Chiều ngày 20/2/2025, tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), một sự kiện đặc biệt đã diễn ra, đánh dấu bước khởi đầu đầy triển vọng cho sự hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu lịch sử hàng đầu miền Bắc Việt Nam.
Buổi họp mặt mang tên “Tứ Sử hội tụ” đã quy tụ đại diện của bốn đơn vị tiêu biểu:
- Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, do PGS.TS. Đặng Hồng Sơn, Trưởng Khoa, làm đại diện;
- Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, do TS. Nguyễn Văn Ninh, Trưởng Khoa, làm đại diện;
- Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, do TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa, làm đại diện;
- Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, do TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành, làm đại diện.
Với mục tiêu tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa đội ngũ cán bộ trẻ, cuộc họp đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế hệ kế cận trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Sử học Việt Nam. Trong bối cảnh ngành Sử học đang chuyển giao thế hệ, nhu cầu hợp tác chuyên môn giữa các nhà nghiên cứu trẻ trở thành yếu tố then chốt để tạo nên những bước đột phá mới.
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn khẳng định: “Chuỗi hoạt động hợp tác này không chỉ giúp đội ngũ cán bộ trẻ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn khẳng định vị thế của họ trong giới Sử học nước nhà. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa các đơn vị.”
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Dũng (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) nhấn mạnh rằng diễn đàn hợp tác nên mở rộng, tạo điều kiện cho tất cả các cán bộ trẻ tham gia với những chủ đề nghiên cứu thực tiễn và khả thi. Ông đề xuất việc tổ chức luân phiên mỗi năm một đơn vị đăng cai, các đơn vị còn lại phối hợp thực hiện.
TS. Nguyễn Văn Ninh (Đại học Sư phạm Hà Nội 1) đề xuất thành lập một Ban Liên lạc với đại diện từ mỗi đơn vị để điều phối và triển khai các hoạt động chung. Trong khi đó, TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu thông qua việc xuất bản các ấn phẩm khoa học có giá trị, như sách kỷ yếu hoặc chuyên đề trên các tạp chí chuyên ngành.
Kết thúc buổi họp, đại diện các bên đã thống nhất chương trình hành động cho năm 2025, trong đó Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) sẽ đăng cai, làm đầu mối tổ chức hoạt động Tọa đàm đầu tiên. Đây sẽ là bước khởi đầu cho chuỗi sự kiện hợp tác nhằm tạo nên một mạng lưới gắn kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu Sử học trẻ, đồng thời nâng cao sự gắn kết giữa các đơn vị giảng dạy và nghiên cứu Sử học.
Các đại diện đều bày tỏ hy vọng rằng chương trình hợp tác giữa “Tứ Sử” không chỉ là một sáng kiến ngắn hạn mà sẽ được duy trì lâu dài, mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần nâng cao vị thế của ngành Sử học Việt Nam trên trường quốc tế.
Một số hình ảnh của buổi gặp mặt:



Bài và ảnh: Thành Tâm - Trần Mạnh