SỰ KẾT HỢP GIỮA NÔNG THÔN VÀ THÀNH THỊ
MỘT ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA NÔNG THÔN TRUYỀN THỐNG Ở
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ CÁC TỈNH VEN BIỂN MIỀN TRUNG
Kinh tế và xã hội truyền thống Việt Nam không giống như các nước Tây Âu, kể cả Nhật Bản thời kỳ tiền tư sản chủ nghĩa. ở nông thôn Việt Nam, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, những thành tố của thành thị lại hoà tan trong nông thôn. Ở châu Âu ngay từ thế kỷ XV về sau, thành thị đã tách khỏi nông thôn và sự tách biệt đó ngày càng sâu sắc. Còn ở Việt Nam, Bắc Bộ và Trung Bộ từ thế kỷ XV về sau thì không như thế, nền kinh tế hàng hoá và cùng với nó là bộ phận thị dân gắn liền với nông nghiệp, với nông thôn cho đến đầu thế kỷ XX[1]. Làng quê và thành thị kết hợp với nhau ra một thể thống nhất về kinh tế, xã hội.
1. Thương nghiệp nông thôn
a. Chợ phiên và phố nhỏ
Chợ làng có vai trò thương nghiệp rất quan trọng. Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đức Nghinh và Trần Thị Hoà[2] thì trước tháng 8-1945, ở vùng Bắc Bộ (trong phạm vi các tỉnh Hà Nam, Thái Bình) cứ trong khoảng xấp xỉ 7km2 (khoảng từ 3 đến 6 làng) có 1 chợ. Xét từ góc độ dân số học, cũng theo Nguyễn Đức Nghinh, thì khoảng 5.120 người ở Bình Lục (Hà Nam) có 1 chợ và 3.300 người ở Quỳnh Côi (Thái Bình) có 1 chợ. Riêng ở Bình Lục cứ khoảng 3, 2 đơn vị làng có 1 chợ.
Như vậy chợ làng khá dầy đặc. Đó là biểu hiện của nền kinh tế hàng hoá khá mở rộng. Chợ làng còn gọi là chợ phiên có nhiều tầng bậc khác nhau. Có chợ hôm (hoặc chợ sớm) họp chợ hàng ngày hoặc vài ngày một lần. Chợ tổng, chợ huyện lớn hơn các loại chợ hôm, họp thưa ngày, người đông hơn và có thêm một số hàng đặc sản.
Thương nghiệp chợ làng truyền thống thường bao gồm:
- Một số người buôn bán chuyên nghiệp, có liều quán như hàng xén, hàng vải, hàng thịt, hàng cá, hàng lương thực, hàng thực phẩm chế biến... số lượng không nhiều lắm.
- Một số nông dân chạy chợ “đòn gánh đè vai, lấy công làm lãi” thường xuất hiện vào dịp nông nhàn, hoặc từ những nhà đông người “thừa nhân lực”.
- Và những người tiểu nông đem các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủ công trao đổi.
Cơ cấu mặt hàng của chợ chủ yếu vẫn là nông sản mà phần nhiều là sự tự sản tự tiêu ở trong vòng của kinh tế tự túc tự cấp. ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, có nhiều chợ chuyên bán một số mặt hàng thủ công nghiệp của một số làng nghề như chợ Đại Bái bán đồ đồng; chợ Thổ Hà, chợ Bát Tràng chuyên bán hàng sành gốm; chợ Vân Chàng, chợ Nho Lâm chuyên bán hàng rèn sắt, v.v…
Sự phát triển của chợ làng tạo ra một “vùng liên làng” theo chu kỳ phiên họp trong từng tháng. Một số làng gần nhau được phân chia họp chợ trước sau theo thời gian tuần tự tạo ra một một sự lưu thông hàng hoá một “vòng khép”. Một câu ca dao ở vùng Vĩnh Bảo (Hải Phòng) mô tả kiểu lưu thông hàng hoá theo chợ “liên làng” như sau:
“Một Râu, hai Mét, ba Ngà,
Tư Cầu, năm Táng, sáu Ngà lại Râu.
Bảy Ngà, tám Mét, chín Cầu.
Mồng mười, chợ Táng, một Râu lại về”.
Hiện tượng “vùng liên làng” như trên có ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cứ như vậy, lần lượt suốt tháng quanh năm, ngày nào người nông dân cũng có điều kiện trao đổi hàng hoá trong các chợ làng.
Chúng tôi cho rằng một “vùng liên làng” đã tạo ra sắc thái phong phú khác nhau trong một huyện, chẳng hạn có vùng thượng huyện, vùng trung huyện, vùng hạ huyện hoặc là vùng Đông, vùng Tây... vừa biểu hiện sự phân biệt sinh thái, vừa biểu hiện phân biệt kinh tế hàng hoá trong khu vực huyện.
Mạng lưới chợ nông thôn là sản phẩm của quá trình mở rộng của kinh tế hàng hoá nhỏ tồn tại hàng nghìn năm qua. Chợ làng là nơi người tiểu nông bán những sản phẩm chưa dùng đến: là nơi họ mua những sản phẩm thiếu. Hình thức trao đổi ở chợ, xét cho cùng cũng là vật đổi vật, bán vật này để mua vật kia, vai trò của tiền tệ không lớn lắm. Mạng lưới chợ vừa là biểu hiện của sự bế tắc của kinh tế tiểu nông, vừa là biện pháp giải quyết bế tắc đó. Nó thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hoá trong kinh tế tiểu nông, đồng thời nó cũng góp phần bổ sung và duy trì kinh tế tiểu nông. Hai mặt khác biệt này cùng tồn tại, cùng phát huy tác dụng tạo nên tính ổn định (hoặc thay đổi rất chậm) của sinh mệnh và của cấu trúc hàng hoá chợ.
Như vậy, chợ làng không những không làm giải thể kinh tế tiểu nông làng xã mà còn góp củng cố cấu trúc kinh tế truyền thống lấy nông nghiệp làm cơ sở (cần lưu ý là chợ làng không sản sinh ra được kinh tế tư bản chủ nghĩa). Chợ làng không phải là thành thị mà chỉ là một phần nhỏ của thành thị hoà trong nông thôn.
b. Thị trấn
Ở đồng bằng và ven biển, hầu như nơi nào cũng có thị trấn, mà phần lớn là huyện lỵ, phủ lỵ. Quy mô của thị trấn không đồng đều, ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ thường lớn hơn ở miền Bắc. Thị trấn lớn có thể có 1.200 hộ gia đình, nhỏ thì chỉ một vài trăm hộ. Nhìn chung, thị trấn là nơi buôn bán không phong phú lắm, chủ yếu là những hàng tiêu dùng gia đình, hàng lương thực, thực phẩm... nhằm giải quyết nhu cầu sinh hoạt của cư dân địa phương mà phần lớn là công chức ăn lương, binh lính thường trực, những người về hưu (nghĩa là không phải những người lao động sản xuất)...
Như vậy, thị trấn được xây dựng trên cơ sở huyện lỵ nên bản thân nó mang tính chính trị. Việc mua bán ở đây căn cứ vào tiền lương, hoặc tiền do gia đình ở làng quê cung cấp để mua sản phẩm của người sản xuất nhỏ. Cho nên thương nghiệp thị trấn chẳng qua là sự chuyển hoá lương bổng từ nguồn tài chính nhà nước và sự chuyển hoá những sản phẩm nông nghiệp. Thị trấn loại này mang tính tiêu phí hơn là sản xuất. Loại hình thị trấn như trên không hoàn toàn là kết quả của quá trình phân công lao động xã hội. Thương nghiệp này không phải là lưu thông giá trị (mà nhìn chung vẫn là dạng tự túc tự cấp trong nông thôn).
c. Làng buôn
Có một thực tế là vào các thế kỷ XVIII-XIX và giữa thế kỷ XX ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện một loại làng, mà trong khoảng thời gian hàng mấy thế kỷ liên tục đại đa số làng lấy việc buôn bán làm nghiệp chính và nguồn sống chính của họ là do kinh tế thương nghiệp mang lại. Hoạt động chủ yếu của dân làng không phải trong lĩnh vực sản xuất mà trong lĩnh vực trao đổi hàng hoá, nhưng họ hoàn toàn không phải là cư dân thành thị. Có thể không trực tiếp sống ở làng nhưng họ vẫn là cư dân của làng xã, vẫn có đầy đủ mọi thứ quyền lợi và nghĩa vụ đối với làng xã, quê hương mình. Điều kiện và hoàn cảnh sống khá đặc biệt ấy đã dần dần làm nảy sinh trong họ tâm lý, tập quán, thế ứng xử riêng.
Qua nghiên cứu loại hình làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ như Đan Loan (Hải Dương), Đa Ngưu (Hưng Yên), Báo Đáp (Nam Định), cho thấy làng Phù Lưu (xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh) là làng buôn tiêu biểu nhất.
Phù Lưu vốn là một làng cổ ở vào vị trí thuận lợi trên con đường giao thông thủy bộ nối liền với các trung tâm kinh tế và chính trị của đất nước. Do đó, nó sớm trở thành một nơi giao lưu buôn bán. Chợ Phù Lưu ra đời sớm và đến cuối thế kỷ XV đã trở thành một chợ lớn ở trong vùng. Mặt hàng chín mà người Phù Lưu buôn bán là the lụa; họ mua bán trao đổi không những ngay tại chợ làng Phù Lưu mà còn tỏa rộng ra khắp nơi. Chợ có tới gần ba chục quầy hàng cố định. Chợ Phù Lưu đã tác động sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của làng Phù Lưu; biến làng này thành làng buôn với kết cấu độc đáo là làng với chợ là một. Vào các ngày phiên chợ, làng Phù Lưu có dáng dấp như một thị trấn sầm uất[3].
Tuy thế, Phù Lưu chưa bao giờ là một trung tâm buôn bán tự do tách biệt như là một thành thị. Vào thời gian nghề buôn phát triển cao, trong làng vẫn duy trì thành phần kinh tế nông nghiệp ở mức độ đáng kể; tuy nghề nhuộm the lụa và buôn bán có lúc bị sút kém nhưng vẫn không mất hẳn. Cấu trúc làng vẫn không vượt ra khỏi cấu trúc truyền thống của làng nông thôn. Bộ máy hành chính, tự trị của làng về cơ bản cũng không khác các làng Việt truyền thống khác.
Chúng tôi không đánh giá cao hiện tượng làng buôn. Kết cấu kinh tế - xã hội làng buôn thực chất chỉ là một dạng kết cấu truyền thống đang trong quá trình chuyển biến dưới tác động của kinh tế hàng hoá và nghề buôn. Sự chuyển biến này chỉ ở những bộ phận nhỏ và rất chậm chạp tuy có làm thay đổi một phần cơ cấu thành phần kinh tế, thành phần cư dân, bộ máy quản lý một làng xã, các mối quan hệ trong làng cũng như trong đời sống văn hoá tư tưởng, nhưng sự thay đổi đó vẫn nằm trong khuôn khổ cũ, kết cấu cũ và chỉ là thay đổi về lượng mà thôi.
Khảo sát các làng buôn tiêu biểu trên cho thấy làng nào cũng có cổng kín, hào luỹ xung quanh, làng vẫn chia ra các thôn, các xóm, các giáp với hệ thống tổ chức hành chính và tự trị, về cơ bản không khác với các làng nông nghiệp. Làng vẫn có đủ các thành phần “sĩ, nông, công, thương” nhưng chưa bao giờ thương nhân tách ra thành tầng lớp độc lập và vươn lên nắm vai trò chủ đạo chi phối làng xã. Nghề buôn không được xã hội đề cao. Phù Lưu, Đa Ngưu, Báo Đáp là các làng thương nghiệp nhưng vẫn dựa trên mô hình làng nông nghiệp với những kết cấu kinh tế - xã hội truyền thống. ở các làng này, kinh tế thương nghiệp dù có phát triển đến mức nào đi nữa thì nó cũng không thể phá vỡ được cái khuôn cũ để biến thành trung tâm buôn bán tự do kiểu thành thị phương Tây.
Làng buôn là sản phẩm của quá trình mở rộng kinh tế hàng hoá và của nghề buôn trong điều kiện đặc biệt ở nông thôn Việt Nam cuối thời trung đại. Đây là hiện tượng kinh tế tương đối độc đáo trong lịch sử kinh tế thế giới, nhất là so với các nước Tây Âu thời tiền tư bản chủ nghĩa.
Vào thời trung đại ở Tây Âu, chế độ phân quyền cát cứ thống trị, Nhà nước trung ương không có thực quyền, thành thị dần dần ở thành đầu mối giao thông quan trọng ở ngoài rìa các lãnh địa. Thành thị là trung tâm buôn bán trao đổi giữa các lãnh địa với nhau nhưng lại không thuộc một lãnh địa nào. Tuy vậy, ngay từ đầu thị dân đã phải tìm mọi cách đấu tranh với các lãnh chúa phong kiến để khẳng định quyền tự do. Vượt ra khỏi vòng kiềm toả phong kiến, thị dân đã nắm quyền quản lý thành thị. Tại đây, sự phát triển cao độ của nền sản xuất hàng hoá nhỏ sẽ làm nảy sinh nền sản xuất hàng hoá lớn tư sản chủ nghĩa. Như vậy, thành thị làm nảy sinh mầm mống tư bản chủ nghĩa. Ngay từ thế kỷ XIV - XV, các thành thị ở Italia và Nêđeclan, những hình thức khác nhau của công trường thủ công đã xuất hiện và đến thế kỷ XVIII các thành thị Tây Âu đã là những thành thị tư bản chủ nghĩa hoàn toàn.
Làng buôn ở Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX mặc dù có một số chức năng kinh tế của thành thị, có một số bộ phận nửa thị dân nhưng về cơ bản vẫn chỉ là một làng nông thôn. Sự phát triển thành làng buôn là biểu hiện của quá trình phát triển quanh co của nông thôn và của thương nghiệp Việt Nam thời trung đại.
d. Thị tứ
Có thể coi là sản phẩm của vùng đất phía Nam, được hình thành trên những trung tâm giao thông thủy bộ nằm giữa vùng nông nghiệp trù phú. Thị tứ có khi là huyện lỵ, có khi không phải là huyện lỵ, nhưng thường có dịch vụ và sản xuất một số hàng thủ công, là tiền đô thị hay nửa đô thị. Chúng tôi cho rằng đây là biểu hiện của một kiểu dạng có khuynh hướng bắt đầu đô thị hoá hay nửa đô thị hoá.
Thị tứ thường có kết cấu kinh tế - xã hội: thương, công và nông nghiệp. Có thể xem làng Kiên Mỹ (Tây Sơn, Bình Định) làng quê của anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, là nơi các ông chọn đặt sở chỉ huy “đệ nhất trại chủ” và An Thái (cùng huyện) là địa điểm đang hình thành thị tứ. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đập Đá (Bình Định) là thị tứ.
Với kết cấu kinh tế - xã hội thương, công và nông, thị tứ có sức sống bền vững hơn một làng (chỉ thuần tuý phát triển buôn bán hay thủ công nghiệp). Nhưng trong thực tế cũng có một thị tứ phồn thịnh lên rất nhanh mà lụi tàn đi cũng rất chóng chỉ vì nơi đó có lý do đột xuất không còn điều kiện phát triển nữa (chẳng hạn như thị tứ Nước Mặn ở Bình Định). Tuy vậy, thị tứ ra đời cũng là hiện tượng đô thị hoá, nhưng chậm chạp và vẫn còn đậm tính chất nông thôn.
2. Thủ công nghiệp làng quê
Nông thôn Việt Nam có một nền thủ công nghiệp truyền thống phong phú, có nhiều nét đặc sắc về kỹ thuật và mỹ thuật. Đặc điểm nổi bật của thủ công nghiệp truyền thống là sự kết hợp nông nghiệp với thủ công nghiệp với nhiều cấp độ và sắc thái khác nhau tạo ra kiểu làng nghề.
Làng nghề dệt có phạm vi phân bố rộng khắp hầu hết các vùng nông thôn. Làng nào cũng có một số khung cửi dệt vải hay tơ lụa. Nhiều làng dệt xuất hiện xung quanh Thăng Long - Hà Nội. Đầu thế kỷ này ở xung quanh Hà Nội có khoảng 20 trung tâm dệt nổi tiếng, tiêu biểu như Vạn Phúc, Nghĩa Đô...
Ngoài ra, ở đồng bằng sông Hồng có nhiều làng nghề như: làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Lò Chum...; làng đúc đồng có Cầu Nôm, Đại Bái…; làng rèn sắt có Vân Chàng, Kiên Lao, Đa Sĩ. Cứ khoảng vài ba huyện thì có một làng đúc đồng. Làng rèn dày đặc hơn hai loại làng nghề trên, trung bình 3 huyện thì có một làng rèn.
Sự hình thành các làng nghề là biểu hiện của trình độ phân công lao động xã hội, thủ công nghiệp từng bức tách rời nông nghiệp. Đồng thời, ngay trong những làng trên lại xuất hiện tầng lớp người buôn bán những sản phẩm do gia đình hay phường hội của họ sản xuất, nên vẫn là một kiểu tự sản tự tiêu. Tuy nhiên sự phân công này rất hạn chế, chậm chạp, kéo dài và không triệt để. Xét về mặt hình thái kinh tế, các làng nghề thủ công vẫn là loại làng công-nông-thương nghiệp. Xin dẫn chứng ở làng gốm. Trừ Thổ Hà (Bắc Giang) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là hai làng gốm thuần nhất không cày ruộng, còn các làng gốm khác như Hương Canh (Vĩnh Phúc), Kệ Gián, Lâm Xuyên (Hải Dương) và nhiều làng gốm khác vẫn có một phận dân cư trong làng và ngay cả thân các hộ gia đình làm gốm vẫn làm nông nghiệp.
Ở các làng mộc, làng đan lát, làng nề, làng làm nón, làng làm lược thì sự kết hợp giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp càng chặt chẽ, sâu sắc hơn. Nổi tiếng như Tứ Xã (Phú Thọ), Yên Thái (Hà Tĩnh) chuyên làm mộc; Đông Giao (Hưng Yên) chuyên chạm khắc gỗ; Phương Chiểu (Hải Dương) chuyên nề... thì nguồn sống quan trọng của cư dân ở đây vẫn là nông nghiệp. Loại làng công-nông-thương vẫn tồn tại đến ngày nay được gọi là làng nghề nhưng trên thực tế thì nông nghiệp vẫn là cơ sở quan trọng của cuộc sống dân làng. Những loại làng công nông thương nghiệp này có nhiều ưu thế hơn làng nghề nông nghiệp thuần tuý: tận dụng được nhân lực và kỹ thuật sẵn có nền cuộc sống nhìn chung ổn định hơn.
3. Phường hội - “mảng thành thị”
Phường hội của thợ thủ công và thương nhân cũng phân tán như chợ làng.
Ở Việt Nam, phường hội rải rác khắp nông thôn và thành thị. Thời Lê, kinh đô Thăng Long có 36 phường, loại phường này có tính chất như đơn vị hành chính. Còn ở các làng quê thì phần lớn nơi nào cũng có phường mang tính chất nghề nghiệp. Có làng có đến hàng chục phường như làng Quần Anh (Nam Định) đầu thế kỷ XX có 10 phường, nghĩa là ở đây có bao nhiêu nghề phụ phi nông nghiệp thì có bấy nhiêu phường.
Về không gian, phường thường nằm gọn trong một làng, cũng có một ít phường rác ra vài ba làng như loại phường mộc, nề, may mặc. Về thời gian, phường nghề nghiệp tồn tại có thời han; theo mùa, theo năm. Sự mở rộng của phường còn lan ra cả nông nghiệp, một đôi nơi nông dân còn lập phường gặt, phường cấy. Phường không phải là nét độc đáo của kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp tiền tư bản chủ nghĩa Việt Nam.
Phường là hình thức hợp tác của những người sản xuất nhỏ, tư hữu nhỏ, là đơn vị kinh tế-xã hội dựa trên lợi ích nghề nghiệp có tính chất tự nguyện và bình đẳng. Chức năng, tổ chức và sự phân bố của phường ở nước ta có nhiều nét khác biệt với Châu Âu. Nói chung, tại Châu Âu, từ thế kỷ XIII về sau thường thường không có phường nào ở ngoài thành thị. Sự xuất hiện thành thị tự do đồng thời cũng là sự suất hiện phường và phường tách biệt nông thôn.
Ở đồng bằng sông Hồng hầu như làng nào cũng có phường. Thành phần của nó không thuần nhất. Có phường chỉ gồm các thành viên thoát ly nông nghiệp, nhưng phần nhiều thì vẫn làm ruộng. ở Việt Nam, phần lớn phường là tổ chức của những thợ thủ công và thương nhân còn gắn liền với nông nghiệp, thậm chí có nơi phường cũng mua ruộng, chẳng hạn như phường rèn và phường buôn ở làng rèn Nho Lâm (Nghệ An).
Hiện tượng này còn có ở phường sắt Vân Chàng (Nam Định). ở phường đúc đồng Trà Đông (Thanh Hoá) và ở nhiều nơi khác. Tổ chức của phường còn lỏng lẻo, nặng về tín ngưỡng, ăn uống hơn là sinh hoạt nghề nghiệp, phần nhiều quy chế chưa định thành văn bản.
Vậy phường hội với đặc điểm phân tán, tổ chức lỏng lẻo, thành viên chưa thoát ly nông nghiệp cũng chính là những mảng thành thị hoà lẫn trong làng quê; nói cách khác cũng là sự hoà tan của thành thị trong nông thôn. Và trong trường hợp này, người tiểu nông không đơn thuần chỉ là người cày ruộng mà đôi khi còn là thợ thủ công hoặc người buôn bán nhỏ.
4. Thành thị
Thông thường mỗi nước đến cuối thời trung đại đều có hai khu vực kinh tế-xã hội: thành thị và nông thôn. Châu Âu vào thời sơ kỳ phong kiến, thành thị bị suy tàn, nhưng từ thế kỷ XIII do phân công lao động xã hội và buôn bán phát triển đã làm cho thành thị có từ thời cổ đại hưng khởi và nhiều thành thị mới dần dần xuất hiện. Nhật Bản từ thế kỷ XV cũng có hiện tượng tương tự. Thành thị là khu vực tự do về kinh tế, hành chính và pháp luật, đối lập với trang trại phong kiến, là khởi nguyên của tích luỹ tư bản nguyên thuỷ làm giải thể chế độ phong kiến.
Ở Việt Nam, thành thị có diện mạo và nội dung khác nhiều. Khởi nguyên và tổ chức phần nhiều không phải do tự thân sự vận động kinh tế mà ra. Cho đến thế kỷ XIX thành thị trước hết là điểm đầu não của chính quyền, một trung tâm hành chính. Thăng Long và Huế là trụ sở của chính quyền trung ương. Sử cũ ghi rõ khi người ta chọn địa điểm làm kinh đô trước hết phải đáp ứng những yêu cầu như giao thông vận tải thuận lợi, phòng vệ quân sự tốt, có sông núi bao quanh, đất đai màu mỡ, nông nghiệp phát triển. Sự phát triển của công thương nghiệp không được xem là tiêu chuẩn chủ yếu để định đô.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ Huế trở thành kinh đô vì có núi sông hiểm trở như phá Tam Giang, Hà Trung, núi Tả Trạch, Hữu Trạch và đèo Hải Vân, “núi sông bao quanh, ruộng nương mầu mỡ, dựng đô thành từ xưa không đâu hơn chỗ này”.
Thành thị lại phụ thuộc chặt chẽ vào những thay đổi chính trị. Vào đầu thế kỷ XI khi nhà Lý định đô tại Thăng Long, thì Hoa Lư của hai triều Đinh-Lê dần dần tàn lụi, nay chỉ còn lại khu di tích văn hoá lịch sử, du lịch. Đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn định đô tại Huế thì Thăng Long bị suy kém, phần lớn trở lại bộ mặt nông thôn. Có thể nói thêm các trấn lỵ, tỉnh lỵ ngày xưa cũng vậy, chỉ là nơi cơ quan đầu não của chính quyền địa phương. Trấn lỵ Thanh Hoá ở Dương Xá từng tồn tại trên 500 năm. Nhưng khi chuyển về Thọ Hạc (Thành phố Thanh Hoá ngày nay) thì Dương Xá hoàn toàn là làng quê. Các trấn lỵ Sơn Tây, Hải Dương, Thái Nguyên xưa kia đều có tình hình tương tự. Tổ chức hành chính và xây dựng cơ bản của thành thị đều do chính quyền chi phối. Các phường ở Thăng Long và Huế do triều đình lập ra. ở đây hoàn toàn không có loại hình công xã thành thị tự do (như kiểu thành thị ở châu Âu).
Quy hoạch xây dựng kinh đô chẳng hạn như Huế thì căn cứ trước hết là thành, hào, kho tàng, dinh thự và lăng tẩm của các vua chúa mà không phải là bến cảng lớn.
Biên chế dân cư của thành thị cũng bị chính quyền chi phối. Trước hết có quý tộc, quan lại, sĩ phu, thương nhân, các tầng lớp lao động là nông dân, thợ thủ công và một ít nhà sư. Thợ thủ công và thương nhân trong các phố phường Thăng Long đa số từ nhiều nơi khác tới, nhưng họ không cắt đứt với quê làng cũ, một số không ít chỉ cư trú tạm thời, coi kinh đô là nơi kiếm ăn theo các mùa, theo tháng mà thôi. Tại Thăng Long, họ tái lập những hình thức sinh hoạt và kiểu cư trú theo làng cũ. Và nếu định cư, họ lại lập xóm, giáp, xây đình, chùa và nhà thờ họ. Phố Hàng Buồm (Hà Nội) tới đầu thế kỷ XX vẫn phân chia làm 3 giáp. Mật Thôn, Bác Thượng, Bác Hạ thuộc phường Đại Lợi. Cách ngày nay chưa đầy 100 năm, phố Quán Sứ (Hà Nội) là thôn An Tập, huyện Thọ Xương, Dân thợ tiện Nhị Khê (Hà Tây) định cư lại lập đình Nhị Khê (trước ở nhà số 106 phố Cầu Gỗ, Hà Nội). Đến năm 1941, những người Hà Nội mà tổ tiên người làng Đan Loan, phủ Bình Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) còn họp nhau tu sửa đền thờ vọng.
Rõ ràng, người Thăng Long-Hà Nội cho đến giữa thế kỷ này vẫn không cắt đứt với quê hương cũ và sinh hoạt kiểu làng xã vẫn còn đậm nét. Có thể nói về mặt kinh tế thì Hà Nội vào thế kỷ XIX gần giống như một vùng công thương và nông nghiệp tập trung dầy đặc các chợ và phường.
Quá trình phát triển của châu Âu tiền tư bản chủ nghĩa là thành thị tách biệt nông thôn, hai khu vực kinh tế xã hội khác nhau. Thành thị là những công xã tự do của người sản xuất hàng hoá mà nông thôn là những lãnh địa phong kiến. ở Việt Nam, thành thị không phải là khu vực kinh tế-xã hội riêng biệt mà lại kết hợp với nông thôn thành một thể thống nhất. Có chăng, điểm phân biệt với nông thôn ở chỗ thành thị là đầu não của chính quyền quân chủ nên thành thị chi phối nông thôn về chính trị.
Nếu đối chiếu xã hội Việt Nam với Tây Âu cuối thời trung đại và cận đại, chúng ta lại thấy làng Việt có một số nét phảng phất giống với thành thị Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Làng Việt có một mặt tự trị tự quản. Sự chi phối của chính quyền trung ương đến đây bị hạn chế. Quan lại nghỉ hưu về làng đều bị xem là “hết quan hoàn dân”. Thậm chí nếu họ không chịu hoà nhập với làng xã thì lại bị dân khinh ghét, cô lập. Chính quyền làng xã (Xã trưởng-Lý trưởng) đều phải do dân đinh bầu ra (cố nhiên được cấp trên chấp nhận). Phần nhiều thành thị ở Pháp, Italia thời cuối trung đại cũng đều có tính tự trị, có chế độ bầu cử (cố nhiên cao hơn làng Việt nhiều).
Ở Việt Nam cũng có một số thành thị xuất hiện vào thế kỷ XVII như Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định) có dáng dấp của thành thị tự do. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt (trong sách này chúng tôi chưa bàn đến).
Nhân nói về cấu trúc kinh tế-xã hội, thành thị Việt Nam không có công xã tự do thoát khỏi sự khống chế của chính quyền quân chủ phong kiến; mà ngược lại, với nền kinh tế không phát triển cao lại bị chính quyền phong kiến và ý thức hệ Nho giáo chi phối nên nền văn hoá thành thị Thăng Long và Huế căn bản là văn hoá cung đình chính thống, cổ truyền. Lực lượng sáng tạo văn hoá đa số là nho sĩ, quan lại. Văn học thì thơ phú nhìn chung ước lệ, nhiều điển cố, điêu khắc cung điện, đình chùa là tứ linh (long, ly, quy, phượng) cầu kỳ, ca múa là nhã nhạc phục vụ tiệc tùng, tế lễ. Đóng góp có ý nghĩa quan trọng của kinh thành chủ yếu là các công trình kiến trúc, dinh thự, lăng tẩm. Thành thị ở nước ta không sản sinh ra tiểu thuyết, kịch nói như ở phương Tây. Còn ở nông thôn lại có một nền văn hoá độc đáo, phong phú. Trong khi văn hoá thành thị bị chính quyền thống trị chi phối thì văn hoá nông thôn lại phát triển tự do hơn. ở đây, văn hoá dân gian được bổ sung thêm bằng văn hoá “kẻ sĩ”, có khi sĩ phu lại là tác giả của thơ ca dân gian. Đó là nền văn hoá dân gian mang đậm màu sắc địa phương và nghề nghiệp nhưng ít nhiều lại có màu sắc bác học. Làng quê-phố chợ-phường hội hoà quyện vào nhau trong dăm bảy làng, trong một vài huyện là mảnh đất có văn hoá dân gian phát triển mà lực lượng sáng tạo là các nho sĩ lớp thấp nghèo, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công và nông dân. Sáng tác của họ là ca dao, chuyện tiếu lâm phê phán xã hội; điêu khắc thì có nhiều hình tượng hiện thực, thể hiện những mong muốn của con người thoát khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến; ca nhạc thì có âm sắc khu vực, phong phú, trữ tình. Nền văn hoá dân gian ấy đậm đà yếu tố dân chủ và thực hiện.
5. Kinh tế tiền tệ-những vận hành quanh co phức tạp
Điều cần lưu ý về kinh tế hàng hoá truyền thống ở nông thôn là sự vận hành của tiền tệ. Sự vận hành của tiền tệ ở nông thôn ngày xưa (và cả ở đầu thế kỷ XX) đã sản sinh ra một số người cho vay nặng lãi. Trước đây, địa chủ thường có hoạt động này. Gặp lúc khó khăn, đặc biệt vào “tháng ba, ngày tám” giáp hạt, nông dân phải “bán lúa non” với lãi suất rất nặng. Đây là thủ đoạn bòn rút sức lao động của nông dân khi có khi đến kiệt quệ. Hiện tượng cho vay nặng lãi khi xưa ở nông thôn phổ biến, thể hiện sự yếu kém của “ngân hàng tín dụng” trong nông nghiệp; là lý do chủ yếu để xuất hiện tầng lớp địa chủ kiêm cho vay nặng lãi.
Những khảo sát gầng đây của chúng tôi về một số vấn đề lịch sử kinh tế tại một số làng thủ công và làng buôn thì thấy có hiện tượng phổ biến là đồng tiền quay về với ruộng đất, với nông nghiệp. Rất nhiều gia đình buôn bán ở các làng buôn nổi tiếng Đa Ngưu, Đình Bảng, Phù Lưu, Báo Đáp sau một thời gian lại quay về với ruộng đất. Một mặt họ vẫn tiếp tục buôn; mặt khác lại lấy phần lớn vốn để mua ruộng đất ở làng quê. Vì vậy, nhiều làng buôn, trong một thời gian dài, tổng diện tích canh tác không giảm mà lại có phần tăng lên.
Ở Hội An, một trung tâm thương mại lớn ở Đàng Trong vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX cũng có hiện tượng thương nhân mua ruộng đất, kinh doanh nông nghiệp. Gia phả họ Châu ở phường Sơn Phong tại thị xã này đã biết ngoài việc mua bán hàng trong nước và Trung Quốc (có cửa hàng mua bán ở Hà Nội, Gia Định), gia đình họ Châu còn lấy vốn mua ruộng đất thuê người làm, xây kho tích trữ thóc. Nói cách khác, ngay ở đô thị lâu đời này cho đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn hiện tượng địa chủ hoá thương nhân, hay thương nhân kiêm địa chủ. Đây là nét luẩn quẩn của kinh tế tiền tệ, một phần không nhỏ tiền tệ không trở thành vốn-hàng hoá.
Làng buôn, chợ làng và hoạt động buôn bán ở nông thôn dù có được mở rộng cao độ thì cũng vẫn không đủ sức tạo ra thành thị tự do ở giữa nông thôn; mà trái lại nó rút bớt nhựa sống của thành thị, làm cho thành thị hoà đồng vào nông thôn. Thành thị Việt Nam cho đến cuối thế kỷ XIX vẫn chịu sự chi phối của nông thôn về kinh tế. Hà Nội sau gần 800 năm là trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước nhưng đến cuối thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX lại có bộ phận có xu hướng nông thôn hoá, với các tổng, trại, thôn, phường mang nặng cơ cấu tổ chức nông nghiệp là một thực tế sinh động lý giải điều đó.
Trong vùng làm nghề thủ công cũng vậy. Có một số người sau khi làm nghề kiếm được một ít tiền lại quay về tậu ruộng, mở rộng nghề nông, có khi bỏ cả nghề thủ công để quay hẳn về với nông nghiệp. Rất nhiều trường hợp có gia đình làm nghề thủ công lại thuê người làm ruộng để rảnh tay làm nghề, chứ quyết không bỏ ruộng. Những người thợ thủ công hay thương nhân ở làng quê không dám thoát ly hoàn toàn khỏi ruộng đất- nông nghiệp, vì kinh nghiệm cuộc sống dạy cho học nếu chỉ “gạo chợ, nước sông, củi đồng, trầu miếng” thì không có gì bảo đảm cho một cuộc sống ổn định.
Hiện tượng thương nhân hay thợ thủ công mua ruộng đất, quay về với nông nghiệp và địa chủ kiêm thương nhân hay thương nhân kiêm địa chủ cho đến giữa thế kỷ XX đã hạn chế, kìm hãm quyền lực của tiền tệ; đồng tiền quay về với ruộng đất, mà không phát huy ở lĩnh vực khác. Xét cho cùng thì đây chính là sự hạn chế vai trò của tiền tệ, là sự giảm nhẹ, thậm chí là suy giảm sức xung kích của tiền tệ trong việc phủ định kinh tế tự túc, tự cấp.
Nói rõi hơn, sự kết hợp các yếu tố: địa chủ kiêm cho vay lãi, thương nhân, thợ thủ công kiêm làm nông nghiệp cũng là loại hình kết hợp ruộng đất và tiền tệ. Quyền lực ruộng đất tiền tệ gắn liền với nhau, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hoá trong nước. Muốn phát triển kinh tế hàng hoá ở nông thôn cần có sự chia tách các yếu tố trên. Ruộng đất, cho vay (tín dụng), thương nghiệp là những phạm trù kinh tế khác nhau, cần phân biệt, chia tách và nhà nước cần nắm lấy để làm công cụ kích thích phát triển kinh tế hàng hoá.
6. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế hàng hoá vùng đồng bằng sông Hồng chậm phát triển
Từ đặc điểm kinh tế nêu trên, chúng tôi xin bàn đến vấn đề “mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam”. Trong mấy chục năm qua, phần lớn các học giả Việt Nam đều cho rằng mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam xuất hiện rất chậm và rất yếu, nhưng vẫn có người cho rằng vào các thế kỷ XVII, XVIII đã có hoặc có, nhưng không đáng kể, không rõ rệt.
Đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu sâu và toàn diện về mặt thực tiễn lịch sử và cả về mặt lý luận. Riêng cá nhân tôi cho rằng: cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam đã có lúc xuất hiện ở đây đó trong khai thác mỏ, trong kinh doanh gốm... vào các thế kỷ XVII, XVIII; nhưng rồi bị suy giảm trong thế kỷ XIX.
Sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá là tiền đề lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu. Bộ phận thương nhân xuất hiện chậm nhất là vào thời Trần. Thành thị Thăng Long thời Trần có 61 phường công - thương - nông. Nhưng đến các thế kỷ XVII, XVIII, XIX sản xuất hàng hoá ở đây cũng không làm giải thể được nền kinh tế phong kiến ở đồng bằng sông Hồng. Điều quan trọng là phải tìm hiểu bản chất của sự lưu thông hàng hoá, cũng là tìm hiểu bản chất của nền kinh tế thị trường trong các thế kỷ trên.
Trước hết là xét về các loại hình đô thị ở Việt Nam thời trung đại. Cho đến thế kỷ XIX đô thị của Việt Nam chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng là các loại trấn lỵ, phủ lỵ, và kinh đô Thăng Long - nơi có nền kinh tế hàng hoá tiêu biểu bấy giờ. Các trấn lỵ như Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoá trước hết là trung tâm hành chính địa phương trấn-xứ gồm đô ty, hiến ty và thừa ty. Về mặt kinh tế, đây là nơi tiêu thụ hàng hoá chứ không phải là nơi sản xuất hàng hoá (nếu có sản xuất hàng hoá thì cũng rất ít). Việc tiêu thụ hàng hoá ở trấn lỵ, phủ lỵ của bộ phận quan lại chẳng qua chỉ là cơ chế chuyển hoá lương bổng (tức là tô thuế do triều đình phân phối cho các quan chức). Kiểu lưu thông như trên không phải là đối lưu giữa những người sản xuất hàng hoá. Sự lưu thông hàng hoá ở đây theo đơn tuyến-đơn hướng như vậy không làm giải thể được nền kinh tế phong kiến tự cấp tự túc tại các địa phương, mà thực tế lại thể hiện chức năng to lớn của địa tô phong kiến Việt Nam ở các thế kỷ trên.
Kinh đô Thăng Long và Phố Hiến vào các thế kỷ XVII - XVIII đã phát triển cao, có nhiều phường, làng sản xuất các mặt hàng như đồ gỗ, mây tre, nhuộm, tơ lụa, chế biến thuốc bắc, giấy dó..., nhưng đa số vẫn là nơi trữ hàng buôn bán như các phường: Bát Đàn, Mắm, Muối, Bông, Vải, Chiếu, Cót... Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ đã nói về Thăng Long “Trong những thế kỷ XVIII, XIX, một số ngành thủ công của Thăng Long-Hà Nội đã phát triển khá mạnh, quy mô sản xuất tương đối lớn, sự phân công lao động khá cao và số lao động làm thuê khá đông đảo. Một số “chủ lò”, “chủ xưởng” xuất hiện. Nhưng chính những người này cũng không có điều kiện để tích luỹ vốn, không có quyền lực để khống chế đám quần chúng lao động vốn là những người dân làng xã trong quan hệ với họ là những người tự do, không có một thị trường xa để tiêu thụ những khối lượng hàng hoá; do đó, họ không thể nào trở thành chủ công trường thủ công có phương hướng tiến lên sản xuất tư bản chủ nghĩa”[4]. Quá trình chu chuyển hàng hoá cơ bản trong nền kinh tế thành thị ở Thăng Long - Hà Nội được tiến hành theo mô hình “người sản xuất nhỏ -> mạng hoá chợ phố -> người tiêu thụ” hoặc “người sản xuất nhỏ -> người buôn bán nhỏ (chủ cửa hiệu) -> người tiêu thụ[5].
Như vậy, quá trình lưu thông hàng hoá ở kinh đô Thăng Long phần lớn cũng không phải là đối lưu mà là đơn tuyến. Cư dân Thăng Long, không ít các quan lại, hoàng tộc và con cháu của họ, binh lính, học trò... là tầng lớp tiêu thụ hàng hoá nhưng chủ yếu lại dựa vào lương bổng (một bộ phận địa tô và thuế được nhà nước phân phối) mà không phải là người sản xuất hàng hoá.
Một trong những nguyên nhân đưa đến sự phát triển chậm và yếu của kinh tế hàng hoá Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XIX là do áp lực dân số. Hiện nay có học giả cho rằng mật độ dân số cao sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hoá. Có lẽ không phải như vậy. Nếu kinh tế hàng hoá có mở rộng thêm (chứ không phải là phát triển cao hơn) nhưng cũng chỉ là loại kinh tế nhỏ - vụn vặt, buôn thúng bán mẹt, chạy chợ kiếm ăn khi nông nhàn...
Vào thế kỷ XVIII đã xuất hiện hiện tượng “thừa nhân khẩu” khá nặng nề. Cuối những năm 30 đến đầu những năm 40 của thế kỷ XVIII, theo sử cũ ghi chép thì: Từ cuối năm Vĩnh Hựu (1735 - 1739) trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trữ ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Dân phiêu tán dắt díu nhau tìm đường sống. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no. Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ thậm chí ăn cả thịt rắn, thịt chuột; chết đói chất chồng lên nhau, số dân còn lại mười phần không được một, làng nào có tiếng là trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi. “Lúc ấy, làng xóm tiêu điều xơ xác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng”[6].
“Thừa nhân khẩu” gắn liền với đói kém và phiêu tán dịch chuyển dân cư thường gắn liền với nhau tạo nên áp lực dân số gay gắt. Chính những điều này càng làm cho sản xuất hộ nông dân càng nặng tính chất tự túc tự cấp mà trước hết là lương thực. Sản xuất hàng hoá nhỏ, vụn vặn (kiểu chợ làng) cũng chỉ là giải quyết yêu cầu của tiểu nông, chứ không làm giải thể nền kinh tế tự cấp của tiểu nông.
Áp lực dân số cũng sẽ làm cho sự phân bố ruộng đất càng phân tán, nhỏ nhặt. Theo ước tính của Giáo sư Phan Huy Lê (và các đồng tác giả khác) thì vào năm 1805, tình hình phân bố ruộng đất theo các chủ sở hữu vùng xung quanh Thăng Long sau:
[7]
Huyện Đan Phượng:
Dưới 1 mẫu có 703 chủ sở hữu, với tỷ lệ 33,1% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
1-3 mẫu có 918 chủ sở hữu với tỷ lệ 44,09% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
3-5 mẫu có 277 chủ sở hữu với tỷ lệ 13,3% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
Huyện Từ Liêm:
Dưới 1 mẫu có 2.473 chủ sở hữu với tỷ lệ 36,49% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
1-3 mẫu có 2.741 chủ sở hữu với tỷ lệ 40,44% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
3-5 mẫu có 812 chủ sở hữu với tỷ lệ 11,98% tổng số chủ sở hữu của cả huyện.
Các số liệu trên cho biết số lượng các hộ tiểu nông có ruộng đất dưới 3 mẫu cũng chiếm đến 75% tổng số hộ của hai huyện Đan Phượng và Từ Liêm. Tình trạng này càng hạn chế sự phân công lao động xã hội, làm cho tính “thuần nông” càng đậm.
Một nguyên nhân nữa là khả năng tự điều chỉnh của nhà nước phong kiến. Như đã trình bày, bản thân kết cấu kinh tế phong kiến Việt Nam trong các thế kỷ XVII-XIX khá bền vững và thành thục, đồng thời lực lượng của nhà nước mạnh mẽ, có đủ khả năng tự điều chỉnh, thể hiện tập trung tiêu biểu trong sự hình thành Nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX.
Nhà nước phong kiến thời Nguyễn đã có một hệ thống các quan xưởng thủ công chế tạo các sản phẩm đủ cung cấp các nhu yếu phẩm cho bộ máy quan liêu từ triều đình đến các địa phương. Nhà nước này lại có đồn điền ở miền Nam và miền Trung cung cấp một phần lương thực cho quân lính. Sức mạnh của nhà nước còn thể hiện ở chỗ tái lập lại chế độ quân điền, tức quân điền Gia Long, trong phạm vi miền Bắc và miền Trung, tiếp tục củng cố chế độ sở hữu ruộng đất công làng xã. Trong điều kiện cụ thể này, chính sự tự điều chỉnh của Nhà Nguyễn đã làm cho tính chất tự cấp tự túc của kinh tế phong kiến càng được củng cố, càng bền vững thêm. Rất có lý khi nhận định rằng khả năng “tự điều chỉnh” của nhà nước phong kiến Nguyễn là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của kinh tế hàng hoá vào mạt kỳ phong kiến; kìm hãm sự xuất hiện mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam thế kỷ XIX.
7. Bàn thêm vấn đề đô thị hoá
Đi đôi với vấn đề kinh tế hàng hoá là vấn đề đô thị hoá. Quá trình phân công lao động và phát triển của kinh tế hàng hoá sẽ đưa tới quá trình đô thị hoá. Mặc dù các nhà nho, một số người ở thôn quê thường phê phán lối sống đô thị là ồn ào, vội vã và có vẻ như thiếu thật thà, thiếu nhân hậu, lại riêng biệt cá thể, nhưng sự xuất hiện đô thị vẫn là bước tiến của xã hội. Đô thị hoá dưới nhiều hình thức khác nhau là bước đi có tính quy luật trong quá trình phát triển của xã hội.
Các thành viên Việt Nam từng là kinh đô như Thăng Long. Huế thì như thế nào? (ở đây chưa bàn đến các thành thị hiện đại mới xây dựng vào thế kỷ XX). Đây là những thành thị ra đời sớm, vốn là trung tâm hành chính lớn, là đầu não của chính quyền phong kiến trước đây. Về mặt kết hợp với cư dân của loại thành thị này khá phức tạp, trước hết là bộ phận hoàng tộc, các quan lại, quân lính, những người hầu hạ, những thợ thủ công, thương nhân, những học sinh, những người làm nghề dịch vụ, và cả một số lượng nông dân. Nguồn sống chính của phần lớn các tầng lớp cư dân (phi lao động nông nghiệp) là lương bổng (lấy từ thuế khoá), là những loại địa tô (chuyển từ nông thôn lên). Xét cho cùng thì loại thu nhập và mua bán này cũng chỉ là sự chuyển hoá của tô thuế, chứ không phải là sự trao đổi sản phẩm sản xuất từ thành thị. Xét về mặt kinh tế học, sự phồn vinh của loại thành thị này không thật sự tiêu biểu cho sự phân công lao động xã hội và trao đổi hàng hoá, mà chỉ phản ánh sự phát triển của kinh tế phong kiến kiểu phương Đông mà thôi. Việc buôn bán ở các thành thị này không phải là trao đổi đối lưu, mà phần lớn chỉ là đơn lưu.
8. Tư tưởng kinh tế truyền thống
Tư tưởng kinh tế phản ánh sinh hoạt kinh tế, đồng thời tư tưởng kinh tế lại chỉ đạo phương thức kinh doanh và các hoạt động kinh tế. Sẽ hạn chế khi nghiên cứu kinh tế hàng hoá ở nông thôn mà không đề cập tới vấn đề này.
Trên những nét lớn, tư tưởng kinh tế truyền thống ở nông thôn Việt Nam có những nội dung sau:
Một là, trọng ruộng đất, trọng nông nghiệp.
Tục ngữ Việt Nam có câu “tấc đất, tấc vàng”, “có thực mới vực được đạo”. Đất và lúa gạo là tài sản quý báu nhất của con người, vì vậy người ta tìm cách quay về với ruộng đất, nông nghiệp, “dĩ nông vi bản”.
Tư tưởng kinh tế này xuất phát từ thực tế xã hội, có ý nghĩa tích cực và đang phát huy tác dụng.
Hai là, lấy nông nghiệp làm gốc, coi thường công thương nghiệp.
Ngày xưa ông cha ta có quan niệm “trọng nông ức thương”, coi thường buôn bán, coi thường thương nhân. Họ đứng trên quan niệm đạo đức luân lý, cho buôn bán là lừa gạt, là bóc lột nặng nề, là quan hệ lạng lùng không còn tình nghĩa.
“Trọng nông ức thương” có khi còn được gọi là “trọng bản ức mạt” vốn là tư tưởng kinh tế của giai cấp thống trị phong kiến, coi nông là gốc mà thương là ngọn. Tư tưởng này muốn trói buộc người nông dân vào ruộng đất, vào làng quê và chính người nông dân cũng chịu ảnh hưởng khá đậm của tư tưởng này.
“Lấy nông làm gốc” với ý nghĩa coi trọng nông nghiệp là cách nhìn nhận hoàn toàn đúng đắn, nhưng từ đó coi thường thương nghiệp và thủ công nghiệp là không đúng, vì vậy sẽ hạn chế sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Hơn nữa, tư tưởng này không chỉ dừng trên quan niệm mà còn tạo ra một quy phạm đạo đức luân lý. Buôn bán bị coi là mạt nghề, của cải buôn bán bị coi là phù vân, thương nhân bị khinh thường. Trong xã hội, trên bảng giá trị chung, người ta xếp theo thứ bậc: sĩ, nông, công, thương. Thương nhân là lớp người cuối cùng, là “con”, “lái”, “thằng” thấp kém.
Ba là, quý nghĩa, khinh lợi.
Trước hết, đây là tư tưởng của Nho giáo được giai cấp thống trị phong kiến đề cao như một nguyên tắc ứng xử xã hội, một quan niệm nhân sinh. Giai cấp thống trị sử dụng lý thuyết của Nho giáo, tuyệt đối hoá cái nghĩa, coi cái nghĩa là đạo làm người cao quý nhất. Theo họ, cách xem xét một sự kiện kinh tế, trước hết phải chú ý đến động cơ mà không cần hiệu quả, nghĩ đến cái “thành nhân” mà không cần nghĩ đến cái “thành công”. Thực thi một công việc, dẫu có nhiều sai lầm thiếu sót, lãng phí nhiều sức người sức của, những kẻ chủ trương có động cơ “trong sáng”, “vì lợi ích của nhân dân” là được... chứ không cần nhìn vào kết quả. Cách suy nghĩ như vậy đã tạo ra nhiều sai lầm, thiếu sót trong các chính sách kinh tế thời trước.
“Khinh lợi” có nghĩa là coi thường lợi ích vật chất. Người quân từ thà “an bần lạc đạo”, thà có cái “nhà” tốt, còn hơn là bon chen chạy theo lợi ích riêng tư, “hạ nhân cách”. An bần lạc đạo, quý nghĩa khinh lợi cũng dễ dẫn tới quan niệm từ bỏ lối kinh doanh hàng hoá, coi thường lao động chân tay, lao động kỹ thuật.
Bốn là, bình quân chủ nghĩa.
Trong các hoạt động kinh doanh ở nông thôn, nhất là vấn đề phân chia ruộng đất công, thể hiện rõ tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Người nông dân trong làng xã không chấp nhận cái gì đột xuất, vượt trội. Họ muốn cào bằng, ai cũng như ai, nghĩa là không có người giàu, người nghèo. Người ta cho giàu có (hơn người) là cái gì bất chính, là đáng khinh bỉ, phải đả phá. Quan niệm này khiến cho người ta giấu tài, giấu giàu. Tục ngữ Việt Nam có câu “lụt thì lụt cả làng” là phát sinh từ quan niệm trên.
Tư tưởng bình quân chủ nghĩa vốn mang tính chất bảo thủ lạc hậu, là phương thức tư tưởng của người nông dân làng xã trước đây.
Năm là, đề cao tằn tiện.
Tiết kiệm, chống xa xỉ là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng tiết kiệm không đúng, để đi đến hà tiện rồi trở thành phong cách, lối sống thì lại là tiêu cực. Nông dân ta thường lấy cái “để dành”, “tằn tiện” là biện pháp chủ yếu để tích luỹ của cải, chịu khó ăn khổ, mặc khổ, mặc rách, sống rất giản dị. Cuộc sống đã dạy người nông dân như vậy.
Tuy nhiên, lấy tằn tiện là biện pháp tích luỹ của cải và đặc biệt lấy việc cất giấu tài sản làm phương châm làm giàu thì trở thành tiêu cực. Việc đem của cải (tiền, vàng, bạc, của quý...) chôn xuống đất hay cất trong buồng mà không chuyển thành vốn để tái sản xuất, để buôn bán đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động thương nghiệp trong nông thôn. Của cải bị chôn cất chỉ là vốn chết trong những năm tháng vô ích.
Tóm lại, kinh tế nước ta từ thế kỷ XVI trở lại đây phát triển rất trì trệ, chậm chạm. Sự trì trệ, ì ạch trên trước hết là ở sức sản xuất chậm phát triển, do đó qua nhiều thế kỷ cho đến gần đây nó vẫn không đủ sức để phá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến. Sản xuất hàng hoá chậm phát triển như vậy sẽ tạo ra và kéo dài sự trì trệ, lạc hậu của sức sản xuất. Sự kéo dài ấy là do khả năng tự điều chỉnh của nền kinh tế tiểu nông.
Khả năng tự điều chỉnh này thể hiện ở hai mặt sau đây:
a. Sự kết hợp giữa tiểu nông và tiểu thương, thủ công nghiệp, duy trì kinh tế cá thể.
Một gia đình, một làng quê cố tạo ra một vòng kinh tế tự túc tự cấp, một làng xã nông-công-thương, thậm chí có gia đình nông-công-thương. Duy trì sự kết hợp như trên sẽ tạo ra tính đàn hồi của kinh tế gia đình; tuy có mềm dẻo, linh hoạt, nhưng lại hạn chế rõ rệt sự phân công lao động xã hội. Đó là mặt tác dụng tiêu cực cần khắc phục. Tính đàn hồi của kinh tế tiểu nông vẫn còn ảnh hưởng cho đến nay.
b. Sự kết hợp giữa địa chủ-thương nhân-cho vay lãi, sự kết hợp kinh doanh nông nghiệp-thương nghiệp-thủ công nghiệp trong một thể thống nhất khiến cho tiền tệ chỉ quay về với ruộng đất, tạo nên một vận động khép vòng luẩn quẩn phi kinh tế.
Nền kinh tế phong kiến, lấy tiểu nông làm cơ sở, đến thế kỷ XVIII, XIX đã phát triển cao, khá thành thục, có những mặt khủng hoảng, nhưng không tiến lên kinh tế tư bản chủ nghĩa, là do có sự tự điều chỉnh trên. Cái thành thục và cái tự điều chỉnh đó bổ sung cho nhau trong một thể thống nhất, tương bổ tương thành. Kết quả là sức sản xuất không phát triển.
[1] Ở đây chúng tôi không bàn đến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định với tư cách là thành thị cận - hiện đại trong thế kỷ XX.
[2] Nguyễn Đức Nghinh, Trần Thị Hòa: Chợ làng trước cách mạng Tháng Tám, Tạp chí Dân tộc học, số 2/1981.
[3] Xem thêm: Nguyễn Quang Ngọc: Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII - XIX, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993, tr.119 - 137.
[4] Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX, Hà Nội, 1993, tr.348.
[5] Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX, Hà Nội, 1993, tr.353.
[6] Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, Chính biên, q.39, Bản dịch, tập XVII, tr.14 - 15.
[7] Phan Huy Lê và các tác giả khác: Địa bạ Hà Đông, Hà Nội, 1995, tr.26 - 27.
GS. Phan Đại Doãn
Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng Việt Nam, đa nguyên và chặt, Nxb ĐHQGHN, 2006
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 22-09-2012.
Ý kiến bạn đọc
Thứ năm - 21/11/2024 10:11
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11