Văn hoá Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn và vai trò của nó trong quá trình hình thành cảng thị Hội An (Nguyễn Chiều)

Thứ tư - 09/08/2023 22:22
Đồng bằng sông Thu Bồn không được rộng lớn và màu mỡ như đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam hay đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Nhưng nó vẫn là một vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu vào bậc nhất ở miền Trung.

VĂN HOÁ SA HUỲNH Ở LƯU VỰC SÔNG THU BỒN VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CẢNG THỊ  HỘI AN

NGUYỄN CHIỀU

Lưu vực sông Thu Bồn là một khu vực rộng lớn, bao gồm hầu như toàn bộ địa phận tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Sông Thu Bồn được hình thành bởi sự hợp lưu của một hệ thống sông ngòi chằng chịt và bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây, chảy ngoằn ngoèo về phía Đông, qua dải đồng bằng hẹp xen lẫn núi đồi thấp rồi đổ nước ra Cửa Đại.

Đồng bằng sông Thu Bồn không được rộng lớn và màu mỡ như đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam hay đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Nhưng nó vẫn là một vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu vào bậc nhất ở miền Trung.

Với vị thế tựa lưng vào núi ở phía Tây, ngoảnh mặt nhìn ra biển ở phía Đông, khí hậu quanh năm ấm áp, cây cối bốn mùa tốt tươi nên lưu vực sông Thu Bồn đã sớm thu hút được con người đến cư ngụ. Đặc biệt là từ khi đồ sắt xuất hiện (văn hoá Sa Huỳnh) thì mật độ dân cư ở đây đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ từ khi đất nước Việt Nam thống nhất (1975) đến nay, chúng ta đã phát hiện được gần 100 địa điểm có di tích văn hoá Sa Huỳnh ở khu vực này. Trong đó có 25 địa điểm đã được khai quật hoặc đào thám sát, 24 địa điểm tuy chưa được khai quật hoặc đào thám sát nhưng đã được xác định chắc chắn. Còn lại hàng chục địa điểm khác đã phát hiện thấy dấu vết nhưng chưa được nghiên cứu kỹ càng và đầy đủ.

Những di tích văn hoá Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn phân bố trên nhiều địa hình khác nhau: từ đồng bằng ven biển đến núi cao. Phần lớn những di tích đó là những khu mộ táng, còn những di chỉ cư trú được phát hiện chưa nhiều. Những di chỉ cư trú đã được phát hiện chủ yếu phân bố trên các cồn cát ven sông, ven biển nên phần lớn các di chỉ đó có tầng văn hoá không rõ ràng và thường bị xáo trộn nặng nề. Tuy vậy, các di chỉ đó cùng với việc phát hiện một số di tích văn hoá Tiền Sa Huỳnh cũng đủ để khẳng định chắc chắn rằng: cư dân - chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh là người bản địa chứ không phải là người từ biển vào như một số học giả trước đây đã từng quan niệm.

Mộ táng của cư dân văn hoá Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn chủ yếu là mộ quan tài gốm. Tất cả các quan tài gốm được chôn ở tư thế đứng, miệng quay lên trên. Chúng thường được chôn thành từng cụm hoặc thành hàng lối rõ ràng. Có những nghĩa địa chôn tập trung hàng trăm ngôi mộ. Mỗi quan tài thường có một nắp đậy. Tuy hiếm thấy nhưng cũng có trường hợp một số mộ quan tài gốm được chôn chồng lên nhau như ở Gò Mả Vôi hoặc một số mộ có quan tài kép (hai chum gốm lồng vào nhau - trong quan ngoài quách) như ở Hậu Xá, Đại Lộc, Gò Dừa, Gò Mả Vôi. Đồ tuỳ táng bằng gốm thường được đặt xung quanh, sát bên ngoài quan tài. Đồ tuỳ táng bằng kim loại và đồ trang sức thường được đặt bên trong quan tài. Một số quan tài được kê đá hoặc gốm ở dưới như địa điểm Gò Dừa, Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, Hậu Xá, Lai Nghi.

Các quan tài gốm có nhiều kiểu, dạng và kích cỡ khác nhau. Chúng có thể được chia thành bốn kiểu chính:

Kiểu 1: Chum hình trụ. Đây là kiểu quan tài phổ biến nhất. Chúng thường có kích thước lớn, chiều cao gần gấp đôi đường kính thân (cao trung bình từ 85 - 95 cm, đường kính thân từ 50 - 55 cm). Thân thẳng, miệng loe, phía trong cổ có hoặc không có gờ đỡ nắp, phía ngoài cổ có hoặc không có gờ đắp nổi chạy vòng quanh, đáy hình chỏm cầu, hoa văn chủ yếu là văn thừng chạy dọc từ trên xuống dưới. Kiểu chum này có ba dạng.

- Dạng 1: Không có vai, thân thẳng đều, xương gốm dày. Dạng này phổ biến ở nhiều địa điểm có niên đại muộn.

- Dạng 2: Không có vai, thân thuôn nhỏ lên cổ. Dạng này xuất hiện không tập trung ở riêng địa điểm nào mà thường xuất hiện rải rác, xen lẫn với các dạng chum khác (một số nhà nghiên cứu xếp dạng chum này vào loại chum hình trứng).

- Dạng 3: Có vai gãy, thân hơi thuôn xuống đáy, xương gốm mỏng. Dạng này là đặc trưng của khu mộ táng Tam Mỹ và nó cũng xuất hiện rải rác ở một số địa điểm khác.

Kiểu 2: Chum hình trái xoan. Đây là kiểu chum xuất hiện nhiều ở Gò Mả Vôi và Gò Miếu Ông, chúng chiếm tới khoảng 60% số chum của hai địa điểm này. Chúng cũng là một dạng chum có kích thước lớn, nhưng tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính thân chênh lệch nhau không nhiều (cao trung bình từ 65 - 75 cm, đường kính giữa thân khoảng 55 - 60cm), miệng loe xiên, cổ gãy góc, vai xuôi tạo với thân thành một góc tù lớn hơi tròn, thân hình ống tương đối thẳng nhưng ngắn, phần dưới của thân bóp nhỏ lại và gần như đối xứng với phần vai qua mặt cắt ngang giữa thân chum, đáy chum hình chỏm cầu hơi dẹt, hoa văn chủ yếu là văn thừng thô phủ kín phía ngoài thân và đáy chum (cũng có nhà nghiên cứu xếp kiểu chum này vào loại chum hình trứng).

Kiểu 3: Chum hình trái đào. Đây là kiểu chum mới xuất hiện ở Gò Mả Vôi (bốn chiếc). Chúng cũng có miệng loe hơi xiên, phía ngoài vành miệng thường có những rãnh sâu, rộng, chạy song song vòng quanh toàn bộ miệng chum. Cổ gãy góc, vai nở rộng và cong tròn. Thân vát nhỏ dần xuống đáy. Đáy hơi nhọn, kích thước của các chum chênh lệch nhau nhiều: có chiếc kích thước tương tự như kiểu chum hình trái xoan nhưng có chiếc chỉ như một chiếc nồi lớn.

Kiểu 4: Kiểu quan tài nồi. Trong nhiều khu mộ táng ở lưu vực sông Thu Bồn xuất hiện kiểu quan tài này. Thân nhân của người chết đã dùng những chiếc nồi gốm lớn với nhiều hình dáng khác nhau: hình cầu, hình quả lê, nồi có gãy góc ở thân… để mai táng người chết. Một số quan tài kiểu này bị bẻ gẫy hết phần miệng trước khi chôn. Có nhà nghiên cứu cho rằng kiểu quan tài này thường được dùng để chôn trẻ em, hoặc cải táng, hoặc hoả táng… Việc sử dụng nồi làm quan tài phổ biến ở địa điểm Tam Giang.

Nắp quan tài cũng có bốn kiểu chính:

Kiểu 1: Nắp hình nón cụt. Kiểu nắp này rất phổ biến ở nhiều khu mộ táng. Phần đỉnh của nắp đều bằng phẳng, hình tròn, không có hoa văn, đường kính khoảng trên dưới 20cm. Phần thân của nắp cao khoảng hơn 20cm, loe rộng xuống phía miệng. Phía trong các nắp thường được tô đen ánh chì. Phía ngoài phần thân của một số nắp được trang trí hoa văn khắc vạch thành những hình tam giác lớn hoặc những hình thoi lồng vào nhau hoặc hình chữ S có đệm tam giác nhỏ… Cũng có nhiều nắp hoàn toàn không được trang trí ở phía ngoài.

Miệng của kiểu nắp hình nón cụt thường có đường kính dài khoảng trên dưới 50cm - tương ứng với miệng quan tài. Một số nắp có vành miệng được phân biệt rõ ràng với phần thân bởi một góc hơi gãy giống như vành miệng của một số mâm bồng cỡ lớn. Vài chiếc nắp có vành miệng bóp vào thành gờ nổi phía trong. Một số ít miệng nắp do quá rộng nên đã bị cắt gọt bớt phần rìa mép để đậy vừa quan tài. Cũng có vài chiếc nắp không được dùng để đậy quan tài mà được dùng để đậy lên đầu thi hài người chết trong mộ đất (ở Gò Mả Vôi và Lai Nghi).

Kiểu 2: Nắp hình lồng bàn/mâm bồng. Nắp hình lồng bàn có dáng khum tương tự như chiếc lồng bàn, cao khoảng 20cm, miệng rộng khoảng 50cm, có núm lớn giống như chân của một bát bồng cỡ trung bình. Núm cao khoảng 10cm và đường kính miệng cũng khoảng 10cm, được chế tạo riêng và gắn chắp vào giữa đỉnh của nắp. Vì vậy, phần núm này thường bị tách rời khỏi nắp.

Người Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn cũng dùng phần trên của những chiếc mâm bồng cỡ lớn để làm nắp đậy quan tài. Khi dùng mâm bồng làm nắp quan tài, người ta thường cố ý bẻ gẫy phần chân đế. Chính vì vậy, khi phát hiện được những nắp đậy này, chúng ta khó phân biệt được với nắp đậy hình lồng bàn.

Kiểu 3: Nắp đậy hình nồi úp: Kiểu nắp này là những chiếc nồi gốm cỡ lớn (thường là những chiếc nồi thấp, vai rộng, miệng khum vào hoặc bị bẻ gãy) được dùng để đậy những quan tài hình trụ nhỏ hoặc quan tài nồi.

Kiểu 4: Nắp tận dụng. Vốn là phần đáy của một chiếc chum lớn, được cắt gọt cẩn thận để làm nắp đậy cho quan tài. Kiểu nắp này mới thấy xuất hiện một chiếc ở Gò Mả Vôi, một chiếc ở Gò Dừa.

Bên cạnh các mộ quan tài gốm còn có một số mộ đất được chôn xen kẽ như ở địa điểm Gò Mả Vôi, Lai Nghi…

Các mộ đất thường được chôn theo hướng cơ bản Tây - Đông. Đồ tuỳ táng bằng gốm thường được đặt thành hàng thẳng ở bên cạnh thi hài, còn đồ kim loại thường được đặt ở giữa. Đã thấy mộ đất song táng ở địa điểm Lai Nghi nhưng chưa thấy các mộ đất cắt phá nhau và cũng chưa thấy hiện tượng các mộ đất và mộ quan tài gốm cắt phá nhau.

Hiện vật chôn theo trong các mộ quan tài gốm và mộ đất đều khá đồng nhất về loại hình, chất liệu và niên đại. Chúng gồm có đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng, đồ trang sức…

Đồ gốm là loại hiện vật có số lượng nhiều nhất trong cả di chỉ cư trú và mộ táng. Trong các mộ táng có nhiều hiện vật được xếp đặt cẩn thận nhưng cũng có một số hiện vật có hiện tượng bị đập vỡ trước khi chôn. Đồ gốm tuỳ táng có nồi, bát, đĩa, cốc, mâm bồng, “đèn”, bình, dọi xe sợi… tương tự như đồ gốm ở các khu vực khác trong văn hoá Sa Huỳnh nhưng cũng có một số đặc trưng riêng.

Đồ sắt gồm các loại dao, rựa, kiếm, giáo, dao găm, thuổng, rìu, cuốc, đục, xà beng, liềm… Chúng có hình dạng ổn định như thường thấy ở Đông Nam Á đầu thời đại đồ sắt và vẫn được chế tạo và sử dụng cho đến tận ngày nay. Ngoài những đồ sắt có nguồn gốc bản địa và Đông Nam Á còn thấy xuất hiện dao sắt có chuôi hình vành khăn - một loại dao sắt đặc trưng của Trung Quốc thời Tây Hán. Cũng có hiện tượng một số đồ sắt kích thước lớn bị bẻ gãy gập hoặc bị bẻ cong trước khi chôn.

Đồ đồng tuy không nhiều về số lượng như đồ sắt nhưng cũng khá phong phú về loại hình. Bao gồm rìu, giáo, lao, dao găm, đồ đựng, lục lạc, khuyên tai, vòng tay… Điều đáng quan tâm nhất là phần lớn số đồ đồng ở đây có mối quan hệ rất mật thiết với đồ đồng trong văn hoá Đông Sơn và một số đồ đồng có nguồn gốc Trung Quốc thời Hán.

Đồ trang sức rất đa dạng về loại hình như khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai hình con đỉa, vòng tay, hạt cườm, hạt chuỗi… đồng thời cũng rất phong phú về số lượng. Có những cuộc khai quật đã thu lượm được hàng ngàn hiện vật là đồ trang sức bằng các chất liệu khác nhau như đá quý, thủy tinh, vàng, đất nung…

Qua các di tích và di vật đã phát hiện được cho thấy cư dân Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn có mối quan hệ giao lưu trong một không gian rộng lớn. Bên cạnh quan hệ giao lưu trong nội bộ cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung, họ còn mở rộng quan hệ giao lưu với cư dân văn hoá Đông Sơn, với Hán ở phía Bắc; với Tiền Óc Eo ở phía Nam; với Lào, Campuchia và Thái Lan ở phía Tây, Tây Bắc; với quần đảo Philippin và Inđônêxia ở phía biển Đông.

Có được mối quan hệ giao lưu rộng rãi như vậy bởi lưu vực sông Thu Bồn có vị trí địa lý rất thuận lợi, không những chỉ là trung tâm của không gian văn hoá Sa Huỳnh mà nó còn án ngữ con đường biển nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nối Nam Á với Đông Á, nối hai nền văn minh lớn thời cổ đại là Trung Quốc và Ấn Độ. Mặt khác, do có một nền tảng sản xuất nông nghiệp vững chắc, sức sản xuất của xã hội khá cao nên trong sự tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài, cư dân Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn có được thế chủ động hơn các vùng khác. Đường thuỷ là phương tiện giao thông thuận lợi nhất đối với họ. Trong đời sống của họ, dòng Thu Bồn và các chi lưu của nó là cái gạch nối rất quan trọng giữa các vùng núi đồi - đồng bằng - biển cả. Với những thuyền bè thô sơ, nương theo các dòng hải lưu và gió mùa, họ có thể đến được các vùng xa xôi và ngược lại, thuyền bè của cư dân nơi khác cũng có thể ngược dòng Thu Bồn rồi theo các chi lưu mà lan toả, thâm nhập sâu vào các làng bản trong khắp khu vực để trao đổi, buôn bán những sản phẩm cần thiết.

Sự có mặt của nhiều hiện vật có nguồn gốc ngoại nhập trong các di tích đã chứng tỏ nền thương mại ở khu vực này đã khá phát triển. Đặc biệt là sự xuất hiện những đồng tiền Ngũ Thù của Trung Quốc thời Hán ở Gò Tây An (Duy Xuyên) và Hậu Xá (Hội An) đã khẳng định chắc chắn rằng trong thời gian cận kề công nguyên, việc buôn bán ở khu vực này không chỉ dừng lại ở hình thức vật đổi vật - hình thức thương mại nguyên thủy - mà đã đạt đến trình độ cao. Có thể lúc bấy giờ đã có một số trung tâm thương mại sơ khai xuất hiện trong khu vực này. Vùng đất Hội An cổ là nơi hội tụ các dòng sông, có cửa biển lớn, có nhiều bến bãi, là nơi đủ điều kiện trở thành một trung tâm thương mại thường xuyên hơn để người Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn giao thương với bên ngoài. Như vậy, một cảng thị sơ khai ra đời và phát triển để rồi chính thức trở thành cảng thị Lâm Ấp phố - Đại Chiêm hải khẩu - Hải phố - FaiFo - Hội An sau này.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 09-06-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây