của lịch sử Việt Nam với báo cáo: "
Nghiên cứu tư tưởng Nguyễn Trãi thời Đại Việt thế kỉ XV" và
"Nghiên cứu vụ thảm sát dân sự Phong Nhất Phong Nhị: tập trung vào chiến dịch bình định của quân đội Mỹ".
Sau phần thuyết trình kết quả nghiên cứu của 9 học giả, hội thảo đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi sôi nổi về các vấn đề giới khoa học hai nước cùng quan tâm.
Khép lại phiên thảo luận, thay mặt Ban chủ trì Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim tổng kết, nhấn mạnh một số kết quả đã đạt được:
- Hội thảo khoa học quốc tế “Lịch sử và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc” là một sự kiện khoa học hữu ích và ý nghĩa, là diễn đàn học thuật để các học giả hai quốc gia chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới về lịch sử và giao lưu văn hóa.
- Hội thảo đã diễn ra trong một không khí học thuật cởi mở, chân thành và có chất lượng cao. Các tác giả cùng chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề chuyên sâu của lịch sử, văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc: những cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhân vật lịch sử, đối ưng xửứng trong lịch sử của 2 quốc gia trước sự xâm nhập, thống trị của thế lực bên ngoài, cơ sở hình thành, giai đoạn phát triển cơ bản trong lịch sử, triển vọng phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai,… Và cả những vấn đề tưởng như rất nhạy cảm mà hiện nay chưa nhiều người nghiên cứu (như những cuộc thảm sát dân thường trong các cuộc chiến tranh,…) cũng được học giả Hàn Quốc quan tâm nghiên cứu và chia sẻ rất cởi mở.
- Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, không chỉ là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của hai quốc gia mà còn có nhiều nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh và cả các em sinh viên. Sự tiếp nối thế hệ trong nghiên cứu là một truyền thống và di sản qúy quý báu của Viện NC lịch sử quốc gia Hàn Quốc cũng như trường ĐHKHXH&NV cần được tiếp tục phát huy.
- Tại Hội thảo nhiều nguồn tư liệu mới đã được cập nhật, nhiều vấn đề khoa học mới được gợi mở sẽ là những gợi ý, cơ sở vô cùng quý giá để trường ĐHKHXH&NV và Viện NC lịch sử quốc gia Hàn Quốc tiếp tục có những hợp tác học thuật hiệu quả trong tương lai.
Nhất trí với những kết luận của GS.TS Nguyễn Văn Kim, TS Huh Dong Hyun chia sẻ thêm: “Với cá nhân tôi, Hội thảo đã diễn ra vô cùng thành công. Qua hội thảo cũng đã cho thấy vẫn còn có những điểm khác biệt nhất định trong cách nhìn nhận, đánh giá nhiều sự kiện đã xảy ra trong lịch sử của những nhà khoa học và người dân Việt Nam – Hàn Quốc. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và có những diễn đàn khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới để có cách nhìn nhận khách quan và chính xác hơn. Khi đến thăm trường ĐHKHXH&NV, đặc biệt sau hai ngày làm việc cùng các nhà khoa học, tôi thật sự ấn tượng và trân trọng slogan “Trân trọng quá khứ, Nắm giữa tương lai” của Nhà trường. Tôi cảm nhận dường như đây cũng là phương châm ứng xử của Việt Nam nói chung: các bạn trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, không quên những đau thương trong lịch sử. Nhưng các bạn cũng sẵn sàng khép lại quá khứ để cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình, hữu nghị. Tôi hi vọng, với tinh thần nhân văn ấy, chúng ta sẽ có những hợp tác sâu rộng và hiệu quả trong tương lai”.
Kết thúc Hội thảo, đoàn chuyên gia Hàn Quốc tiếp tục tham quan Phòng Truyền thống và Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tại Khoa Lịch sử, PGS.TS Phạm Văn Thủy đã giới thiệu về bề dày truyền thống của Khoa và trao tặng đoàn chuyên gia Hàn Quốc những cuốn sách quý.
Toàn văn các báo cáo khoa học và các bài tham luận tại Hội thảo sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Hàn, mời các quý độc giả quan tâm đón đọc.
Thông tin chi tiết vui lòng truy cập: https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-viet-nam-han-quoc-lan-thu-nhat-buoc-ngoat-quan-trong-mo-ra-thoi-ki-moi-trong-hop-tac-nghien-cuu-va-trao-doi-hoc-thuat-giua-hai-quoc-gia-22652.html