ĐÊ HỒNG ĐỨC VÀ CÔNG CUỘC KHẨN HOANG VÙNG VEN BIỂN NAM SÔNG HỒNG THỜI LÊ SƠ
PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế
Hơn hai mươi năm qua, trong một số chuyên khảo về tình hình nông nghiệp, thủy lợi, chế độ ruộng đất của Việt Nam thời cổ - trung đại Lê Hồng Đức và một số hoạt động khẩn hoang vùng ven biển thời Lê Sơ đã được đề cập đến như là những biểu hiện quan trọng của công tác trị thủy, một bước phát triển mới của kinh tế nông nghiệp[1].
Tuy nhiên nếu đặt vấn đề:
+ Vùng đồng bằng ven biển là địa bàn có nhiều thuận lợi hơn cả để canh tác lúa nước, nơi có sức hút mạnh mẽ nhất với cư dân nông nghiệp, nơi đã có những hoạt động khẩn hoang liên tục, có hiệu quả trong lịch sử[2].
+ Trước khi đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh khai thác và đưa vào sản xuất, đồng bằng sông Hồng là địa bàn rộng lớn nhất, khu vực trọng tâm của nền kinh tế nông nghiệp phong kiến Việt Nam.
Thì rõ ràng việc tăng cường tìm hiểu, nhận thức về công việc khẩn hoang, tạo lập xóm làng, phát triển sản xuất ở đồng bằng ven biển Bắc Bộ, trong đó có khu vực Nam sông Hồng không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi thời gian, không gian được đề cập. Những yêu cầu thúc đẩy công tác khẩn hoang, những tri thức và thành tựu của công cuộc lao động này cho phép mở rộng liên hệ với các địa bàn, các thời điểm khẩn hoang khác trong đất nước.
Với những tài liệu về lịch sử địa chất, tài liệu khảo sát ở địa phương được tập hợp trong thời gian qua, chúng ta bổ sung một số nét về khung cảnh vùng đồng bằng ven biển Nam sông Hồng, đê Hồng Đức và công cuộc khẩn hoang ở vùng này thời Lê Sơ (nửa cuối thế kỷ XV)[3].
I. Vùng ven biển Nam sông Hồng thời Lê Sơ (nửa sau thế kỷ XV).
Không thể tách rời những hoạt động trị thủy, khẩn hoang…với những điều kiện tự nhiên, vai trò, vị trí kinh tế chính trị xã hội của khu vực này với khung cảnh xã hội thời Lê Sơ.
Vùng ven biển phía Nam sông Hồng (được giới hạn từ cửa sông Hồng đến chân núi Yên Duyên) trừ vùng Yên Duyên – ăn lan ra Điền Hộ, thuộc khu vực Lục địa ven bờ có nguồn gốc Carst tương đối ổn định, còn phần chủ yếu của địa bàn được tạo lập bởi vật liệu phù sa của các lòng sông trên nền của Miền võng Hà Nội. Động lực cơ bản của vùng đất này là hệ thống sông ngòi chằng chịt như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ…với lượng phù sa đạt tới 70,42 × 106 tấn/năm. Nếu tính trung bình tỷ trọng lắng đọng là 1,5 thì thể tích tương ứng là 46,9×106 M3/năm. Đem lượng phù sa lắng đọng ấy trải đều trên đoạn bờ biển dài 60 km, độ sâu trung bình là 20m thì tốc độ bồi đắp hàng năm khoảng 40m, xấp xỉ 240 hécta. Khu vực từ phía Nam thị xã Ninh Bình ra biển có nhiều đoạn và tương ứng với nó là từng thời kỳ có khác nhau nên tốc độ bồi tụ của từng khu vực nhỏ, từng thời gian có khác nhau. Hướng chính của dòng chảy cơ bản là Tây Bắc – Đông Nam cộng với tác động của hướng sóng biển, thủy triều, hướng khúc xạ của sóng vào bờ…đã đem phần lớn khối lượng phù sa trên chuyển về phía Nam cửa sông. Điều đó lý giải vì sao nhịp độ tiến ra biển của các bãi bồi khu bờ phía Nam căn bản mạnh mẽ hơn phía Bắc, có nơi đạt tới 80 – 100m/năm.
Tặng vật mà thiên nhiên dành cho con người vùng ven biển quả là to lớn.
Tuy nhiên, ở vùng đối diện với biển cả này không thể không kể đến những gian truân, thử thách ác liệt của nó. Ngoài chế độ chung – vốn đã khắc nghiệt của chế độ mưa, gió bão của lưu vực sông Hồng, vùng này còn trực tiếp với nước mặn, sóng biển…có khi cao tới 2,5 – 3m và gió đến 45m/s[4].
Do điều kiện địa hình cơ bản như trên, vùng ven biển Nam sông Hồng từ lâu đã có vai trò giao thông, kinh tế, quân sự, chính trị to lớn, được các chính quyền phong kiến Đại Việt đặc biệt lưu tâm. Ngay trước thời Lê sơ, vùng ven biển phủ Thiên Trường (phía Đông Nam Nam Định ngày nay) là địa bàn khởi dựng một thế lực kinh tế - chính trị mới, tiến bộ lập nên triều Trần (1225). Trong công cuộc chống Nguyên – Mông vĩ đại của dân tộc, vùng đất Thiên Trường, Trường Yên – đã trở thành nguồn cung cấp nhân tài, vật lực quan trọng cho quân dân Đại Việt lập nên chiến công năm 1285:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”[5]
Sau “Đại Cáo Bình Ngô” năm 1428, Đại Việt bước vào thời kỳ hòa bình, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về mặt hành chính trừ 3 huyện Gia Viễn, Yên Mỗ, Yên Khang thuộc phù Hướng Yên – Thanh Hóa, còn phần cơ bản của khu vực này gồm 8 huyện thuộc 2 phủ của Sơn Nam là: Giao Thủy, Nam Châu, Mỹ Lộc, Thương Nguyên (phủ Thiên Trường); Thiên Bản, Đại An, Vọng Doanh, Ý Yên – (phủ Nghĩa Hưng).
Trong cách nhìn tổng quát về vai trò, vị trí, tiềm lực kinh tế, quân sự của các địa phương, trong quốc gia thống nhất, Nguyễn Trãi đã xếp Sơn Nam – “nơi có số nhân Đinh cao nhất toàn quốc”: “Đứng đầu phên dậu ở phía Nam. Lý Tử Tấn thì nhận xét: “Vùng Sơn Nam bằng phẳng, cao ráo cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, các phí dụng nuôi quân của triều đình đều nhờ ở vùng này”[6].
Nằm trong vùng như vậy, khu vực ven biển Nam sông Hồng có một vị trí đặc biệt về nhiều mặt. Hệ thống giao thông đường thủy – vốn có vai trò to lớn trong điều kiện địa hình Việt Nam - ở vùng Nam sông Hồng nối liền từ Bắc vào Nam. Tất cả các lần luyện tập quân thủy – bộ, đưa quân đi đánh Chiêm Thành…Lê Thánh Tông đều sử dụng khu vực này, chẳng hạn:
Mùa xuân năm 1466 tập trận ở Giao Thủy, mùa xuân năm sau (1467) liên tiếp hai lần tập trận ở sông Thiên Phái và sông Lỗ.
Theo số liệu qua đời cấn án trong Dư địa chí thì các huyện trong khu vực này có tới 825 làng, xã, trại giáp – tức là gần bằng một nửa số làng xã trại giáo của cả Sơn Nam, gần bằng cả Thanh Hóa và gấp hai lần số làng xã của Nghệ An thuở ấy[7]. Các tài liệu đương thời không cho biết số Đinh của khu vực này là bao nhiêu, dân số thế nào…song căn cứ vào số lượng làng xã trên, chúng ta có điều kiện để nghĩ rằng đây là nơi tập trung dân số cao. Phải chăng chính vì có tiềm lực kinh tế, con người như vậy, mà hai tháng trước khi xuất đại quân đánh Chiêm Thành năm 1471, Lê Thánh Tông còn sắc chỉ riêng cho phủ Thiên Trường: “Phải trưng thu các hạng quân sắc, các viên sinh đồ mỗi người 15 ống gạo, hạng hoành đinh và người già mỗi người 12 ống gạo, bắt người đứng thu lại, đồ lên làm gạo chí, không để chậm ngày giờ đem nạp lên cho sứ ty. Quan phụ trách dựng làm nhà rạp, xét đúng thu vào rồi làm bản tâu lên. Ai dám thiếu trốn thì chém đầu”[8].
Và, lưu ý là, không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên sông…của vùng ven biển này như Vọng Doanh, Thần Phù, Lầm Cảng…được nhắc đến không phải chỉ một lần như trong thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông…và những nhà thơ tên tuổi ở cuối thế kỷ XV[9].
Bối cảnh của công cuộc đắp đê, khẩn hoang vùng ven biển này thời Lê Sơ là như vậy.
Dĩ nhiên vùng ven biển Nam sông Hồng thuở ấy không bề thế như thời Cận – hiện đại. Một số tác giả khi đề cập đến khung cảnh Đại Việt ở các thế kỷ XI – XV, hay tình hình nông nghiệp thời kỳ này, đã phác thảo đôi nét về vùng ven biển Nam sông Hồng thế kỷ XV[10]. Những tài liệu địa chất kết hợp với tài liệu địa phương cho phép bổ sung vì diện mạo, đặc biệt là vị trí của các cửa sông lớn, trên cơ sở đó vạch ra giới hạn gần đúng của bờ biển khu vực này trong thời gian đó.
Cửa Thần Phù:
Ngày nay, Cửa Thần Phù đã nằm sâu trong đất liền 12km đường chim bay. Nhưng, trong dân gian vẫn còn lắng đọng mãi câu ca dao cổ:
“Lênh đênh qua Cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”
Đó là ấn tượng chung về cửa biển lớn do hợp nước của các sông Hồ Hà, Trinh Nữ đổ qua địa phận xã Thần Phù (huyện Tam Điệp) trong nhiều thế kỷ. Thế kỷ XV, trong thơ Nguyễn Trãi, cửa Thần Phù vẫn “nổi sóng mười trượng, sóng rồng như cá kình phun ầm ầm Nam – Bắc, núi liền như giáo dựng”. Đến thời Hồng Đức (1470 – 1479) Lê Thánh Tông[11] có dịp qua đây. Trong tập Minh lương cẩm tú,, vịnh các cửa biển lớn đương thời, ông đã xếp cửa Thần Phù “Bãi hạc sông sâu xoáy…sóng biển dậy ù ù” vào hàng thứ hai[12].
Cách cửa biển này 4km đường chim bay về phía Tây Bắc là núi Bảng (Xã Kinh Đào huyện Tam Điệp). Sách Đại Nam nhất thống chí chép về núi này có ghi “Núi khá cao, người đi ngoài biển thường trông vào làm tiêu chí nên lại có tên là Vọng Sơn. Bên cạnh có ngọn núi nhỏ là Mao Sơn. Sông Trinh Giang chảy phía Tây, sông Căn chảy quanh phía Đông tức là cửa biển Yên Mỗ thuộc châu Trường Yên xưa. Làng Căn hay Yên Mô Căn…chính là dấu tích cửa Căn”[13].
Cửa Đại An
Cũng như Thần Phù, cửa biển này ngày nay đã cách xa biển cả, nhưng trong lịch sử các tên cửa Đại Nha, Đại Ác, Đại An được nhắc đến khá sớm và nhiều lần, chẳng hạn:
- Năm 571 khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử đuổi gấp đã chạy đến cửa Đại Nha.
- Năm 978, nghe tin vua Đinh mất, Ngô Nhật Khánh đã dẫn quân Chiêm vượt biên vào xâm lấn, khi qua cửa Đại Nha gặp sóng to gió lớn, thuyền bị lật chìm, Khánh bị chết đuối trong đám quân xâm lược.
- Năm 1044, Lý Thái Tôn đem quân đánh Chiêm Thành, khi chiến thuyền qua đây gặp kỳ sóng yên biển lặng đã đổi tên Đại Ác thành Đại An.
- Năm 1407, tướng nhà Hồ là Hồ Đỗ, Hồ Xạ chống quân Minh không nổi đã lui từ vùng Giao Thủy về cửa Đại An…[14]
Khi chua các sự kiện này các tác giả Cương Mục đều cho “Cửa Đại An là Cửa Liêu thuộc xã Quần Liêu huyện Đại An”[15].
Tác giả cuốn “Lý Thường Kiệt” khi phác thảo đường hành quân thủy của nhà Lý năm 1068 cũng cho như vậy[16]. Tác giả “chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII lại chỉ định “Cửa biển Đại An nổi tiếng thời Lý Trần nay chỉ còn lại dấu vết trên bờ sông Đáy cách biển khoảng 10km”[17].
Các tác giả trên chủ yếu dựa vào dấu tích của Tân Cửa Liêu – một cửa lối quan trọng của thế kỷ XIX để xác định cửa Đại An và đã đồng nhất vị trí của cửa biển này suốt 10 thế kỷ.
Thực ra, như tài liệu địa chất đã dẫn ở trên, vùng cửa sông Đáy là nơi có tốc độ bồi tụ lớn hơn cả, do vậy cửa Đại An ở thế kỷ VI không thể cùng nằm trên vị trí của cửa Đại An thế kỷ XV.
Thế kỷ thứ VI dòng cửa sông Đáy còn chảy qua khu vực phía Nam thị xã Ninh Bình ngày nay. Cửa biển mà Triệu Việt Vương chạy đến là vùng Độc Bộ - Phù sa, nơi còn lại của những đền thờ gốc vị vua bất hạnh này, nơi trở thành trung tâm hành hương trong nhiều thế kỷ sau.
Thời gian sau, sông Đáy vượt qua đoạn Hưng Chinh, Đào Khê chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đã gặp dòng Ninh Cơ – như tài liệu địa chất xác định - ở vị trí Tam Tòa (nay thuộc huyện Nghĩa Hưng).
Đó chính là cửa Đại An thời Lê sơ – cửa biển mà Nguyễn Trãi, trong một bữa ăn chiều tạnh mưa đến thăm huyện Vọng Doanh nhìn thấy “Triều lớn cảnh Đại An nước như trời, lờ mờ rặng cây xa trong làn khói”[18].
Cửa Muộn Hải
Một vị trí nữa cần xác định là cửa sông Hồng ra biển. Ngày nay đó là cửa Ba Lạt (thuộc sông Hồng) và cửa Hà Lạn thuộc sông Hà Lạn đến địa phận huyện Xuân Thủy. Ở thế kỷ XV, các tài liệu như toàn thư, cương mục chỉ thấy chép Cửa Muộn Hải huyện Giao Thủy.
“Năm 1407, Mộc Thạnh từ sông Mộc Hoàn tiến đánh Nguyên Trừng, Trừng bị thua lui về giữa cửa Muộn Hải”[19] sau đó Hồ Đõ và Hồ Xạ cũng đem quân về đây hợp với Hồ Nguyên Trừng.
Trong bài thơ về sông Muộn, Sái Thuận chắc đã tả con sông này ở đoạn gần biển nên gặp cảnh “Bãi phẳng triều lên ngập”[20].
Tài liệu địa chất cho rằng cửa sông Hồng đổ ra biển ở thế kỷ XV là địa phận xã An Đạo (bờ Bắc sông Ngô Đồng huyện Xuân Thủy ngày này). Nơi đây còn dẫn tích những cồn cát cổ được hình thành ở cửa sông – nay còn có làng Cát Xuyên.
Đó là cửa Muộn Hải thời Lê sơ.
Với 4 cửa biển Thần Phù, Cửa Càn, Đại An, Muộn Hải, chúng ta có giới hạn gần đúng của đường ven biển Nam sông Hồng thời Lê sơ. Chính đường giới hạn này chỉ ra hình ảnh của con đê ngăn mặn thời đó: Đê Hồng Đức. Xác định được đê này cũng bổ sung việc xác định giới hạn bở biển lúc bấy giờ.
II – Đê Hồng Đức
Tác giả cuốn Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ năm 1958 và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 2, tập 2, năm 1962 đã dẫn lời chú của Cương mục khi đề cập đến đê Hồng Đức:
“Ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có đê đá từ phía Bắc của sông Thần Phù đến bờ Nam sông Càn và đê đất từ xã Côi Từ huyện Yên Mỗ đến xã Bồng Hải huyện Yên Khánh, tương truyền do Lê Thánh Tông sai đắp đê đề phòng nước mặn nên gọi là đê Hồng Đức"[21].
Năm 1978, tác giả của “Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải –Kim Sơn” xác định đoạn đê trên dài 25km[22].
Năm 1982, dựa vào các tài liệu địa phương như Ninh Bình, tỉnh chí, Yên Mỗ đinh bi ký, đê lộ bi ký…Tác giả cuốn chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII đã xác định những ghi chép của Cương Mục và chỉ ra đoạn đê ở xã Yên Mỗ được đắp vào năm 1472, ở xã Phù Sa – Nghĩa Hưng vào năm 1474[23].
Các tác giả trên đã chỉ ra khá rõ đoạn đê Hồng Đức còn ở khu vực Nam sông Đáy ngày nay.
Tuy nhiên còn khu vực ven biển từ cửa Đại An về cửa Muộn Hải chưa được đề cập đến.
Ngày nay ở các địa phương phía Nam huyện Nghĩa Hưng, và Bắc Hải Hậu, nhân dân rất quen thuộc với cái tên ĐÊ HỒNG ĐỨC. Ở địa phận Nghĩa Hưng (đối diện với đoạn đê Hồng Đức bên bờ Nam sông Đáy) còn có một loạt làng xã như Đại Đê, Quỹ Đê, Liễu Đê…Tương truyền được đặt từ thời này. Từ bờ Bắc sông Minh Cường – theo dọc đường 58 qua các xã Trực Hùng, Trực Cường, Hải Anh, Hải Bắc về đến Hối Khê…theo nhân dân địa phương chính là dấu tích đường đê được đắp vào thời Hồng Đức. Một tài liệu lịch sử - địa lý, do một trí thức người địa phương viết vào thế kỷ XIX là tạp chí Hà Lan – còn ghi rõ: “Đê Hồng Đức vào huyện Hải Hậu, đi ven hữu ngạn sông Hà Lạn. Từ Bắc xuống Nam qua đường hàng tỉnh cách chùa Hà Lạn 700 thước quay dần về phía Tây”.
Như vậy là ở khu vực ven biên sông Đáy, qua những dấu tích trên, đoạn đê thời Hồng Đức dài gần 25km.
Chắc chắn không phải chỉ đến thời Lê sơ việc đắp đê ngăn nước mặn ven biển mới được tiến hành. Thời Trần, vùng ven biển này là quê hương của các vương hầu quý tộc, một trong những trung tâm điền trang, thái ấp, lại được khuyến khích bằng chính sách của nhà nước năm 1266, công cuộc đắp đê, khẩn hoang lập xóm làng điền trang chắc chắn được tiến hành mạnh mẽ ở đây.
Tuy nhiên do việc các nhà quý tộc “tùy tiện đắp đê bối ngăn nước mặn rồi cày cấy”[24] nên chắc chắn chỉ mới hình thành các đoạn đê vùng, chưa thành hệ thống liên tục có quy mô lớn. Đến thời Lê sơ, do yêu cầu phát triển của kinh tế nông nghiệp do vị trí quan trọng về quân sự…của khu vực này, và trong điều kiện chính quyền trung ương tập quyền vững mạnh, công cuộc đắp đê ngăn mặn ở vùng này được chú ý quan tâm và đẩy lên một bước mới.
Theo Le Breton thì công việc đắp đê ngăn mặn ở vùng này, nhất là ở vùng cửa biển – trọng yếu như Thần Phù trên trục đường gia thông thủy Bắc Nam – không phải chỉ còn là công việc của cấp phủ huyện mà do chính một đại thần: Lê Niệm trực tiếp chỉ đạo[25]. Xin chú ý là Lê Niệm trong những năm trước đó đã đảm nhiệm trọng trách quân sự, dân sự ở vùng Đông Bắc (Hải Hưng – Quảng Ninh ngày nay). Đến nay do nhu cầu tăng cường vùng ven biển đầu mối giao thông, nhất là nhu cầu xây dựng lực lượng quân sự, hậu cần chuẩn bị trực tiếp cho lần đánh Chiêm Thành năm 1471 Lê Niệm được giao phụ trách công việc này ở vùng Nam sông Hồng.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nhà Lê còn yêu cầu cácc phủ huyện của vùng Sơn Nam đặc biệt lưu tâm tới việc đắp đê, khai thác đất đai vùng này, trong sắc dụ tháng 11 năm Tân Mão – 1471, Lê Thánh Tông yêu cầu các quan thừa tuyên phủ, huyện ở Sơn Nam “phải mau mau đi xét các hạt núi chằm, bờ biển, chỗ nào có thể đào được…hạn trong trăm ngày phải tâu rõ ràng lên; nếu để quá muộn sai vệ sĩ cẩm y đi xét hỏi ra thì phủ huyện phải bãi chức sung quân vào Quảng Nam…”[26].
Với đầu tư của Trung ương và địa phương như vậy, công cuộc đắp đê ngăn nước mặn ở đây đã được tiến hành với tốc độ nhanh, quy mô lớn. Chỉ gần một năm sau sắc dụ 1471 (đã nêu trên) đoạn đê ở Yên Mô đã hoàn thành, hai năm sau đoạn ở Phù Sa cũng đắp xong…
Những người đắp đê thuở đó đã tận dụng, khai thác ưu thế của thiên nhiên địa hình và đầu tư rất nhiều công sức.
Đoạn từ cửa Thần Phù đến cửa Càn, dựa vào nguồn đá của dải Yên Duyên, đê được kè đá vững chắc. Ở những đoạn khác, theo xác định của tài liệu địa chất, qua những dấu tích còn lại, đê được bồi đắp trên gờ của bờ cát cổ do sóng biển tạo thành. Theo dân gian truyền lại (và cũng là cách làm của dân vùng ven biển hiện nay) những người đắp đê đã phải đào dải hào sâu song song chân cồn cát, chuyển đất sét già đào từ nơi khác dồn vào lòng hào để làm chân đê, sau đó mới đắp dần lên.
Đi dọc theo dấu tích còn lại (chắc chắn không phải là toàn bộ đê Hồng Đức!) dải đê ngăn nước mặn này trải dàn gần 50 km. Đi từ cửa Thần Phù, Phù Sa qua các xã Kinh Đào – Yên Mô Càn, Cối Trì, Duyên Phúc – Cống Thủy, Nhuận Ốc. Điều đê Đại Đê…vượt qua Quần Anh về đến Hội Khê…).
Giữa một vùng ven biển đầy sóng gió và cồn cát – con đê Hồng Đức thực sự là công cuộc lao động kiên cường, bền bỉ, một thành tựu lớn lao.
Không thể không đề cập tới vai trò, tác dụng quan trọng nhiều mặt của dải đê này trong địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước thời Lê sơ.
Đoạn đê đá, chắc chắn ở vùng cửa Thần Phù đã trở thành lũy thành vững chãi bảo vệ cho cửa biển – cửa khẩu quan trọng trên trục đường thủy Bắc – Nam mà ít nhất những thế kỷ XVI – XVIII vẫn còn nhắc tới. Dải đê này còn trở thành đường giao thông thuận tiện trên hướng Tây Bắc – Đông Nam, thành nền tảng của con đường 55 ngày nay.
Nhưng trước hết, ĐÊ HỒNG ĐỨC – Như nội dung của nó là đê ngăn nước mặn chủ yếu trở thành tường thành vững chắc đối đầu với sóng, gió, nước mặn bảo vệ xóm làng bảo vệ thành quả lao động vào mở ra địa bàn khẩn hoang của nhân dân vùng đồng bằng ven biển.
III – Công cuộc khẩn hoang
1. Trong khu vực được con đê này che chở, bảo vệ công cuộc khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác, lập xóm làng…thời Lê sơ đã được tiến hành sôi nổi.
Tác giải Phan Huy Lê, Trương Hữu Quýnh đã đề cập đến một số hoạt động khẩn hoang ở khu vực bờ Nam sông Đáy như Phương Trì, Cối Trì, Cống Thủy, đó là những vùng đã được khẩn hoang theo các phương thức sau:
- Do những công thần được Lê Thánh Tông ban cấp đất đai, sau đó chiêu mộ dẫn đến khai khẩn như trường hợp Lê Niệm ở Phương Trì.
- Do nhân dân các làng xã tự tổ chức như ở Cống Thủy, Cối Trì.
Xin bổ sung vài điểm sau:
- Về phương thức thứ nhất, nếu theo thống kê của Phan Huy Lê trong chế độ ban cấp ruộng đất thời Lê sơ và tính chất sở hữu của loại ruộng thế nghiệp thì Nguyễn Xí – Công thần khai quốc của nhà Lê được ban cấp 5135 mẫu với nhiều loại ruộng, trong đó có loại ruộng hoang, ruộng vô chủ…ở khắp 6 trấn. Riêng ở vùng này có tới 2013 mẫu [27]. Với loại ruộng như trên, chắc hẳn cũng sẽ diễn ra hoạt động chiêu dân khẩn hoang như ở Phương Trì.
Bản thân trường hợp Lê Niệm, ngoài lần được ban cấp lớn sau chiến công đánh Chiêm Thành 1470 – dẫn đến công cuộc khai khẩn ở Phương Trì theo Bia Thần đạo ở nhà thờ xã Hải Nam – Hải Hậu, dựng năm Duy Tân thứ 9, thì “Nhà nước xét là dòng họ công thần, đặc cách cho tùy ứng dựng ấp. Khoảng năm Thái Hòa – Diên Ninh (1443 – 1459) có người từ Trung Độ vào huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương sau lại đi sang huyện Giao Thủy dựng ấp tại xóm giữa, đặc tên theo quê cũ là Hội Khê. Thời gian đó đất bãi chưa có người, các cụ đã xe đất mở bãi dựng nhà, là một trong năm tổ lập làng. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây, khen là công tập hợp dân cư lập ấp, bèn chuẩn cho làm xã”. Bia này mạc dù lập muộn, song những phù hợp với nhiều gia phả ở vùng này, chẳng hạn như Gia phả Họ Lê ở Hội Khê, Họ Lai ở Quần Anh cũng ghi tương tự. Ngày nay dòng họ Lê ở Hội Khê vẫn coi mình là con cháu của Lê Niệm.
Như vậy là trước sự kiện Phương Trì khoảng 10 năm, vùng đất Hội Khê – tổng Kiên Lao – huyện Giao Thủy phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Xuân Thủy) cũng đã được khẩn hoang theo phương thức thứ nhất.
2. Ngoài 2 phương thứ đã được đề cập trên, trong 43 số đồn điền – một phương thức khẩn hoang do Nhà trực tiếp tổ chức - ở vùng này có ít nhất một sở là Vọng Doanh. Hiện nay chưa có tài liệu để hiểu biết về quy mô, cách thức khẩn hoang này ra sao. Chỉ biết rằng Vọng Doanh là tên huyện thời Lê sơ “phần phía Nam huyện Tam Điệp ngày nay), và trong huyện này có 2 xã Vọng Doanh cách nhau 5km. Một thuộc tổng Bồng Xuyên, một thuộc tổng Thựng Động.
3.Về phương thức khẩn hoang do dân các làng xã tự tiến hành như Côi Trì, Cống Thủy, Quần Anh, xem bảng phân tích sau đây:
Địa điểm khai hoang (1) |
Năm đến (2) |
Qui hướng gốc (3) |
Khoảng cách (km) (4) |
Số họ (5) |
Qui mô (6) |
Côi Trì:
Huyện Yên Khang
Phủ Trường Yên
|
1470
(1471) |
Xã Di Thượng – Đại An
Xã Đông Cảo – Đại An
Xã Bộc Cô – Vọng Doanh
Xã Ninh Xá – Vọng Doanh
|
7
5 |
7 |
Xã |
Cống Thủy
Huyện Yên Khang
Phủ Trường Yên |
1471 |
Xã An Vân – Yên Mỗ
Xã Cốc Dương – Đại An |
5
8 |
3 |
Xã |
Quần Anh
Huyện Nam Châu
Phủ Thiên Trường |
1485
(1486) |
Xã Bách Tính – Nam Châu
Xã Hội Khê – Nam Châu |
12
7 |
9 |
Xã |
Theo bảng phân tích này chúng tôi nhận thấy:
Ở cột 2 – Những người đến khẩn hoang ở Côi Trì vào năm 1470 – 1471, ở Quần Anh 1485 – 1486 sở dĩ có tình trạng như vậy là vì tất cả các tài liệu ở địa phương đều chỉ chép năm của Niên hiệu Hồng Đức chứ không ghi theo năm Can chi. Nếu căn cứ vào bia ở Côi Tri ghi năm Hồng Đức nguyên niên, ở Quần Anh ghi Hồng Đức thập lục niên – thì các sự kiện trên đều xảy ra trước một năm khi chính sử như Toàn thư, Cương mục ghi những sắc lệnh quan trọng của Lê Thánh Tông yêu cầu các địa phương vùng ven biển phải tăng cường việc khai khẩn đất đai cũng như những yêu cầu thể thức cho phép dân được khẩn hoang. Chẳng hạn, năm 1486 Lê Thánh Tông ra sắc lệnh cho các phủ huyện xã “nơi nào có ruộng bỏ hoang ở vùng ven biển mà người ít ruộng tình nguyện bồi đắp đê khai khẩn làm ăn, nộp thuế, thì phủ huyện xét thực cấp bằng cho làm”.
Nếu như vậy thì có thể:
- Những công cuộc của dân làng xã này đã xảy ra trước đó, sau đó Nhà nước phong kiến Trung ương đã kịp thời ban hành sắc lệnh.
- Sau khi có sắc lệnh, có hướng dẫn, dân làng mới theo đó mà tiến hành.
Vì thế, chúng tôi đã để mốc thời gian ở cột 2 như vậy, song, dù sao đi nữa, những công cuộc khẩn hoang của dân làng xã ở đây cùng với công cuộc khẩn hoang ở tổng Hà Nam – Phong Cốc (Quảng Ninh) cũng trong thời gian này đã chứng minh rằng, phương thức khẩn hoang do dân làng tự tiến hành đã được triển khai mạnh, đạt thành tựu vào đời Hồng Đức.
Cột 3 và 4 cho thấy rằng, những người đi khẩn hoang là cùng đơn vị hành chính cấp phủ và cách nơi khẩn hoang không xa lắm, khoảng trên dưới 1km đường chim bay. Sở dĩ như vậy, một mặt vì do sắc lệnh Nhà nước qui định là phải do “phủ, huyện xét thực cấp bằng cho làm”, mặt khác, do chính cơ sở kinh tế của những người “ít ruộng, tình nguyện đi khai khẩn” qui định.
Cột 5, 6 cho thấy tất cả đều có ít nhất 3 dòng họ trở lên đến khai thác, lập thành xã (gồm nhiều làng). Nếu trong các cuộc khai khẩn lập làng thời Lý – Trần, người ta thấy xuất hiện những làng xóm do một dòng họ đến tiến hành sau mang tên của chính dòng họ đó như Đoàn Xá, Trần Xá…thì bây giờ, với qui mô khai khẩn lớn hơn – với công việc trị thủy hơn…đòi hỏi dòng họ phải chung lưng đấu sức cùng làm. Khi đất đai đã khẩn xong cơ bản, khu vực ở của các dòng họ có thể ở riêng như ở Quần Anh, song tên xã, tên làng vẫn là tên chung, là khát vọng của tất cả những người đi mở đất.
Tài liệu để tập hợp bảng phân tích trên chưa cho biết những người nông dân thuở ấy đã phải tổ chức, tiến hành công cuộc lao động của mình ra sao?. Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập xã Quần Anh, chúng tôi hy vọng sẽ từ đó hiểu thêm cách tổ chức khẩn hoang này.
Quần Anh ngày nay là tên chỉ cả một vùng rộng lớn thuộc các xã phía bắc đường 56 huyện Hải Hậu – Hà Nam Ninh.
Giữa thế kỷ XV, tài liệu địa chất xác định đây là vùng đất bồi, những cồn cát được tạo lập giữa 2 cửa Đại An và Muộn Hải. Theo nhiều gia phả, truyền thuyết ở đấy, vào thời Hồng Đức những người dân vùng Bách Tính, Tương Đông Huyện Nam Châu, phủ Thiên Trường hay tới đây đánh cá. Nhân có chủ trương của Nhà nước, các ông tổ của 4 họ Trần, Vũ, Hoàng, Phạm ở các xã đó đã lập đơn xin được hợp tác khai khẩn vùng cồn cát này.
Các tài liệu như Quần Anh thân ước điền thổ, bia ở đến Hội Khê, bia trên mộ Vị Hương tiến Hoàng Ngọc…cho biết các vị đó đến đây vào đời Hồng Đức thứ mười sáu. Sau 4 họ này, 9 họ khác cũng từ Bách Tính và Hội Khê tiếp tục đến phối hợp.
Muốn có chỗ ăn ở để tiến hành công việc, các họ trên đã “mượn” của dân Cát Chủ huyện Nam Châu – bên bờ Tây Bắc sông Ninh Cường một khoảnh đất 19 mẫu, 9 sào, 3 thước (địa bạ Gia Long 1804) để dựng nhà ở. Dân Quần Anh gọi khoảng đất này là Xối Nước. Họ đã để lại đây phụ nữ và trẻ em chăm lo hậu cần, bếp núc, còn trai tráng khỏe mạnh thì cứ buổi sang đẩy thuyền sang bãi để quai đê, đắp vùng chiều tối lại về, 4 vị đứng đầu dòng họ phân công nhau mỗi vị quán xuyến một việc:
- Trần Vũ – chỉ đạo lực lượng khẩn hoang.
- Vũ Thi – Chăm lo việc đắp đê, đào mương.
- Hoàng Gia – dạy học.
- Phạm Cập phụ trách giấy tờ, sổ sách, đo đạc ruộng đất.
Những người khẩn hoang đã phải bỏ nhiều thời gian, công sức để san đắp vượt nền làm ruộng, dành khu đất cao để lập xóm, làm nhà. Đặc biệt là việc đào đắp hệ thống đắp hệ thống kênh mương để rửa mặn, thau chua, dẫn nước ngọt từ hệ thống sông Ninh Cường, sông Múc, song Hệ vào đồng. Và làng Kim Đê ở mặt đông của xã – còn mang tên đến ngày nay như là tượng đài kỷ niệm mồ hôi, sức lực, giá trị của 2 con đê chặn nước mặn do họ đắp thuở ấy.
Đến khi công việc trên cơ bản hoàn thành “trăm nhà xây dựng, ruộng đất rõ ràng” (Huân Tích ký) họ mới chính thức đưa bầu đàn thê tử từ Xối Nước sang ở.
Đến năm 1511 – như Bia chùa Phúc Lâm gia phả họ Lại ghi, xã Quần Anh mới chính thức thành lập.
Tính ra, từ buổi đầu mở đất đai khẩn hoang đến khi lập thành làng xã, với tổng diện tích khai khẩn là 9063 mẫu. 25 năm đã trôi qua, vừa vặn một thế hệ mới ở Quần Anh trưởng thành.
Công cuộc khai hoang tự lực của những người dân đến đất này bền bỉ biết bao.
Khi nhìn lại công cuộc trị thủy, khẩn hoang lập xóm làng, mở rộng diện tích sản xuất ở thời Lê sơ nói chung, ở khu vực ven biển Nam sông Hồng nói riêng, đương nhiên phải chú ý đến những yêu cầu về việc mở rộng đất đai canh tác, yêu cầu về ruộng đất tư của người nông dân tự do…và những thành tựu đạt được có tác dụng giải quyết những mâu thuẫn xã hội quan trọng[28].
Ở khu vực ven biển Nam sông Hồng thuở ấy, không thể chỉ nhấn mạnh một yếu tố nào, coi đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công tác trị thủy, khẩn hoang. Những hành động đó được chú ý đẩy mạnh và đạt thành tựu ở vùng này là sản phẩm của hàng loạt yếu tố địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự, của Nhà nước trung ương và nhân dân…hợp thành. Con đê Hồng Đức – vững chãi, trải dài suốt vùng ven biển này, sự có mặt của nhiều phương thức khẩn hoang thành tựu ở đây nói lên điều đó.
Đối với đương thời, công cuộc lao động bền bỉ, kiên trì của những người đi trị thủy khẩn hoang để lập những xóm làng trù phú “ngàn mẫu bồi mà trăm nhà dựng, xanh tươi sầm uất như một vũ trụ…” (Bia đình xã Trung – Quần Anh) chắc hẳn có tác dụng giải quyết khá tích cực những đòi hỏi nhiều mặt của tình hình kinh tế - xã hội.
Song vấn đề không phải chỉ như vậy, thành tựu lao động của những người đi lấn biển thời Lê sơ còn được đặt trong một vùng cửa biển hoạt động nhất, của nhiều thế kỷ sau tiếp tục khẩn hoang. Những “Gia vương tạc tượng bia tròn ghi công” với hình Trần Vũ đối mặt trời, Vũ Chi đạp sóng, Hoàng Gia cắm bông lúa chiếc bút…mà con cháu của những thế hệ đi mở đầu gian khổ, để ghi công những bậc tiền bối của mình, còn nhắc nhở nhiều thế hệ sau tiếp tục tinh thần, ý chí của những người đi khẩn hoang thuở ấy.
Và, cũng không phải ngẫu nhiên mà chính ở vùng ven biển này, các thế kỷ sau, tập trung là thế kỷ XIX đã liên tục xuất hiện những thành tựu khẩn hoang như Ninh Nhất, Hoành Thu, Sĩ Lâm, Quế Hải…những nhà tổ chức khẩn hoang có tên tuổi như Phạm Văn Nghi, Đỗ Tồn Phát…Những trí thức, cách thức và bài học mà những người đi mở đất Côi Trì, Cống Thủy, Quần Anh…ở thế kỷ XV…được chắt lọc, vận dụng trong nhiều thế hệ những người đi lấn biển.
Tuy nhiên, đó lại là vấn đề xin phép được tiếp tục đề cập vào dịp khác.
[1] Trương Hữu Quýnh. Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII. Tập I, NXB Khoa học xã hội. H.1982. các trang 250, 253.
Bộ thủy lợi – sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam. NXB khoa học xã hội. H.1982.
[2] Phan Đại Doãn, Mấy nét về công tác khẩn hoang thành lập tổng Ninh Nhất – Hoàng Thu – NCLS 204/1982
[3] Bài viết này sử dụng các tài liệu khảo sát điền dã của Phan Đại Doãn, Phạm Thanh Hải, Đinh Hữu Lực và tác giả.
[4] Các tài liệu địa chất, xem Kneiner I U. Nguyễn Quang Hạp – Phân vùng địa mạo trũng Hà Nội và các khoảng liên đới – Tập san địa chất H.1968.
- Hoàng Ngọc Kỷ - Trầm tích nhân sinh và các giai đoạn hình thành đồng bằng Bắc bộ. Tập san địa chất. H.1976.
- Nguyễn Xuân Trường – Một số kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu đặc điểm địa mạo vùng ven biển một số tỉnh phía Bắc – Hội nghị khoa học Biển – Nha Trang 1977…
[5] Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm – Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. NXB KH xã hội. H.1970 chương VI.
[6] Nguyễn Trãi toàn tập – NXB xã hội, H.1976. tr.222.
[8] Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê – Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ - quyển XII. KHXH. H.1972 T3. Tr.229
[9] Có thể kể các bài: Đến đậu thuyền ở cảng Lãm, qua cửa Thần Phù, Vọng Doanh, sông Muộn...
[10] Trương Hữu Quýnh – Chế độ ruộng đất…Sđd Chương I – Khung cảnh xã hội Đại Việt thế kỷ XI – XV, tr.31.
[11] Nguyễn Trãi toàn tập – Sđd, tr.283 – 284.
[12] Lê Thánh Tông – Núi Thần Phù – trong Hồng Đức quốc âm thi tập.
[13] Đại Nam nhất thống trí – Quyển XIV – tỉnh Ninh Bình, Nhà XB KH xã hội H.1971. tr.239 – 240.
[14] Xem Cương Mục các cuốn tiên hậu IV – 13, Cb I – 11, 12. Cb III, 8 – 9, Cb X 30, 40 Cb XII -16.
[15] Lời chua của Cương Mục – Tb IV, 13.
[16] Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt – Sài Gòn 1966 (tái bản), tr.59.
[17] Trương Hữu Quýnh – chế độ ruộng đất – Sđd tr.314.
[18] Bùi Vọng Doanh – trong Nguyễn Trãi toàn tập Sđd tr.314.
[19] Cương Mục – Cb XII -16.
[20] Sái Thuận – sông Muộn dẫn trong tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X – XVII. NXB Văn hóa H.1962, tr.363.
[21] Cương Mục – Cb XII – 32.
[22] Phan Đại Doãn – Tìm hiểu cuộc công khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải – Kim Sơn NCLS 180/1978, tr.24.
[23] Trương Hữu Quýnh – Chế độ ruộng đất – Sđd. Tr.43.
[24] Cao Hùng Trưng – An Nam chí Nguyên – Hán văn EFEO. H.1932 – tr.210.
[25] Dẫn lại của Trương Hữu Quýnh – Chế độ ruộng đất…- Sđd – tr.120.
[26] Toàn thư BX quyển XIII – Sđd – tr.297.
[27] Tạp chí NCLS số 199/1981 – tr.17.
[28] Trương Hữu Quýnh – chế độ ruộng đất…Sđd tr.308.
Hà Nội, 10 - 1984
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 30-07-2013.