1. Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá về khả năng và thái độ chính trị của các đảng phái ở Việt Nam.
Tại Việt Nam trong những năm 1936-1939, ngoài các đảng phái, tổ chức thân chính quyền thực dân, còn có khá nhiều tổ chức có khuynh hướng chống Pháp. Chính vì vậy, đối với Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này, trước hết cần đánh giá một cách chính xác về khả năng và thái độ chính trị cùa các đảng phái. Quan trọng hơn, sự đánh giá đó không phải là những nhận định có tính chất cảm tính mà phải dựa trên những tiêu chí: “không chỉ đề lên mấy nguyên tắc chung là đủ, cần phải lấy con mắt của người cách mệnh thực tế mà xét rõ địa vị và năng lực của các đảng phái”[1]. Đây là nhận định cực kỳ sắc sảo về của lãnh tụ Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm nổi tiếng “Tự chỉ trích”. Chính bởi đứng vững trên mảnh đất thực tiễn mà Nguyễn Văn Cừ đã khẳng định “Ta không thể đem những khái niệm “đảng phái”, “lãnh tụ”, “quần chúng” ở các xứ tư bản Âu-Mỹ mà đặt một cách máy móc vào hoàn cảnh Đông Dương”[2]. Trong khi ở các nước tư bản, các đảng tư sản có lịch sử lâu đời, cội rễ quần chúng sâu xa, tổ chức quy củ thì các đảng tư sản ở Đông Dương phần nhiều chỉ có tên, không có quy tắc rõ ràng, hoạt động rất hạn chế. Có những đảng tư sản ít nhiều dành được sự ủng hộ của quần chúng thì chủ yếu là do uy tín chính trị của cá nhân lãnh tụ, chứ không phải do khả năng thực sự của chính đảng đó.
Từ thực tế đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã “phân loại” một cách khá chính xác các đảng phái ở Việt Nam dựa trên tư tưởng chính trị của họ thành mấy nhóm. Thứ nhất, nhóm phong kiến Việt Nam bao gồm mấy phe phái: phe chính phủ Nam triều Bảo Đại làm tay sai cho Pháp; phe Khôi - Diệm còn có đôi chút ý muốn chống chính sách độc đoán của đế quốc, nhưng cũng dựa vào đế quốc, không thể tách rời đế quốc và phe Cường Để thân Nhật “vô tình hay cố ý dọn đường cho một kẻ ngoại xâm khác”[3]. Thứ hai, nhóm đảng phái đại diện cho tư bản bản xứ và địa chủ. Nổi bật nhất trong số này là Đảng Lập hiến – “đã từng được giai cấp tư sản bổn xứ và địa chủ Nam Kỳ ủng hộ khá đông… nhưng vì chủ trương “Pháp Việt đề huề”… nên càng ngày càng mất tín nhiệm”.[4] Đảng Dân chủ “tuy có chương trình cải cách có tính chất cấp tiến nhưng không hoạt động trong quần chúng”[5]. Thứ ba, những đảng cách mệnh quốc gia do giai cấp tiểu tư sản thành lập, trong đó có những đảng không có cơ sở trong quần chúng như Việt Nam cách mệnh đảng, Việt Nam Độc lập Đảng; hoặc bị tan rã trong một thời kỳ vẫn chưa khôi phục được như Việt Nam Quốc dân Đảng. Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn cho rằng “giai cấp tiểu tư sản còn có năng lực cách mệnh phản đế, nên các đảng cách mệnh tiểu tư sản, hoặc sẽ thành lập, hoặc tổ chức lại sẽ nhảy ra hoạt động”.[6] Thứ tư, những tổ chức chính trị mang màu sắc tôn giáo như Đạo Cao đài, Đảng đánh giá các lãnh tụ Cao đài có tính cơ hội, quần chúng tín đồ có tinh thần phản đế nhưng mê tín nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt[7]. Thứ năm, các phe đảng khác như Thiên địa hội, Phan Xích Long ở Nam Kỳ, Bạch Tuyết Cầu ở Bắc Kỳ “phần nhiều gồm những tay phiêu lưu, hoặc “anh chị” có tinh thần phản đế, song chỉ âm mưu khủng bố cá nhân và chủ trương ăn cướp chứ không có vận động và tổ chức trong quần chúng”[8]. Cuối cùng, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận thức được tính chất nguy hiểm của nhóm Tờrốtkít vì “che đậy hành vi phản động của chúng bằng những câu cách mệnh cực tả”[9]. Việc đánh giá đúng thái độ của các đảng phái là cơ sở đầu tiên tối quan trọng để Đảng đưa ra những đối sách phù hợp.
2. Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi các đảng phái tham gia mặt trận nhân dân phản đế.
Trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, tại Đại hội VII diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 20/8/1935, Quốc tế Cộng sản đưa ra chính sách mới, trong đó chủ trương các đảng cộng sản ở tất cả các nước phải thành lập cho được một liên minh dân chủ rộng rãi, cùng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, vì “tự do, cơm áo, hòa bình”. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tai Thượng Hải (tháng 7/1936), Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức thừa nhận và triển khai chính sách này khi khẳng định “Ban Trung ương, sau khi nghiên cứu những điều kiện chủ quan và khách quan ở Đông Dương, đã đi đến kết luận rằng việc thành lập Mặt trận dân tộc phản đế không thể trì hoãn thêm một phút”[10]. Trong "Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương", Đảng phân tích nguyên nhân chủ yếu khiến cách mạng Đông Dương còn non yếu, phân tán là do “các đảng và tổ chức cách mạng ở Đông Dương không biết đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung, chủ nghĩa đế quốc Pháp”[11]. Chính bởi vậy, “Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị cùng tất cả các đảng quên đi những sự hiểu lầm trong quá khứ để tập trung mọi lực lượng đấy tranh của các đảng cho phong trào chống đế quốc”.[12] Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng Cộng sản Đông Dương có thể thỏa thuận với các đảng về một số vấn đề hoặc một cương lĩnh hành động tối thiểu chung[13].
Tất nhiên, việc thành lập mặt trận thống nhất phản đế không phải tùy tiện, mà phải đảm bảo những nguyên tắc chặt chẽ. Trước hết, “các đảng phái cách mạng cùng nhau liên hiệp tranh đấu không được kỳ thị nhau, trái lại phải giúp đỡ nhau, phải ủng hộ lẫn nhau, nhưng Đảng Cộng sản phải luôn giữ quyền tự do về đường chỉ trích và chính trị riêng mình”. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất, nền tảng cho sự liên hợp đấu tranh giữa Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị khác. Ngoài ra, Đảng cũng chỉ rõ, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất này không phải vĩnh viễn mà “tùy điều kiện hiện thực, tùy trình độ cách mạng của các đảng phái khác”. Đảng đặc biệt lưu ý các đảng viên tránh mọi biểu hiện của tình trạng tả khuynh hoặc hữu khuynh trong quá trình thành lập và hoạt động của mặt trận thống nhất[14].
Tuy nhiên, trong điều kiện một đảng cách mạng non trẻ, hoạt động bí mật tại một nước thuộc địa, lại vừa trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài do bị khủng bố, nên việc triển khai, vận dụng những chủ trương mới không phải dễ dàng. Trong nội bộ đảng, đã có những đảng viên băn khoăn về chủ trương hợp tác với các đảng phái khác, e ngại Đảng cộng sản sẽ bị biến thành các đảng quốc gia. Trả lời cho những băn khoăn chính đáng này, trong văn kiện quan trọng "Chung quanh vấn đề chiến sách mới", những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã phân tích rõ, “trong khi trình độ tranh đấu của quần chúng chưa tới trình độ cao, những yêu cầu của quần chúng có nhiều điều giống với điều yêu cầu của tư bản bản xứ, thì tại sao chúng ta không lấy những điều đó làm điều kiện để hiệu triệu tất cả các giai cấp, các đảng phái trong một dân tộc bị áp bức ra tranh đấu”. Mặt khác, do Đảng Cộng sản Đông Dương đã được bồi dưỡng tinh thần quốc tế, nên có thể khẳng định “Đảng không sợ Đảng chúng ta sẽ biến thành Đảng quốc gia” đồng thời khẳng định chủ trương hợp tác với các đảng phái quốc gia “không trái nguyên tắc dân tộc tự quyết của Quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp… Đảng không bao giờ bỏ chính sách giai cấp tranh đấu”[15].
Trên thực tế, chủ trương hợp tác cùng các đảng phái tiến tới thành lập mặt trận dân chủ thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã khá thành công. Trong báo cáo gửi Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản (ngày 5/4/1938), Đảng Cộng sản Đông Dương cho biết: tại Bắc Kỳ, Đảng Xã hội đã cùng các nhóm cộng sản công khai và các nhóm chính trị cấp tiến ký một chương trình hành động tối thiểu để thành lập Mặt trận bình dân trong cuộc tuyển cử Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Tại Trung Kỳ, các phần tử tiên tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản không có đảng phái gì, nhưng nhờ Đảng Cộng sản khôn khéo liên lạc với họ mà phái cấp tiến đã chiếm được 18 ghế trong cuộc bầu cử Viện dân biểu Trung Kỳ, nhờ đó mà phái đa số trong Viện dân biểu là do Đảng chỉ đạo. Duy chỉ có Nam Kỳ là Đảng Cộng sản gặp nhiều khó khăn do sự chống phá của nhóm Tờrốtxkít, các đảng phái còn lại hoặc thân thiết với Tờrốtkít, hoặc dè dặt trong đấu tranh.[16] Do đó, song song với việc lôi kéo, kêu gọi hợp tác với các đảng phái khác, cuộc đấu tranh chống lại các tổ chức phản động cũng là một nhiệm vụ chính trị cấp bách đặt ra cho Đảng Cộng sản Đông Dương.
3. Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh chống lại các đảng phái phản động.
Liên hiệp với tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc vào một Mặt trận dân chủ thống nhất, để chống lại chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, vì tự do, cơm áo, hòa bình là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương trong toàn bộ thời kỳ 1936-1939. Tuy nhiên, đó là sự liên hiệp có nguyên tắc, có giới hạn với những đảng phái cách mạng hoặc cải lương và “người cộng sản không thể liên minh với những tổ chức phát xít, những tổ chức làm tay sai cho phát xít, cho phản động thuộc địa, dù của người Pháp hay người bản xứ”[17].
Ở Việt Nam, do đặc thù của một xứ thuộc địa, nên phong trào phát xít không phát triển mạnh như các nước châu Âu, song lại theo những đường lối và hình thức khác, không thể coi thường. Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận thấy Đảng trật tự xã hội của quan năm Sée và Darles là tổ chức mang màu sắc phát xít cần đấu tranh dù cũng nhận ra “tổ chức của chúng sơ sài, hoạt động không kịch liệt”[18]. Ngoài ra, những phần tử phong kiến, địa chủ và tư sản phản động nhất như Phạm Lê Bổng chủ trương thành lập Đảng bảo hoàng (hay có thể là một đảng có tên gọi gì khác) để làm tay sai cho đế quốc, xin tăng quyền lợi cho giai cấp phong kiến, đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng cũng đã được Đảng Cộng sản nhận diện. Đối với Đảng Lập hiến, Đảng Cộng sản Đông Dương có chủ trương phân biệt từng phe phái để đưa ra những đối sách phù hợp. Đối với những lãnh tụ phản động như Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm thì cần được coi là đối tượng của cách mạng. Đối với những lãnh tụ lập hiến có xu hướng cải lương tiến bộ như Nguyễn Phan Long thì chỉ trích để họ nhận ra những sai lầm của họ, thúc giục họ hành động như những lời tuyên bố và lôi kéo họ về phe Mặt trận dân chủ. Đối với từng lớp địa chủ và tư sản bản xứ có xu hướng lập hiến thì phải chỉ cho họ rõ thái độ phản động hoặc hèn nhát của những lãnh tụ Đảng Lập hiến, khuyến khích họ thống nhất hành động với các tầng lớp nhân dân. Điều cốt lõi trong đấu tranh với các đảng phái phản động như lời đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm nổi tiếng có giá trị tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng trong những năm 1936-1939 – “Tự chỉ trích” là phải “phân biệt kẻ thù nguy hiểm ít với kẻ thù nguy hiểm nhiều… cốt lợi dụng mâu thuẫn trong dinh lũy quân thù tập trung mũi nhọn chống kẻ thù nguy hiểm hơn hết để dự bị lực lượng cho cách mệnh”[19]. Trên nhiều phương diện, trong những năm 1936-1939, đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, nhóm Tờrốtkít là một kẻ thù nguy hiểm.
Trong giai đoạn này, nhóm Tờrốtkít là lực lượng chính trị duy nhất có khả năng thách thức vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhóm Tờrốtxkít Việt Nam, về cơ bản xuất thân từ những thanh niên trí thức học tập tại Pháp những năm 20-30 của thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tờrốtxkít và ra nhập nhóm Tờrốtkít tại Pháp – nhóm Tả Đối Lập (Opposition de Gauche). Sau cuộc biểu tình phản đối Pháp đàn áp những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái, hầu hết họ bị trục xuất về Việt Nam, hợp tác với những người cộng sản, thường được gọi chung là nhóm La Lutte (Tranh đấu) – gắn liền với tên tờ báo của nhóm. Năm 1937, mâu thuẫn giữa những người Cộng sản và Tờrốtxkít ở Liên Xô cũng như trên thế giới lên đến đỉnh điểm. Sự hợp tác giữa những người Cộng sản và Trotkyist trong nhóm La Lutte cũng chấm dứt. La Lutte từ chỗ là diễn đàn chung đã trở thành tờ báo của Tờrốtxkít. Thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ quận 2 ngày 16/4/1939 được xem như đỉnh cao nhất trong sự phát triển và mở rộng ảnh hưởng của nhóm Tờrốtkít Việt Nam. Sở dĩ nhóm Tờrốtkít có thể khuếch trương ảnh hưởng ở Nam Kỳ vì vì những khẩu hiệu cực tả của nhóm trong một thời điểm nhất định có sức hút đối với một bộ phận quần chúng không có sự hiểu biết sâu sắc về chính trị (Ví dụ: “Ngày làm việc 7 giờ rưỡi” so với “Ngày làm việc 8 giờ” của những người Cộng sản, “Mặt trận vô sản”, “Mặt trận công nông” thay vì “Mặt trận dân chủ nhân dân” của những người Cộng sản v.v…). Mặt khác, không thể phủ nhận, các nhóm Tờrốtkít đều do một số trí thức Tây học trẻ, có kiến thức, có uy tín khá lớn trong các tầng lớp dân chúng. Hơn thế nữa, từ khoảng năm 1937 trở đi, khi nhận thấy mối nguy hại của Tờrốtxkít đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và đối với cuộc vận động dân chủ nói chung, chính quyền Pháp có xu hướng dung dưỡng các nhóm Tờrốtxkít (trừ một vài lần bắt giam Tạ Thu Thâu). Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, Đảng Cộng sản Đông Dương phần nào chủ quan, coi nhẹ cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng của nhóm Tờrốtxkít làm cho nhóm này càng có cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình.
Về bản chất, không nên coi những người Tờrốtkít Đông Dương là “tay chân của phát xít” như một số tài liệu có tính chất tuyên truyền xuất hiện giai đoạn này, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất nguy hại của chủ nghĩa Tờrốtxkít. Tờrốtxkít nguy hại ở chỗ, nó là sự vay mượn hoàn toàn một học thuyết từ bên ngoài (mà bản thân học thuyết ấy đã mang trong lòng nó nhiều khiếm khuyết và sai lầm) vào điều kiện cụ thể của nước ta. Những chủ trương của Tờrốtxkít như những người Cộng sản Đông Dương nhận thấy, chỉ là nêu khẩu hiệu cách mạng cho “sướng miệng” chứ không thể đưa cách mạng đến thành công. Đặc biệt hơn, kể từ khi quan hệ cộng tác giữa những người cộng sản và Tờrốtxkít trong nhóm La Lutte tan rã, Tờrốtxkít dường như coi Đảng Cộng sản Đông Dương là đối tượng chính trị phải loại bỏ chứ không phải là chủ nghĩa phát xít hay thực dân Pháp. Nếu những người cộng sản đưa ra một khẩu hiệu hoặc một chủ trương nào đó thì họ lập tức đưa ra một khẩu hiệu/chủ trương đối lập.
Từ năm 1937, Đảng Cộng sản Đông Dương phải bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với nhóm Tờrốtxkít. Đó là cuộc đấu tranh từ chỗ bí mật đã trở nên công khai, rộng rãi trên mặt báo, trên các diễn đàn, ở các cuộc mít tinh và biểu tình và các cuộc vận động bầu cử, bao gồm cả về lý luận và tổ chức, liên quan đến hầu hết các vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng trong nước cũng như những vấn đề chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong năm 1937, Hà Huy Tập, với bút danh Thanh Hương trong tác phẩm Trotsky và phản cách mạng do Tiền Phong thơ xã ấn hành, mặc dù đã nhận thức chủ nghĩa Tờrốtxkít trong quá trình tiến hóa đã không còn là một xu hướng chính trị của giai cấp thợ thuyền mà đã biến tướng thành “bọn phá hoại”, nhưng vẫn giữ thái độ đầy thiện chí đối với những người Tờrốtxkít Đông Dương. Câu cuối cùng trong tác phẩm này, Hà Huy Tập đã nêu cao một thái độ đầy thiện chí “Chúng ta chân thật hy vọng rằng các đảng viên và quần chúng Tờrốtxkít hãy tỉnh ngộ”[20]. Thế nhưng, trước những hành động vu cáo của nhóm Tờrốtkít, Hà Huy Tập – với tư cách một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Đông Dương đã viết một loạt tác phẩm với nhiều bút danh khác nhau do để bảo vệ quyền lợi chính trị của Đảng. Trong Nghị quyết của toàn thể Hội nghị của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhấn mạnh đến một nhiệm vụ chính trị quan trọng là “Tranh đấu chống lại bọn khiêu khích tờrốtkít”, trong đó cần phải chú trọng hơn nữa công tác đấu tranh với nhóm Tờrốtxkít trên báo chí công khai, tiếp xúc với quần chúng nhân dân để làm cho họ hiểu rõ bản chất của những người Tờrốtxkít, nghiên cứu kỹ sự khác nhau giữa chủ nghĩa Trotsky và chủ nghĩa Mác – Lênin, tẩy sạch những phần tử Tờrốtkít lọt vào trong Đảng[21].
Sau thất bại trước nhóm Tờrốtkít trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tại quận 2 năm 1939, nhiệm vụ đấu tranh chống Tờrốtkít trong Đảng càng đặt ra gay gắt.Trong “Tự chỉ trích” xuất bản năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ dành một mục để bàn về Đừng khinh thường nạn Tờrốtxkít trong đó chỉ rõ sai lầm của một số đồng chí ta là coi thường tầm ảnh hưởng của Tờrốtxkít, kêu gọi đồng chí không vì thất bại (trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tại quận 2 năm 1939) mà hoảng hốt bi quan nhưng cần phải can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật”: “Bọn tờrốtkít, xét đễn cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng”[22]. Cuộc đấu tranh tư tưởng và chính trị chống lại Tờrốtxkít trở thành một nhiệm vụ chính trị có tính chất sống còn đối với Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng những nỗ lực (dù có phần hơi chậm trễ) của mình, Đảng đã từng bước đẩy lùi, chặn đứng ảnh hưởng của chủ nghĩa Tờrốtxkít và góp phần vào thắng lợi chung của cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939.
Như vậy, ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám tồn tại khá nhiều đảng phái với nhiều quan điểm, thái độ, khả năng chính trị khác nhau. Ứng xử với các đảng phái chính trị ấy như thế nào để vừa phát huy được lòng yêu nước, trí tuệ của các thành phần cấp tiến trong xã hội, tăng cường khối đoàn kết toàn dân vừa đấu tranh chống lại các thế lực phản động là bài toán có ý nghĩa sống còn đối vận mệnh chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính trong những năm tháng sôi động của cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ 1936-1939, Đảng đã tìm ra được lời giải cho bài toán đó bằng một chính sách hợp lý: vừa hợp tác vừa đấu tranh với các đảng phái chính trị khác. Trong thực tiễn cách mạng, không tranh khỏi một bộ phận đảng viên mắc phải những sai lầm có tính chất tả khuynh (xa rời quần chúng, cô độc, biệt phái) hoặc hữu khuynh (hợp tác và thỏa hiệp vô nguyên tắc) nhưng đều được Đảng chỉnh đốn và kịp thời khắc phục. Nhờ đó, Đảng Cộng sản Đông Dương không những phục hồi và củng cố được tổ chức đảng trên toàn quốc mà còn trưởng thành vượt bậc cả về tư duy lý luận, hệ thống tổ chức, khả năng vận động quần chúng v.v…, khẳng định được vị trí lãnh tụ không thể thay thế không chỉ của quần chúng công nông mà còn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và dân chủ. Hơn nữa, những bài học sâu sắc về hình thành và tổ chức mặt trận thống nhất, về lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa kẻ thù… còn trở thành những hành trang quý giá đối với Đảng Cộng sản Đông Dương trong những thời kỳ lịch sử sau.
Chú thích
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 636.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 636.
[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 524-525.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 525.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 344.
[6] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 527.
[7] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 528.
[8] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 528-529.
[9] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 5279.
[10] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 80.
[11] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 9.
[12] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 9.
[13] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 10.
[14] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 42-43.
[15] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 145-147.
[16] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 379-382.
[17] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 630.
[18] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 631.
[19] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6 (1936-1939), đã dẫn, tr. 643.
[20] Hà Huy Tập – Một số tác phẩm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 599.
[21] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, đã dẫn, tr.364.
[22] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, đã dẫn, tr. 627-628.
Ths. Trương Thị Bích Hạnh
Nguồn: Tạp chí Lịch sử Đảng, số 287, tháng 10/2014
Website Khoa Lịch sử, 19-11-2014.