Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu từ sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 do chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Chủ đề này càng có sức thu hút mạnh mẽ từ tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các học giả quốc tế, trong đó có học giả người Việt hải ngoại, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mà công trình nghiên cứu công phu và có hệ thống nhất là tác phẩm La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys (Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của Monique Chemilier-Gendreau (1996). Ở trong nước, ngay từ năm 1974 đã có Sách trắng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa (1974) và công trình Les archipels de Hoang Sa et Truong Sa selon les anciens ouvrages vietnamiens d’ histoire et de géographie (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua những tác phẩm lịch sử và địa lý Việt Nam) của Võ Long Tê (1974). Năm sau có một loạt số bài nghiên cứu công bố trong tập san Sử Địa số Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (số 29, 1-3/1975).
Rất tiếc là từ năm 1975 cho đến trước năm 2014 công việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa bị trầm lắng. Trong thời gian này, nhất là sau chiến tranh bảo về tổ quốc ở biên giới phía bắc năm 1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố một số tài liệu và sách như: Sách trắng về Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(1979), Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam (1982), Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế(1988). Về phương diện nghiên cứu thì chỉ có vài cuốn sách nhỏ và luận án Tiến sĩ của Nguyễn Nhã mang tiêu đề Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (2002, mãi đến năm 2013 mới xuất bản với tên sách Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, NXB Giáo dục).
Từ tháng 5 năm 2014, công việc nghiên cứu và công bố về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đẩy mạnh trên mọi phương diện từ sưu tầm tư liệu, điều tra khảo sát thực địa cho đến nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu không dừng lại về lịch sử chiếm hữu và xác lập chủ quyền của Việt Nam, các bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam mà còn nghiên cứu và phê phán các luận cứ sai trái của Trung Quốc. Từ những kết quả đó, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học và các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình… và một số luận văn được tập hợp lại trong một số ấn phẩm mang tính tuyển tập. Một số luận án Tiến sĩ và Luận văn Thạc sĩ cũng đã chọn các đề tài liên quan đến Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Có nhiều chuyên đề nghiên cứu khá sâu, nhưng những công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống thì không nhiều. Trong số những công trình loại này, tôi đặc biệt quan tâm đến cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.
Tôi còn nhớ năm 1992 trong một phiên họp của Hội đồng khoa học của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi đã đề xuất cần có một đề tài nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa. Trên cơ sở đề xuất đó, năm 1993 đề tài nghiên cứu về Lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa đã ra đời do Nguyễn Quang Ngọc làm chủ nhiệm. Ý tưởng rất hay nhưng trong bối cảnh lúc đó, công việc nghiên cứu, nhất là thu thập tư liệu gặp vô vàn khó khăn và dĩ nhiên kế hoạch phải kéo dài thời gian. Trải qua hơn hai mươi năm, trong nhóm tác giả có người đã ra đi, nhưng chủ nhiệm đề tài vẫn kiên trì theo đuổi, vẫn giữ nguyên tâm huyết và ý thức trách nhiệm, quyết vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành công trình. Và tôi vô cùng vui mừng, vào mùa hè năm 2016, bản thảo cuốn sách đã xuất hiện trước mặt tôi.
Tác giả đã theo sát công việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa ở trong nước và trên thế giới, tổng hợp và kế thừa được các kết quả nghiên cứu đó. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh là ngay về mặt tư liệu, tác giả không chỉ dựa vào những tư liệu đã phát hiện và công bố, mà còn tự mình tiếp cận tư liệu gốc và đi sâu vào công việc điều tra khảo sát những vùng đất liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải như của biển Sa Kỳ, đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nguồn gốc của cư dân Tứ Chính, Cảnh Dương, đảo Phú Quý trên đất Bình Thuận… Phương pháp nghiên cứu của tác giả là luôn luôn kết hợp nhiều nguồn tư liệu, từ tư liệu lịch sử, địa chí, lưu trữ, các tư liệu khảo sát thực địa, bản đồ cổ ở trong nước với các tư liệu, bản đồ cổ của nước ngoài, nghĩa là tiếp cận liên ngành. Chính phương pháp này đã giúp tác giả đạt được những nhận xét, kết luận có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục.
Nội dung của công trình là nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam theo hướng tiếp cận lịch sử, qua các tư liệu chứng minh sự thật lịch sử về quá trình Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo như thế nào. Chủ quyền về hai quần đảo lại được đặt trong không gian sinh tồn của Việt Nam trên Biển Đông và bối cảnh lịch sử xuyên suốt từ thời tiền sử, qua vương quốc Champa, Phù Nam cho đến quốc gia – dân tộc Đại Việt – Việt Nam. Từ đó thấy rõ hơn vị trí “cương giới trên biển” và địa thế “tối hiểm yếu” (Châu bản triều Nguyễn) của hai quần đảo trong cuộc sống và yêu cầu phòng vệ đất nước của Việt Nam.
Qua nghiên cứu, tác giả đưa ra một số tìm tòi, phát hiện mới, trong đó tôi đánh giá cao hai nội dung sau. Thứ nhất là từ trước đến nay, các nhà khoa học đều căn cứ vào bản đồ cổ và đoạn chú giải về Bãi Cát Vàng do Đỗ Bá soạn vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686) trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư để xác định từ lúc đó và trước lúc đó, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo. GS Nguyễn Quang Ngọc tiến thêm một bước cho rằng đội Hoàng Sa gắn liền với công việc quản lý và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo đã ra đời từ trước năm Tân Mùi – 1631 thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Phát hiện đó dựa trên tờ đơn năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré (Lý Sơn) xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa và một tư liệu ngày 6-3-1636 của Abraham Duijcker, phụ trách thương điếm Hà Lan tại Hội An, khiếu nại về việc tàu Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi Paracels tuy được cứu hộ nhưng tiền bị mất. Thứ hai là nguồn gốc cư dân, tổ chức và vai trò, đóng góp của đội Hoàng Sa được tác giả điều tra nghiên cứu rất kỹ từ khi thành lập rồi qua các chuyển biến cho đến khi tích hợp vào Thủy quân triều Nguyễn.
Qua lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quân đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cuốn sách đã cung cấp những chứng cứ khoa học vững chắc, trong đó có những chứng cứ lịch sử và những chứng cứ lịch sử – pháp lý, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Cuốn sách cũng trình bày những tranh chấp, tranh biện về chủ quyền hai quần đảo do Trung Quốc dấy lên từ năm 1909 cùng những hành động xâm lược và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ năm 1946 cho đến nay.
Trong số những công trình nghiên cứu ở trong nước về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là một cuốn sách nghiên cứu rất công phu và có hệ thống. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo giữa Biển Đông, cung cấp các chứng cứ khoa học khẳng định chủ quyền Việt Nam. Trên tinh thần ấy tôi trân trọng giới thiệu Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc với bạn đọc và các nhà khoa học đang nghiên cứu về chủ đề này. Tôi cũng mong muốn cuốn sách sớm được dịch ra tiếng Anh để góp một tiếng nói cùng với học giả quốc tế làm sáng rõ sự thật về chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Sách “Chủ quyền của Việt nam ở Hoàng Sa, Trường Sa – Tư liệu và sự thật lịch sử” do Nhà xuất bản ĐHQGHN xuất bản tháng 03/2017 thuộc Tủ sách Khoa học, Mã số: 173-KHXH-2014, Giá: 600.000 VNĐ
Nguồn tin: https://vnu.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11