GÓP THÊM TÀI LIỆU VỀ VIỆC ĐỊNH ĐÔ THĂNG LONG
VÀ VỀ GỐC TÍCH LÝ THƯỜNG KIỆT
VŨ TUẤN SÁN
Ở bên kia cầu Long Biên, tại thôn Bắc Biên xã Ngọc Thụy có ngôi chùa còn giữ được một quả chuông với bài ký khắc năm 1690 ghi lại việc cúng tiền đúc chuông và việc miễn trừ các sưu thuế cho dân làng Cơ Xá là tên cũ của xã Phúc Xá trong đó có thôn Bắc Biên hiện nay. Bài ký này không những có giá trị về mặt lịch sử địa phương mà còn cung cấp một số tài liệu đáng chú ý cho việc định đô Thăng Long năm 1010, và cho việc xác định gốc tích của Lý Thường Kiệt, bổ sung cho cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn (2 tập, Nhà Xuất bản Sông Nhị, 1950) là một tác phẩm nghiên cứu khá công phu về vị danh nhân này.
Sau đây tôi giới thiệu bài ký khắc ở chuông chùa thôn Bắc Biên, và phối hợp thêm với một số tài liệu văn tự khác, nhất là rút từ cuốn Tây Hồ chí, để cung cấp một số điều nhận xét về việc định đô ở Thăng Long dưới thời Lý Công Uẩn, cùng về một số điểm trong tiểu sử của Lý Thường Kiệt.
I - VỀ BÀI KÝ KHẮC TRÊN QUẢ CHUÔNG Ở CHÙA BẮC BIÊN
Quả chuông ở chùa Bắc Biên là một quả chuông lớn, cao 1,20m đường kính ngoài là 0,65m. Khắp mặt chuông chia làm bốn cột đều nhau từ trên xuống dưới, ở phía trên mỗi cột có khắc một chữ lớn, hình thành bốn chữ: “An Xá tự chung” (chuông chùa An Xá). Mỗi cột lại chia làm hai khoảng, khoảng trên và khoảng dưới, và thảy đều có khắc chữ, ghi rõ trường hợp đúc chuông và ghi tên những người cúng tiền, cũng chép lại một số lệnh chỉ thời Lê Trung hưng, cũ nhất vào năm Vĩnh Tộ nguyên niên (1619) dưới thời Trịnh Tùng miễn cho dân làng Cơ Xá mọi thứ sưu thuế.
Tôi đã chọn dịch bài tự sau đây, đầu đề là: “Sơ lập An Xá tự châu thổ san chung tự” 初立安舍寺洲土刊鍾字 ở khoảng trên cột có chữ 舍 (xá), vì bài tự này ngoài việc nói tới chuyện miễn trừ sưu thuế có nhắc đến Lý Thường Kiệt.
Bài tự nguyên bản bằng chữ Hán, chúng tôi tạm dịch như sau:
Bài tự sự khắc vào chuông và đất bãi của chùa An Xá mới thành lập
[A. Về việc miễn thuế từ triều Lý đến đầu triều Lê][1].
Cần xét: cái gốc của chính sách bậc vương giả là lấy ruộng lộc điền[2] để ưu đãi người quân tử, dành đất ruộng chùa để thờ cúng nhà Phật.
Trộm thấy: chùa An Xá là nơi danh lam cổ tích vốn xưa ở trong thành Thăng Long, thuộc về đất nội điện nhà vua, nên được vua chuẩn y cho dời ra bãi Trung Giang[3] tức là bãi Cơ Xá.
Từ lúc lập kinh đô đến nay, kính được vua Lý Thái Tổ triều Lý ra ngự chỉ cho tới ở bãi Trung Giang, dân không có ruộng cấy lúa, chỉ làm nghề trồng dâu chăn tằm. Lại có tờ biểu do quan đệ thay cho bản địa nên hằng năm không phải chịu thuế gốc dâu, còn mọi khoản đắp sửa đê điều, đường sá, cùng các khoản lính tráng, nhà cửa, bến đò đều được miễn trừ cho chỗ đất cũ, để làm điện vua và cũng để thờ Phật. May mà lòng trời đoái thương, có vị tổ địa[4] giáng sinh là Ngô Quảng Châu 廣珠 vốn hầu cận trong màn trướng nhà vua, kính cẩn tâu xin, được sắc chỉ cho ghi rõ đông tây nam bắc đúng như sổ điền và không phải nộp thuế, để làm cơ nghiệp muôn đời cho đất châu thổ ta. Đó là vị tổ địa, trung thư giám trung thư xá nhân, Đình úy sứ, Quản châu bầu được ban quốc tính là Lý Thường Kiệt tên thụy là Quảng Châu 廣洲 phủ quản. Phúc điền[5] hàng năm là do vị tổ địa đặt ra vậy.
Xưa nước Đại Việt ta, từ triều Lý lập đô trải đến vua Thái tổ triều Lê đều có ngự chỉ miễn trừ cho châu thổ ta mọi thứ sưu dịch như thể lệ trước kia.
[B. Về việc miễn thuế dưới thời Hồng Đức]
Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) ngày 14 tháng 2, Chiêu liệt đại phu hộ khoa đô cấp sự trung Nguyễn Thanh Lương, Hiển cung đại phu hộ khoa đô cấp sự trung Nguyễn Úc sao gửi một bản của bản lệnh truyền của Tư lệ giám tổng thái giám tri giám sự Phúc Dương bá Nguyễn Xuân Lan, truyền cho bãi Cơ Xá thuộc huyện Từ Liêm trong đạo Sơn Tây, phía Đông gần các xã Lỗi Cầu, Lâm Hạ phía Tây gần các phường Quảng Bá, An Hoa, phía Nam gần cống Ông Mạc[6], phía Bắc gần các xã thôn Xuân Canh, Bắc Cầu, trên từ chỗ quai bàn giáp với Tam Bảo Châu, dưới đến cống Ông Mạc, cư dân ở bãi Trung Giang, không có ruộng cây lúa, lấy việc nuôi tằm trồng dâu làm nghề nghiệp. Đất châu thổ của bãi đó nguyên dùng để cúng Phật nay thỏa thuận cấp cho trên từ quan viên cho đến dưới dân chúng, mỗi người 4 sào đất làm nhà, 8 sào khẩu phần, cho đến các hạng tàn phế, bệnh tật, mồ côi, góa bụa mỗi người 2 sào, còn thừa lại là đất của Tam - Bảo để thờ cúng Phật đều không phải chịu ngạch thuế.
Xã trưởng bản châu là bọn Nguyễn Thì Ý, Nguyễn Vĩnh Xương, Nguyễn Bá Vãng nguyên từ tiền triều đến nay nhiều lần được sắc chỉ cho phép bản châu được miễn trừ mọi thứ thuế sưu dịch về đê điều, đường sá, bến đò, đã trình bày đầy đủ lên vị thừa tuyên sứ của ty Tán trị thừa tuyên sứ Sơn Tây, trung trinh đại phu, Quốc mỹ bá, thiếu doãn Quách Đình Bảo, và Hiến sát sứ trong ty Thanh hình hiến sát đạo Sơn Tây Dương Văn Đán để được phê phán. Các quan Tri huyện sở tại là Phạm Như Trung rồi Lại Kim Bảng đã lần lượt cộng đồng khám xét, đúng là bãi Cơ Xá không hề phải chịu ngạch thuế và viết sửa lại sổ điền bạ nộp lên nha môn. Vị Nam quân đô đốc phủ Chưởng sự kiêm Tông nhân lệnh, Thái bảo, Bình Lạc bá Trịnh Duy Hiếu đã đem đất bãi thuộc hạng nói trên cùng bến đò và ruộng của chùa với số mẫu sào thước, tấc, kê từng số mục tâu bày lên. Được quân thượng tự mình xem xét, rồi trao cho triều thần nghị bàn, tuân hành sắc chỉ “Khâm thử”: [Chiểu lời] bọn Trịnh Duy Hiếu phụng nghị thì các khu đất bãi của Cơ Xá châu ở huyện Từ Liêm phải được mọi nha môn miễn trừ mọi ngạch thuế và đê điều, đường sá, bến đò cùng mọi thứ sưu dịch khác như thể lệ trước đây”[7].
II. VIỆC XÂY DỰNG KINH THÀNH THĂNG LONG
Theo bài ký trên đây, ta thấy rằng làng Cơ Xá xưa kia vị trí “nguyên ở trong thành Thăng Long, mặt trước ở ngay nội điện” nhà vua, vì cần xây dựng kinh thành nên đã được lệnh Lý Thái Tổ cho di ra bãi Trung Giang.
Như vậy dựa vào tài liệu hiện tại có thể cho rằng làng Cơ Xá là làng cổ nhất ở Hà Nội, vì có trước cả thời kỳ xây dựng kinh thành Thăng Long.
Làng Cơ Xá khi xưa đặt tên là làng An Xá. Năm 1010, sau khi Lý Thái Tổ lấy đất làng này để xây dựng kinh thành Thăng Long, làng Cơ Xá đã được lệnh dời ra “bãi giữa sông” - có thể hiểu theo nghĩa “ở ngoài đê”, gồm cả đất ở bãi nổi giữa sông lẫn đất bãi ở ngoài đê sông Hồng. Theo bài “Sự tích xã An Xá” chép cuối cuốn gia phả bằng chữ Hán của họ Nguyễn hiện ở thôn Bắc Biên[8] thì Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 5 đắp thành Thăng Long đã đổi cho xã An Xá cho dời ra giữa sông, địa phận ở phía Tây bờ sông giáp với đất liền làm địa giới, và thành An Xá châu, phụ thuộc vào Kinh Bắc phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, tổng Gia Thị[9]. Đến đời thứ năm vua Thần Tông năm Nhâm Tý [1132] nước lớn, vua thấy dân cư đều phải ở trên nhà sàn để đổi làm xã Cơ Xá[10].
Tài liệu trên còn ghi thêm một chuyện xảy ra khi Lý Thái Tổ quyết định dời đô: khi Lý Thái Tổ thấy kinh đô Hoa Lư “địa thế chật hẹp không phải đất cư trú đế vương nên định dời đi, còn phân vân chưa định chọn nơi nào thì bỗng thấy có con chó cái có thai cao hơn hai thước, màu sắc rất là kỳ lạ, từ nước phương Bắc đến chùa An Xá thì sinh nở một mẹ tám con, do đó mới ra chiếu [dời đô]”… “Đến đời thứ 9 là Lý Chiêu Hoàng thì nhường ngôi cho nhà Trần, đời Lý chấm dứt mới thấy việc chó sinh 8 con là ứng nghiệm”.
Câu chuyện trên có tính cách hoang đường, nhưng nó được nhắc lại trong phần chủ yếu ở một số tài liệu văn tự khác:
- Theo Tây Hồ chí (sách Thư viện Khoa học Trung ương, ký hiệu A.3192) thì trước khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, tại chùa Thiên Tân trên núi Ba Tiêu châu Bắc Giang con chó trắng có thai, vượt sông đến ở trên núi Khán Sơn sau đẻ ra đứa con, ai cũng lấy làm lạ. Đến năm Nhâm Tuất [1010], lúc nhà Lý thiên đô về Thăng Long thì hai mẹ con đều hóa…Việc tâu lên, vua cho là chó thần cho lập đền thờ, ở địa phận thôn Trúc Yên.
Cũng theo Tây Hồ chí, chùa Khán Sơn là nền cũ của chùa Cẩu Mẫu triều nhà Lý, đến năm đầu Lê Vĩnh Tộ (1619) miếu đổ nát, nhân thế mới chữa làm chùa.
- Đại Việt sử ký (quyển 2 tờ 1a) chép “Trước kia ở châu Cổ Pháp [tức vào khoảng huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh hiện nay] tại Viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm có một con chó sinh ra một con, màu trắng có lông đen hình hai chữ “Thiên tử”. Người thức giả bảo rằng đó là triệu chứng người tuổi tuất sẽ lên ngôi thiên tử. Sau vua [chỉ Lý Công Uẩn] sinh năm Giáp Tuất lên ngôi đế, mới biết là ứng nghiệm” (Việc này có được diễn trong Thiên Nam ngữ lục, câu 4474, 4478).
Mấy tài liệu trên có nhiều chỗ không ăn khớp với nhau, nhưng thống nhất ở chỗ ghi lại việc xuất hiện một con chó mẹ đẻ con có tính cách quái dị (đẻ ra đứa trẻ theo Tây Hồ chí, đẻ ra chó trắng có lông đen hình thành chữ “Thiên tử” theo Đại Việt sử kí và Thiên Nam ngữ lục, đẻ ra 8 con theo Sự tích làng Cơ Xá). Dù sao, thì việc Lý công Uẩn sinh năm Tuất (Giáp Tuất, 974), việc dời đô ra Thăng Long cũng đúng năm Tuất (Canh Tuất, 1010) ngay sau khi lên ngôi vua cũng vào năm ấy, sự trùng nhau đó hẳn đã gây cho những đầu óc mê tín hồi ấy một đối tượng đặc biệt đối với loài chó được tôn lên làm thần và được thờ ở miếu[11].
Như vậy, dựa theo những tài liệu trên, có thể sơ bộ kết luận rằng:
1. Kinh thành Thăng Long xây dựng năm 1010, là địa phận làng An Xá cũ, ở khu vực mé trên vườn Bách thảo hiện nay, làng An Xá bị nhà Lý lấy đất và được đền bù bằng khu đất ở ngoài bờ sông, sát nhập vào huyện Gia Lâm, Kinh Bắc.
2. Việc xây dựng kinh thành dựa phần chính vào địa thế thuận lợi khu vực thành Đại La cũ như đã được trình bày trong tờ chiếu định đô của Lý Thái Tổ, nhưng truyền thuyết đã thêu dệt một số chuyện có tính cách hoang đường như việc xuất hiện thần Cẩu Mẫu, việc chó cái đẻ 8 con, việc chó trắng có chữ “thiên tử” trên lưng để gây thêm niềm tin tưởng của quần chúng với triều đại mới và đối việc thiên đô vốn có một tầm quan trọng đặc biệt.
(Tại Cổ Loa - kinh đô của nước Âu Lạc - cũng có những chuyện tương tự: theo truyền thuyết Cổ Loa cũng được xây dựng trên một làng cũ, làng này bị dời ra ở cuối sông và trở thành làng Quậy (có nghĩa là “Cuối Quậy” tức là cuối) gồm những làng Đại Vỹ, Giao Tác hiện nay. Về việc xây thành Cổ Loa cũng có những truyền thuyết về thần Kim Qui, thần Bạch Kê cùng thánh Trấn Vũ[12].
III. GỐC TÍCH VÀ CHỖ Ở CỦA LÝ THƯỜNG KIỆT
A. Về gốc tích của Lý Thường Kiệt:
Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Lý Thường Kiệt dựa vào Việt Điện u linh và Hoàng Việt địa dư cho Lý Thường Kiệt quê ở phường Thái Hòa trong thành Thăng Long.
Nhưng cuốn Việt điện u linh (bản dịch của Trịnh Đình Rư, tr.29) chỉ ghi là người ở “phường Thái Hòa”, tức không nhất thiết phải là nguyên quán mà có thể chỉ là chỗ cư trú. Hoàng Việt địa dư (tờ 20a) không nói tới phường Thái Hòa, chỉ đến núi Thái Hòa, và khẳng định đây là một nơi cư trú: Lý Thường Kiệt “núi Thái Hòa ở phía Tây trong thành. Xưa dưới triều Lý, thượng tướng quân Lý Thường Kiệt từng làm nhà ở đấy (tằng ư thử trí trạch yên). Về sau nhà Lê lập hành cung ở trên núi gọi là điện Thái Hòa”.
Bài ký trên chuông nói trên cho ta biết rằng Lý Thường Kiệt chính là người làng An Xá cũ, sau đổi là thôn Cơ Xá, nguyên người họ Ngô tên là Quảng Châu. Lý thường Kiệt được coi là “tổ địa” của làng Cơ Xá , nên tại những địa điểm dính líu đến làng đều thờ ông. Tại thôn Trung Hà ở giữa sông, thôn Cơ Xá nam ở phía dưới bến Đồng Nhân, là những xóm cũ của làng Cơ Xá xưa kia đều có miếu thờ Lý Thường Kiệt: miếu Trung Hà bị rỡ vì đổ nát cách đây ít lâu, còn đền Cơ Xá Nam thì hiện còn ở số 4 phố Nguyễn Huy Tự, tại thôn Bắc Biên, gia đình họ Ngô vẫn thờ Lý Thường Kiệt làm thủy tổ.
Trong cuốn Tây Hồ chí[13] có một số tài liệu về Lý Thường Kiệt và xác nhận nguyên quán của vị danh nhân này. Ở chương “Nhân vật” cuốn này ghi rõ “Ngô Tuấn người Cơ Xá huyện Quảng Đức [tức là huyện Vĩnh Thuận sau năm 1805] họ Ngô, tên Tuấn, tự là Lý Thường Kiệt, được ban quốc tính là họ Lý”
Ở chương “Cổ tích” mục “Nhà cũ của Việt quốc công” có ghi: Lý thường Kiệt “nguyên người động Bình Sa làng ở phía Nam Dâm Đàm[14]. Sau khi nhà Lý đóng đô ở Thăng Long, ông dời nhà về phía Bắc bờ sông Nhị…”.
Như vậy có thể khẳng định được rằng Lý Thường Kiệt chính nguyên quán thuộc làng An Xá (An Xá châu) vốn ở trong khu vực phía Nam Hồ Tây trong thành Thăng Long đời Lý. Làng An Xá có phải là động Bình Sa trong Tây Hồ chí hay không, hiện nay chưa có đủ tài liệu để quyết đoán. Vị trí chính xác ở chỗ nào? Hiện nay cũng chưa thể xác định một cách chắc chắn, có thể là ở vùng Khán Sơn trong vườn Bách thảo hiện nay vì theo gia phả họ Ngô ở Bắc Biên thì con chó cái từ phương Bắc sang sinh con ở chùa Cơ Xá, và đền thờ thần Cẩu mẫu theo Tây Hồ chí thì ở tại núi Khán Sơn. Cũng có thuyết cho là vùng thôn Vĩnh Phúc hiện nay là khu Thái Hòa cũ vì ở đó còn cái đồi tương truyền là di chỉ của cung Thái Hòa đời Lý và chữ “nội điện” nói trong bài tự ở chuông chùa An Xá chính là chỉ cung Thái Hòa. Điểm này phụ thuộc vào việc phát hiện vị trí đích xác của thành Thăng Long đời Lý là một vấn đề chưa thực sự giải quyết dứt khoát.
B. Về chỗ ở của Lý Thường Kiệt
Tây Hồ chí ở mục “Nhà cũ của Việt quốc công” có ghi: “Sau khi nhà Lý đóng đô ở Thăng Long, ông dời nhà về phía Bắc bờ sông Nhị. Nhà ông ở đấy bây giờ là chỗ nộp lương (lương trường) thôn Bắc Môn huyện Vĩnh thuận. Ông lại có nhà riêng ở đường Nam Nhai trước cửa Thái Hòa thành nhà Lý tức là nhà vua ban cho các quan (quan tứ)”.
Theo tài liệu trên thì Lý Thường Kiệt có hai chỗ ở:
1. Sau khi nguyên quán là làng An Xá bị chuyển từ khu vực phía Nam Hồ Tây ra ngoài bãi bờ sông Nhị, Lý Thường Kiệt đã dời nhà “về phía Bắc bờ sông Nhị…bấy giờ là chỗ nộp lương thôn Bắc Môn huyện Vĩnh Thuận”.
Nói rằng Lý Thường Kiệt đã dời nhà từ An Xá về thôn Bắc Môn là mâu thuẫn với chính sử vì Lý Thường Kiệt sinh năm 1019, chín năm sau khi Thăng Long được định đô, và quê cũ đã bị lấy làm kinh thành từ lâu. Như vậy nếu có sự chuyển chỗ đến thôn Bắc Môn thì phải do bố mẹ Lý Thường Kiệt. Thôn Bắc Môn hiện nay ở đâu? Dựa vào vị trí ở phía Bắc thành và gần kho lương thực[15] thì thôn Bắc Môn chắc ở vào khoảng các phố cửa Bắc, Châu Long, phía Bắc phố Quán Thánh và phía Đông Hồ Trúc Bạch hiện nay.
Vị trí nhà ở là như vậy, nên con đường đi học hàng ngày của Lý Thường Kiệt đến trường của Lý Công Uẩn ở làng Bái Ân theo Tây Hồ chí là “theo dọc sông Tô Lịch đến Bái Ân” hoặc “từ Yên Ninh đến Yên Thái”, cả hai đều chỉ một đường từ Yên Ninh lên đến Bưởi để rẽ vào Bái Ân, dọc theo quãng phía Tây của nhánh sông Tô Lịch chảy từ Bưởi sang phía Đông đổ vào con hào phía Bắc thành Hà Nội rồi chảy ra sông Hồng ở chỗ chợ Gạo hiện nay.
Ở khu vực hiện giờ không có dấu vết gì về thôn Bắc Môn. Nhưng cuốn địa chí về Hà Nội dưới triều Nguyễn có chép danh sách các thôn phường cũ theo chỗ tôi được biết như Phương Đình địa chí, Đồng Khánh địa dư không thấy ghi tên này, mà chỉ có thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương tức là vào khoảng cuối phố Hàng Bông gần phố Cửa Nam hiện nay. Tại số nhà 120b phố Hàng Bông bên cạnh đền Thiên Tiên có ngôi đình thôn Bắc Hạ cũ trong có thờ Lý Thường Kiệt, còn giữ được đạo sắc cũ nhất về thời Tự Đức năm thứ 6 phong cho “Lý Thái úy Việt quốc công”. Dựa vào hiện tượng thường thấy ở thời cũ là việc thờ phụng thành hoàng phần lớn dựa vào mối liên lạc nào đó giữa vị thần với địa phương và dựa vào tên thôn Bắc thượng bắc Hạ không phù hợp với vị trí của thôn ở phố Hàng Bông hiện nay, tôi nghĩ rằng có thể thôn Bắc thượng bắc hạ xưa kia là thôn Bắc Môn nói trong Tây Hồ chí, sau vì một lí do nào đó phải dời đến vị trí ở khoảng phố Hàng Bông, nên đã đổi tên cũ không thích hợp nữa vì không còn ở phía Bắc cổng thành nhưng chỉ bỏ có chữ “môn” còn giữ lại chữ Bắc, và biến thành hai thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ[16].
2. Chỗ ở thứ hai của Lý Thường Kiệt sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều là nhà của vua ban cho các quan tức là dinh thự riêng ở đường Nam Nhai. Tây Hồ chí xác định vị trí địa điểm này như sau: “Xét Nam Nhai về đời nhà Trần thuộc phường Thái Thạch 太石. Đến Lê sơ, Thái Thạch được đổi là Thái Hòa 太和. Đời Hậu Lê bỏ hoang gọi là bến Sa thảo (Sa Thảo tân) tục gọi là Hàng Cỏ. Thảo Tân về đầu bản triều [triều Nguyễn] thuộc làng Hoà Mỹ huyện Vĩnh Thuận bây giờ”.
Trong danh sách các làng và phường thuộc huyện Vĩnh Thuận (ở các sách đã dẫn trên) tôi chưa tìm thấy làng Hòa Mỹ hay Nam Nhai hoặc Thái Thạch hay Thái Hòa. Theo tên Nam Nhai, có thể đoán được rằng “con đường phía Nam” này phải ở ngay phía Nam cổng cửa nam thành Hà Nội cũ. Còn tên ở Thái Hòa ở phía Nam ngoài thành này chắc không dính líu gì đến cái tên phường Thái Hòa vẫn được coi là nguyên quán của Lý Thường Kiệt tức là ở vào chỗ cung Thái Hòa đời Lý. Dựa vào chỗ ở đây có bến cỏ và có tên Hàng Cỏ, ta có thể sơ bộ đặt nó vào khoảng khu vực Ga Hàng Cỏ và đầu phố Khâm Thiên hiện nay, và có lẽ Hòa Mỹ hiện tại. Tên Hàng Cỏ như vậy đã có từ trước và gắn liền với tên Thảo Tân một bến có nhiều cỏ vì ở một vùng có rất nhiều đầm ao mà cái lớn nhất là hồ Văn Chương hiện đang được lấp đi một phần rộng lớn, theo quy hoạch sửa sang Thành phố. Trong tập Thăng Long tam thập vịnh (sách Thư viện Khoa học trung ương ký hiệu A.2548 có bài “Linh Động phạm ngưu” (Chăn bò ở khu Linh Đồng) mở đầu bằng hai câu:
Tứ Mỹ phường đầu cận đế thành
Phạn ngưu na lý động danh linh
(Đầu phường Tứ Mỹ gần thành vua
Chăn trâu ở khu làng Linh Động…)
Linh đồng là một làng ở phía Tây ga Hàng Cỏ hiện nay, còn Tứ Mỹ (bốn làng Mỹ) chưa rõ chỉ những làng nào nhưng chắc chắn trong đó có làng Mỹ Đức và có lẽ có cả làng Tiên Mỹ xưa đều thuộc huyện Thọ Xương. Như vậy, ở đây trước kia vẫn có nhiều cỏ và có tên là Bến cỏ (thảo tân) cùng Hàng Cỏ. Sau khi Pháp sang, vào khoảng trước năm 1890, chúng đã lập một trường đua ngựa ở ngay chỗ nhà hát nhân dân hiện tại, có lẽ một phần để tiện tiếp tế cho ngựa vì gần nơi Hàng cỏ và thực tế hồi đó cũng có nhiều gánh hàng cỏ đến tập trung chỗ này để bán cho ngựa ăn. Nhưng tên Hàng Cỏ đã có trước cả hồi Pháp thuộc nhiều. Và tên này đã thành tên ga chính ở Hà Nội, sau khi thực dân Pháp làm xong đường xe lửa đầu tiên[17].
C. Về phần mộ của Lý Thường Kiệt
Trong cuốn Lý Thường Kiệt, Hoàng Xuân Hãn đã dân bia của Nhữ Bá Sĩ ở đền làng Ngô xá Thạch Hóa, cho rằng mộ Lý Thường Kiệt ở làng Yên Lạc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nhưng ngay sau đó, Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh rằng điều nói trên là không đúng, vì đền Yên Lạc thờ Đỗ Anh Vũ cũng làm Thái úy đời Lý chứ không phải thờ Lý Thường Kiệt.
Cuốn Tây Hồ chí ở chương Nhân vật, khi nói về Lý Thường Kiệt có cho biết mộ vị tướng này ở trại Nam Đồng ngoại thành Hà Nội. Hiện nay ở phố Nam Đồng số 63 còn ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt. Tiếc rằng cuộc điều tra tại chỗ trong giới phụ lão làng Nam Đồng không phát hiện được tài liệu gì về ngôi mộ của Lý thường Kiệt. Những câu đối hiện còn ở đền (trong đó có câu của Nguyễn Thượng Hiền làm năm 1902) cũng không nói gì đến chuyện này.
*
* *
Trên đây là một số tài liệu và nhận xét nhân một bài ký trên quả chuông ở ngôi chùa An Xá làng Bắc Biên và nhân một số tài liệu ghi trong cuốn Tây hồ chí. Có nhiều điều nghi vấn hiện chưa giải quyết được, như trong bài ký trên quả chuông Lý Thường Kiệt được ghi là Quản châu hầu, tuy rằng theo chính sử, ông được tặng tước Việt Quốc công. Ngoài ra một số địa danh cũng cần được đi sâu để xác minh rõ ràng vị trí. Có điều đáng tiếc rằng theo các phụ lão thôn Bắc Biên, năm 1960, thôn này đã bán cho Công ty Tư liệu Gia Lâm (Hợp tác xã mua bán quận 8) một số đồ đồng gồm 375 cân trong đó có chiếc khánh đồng nặng chừng 2 tạ, khánh này có chữ “An Xá tự” và có ghi khá nhiều tài liệu về làng Cơ Xá cũ.
Chú thích:
[1] Những chữ trong dấu móc là do người dịch thêm vào để tiện việc theo dõi.
[2] Ruộng tế của Khanh đại phu thời cổ.
[3] Tức là bãi ở khoảng giữa sông, hiện nay có thôn Trung Hà là một thôn của xã Ngọc Thụy. Thôn Trung Hà trước đây là xóm Trung Hà cùng với xóm Bắc Biên nằm trong xã Phúc Xá tức Cơ Xá cũ.
[4] “Tổ địa” tra những từ điển Trung Quốc như Từ nguyên, Từ hải và Phật học đại từ điển không thấy giải nghĩa. Theo một số phụ lão thì đấy là chữ nhà Phật; chỉ những tín đồ có uy thế.
[5] Chỉ những ruộng cúng vào chùa chiều để làm hậu hay dùng bố thí cho người nghèo.
[6] Lâm Hạ là tên cũ của Lâm Do. An Hoa là tên cũ của Yên Phụ. Cống Ông Mạc nay thường gọi chạnh là Ô Đống Mác tức đoạn cuối phố Lò Đúc, giáp giới với Thanh Nhàn hiện nay.
[7] Thủ tục cho miễn thuế và các quan chức cho miễn thuế trên đây được ghi lại hầu như toàn bộ, kể cả các tên người, trong bài văn bia chùa Tam bảo tức chùa Ba làng dựng năm Đức Long thứ 3 (1631), nay thuộc xã Tứ Liên - huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.
[8] Tài liệu do cụ Lê Đăng Tiêm thôn Bắc Biên giữ.
[9] Về tổng, chắc do sau này thêm vào, vì đời Lý chưa đặt tên tổng.
[10] Cơ Xá 機舍, “cơ” là máy. Không rõ dựa vào nghĩa nào của chữ “cơ” này mà Lý Thần Tông đã đổi tên xã An Xá cũ. Xã Cơ Xá thuộc Kinh Bắc, cho đến năm Tân Hợi Tự Đức thứ 4 [1861] mới trở lại phụ thuộc vào tỉnh Hà Nội. Đến năm Duy Tân thứ 4 [1891], do sự yêu cầu của dân, Cơ Xá đổi tên là Phúc Xá (vẫn theo tài liệu trên). Trong thời Pháp thuộc xã Phú Xá gồm: 1. xóm Bắc Biên, xuất hiện vào năm 1918 - 19 ở trên đám tư thổ do dân làng mua của mấy làng Yên Tân, Bắc Cầu… ở bên tả ngạn sông Hồng; 2. xóm Trung Hà ở bãi nổi giữa sông Hồng; 3. xóm Tân biên ở giáp Yên Phụ, bên tả ngạn sông Hồng; Ngoài ra, thôn Cơ Xá Nam ở ngoài bãi giáp Đồng Nhân cũng do dân thôn Cơ Xá tới lập nghiệp cách đây độ 100 năm.
[11] Phật giáo kỵ sát sinh, nhưng kỵ nhất là giết và ăn thịt chó, không rõ là có liên lạc gì với địa vị “chó thần” đối với triều Lý là một triều đại gắn liền với uy thế tột bậc của đạo Phật ở nước ta hay không?.
[12] Trong ngày hội lớn Cổ Loa mùng 6 tháng 1 dân làng Quậy vẫn được dành một chiếc chiếu lễ ở đền, giải ngay sau chiếu chủ tế, và trước cả dân làng Cổ Loa. (Tài liệu điều tra tại chỗ. Xem thêm lược sử xã Quyết Tâm tức xã Cổ Loa, và lược sử xã Liên Hà trong đó có thôn Đại Vĩ, huyện Đông Anh do đoàn cán bộ và sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp viết, trong đợt phối hợp với Sở Văn hóa Hà Nội làm kiểm kê di tích ở một số xã Đông Anh, tháng Giêng năm 1965).
[13] Sách đã dẫn ở trên. Sách này không được Hoàng Xuân Hãn sử dụng khi viết Lý Thường Kiệt, và hiện có hai bản: A.3192(1) và A.3192(2) đều là bản viết tay. Bản trên ngờ là nguyên tác vì có nhiều chỗ sửa chữa, thêm vào, xóa đi, còn bản sau chỉ là sao lại bản trên, và mới được chép gần đây.
[14] Ở bản A.3192 (1) ở Thư viện Khoa học Trung ương có một chữ thêm vào rồi lại bị xóa đi, nhưng vẫn còn đọc được: “Long thành Cơ Xá ấp nhân… án kim tỉnh thành Bắc Môn ngoại vi Cơ Xá địa 龍城機舍邑人按今省城北門外古為機舍地 (người ấp Cơ Xá thành Thăng Long. Xét ngoài cửa Bắc tỉnh thành hiện nay, thời cổ là đất Cơ Xá ). Cõ lẽ tác giả Tây Hồ chí đã xóa dòng này vì ở cuốn sách chương Nhân vật (như đã nói ở trên trong bài) cũng khẳng định rằng Lý Thường Kiệt là người làng Cơ Xá, còn đoạn câu thêm vào nói rằng đất Cơ Xá xưa ở phía Bắc tỉnh thành hiện nay thì có lẽ đã bị xóa đi vì không đúng sự thực: Tài liệu chuông chùa An Xá và phả ký thôn Bắc Biên cho biết rằng sau khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long thì làng An Xá (tức Cơ Xá) bị dời ngay ra bãi ngoài đê sông Nhị.
[15] Trong một bài ký “Dời chỗ ở” của Cao Bá Quát thì nhà ở Cao Bá Quát cũng đã có lần dời từ khu cửa Nam đến khu cửa Bắc thành “phía Nam trông ra lầu canh của thành… phía Đông tiếp nơi thu thuế đông người tụ tập, phía Tây là cảnh đẹp hồ Kim Ngưu và hồ Trúc Bạch… phía Bắc là ngôi chùa Linh Sơn và mấy chùa khác…”. Nghĩa là vào khoảng thôn Bắc Môn là khu vực nhà của Lý Thường Kiệt (xem bài Góp thêm tài liệu về năm sinh và chỗ ở của Cao Bá Quát của Tảo Trang, Tạp chí văn học, số tháng XI năm 1963).
[16] Trường hợp này thường xảy ra, thí dụ như thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương cũ tục gọi là làng Hỏa Lò, xưa kia ở khu vực phố Hỏa Lò hiện nay đã di dời xuống mạn cuối phố Bà Triệu, và đình làng Phụ Khánh hiện tại ở bên cạnh chùa Chân Tiên số 93 phố Bà Triệu.
[17] Thảo Tân hay Sa Thảo tân là một địa điểm thường được nhắc đến nhiều trong sử cũ, nhất là vào khoảng đầu thời Lê Trung hưng. Xem Việt sử cương mục, chương XXIX, 33, XXX, 2, 10, 12. Các nhà biên tập Việt sử cương mục ghi: “chắc là phía Nam bờ sông Nhị nay ở đâu không rõ”. Nhưng theo tổ biên dịch Viện sử học thì “có thể là ở vùng ga Hàng Cỏ (tức là ga Hà Nội) và phố Hàng Cỏ (nay là đường Nam Bộ) Hà Nội ngày nay (xem bản dịch của Viện Sử học, tr.1401).
Nguồn: Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 75, 1965, tr.4 - 9.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 13-06-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11
Thứ ba - 19/11/2024 08:11