Vai trò của yếu tối nội sinh và ngoại sinh trong sự hình thành nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam (PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung)

Thứ hai - 07/08/2023 23:44
Ở đây, chúng ta có thể điểm tên tuổi với những công trình nghiên cứu liên quan như Tiểu luận của Heine – Geldern về cơ sở tôn giáo của Nhà nước và Vương quyền; Mô hình của Wittfogel về Chế độ Chuyên quyền phương Đông; Chính thể nhà nước Nagara: “Chính thể Ngân hà” của Tambian hay Mandala của Wolters ...
VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ NỘI SINH VÀ NGOẠI SINH
TRONG SỰ HÌNH THÀNH NHÀ NƯỚC SỚM
Ở MIỀN TRUNG VIỆT NAM
 
DẪN LUẬN

Chuyển biến sang lịch sử – một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn của Đông Nam Á

10 thế kỷ trước và sau CN là thời kỳ của những chuyển biến xã hội – chính trị – kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á Lục địa, đặc biệt là sự hình thành những nhà nước sớm ở những châu thổ sông lớn và ven biển [1].

Hình thành nhà nước ở Đông Nam Á: Một số vấn đề lý thuyết
Trong những thập kỷ gần đây các nhà nghiên cứu đã có nhiều cố gắng để giải quyết thấu đáo vấn đề liên quan đến thời gian và cách thức hình thành những nhà nước đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, đa số những nỗ lực này tập trung vào khu vực lục địa, khu vực hải đảo không thu hút được những quan tâm cần thiết, phần do thiếu thốn và khó khăn trong khai thác tư liệu, phần do đa số học giả chỉ nghiên cứu cặn kẽ nhà nước thời kỳ cuối của thiên niên kỷ I SCN khi những nhà nước đầu tiên đã phát triển [2]. 

Giữa những học giả tiêu biểu nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á đã có những cuộc thảo luận mang tính lý thuyết về nguồn gốc và bản chất của nhà nước sớm. Ở đây, chúng ta có thể điểm tên tuổi với những công trình nghiên cứu liên quan như Tiểu luận của Heine – Geldern về cơ sở tôn giáo của Nhà nước và Vương quyền; Mô hình của Wittfogel về Chế độ Chuyên quyền phương Đông; Chính thể nhà nước Nagara: “Chính thể Ngân hà” của Tambian hay Mandala của Wolters ...

Dẫu còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng đa số người nghiên cứu đều thống nhất về bản chất của sự hình thành nhà nước ở Đông Nam Á. Đó là – “hình thành nhà nước thứ cấp mà trong đó sự chuyển tiếp thường đột ngột, kiểu như một lãnh địa hay xã hội phân tầng được đẩy vào trạng thái nhà nước, bằng mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với nhà nước đã tồn tại trước đó” [3] …

Tất nhiên sự xuất hiện và hình thành các giai cấp cũng như sự hình thành nhà nước đầu tiên là cả một quá trình, hàng ngàn năm, tuy vậy, theo Ăng ghen quá trình này chỉ có thể tiến hành một cách nhanh chóng bùng nổ, đột biến khi có sự tác động của bên ngoài. Đây cũng là cách nhìn biện chứng giúp chúng ta lý giải sự thay đổi/thay thế khá đột ngột của nhiều tổ hợp văn hóa trong vòng vài chục cho đến vài trăm năm trước và sau công nguyên không chỉ ở vùng nơi đang nghiên cứu mà còn ở nhiều vùng khác cùng bối cảnh văn hóa lịch sử.

Liên quan đến nguyên nhân và động cơ xuất hiện và tiến hóa của cấu trúc nhà nước trong khu vực trong văn liệu khảo cổ và lịch sử chúng ta thấy ít nhất có hai nhóm ý kiến:

i. Nhóm ý kiến tập trung vào những thành phần ngoại sinh như Buôn bán khoảng cách xa; Tương tác với Trung Hoa, Ấn Độ; Truyền bá tư tưởng, tôn giáo…

ii. Nhóm ý kiến thiên về những thành phần nội sinh như Gia tăng dân số hay tỉ lệ không đồng đều về dân số; Nhu cầu trị thủy và sử dụng nước; Phân hóa xã hội về giai tầng và của cải…
Trong khi những công trình trước đây thường nhấn mạnh vai trò của các yếu tố ngoại sinh bất kể đó là kinh tế, chính trị hay tôn giáo dưới những cái ô của Ấn Độ hóa, Trung Hoa hóa, Hindu hóa… thì những nghiên cứu gần đây đã chú ý đặc biệt đến vai trò quan trọng của nền tảng kinh tế – chính trị – văn hoá của các xã hội bản địa trong quá trình hình thành nhà nước ở các mức độ khác nhau. Luận điểm nhất quán trong những nghiên cứu này là: Chính nhu cầu phát triển nội tại là nguyên nhân để các xã hội Đông Nam Á lựa chọn những mô hình chính trị tương thích phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của mình. Ngoài ra còn có những nghiên cứu kết hợp cả hai xu hướng nói trên [4]…

Từ góc độ lịch sử tự nhiên – văn hoá, miền Trung Việt Nam do đường bờ biển dài hướng ra bên ngoài và cũng do nhiều nguyên nhân lịch sử khác là nơi cập bến của nhiều lớp cư dân khác nhau. Chính những đặc điểm này đã tạo ra các lớp văn hoá chồng xếp kiểu cơ học (nếu chỉ xét trên bề mặt), song thẩm thấu sâu (nếu xét theo chiều dọc).

Một mặt miền Trung gần gụi với hải đảo do vị thế địa nhân văn với địa hình gồm những hệ thống lưu vực sông chạy từ dãy Trường Sơn ra Biển Đông, phương thức mưu sinh của các cộng đồng cư dân dựa trên trồng lúa, đánh cá, khai thác rừng và biển (đặc biệt những thành tựu văn hóa vật chất của các cộng đồng cư dân thời Sa Huỳnh, thời Champa cho thấy một cách rõ ràng của cải và sự giàu có của họ dựa phần lớn vào sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của hệ thống giao thương sông biển, giao thương biển – đại dương). Mặt khác, từ góc độ lịch sử, vùng đất này chứng kiến và lưu dấu ấn của vô vàn những “đụng độ”, “gặp gỡ”  Bắc – Nam; Đông – Tây, chu kỳ lịch sử văn hóa phức tạp và biến động hàng ngàn năm này đã gắn kết miền Trung với phần lục địa của Đông Nam Á và Trung Hoa.

Những thế kỷ trước và sau công nguyên là một giai đoạn rất nhạy cảm trong lịch sử, “trong khoảng thời gian này với sự vận động chuyển cư của các cư dân du mục trên khắp các lục địa Á – Âu, cho nên, dĩ nhiên cư dân trong vùng không thể không chịu những tác động trực tiếp hay gián tiếp” [5].

Phạm vi thời gian này cũng là thời gian thuộc vào hai nền văn hoá khảo cổ và liên quan chặt chẽ đến một vấn đề có tính chất lý thuyết mà theo Hà Văn Tấn đó là: “Bao giờ thì mở đầu và kết thúc một văn hoá khảo cổ trên trục thời gian khi sự phát triển văn hoá là liên tục?” [6]. Ông đã lưu ý tới tính tương đối tĩnh và tính động của văn hoá khảo cổ khi cho rằng: “Đứng trước con đường tiến hoá liên tục và dần dần mà trên đó, giữa hai điểm khác nhau trước và sau, bao giờ cũng có thể tìm được một điểm thứ ba vừa giống điểm sau vừa giống điểm trước, thì chúng ta phải hiểu như thế nào, phải định nghĩa như thế nào những khái niệm khảo cổ học cơ bản mà chúng ta vẫn thường dùng, như khái niệm ‘văn hoá’. Có lẽ, cần nhớ rằng, văn hoá khảo cổ, trong một nội dung của nó, đã bao hàm ý nghĩa của giai đoạn văn hoá”.

1. Chuỗi thời gian (khảo cổ) Miền Trung Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 3 SCN.

Từ Tây sang Đông, miền Trung Việt Nam xuôi theo thế địa hình núi rừng, sông – châu thổ, duyên hải và đảo ven bờ (và xa bờ).

Một cách khái quát, đây là dạng địa hình dài và hẹp, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, dạng địa hình này đã tác động không nhỏ tới lối sống, lối ứng xử và góp phần tạo ra những đặc trưng, những biểu trưng trong cấu trúc xã hội – văn hóa của miền Trung Việt Nam. Mỗi tiểu vùng văn hóa miền Trung về cơ bản ứng với một châu thổ sông, ngăn cách nhau bởi những đèo lớn, nhỏ và nhờ những con đường thượng đạo dọc ngang có lẽ có từ thời tiền sử, những đèo này cũng góp phần tạo ra mạng lưới kết nối nối nội tiểu vùng và liên tiểu vùng vào mạng lưới liên vùng, liên khu vực.

Đây là thời gian tồn tại của văn hóa Sa Huỳnh và của quá trình hình thành những chính thể dạng nhà nước sớm. Thời kỳ này có thể phân thành hai tiểu thời kỳ:

i. Tiểu thời kỳ sớm: Từ năm 500 TCN đến năm 100 SCN: Văn hóa Sa Huỳnh – Sơ kỳ thời đại Sắt.

ii. Tiểu thời kỳ muộn: Từ năm 100 SCN đến năm 500 SCN: Thời kỳ đầu của vương quốc Champa với nhiều tên gọi khác nhau. Tiểu thời kỳ này in dấu ấn của nhiều mối tiếp xúc và tiếp biến không chỉ kinh tế, văn hóa, tôn giáo mà cả chính trị… mà mức độ hay tính chất phụ thuộc vào sự thay đổi và tính phức tạp của những chuyển động lịch sử trong vùng và trong khu vực.


2. Thành tựu văn hóa của các cộng đồng cư dân Sa Huỳnh

Các cộng đồng cư dân văn hóa Sa Huỳnh [7] chiếm cư hầu khắp các địa hình miền Trung Việt Nam đã đạt tới những thành tựu chính như sau:

i. Mở rộng mạng lưới trao đổi nội vùng, liên vùng; buôn bán mở rộng (trực tiếp và gián tiếp) bằng đường biển kết nối với hải thương Đông Nam Á đã thúc đẩy sự phát triển của luyện kim sắt… Buôn bán được coi là chìa khóa đối với tăng trưởng kinh tế và buôn bán trên biển Đông Nam Á có tính chất thông tin cực đại chứ không phải thông tin tối thiểu (tức là, buôn bán mang theo hành trang đáng kể của thông tin và ý tưởng chứ không đơn thuần là hàng hóa). Điều này cho thấy những người tham gia vào quá trình buôn bán này chủ yếu là thành viên của các cộng đồng Đông Nam Á hải đảo hơn là những thương nhân từ bên ngoài [8]. 

ii. Tăng cường sản xuất và sử dụng công cụ, vũ khí bằng kim loại (chủ yếu là đồ sắt). Sự gia tăng đồ sắt dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cấu trúc kinh tế, xã hội của những cộng đồng địa phương.

iii. Phát triển và cải tiến nông nghiệp (trồng lúa và trồng những cây trồng khác tùy theo điều kiện môi trường và nhiệt độ).

iv. Khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ rừng và biển phục vụ cho ngoại thương và phát triển sản xuất thủ công.

Tất cả những hoạt động này đã mang lại những kết quả to lớn, dẫn đến những thay đổi cơ bản trong đời sống kinh tế, đời sống xã hội.


Mở rộng không gian sinh tồn – Những địa điểm văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện trên hầu khắp các dạng địa hình với môi trường sinh thái đa dạng. Thời gian gần đây, số lượng các địa điểm phát hiện tại các châu thổ sông lớn từ cả vùng cao đến hạ lưu tăng đáng kể. Những phát hiện này chứng tỏ sự hình thành và tồn tại của những không gian hoạt động sống – chết lớn có khả năng tương ứng với lãnh địa quy mô lớn hay liên minh giữa các lãnh địa. Trong những nghiên cứu về tổ chức xã hội dạng lãnh địa theo lưu vực sông của văn hóa Sa Huỳnh, mô hình phân bố khu cư trú hình cây của Bronson [9] tỏ ra khá hữu dụng. Giữa các cộng đồng sinh sống ở những ổ sinh thái – văn hóa đa dạng có những mối tiếp xúc và quan hệ chặt chẽ không chỉ kinh tế mà cả văn hóa và chính trị… Quy mô và phạm vi của những cộng đồng dân cư mở rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn Tiền Sa Huỳnh cho thấy sự tăng nhanh và mở rộng mức độ khai thác các nguồn lực tự nhiên và xã hội do sự gia tăng của đồ sắt dẫn đến sự tích luỹ của cải vật chất đẩy mạnh tính phức hợp xã hội. Quy mô những khu mộ địa và sự phân tầng của các mức mộ theo đồ tuỳ táng gia tăng từ sớm đến muộn.

Sản xuất thủ công: Điều quan trọng đối với những người nghiên cứu là nhận biết chiều kích và quy mô của sự chuyên hóa và tập trung hóa của sản xuất thủ công qua những di tích và di vật phát hiện được cả ở mộ táng lẫn cư trú. Đồ gốm, đồ sắt và đồ thủy tinh trong các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh chứng tỏ những ngành này đã được tổ chức và sản xuất ở quy mô lớn với sự chuẩn hóa nhất định về hình dáng, trang trí và phong cách. Thêm vào đó, nhu cầu hàng hóa mới và sự gia tăng tiêu thụ hàng hóa một mặt dẫn đến sự phát triển và mở rộng của những mạng lưới trao đổi nội vùng và liên vùng, mặt khác tính phức hợp xã hội phát triển cả theo quy mô và tính chất đóng vai trò quyết định trong chọn lựa số lượng và loại hình của hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, giống như ở nhiều xã hội trong khu vực cùng thời (miền Bắc Việt Nam, Đông Bắc Thái Lan…), tại miền Trung Việt Nam có sự tương tác tỉ lệ thuận giữa tính phức hợp xã hội – chuyên hóa sản xuất thủ công – phát triển mạng lưới trao đổi.     

Những ngôi mộ chứa hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Á, Bắc Việt Nam… được tìm thấy cả ở hai loại hình địa phương Bắc và Nam của văn hóa Sa Huỳnh.

Các nghiên cứu khảo cổ học và so sánh dân tộc học khảo cổ đã chứng minh buôn bán (đặc biệt là buôn bán khoảng cách xa) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhà nước, hàng xa xỉ, nhất là những hàng hóa có nguồn gốc ngoại lai, lạ, độc đáo có tác động khá mạnh đối với những nền kinh tế bản địa. Đồ đồng Đông Sơn, Hán, hạt chuỗi Ấn Độ lưu thông trong tầng lớp trên ở miền Trung Việt Nam [10] trong thời gian cận kề Công nguyên có lẽ là dấu hiệu đánh dấu thời kỳ chuyển biến chính trị mạnh mẽ. 

Một tác động quan trọng nữa của loại hiện vật mang tính biểu thị địa vị (hay cấp bậc) đó là vai trò của chúng như chất xúc tác đối với sự phân hóa xã hội trong các lãnh địa và đặc biệt trong mạng lưới lãnh địa. Hàng nhập ngoại và những ý tưởng kỹ thuật – văn hóa ẩn chứa trong chúng góp phần vào những chuyển biến nhất định trong cấu trúc của mỗi ngành hay trong hệ thống ngành thủ công. Tất cả những điều này đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong việc tìm kiếm và khai thác nguồn nguyên liệu, trong tổ chức sản xuất, trong cách phân phối và phân phối lại của những hàng hóa thường dùng cũng như xa xỉ.

Táng thức: Chuyển biến quan trọng nhất trong khía cạnh tinh thần của văn hóa là chuyển biến trong táng thức và táng tục từ những mộ vò nhỏ chôn rải rác trong nơi cư trú giai đoạn Tiền Sa Huỳnh sang loại mộ sử dụng quan tài – chum gốm lớn chôn tập trung trong các nghĩa địa riêng biệt giai đoạn Sa Huỳnh. Dựa trên tổ chức không gian trong mỗi nghĩa địa này cùng với tài liệu dân tộc học so sánh có thể thấy rằng mỗi nghĩa địa của một cộng đồng dân cư được chia thành từng khu vực chôn cất có thể ứng với từng họ tộc hay gia đình mở rộng.

Tài liệu khảo cổ học cho thấy chiều kích và mức độ phát triển lớn, mạnh của sức sống Sa Huỳnh. Sức sống này không thua kém sức sống của bất cứ văn hóa sơ kỳ thời đại đồ sắt nào ở Đông Nam Á. Những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh đóng góp một cách cơ bản cho sự hình thành và phát triển của các nhà nước trong những thế kỷ đầu Công nguyên [11].

3. Bản chất và sự tiến hóa văn hóa từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 3 SCN

Không gian phân bố của các địa điểm Sa Huỳnh, Champa và mối quan hệ giữa chúng


Táng thức sử dụng quan tài gốm kích thước lớn đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh biến mất một cách cơ bản vào thế kỷ 1 SCN mặc dù những biến thể của táng thức này còn đọng lại ở vùng Nam Sa Huỳnh đến thế kỷ 2, 3 SCN. Từ thế kỷ 1 SCN trở đi phong cảnh xã hội thay đổi đáng kể, đây là kết quả của tiến hóa xã hội nội tại và tác động mạnh mẽ của những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Cho tới nay, trên 100 địa điểm Sa Huỳnh và vài chục địa điểm Champa sớm đã được phát hiện và nghiên cứu. Điều đáng nói là những địa điểm Champa sớm tọa lạc bên trên hoặc ngay cạnh các địa điểm Sa Huỳnh và trong nhiều trường hợp, tầng văn hóa Champa hay ít nhất hiện vật Champa được phát hiện tại những khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh. Thời điểm kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh trùng với thời điểm khởi đầu của văn hóa Champa (hình thành những nhà nước sớm dạng Lâm Ấp). Như vậy, một mặt chúng ta nhận thấy sự trùng khớp về không gian, sự hợp lý về thời gian nối tiếp giữa hai nền văn hóa, nhưng mặt khác có thể thấy rất nhiều khác biệt trong nhiều khía cạnh văn hóa vật chất và tinh thần giữa hai thời kỳ.

Lý do của những khác biệt này có thể tìm thấy phần nào trong sự khác nhau về tính chất của các địa điểm. Thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh đa phần là các khu mộ địa, thời kỳ Champa các địa điểm đa dạng về chức năng từ địa điểm cư trú đến phức hợp cư trú – thành lũy, bến cảng… Tính chất và chức năng khác nhau của các địa điểm nghiên cứu dẫn đến những khác biệt trong di tích và di vật. 

Kết quả khai quật của một số địa điểm Champa đã cung cấp lượng thông tin đáng kể để tìm hiểu những hoạt động kinh tế, chính trị, tâm linh của các cộng đồng cư dân.

Niên đại của những địa điểm Champa đã khai quật

Dựa trên dữ liệu khảo cổ mới đây, chúng tôi thử đưa ra quá trình tiến hóa văn hóa miền Trung Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, 8 SCN [12] với trật tự thời gian như sau: 

Thời kỳ sớm – từ giữa và cuối thế kỷ 1 đến cuối thế kỷ 3 SCN. Thời kỳ này có thể chia thành hai tiểu thời kỳ:

a. Tiểu thời kỳ sớm, từ giữa thế kỷ 1 đến giữa thế kỷ 2: Hiện vật đặc trưng chủ yếu là đồ gốm với loại hình bình hình trứng và ngói in dấu vải. Trong đồ gốm có thể nhận thấy truyền thống gốm thô kế thừa mức độ nào đó từ văn hóa Sa Huỳnh (loại hình, kỹ thuật chế tác, một số kỹ thuật khai thác và xử lý chất liệu…). Đặc trưng nổi bật đó là sự tiếp thu truyền thống mới trong chế tạo đồ gốm, gốm tinh mịn, truyền thống gốm này có nhiều khả năng từ Đông Hán (Trung Quốc), đã phát hiện cấu trúc gỗ lợp ngói in dấu vải ở một số địa điểm. Hiện vật của tiểu thời kỳ này đã phát hiện ở một số nơi như:

1. Quảng Trị: Bình hình trứng.

2. Huế (bình hình trứng và một số loại hình gốm có những tương đồng với gốm tìm thấy ở tầng dưới cùng của Trà Kiệu, Gò Cấm (Duy Xuyên) và Hồ Điều Hòa (Hội An).

3. TP. Đà Nẵng – Địa điểm Vườn Đình – Khuê Bắc (mảnh ngói in dấu vải, mảnh bình hình trứng và tiền Ngũ Thù, Vương Mãng.

4. Quảng Nam – Hội An, Gò Cấm[13] (thế kỷ 2 TCN đến cuối thế kỷ 1 SCN) và Trà Kiệu.

5. Quảng Ngãi – Đảo Lý Sơn (mảnh bình hình trứng).

b. Tiểu thời kỳ muộn từ giữa thế kỷ 2 đến cuối thế kỷ 3. Một cách khái quát, giai đoạn này là sự phát triển tiếp nối từ giai đoạn trước, tuy vậy bình hình trứng và ngói in dấu vải không còn được sản xuất và sử dụng. Gốm thô và gốm mịn cùng song hành với những loại hình/chức năng thích hợp, gốm mịn gia tăng đáng kể.


Thời kỳ muộn – từ đầu thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, 8 trở về sau.
 
Bảng thống kê những địa điểm Champa giai đoạn từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, 8
 
STT Địa điểm Tầng văn hóa Niên đại Đặc điểm văn hóa
1


 
Di chỉ Hậu Xá I


Dưới

Cuối TK 1
đến
đầu TK 4
Lớp dưới cùng chứa gốm thô kiểu Sa Huỳnh – Champa sớm, gốm cứng văn in Đông Hán. Loại bình gốm mốc có lẽ mô phỏng loại “Ho” Trung Hoa. Địa điểm cư trú và nơi thực hành nghi lễ.

Trên
TK 4
đến
TK 10
Cùng với gốm thô và gốm mịn Champa còn có gốm Lục Triều, Tùy, Đường (Trung Hoa) và gốm Islam. Địa điểm cư trú.

2
Di chỉ
Đồng Nà
Một tầng văn hóa Từ TK 2
đến TK 4
Gạch xuất lộ ở lớp sớm nhất? Gốm tương tự gốm tầng văn hóa dưới và trên của Trà Kiệu


3
 

Di chỉ
Cẩm Phô

Một tầng văn hóa
TK 3, 4 Hiện vật gồm có nồi, hũ, vò, kendi, bát đĩa, nắp đậy, đầu ngói ống, gạch, đĩa đồng, hạt chuỗi thuỷ tinh. Lẫn trong tầng văn hoá có nhiều than tro và một ít xương




4




Gò Cấm
Tầng dưới cùng thuộc văn hóa Sa Huỳnh TK 3 TCN đến đầu TK 1 SCN
 
Cư trú Sa Huỳnh
Tầng
Gò Cấm
Từ giữa TK 1 đến đầu TK 2 SCN
Ngói in dấu vải, bình hình trứng. Gốm thô kế thừa gốm thô Sa Huỳnh. Hiện vật nhập Đông Hán, gốm Nam Á.
Trạm kiểm soát hay một phần trị sở Nhật Nam?






5





.




Trà Kiệu
Tầng dưới cùng và dưới Cuối TK 1 đến cuối TK 3 SCN Tầng dưới cùng – tầng chứa bình hình trứng. Cấu trúc gỗ lợp ngói in dấu vải. Gốm thô truyền thống và xuất hiện loại gốm mới chất liệu tinh mịn
Cư trú sớm
Trên Thế kỷ 4 đến 7 và sau đó Xuất hiện loại ngói làm bằng khuôn, gạch, ngói ống và trang trí kiến trúc đất nung. Gốm Champa thô, mịn, gốm có men nhập từ Trung Hoa…
Đa chức năng, cư trú, trung tâm hành chính, chính trị, tôn giáo.
Tường thành xây ốp gạch niên đại từ sau TK 5





6



Cổ Luỹ – Phú Thọ
Tầng dưới

Vết tích lớp cư trú sớm
Đầu TK 2 SCN đến đầu TK 4 SCN Cư trú sớm không có vết tích kiến trúc. Gốm thô rất giống gốm thô Trà Kiệu tầng văn hóa dưới. Không có bình hình trứng hay ngói in dấu vải.
Tầng trên chứa hai lớp kiến trúc TK 4 đến TK 7 Tầng kiến trúc sớm có gạch và ngói giống tầng văn hóa trên của Trà Kiệu.
Tầng kiến trúc muộn có đầu ngói mặt hề, hoa sen…
Cư trú, thành, trung tâm chính trị, hành chính.



7



Thành Hồ
Tầng cư trú sớm Đầu TK 2 đến đầu TK 4 SCN Cùng tính chất văn hóa với lớp cư trú sớm của Cổ Luỹ – Phú Thọ và tầng văn hóa dưới của Trà Kiệu
Thành và dấu vết kiến trúc Từ sau TK 4 SCN trở đi Cùng tính chất văn hóa với lớp cư trú trên của Cổ Luỹ – Phú Thọ và tầng văn hóa trên của Trà Kiệu và kéo dài sau đó.
Cư trú, thành, trung tâm chính trị, hành chính.
Tổ hợp hiện vật

Tổ hợp hiện vật của thời kỳ sớm này phản ánh những quan hệ và tương tác văn hóa, kinh tế và chính trị sôi động, mạnh mẽ với bên ngoài, đặc biệt với thế giới Trung Hoa.

So sánh hai tổ hợp hiện vật Sa Huỳnh và Champa có thể thấy những thay đổi về chất.

Đồ gốm

So với đồ gốm Sa Huỳnh (chủ yếu có nguồn gốc từ các khu mộ), đồ gốm trong các địa điểm Champa đơn giản hơn nhiều về trang trí, nhưng đa dạng và tiến bộ hơn về chất liệu và kỹ thuật chế tác [14]. Từ thế kỷ 1 SCN, một kỹ thuật sản xuất gốm mới xuất hiện ở miền Trung Việt Nam với loại chất liệu đất sét khai thác ở độ sâu từ 2-3m, đất được tuyển lọc kỹ và tinh, độ nung vừa phải đến cao, xuất hiện một số loại hình gốm mới như bình hình trứng, cốc chân cao đặc, đĩa đèn, bình – ấm kendi và ngói in dấu vải …

Trong thời kỳ thiên niên kỷ I SCN có ít nhất ba nhóm gốm chính với những khác biệt trong xương, xử lý bề mặt, kỹ thuật tạo dáng, phong cách và chức năng [15].

1. Nhóm thứ nhất gồm chủ yếu loại hình gốm gia dụng, sản xuất tại địa phương và độ nung thấp. Nhóm gốm này kế thừa một số đặc điểm (kỹ thuật xử lý chất liệu, tạo hình, xử lý bề mặt, nung và loại hình) từ gốm Sa Huỳnh trước đó.

2. Nhóm thứ hai gồm những đồ gốm sản xuất tại chỗ nhưng chịu ảnh hưởng ít hay nhiều kỹ thuật làm gốm từ phía Bắc (có thể Bắc Việt Nam hay Trung Quốc). Một số loại hình gốm có nguồn gốc từ phía Tây.

3. Nhóm thứ ba là nhóm của đồ gốm Hán cứng, văn in, có men hay không men và một số đồ gốm nhập từ phía Tây. Những đồ gốm loại này ở các địa điểm thường được phát hiện ở tầng sớm và tầng giữa như đã xác định ở trên.                     

Đồ trang sức

Hạt chuỗi thủy tinh dạng Indo-pacific vẫn tiếp tục được sản xuất và lưu hành rộng rãi. Trang sức, trang trí bằng bạc, vàng trở nên phổ biến, nhưng đồ bằng mã não, agate và ngọc ít hơn rất nhiều; loại khuyên tai hai đầu thú và ba mấu – biểu tượng của văn hóa Sa Huỳnh biến mất hoàn toàn.

Hiện vật khác

Chúng ta không có nhiều thông tin từ các địa điểm khảo cổ liên quan đến sự tiến hóa của đồ bằng kim loại hay bằng đá ở giai đoạn Champa; chỉ ở một số sưu tập tư nhân ta có thể nhận biết những thay đổi rõ rệt trong việc sản xuất và sử dụng của loại hiện vật này.

Những thay đổi

So với giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh trước đó, sưu tập hiện vật Champa sớm và Champa phản ánh những thay đổi quan trọng trong chất liệu, kỹ thuật sản xuất và loại hình, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến những chuyển đổi này.

Một mặt, khi chúng ta nhấn mạnh quá trình văn hóa liên tục, đặc biệt trong một số khía cạnh đời sống vật chất như làm gốm, phương thức kiếm sống… thì mặt khác chúng ta không thể bỏ qua những thay đổi văn hóa vừa có tính chất dần dần vừa có tính chất đột biến trong suốt thời gian trên dưới gần một thiên niên kỷ, từ những thay đổi vừa lượng vừa chất này, những cấu trúc xã hội mới xuất hiện cùng với những chức năng của chúng đã làm nảy sinh những dạng thức cư trú sinh hoạt cá nhân, cộng đồng (di tích) và đồ dùng (di vật) mới.

Những chức năng xã hội mới này đã tạo ra cơ hội và khả năng để phát triển cả cách thức tổ chức sản xuất lẫn cách phân phối sản phẩm cả về chất lẫn lượng, những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến việc chọn lựa sản phẩm nhập khẩu. Những thay đổi xuất hiện trong các sưu tập hiện vật và cấu trúc di tích cho phép chúng ta nhận diện những xu hướng và ưu tiên trong các cách các cộng đồng dân cư tiếp xúc và tương tác với thế giới bên ngoài suốt một thời gian dài.     

Bản chất của các tiếp xúc và tương tác

Trong thời kỳ sớm, mối quan hệ với Trung Hoa Hán đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành của cấu trúc xã hội mới, ảnh hưởng từ Trung Hoa bắt đầu từ giai đoạn Sa Huỳnh [16] và tăng cường vào đầu thiên niên kỷ I SCN; sự tăng cường này do nhiều nguyên nhân gây ra và trong đó yếu tố chính trị là đáng kể nhất [17]. Thời kỳ này chúng ta cũng không thể không lưu ý tới sự tiếp xúc với Ấn Độ, nhưng có lẽ những quan hệ với Ấn Độ không mạnh mẽ như với Trung Hoa. Ngoài ra văn hóa vật chất thời kỳ này cũng phản ánh một số đặc điểm kế thừa từ văn hóa Sa Huỳnh trước đó. 

Thời kỳ tiếp sau đó có nhiều chứng cứ về sự tăng cường tính phức tạp trong các mối quan hệ với thế giới bên ngoài so với thời kỳ trước, đặc biệt cần lưu ý đến tính mạnh mẽ của tiếp xúc và tiếp biến văn hóa với Ấn Độ, Đông Nam Á hải đảo. Tất cả những nhân tố của cả hai thời kỳ diễn biến và tiếp xúc văn hóa trong ngoài đều đưa tới những thay đổi đáng kể trong các khía cạnh khác nhau trong những cộng đồng dân cư thời kỳ Champa sớm.

4. Hoa hóa và Ấn hóa khu vực và tác động của những yếu tố bản địa lên quá trình hình thành những nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam

Một vài ý kiến về Hoa hóa, Ấn hóa và tác động xã hội

Các nhà nghiên cứu đưa ra ba nhóm ý kiến về cái gọi là quá trình Ấn hóa (và Hoa hóa) trải dài một thiên niên kỷ bắt đầu từ đầu Công nguyên khi mà những vị tu hành của Hindu giáo, Phật giáo, học giả, nhà chính trị, nghệ nhân và thương nhân đã đồng thời mang tới cho những xã hội Đông Nam Á bản địa những hàng hóa, ý tưởng từ quê hương của họ ở Nam Á, Đông Á… Đó là:

i. Quyền chủ động của Đông Nam Á
ii. Lý thuyết về thực dân hóa
iii. Cùng trao đổi, chia sẻ ý tưởng trong quá trình tiến hóa của quản lý nhà nước ở Đông Nam Á

Rõ ràng là tất cả những nhà nước sớm này đều dựa trên quan điểm Hindu giáo về vương quyền nhưng chưa bao giờ chúng là thuộc địa của Ấn Độ. Những nhà nghiên cứu Việt Nam từ trước tới nay đều thiên về quan điểm thứ ba và xu hướng này có cơ sở dữ liệu vững chắc. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc buôn bán trao đổi với Trung Hoa và Ấn Độ có vai trò quan trọng nhưng không bao giờ là “nguyên nhân” quyết định trong sự hình thành nhà nước sớm và như vậy quyền lực nhà nước – một điều kiện quan trọng cũng không phải là kết quả của buôn bán phát đạt với thế giới bên ngoài. 

Chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm rằng sự có mặt của sản phẩm văn hóa và sản phẩm hàng hóa từ Trung Hoa và Ấn Độ phản ánh hoạt động buôn bán Ấn Độ, Trung Hoa đã hội nhập vào hạ tầng cơ sở có sẵn của mạng lưới Đông Nam Á. Rõ ràng những giai đoạn phát triển sớm hơn ở những vùng khác nhau của Đông Nam Á cung cấp chứng cứ về quá trình bản địa của mở rộng buôn bán và tăng cường mức phân hóa xã hội [18].

Hiển nhiên chúng ta còn lâu mới giải quyết được một cách thấu đáo những vấn đề liên quan đến quyền lực nhà nước ở Đông Nam Á. Mặc dù vậy, có lẽ cần phải đặt những nghiên cứu của mình tới đây không chỉ dựa trên những chứng cứ vật chất vì “Cư dân Đông Nam Á thời Tiền – Sơ sử đã để lại hơn nhiều so với những vết tích của lối sống xưa mà chúng ta đã biết, dù lối sống của họ không phải đã được nhận diện ở mọi nơi. Văn hóa của họ không chỉ được rọi qua những hiện vật chôn trong các mộ táng hay chứng cứ Trung Hoa về trao đổi thương mại thời sơ sử. Công cụ và buôn bán chỉ là một phần của hệ thống xã hội” [19].  

Những hiện vật khảo cổ sớm nhất từ Trung Hoa và Ấn Độ ở Miền Trung Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật ngoại sinh có thể được chia thành ba nhóm [20]:

i. Nhóm hiện vật nhập trực tiếp từ bên ngoài;
ii. Những hiện vật sản xuất theo kỹ thuật ngoại và
iii. Những hiện vật sản xuất tại địa phương bắt chước hình dáng hiện vật nhập ngoại.

Những hiện vật làm theo đơn đặt hàng ở bên ngoài có thể được xếp vào nhóm thứ nhất. Ngoài ra còn có những hiện vật sản xuất tại địa phương nhưng do thợ bên ngoài làm theo kỹ thuật từ bên ngoài theo nhu cầu của xã hội bản địa [21].

Tuy vậy, đối với những mặt hàng Hán, Ấn hay kiểu Hán, Ấn với tình trạng nghiên cứu hiện nay thì khó mà thấy được một cách rõ ràng từng nhóm hiện vật này trong văn hoá Sa Huỳnh.

Hiện vật có nguồn gốc Tây Hán hậu kỳ và Đông Hán sơ kỳ trong văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện phần lớn trong các địa điểm có niên đại muộn. Một số đồ đồng như đỉnh, bát, đĩa, ấm… được xem là những hiện vật thể hiện rõ rệt tính chất status (địa vị, thân thế), đây là những “Status goods” hay “Status markers”. Nhìn chung, những tiếp xúc và trao đổi giai đoạn này chủ yếu dựa trên nền tảng kinh tế và bản chất của các quan hệ là đa chiều và bình đẳng.

Nhưng trong các địa điểm Champa sớm, di vật có nguồn gốc từ phía Bắc (bao gồm Trung Hoa và Bắc Việt Nam) chủ yếu liên quan đến kỹ thuật xây dựng, thành lũy, sản xuất đồ gốm… Như vậy, mối quan hệ với Trung Hoa Hán có vai trò quyết định trong việc thiết lập những cấu trúc xã hội mới và những tác động từ Trung Hoa ngay từ thời Sa Huỳnh được tăng cường mạnh mẽ hơn vào đầu thiên niên kỷ I SCN. Mối quan hệ, tiếp xúc với thế giới bên ngoài gia tăng trên nhiều lĩnh vực và do nhiều nguyên nhân từ văn hóa, chính trị đến kinh tế…  

Trong các địa điểm thời đại Sắt sớm ở Thái Lan, Việt Nam, Myanmar đã tìm thấy một khối lượng lớn các hạt chuỗi mã não và cacnelian có nguồn gốc Ấn Độ, trong số đó có những dạng hạt chuỗi đặc biệt tạo hình con vật (sư tử, hổ, chim, rùa…) và hạt chuỗi khắc axit. Ở Lai Nghi (Quảng Nam), Cồn Dàng (Huế), Hòa Diêm (Khánh Hòa), Giồng Cá Vồ (TP. Hồ Chí Minh)… hạt chuỗi khắc axit tìm thấy trong một số mộ chum. Hai hạt chuỗi hình con vật (hổ và chim) đã được phát hiện trong hai lần khai quật Lai Nghi. Hạt chuỗi cacnelian hình hổ và sư tử được xác định là dấu hiệu Sakyasimha (Sư tử của Dòng Sakya) của Đức Phật, và rất có thể hạt chuỗi hình sư tử ở Thái Lan cũng như những hạt khác đồng dạng (hổ, chim hay hươu) ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar là những hình tượng sớm của Đức Phật và như thế đây là những bằng chứng về tư tưởng và giá trị Phật giáo sớm nhất ở Đông Nam Á [22].

Đồ gốm nhập từ Nam Á cũng được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam và có niên đại khá sớm. Một số mảnh gốm thương mại Nam Ấn được phát hiện ở Trà Kiệu lớp sớm, Gò Cấm [23], Hòa Diêm [24].

V. Một số nhận xét

Như vậy, nhờ quá trình tiếp biến văn hóa nhanh, mạnh, cư dân Đông Nam Á thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ – tộc người đã tiếp nhận những yếu tố văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, dung hóa chúng và thích ứng với chúng trên cơ sở thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của mình. Những nghiên cứu từ nhiều góc độ đã chứng tỏ sự tích hợp của văn hóa Ấn Độ vào Đông Nam Á không phải là kết quả của áp lực chính trị hay khai thác kinh tế mà thực tế đây là kết quả của quá trình diễn biến hòa bình và sự hợp tác nhiều chiều. 

Một cách khái quát, trên cơ sở so sánh tư liệu khảo cổ và thư tịch cổ trong bối cảnh lịch sử – văn hóa khu vực, chúng tôi thử đưa ra chuỗi diễn biến văn hóa giai đoạn từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 5 SCN ở miền Trung Việt Nam:

i. Thời kỳ Sơ sử – Văn hóa Sa Huỳnh: Nền văn hóa này trên đại thể đã kết thúc vào đầu thế kỷ 2 SCN, nhưng ở một số vùng, đặc biệt vùng Nam Sa Huỳnh, những truyền thống kiểu Sa Huỳnh kéo dài đến thế kỷ 2, 3 SCN với một số biến chuyển trong táng thức và đồ tùy táng.

ii. Thời kỳ từ cuối thế kỷ 1 SCN đến cuối thế kỷ 2 đầu thế kỷ 3 SCN: Giai đoạn Chăm cổ hay Champa sớm đặc trưng bởi những tương tác văn hóa nhiều chiều nội vùng và với thế giới bên ngoài, đặc biệt có vai trò quan trọng và mạnh mẽ nhất là tiếp xúc, tương tác miền Trung Việt Nam với thế giới Trung Hoa. Những mối quan hệ này bắt đầu từ văn hóa Sa Huỳnh và tăng cường trong thời kỳ Đông Hán. Thư tịch cổ cho biết, không gian văn hóa Sa Huỳnh trùng với phạm vi quận Nhật Nam thời kỳ Đông Hán. Chúng ta dễ dàng nhận thấy những chuyển biến văn hóa, đặc biệt là sự thay đổi hoàn toàn trong táng thức và tang lễ (nhưng hỏa thiêu như là một cách xử lý thi thể vẫn tiếp tục tồn tại). Táng thức mộ chum và những yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan không còn nữa và thay vào đó là những dạng thức chôn cất mới của những cấu trúc văn hóa xã hội mới. Một số nhà nghiên cứu gọi thời kỳ này là thời kỳ Tiền Lâm Ấp.

iii. Thời kỳ đầu thế kỷ 3 SCN – Nhà nước Lâm Ấp và những nhà nước đồng dạng: Thời kỳ của quá trình sôi động hình thành các chính thể. Xuất hiện những thành lũy Champa sớm. Những dữ liệu khảo cổ học từ Thành Hồ, Cổ Lũy – Phú Thọ, Trà Kiệu… một mặt chứng minh quá trình tụ cư của các nhóm cư dân ở những vị trí ngã ba sông, cửa sông cận biển từ thế kỷ 1, 2 SCN và sự tăng nhanh tính phức hợp xã hội – nền tảng cho sự hình thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa từ sau thế kỷ 3 [25], trong khía cạnh văn hóa vật chất của những trung tâm này có khá nhiều yếu tố Trung Hoa Hán nhưng đã được bản địa hóa mạnh.

iv. Từ thế kỷ 5 trở về sau, tên gọi Champa xuất hiện: Giữa những thời kỳ kể trên vẫn có những khoảng lặng, trống về cả thời gian và tính chất văn hóa chưa thể lấp đầy, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển biến từ Sa Huỳnh đến Champa sớm (hay còn gọi là thời kỳ Tiền Lâm Ấp – cuối thế kỷ 1 TCN đến giữa thế kỷ 2 SCN). Trong một số trường hợp những diễn giải thư tịch cổ không khớp với tài liệu khảo cổ. Cần phải nhấn mạnh rằng, từ góc độ khảo cổ học sự khác biệt trong di tích và di vật giữa các tiểu thời kỳ của thời kỳ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 5 SCN nhỏ hơn rất nhiều so với những khác biệt giữa thời kỳ này với thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh trước đó.   

Chúng tôi hướng về ý tưởng Lâm Ấp và những chính thể kiểu Lâm Ấp ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ 1 SCN đã được thành lập trên cơ sở bản địa (những bình tuyến văn hóa Sơ kỳ sắt) nhưng dưới tác động mạnh của Trung Hoa (Hán) (trên thực tế, sự hình thành của những nhà nước sớm này phản ánh sự đối kháng của những cộng đồng cư dân bản địa đối với sự thống trị của nhà Hán) [26]. Tác động và ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ mặc dù đã hiện diện từ khá sớm nhưng thật sự tăng cường chỉ từ sau thế kỷ 3 và Champa như là hệ quả của tất cả những quá trình này xuất hiện trên vũ đài chính trị khu vực từ sau thế kỷ 5. Tài liệu khảo cổ học không cho thấy có những thay đổi đột ngột hay sự thay thế của Lâm Ấp bằng Champa mà ngược lại, có những bằng chứng hiển nhiên và rõ ràng về những tiếp nối trong văn hóa vật chất (và cả tinh thần) giữa hai giai đoạn. Có thể nhận thấy điều này trong cả tổ hợp hiện vật lẫn loại hình di tích.

Tài liệu tham khảo
1. Diệp Đình Hoa, Những con đường khám phá, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2003.
2.Hà Văn Tấn, Theo dấu văn hóa cổ, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997.
3.Higham Ch., The Archaeology of Mainland Southeast Asia. Cambridge University Press, Cambridge, 1989.
4.Stark Miriam T., The Transition to History in the Mekong Delta: A View from Cambodia, International Journal of Historical Archaeology, Vol.2, No.3, 1998, 175-203.
5.http:www.seacrchc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf.
6.Stark. M và Sovath. B, Recent Research on the Emergence of Early Historic States in Cambodia’s Lower Mekong Delta, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association, 21(5), 2001, 85-98.
7.J.Wisseman Christie, State Formation in the Early Maritime Southeast Asia: A Consideration of the Theories and the Data, Bijdragen tot de Taal-, land-en Volkenkunde 151 (1995), no:2, Leiden.
8.Wolters. O. W, History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives, Revised Edition, SEAP, Cornell Southeast Asian Program Publications, 2004.
9.Kipp R.S., and Schortman E. M., The Political Impact of Trade in Chiefdoms, American Anthropologist, 1989, 91-2.
10.Bronson Bennet, Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes towards a Functional Model of the Coastal States in SEA. In Hutterer K.C., (ed.), Economic Exchange and Social Interactions in SEA, Papers on Michigan South and Southeast Asia, Số 13. Ann Arbor, 1977, 39-52.
11.Lâm Thị Mỹ Dung, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài NCKH trọng điểm, ĐHQG, mã số QGTĐ.06.07, 2008, Tư liệu khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
12.Nguyễn Kim Dung, Di chỉ Gò Cấm và Trà Kiệu trong quá trình chuyển biến sơ sử – sơ kỳ lịch sử ở miền Trung Việt Nam. Bài tham dự Hội thảo khoa học của Đề tài QGTĐ, mã số QGTĐ. 06.07 Hà Nội tháng 11 năm 2007.
13.Lâm Thị Mỹ Dung, Đồ gốm trong những địa điểm khảo cổ học Champa ở miền Trung Việt Nam, Khảo cổ học, số 1, Hà Nội, 2005, tr.50-70.
14.Lam Thi My Dzung, Sa Huynh Regional and Inter-Regional Interactions in the Thu Bon Valley, Quang Nam Province, Central Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 29, 2009, 68-75.
15.Lâm Thị Mỹ Dung, Một số ý kiến xung quanh vấn đề giao lưu và tiếp biến trong văn hóa Sa Huỳnh. Bài tham gia Hội thảo Tiếp xúc và tiếp biến trong văn hóa Sa Huỳnh, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tháng 9 năm 2006.
16.Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Anh Thư và TT, Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu CN từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật, ĐTNCKH do TT Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, ĐHQG Hà Nội tài trợ (2009-2011), Hà Nội.
17.Hà Văn Tấn, Óc Eo – Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, In trong Văn hóa Óc Eo và các văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Sở VHTT An Giang xuất bản, Long Xuyên, 1984.
18.Glover. I., Recent Archaeological Evidences for Early Maritime Contacts between India and Southeast Asia. In H.P.Ray and J.F. Salled (eds), Tradition and Archaeology: Early Maritime Contacts in the Indian Ocean, New Delhi: Manohar, 1994.
19.Nguyễn Kim Dung, Di chỉ Gò Cấm và con đường tiếp biến văn hóa sau Sa Huỳnh khu vực Trà Kiệu, Khảo cổ học, số 6, Hà Nội, 2005.
20.Southworth W. A., The Coastal States of Champa. In Ian Glover and Peter Bellwood, Southeast Asia from Prehistory to History, RoutledgeCurzon, 2004.

 Nguồn: Khoa Lịch sử, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, tr.297-318.
 
[1] Higham Ch., The Archaeology of Mainland Southeast Asia, Cambridge University Press, Cambridge, 1989.
Stark Miriam T., The Transition to History in the Mekong Delta: A View from Cambodia, International Journal of Historical Archaeology, Vol.2, No.3:, 1998, 175-203.
http:www.seacrchc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf
Stark. M and Sovath. B, Recent Research on the Emergence of Early Historic States in Cambodia’s Lower Mekong Delta, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 21(5), 2001, 85-98.
[2] J.Wisseman Christie, State Formation in the Early Maritime Southeast Asia: A Consideration of the Theories and the Data, Bijdragen tot de Taal-, land-en Volkenkunde 151 (1995), no:2, Leiden, 235.
[3] Kipp R.S., and Schortman E. M., The Political Impact of Trade in Chiefdoms, American Anthropologist, 1989, 91-2: 371.
[4] Wolters. O. W, History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives, Revised Edition, SEAP, Cornell Southeast Asian Program Publications, 2004, 26.
[5] Diệp Đình Hoa, Những con đường khám phá,  Nxb. KHXH,  Hà Nội, 2003, tr.662.
[6] Hà Văn Tấn, Theo dấu văn hóa cổ, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997, tr.730.
[7] Văn hóa Sa Huỳnh: Văn hóa khảo cổ thuộc thời đại sắt sớm ở Miền Trung Việt Nam – Đặc điểm chính của văn hóa này là táng thức mộ chum. Sử dụng một số lượng lớn đồ bằng sắt và đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, cacnelian, thạch anh tím, nefrit. Địa bàn phân bố trải dài từ Thừa Thiên – Huế đến Đông Nam Bộ.
[8] J.Wisseman Christie, State Formation in the Early Maritime Southeast Asia: A Consideration of the Theories and the Data, Bijdragen tot de Taal-, land-en Volkenkunde 151 (1995), no:2, Leiden, p.277.
[9] Bronson Bennet, Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes towards a Functional Model of the Coastal States in SEA. In Hutterer K.C., (ed.), Economic Exchange and Social Interactions in SEA, Papers on Michigan South and Southeast Asia, Số 13, Ann Arbor, 1977, 39-52.
[10] Có thể tham khảo thêm một số nghiên cứu khác trong khu vực về vấn đề này. Giá trị của một hiện vật tùy táng được xác định dựa trên chất liệu/nguyên liệu, nguồn nguyên liệu; thời gian và công sức chế tác; ý nghĩa biểu trưng văn hóa; cách thức phân phối hiện vật và định giá xã hội mà cộng đồng gán cho hiện vật…Ví dụ, dựa trên những tiêu chí này, đồ tùy táng ở Philipin được định giá bằng cách tính điểm từng loại chất liệu/kiểu hiện vật theo thang điểm 1-10. Theo đó trong thời kỳ sơ sử hiện vật đồng có giá trị cao nhất (9 điểm), đồ sắt (8 điểm), đồ gốm chỉ có 4 điểm (Grace Barretto-Teroso, Burial Goods in the Philippines: An Attempt to Quantify Prestige Values [Đồ tùy táng ở Philipin: Thử định lượng những giá trị quý hiếm], Southeast Asian Studies [Nghiên cứu Đông Nam Á], Vol. 41, No. 3, December 2003, 299-315).
[11] Văn hóa Sa Huỳnh với sự phân bố ban đầu và năng động của mình ở duyên hải cùng với nhiều quan hệ tiếp xúc bên ngoài đã dẫn đến sự hình thành dạng xã hội – văn hóa – xã hội pasisir (socio-cultural type – pasisir societies) và những xã hội này sau đó đã chuyển biến thành một số chính thể Champa thời kỳ lịch sử sớm và muộn hơn sau đó đã tiếp nhận Hồi giáo thông qua những trao đổi buôn bán mạnh mẽ với Trung Hoa ở phía Bắc, Philippin ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây (Ian Glover, Sa Huynh – A Sociocultural Type – An Attempt to Develop an Interpretative Framework for a Late Prehistoric Society Drawing on Archaeology, Ethnography and Analogy, the paper presented at 19th IPPA Congress, Hanoi, 2009).
[12] Lâm Thị Mỹ Dung, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài NCKH trọng điểm, ĐHQG, mã số QGTĐ.06.07, Tư liệu khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội, 2008.
[13] Những nghiên cứu khảo cổ ở địa điểm Gò Cấm cung cấp những chứng cứ vật chất về sự tiếp nối trong sản xuất đồ gốm giữa Sa Huỳnh và Champa (Nguyễn Kim  Dung), Di chỉ Gò Cấm và Trà Kiệu trong quá trình chuyển biến sơ sử – sơ kỳ lịch sử ở miền Trung Việt Nam. Bài tham dự Hội thảo khoa học của Đề tài QGTĐ, mã số QGTĐ. 06.07 Hà Nội tháng 11 năm 2007.
[14] Theo kết quả nghiên cứu của ĐTNCKH Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu CN từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật, gốm thô Sa Huỳnh và gốm thô Champa có bề ngoài giống nhau nhưng trên thực tế gốm thô Champa làm từ nguyên liệu đất sét trầm tích còn gốm thô Sa Huỳnh làm từ nguyên liệu chưa được tuyển chọn và có nguồn gốc chủ yếu từ sản phẩm phong hóa của đá magma axit (granit, riolit) được tích tụ dưới dạng proluvi, deluvi (bồi tích). Lượng cát trong gốm Sa Huỳnh lớn (trên 60%) (Lâm Thị Mỹ Dung và TT, Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu CN từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật, ĐTNCKH do TT Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, ĐHQG Hà Nội tài trợ (2009-2011), Hà Nội.)
[15] Lâm Thị Mỹ Dung, Đồ gốm thiên niên kỷ 1 SCN ở miền Trung Việt Nam, Khảo cổ học, số 1, Hà Nội, tr.50-70.
[16] Lam Thi My Dzung, Sa Huynh Regional and Inter-Regional Interactions in the Thu Bon Valley, Quang Nam Province, Central Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 29, 2009, 68-75.
[17] Lâm Thị Mỹ Dung, Một số ý kiến xung quanh vấn đề giao lưu và tiếp biến trong văn hóa Sa Huỳnh, Bài tham gia Hội thảo “Tiếp xúc và tiếp biến trong văn hóa Sa Huỳnh, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, Tháng 9 năm 2009.
[18] Lam Thi My Dzung, Sa Huynh Regional and Inter-Regional Interactions in the Thu Bon Valley, Quang Nam Province, Central Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 29, 2009, 68-75.
[19] Wolters. O. W, History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives, Revised Edition, SEAP, Cornell Southeast Asian Program Publications, 2004, 25.
[20] Hà Văn Tấn, Óc Eo – Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, In trong Văn hóa Óc Eo và các văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Sở VHTT An Giang xuất bản, Long Xuyên, 1984, tr.230.
[21] Theo Belina Berenice thì trong việc sản xuất đồ trang sức ở Đông Nam Á đầu Công nguyên đã có những người thợ Ấn Độ đến làm việc tại Đông Nam Á. Theo Nguyễn Kim Dung (Viện Khảo cổ học), cho tới nay chưa có bằng chứng về sản xuất trang sức bằng mã não tại chỗ, nhưng sản xuất trang sức bằng thủy tinh tại chỗ thì đã có rất nhiều bằng chứng trong các địa điểm khảo cổ học.
[22] Glover. I., Recent Archaeological Evidences for Early Maritime Contacts Between India and Southeast Asia. In H.P.Ray and J.F. Salled (eds), Tradition and Archaeology: Early Maritime Contacts in the Indian Ocean, New Delhi: Manohar, 1994, 160; Lam Thị My Dzung, Sa Huynh Regional and Inter-Regional Interactions in the Thu Bon Valley, Quang Nam Province, Central Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 29, 2009, 68-75.
[23] Nguyễn Kim Dung, Di chỉ Gò Cấm và con đường tiếp biến văn hóa sau Sa Huỳnh khu vực Trà Kiệu, Khảo cổ học, số 6, Hà Nội, 2005, tr. 41, hình 1.3.
[24] Ở miền Trung Việt Nam, cho tới nay gốm Nam Ấn mới chỉ có 01 mảnh loại rulet ở Trà Kiệu, một vài mảnh tương tự như thế ở Gò Cấm và có thể loại gốm đen bóng kiểu nhựa cây có những đường khắc vạch ở Hoà Diêm (khai quật năm 2002). Loại bát có đáy nổi chóp ở giữa và gốm văn in dập vẫn chưa phát hiện được.
[25] Southworth W. A., The Coastal States of Champa. In Ian Glover and Peter Bellwood, Southeast Asia from Prehistory to History, RoutledgeCurzon, 2004, 218. 
[26] Vào những năm đầu Công nguyên, trong sử chỉ thấy nói về hai vị Thái thú là Tích Quang ở Giao Chỉ và Nhâm Diên ở Cửu Chân. Không có tư liệu về Nhật Nam. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Ngoại kỷ, quyển 2 chép năm Canh Ngọ (năm 111 TCN), bấy giờ nước Việt ta sai ba quan sứ (ở năm 198 TCN), (nhưng Toàn thư đã ghi Triệu Vũ Đại sai hai sứ coi giữ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân) mà ở đây lại nói sai ba quan sứ đem sổ hộ của ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lời cẩn án của Cương mục (TB 2, 2b) dẫn sách Thuỷ kinh chú của Lịch Đào Nguyên cũng chép việc tương tự để đính chính điều trên đây: Chỉ có hai sứ ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, không nói đến quận Nhật Nam. Xem ra, đối với đất phía nam, đặc biệt là cực nam như huyện Tượng Lâm thì chính sách cai trị của nhà Hán khác hơn so với những vùng còn lại và ảnh hưởng của chính quyền theo cách nói của một số nhà nghiên cứu là “hữu danh, vô thực” và điều đó thể hiện qua vai trò nổi bật của thủ lĩnh địa phương trong tổ chức và điều hành xã hội lúc bấy giờ. Những xung đột, cướp phá của người Tượng Lâm đã được chính quyền Hán dùng chính sách chia rẽ nội bộ, mua chuộc phủ dụ và đặc biệt dùng Cửu Chân và Giao Châu để kháng cự chứ không dùng chính quyền Trung ương. Trong sử ghi chính quyền nhà Hán (Đông Hán) đã giao cho sứ coi sóc Giao Chỉ (trị sở Luy Lâu) kiểm soát toàn bộ các quận huyện trực thuộc nhà Hán ở phía Nam và như vậy đã làm giảm bớt rất nhiều quyền lực từ chính quyền trung ương.
PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung
Nguồn: Khoa Lịch sử, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, tr.297-318.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn24-09-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây