SỰ TIẾP NỐI TƯ TƯỞNG TRÊN ĐẤT NGHỆ TĨNH TỪ PHAN ĐÌNH PHÙNG QUA PHAN BỘI CHÂU TỚI HỒ CHÍ MINH
PGS. TS. Phạm Xanh
Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Sau một thời gian ngắn cùng với nhân dân tổ chức kháng chiến chống xâm lăng, triều đình Huế, vì quyền lợi ích kỷ của mình, đã trượt dài trên con đường phản bội lợi ích dân tộc: năm 1862 ký hàng ước dâng ba tỉnh miền Đông, năm 1874 dâng nốt ba tỉnh miền Tây và cuối cùng năm 1884 ký hàng ước công nhận sự thống trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và trở thành chính quyền bù nhìn của chúng. Ngược với chính sách thoả hiệp và đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn, nhân dân ta đã kiên quyết đứng lên chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc và nền văn hiến của mình. Trên đất nước này, tiếng súng chống ngoại xâm không bao giờ ngừng nghỉ. Truyền thống yêu nước của dân tộc đã hun đúc, nhen nhóm và thổi bùng các phong trào chống Pháp của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nếu lập một danh sách những người chống lại sự hiện diện của người Pháp thì “bản danh sách đó cũng dài bằng danh sách của tất cả những người đã chống lại sự đô hộ của Trung Hoa trong 20 thế kỷ qua”[1]. Từ sau năm 1884 phong trào chống thực dân Pháp đã bắt đầu chuyển đoạn. Nếu như trước đó các cuộc kháng chiến mang tính chất bảo vệ Tổ quốc, thì sau đó các phong trào chống Pháp đã chuyển sang phạm trù giải phóng dân tộc. Trên quy mô cả nước, sự vận động của các phong trào được diễn ra trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước theo chiều hướng đi lên. Đó cũng là sự vận động của các hệ tư tưởng trước vận mệnh lịch sử của đất nước. Lịch sử Việt Nam trong những năm 1884 -1945 đã từng chứng kiến sự bất lực trước nhiệm vụ cứu nước của hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng tư sản và sự thắng lợi của hệ tư tưởng cộng sản. Như một hình ảnh thu nhỏ của phong trào cách mạng cả nước, Nghệ Tĩnh đã phản ánh đầy đủ và rõ nét sự tiếp nối không đứt đoạn tư tưởng trong việc tìm kiếm những con đường cứu nước. Nét đặc sắc và độc đáo đó của Nghệ Tĩnh lại được thể hiện cụ thể và sinh động qua sự nghiệp của ba người con ưu tú của quê hương, đó là Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.
Phan Đình Phùng (1847-1895), người làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tĩnh Hà Tĩnh. Ông đậu cử nhân năm 1876, đậu tiến sĩ năm 1877. Trước khi trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ông đã làm Tri huyện Yên Khánh, Ninh Bình, rồi làm ngự sử trong Viện Đô sát triều đình Huế. Như vậy, Phan Đình Phùng chẳng những được đào tạo và thấm nhuần giáo lý Khổng, Mạnh, mà đã dấn thân vào chốn quan trường. Tấm bằng tiến sĩ và những năm tham chính của ông, trên một ý nghĩa nào đó, khẳng định ý thức tư tưởng của ông không đi chệch dòng chính thống đó. Thế nhưng, trong lời nói và hành động của ông, đây đó, đã thấy xuất hiện những nét mới không giống đại bộ phận nho sĩ đương thời.
Thời mà ông đang sống, từ vua đến quan, từ quan đến dân, đều cho rằng Thiên chúa giáo là tà đạo, những người theo tôn giáo này đều là tay sai của thực dân Pháp. Quan niệm không đúng đó một thời đã dẫn đến những thảm kịch lương - giáo. Khác với những quan niệm phổ biến nhưng sai lầm đó, Phan Đình Phùng đã có những ý nghĩ thoáng hơn, đúng đắn hơn về Thiên chúa giáo. Ông thường nói với những người tâm phúc: “Đạo Thiên chúa lấy Gia tô làm trời, cũng như Thích ca mâu ni là trời của đạo Phật hay là Khổng phu tử là trời của nhà Nho. Hễ ai tín ngưỡng điều gì, thì điều ấy là trời của mình. Mình muốn người ta đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của mình thì mình đừng xâm phạm đến tín ngưỡng của người ta. Thiên chúa cũng là một thứ tôn giáo, mặc ai tin thì theo”[2]. Cùng với sự thẳng thắn, cương trực trong tính cách của ông và truyền thống phản kháng của quê hương, tầm nhìn thoáng đạt ấy dần dà giúp ông có được những chuyển biến mạnh mẽ trong quan niệm của ông về hai phạm trù đạo đức học nho giáo cơ bản - Trung, Hiếu.
Năm 1862, khi được tin triều đình ký hoà ước cắt ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, nho sĩ Nghệ Tĩnh do Phan Huân đứng đầu dâng sớ bày tỏ một tâm trạng, một ý thức trái hẳn với truyền thống “Thiên hạ là của thiên hạ, thiên hạ không phải của bệ hạ mà chuyên giữ lấy một mình”. Tiếp đó là phong trào chống hòa ước Giáp Tuất lan rộng trong nhân dân “Làm vua ra rồi, một lòng bán nước; khi đang đánh được, không đánh gấp cho” và đạt tới đỉnh điểm trong cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai xem triều đình và thực dân Pháp đều là kẻ thù của dân tộc, phải quyết đánh:
“Dập dìu trống đánh cờ xiêu
Phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây”.
Truyền thống bất khuất của quê hương đã giúp Phan Đình Phùng xác định được chỗ đứng của mình trong cuộc chiến đấu cho độc lập dân tộc - kiên quyết đứng về phía phe chủ chiến. Bỏ qua sự xung đột cá nhân giữa ông và Tôn Thất Thuyết, cuối năm 1885 ông lên sơn phòng Hà Tĩnh yết kiến vua Hàm Nghi và được phong làm Tán lý quân vụ, thống lĩnh các đạo nghĩa binh, nhận chiếu Cần vương về quê nhà tổ chức khởi nghĩa. Cụôc khởi nghĩa Hương Khê do ông lãnh đạo đã trở thành cuộc khởi nghĩa điển hình nhất trong phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX về thời gian, quy mô và tổ chức chiến đấu. ở thời kỳ đầu, Phan Đình Phùng đã vượt qua một thử thách ghê gớm trước những mưu mô độc ác của kẻ thù. ấy là lúc người anh của ông là Phan Đình Thông bị bắt, kẻ thù cho Lê Kính Hạp, bạn thân của ông, lấy việc hiếu đễ, tình cốt nhục viết thư dụ ông ra hàng: “Ngày nay trong họ hàng, làng xóm được an hay nguy chỉ can hệ ở nơi bác, tính mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can hệ ở nơi bác…”. Kẻ thù đã đặt Phan Đình Phùng vào sự lựa chọn một trong hai giải pháp: buông súng đầu hàng để họ hàng làng xóm, mồ mả tổ tiên được bình yên, người anh thoát nạn hoặc tiếp tục chiến đấu thì mọi thứ đó sẽ mất. Tiến sĩ Phan Đình Phùng ung dung, thanh thản chọn cho mình giải pháp thứ hai, đặt vận mệnh đất nước, đặt tư tưởng trung với vua lên trên họ hàng làng xóm, chấp nhận sự hy sinh riêng tư: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ, đó là đất Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy vong, là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về sửa sang phần mộ của mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ chỉ có một cái chết mà thôi…”[3]. Trước hành động chối bỏ đó, kẻ thù đã thực thi hành động tàn bạo: đào mồ mả tổ tiên và hãm hại người anh của ông. Phan Đình Phùng vẫn không nao núng, kiên quyết chiến đấu đến cùng dưới ngọn cờ Cần vương. Năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị bắt, một lần nữa Phan Đình Phùng trải qua một thử thách ghê gớm đối với một nhà nho: tiếp tục chiến đấu khi không còn vua hay lấy cái chết của mình làm rạng danh sự trung thành của bề tôi đối với đức vua cao cả. Nếu như ở giai đoạn trước trong quan niệm chữ Trung của Phan, vua gắn với nước thì đến đây đã có sự chuyển biến căn bản – nước đã được đặt lên trên vua. Ông đã chọn con đường tiếp tục chiến đấu. Đó cũng chính là thời điểm mở đầu giai đoạn hai của phong trào Cần vương và của cuộc khởi nghĩa Hương Khê của ông. Trong chiến dịch đánh thành Vinh năm 1893, Cao Thắng, vị chỉ huy của nghĩa quân, cánh tay phải của Phan Đình Phùng, bị trúng đạn tử trận trong trận tấn công vào đồn Nu. Kế hoạch lớn không thực hiện được. Vào chính thời điểm đó thực dân Pháp lệnh cho Hoàng Cao Khải, người cùng làng với ông, viết thư dụ hàng. Ông đã đáp lại bằng một bức thư đanh thép nói rõ ý chí bất khuất của mình, vạch mặt những kẻ như Khải mượn chữ “Trung” làm những điều bất nhân tàn bạo: “... Đến nay người Pháp với mình, xa cách nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể tới đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà cũng bị đắm chìm hết thảy, có phải riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu… Chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế cho nên cảnh nhà tôi hương khói vắng tanh, bà con xiêu bạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình không thèm đoái hoài huống chi là kẻ sơ; người gần với mình mà mình không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng, hạt ta đến nỗi điêu đứng lầm than quá, không phải chỉ riêng vì tai hoạ binh đao làm nên nông nỗi thế đâu. Phải biết quân Pháp đi tới đâu có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ; những người không có tội gì chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có tội”[4].
Với quyết tâm đó, Phan Đình Phùng đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do ông lãnh đạo cũng chính là sự cáo chung của hệ tư tưởng phong kiến bất lực trước nhiệm vụ lịch sử của đất nước. Dẫu ông có kiên tâm tới đâu đi nữa, ngọn cờ Cần vương đã rách tả tơi không còn đủ sức tập hợp dân chúng cho sự nghiệp cao cả của mình. Và sự thất bại của Phan Đình Phùng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng của ông là sự khởi đầu và sẽ được tiếp nối kỳ diệu trong tư tưởng của Phan Bội Châu.
Sau khi dập tắt phong trào Cần vương, thực dân Pháp vội vã bắt tay khai thác thuộc địa. Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, hình hài của một nền sản xuất mới, của một xã hội mới, dù là thuộc địa, nhưng đã khác xa với xã hội truyền thống, đang hình thành. Những đoạn đường sắt cùng với những chiếc cầu hiện đại và đường giây điện thoại, điện tín (Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Nha Trang) trong hệ thống đường sắt đã được đưa vào khai thác, những thành phố kiểu phương Tây (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng) đang được xây dựng. Hầu như cùng thời với những kết quả bước đầu của chương trình khai thác thuộc địa, luồng gió Tân văn, Tân thư từ Trung Quốc, Nhật Bản tràn tới. Trong không gian lịch sử hồi đầu thế kỷ XX ấy, khi mà giai cấp phong kiến đã suy tàn, giai cấp công nhân trên đường phát sinh, phát triển chưa đạt tới độ trưởng thành để đảm đương sứ mệnh lịch sử, giai cấp tư sản dân tộc đang manh nha. Vì vậy, cuộc cách mạng dân chủ tư sản nếu được tiến hành ở Việt Nam lúc này thì chưa có bệ đỡ xã hội cần thiết cho nó. Trong bối cảnh đó, những nhà nho yêu nước thức thời đứng ra đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử, đưa dân tộc bước vào thời kỳ lịch sử cùng với các dân tộc châu á - thời kỳ phương Đông thức tỉnh và khởi xướng phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Trên bầu trời sao Việt Nam thời đó ngôi sao chói sáng nhất là Phan Bội Châu.
Phan Bội Châu (1867-1940), người làng Đan Nhiệm, nay là xã Nam Hoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi đậu giải nguyên năm 1900, Phan Bội Châu dấn thân vào con đường cách mạng theo cách đi riêng của mình, vừa kế thừa những di sản của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, nhưng đồng thời cũng sáng tạo ra những cách thức mới đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Từ tấm lòng yêu nước nồng đượm, từ truyền thống đánh giặc của quê hương, của đất nước ông đã chọn cho mình một phương pháp cách mạng duy nhất đúng - suốt đời theo đuổi vũ trang bạo động, không hề có ảo tưởng ở quân cướp nước và bè lũ bán nước. Trong cuộc bút đàm với Lương Khải Siêu trên đất Nhật, Phan Bội Châu đã bộc bạch: “Quyền giáo dục ở nước tôi hoàn toàn ở trong tay giặc Pháp... bây giờ chúng tôi tìm đường sống ở trong muôn vàn cái chết, chỉ nghĩ có bạo động mà thôi: bạo động tức là làm môi giới cho sự cải lương giáo dục”[5].
Lòng yêu nước và chí kiên trì bạo động đã giúp Phan Bội Châu tìm ra những phương thức hoạt động mới mẻ trước đó chưa bao giờ có. Đó là việc lập ra một tổ chức chính trị cố kết những người đồng tâm, đồng chí trong đó để đối đầu với bộ máy thống trị ngoại bang trong nước và những người đồng bệnh ở nước ngoài. Đó là việc sử dụng các phương tiện tuyên truyên để thức tỉnh hồn nước, hướng đồng bào tới mục đích tối thượng là đánh giặc cứu nước. Văn thơ Phan Bội Châu một thời làm say mê đồng bào, làm thức dậy những tấm lòng vì đại nghĩa, hướng tuổi trẻ Việt Nam đi vào cuộc chiến đấu sống mái với quân thù, mở ra một phong trào Đông du rầm rộ trong lịch sử nước nhà.
Cũng từ chủ nghĩa yêu nước và chí kiên trì vũ trang bạo động, Phan Bội Châu chủ trương đoàn kết mọi người. Chủ trương của ông đã làm sống lại tinh thần “vua tôi đồng lòng, trăm người một bụng” trong những trang sử chống ngoại xâm đẹp nhất của Việt Nam. Phan không chỉ nhìn ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, mà còn ra công xây đắp khối đoàn kết ấy thành thứ vũ khí vô địch. Trong Tân Việt Nam, ông đã nhấn mạnh: “Nếu sức một người không đủ thì hiệp sức mười người lại, sức mười người không đủ thì hợp sức trăm, ngàn, vạn người mà làm cho ra. Lòng cả nước đều anh hùng, thì người Pháp một ngày không thể yên được”. Trên phương diện đoàn kết dân tộc, có lẽ Phan Bội Châu, người Việt Nam đầu tiên có những ý tưởng mới mẻ, đặt việc cứu nước là “trách nhiệm của quốc dân”, là “trách nhiệm của hàng triệu người”, “không phải một tay một chân mà làm nên, mà phải do tâm huyết của hàng vạn người anh hùng vô danh”. Cái mới mẻ trong tư tưởng đoàn kết của ông không chỉ ở 10 hạng người đồng tâm hiệp lực, mà còn ở chỗ lần đầu tiên ông đề cập vai trò của phụ nữ, của binh lính người Việt trong quân đội Pháp và hô hào đoàn kết lương-giáo trên lập trường cứu nước, trên nguyên tắc tự do tín ngưỡng. Đến năm 1908, trong Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu liệt kê thêm một đối tượng nữa - các dân tộc thiểu số, vào danh sách các lực lượng chống Pháp.
Trong Tân Việt Nam, Phan Bội Châu sau khi nói những lời thật hay về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội, đã đi tới một nhận định táo bạo: “Trong nước nếu không có phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho người ta mà thôi”. Những nhận thức, những quan điểm về phụ nữ của Phan thực sự mới mẻ và cách mạng, có sức cuốn hút mọi lực lượng cách mạng vào con đường đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc.
Một điểm đặc sắc mang tính chất đổi mới trong nhận thức của Phan Bội Châu là sự quan tâm tới việc vận động giáo dân, xây dựng khối đoàn kết lương - giáo. Trong con mắt của ông, ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp không từ một tôn giáo nào. Vì thế, đối với ông, đồng bào công giáo “đều là anh ta cả, đều là em ta cả... Mấy mươi năm nay người Pháp nghiêm hình trọng phạt, có một thứ nào rộng rãi cho người theo đạo Gia tô đâu: tiền sưu tiền thuế thu nhiều không bớt một đồng nào cho người Gia tô”[6]. Bởi lẽ đó, giáo cũng như lương ai cũng có lòng yêu nước. Từ đó, ông đi tới một nhận thức đúng đắn là giáo dân nào “không chịu đi giúp người Pháp để làm hại nước Việt Nam… mới là dân của đạo Thiên chúa cứu thế, mới là dân đồng bào nước Việt Nam” và “nếu ai nhẫn tâm nhìn người Pháp làm hại người Việt, tức là không phải dân Thiên chúa giáo, tức là trong đạo Thiên chúa cứu thế không có thứ đạo lý ấy, trong đồng bào nước Việt Nam không có cái giống người ấy”2. Cách nhìn nhận của Phan Bội Châu cho phép san bằng hố ngăn cách giữa lương và giáo mà thái độ thù địch đã tạo ra hàng trăm năm nay và đã từng bị bọn thống trị lợi dụng. Vì thế, ông mới có thể thu hút sức người, sức của của giáo dân cho sự nghiệp của mình. Trong phong trào Đông du, nhiều giáo dân, tiêu biểu là Mai Lão Bạng, một con chiên ngoan đạo, đã trở thành một trợ thủ đắc lực của ông.
Cũng nhờ vào tấm lòng yêu nước chân thành, Phan Bội Châu đã chuyển từ yêu đất nước mình đến thông cảm với những đất nước cùng cảnh ngộ, do đó từ đoàn kết dân tộc đi tới “liên kết với những người đồng bệnh với ta”.
Và cuối cùng, Phan Bội Châu đã hoan hô Cách mạng tháng Mười Nga và Liên bang Xô viết, bởi lẽ đất nước ấy có thể giúp đỡ các dân tộc bị áp bức đánh đổ đế quốc thực dân, giành độc lập. Đó chính là những tư tưởng thực sự mới mẻ mà chỉ có nhãn quan cách mạng, tầm nhìn như ông mới có được.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi ngót 30 năm, Phan Bội Châu với chí hướng ấy, tư tưởng ấy, đức độ ấy sao phải trải qua nhiều thất bại đắng cay như chính ông đã bộc bạch: lịch sử của đời ông là “lịch sử hoàn toàn thất bại”? Thời đại đã tạo ra người anh hùng Phan Bội Châu, nhưng chính thời đại lại chưa tạo ra những điều kiện cần thiết cho người anh hùng thỏa chí tung hoành. Thời đại chưa sẵn sàng và Phan Bội Châu đã chín sớm. Hạn chế lịch sử đó thế hệ cách mạng như Phan Bội Châu không thể vượt qua. Và hạn chế lịch sử đó, nói như F. Anghen, hãy để cho thế hệ con cháu tìm kiếm và giải mã. Đúng như vậy. Không ở đâu, mà ngay trên mảnh đất Nghệ Tĩnh, đã xuất hiện con người đó, Hồ Chí Minh, về thế hệ, thuộc hàng con cháu Phan Bội Châu.
Hồ Chí Minh (1890-1969), người làng Kim Liên, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quê hương, gia đình và sự nhập cuộc sớm của bản thân đã làm nảy sinh trong Người lòng yêu nước thương dân tha thiết. Với tấm lòng ấy, Người đã trăn trở với biết bao câu hỏi lớn về thời cuộc, về vận mệnh của đất nước: Tại sao các phong trào chống Pháp phải chịu thất bại, chân lý ở đâu và tìm đâu ra chân lý để cứu dân cứu nước? Người đã lục tìm trong lịch sử, đặc biệt trong phong trào chống Pháp đương thời, những cứ liệu cho dự cảm của mình. Kính trọng các bậc anh hùng tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, v.v. nhưng Người không bằng lòng với đường đi nước bước của những người đi trước. Sau nhiều trăn trở, ngày 5-6-1911 với chân phụ bếp trên chiếc tàu Đô đốc Latouche Tréville của Hãng vận tải Hợp nhất, Người rời cảng Nhà Rồng đi Pháp tìm đường cứu nước. Hành trang của Người không có gì, ngoài tấm lòng yêu nước và đôi bàn tay lao động với quyết tâm tìm ra chân lý trở về giúp đồng bào. Từ năm 1911 đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để có thể đến được nhiều nơi trên thế giới, qua đó mà xem xét, khảo nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống phức tạp, đa dạng của nhân loại. Với những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình được nâng lên thành sự đồng cảm với những dân tộc cùng cảnh ngộ. Qua đó, sự nhận diện kẻ thù cũng trở nên sâu sắc hơn, sinh động hơn và khái quát hơn. Trong suy nghĩ của Người, nhân loại “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Cuối năm 1917 Người trở lại Pháp, chọn Pari làm địa bàn hoạt động. Bằng những hoạt động sôi nổi trong Việt kiều, trong Đảng Xã hội Pháp, trong phong trào công nhân Pháp, Hồ Chí Minh nhanh chóng nắm bắt được thời cuộc và nhịp thở của thời đại làm nền tảng cho sự lựa chọn những giá trị cho bản thân và cho dân tộc. Người đã đọc Sơ thảo Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính Người đã tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách thực dân. Từ bước chuyển biến tư tưởng quan trọng đó Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đai hội Tua tháng 12-1920. Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mình, Hồ Chí Minh đã xúc tiến hoạt động lý luận và thực tiễn nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước. Việc truyền bá tư tưởng cứu nước mới của Người là một quá trình liên tục, không đứt đoạn, từ thấp đến cao, có chủ đích, trên bốn địa bàn khác nhau: Pari (1921-1923), Mátxcơva (1923-1924), Quảng Châu (1924-1927), vùng Đông Bắc Xiêm (1928-1929). Ở mỗi địa bàn, tuỳ vào điều kiện lịch sử của nó, Người đã sử dụng những phương tiện truyền bá khác nhau nhằm đạt được mục đích nhất định. Trong bốn địa bàn đó quan trọng nhất là Quảng Châu, nơi có những điều kiện thuận lợi cho Hồ Chí Minh triển khai những hoạt động cách mạng của mình và đã đạt hiệu quả công tác lớn nhất. Tại đây, Người đã thừa hưởng nhiều công việc, nhiều kinh nghiệm mà Phan Bội Châu để lại. Đó là một đội ngũ những thanh niên yêu nước, có tri thức, hăng hái, dám xả thân vì đại nghĩa, theo tiếng gọi của Phan Bội Châu xuất dương sang sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là hệ thống giao thông liên lạc với trong nước đã được xác lập thời Phan Bội Châu. Vì thế, trong một thời gian ngắn tới Quảng Châu, Người đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, một tổ chức chính trị theo khuynh hướng mácxit đầu tiên ở Việt Nam mà lớp hội viên đầu đều đã từng hoạt động dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu, xuất bản các phương tiện tuyên truyền như báo Thanh niên, Lính kách mệnh, Báo Công nông, cuốn sách Đường kách mệnh, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đào tạo những người tuyên truyền, những người tổ chức. Bằng những hoạt động tích cực đó, tổ chức cách mạng do Người sáng lập, đã xây dựng cơ sở khắp ba miền đất nước, truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin trong quần chúng lao động để đến cuối năm 1929 đầu năm 1930 lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản. Ngày 3-2-1930 Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị hợp nhất thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đã được giải quyết.
Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài Hồ Chí Minh luôn luôn nghĩ về Tổ quốc. Trong một lá thư gửi lại cho những người bạn chiến đấu trước khi rời Pari, Người đã bộc bạch: “Chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta. Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Từ khát vọng đến hiện thực là cả một khoảng cách rất dài. Hồi ở Pháp, trong lá thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922, Phan Chu Trinh không tán thành phương pháp mà ông gọi là “Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” của Nguyễn Ái Quốc và đã khuyên Người: “trở về ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công!”. Mặc dù rất kính trọng cụ Phan, bậc cha chú, nhưng Người đã không làm theo lời khuyên đó. Trở về, tức là tự nộp mình cho thực dân Pháp và bọn tay sai, phải “đãi thời” mới có thể “đột nội” được. Ở Nguyễn Ái Quốc, đợi thời đột nội đã là một khắc khoải cho nên Người chăm chú theo dõi những biến cố lịch sử trong và ngoài nước làm xuất hiện dấu hiệu thời cơ trở về nước. Thời cơ đột nội của Người chỉ xuất hiện sau tháng 10-1940, khi nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Đông Dương lọt vào tay quân phiệt Nhật. Chớp lấy cơ hội đó, tháng 1-1941 Người quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng, Người chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, hoàn thiện sự chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam - đặt vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. Nhằm mục đích tối cao ấy, Người quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp hết tháy những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt đảng phái chính trị, giai cấp, tôn giáo, nam nữ, nghề nghiệp. Mặt trận Việt Minh với chương trình cứu nước đầy thuyết phục xuất hiện như một lực lượng trong phe dân chủ, trong phe Đồng minh chống phát xít. Đó là lúc mà nhân dân Việt Nam góp một phần xương máu của mình cùng với nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và giành lại nền độc lập trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở một nước thuộc địa. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đất nước bị nô dịch đã trở thành nước độc lập, nhân dân bị tước đoạt trở thành người tự do, người chủ thực sự của đất nước mình. Bản đồ chính trị thế giới năm 1945 có sự thay đổi lớn lao: ở châu Âu một loạt nước được giải phóng khỏi ách phát xít, xây dựng chính quyền dân chủ; ở châu á, Việt Nam, Inđônêxia giành được độc lập và phát triển đất nước theo con đường riêng của mình.
Trong lá thư viết dưới ánh đèn dầu ngày 14-2-1925 gửi Lý Thuỵ (Nguyễn ái Quốc), Phan Bội Châu đã viết những dòng tâm sự trộn lẫn quá khứ, hiện tại và tương lai với một người cháu đồng hương nơi xứ người:
“Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chửa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không thấy được ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được? Một đời tận khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ uỷ thác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cản thấy vui mừng được?”[7].
Những điều mà hai người bác-Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu - kỳ vọng ở người cháu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều đã được thực hiện trọn vẹn, hoàn hảo. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chí Minh, đất nước đã thoát khỏi ách phát xít Nhật và trở thành quốc gia độc lập từ năm 1945, rồi đánh Pháp, đuổi Mỹ, thu giang sơn về trong một mối. Và dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh đất nước ta đang lập nhiều kỳ tích trong thời kỳ đổi mới và sớm trở thành một nước giàu mạnh trên trái đất này.
* *
*
Lịch sử thế giới và lịch sử mỗi nước ẩn chứa bên trong những chuỗi dài bất tận các sự kiện tất yếu và ngẫu nhiên. Lịch sử nước ta cũng không ngoại lệ. Nhìn thoáng qua, sự xuất hiện ba nhân vật Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh tiếp nối và phát triển tư tưởng giải phóng dân tộc trên cùng mảnh đất Nghệ Tĩnh tưởng là một hiện tượng ngẫu nhiên. Nhưng suy cho cùng, xét cho kỹ thì đó là hiện tượng tất yếu. Mảnh đất Nghệ Tĩnh với những điều kiện tự nhiên, địa - văn hoá, địa - lịch sử đã chuẩn bị sẵn những điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện đó.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 02-06-2013.
[1]. J. Xanhtơni, Đối diện với Hồ Chí Minh.
[2]. Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng, Tân Việt xuất bản, 1957, tr.20.
[3]. Đào Trinh Nhất: Sđd, tr. 85.
[4]. Đào Trinh Nhất: Sđd, tr. 123.
[5]. Phan Bội Châu: Niên biểu, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1959, tr. 33.
[6]. Phan Bội Châu: Việt Nam vong quốc sử, Văn Sử Địa, Hà Nội, 1972, tr. 80,81.
[7]. Vĩnh Sính: “Về bức thư của Phan Bội Châu gửi Nguyễn Ái Quốc”, Tạp chí Xưa Nay, số 38, tháng 4-1997, tr. 5.